Đăng ngày: 05/10/2022 – 14:56
Thu Hằng – RFI
Trong khi phương Tây cố hy vọng Matxcơva không sử dụng vũ khí hạt nhân thì tổng thống Putin không loại trừ khả năng dùng « mọi phương tiện » để bảo vệ bốn vùng lãnh thổ vừa sáp nhập từ Ukraina. Phe diều hâu hùa theo, thậm chí hung hăng hơn khi Nga thất thế trên chiến trường. Lo ngại này tăng thêm một nấc khi dường như Nga đang chuẩn bị thử ngư lôi tự hành Poseidon hạt nhân.
Được gọi là « vũ khí ngày tận thế », Poseidon là vũ khí nguyên tử tầm xa bắn từ tầu ngầm tấn công các thành phố ven biển. Theo nhật báo Ý La Rapubblica, tầu ngầm Nga K-329 Begorod đã chở ngư lôi « tận thế » đến Bắc Cực và có thể phóng thử ở vùng biển Kara. Còn theo báo Times của Anh, tổng thống Nga Putin cho thử vũ khí mới để khẳng định với phương Tây là ông sẵn sàng biến lời đe dọa thành hiện thực.
Vũ khí nguyên tử thành câu cửa miệng ở Nga. Lãnh đạo Tchetchenia Ramzan Kadyrov kêu gọi Kremlin sử dụng « vũ khí hạt nhân cường độ thấp » để ngừng « đùa giỡn » ở Ukraina. Một nhân vật ủng hộ điện Kremlin « khuyên » « mọi người nên vui đùa vì thật tiếc nếu không tranh thủ những ngày cuối cùng còn sống » khi nói về hoạt động lễ hội ở Matxcơva ngày Nga tổ chức ký sáp nhập 4 vùng lãnh thổ chiếm của Ukraina. Mạng xã hội Ukraina xôn xao về khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân nhưng bình thản như « chuyện gì phải đến sẽ đến ».
Mỹ có thể biết được hoạt động chuẩn bị tấn công hạt nhân của Nga
Các nước châu Âu từng không tin Nga sẽ tấn công Ukraina, bất chấp cảnh báo của Mỹ. Liệu tổng thống Vladimir Putin sẽ liều lĩnh biến lời đe dọa thành hiện thực khi bị đẩy vào đường cùng ? Mỹ và đồng minh phương Tây có biết được và ngăn cản được ý đồ của Nga không ? Nhà nghiên cứu Pavel Podvig, Viện Nghiên cứu về giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc (Unidir) và Mark Cancian, cựu quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ đang làm việc tại Viện CSIS, tin rằng Washington « có lẽ sẽ biết được mọi bước chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử của Nga ». Và tạm thời khả năng này chưa xảy ra, theo cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jack Sullivan.
Trong một báo cáo năm 2017, Viện Unidir đã lập bản đồ 47 kho hạt nhân trên khắp nước Nga. Những kho này thường xuyên bị theo dõi chặt chẽ, từ vệ tinh tình báo, giám sát quân sự của Mỹ và nhiều nước khác, đến vệ tinh thương mại (như trường hợp tiết lộ hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên). Theo nhà nghiên cứu Pavel Podvig, khi trả lời AFP, Nga đã lắp các đầu đạn hạt nhân chiến lược hoặc tầm xa lên các tên lửa, oanh tạc cơ và tầu ngầm. Riêng về vũ khí hạt nhân không phải là chiến lược hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật, Nga có khoảng 2.000 loại nhưng chưa được lắp lên tên lửa.
Để sử dụng trên chiến trường, « những loại vũ khí đó phải được đưa ra khỏi kho. Các đơn vị liên quan, cũng như lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, sẽ được báo động » và như vậy, có thể sẽ bị phát hiện. Vẫn theo ông Pavel Podvig, khó có « các cơ sở bí mật » vì « vũ khí hạt nhân cần cơ sở nhất định, nhân viên được đào tạo và phải được bảo trì », chứ không thể làm ở « một địa điểm bất kỳ ». Nhà nghiên cứu của Viện Unidir không phủ nhận là « vẫn có thể bí mật đưa vài quả bom ra khỏi kho mà không bị phát hiện » nhưng làm như vậy, Matxcơva sẽ hứng đòn đáp trả của phương Tây. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Nga cố tình để lộ để « dằn mặt ».
Mỹ dùng kênh nào để ngăn ý đồ của Nga ?
Trước khi Nga đưa quân tấn công Ukraina, Mỹ liên tục đưa tin, thuyết phục đồng minh về mối đe dọa. Liệu Washington sẽ công khai báo động cho toàn thế giới về nguy cơ Matxcơva sử dụng vũ khí hạt nhân ? Một lời cảnh báo như vậy có thể sẽ gây tình trạng hoảng loạn chưa từng có, đặc biệt là ở Ukraina và những nước lân cận có thể bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, theo ông Pavel Podvig, đây là một trong những « chiến lược nhằm cô lập Nga » mà Washington nên làm để gia tăng sức ép, đồng thời phải nhấn mạnh đến yếu tố « tội phạm » trong quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử của Kremlin.
Ngoài ra, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ báo động cho các đồng minh và nhiều cường quốc khác, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ, với hy vọng những nước này gây sức ép để Matxcơva từ bỏ ý định.
Cuối cùng, thông qua « đường dây liên lạc khẩn », Mỹ có trực tiếp thuyết phục được tổng thống Putin từ bỏ ý định tấn công hạt nhân? Ít nhất là Mỹ và Nga « thường xuyên có các trao đổi trong những tháng vừa qua và ngay cả những ngày gần đây », theo xác nhận của ông Jake Sullivan với đài NBC ngày 25/09, dù ông không nêu rõ tần suất và bằng những kênh nào. Sau khủng hoảng tên lửa Vịnh Con Lợn ở Cuba, hai nước đã lập một kênh thông tin nhanh chóng, trực tiếp, cực kỳ bảo mật, ngay năm 1963.