Covid-19: Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc
Thái Lan mở chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Ảnh ngày 06/06/2021. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA
Thái Lan hôm 07/06/2021 khởi động một chiến dịch tiêm chủng vac-xin ngừa Covid-19 trên quy mô lớn ở cấp quốc gia. Bangkok đề ra mục tiêu chích ngừa cho 70% dân số từ nay đến cuối năm. Chiến dịch được tung ra trong bối cảnh Bangkok hiện bị chỉ trích chậm trễ trong chương trình tiêm chủng, sau khi được ca ngợi đã xử lý tốt giai đoạn đầu của dịch bệnh vào năm ngoái.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường thuật :
« Gần hai triệu liều vac-xin Astra Zeneca sản xuất trong nước, đã sẵn sàng và tổng cộng 6 triệu liều được dự kiến trong tháng Sáu.
Ưu tiên tiêm chủng được quyết định tùy theo độ tuổi và nghề nghiệp: trước tiên hết là các nhân viên y tế, giáo viên. Nhưng cũng có tất cả những ai sẽ phải tiếp xúc với lượng khách du lịch sắp quay trở lại như mong đợi, chẳng hạn như giới tài xế taxi.
Cư dân đảo Phuket ở phía nam Thái Lan, nơi sẽ là thí điểm của một dự án mở cửa trở lại một phần cho du lịch ngay từ tháng 7, đã có chiến dịch của chính mình, đặc biệt là nhờ vac-xin Trung Quốc.
Bộ Y Tế dự kiến sẽ tiêm xong liều vac-xin đầu tiên cho 70% dân số vào tháng 9, khi quốc gia này dự kiến bắt đầu xuất khẩu vac-xin sản xuất trong nước. »
Trung Quốc mở hội nghị đặc biệt tại Trùng Khánh với các ngoại trưởng ASEAN
Ảnh tư liệu: Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc, qua vidéo hội nghị, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020. AP
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (1991-2021), trong một động thái được cho là nhằm ve vãn các nước Đông Nam Á và phải cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Bắc Kinh đã mời các ngoại trưởng thuộc khối ASEAN đến thành phố Trùng Khánh tham dự một Hội Nghị Đặc Biệt của các Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc trong hai ngày 07-08/06/2021.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 06/06/2021, đã nhiệt liệt ca ngợi tiến trình 30 năm hợp tác Trung Quốc – ASEAN, xem đấy là một ví dụ điển hình về công cuộc hợp tác thành công trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Mỹ AP, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ một loạt nội dung bắc Kinh muốn thảo luận với các nước Đông Nam Á, từ việc khôi phục du lịch và các trao đổi kinh tế vốn đã phải chịu tác hại từ dịch Covid-19, cho đến các nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chống lại đại dịch, cũng như khả năng thiết lập một hộ chiếu vác-xin để cho phép du lịch tự do hơn.
Ngoài các cuộc họp chung, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn dự kiến gặp riêng từng đồng nhiệm bên lề hội nghị.
Theo ghi nhận của AP, Trung Quốc có mâu thuẫn với nhiều láng giềng như Việt Nam, Philippines hay Malaysia trên vấn đề yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Việt Nam, trong lúc Philippines cũng nhiều lần phản đối sự hiện diện của cả trăm tàu Trung Quốc gần các thực thể ở Trường Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mới đây, vào tuần trước, Malaysia đã phản đối việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận của nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cố tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với 10 thành viên ASEAN, dùng đến sức mạnh kinh tế và ngoại giao, làm cho khối Đông Nam Á không thể có được một lập trường thống nhất để đối phó do sự phản đối của các đồng minh Trung Quốc trong ASEAN, nhất là Cam Bốt.
Nỗ lực chiêu dụ các nước Đông Nam Á càng gia tăng trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng năng nổ hơn tại Đông Nam Á, tích cực duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông, và không ngần ngại bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.
Còn Bắc Kinh thì luôn luôn cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh trong khu vực, đồng thời đả kích các chiến dịch tuần tra của Mỹ tại Biển Đông được mệnh danh là chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Nhật sẽ cung cấp vaccine COVID-19 cho Việt Nam trong tháng 6
Một hãng hàng không Nhật chuyển vaccine AstraZeneca cho Đài Loan hôm 4/6/2021.
Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cung cấp vaccine COVID-19 cho Việt Nam trong bối cảnh nước này phải vật lộn để mua vaccine và mức độ lây nhiễm tăng đột biến, một nhà lập pháp của đảng cầm quyền ở Nhật cho biết hôm 5/6, theo các hãng tin Nhật.
Thượng Nghị sĩ Masahisa Sato, người đứng đầu Bộ phận Đối ngoại của đảng Tự do Dân chủ, cho biết trên một chương trình truyền hình rằng chính phủ Nhật đã bắt đầu trao đổi với Việt Nam về việc cung cấp vaccine, trang Japan Times cho biết.
Nhật dự kiến sẽ tặng các liều vaccine do công ty AstraZeneca PLC của Anh phát triển. Trước đó, hôm 4/6, Nhật đã gửi tổng cộng 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca tới Đài Loan. Nhật báo Yomiuri Shimbun cũng đưa tin rằng Nhật sẽ gửi vaccine sang Malaysia.
Hãng tin Kyodo News dẫn lời quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết: “Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Nhật, một phần vì vấn đề Biển Đông.” Nhật hiện cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.
Đài truyền hình Nhật NHK cho biết Nhật đã nhận được yêu cầu của phía Việt Nam về việc cung cấp vaccine, và phía Nhật có thể gửi chúng sớm nhất là trong tháng này. Đài NHK không cho biết thêm chi tiết loại vaccine nào sẽ gửi cho Việt Nam.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ giảm
Reuters
Một điểm tiêm chủng ở Ấn Độ.
Ấn Độ hôm 6/6 ghi nhận 114.460 ca nhiễm COVID-19 mới, mức thấp nhất trong hai tháng, trong khi số người chết tăng 2.677 ca.
Con số này được công bố giữa lúc một số khu vực của nước này chuẩn bị nới lỏng các hạn chế đi lại.
Với 28,8 triệu, Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ. Tin cho hay, tới nay, nước này ghi nhận 346.759 ca tử vong.
Đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai chủ yếu gây tác động ở vùng nông thôn của Ấn Độ và chưa có dấu hiệu suy giảm, nhưng New Delhi và các thành phố khác đang nỗ lực cho phép thêm các doanh nghiệp hoạt động và nới lỏng các hạn chế đi lại kể từ ngày 7/6.
Các nhà khoa học đã cảnh báo về một đợt lây nhiễm COVID-19 thứ ba ở Ấn Độ vào cuối năm nay, và có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em.
Trong khi đất nước đã tăng cường tiêm chủng trong vài tuần qua sau một sự khởi đầu chậm chạp, phần lớn trong số 1,3 tỷ người của Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn chưa được tiêm chủng vào thời điểm đợt lây nhiễm thứ ba có thể xảy ra.
Aung San Suu Kyi tiếp tục hầu tòa
Nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị đảo chính hồi tháng 2, Aung San Suu Kyi, dự kiến sẽ ra hầu tòa vào hôm nay. Các cáo buộc, bị Liên Hợp Quốc cho là có động cơ chính trị, cáo buộc bà một loạt tội. Nếu bị kết án, người phụ nữ 75 tuổi này có thể sẽ phải ngồi tù đến hết phần đời còn lại. Các luật sư của bà nói bà có sức khỏe tốt nhưng bà không nắm được tình hình Myanmar đã thay đổi ra sao.
Kể từ sau đảo chính, quân đội đã giết chết gần 850 người. Tới nay một số người biểu tình đã thành lập lực lượng dân quân và tấn công các binh sĩ. Trên khắp đất nước đã có hơn 300 quả bom phát nổ tại các địa điểm có liên quan đến chính quyền quân sự. Giao tranh giữa quân đội và lực lượng dân quân mới ở bang Kayah đã khiến khoảng 100.000 người phải di tản. Chưa hết, số ca nhiễm covid-19 đang gia tăng ở một bang giáp ranh Ấn Độ.
Chỉ số Hang Seng thay đổi cùng sàn Hồng Kông
Chỉ số Hang Seng, phong vũ biểu chủ đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, đang được điều chỉnh lại. Hồi tháng 12, chỉ số phát đi một kế hoạch để củng cố thứ hạng của các công ty thành viên, cụ thể tăng số công ty từ 52 lên 80 cho tới giữa năm sau. Hôm nay ba công ty mới — một nhà sản xuất pin, một nhà sản xuất kính cho tấm pin mặt trời và một công ty quản lý tài sản — sẽ được thêm vào chỉ số.
Việc này phản ánh một Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông đang thay đổi. Từng chiếm phần lớn bởi các ngân hàng, hãng bất động sản và các tập đoàn, trong những năm gần đây sàn đã tập hợp được các công ty đa dạng hơn. Vào năm 2018, họ đã nới lỏng các quy tắc niêm yết, đúng lúc các cơ quan quản lý Mỹ bắt đầu siết chặt giám sát đối với cổ phiếu từ Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba đã bổ sung cho sàn chính của họ ở New York bằng các đợt phát hành ở Hồng Kông, trong khi một số công ty trẻ hơn đã chọn thành phố này để IPO thay vì ra nước ngoài.
Cuộc chiến chính trị ở Israel vẫn chưa chấm dứt
Cuộc đua thành lập chính phủ mới ở Israel tuần này sẽ bước vào vòng cuối cùng. Các phe phái đang tranh cãi về thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà nếu suôn sẻ sẽ cho phép Naftali Bennett thay Binyamin Netanyahu làm thủ tướng. Ông Yariv Levin, chủ tịch quốc hội Israel và là người trung thành với thủ tướng, đang tìm cách trì hoãn tiến trình này, rõ ràng muốn cho ông Netanyahu nhiều thời gian nhất có thể để thuyết phục các nghị sĩ đang dao động.
Liên minh của ông Bennett bao gồm một loạt đảng. Mục đích chủ đạo của họ là thay thế vị thủ tướng lâu năm, người đang đối mặt cáo buộc hối lộ và gian lận. Nhưng ông Netanyahu đã gọi chính phủ mới được đề xuất là kết quả của “vụ gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử đất nước” và kêu gọi các đồng nghiệp của ông “bỏ phiếu bằng lương tâm của họ”. Nếu ông có thể thuyết phục chỉ một trong số họ từ bỏ chính phủ mới, Israel có thể sẽ đi bầu thêm một lần nữa.
Nước Anh tranh cãi về cắt giảm viện trợ nước ngoài
Thể hiện tốt trong các cuộc thăm dò và mới kết hôn, Boris Johnson hẳn đang cảm thấy được yêu mến. Nhưng có một nhóm dường như mệt mỏi với thủ tướng Anh: các nghị sĩ của đảng ông. Hôm nay, chính phủ sẽ đối mặt một cuộc nổi loạn xoay quanh kế hoạch cắt giảm chi tiêu viện trợ nước ngoài khoảng 4 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ USD). Cam kết chi 0,7% GDP của Anh cho viện trợ đã giúp đảng Bảo thủ thu hút được một số cử tri có tư tưởng tự do xã hội. Việc loại bỏ nó sau khi đóng cửa luôn Văn phòng Phát triển Quốc tế cho thấy quan điểm dân tộc chủ nghĩa gia tăng của ông Johnson.
Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối. Những người phản đối trải rộng khắp các hệ tư tưởng và bao gồm cả cựu thủ tướng Theresa May. Họ cho rằng việc cắt giảm ngân sách viện trợ trong khi Anh đăng cai tổ chức G7 sẽ đi ngược lại luận điệu “Nước Anh toàn cầu” của chính phủ. Một liên minh nổi loạn “hàng ghế sau” (các nghị sĩ không tham gia chính phủ – backbencher) đã đưa ông Johnson lên nắm quyền sau khi ông liên minh với những người kiên quyết theo đuổi Brexit để hạ bệ thủ tướng May. Giờ đây nó có thể đang quay lại ám ảnh ông.
Thái Lan lo ngại về tình trạng bạo lực ở Myanmar
Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat.
Thái Lan lo ngại về tình trạng bạo lực ở nhiều vùng của Myanmar và muốn chứng kiến việc thực hiện các bước đi mà lãnh đạo Đông Nam Á đã đạt được với chính quyền quân nhân để giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1/2, Bộ Ngoại giao Thai Lan cho biết hôm 6/6.
Chính quyền Myanmar cho thấy có ít dấu hiệu cân nhắc “sự đồng thuận” năm điểm mà các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt được hồi tháng Tư, theo đó kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành các cuộc đàm phán chính trị và chỉ định một đặc phái viên khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tanee Sangrat nói trong một thông cáo: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Myanmar với nhiều lo ngại, đặc biệt là các vụ bạo lực xảy ra ở nhiều nơi tại nước này”.
Ông nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và “thực hiện cụ thể Sự đồng thuận Năm điểm” sớm nhất có thể.
Chính quyền quân nhân đã thất bại trong việc kiểm soát Myanmar kể từ khi chiếm quyền từ lãnh đạo dân cử Aug San Suu Kyi, một trong hơn 4.500 người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Một nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 847 người đã thiệt mạng. Quân đội phản bác con số đó.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối quân đội hàng ngày đã biến thành các cuộc nổi dậy vũ trang ở nhiều vùng của Myanmar, trong khi các cuộc xung đột sắc tộc kéo dài hàng thập kỷ lại bùng phát.
Những người phản đối chính quyền đã bày tỏ sự thất vọng trước hành động thiếu cứng rắn của ASEAN và nói rằng cuộc gặp giữa hai đại diện của hiệp hội này với thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing hôm 4/6 đã mang tới thêm cho quan chức này tính chính danh nhưng không mang lại lợi ích gì khác.
Thái Lan có đường biên giới với Myanmar dài hơn bất kỳ quốc gia nào khác và lo ngại xung đột có thể kéo theo một làn sóng người tị nạn. Chính phủ Thái Lan cũng được lãnh đạo bởi một cựu chỉ huy quân đội, người đã chiếm quyền trong một cuộc đảo chính trước khi tổ chức bầu cử.
Máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ Harris phải quay đầu vì gặp sự cố
Phó tổng thống Kamala Harris (ảnh: Youtube/ Washington Free Beacon).
Hôm 6/6, chiếc máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đi Guatemala đã buộc phải quay trở lại Căn cứ Liên hợp Andrews ở Maryland vì “trục trặc kỹ thuật”. Sau đó chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn, theo Fox News.
Người phát ngôn của bà Harris, cô Symone D. Sanders cho biết: “Đó là một vấn đề kỹ thuật. Không có lo ngại lớn về an toàn”.
Bà Harris nói với các phóng viên sau khi xuống máy bay: “Tôi ổn, tôi ổn”. “Tất cả chúng tôi đều có một lời cầu nguyện nhỏ, nhưng chúng tôi ổn”.
Bà Harris vẫn tiếp tục chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình ở cương vị phó tổng thống trên một máy bay khác.
Nữ phó tổng thống Mỹ sẽ có chuyến thăm 2 ngày tới Guatemala nhằm tìm giải pháp “căn cơ” cho khủng hoảng người di cư ở biên giới phía Nam Hoa Kỳ.
Vào tháng Ba, Tổng thống Joe Biden đã giao cho bà Harris đặc trách xử lý vấn đề người nhập cư. Nữ phó tổng thống đã bị chỉ trích rất nhiều vì chưa tới thăm biên giới cũng như có thái độ coi nhẹ cuộc khủng hoảng người di cư.
Tới thời điểm hiện tại, sau 74 ngày nhận nhiệm vụ, bà Harris vẫn chưa tổ chức bất kỳ cuộc họp báo nào về vấn đề người di cư.
Ông Pompeo tiếp tục bình luận về virus Vũ Hán
Ông Mike Pompeo (ảnh: Từ video của Yahoo Finance)
Hôm 6/6, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng các phương tiện truyền thông dòng chính đã không nặng lời với nguồn gốc dịch Covid, mặc dù loại virus gây ra dịch bệnh này có nhiều dấu hiệu bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán, Trung Quốc, theo News Max.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News, ông Pompeo nhắc lại việc chính quyền Trump đã nỗ lực truy tìm nguồn gốc của virus gây ra đại dịch này.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói: “Cá nhân tôi đã xác định làm mọi thứ có thể để giúp đỡ bằng mọi phương cách nhằm bảo đảm giảm thiểu thiệt hại tối đa về nhân mạng, tìm hiểu nguồn làm phát sinh dịch bệnh – một loại virus nào đó đến từ phòng thí nghiệm hoặc tệ hơn, nếu nó là do cố ý hoặc sơ xuất”.
Bình luận về cách một số hãng truyền thông dòng chính phản ứng với các thông tin về nguồn gốc của virus, ông Pompeo nói rằng những tờ báo như The New York Times và The Washington Post sẽ chế giễu bất cứ ai nói về điều này, đơn giản vì “họ không muốn làm rung chuyển con thuyền”.
Ông Pompeo cũng chỉ trích cố vấn cao cấp về dịch bệnh cho Tòa Bạch Ốc, tiến sĩ Anthony Fauci, vì thái độ miễn cưỡng khi lên án Bắc Kinh xung quanh vấn đề đại dịch viêm phổi Vũ Hán.