World Cup 2022: Bóng đá lép vế trước «thánh địa đua lạc đà» ở Qatar

Share this post on:

Đăng ngày: 19/11/2022 – Chi Phương – RFI

Cuộc đua lạc đà ở Al-Shahaniya, Qatar, 12/11/2022. REUTERS – AMR ABDALLAH DALSH

Cúp bóng đá thế giới 2022 sẽ khai mạc ngày 20/11 tại Qatar, một đất nước mà người dân quan tâm đến đua lạc đà hơn là bóng đá. Tại Aghanistan, chính quyền Taliban thông báo chính thức áp đặt luật Hồi giáo Sharia hà khắc. Tổng thống Ukraina hành xử thái quá với truyền thông. Hàn Quốc :  Chú chó « hòa bình » do Kim Jong Un tặng bị đưa qua đẩy lại. Trên đây là những chủ đề chính của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.

Lần đầu tiên, Cúp bóng đá thế giới được tổ chức tại một nước Ả Rập, vào mùa đông chứ không phải mùa hè như thường lệ. Điều đặc biệt nữa là giải bóng đá lớn nhất hành tinh chúng ta lại được tổ chức bởi  một nước mà bóng đá không phải là một môn thể thao phổ biến. Mãi cho đến những năm 1980, khi trở nên giàu có nhờ những khai khoáng dầu khí, thì Qatar mới bắt đầu đầu tư vào môn thể thao vua. Theo Viện Nghe Nhìn Quốc Gia Pháp (Institut national de l’audiovisuel), đầu những năm 2000, nhiều cầu thủ bóng đá sắp giải nghệ từ nhiều nơi trên thế giới đã chọn đến sống ở Qatar. Đất nước có diện tích chỉ hơn 11.000 km là một nơi chiến lược để định cư, nhất là về khía cạnh tài chính nhờ các ưu đãi thuế.  

Đối với Qatar, bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất hành tinh, là công cụ chiến lược để xây dựng sức ảnh hưởng. Năm 2010, Qatar giành được tấm vé nước chủ nhà cho Cúp bóng đá năm 2022. Các đầu tư vào bóng đá, cũng như cả hạ tầng phục vụ cho giải đấu, gia tăng mạnh. Năm 2011, Qatar mua câu lạc bộ Paris Saint-Germain của Pháp và nhiều ngôi sao bóng đá trên thế giới.

Vài ngày trước khi World Cup diễn ra, hình ảnh các cổ động viên mặc áo của nhiều đội tuyển khác nhau, đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Qatar có trả tiền để thuê cổ động viên giả đến « hò hét » hay không. Một trong những lập luận được đưa ra là bóng đá không phải là môn thể thao phổ biến ở quốc gia vùng Vịnh này, mà thay vào đó là môn đua lạc đà – môn thể thao quốc dân của Qatar.

Cách thủ đô Doha 40 km, không khí bóng đá đã bị thay thế bởi tiếng lạc đà chạy ầm ầm trên đường đua ở Al-Shahaniya. Hãng tin AFP trích dẫn một người đàn ông 23 tuổi có mặt tại đây : « Lạc đà là một phần trong chúng tôi, là niềm đam mê chính của chúng tôi và cũng là môn thể thao số một tại vùng Vịnh ».

PUBLICITÉ

Đua lạc đà là một di sản của Qatar, được cho là bắt nguồn từ người du mục Bedouin. Đối với họ, lạc đà là một phương thức di chuyển trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhưng cũng là để thể hiện sự giàu có. Mỗi con lạc đà một bướu (chuyên dùng trong các cuộc đua) có giá khởi điểm từ 10.000 euro, chưa kể chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc. Các cuộc đua lạc đà chuyên nghiệp bắt đầu từ năm 1972 và được chiếu trực tiếp trên truyền hình. Theo AFP, khoảng 5.000 người tham gia vào các cuộc đua ở đất nước 3 triệu dân này. Tổng cộng có hơn 22 000 lạc đà đua trên cả nước. Tại thánh địa của lạc đà, các cuộc đua do các vị vua, tiểu vương hoặc quốc vương bảo trợ. Ảnh chân dung của họ được treo ở khắp các trường đua.

Năm 2019, trang Youtube của CLB Paris- Saint Germain đăng tải một video, cho thấy các cầu thủ như Neymar, Mbappé và những thành viên khác của câu lạc bộ đến Qatar thăm quan và đua lạc đà. Neymar đã thắng cuộc đua và nhận được tấm séc trị giá 25.000 euro. Với số lượng người hâm mộ khổng lồ di chuyển đến Qatar trong dịp World Cup lần này, khoảng 900 chuyến bay hạ cánh ở Doha mỗi ngày, nhiều trang du lịch đề xuất đến thăm quan các cuộc đua lạc đà.

Luật Sharia quay trở lại : Nỗi sợ hãi của người Afghanistan

Vẫn về thời sự Trung Đông, vào đầu tuần này, hôm 14/11, chính quyền Taliban đã yêu cầu thẩm phán Afghanistan, kiểm tra cẩn thận các hồ sơ của những tên trộm, kẻ bắt cóc …, và kể từ nay phải áp dụng luật Sharia, một đạo luật Hồi giáo khắc nghiệt đối với các tội danh này. Điều này có nghĩa là những người phạm các tội danh trên có thể phải đối mặt với việc bị xử phạt tại nơi công cộng, như bị ném đá hay chặt chân, chặt tay. Từ Islamabad, thông tín viên RFI Sonia Ghezali cho biết thêm thông tin :  

« Lời hứa của Taliban về cách cai trị ôn hòa hơn khi giành lại quyền cai trị Afghanistan hơn một năm trước giờ ở đâu ? Đây là câu hỏi được của nhiều người Afghanistan trên mạng xã hội. Một cư dân ở thủ đô Kabul cho biết Taliban đã không ngừng lộ rõ bộ mặt thật kể từ khi nắm quyền. « Chế độ Taliban của những năm 1990 đã quay trở lại ». Đó là một chế độ được đánh dấu bởi các hình phạt ném đá, hành quyết tại nơi công cộng những người được cho là phạm tội ngoại tình, hay cả việc chặt đi một bộ phận cơ thể vì tội ăn cắp, giống như những gì mà luật Sharia đã nêu ra. Một số video loan tải trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh những người phụ nữ hoặc đàn ông, quỳ gối dưới đất, bị hàng chục người khác ném đá vào. Tuy nhiên, rất khó để xác định những hình ảnh này liệu có được ghi lại ở Afghanistan dưới chế độ Taliban hiện nay hay không.

Bầu không khí sợ hãi ngự trị trong dân chúng của một đất nước mà luật pháp ngày càng khắt khe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Sau khi bị cấm tham gia hoạt động chính trị hay tại nhiều lĩnh vực, như giáo dục, thể thao, phụ nữ Afghanistan không có quyền đến các bể bơi công cộng. Và kể từ tuần trước, họ cũng đã bị cấm đến công viên. »

Theo truyền thông, tổng thống Ukraina cư xử thái quá trong vụ tên lửa rơi vào Ba Lan  

Về chiến tranh Ukraina, trong tuần vừa qua, hôm 15/11/2022, một tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow, ở Ba Lan, cách biên giới Ukraina vài km. Hai người đã thiệt mạng. Tổng thống Ukraina ngay lập tức cáo buộc Nga đã bắn tên lửa vào lãnh thổ của NATO và cảnh báo về việc căng thẳng leo thang. Phía Nga bác bỏ tin này. Hoa Kỳ và các nước phương Tây lại thận trọng. Washington xác nhận giả thuyết mà Ba Lan đưa ra, đó là rất có thể tên lửa S300 do Liên Xô sản xuất được bắn từ phía lực lượng phòng không Ukraina để đánh chặn tên lửa của Nga, chứ không phải do Nga bắn vào Ba Lan.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 16/11 cho biết không cần thiết phải kích hoạt điều 4 của hiệp ước NATO vì cho rằng đây không phải là một cuộc tấn công có chủ ý. (Theo điều 4, các thành viên của liên minh quân sự có thể đề xuất cùng nhau tham vấn, về bất kỳ vấn đề nào, đặc biệt là liên quan đến an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.)

Tuy nhiên, lãnh đạo Ukraina nhiều lần bác bỏ luận điểm của phương Tây và nhất mực khẳng định chính Nga bắn tên lửa vào Ba Lan. Mãi cho đến hôm thứ Năm, 17/11, tại một diễn đàn kinh tế, ông Zelensky, được AFP trích dẫn, nói rằng ông không biết chuyện gì đã xảy ra : « Chúng tôi không biết chắc chắn. Không ai biết cả… chúng ta chỉ có thể kết luận sau khi đã điều tra ». Ông Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo lực lượng quân sự của Pháp tại Liên Hiệp Quốc, chuyên gia về quan hệ quốc tế, trả lời đài RFI, ban Pháp ngữ, cho rằng tổng thống Ukraina hành xử quá đà, thiếu chừng mực. Tướng Trinquand cho biết thêm :  

« Tôi cho rằng có một sự kích động về truyền thông và cần phải hoan nghênh các bên đã giữ bình tĩnh và nói rằng cần phải điều tra. Tôi đặt trong ngoặc đơn trường hợp của ông Zelensky. Vị tổng thống Ukraina đã sử dụng quá đà quân bài truyền thông về chủ đề này. Thay vì tiết chế truyền thông, ông ấy lại được đà chạy theo truyền thông. Nhưng về mặt này, chúng ta có thể hiểu là đối với một đất nước phải chịu chiến tranh từ 9 tháng qua, thì áp lực là rất lớn. Ông ấy hơi quá bận rộn, choáng ngợp (bởi mục tiêu giải phóng Ukraina). Tôi muốn nói rằng các lãnh đạo nước khác thì sẽ nhìn nhận mọi việc một cách chiến lược hơn. »

Hàn Quốc :  Chú chó « hòa bình » Kim Jong Un tặng bị đưa qua đẩy lại

Nhìn sang châu Á, tại Hàn Quốc, cựu tổng thống Moon Jae In và người kế nhiệm Yoon Suk Yeol đưa đẩy trách nhiệm nuôi giữ hai chú chó mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tặng vào năm 2018. Ông Moon muốn trả lại hai chú cẩu cho Nhà nước vì việc nuôi dưỡng chúng quá tốn kém, trong khi ông lại không nhận được hỗ trợ về tài chính, cũng như về thủ tục hành chính của chính phủ bảo thủ hiện nay.

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca tường trình :

« Songkang và Gomi là tên của hai chú chó mang biểu tượng hòa bình mà Kim Jong Un đã trao tặng cho cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In năm 2018. Chúng đã trở thành mối gây bất hòa đối với hai vị tổng thống. Giống chó Pungsan, một loại chó săn, là biểu tượng cho tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, đã trở thành một vấn đề mang tính chính trị ở Hàn Quốc. Khi ông Moon Jae In rời ghế tổng thống vào tháng Tư vừa qua, ông đã mang theo hai chú chó này, thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà nước Hàn Quốc. Cựu tổng thống cần phải nhận được một loại giấy phép để có thể được tiếp tục nuôi chúng, cũng như khoản hỗ trợ tài chính, lên đến 1.850 đô la mỗi tháng. Tuy nhiên hồ sơ cấp giấy phép đặc biệt này sẽ không lên đến Quốc Hội, một nơi có nghĩa vụ sửa đổi luật pháp. Để cho qua chuyện, ông Moon Jae In đã cáo buộc phe của tổng thống đương nhiệm ngăn cản thủ tục giải quyết hồ sơ này và trả lại hai chú chó cho Nhà nước. Vụ việc này đã gây ra tranh cãi. Một số hiệp hội bảo vệ động vật cáo buộc cựu tổng thống đã bỏ rơi hai chú chó vì lý do tài chính. Về phần mình, ông Moon lại xác nhận rằng muốn tiếp tục nuôi chúng, nhưng phải đợi chính quyền hiện tại cho phép. Số phận của hai chú chó mang hòa bình đối với bán đảo Triều Tiên, có vẻ như đang dần dần đen tối, vào thời điểm mà căng thẳng gia tăng trở lại rõ rệt giữa hai miền Nam – Bắc. 

Theo RFI tiếng Việt