Võ Thái Hà tổng hợp
Nam Hàn, Mỹ tập trận quân sự trong bối cảnh Bắc Hàn phản ứng dữ dội
Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung hàng năm vào ngày 22/8 (Ảnh: Nhà Trắng)
Các quan chức cho biết, Nam Hàn và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung hàng năm vào thứ Hai (ngày 22/8) với việc nối lại huấn luyện thực địa, khi các đồng minh nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các vụ thử vũ khí tiềm năng của Bắc Hàn.
Các cuộc tập trận mùa hè, được đổi tên thành Ulchi Freedom Shield (UFS) trong năm nay và dự kiến kết thúc vào ngày 1/9, được tiến hành sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ “bình thường hóa” các cuộc tập trận kết hợp và tăng cường răn đe Triều Tiên.
Các cuộc tập trận đã phải thu hẹp lại trong những năm gần đây vì đại dịch COVID-19, cũng như trong bối cảnh người tiền nhiệm của ông Yoon tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Về phía Triều Tiên, nước này liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự chung giữa Seoul và Washington, miêu tả đó là những hành động khiêu khích và chỉ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Bắc Hàn đã bắn hai tên lửa hành trình từ thị trấn bờ biển phía tây Onchon vào tuần trước, sau khi Nam Hàn và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận sơ bộ.
Theo các quan chức Seoul, Bắc Hàn đã tiến hành các vụ thử tên lửa với tốc độ chưa từng có trong năm nay và sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy bất cứ lúc nào.
Tổng thống Yoon khẳng định, chính phủ của ông sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước tiến tới phi hạt nhân hóa, nhưng Triều Tiên đã từ chối đề nghị của ông, thậm chí còn công khai chỉ trích ông.
Bộ Quốc phòng Seoul thông báo, các đồng minh sẽ tổ chức 11 chương trình huấn luyện thực địa, trong đó có một chương trình ở cấp lữ đoàn – với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ – vào mùa hè này.
Để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên nhắm vào thủ đô của miền Nam, Bộ Quốc phòng cho biết thêm, họ sẽ cải thiện khả năng phát hiện tên lửa và thúc đẩy triển khai sớm một hệ thống đánh chặn mới.
Gần đây, Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo ngoài khơi bờ biển Hawaii. Đây là cuộc tập trận đầu tiên như vậy kể từ năm 2017, khi quan hệ giữa Seoul và Tokyo xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Đài Loan chào mời về ‘chip dân chủ’ khi đón tiếp thống đốc tiểu bang của Mỹ
22/8/2022
Thống đốc bang Indiana Eric Holcomb phát biểu bên cạnh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 22/8/2022.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói với thống đốc bang Indiana của Mỹ hôm 22/8 rằng Đài Loan muốn đảm bảo về nguồn cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy, hay còn gọi là “chip dân chủ”, cho các đối tác của họ, Reuter đưa tin.
Thống đốc Eric Holcomb đang có chuyến công du Đài Loan. Đây là chuyến thứ ba trong tháng này do một phái đoàn Hoa Kỳ thực hiện sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có chuyến thăm ngắn đến hòn đảo này, khiến Trung Quốc tức tối, Bắc Kinh lâu nay vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình.
Một tuần sau chuyến thăm của bà Pelosi, năm nhà lập pháp Hoa Kỳ, do Thượng nghị sĩ Ed Markey dẫn đầu, đã đến thăm Đài Loan.
Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận trên quy mô rộng gần Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng chỉ người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
“Đài Loan đã phải đối mặt với các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, trong và xung quanh eo biển Đài Loan”, bà Thái nói với Thống đốc Holcomb trong cuộc gặp tại văn phòng của bà ở Đài Bắc.
“Tại thời điểm này, các đồng minh dân chủ phải sát cánh cùng nhau và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”, bà nói thêm, trong bài phát biểu được đăng tải trực tiếp trên các trang mạng xã hội của bà.
Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận nào về chuyến thăm của ông Holcomb.
Ông Holcomb sẽ gặp đại diện của các công ty bán dẫn Đài Loan trong chuyến thăm của mình trong bối cảnh mở rộng liên kết giữa bang của ông và hòn đảo, nơi có nhà sản xuất chip tiếp xúc lớn nhất thế giới, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd.
Bà Thái nói: “An ninh kinh tế là một trụ cột quan trọng của an ninh quốc gia và khu vực”. Bà nói thêm: “Đài Loan sẵn sàng và có thể tăng cường hợp tác với các đối tác dân chủ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho các chip dân chủ”.
Ông Holcomb nói về những nỗ lực mà bang của ông đã thực hiện trong việc hỗ trợ ngành công nghệ bán dẫn, đề cập đến thông báo vào tháng 6 của công ty MediaTek Inc của Đài Loan, nhà thiết kế chip lớn thứ tư thế giới tính theo doanh thu, về một trung tâm thiết kế mới ở Indiana hợp tác với Đại học Purdue.
Ông nói: “Chúng tôi rất mong được hợp tác với họ trong việc thiết kế tương lai”.
Vụ bê bối gián điệp đe dọa chính phủ Hy Lạp
Các nhà lập pháp của Hy Lạp sẽ trở lại sau kỳ nghỉ hè vào thứ Hai để thảo luận về yêu cầu của Alexis Tsipras, lãnh đạo phe đối lập cánh tả, về một cuộc điều tra quốc hội đối với các hoạt động của cơ quan tình báo quốc gia, EYP. Cơ quan này bị buộc tội hack vào điện thoại của các chính trị gia và nhà báo, tạo nên một vụ bê bối có thể lật đổ chính phủ. Thủ tướng thuộc phe bảo thủ, Kyriakos Mitsotakis, sẽ phải giải thích tại sao EYP, do chính ông giám sát, lại nghe lén Nikos Androulakis, một thành viên của Nghị viện châu Âu, trong khi ông này vận động tranh cử chức lãnh đạo của một đảng xã hội chủ nghĩa nhỏ.
Trong khi đó, cơ quan giám sát phần mềm gián điệp của Nghị viện Châu Âu, PEGA, muốn Hy Lạp điều tra Intellexa, nhà sản xuất phần mềm “Predator” thuộc sở hữu Israel nhưng có trụ sở tại Athens. Lý do là hệ thống phần mềm gián điệp này đã được dùng để xâm nhập, không thành công, vào điện thoại của ông Androulakis. Predator cũng được phát hiện trong điện thoại của một nhà báo Hy Lạp khác. Ông Mitsotakis tuyên bố không biết về việc EYP giám sát ông Androulakis và rằng chính phủ Hy Lạp không sở hữu Predator.
Hội nghị WHO về y tế châu Phi khai mạc
Trong tuần này các quan chức, bộ trưởng và nhân vật có ảnh hưởng khác sẽ đổ về Lomé, thủ đô của Togo, để tham dự một hội nghị thường niên của WHO về tình trạng y tế ở Châu Phi. Sự kiện của hai năm qua đều phải tổ chức online. Năm nay, nằm trong chương trình kéo dài 4 ngày sẽ bao gồm một phiên thảo luận về cách các nước duy trì dịch vụ y tế thiết yếu trong khi chống dịch covid-19. Song đại dịch chỉ là một trong nhiều mục của chương trình.
Các bộ trưởng y tế có vô số vấn đề cần quan tâm, từ bệnh hồng cầu hình liềm đến bệnh lao; với các nước châu Phi thuộc hàng mắc bệnh cao nhất trên thế giới. Bệnh bại liệt, các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần cũng sẽ được chú trọng. Hầu hết các bộ y tế của lục địa này đều thiếu nguồn lực và phải vật lộn với những quyết định khó khăn như nên ưu tiên tiêm vắc-xin covid-19 hay vắc-xin phòng bệnh uốn ván và bệnh sởi. Và với chỉ 22% người châu Phi được tiêm phòng covid-19 đầy đủ, một làn sóng dịch sẽ buộc thứ tự ưu tiên thay đổi nhanh chóng.
22.8: Chuyển động quân sự, Đài Loan
Nhật Bản hiện có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình có tầm bắn 1.000 km tại chuỗi đảo tây nam, với khả năng tấn công vào các căn cứ ở Trung Quốc, theo tờ Yomiuri. Kế hoạch này được tiết lộ không lâu sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế.
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc
Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai số lượng lớn tàu chiến và máy bay quân sự ở eo biển Đài Loan kể từ đầu tháng 8.
Ảnh: Bộ Quốc phòng Đài Loan
Tính từ ngày 3.8, liên tục gần 20 ngày Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ qua phía đông đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, xóa nhòa ranh giới này và tạo nên một sự bình thường mới.
Trong khi đó, HKMH Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc đều đã lần lượt quay về cảng nhà ở Tam Á và Thanh Đảo.
Mỹ
Ngày 18.8, HKMH USS Ronald Reagan quay trở về quân cảng Yokosuka ở Nhật Bản sau chuyến tuần tra dài 3 tháng ở Tây Thái Bình Dương. Tàu này dự kiến sẽ tiến hành đợt bảo dưỡng trong vài tháng tới.
Với việc tàu USS Abraham Lincoln trở về Mỹ trước đó, đây là lần hiếm hoi trong vài năm gần đây, Mỹ không duy trì sự hiện diện của một nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Mỹ hiện có tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli hoạt động ở khu vực đông nam Okinawa.
Nhật Bản
Tờ Yomiuri ở Nhật Bản ngày 20.8 tiết lộ chính phủ nước này đang đặt mục tiêu sở hữu hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa bằng cách nâng tầm của các tên lửa đất đối hạm Type 12 từ hơn 100 km lên khoảng 1.000 km.
Số tên lửa này chủ yếu sẽ được triển khai ở chuỗi đảo tây nam và sẽ được phát triển khả năng tấn công mục tiêu trên bộ. Tầm bắn này sẽ cho phép chúng nhắm tới các mục tiêu ở Trung Quốc và Triều Tiên.
Kế hoạch của chính phủ Nhật Bản được hé lộ không lâu sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản trong cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào đầu tháng 8.
Nhật Bản đặt mục tiêu triển khai phiên bản cải tiến phóng từ mặt đất sớm nhất vào năm tài chính 2024, sớm hơn dự kiến ban đầu khoảng hai năm. Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng chúng cho các cuộc tấn công đất đối đất.
Chiến lược An ninh quốc gia và các kế hoạch quốc phòng khác sẽ được sửa đổi vào cuối năm nay và chính phủ dự kiến sẽ thêm vào đó việc sở hữu “năng lực phản công” để tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương nhằm mục đích tự vệ.
2. Đài Loan
Bất chấp sức ép từ Trung Quốc, các phái đoàn của nước ngoài vẫn liên tục đến thăm Đài Loan trong những ngày qua.
Ngày 21.8, Thống đốc bang Idiana ở Mỹ Eric Holcomb đến Đài Loan trong khi một phái đoàn nghị sĩ Nhật Bản do nghị sĩ Keiji Furuya dẫn đầu cũng đến vào sáng 22.8.
Theo tờ The Financial Times, một đoàn nghị sĩ Mỹ cũng sẽ đến Đài Loan vào cuối tháng này. Ngoài ra, một nhóm nghị sĩ Canada và hai phái đoàn của quốc hội Đức cũng có kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 10.
Tuy không thu hút nhiều sự chú ý và căng thẳng như chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, việc các đoàn khách nước ngoài liên tục đến thăm Đài Loan cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm răn đe và cô lập Đài Loan bằng cách ngăn cản các chuyến thăm không đạt được kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, tờ The Washington Post cuối tuần qua tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Tổng thống Joe Biden ngăn cản chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trong cuộc điện đàm giữa hai người vào cuối tháng 7.
Theo tờ báo, ông Biden đã giải thích rằng ông không thể can thiệp vào hoạt động của nhánh hành pháp. Tuy nhiên, tờ này cũng tiết lộ bà Pelosi đã ngỏ ý rằng bà sẽ hủy chuyến thăm nếu Tổng thống Biden đích thân đề nghị.
Ông Biden đã không làm như thế, rõ ràng vì không muốn bị xem là nhượng bộ trước sức ép từ Trung Quốc.
Tổ chức RMI: Hoa Kỳ chi hơn 500 tỷ đôla cho khí hậu trong một thập kỷ theo 3 luật
22/8/2022
VOA Tiếng Việt
Điện gió ở một nông trại ở bang Wyoming, Hoa Kỳ.
Một phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RMI cho thấy chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi hơn 500 tỷ đôla cho công nghệ khí hậu và năng lượng sạch trong thập kỷ tới theo ba luật được ban hành gần đây, hãng tin Reuters tường thuật.
Con số này dựa trên các đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và CHIPS được ký trong tháng 8 và Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm hồi năm ngoái. Cả ba luật này sẽ tài trợ cho các nghiên cứu liên quan đến khí hậu và các nghiên cứu thí điểm và hỗ trợ sản xuất.
Ông Lachlan Carey, đồng tác giả của báo cáo được phát hành hôm 22/8, cho biết: “Các luật này cùng nhau hình thành một chính sách công nghiệp xanh nhất quán, theo nghĩa là có những ngành chiến lược mà các luật tập trung vào và một bộ công cụ được thiết kế để tăng tốc sản xuất thông qua việc điều chỉnh lên hay xuống chuỗi cung ứng”.
Tổng số ngân quỹ ước tính là 514 tỷ đôla, bao gồm 362 tỷ đôla từ IRA, 98 tỷ đôla từ đạo luật cơ sở hạ tầng và 54 tỷ đô la từ luật CHIPS do lưỡng đảng ủng hộ, mặc dù Quốc hội sẽ phải thông qua thêm luật để một số khoản tài trợ được giải ngân. Phân tích này không bao gồm chi tiêu bổ sung cho nông nghiệp và đất đai liên quan đến khí hậu.
Ví dụ, dự luật CHIPS sẽ tài trợ cho các nỗ lực liên quan đến khí hậu trong khoa học vật liệu như phát triển loại hóa chất mới để làm và các tấm pin mặt trời hiệu quả hơn.
Nghiên cứu cho biết chi tiêu liên bang hàng năm cho khí hậu và năng lượng sạch trong 5 năm tới sẽ gấp khoảng 15 lần so với những năm 1990 và đầu những năm 2000 và khoảng gấp ba lần so với những năm gần đây.
Các ước tính của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy năng lượng tái tạo đang trở thành một phần lớn hơn trong sản xuất.
Nhưng các tác giả nghiên cứu cho biết hành động về khí hậu cần phải được tăng tốc.
Foxconn được nói sẽ đầu tư thêm 300 triệu đôla vào miền bắc Việt Nam
20/8/2022
Reuters
TƯ LIỆU: Tòa nhà văn phòng Foxconn ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 14 tháng 7 năm 2020.
Foxconn, nhà cung cấp sản phẩm điện tử của Apple, đã kí biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu đôla với công ty phát triển đô thị Kinh Bắc City của Việt Nam để mở rộng cơ sở sản xuất ở miền Bắc nhằm đa dạng hóa và đẩy mạnh sản xuất, truyền thông nhà nước đưa tin ngày thứ Bảy.
Nhà máy mới của công ty Đài Loan này, trên một khu đất rộng 50,5 ha ở tỉnh Bắc Giang, sẽ tạo ra 30.000 việc làm tại địa phương, báo Tuổi Trẻ cho biết.
Foxconn, với tên gọi chính thức là Hon Hai Precision Industry Co, và Kinh Bắc City không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Bước đi này diễn ra sau khi có tin trong tuần này cho biết Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam.
Foxconn, có mặt tại Bắc Giang 15 năm nay, đã chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và AirPods đến Khu công nghiệp Quang Châu của Bắc Giang, Tuổi Trẻ đưa tin. Họ không cho biết loại sản phẩm nào sẽ được sản xuất tại nhà máy mới hoặc công suất là bao nhiêu.
Chính phủ Việt Nam năm ngoái nói Foxconn đã đầu tư 1,5 tỉ đôla vào quốc gia Đông Nam Á này.
Ukraina: Phương Tây kêu gọi các bên “kiềm chế” tại nhà máy hạt nhân Zaporijjia
22/8/2022
Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy 6 lò phản ứng hạt nhân ở Zaporijjia, Ukraina, ngày 19/08/2022. AP
Thanh Phương /RFI
Hôm qua, 21/08/2022, lãnh đạo các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi các bên giữ thái độ “kiềm chế” tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraina, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện bị quân Nga chiếm giữ.
Theo phát ngôn viên của thủ tướng Đức Olaf Scholz, được hãng tin AFP trích dẫn, trong một cuộc điện đàm, lãnh đạo chính phủ Berlin cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã kêu gọi “nhanh chóng” gửi phái đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đến tận nơi. Theo thông báo của phủ tổng thống Pháp hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý cho các thanh tra của AIEA đến thanh tra nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.
Các trận giao tranh tại khu vực nhà máy điện hạt nhân gia tăng, mà cả quân Nga và Ukraina đổ lỗi cho nhau, đã gây lo ngại về nguy cơ xảy ra vụ Tchernobyl thứ hai.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, bốn nhà lãnh đạo phương Tây đồng ý với nhau là vẫn tiếp tục yểm trợ Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Theo hãng tin AFP, cũng hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo là Nga sẽ có một bước khiêu khích mới với việc đưa các binh sĩ Ukraina ra xử đúng vào ngày Kiev kỷ niệm 31 năm nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này giành độc lập 24/08/1991. Ông Zelensky trích dẫn thông tin của báo chí cho biết ngày thứ Tư tới, Matxcơva sẽ ra xử công khai các binh sĩ Ukraina bị bắt trong cuộc bao vây thành phố cảng Mariupol. Ngày 24/08 cũng sẽ đánh dấu đúng 6 tháng cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga.
Hôm qua, chính quyền Kiev đã ra lệnh cấm mọi cuộc tập hợp cho đến thứ Năm vì sợ sẽ có những hành động khiêu khích của phía Nga nhân ngày độc lập của Ukraina (24/08).