Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Năm điều châu Á cần biết – Jack Stone Truitt  (Nikkei Asia)

Share this post on:

Nguồn: Jack Stone Truitt, “U.S. midterm elections: Five things Asia should know,” Nikkei Asia, 01/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/11/35.-U.S.-midterm-elections-Five-things-Asia-should-know.jpg

Đảng của Biden có khả năng mất đa số trong Quốc hội. Vậy hàm ý cho châu Á là gì?

Chỉ còn một tuần nữa, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra, và kết quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, cũng như định hình kịch bản có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Nhưng không chỉ có chính sách đối nội mới bị ảnh hưởng, vì những gì xảy ra ở Mỹ thường có ảnh hưởng lan rộng sang phần còn lại của thế giới nói chung, và châu Á nói riêng. Các quyết định chính sách kinh tế và đối ngoại chính sẽ bị ảnh hưởng bởi câu hỏi: Ai sẽ là người kiểm soát hai viện của Quốc hội Mỹ – Hạ viện và Thượng viện – Đảng Dân chủ của Biden hay Đảng Cộng hòa đối lập?

Vậy cuộc bầu cử vào ngày 08/11 có ý nghĩa gì đối với châu Á? Dưới đây là năm câu hỏi quan trọng cần xem xét.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ diễn ra như thế nào? 

Người Mỹ tổ chức bầu cử quốc hội hai năm một lần, và những cuộc bầu cử được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ tổng thống bốn năm được gọi là bầu cử giữa nhiệm kỳ (midterms). Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ thường thấp hơn so với những đợt bầu cử quốc hội trùng với bầu cử tổng thống.

Trong kỳ bỏ phiếu sắp tới, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện sẽ được bầu lại, vì các hạ nghị sĩ phục vụ theo nhiệm kỳ hai năm. Tuy nhiên, chỉ có 34 trong số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại, vì các thượng nghị sĩ phục vụ theo nhiệm kỳ sáu năm. Đảng Dân chủ hiện đang chiếm đa số sít sao trong Hạ viện và đa số thậm chí còn sít sao hơn ở Thượng viện, nơi mỗi đảng đều có 50 đại diện và Phó Tổng thống Kamala Harris chính là người tạo ra thế đa số cho phe Dân chủ.

Trong lịch sử, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đóng vai trò như một cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống đương nhiệm, và đảng đối lập thường giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội khi các cử tri bày tỏ sự thất vọng với Nhà Trắng. Kể từ Thế chiến II đến nay, chỉ có 2 lần đảng của tổng thống tăng được số ghế trong Hạ viện sau bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Với việc kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội – đặc biệt là trong môi trường chính trị phân cực ở nước Mỹ ngày nay – đảng đối lập về cơ bản có thể làm xáo trộn tất cả các chương trình nghị sự lập pháp của tổng thống và ngăn chặn việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng như thẩm phán và các đại sứ. Trừ phi Đảng Dân chủ giữ được cả Hạ viện và Thượng viện, phần lớn chương trình nghị sự của Biden sẽ rơi vào đình trệ không mong muốn.

Ai đang có lợi thế giành thêm ghế trong Quốc hội?

Theo một mô hình từ trang web phân tích thăm dò dư luận FiveThirtyEight, dựa trên kết quả từ các cuộc thăm dò, gây quỹ, và xu hướng bỏ phiếu, Đảng Cộng hòa có 80% cơ hội giành được Hạ viện và 40% cơ hội giành được Thượng viện.

Những dự báo này đã biến động một cách bất thường trong những tháng trước cuộc bầu cử. Chỉ hơn một tháng trước, Đảng Dân chủ vẫn nắm lợi thế rất lớn trong việc giữ quyền kiểm soát Thượng viện, sau một chuỗi thắng lợi lập pháp quan trọng và sự phản kháng chính trị trước việc Đảng Cộng hòa thúc đẩy hình sự hóa hành động phá thai sau khi Tối cao Pháp viện lật ngược vụ Roe v. Wade.

Tuy nhiên, những lo ngại kinh tế ngày càng tăng về tình trạng lạm phát và sự suy giảm của thị trường chứng khoán đã bắt đầu tạo ra cơn cuồng phong chính trị chống lại đảng của Biden. Kết quả thăm dò dư luận của Gallup cho thấy, kinh tế là mối quan tâm số 1 của cử tri, tiếp theo là phá thai và tội phạm.

Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2023, sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?

Nếu Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ, Biden sẽ không còn khả năng thực thi chính sách. Tất cả các đạo luật, chỉ trừ những luật cơ bản nhất, sẽ bị đình trệ, và các vị trí do liên bang bổ nhiệm như đại sứ và thẩm phán sẽ trở thành những trận chiến chính trị. Trong trường hợp một thẩm phán của Tối cao Pháp viện qua đời hoặc từ chức, có rất ít khả năng Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát chấp thuận bất kỳ nhân vật nào mà Biden đề cử.

Nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện và Đảng Dân chủ giữ được Thượng viện, chương trình lập pháp của Biden vẫn sẽ bị dừng lại. Nhưng ông có thể ảnh hưởng đến chính sách thông qua các vai trò do Thượng viện bổ nhiệm như thẩm phán và đại sứ.

Việc Đảng Dân chủ giành chiến thắng ở cả Hạ viện và Thượng viện – kịch bản khó xảy ra – sẽ là một tuyên bố vang dội chống lại Đảng Cộng hòa hiện vẫn do cựu Tổng thống Donald Trump thống trị, và nó sẽ có ý nghĩa lớn đối với vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Nó cũng sẽ mang lại quyền lực lập pháp, dù nhỏ nhưng vẫn rất mạnh, cho Biden trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống.

Dựa trên xu hướng bỏ phiếu và thông tin về những ghế sẽ được bầu lại ở Thượng viện, hầu như không có cơ hội nào để Đảng Dân chủ giành được Hạ viện còn Đảng Cộng hòa chiếm được Thượng viện. FiveThirtyEight ước tính khả năng kịch bản này xảy ra là dưới 1%.

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với châu Á?

Nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện, nền kinh tế châu Á và thế giới sẽ cần theo dõi về mức trần nợ công của Mỹ. Mức trần nợ công, về cơ bản, là số tiền mà chính phủ Mỹ được phép vay, và lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy cho biết đảng của ông có thể đe dọa không nâng trần nợ công – như một đòn bẩy để buộc giảm chi tiêu. Khi Đảng Cộng hòa sử dụng chiến thuật này vào năm 2011, lần đầu tiên xếp hạng tín dụng của Mỹ đã bị hạ cấp.

Dù không có khả năng Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ siết chặt ngân sách đến mức nước Mỹ phải vỡ nợ, nhưng kể từ năm 2011, đảng này đã trở nên cực đoan hơn nhiều trong các trò chơi chính trị cứng rắn.

Nếu Đảng Dân chủ duy trì quyền kiểm soát của mình, chính sách đối ngoại tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Biden sẽ không bị thách thức, và Nhà Trắng sẽ không gặp trở ngại trong việc bổ nhiệm các đại sứ và các nhà ngoại giao mới nếu Đảng Dân chủ giữ được Thượng viện. Biden có thể xem sự hỗ trợ trong nước như một dấu hiệu của sức mạnh, và sẽ có động lực hơn khi làm việc với các đối tác như các thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Biden trong hai năm tới có lẽ sẽ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài nước Mỹ nhiều hơn là bởi Quốc hội, đặc biệt là khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.

Michael O’Hanlon, chuyên gia chính sách đối ngoại cấp cao tại Viện Brookings nhận xét, “Tôi không chắc rằng chính trị trong nước sẽ quan trọng hơn tình hình thế giới.”

Hạ viện Mỹ ít có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại so với Thượng viện, nhưng một Quốc hội do Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát có thể sẽ làm cho Biden trông mềm yếu về vấn đề Trung Quốc, chẳng hạn bằng cách cản trở các nỗ lực cộng tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực trung lập như khí hậu. Đảng Cộng hòa cũng có thể sử dụng đòn bẩy này để gắn các mục tiêu chính sách của họ vào các lĩnh vực khác khi Biden tìm cách khẳng định chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình.

O’Hanlon cho biết các hành động có thể bao gồm “yêu cầu một số hạn chế đối với thương mại, hoặc cung cấp nhiều tiền hơn cho Đài Loan, hoặc một điều gì đó nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Nó sẽ rất phức tạp.”

Là cựu chuyên viên phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, O’Hanlon tin rằng sẽ có ít tranh cãi về chi tiêu quốc phòng hoặc chính sách thương mại chung của Mỹ.

Ông nói, “Để Quốc hội rơi vào tay Đảng Cộng hòa có thể là một thay đổi lớn. Tuy nhiên, lưỡng đảng đều ủng hộ một nền quốc phòng mạnh mẽ và thận trọng hơn đối với thương mại.”

Nhìn chung, lập trường đối địch đối với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington.

Người Mỹ gốc Á sẽ bỏ phiếu như thế nào?

Người Mỹ gốc Á đã trở thành một khối cử tri ngày càng có ảnh hưởng. Họ là nhóm chủng tộc hay sắc tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ trong hai thập niên qua. Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết khối dân cư này đã tăng 81% từ năm 2000 đến 2019, từ 10,5 triệu lên 18,9 triệu người. Họ cũng đi bỏ phiếu ngày càng nhiều, và là nhóm có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tăng mạnh nhất trong lần bầu cử giữa nhiệm kỳ gần nhất, hồi năm 2018.

Nhìn chung, cử tri người Mỹ gốc Á nghiêng về phe Dân chủ, với 54% dự định bỏ phiếu cho đại diện của đảng này, theo Khảo sát Cử tri người Mỹ gốc Á năm 2022 của APIA Vote, một tổ chức tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của người Mỹ gốc Á.

Trong số các nhóm được khảo sát, cử tri gốc Ấn Độ và Nhật Bản là những người nghiêng về Đảng Dân chủ mạnh nhất, trong khi cử tri gốc Việt Nam là nhóm duy nhất nghiêng về Đảng Cộng hòa. Cử tri gốc Việt cũng là nhóm xem chính sách đối ngoại là ưu tiên lớn nhất khi bỏ phiếu.

https://nghiencuuquocte.org/2022/11/03