Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ: Trung Quốc ‘bối rối’ trước sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người Duy Ngô Nhĩ

Share this post on:
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ: Trung Quốc 'bối rối' trước sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người Duy Ngô Nhĩ

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tham dự cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga sau cuộc hội đàm của họ tại Moscow, Nga, vào ngày 16/3/2022. (Ảnh: Maxim Shemetov/Pool/AFP/Getty Images)

 Bình luậnHuyền Anh • 02:20, 05/01/23

   

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất “bối rối” trước sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Duy Ngô Nhĩ – một trong những dân tộc thiểu số theo đạo Hồi lớn nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ từ chối dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Quốc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào ngày 29/12.

Xem nhanh

  1. 50 quốc gia lên án Trung Quốc
  2. Liên Hợp Quốc bỏ phiếu bác bỏ cuộc tranh luận về người Duy Ngô Nhĩ

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, những tuyên bố về việc người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị dẫn độ sang Trung Quốc là “hoàn toàn dối trá”. Đồng thời, ông khẳng định rằng, Ankara sẽ không khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến quan hệ song phương.

Ông nói với các phóng viên ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ rằng: “Mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ – Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do Bắc Kinh ‘bối rối’ trước thái độ của chúng tôi về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ”, theo tờ Middle East Monitor.

“Họ đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với những người là công dân của chúng tôi, những người vốn sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào như vậy”, Cavusoglu nói thêm.

Ông Cavusoglu đã trích dẫn một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2022, nêu chi tiết các hành vi ngược đãi mà ĐCSTQ bị cáo buộc đã thực hiện đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Liên Hợp Quốc tuyên bố đây là những “tội ác chống lại loài người” và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức.

“Chúng tôi bảo vệ quyền của người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế và điều này khiến Trung Quốc lo lắng. Nhưng đây là một vấn đề nhân đạo”, ông lưu ý.

Ông Cavusoglu tuyên bố rằng, chính quyền Trung Quốc đã chặn Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương và yêu cầu ông phải tuân thủ “chương trình mà họ cung cấp”.

Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Trung Quốc một cách minh bạch.

“Tại sao chúng tôi phải trở thành công cụ tuyên truyền của Trung Quốc? Chúng tôi muốn hợp tác. Chúng tôi không xem đây là một vấn đề chính trị”, ông nói.

“Chúng tôi dứt khoát không chống đối Trung Quốc. Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc'”.

50 quốc gia lên án Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 50 quốc gia đã ký tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 31/10/2022, kêu gọi ĐCSTQ thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình và trả tự do cho những người “bị tùy tiện tước đoạt quyền tự do” ở Tân Cương.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc, Đức và Israel là nhóm các quốc gia lớn nhất công khai lên án các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc.

Các nước ký kết kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng trả tự do cho tất cả các cá nhân bị giam giữ ở Tân Cương, cũng như khẩn trương làm rõ số phận và nơi ở của các thành viên gia đình mất tích, đồng thời tạo điều kiện để họ được liên lạc và đoàn tụ an toàn với gia đình.

“Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh trên cơ sở chống khủng bố”, tuyên bố chung cho biết.

Liên Hợp Quốc bỏ phiếu bác bỏ cuộc tranh luận về người Duy Ngô Nhĩ

Giới chức Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada đã kêu gọi một cuộc tranh luận về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương, sau khi một báo cáo của Liên Hợp Quốc ghi nhận các tội ác chống lại loài người có thể xảy ra trong khu vực.

Báo cáo cho biết: “Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm chủ yếu là người Hồi giáo khác… có thể cấu thành tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người”.

“Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã xảy ra [ở Tân Cương] trong bối cảnh ĐCSTQ áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống ‘chủ nghĩa cực đoan'”.

Bất chấp những lo ngại rộng rãi về báo cáo của Liên Hợp Quốc trước tình hình ở Tân Cương, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu với tỷ lệ 19–17 để phản đối đề nghị tranh luận, trong đó có 11 quốc gia bỏ phiếu trắng. Đây là lần thứ hai trong lịch sử 16 năm của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một kiến ​​nghị đã bị bác bỏ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Theo ntdvn.net