26/9/2021
6. QUAD tập trung thúc đẩy sự hợp tác trong các công nghệ chủ chốt và mới xuất hiện.
Tại Cuộc họp Thượng đỉnh này, Nhóm Bộ tứ ra “Tuyên bố về các nguyên tắc thiết kế, phát triển, quản trị và sử dụng công nghệ”.
Điều này cho thấy công nghệ, đặc biệt các công nghệ mũi nhọn là trọng tâm cạnh tranh sức mạnh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, và quyết định việc Mỹ có tiếp tục duy trì vị trí bá chủ thế giới trong những năm còn lại của thế kỷ 21 hay không.
Tuyên bố này không chỉ định hướng các vấn đề liên quan đến xây dựng các “chuẩn công nghệ” của các nước thành viên Nhóm Bộ tứ, cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà cả trên phạm vi toàn cầu. Trước mắt, QUAD tập trung vào một số lĩnh vực chính là: thiết lập mạng lưới cung cấp chip bán dẫn và hỗ trợ phát triển mạng điện thoại 5G.
Bên cạnh đó, QUAD cũng nêu hai lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác là an ninh mạng và không gian.
7. Xuyên suốt trong các phát biểu của lãnh đạo Nhóm bộ tứ trước và trong quá trình họp Hội nghị Thượng đỉnh là việc họ nhấn mạnh họ là các quốc gia dân chủ lâu đời, chia sẻ các giá trị dân chủ.
Trong diễn văn phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, Tổng thống Biden cũng nhiều lần nhấn mạnh đến việc thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền trong quá trình trình thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như trong quan hệ của Mỹ với các đối tác.
Như vậy, nhìn ở góc độ khác, có thể thấy QUAD, cũng như liên minh an ninh AUKUS vừa ra đời ngày 15/9 trước đó là sự manh nha hình thành liên minh các nước “dân chủ” ở phạm vi khu vực và toàn cầu.
8. Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhóm bộ tứ cũng đề cập đến một loạt các thách thức đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở trong khu vực như chống khủng bố, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Myanmar…
Tuy nhiên, thách thức an ninh biển mới là mối quan tâm lớn nhất của họ. Các nhà lãnh đạo nhóm bộ tứ tiếp tục nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
9. Nhóm bộ tứ không phải là một liên minh an ninh như AUKUS vừa ra đời trước đó giữa Mỹ, Anh và Australia. Trước cuộc họp thượng đỉnh của QUAD ngày 24/9, nhiều ý kiến lo ngại rằng QUAD sẽ có khả năng trở thành một liên minh an ninh mới hay một tổ chức “bán NATO” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra.
Hợp tác quốc phòng trong QUAD hiện chỉ giới hạn trong khuôn khổ tập trận hải quân hàng năm Malabar ở khu vực Ấn Độ Dương giữa bốn Quốc gia Nhóm bộ tứ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, các cuộc tập trận Malabar trong tương lai sẽ được mở rộng cho các nước đối tác và bạn bè của 4 thành viên Nhóm bộ tứ tham dự.
Một điểm đáng lưu ý là tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trên thực tế tất cả các sáng kiến hợp tác của Nhóm Bộ tứ từ sản xuất và phân phối vắc xin “an toàn và hiệu quả”, xây dựng cơ sở hạ tầng “tiêu chuẩn cao”, đến biến đổi khí hậu, phát triển các công nghệ mới đều nhằm mục đích tạo cho Mỹ và các nước thành viên ở thế mạnh vượt trội trong cạnh tranh với Trung Quốc và duy trì trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
10. Nhóm bộ tứ đang tiến nhanh đến quá trình thể chế hóa. Kể từ khi Biden lên cầm quyền, hợp tác trong Nhóm Bộ tứ và quá trình thiết chế hóa đã được thúc đẩy mạnh mẽ.
Sau hai Hội nghị Thượng đỉnh của QUAD vào tháng 3 và tháng 9 năm nay, sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên Nhóm Bộ tứ đã được nâng lên một bước mới.
Trong Tuyên bố chung lần này, các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ nhất trí từ nay trở đi sẽ có cuộc họp thường niên giữa Lãnh đạo Cấp cao và cấp Ngoại trưởng. Còn còn cuộc họp của các quan chức cấp cao sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Tất nhiên, đây mới chỉ là các động thái bước đầu. Với tình hình khu vực đang có những biến chuyển nhanh chóng, nhiều khả năng các hợp tác và tiến trình thể chế hóa của Nhóm Bộ tứ không chỉ dừng tại đây mà sẽ được đẩy mạnh trong tương lai./.
(Hết)