Marissa Carruthers/BBC Travel – 26 tháng 12 2021
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Hàng năm, vào tháng Tư nhân dịp mừng Năm Mới của dân tộc Khmer, Sophy Peng cùng bố mẹ và bốn anh chị em hành hương lên ngọn núi thiêng bậc nhất Campuchia, núi Phnom Kulen.
Là nơi khởi nguồn hình thành nên đế chế Angkor hùng mạnh, những sườn dốc thoai thoải của ngọn Kulen truyền thuyết chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân địa phương.
Trong những dịp lễ hội tôn giáo, người dân Campuchia lũ lượt lên đỉnh núi để cầu phúc ở chính nguồn nước vốn được dùng trong lễ đăng quang của các vị vua kể từ năm 802 sau Công Nguyên.
Tập tục này có từ khi vua Jayavarman II tắm gội sạch sẽ bằng nước thiêng rồi xưng là “devaraja”, tức là Thánh Vương, trở thành vị vua thành lập nên Đế chế Angkor.
Lãnh thổ của đế chế từng bao gồm phần lớn Campuchia, Lào, Thái Lan và một phần Việt Nam ngày nay, và có đô thị lớn nhất thế giới thời tiền công nghiệp – thành phố Angkor.
Để thần thánh hoá địa điểm linh thiêng nằm cách thành phố Siem Reap 50 cây số về phía bắc này, 1.000 linga – biểu tượng phồn thực của thần Shiva trong Ấn giáo – được chạm khắc vào đáy sông tại Kbal Spean nơi dòng nước chảy vào đồng bằng Angkor và Biển Hồ Tonle Sap.
Cho đến nay, nguồn nước này được xem là thiêng liêng, chữa lành được bệnh tật, đồng thời đem lại may mắn cho dân chúng.
“Đây là nơi rất đặc biệt trong lòng người dân Campuchia; nó là một phần quan trọng trong lịch sử của chúng tôi,” Peng nói. “Năm nào gia đình tôi cũng lên núi Kulen theo phong tục đón Năm Mới của người Khmer. Chúng tôi mang theo thức ăn làm đồ tế lễ đặt tại đền thờ, và lấy nước sông từ nguồn Kbal Spean rưới lên người để xin phước lành.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Đáy sông tại Kbal Soean nằm sâu trong rừng rậm phía đông bắc đền Angkor được chạm khắc linga
Lễ ban phước cho vua Jayavarman II đánh dấu sự khởi đầu mối quan hệ khăng khít giữa Đế chế Angkor và nước.
Tuy nhiên, mãi đến khi kinh đô được chuyển về Rolous ở phía nam và cuối cùng dời đến Angkor – địa điểm sẽ trở thành kinh đô trong suốt hơn 5 thế kỷ – thì những nghệ nhân bậc thầy mới có thể sử dụng kỹ năng để thiết kế ra hệ thống thuỷ lợi đẳng cấp, thúc đẩy sự phát triển hùng mạnh rồi suy tàn của đế chế.
“Vùng đồng bằng Angkor là nơi lý tưởng để một đế chế phát triển thịnh vượng,” Dan Penny, nhà nghiên cứu khoa học địa chất tại Đại học Sydney, người chuyên sâu nghiên cứu về Angkor, nói.
“Vùng đất này có khá nhiều tài nguyên thiên nhiên, như đất đai phì nhiêu để trồng lúa gần Tonle Sap. Tonle Sap cũng là một trong những hồ nước ngọt có lượng thuỷ sản nhiều nhất thế giới và Angkor nằm ngay bờ bắc của vựa cá khổng lồ này. Nhờ vào những tài nguyên đó mà Angkor đã phát triển rực rỡ.”
Vào thập niên 1950-1960, nhà khảo cổ học người Pháp Bernard Philippe Groslier đã dùng phương pháp khảo sát từ trên không để tái hiện lại cấu trúc của những thành phố cổ thuộc Angkor. Phương pháp này cho thấy Angkor có một mạng lưới thuỷ lợi rộng khắp, phức tạp, khiến Groslier đặt tên cho nơi này là “Thành phố Thuỷ lợi”.
Kể từ đó, các nhà khảo cổ học đã thực hiện nhiều nghiên cứu mở rộng trên mạng lưới thuỷ lợi và vai trò sống còn của nó đối với Angkor. Vào năm 2012, quy mô vô cùng đồ sộ của hệ thống thuỷ lợi phủ khắp 1.000 cây số vuông đã được phát hiện thông qua công nghệ quét laser LiDAR do nhà khảo cổ học Damian Evans, tiến sĩ nghiên cứu tại Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp, dẫn đầu.
“Mảnh ghép còn thiếu của bức tranh đã hiện ra rõ nét,” tiến sĩ Evans nói. “Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu nhằm xây dựng bản đồ chi tiết chính thức của Angkor, bao gồm cả hệ thống thuỷ lợi. Nước chính là một trong những bí mật đằng sau sự trỗi dậy hùng cường của đế chế Angkor.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Đế chế Angkor trải dài khắp phần lớn Campuchia, Lào, Thái Lan và một phần Việt Nam ngày nay
Để tạo ra được một thành phố có quy mô như vậy, việc đào những con kênh dẫn nước từ Phnom Kulen đến vùng đồng bằng Angkor đóng vai trò then chốt. Chúng được sử dụng để vận chuyển khoảng 10 triệu viên gạch sa thạch có cân nặng lên tới 1.500kg mỗi viên để xây dựng nên Angkor.
Ngoài việc đảm bảo cung cấp nước quanh năm trong điều kiện khí hậu gió mùa cho người dân, cho hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi, hệ thống thủy lợi cấp nước cho phần nền móng để giữ cho các ngôi đền đứng vững trong nhiều thế kỷ.
Chỉ riêng đất cát thì không đủ sức chịu đựng sức nặng của những viên đá. Các nghệ nhân xây dựng phát hiện ra rằng cát trộn với nước tạo ra nền móng vững chắc, vì vậy các hào nước bao quanh mỗi ngôi đền được thiết kế để cung cấp nguồn nước ngầm liên tục. Điều này đã tạo ra nền móng đủ vững chắc để giữ cho các ngôi đền đứng vững và ngăn chúng sụp đổ trong suốt nhiều thế kỷ sau đó.
Trong suốt lịch sử tồn tại của đế chế, các đời vua kế tiếp đã mở rộng, khôi phục và cải thiện mạng lưới thủy lợi phức tạp của Angkor.
Công trình này bao gồm một mạng lưới đấy ấn tượng gồm các kênh rạch, đê, hào, baray (hồ chứa) – Hồ chứa West Baray là cấu trúc nhân tạo có từ sớm nhất và lớn nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ, dài 7,8 km, rộng 2,1 km – và các kỹ sư bậc thầy rất biết cách kiểm soát dòng chảy của nước.
“Hệ thống thủy lợi của Angkor rất độc đáo vì quy mô vĩ đại của nó,” Penny nói. “Có rất nhiều ví dụ về các thành phố lịch sử với hệ thống quản lý thủy lợi phức tạp, song chưa tìm được nơi đâu có kỹ thuật giống như nơi này. Ví dụ như quy mô của các hồ chứa. Lượng nước mà West Baray chứa đựng là đáng kinh ngạc. Nhiều thành phố ở châu Âu có thể thoải mái nằm lọt thỏm trong lòng hồ. Hồ chứa rộng lớn một cách đáng khâm phục; phải gọi đó là một vùng biển mới đúng!”
Tuy nhiên, điều đáng buồn là nước góp phần vào sự hùng mạnh của Đế chế Angkor, nhưng nước cũng lại là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nó.
“Rõ ràng là mạng lưới quản lý nước thực sự quan trọng trong sự phát triển của thành phố và dẫn đến sự giàu có, quyền lực,” Penny nói. “Nhưng khi hệ thống thủy lợi này ngày càng phức tạp và rộng lớn hơn, nó đã trở thành gót chân Achilles của thành phố.”
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Hệ thống thủy lợi phức tạp mà các kỹ sư bậc thầy làm ra đã tạo nên sự lớn mạnh và rồi lại gây ra sự sụp đổ của Đế chế Angkor
Nghiên cứu cho thấy vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15, tình trạng biến đổi khí hậu đã diễn ra mạnh mẽ. Những trận mưa kéo dài ập xuống, rồi tiếp theo sau là những đợt hạn hán dữ dội. Liên tiếp như vậy, tình trạng này đã gây thiệt hại cho mạng lưới quản lý thủy lợi, góp phần vào sự sụp đổ của đế chế hùng cường.
“Cả thành phố bị ảnh hưởng bởi những biến đổi thời tiết khắc nghiệt,” Penny cho biết. “Quy mô của mạng lưới thủy lợi và sự phụ thuộc lẫn nhau của các vùng nước đồng nghĩa với việc hạn hán sẽ gây ra những xáo trộn to lớn, và con người phải thay đổi hệ thống để đối phó với hạn hán, rồi những năm sau đó lại mưa nhiều, khiến cho hệ thống bị huỷ hoại từng phần. Toàn bộ mạng lưới bị đứt đoạn và trở nên vô dụng.”
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy những thay đổi thời tiết này, kết hợp với sự cố hệ thống thủy lợi và các cuộc tấn công ngày càng nhiều từ nước Xiêm La láng giềng đã khiến kinh thành phải dịch chuyển về phía nam, đến Oudong.
“Sử sách nói rằng sự kết thúc của Angkor là do người Xiêm đã tràn vào vào năm 1431,” Tiến sĩ Damian nói. “Tôi không nghĩ vậy. Bằng chứng mà chúng tôi có được cho thấy sự suy tàn xảy ra từ trước đó rất lâu. Những trận hạn hán nghiêm trọng khiến cho hệ thống quản lý nước bị huỷ hoại, các cuộc tấn công liên tục từ người Xiêm và việc mở rộng các tuyến hàng hải đều góp phần dẫn đến sự sụp đổ của đế chế.”
Bất kể lý do là gì thì Angkor một thời cũng đã bị bỏ hoang rồi bị thiên nhiên lấn chiếm. Các di tích cổ tuy được người dân địa phương biết đến nhưng đã bị rừng rậm phủ lấp hoàn toàn cho đến năm 1860, khi nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot “tái phát hiện” ra nơi này. Điều này đã mở đường cho một loạt các dự án trùng tu khổng lồ vẫn đang tiếp tục được thực hiện cho đến ngày nay.
Trong hai thập kỷ qua, rất đông khách du lịch đổ về Công viên Khảo cổ Angkor Wat để đứng dưới bóng của các ngôi đền Angkor Wat, Ta Prohm và Bayon.
Vào năm 2019, khoảng 2,2 triệu người đã tới thăm nơi này. Lượng khách sạn, quán ăn và dòng khách tham quan tăng đột biến gây áp lực lớn lên nhu cầu nước, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Vì các ngôi đền dựa vào nguồn cung cấp nước ngầm liên tục để duy trì trạng thái đứng vững, điều này làm dấy lên lo ngại về việc bảo tồn khu di tích thuộc danh sách bảo tồn của Unesco.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bị bỏ hoang từ thế kỷ 15, Angkor được “tái phát hiện” vào thập niên 1860
Sự gia tăng nhu cầu nước cùng với lũ lụt nghiêm trọng từ năm 2009 đến năm 2011 đã châm ngòi cho việc phục chế diện rộng hệ thống thủy lợi cổ xưa.
Socheata Heng, chủ một nhà trọ ở ngoại ô Siem Reap, nhớ lại trận lũ lụt năm 2011 – trận lũ tồi tệ nhất trong 50 năm. “Nó đã gây ra rất nhiều thiệt hại,” bà nói. “Cây trồng hỏng hết, dân cư phải sơ tán và nước tràn cả vào nhà trọ của tôi. Lũ lụt tàn phá nặng nề.”
Chủ trì bởi Cơ quan Quốc gia APSARA, cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ Công viên Khảo cổ học Angkor, dự án trùng tu đã cải tạo được nhiều công trình thủy lợi và hệ thống kênh kết nối, bao gồm đường hào dài 12 km của Angkor Thom, West Baray và Srah Srang – hồ chứa hoàng gia có từ thế kỷ 10.
Những nỗ lực này đã giúp chống lại tình trạng thiếu nước gây ra bởi sự gia tăng mạnh mẽ của dòng khách du lịch, và cũng ngăn chặn được những trận lũ lụt nghiêm trọng như những đợt đã xảy ra trên toàn tỉnh trong thời gian từ 2009 đến 2011.
Điều này có nghĩa là ngày nay, hệ thống rộng lớn có từ nhiều thế kỷ trước vẫn tiếp tục thỏa mãn cơn khát của Siem Reap bằng cách cung cấp nguồn nước liên tục, ngăn chặn lũ lụt tàn phá và cung cấp nền móng giúp các ngôi đền thiêng của Angkor luôn ổn định trong tương lai.
“Việc cải tạo các hồ chứa và hệ thống nước để phục vụ công tác tưới tiêu, vì vậy chúng đã trở thành một phần của cảnh quan nông nghiệp ngày nay, đồng thời giúp giữ vững móng cho các ngôi đền,” Tiến sĩ Evans cho biết. “Thật không thể tin được hệ thống quản lý nước cổ xưa này vẫn tiếp tục phục vụ Siem Reap.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.