Bình luận: Trung Quốc không còn có thể vượt qua Hoa Kỳ về kinh tế

Share this post on:
Các chuyên gia: Trung Quốc không còn có thể vượt qua Hoa Kỳ về kinh tế
Mọi người đạp xe trên một con phố ở quận Tĩnh An, Thượng Hải hôm 07/12/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

BÌNH LUẬN

Tác giả Emel Akan – Thứ năm, 02/02/2023

Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, đã đi tới một bước ngoặt lịch sử khi mới đây tuyên bố về sự suy giảm dân số lần đầu tiên sau 60 năm. Các nhà phân tích Trung Quốc dự đoán những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một phần là do dân số ngày càng giảm.

Theo những người chỉ trích Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dành nhiều thập niên để cố gắng thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ trong nước bằng mọi cách có thể, kể cả hành vi trộm cắp. Tuy nhiên, họ tin rằng mục tiêu vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ vào những năm 2030 hoặc 2050 của Trung Quốc giờ chỉ còn là một giấc mơ viển vông.

Cục Thống kê Quốc gia của nước này đã báo cáo một mức giảm dân số khoảng 850,000 người xuống còn 1.41 tỷ người vào năm 2022. Đây là mức giảm đầu tiên mà Trung Quốc chính thức báo cáo kể từ năm 1961, năm kết thúc phong trào Đại Nhảy vọt ước tính đã làm ít nhất 40 triệu người thiệt mạng ở quốc gia này.

Một số ước tính cho thấy mức giảm dân số hiện tại của Trung Quốc có thể còn cao hơn so với báo cáo do số người tử vong vì COVID-19 đang gia tăng.

Ông Dị Phú Hiền (Yi Fuxian), một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Wisconsin ở Madison, từ lâu đã lập luận rằng không nên tin vào số liệu thống kê dân số chính thức của Trung Quốc. Ông ước tính rằng dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm kể từ năm 2018.

Theo ông Gordon Chang, một thành viên cao cấp lỗi lạc tại Viện Gatestone đồng thời là tác giả của cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, thì ngay cả trong những tình huống lạc quan nhất, Trung Quốc sẽ mất một phần đáng kể dân số của mình.

Ông Chang nói với The Epoch Times, khi xét đến tỷ lệ sinh và các yếu tố khác, thì “từ nay đến năm 2100, Trung Quốc có thể sẽ mất khoảng 2/3 dân số.”

“Đó là khoảng một tỷ người. Vì vậy, tôi không biết làm thế nào mà một xã hội có thể chịu đựng được điều đó.”

Khi ĐCSTQ nhận thấy dân số ngày càng suy giảm, họ đã từ bỏ chính sách một con vào năm 2016, thay thế bằng giới hạn hai con. Bất chấp sự thay đổi này, tỷ lệ sinh của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm. Tỷ lệ sinh năm 2022 đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, giảm xuống còn 6.77 trên 1,000 người so với mức 7.52 vào năm 2021.

Theo ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc và là cựu giáo sư tại Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh, thì việc dân số Trung Quốc giảm không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ông cũng cho rằng quá trình suy giảm đã bắt đầu từ gần 5 đến 7 năm trước và ĐCSTQ cuối cùng cũng nhận ra điều đó.

Tuy nhiên, ông Balding nói với The Epoch Times rằng, sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động là một vấn đề lớn hơn so với sự suy giảm dân số tổng thể. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm những người từ 15 đến 59 tuổi, đã giảm xuống mức 62% so với mức hơn 70% một thập niên trước đây.

Ông lưu ý rằng Trung Quốc sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế nhanh chóng mà các quốc gia có dân số trẻ thường được hưởng, đồng thời cho biết thêm rằng Ấn Độ và Việt Nam, cả hai đều có dân số rất trẻ, có thể là những người hưởng lợi chính từ sự sụt giảm dân số của Trung Quốc.

Ông nói: “Trung Quốc sẽ không còn là con ngỗng vàng tiêu dùng như chúng ta vẫn tưởng.”

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vượt qua Trung Quốc vào năm 2023.

Dấu hiệu về sự suy yếu

Bắc Kinh nhận thức được những thách thức này và đã đầu tư mạnh vào công nghệ trong những năm gần đây với nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ đối với nền kinh tế.

Đã có những tín hiệu về sự suy yếu lan rộng khắp nền kinh tế: hoạt động thương mại suy giảm, lạm phát đang chậm lại, và hoạt động cho vay mới của ngân hàng đang sụt giảm. Và tình trạng này vẫn diễn ra mặc dù chính phủ Trung Quốc phớt lờ các xu hướng toàn cầu bằng cách thực hiện nới lỏng tiền tệ và tài khóa trong năm nay. Các biện pháp kích thích này không có tác động như mong muốn do nhu cầu trong nước vẫn yếu.

Ông Chang lưu ý: “Số liệu nhập cảng thực sự rất đáng lo ngại.”

Vào tháng 12/2022, lượng hàng hóa nhập cảng vào Trung Quốc đã giảm 7.5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 228.07 tỷ USD. Mức giảm vào tháng Mười Một (2022) là 10.6%. Sự sụt giảm nhập cảng trong năm nay là do nhu cầu trong nước trì trệ. Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do các ca nhiễm COVID-19 và những khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Ông Chang nói: “Quý vị phải xem xét sự suy giảm nhân khẩu học dự kiến ​​trong bối cảnh những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nơi đang bị các cuộc khủng hoảng cùng lúc bao vây.”

Ông giải thích: “Quý vị thấy tình trạng vỡ nợ tiếp diễn, giá bất động sản lao dốc, nền kinh tế đang thu hẹp. Chúng ta đang chứng kiến ​​tình trạng thiếu lương thực, môi trường xấu đi, COVID-19. Khi quý vị kết hợp tất cả những điều đó lại với nhau, quý vị sẽ có một đất nước mà tôi không nghĩ sẽ có thể đối phó với những thách thức mà họ phải đối mặt.”

Nhân viên bệnh viện đẩy một thi thể trên băng ca trong phòng cấp cứu đông đúc tại một bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 02/01/2023. (Ảnh: Getty Images)
Nhân viên bệnh viện đẩy một thi thể trên băng ca trong phòng cấp cứu đông đúc tại một bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 02/01/2023. (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc đang trên quỹ đạo trở thành nghèo

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập niên. Nhiều nguồn truyền thông và chuyên gia cho rằng hiệu quả kinh tế yếu kém này là do các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại ảnh hưởng lớn đến các gia đình và doanh nghiệp.

Theo dữ liệu chính thức, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 3% vào năm 2022, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 8.1% được ghi nhận vào năm 2021. Ngoài năm 2020, khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2.2%, năm ngoái là năm tăng trưởng GDP thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1976, khi sự ra đi của ông Mao Trạch Đông đã chấm dứt thập niên đấu tranh được gọi là Cách mạng Văn hóa.

Ông Antonio Graceffo, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc kiêm cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết: “Với sự sụt giảm dân số như trên, “Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nghèo đói.”

Ông nói với The Epoch Times: “Trung Quốc đang ở trong tình trạng mà chúng tôi gọi là ‘nghèo già,’ có nghĩa là dù chúng ta nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là phi thường, thì Trung Quốc thực sự vẫn là một quốc gia nghèo.”

Ông giải thích, thông thường, các quốc gia có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh giảm bằng cách dùng tiền và công nghệ để duy trì chất lượng cuộc sống của họ, như đã thấy ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và phần lớn Tây Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ bắt kịp thế giới phát triển.

Ông nói: “Trung Quốc bị mắc kẹt trong nền sản xuất cấp thấp này, đồng thời cho biết thêm rằng quan điểm cho rằng nước này đang chuyển sang sản xuất cao cấp là không đúng sự thật.

Ông nói, “Tôi không tin Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ.”

Ông Balding đồng tình rằng với dân số ngày càng suy giảm, Trung Quốc sẽ khó bắt kịp được nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo ông, năng suất, tiêu dùng, và tiết kiệm đều sẽ chịu áp lực.

Ông nói, nhưng điều quan trọng hơn là, “hệ thống lương hưu của họ bị thiếu hụt trầm trọng, và điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên tài chính công.”

“Quý vị đã từng thấy các khoản cứu trợ cho một số quỹ hưu trí cấp tỉnh địa phương hoặc việc tái cấp vốn cho các quỹ này.”

Theo ông Chang, trong nhiều năm, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, béo bở cho nhiều tập đoàn toàn cầu, nhưng điều này sắp thay đổi.

Ông cho hay, “Mọi người đều có những ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ có mức tiêu thụ có thể cứu các công ty phương Tây. Chà, điều đó không đúng.”

“Tôi nghĩ rằng mọi người nên nhận ra điều đó sớm hơn. Ngày càng có nhiều người bắt đầu hiểu được những thách thức căn bản trong xã hội Trung Quốc, và thậm chí điều có lẽ quan trọng hơn là, chúng ta bắt đầu hiểu ra rằng chính quyền này không có câu trả lời.”

 

Emel Akan

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Cô Emel Akan là ký giả đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, cô làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Cô tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.

Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times