Nguồn: The Diplomat – The Enduring Role of Mistresses in Southeast Asian Politics
Anh Khoa Dịch/ VNTB – 18/5/2023
Từ Philippines đến Campuchia, hành vi ngoại tình của quan chức cấp cao định hình sự nghiệp chính trị và quỹ đạo quốc gia.
Quan chức Việt Nam không xa lạ gì với bồ nhí. Năm 2009, nhà văn bất đồng chính kiến Dương Thu Hương, tuyên bố rằng một tình nhân của Hồ Chí Minh đã bị chính quyền cộng sản sát hại để bảo vệ những huyền thoại đạo đức của Bác Hồ. Nông Đức Mạnh, tổng bí thư đảng cộng sản từ năm 2001 đến 2011, từ lâu đã bị đồn đại là con hoang của Hồ Chí Minh. Khi một nhà ngoại giao hỏi tin đồn đó có đúng không, ông Mạnh trả lời: “Tất cả chúng tôi đều là con cháu Bác Hồ,”
Một vụ ngoại tình lại một lần nữa xuất hiện sau khi có lệnh bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một nữ doanh nhân và là người môi giới giao dịch vũ khí giữa Việt Nam và Israel. Bà Nhàn được cho là hiện đang sống ở Châu Âu. Bà Nhàn bị nghi ngờ lừa đảo và gian lận đấu thầu thiết bị y tế trị giá khoảng 7 triệu đô la. Theo tin đồn, không thể chứng minh, bà là tình nhân cũ của cả đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính và đương kim bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang. Theo một số người, có lệnh bắt giữ bà là hậu quả của cuộc đấu đá giữa các quan chức cao cấp nhất ở Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Vậy các quốc gia Đông Nam Á còn lại thì sao? Một phần khiến công chúng nổi cơn phẫn nộ vào năm 2020 đối với Vua Vajiralongkorn của Thái Lan chắc hẳn là do cuộc sống riêng của ông, từ sở thích sống ở Đức cho đến những bức ảnh trong bộ trang phục thiếu vải đáng xấu hổ. “Quý phi ” Sineenat Wongvajirapakdi, được cho là bị truất ra khỏi triều đình vào năm 2019 nhưng năm sau đã được đưa trở lại. Một lần nữa, các vụ ngoại tình lại là tâm điểm của chính trường Thái Lan. Năm 1991, sau một cuộc đảo chính quân sự, người đứng đầu chính quyền quân sự Sunthorn Kongsompong buộc phải can thiệp sau cuộc khẩu chiến công khai giữa vợ và nhân tình 39 tuổi của ông. Ông từ chức năm 1992 và qua đời năm 1999, nhưng hai năm sau, vụ việc biến thành cuộc tranh cãi toàn quốc về tham nhũng của quan chức khi người vợ góa của ông kiện tình địch, tiết lộ mức độ giàu có của Sunthorn.
Vua Vajiralongkorn – Quí phi Sineenat Wongvajirapakdi
Ở Singapore, các phản ứng mang tính đạo đức hơn một chút. Năm 2012, chủ tịch quốc hội, Michael Palmer, đã từ chức do ngoại tình, mặc dù Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền đã tránh lời kêu gọi tổ chức bầu cử mới từ phe đối lập.
Michael Palmer
Cùng năm đó, chính trị gia đang lên của đảng đối lập Singapore, Yaw Shin Leong, bị buộc phải từ chức vì ngoại tình. Việc không có bồ nhí cũng khiến người ta hứng thú. Trong cáo phó viết cho nhà độc tài Suharto, Benedict Anderson tiết lộ Suharto có 73 tỷ đô la trong các tài khoản khác nhau vào giữa những năm 1990. Tuy nhiên, “đằng sau sự tích lũy đáng kinh ngạc này là một tâm lý kỳ lạ. Sở thích cá nhân của ông Suharto khá đơn giản, và ông ấy không có một dàn bồ nhí tốn kém.”
Một trường hợp hiếm hoi ở Lào vốn kín tiếng về chính trị đã xảy ra vào năm 2010 khi thủ tướng Bouasone Bouphavanh bất ngờ từ chức. Thời báo Viêng Chăn đưa tin rằng Bouasone đã từ chức vì “vấn đề gia đình”. Martin Stuart-Fox, một chuyên gia về Lào, nhận xét vào thời điểm đó rằng đây là “sự ám chỉ đến vụ ly hôn gần đây của Bouasone và sự phẫn nộ ngày càng tăng rằng bồ nhí của ông ta đã lợi dụng địa vị của mình để làm giàu cho bản thân và gia đình.” Đó không phải là lý do chính khiến Bouasone từ chức; mà là một mạng lưới cạnh tranh phức tạp và nghi ngờ trong nội bộ đảng. Tuy nhiên, tham nhũng gia tăng là một lý do quan trọng khiến nhiều người trong đảng quay lưng lại với Bouasone. Nhưng, một lần nữa, đây không phải là một cuộc cải tổ lớn như vậy. Đây là một trong số lần hiếm hoi một lãnh đạo Lào từ chức, nhưng việc kế nhiệm diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ, và Bouasone đã bị thay thế vào năm sau.
Vào tháng 11 năm 1970, nữ diễn viên người Mỹ Dovie Beams công khai mối quan hệ của cô với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, cho tung ra luôn băng ghi âm hẹn hò của họ. Vào năm 2019, học giả Caroline S. Hau đã xuất bản một bài luận dài về vụ bê bối rất đáng đọc. Một số nhà phân tích cho rằng vụ ngoại tình đã cho Imelda Marcos, vợ ông, cái cớ để nắm lấy đòn bẩy lớn hơn trong chính trường. Những người khác cho rằng vụ ngoại tình có thể đã khiến thủ tướng Marcos bị hạ bệ năm 1970. Nhưng không phải vậy. Marcos tái đắc cử năm 1969, một năm trước khi vụ bê bối nổ ra, và năm 1972, ông ta tuyên bố thiết quân luật, biến mình thành nhà độc tài trong hơn một chục năm. Tuy nhiên, Hau lập luận rất hợp lý rằng ký ức về vụ ngoại tình đã tiếp thêm đạn cho các đối thủ của Marcos cho đến khi ông ta sụp đổ vào năm 1986.
Dovie Beams – Marcos
Một vụ khác là vụ ngoại tình của ông Najib Razak, phó thủ tướng Malaysia sau năm 2008. Vào thời điểm đó, Najib được nhiều người cho là ông sẽ đảm nhận chức thủ tướng vào năm 2009. Nhưng năm 2008, ông đã bị dòm ngó sau khi một người mẫu Mông Cổ, Shaariibuu Altantuya, bị bắn chết và nổ “mất xác” bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur hai năm trước đó. Altantuya được cho là tình nhân của một cộng sự quan trọng của Najib, Abdul Razak, người này đã được rũ bỏ mọi liên quan vào năm 2008. Tuy nhiên, năm đó, blogger gây tranh cãi Raja Petra đã cáo buộc rằng vợ của Najib, Rosmah Mansor, đã có mặt tại hiện trường vụ án, một cáo buộc khiến ông ta bị bắt vì tội nổi loạn. Najib vẫn giữ nguyên vẹn danh tiếng và ông trở thành thủ tướng vào năm sau. Năm 2019, Azilah Hadri, một trong hai người bị kết tội giết Altantuya, nói rằng Najib đã ra lệnh giết cô Altantuya và anh ta đã phản đối việc này.
Shaariibuu Altantuya – Najib Razak.
Nhưng ở Campuchia thì các vụ ngoại tình mới có ảnh hưởng lớn nhất đến chính trị. Vụ đầu tiên liên quan đến ông Kem Sokha, lãnh đạo phe đối lập của Campuchia. Ông Sokha đã trốn gần cả năm 2016 trong trụ sở để tránh lệnh triệu tập của tòa án về một vụ án ngoại tình. Một số người thuộc các nhóm xã hội dân sự đã bị bắt giam vì bị cáo buộc việc đưa hối lộ tình nhân để bà ta từ chối vụ ngoại tình. Sokha bị kết án 5 tháng tù sau khi không chịu ra hầu tòa. Mối quan hệ của ông với Sam Rainsy, khi đó là chủ tịch của Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia (CNRP), trở nên căng thẳng do tình trạng hỗn loạn trong triều đình. Họ xích mích hơn nữa khi Sokha chấp nhận ân xá án tù của hoàng gia vào cuối năm 2016. Rainsy bị buộc phải từ chức chủ tịch CNRP ngay sau đó. Sokha đã bị bắt vì tội phản quốc vào giữa năm 2017 và CNRP buộc phải giải thể với lý do “âm mưu đảo chính do Hoa Kỳ hậu thuẫn.”
Liệu tất cả những điều này có xảy ra nếu không có vụ kiện liên quan đến bồ nhí của Sokha trong gần cả năm 2016? Rất có thể. Nhưng CNRP đã bị suy yếu và mất tập trung trong suốt năm 2016, cho phép đảng cầm quyền đưa ra luật cắt giảm CNRP. Thật hấp dẫn khi nghĩ xem các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào trong năm 2017 nếu năm trước không bị cuốn vào bộ phim bồ nhí của Sokha.
Hun Sen, thủ tướng Campuchia, không xa lạ gì với các vụ bê ngoại tình. Piseth Pilika, một nữ diễn viên và người tình tin đồn của Hun Sen, bị sát hại vào năm 1999. Tạp chí Pháp L’Express (tạp chí do chị dâu của Rainsy thuê) cáo buộc rằng vợ của Hun Sen, Bun Rany, có thể có liên quan. Nhưng một vụ có ảnh hưởng lớn hơn, mặc dù ít tai tiếng hơn, đã xảy ra nhiều năm sau đó – và được Hun Sen sử dụng để thay đổi căn bản nền chính trị Campuchia. Nhà báo này từ lâu đã có ý kiến rằng sự khởi đầu cho sự kết thúc của nền dân chủ Campuchia là vào năm 2006, khi hiến pháp được thay đổi để thành lập một chính phủ với đa số đơn giản, thay vì đa số 2/3 như trước đây. CPP cầm quyền nên Hun Sen không còn cần phải thỏa hiệp với các đảng liên minh . Ông và đảng cầm quyền đã kiểm soát hoàn toàn các mạng lưới của bộ máy hành chính và quân đội. Và hệ thống tam đảng của Campuchia biến thành hệ thống lưỡng đảng, giúp Hun Sen dễ dàng tiêu diệt một đối thủ chính duy nhất năm 2017.
Pisith Pilika – Tình nhân của Hunsen
Vào khoảng thời gian này, Hun Sen đã thảo luận với quốc hội về dự luật trừng phạt chính trị gia sử dụng nguồn lực của nhà nước để nuôi bồ nhí, cũng như nếu bồ nhí đó sử dụng quyền tiếp cận chính trị để đổi lấy tiền. Mọi người đều biết rằng Hoàng tử Norodom Ranariddh, đối tác liên minh của Hun Sen và là người đứng đầu đảng lớn thứ hai của đất nước, có bồ nhí, một trong những bồ nhí của ông ta nghi là vợ cũ của cựu bộ trưởng du lịch. Có tin đồn Ranariddh đã mua hai biệt thự cho cô này sau khi ly hôn, và đề nghị Hun Sen năm 2005 cho cô này làm bộ trưởng bộ du lịch. Hoàng tử đã đưa cô này đi tham quan Manila, các phương tiện truyền thông Philippines gọi cô ta là “Công chúa”. Biết rằng luật mới có thể gây khó khăn, Ranariddh im lặng một cách khác thường khi quốc hội bắt đầu thảo luận. Một bức điện mật của Hoa Kỳ bị rò rỉ có nội dung: “Lưu ý rằng…Norodom Ranariddh chưa bao giờ tránh mặt phóng viên trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội.” Nếu điều này không cản trở ông, có lẽ Hoàng tử Ranariddh đã tích cực chống lại các cải cách khiến ông trở nên lỗi thời trong chính trường Campuchia.
Vợ của ông Rainsy, Tioulong Saumura, được cho là đã nói với Hun Sen rằng đảng đối lập của Rainsy “hoàn toàn ủng hộ” những nhận xét gần đây của ông về các bộ trưởng và bồ nhí của họ. Ông Rainsy Vừa trở về Campuchia sau một thời gian sống lưu vong và cũng đã biết về mục tiêu của Hun Sen. Quả thực, ông Rainsy cũng không thông cảm mấy cho Hoàng tử Ranariddh vốn đã hai lần ruồng bỏ ông. Sau đó, ông Rainsy nói với nhà báo Sebastian Strangio: “Tôi muốn loại bỏ Funcinpec…CPP đã dùng ông Ranariddh để gây rắc rối cho tôi…”
Cũng chính bồ nhí khiến Trịnh Xuân Thanh sa lưới mật vụ Việt Nam năm 2017
* Chúng tôi xin tạm sửa ‘bồ nhí’ thành tình nhân (mistress)