Chính sách Perestroika của Gorbachev và tác động đối với Việt Nam

Share this post on:
Ảnh tư liệu: Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và phu nhân Raisa phát biểu với báo chí tại một phòng phiếu ở Matxcơva, Nga, ngày 26/03/1989. AP – Boris Yurchenko

Thanh Phương

Đăng ngày: 05/09/2022 –

13 phút

Ông Mikhail Gorbachev, tổng thống đầu tiên và cũng là tổng thống cuối cùng của Liên Xô qua đời ngày 30/08/2022 và sự kiện này đã được báo chí quốc tế loan tin rộng rãi, với nhiều phản ứng của các lãnh đạo thế giới, với nhiều bài bình luận, bài viết nhắc lại tiểu sử, những thành công, cũng như những thất bại của ông.

QUẢNG CÁO

Trong khi đó, báo chí chính thức của Việt Nam nói chung đưa tin khá ngắn gọn về một nhân vật được xem là kẻ mở đường cho việc khai tử Liên Bang Xô Viết. Thông tấn xã Việt Nam chỉ thận trọng đưa vài dòng trích dẫn truyền thông Nga loan tin ông Gorbachev đã qua đời tại Matxcơva “sau một thời gian lâm bệnh nặng”, với đúng một câu về tiểu sử của cựu lãnh đạo Liên Xô :”Ông Gorbachev sinh năm 1931 và từng đảm nhiệm cương vị Tổng thống Liên Xô từ tháng 3/1990 đến tháng 12/1991.”

Tờ Dân Trí thì cũng loan tin ngắn gọn như vậy với phần tiểu sử dài hơn, ghi nhận ông Gorbachev đã “đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Liên Xô đạt thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Mỹ và hợp tác với các nước phương Tây loại bỏ bức màn sắt ngăn cách châu Âu kể từ Thế chiến II và giúp thống nhất nước Đức. Sau hàng chục năm căng thẳng và đối đầu Chiến tranh Lạnh, ông Gorbachev đưa Liên Xô xích lại gần phương Tây hơn.”

Nhưng điều đáng chú ý là không một tờ báo chính thức nào có bài chỉ trích ông về việc đã làm cho Liên Xô tan rã, trong khi trước đây báo đảng ở Việt Nam vẫn có bài lên án ông là “kẻ phản bội”.

Chỉ riêng Báo điện tử Công Thương, cơ quan ngôn luận của bộ Công Thương Việt Nam hôm 31/08 đã đăng lại bài viết “Vì sao Liên Xô sụp đổ: I. Đường lối cải tổ sai lầm và sự phản bội của Gorbachev” đăng ngày 26/1/2018 trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản.

Bài báo có đoạn: “M. Gorbachev tìm mọi cách chui sâu, luồn cao vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Gorbachev là con người né tránh vấn đề, giỏi che đậy, khôn ngoan và có kỹ năng và chiến thuật làm mọi người nhanh quên đi những quan điểm cấp tiến của mình. Rõ ràng, trước khi giành được vị trí tổng bí thư, không phải tình cờ khi M. Gorbachev đã tiến hành việc tách và gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô khỏi vai trò lãnh đạo đời sống kinh tế của đất nước”.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 01/09/2022, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét cách đưa tin của báo chí Việt Nam về cái chết của Gorbachev:

“ Hiện nay báo chí đã tránh, không có đánh giá nào về “công” và “tội” của ông Gorbachev cả. Có thể nói là những bài học và Việt Nam đã rút ra được đó là tự Việt Nam rút ra, chứ không có bất kỳ một sự đánh giá chính thức nào hiện nay đối với hành động và các quyết định của ông Gorbachev đối với Việt Nam”.

Trong khi đó, theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, trên các mạng xã hội, hay trong những lúc “trà dư tửu hậu”, đã có rất nhiều phản ứng về cái chết của ông Gorbachev, mà đa số ca ngợi vai trò của cựu lãnh đạo Liên Xô, xem ông là “một nhân vật lịch sử của thế kỷ 20”

“Công tội  của Gorbachev thế nào thì còn sẽ phải phán xét dài dài, nhưng rõ ràng là nếu không có ông, thì đã không có bộ mặt của thế giới từ những năm 1980 cho đến 20 năm đầu của thế kỷ này. Còn ở Việt Nam thì rõ ràng. Sau ngày ông mất, chúng tôi đã nâng ly tưởng nhớ Gorbachev. Không có ông thì toàn bộ cuộc sống hiện nay, toàn bộ khung cảnh tự do hóa, thị trường hóa này sẽ không có được”.

Nhìn lại lịch sử, chính sách perestroika và glasnost đã thổi một luồng gió mới cả về kinh tế và chính trị cho các nước thuộc khối Liên Xô và dĩ nhiên cũng đã tác động đến các chính sách của giới lãnh đạo Việt Nam thời cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, bởi vì Liên Xô vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại chính sách cải tổ của ông Gorbachev đã được giới văn nghệ sĩ nói riêng và dư luận Việt Nam nói chung đón nhận như thế nào:

“Nhận xét chung của tôi là mọi người lúc đó hồ hởi, vui mừng và đón nhận một cách nồng nhiệt. Từ năm 85, perestroika, glasnost của Mikhail Gorbachev có thể nói là như một luồng gió thổi tới, giải tỏa được những tù đọng, những mong mỏi đổi mới, thay đổi. 

Lúc đầu ngay cả khái niệm như là “perestroika”, mọi người không biết dịch là gì: đổi mới, hay cải tiến, cải tổ? Cuối cùng mọi người giữ lại chữ cải tổ. Và đặc biệt là chữ “glasnost” không biết dịch là gì: công khai, trong suốt, trong sạch? Hai khái niệm đó có thể nói là đã rất nhanh chóng nhập vào Việt Nam, người ta vừa tò mò, vừa háo hức và vừa có cả sự thận trọng nữa. Có thể những nhà lãnh đạo còn thận trọng, nhưng tâm lý của dân chúng, và đặc biệt của văn nghệ sĩ thì phải nói là vui mừng, háo hức và chờ đợi.

Hồi đó đọc báo chí của Nga, tôi quan sát thấy là perestroika liên quan đến mọi mặt của đời sống Liên Xô, nhưng riêng đời sống văn hóa, văn nghệ, thì nó giải tỏa được cho những vụ án văn nghệ, cho những tác phẩm bị cấm xuất bản trước đây, cho những trường hợp rắc rối ngày trước, lúc đó được công bố mới hoặc công bố lại, hoặc là được đưa ra ánh sáng.

Tôi lấy ví dụ tiêu biểu nhất là Bác sĩ Jivago của Boris Pasternak. Trước đó chỉ có bản dịch của miền nam thôi, miền bắc gần như hoàn toàn không biết, nếu có nghe thì cũng nghe rỉ tai là có trường hợp một cuốn tiểu thuyết chuyền từ Nga ra nước ngoài và sau đó được dịch sang tiếng Anh, rồi Pasternak được giải Nobel về cuốn này, nhưng lại không được đi nhận. Chính nhờ cải tổ của Gorbachev, mà những vấn đề về văn nghệ đó được giải tỏa ra, được phơi bày ra.

Không có đổi mới ở Việt Nam nếu không có perestroika của Liên Xô. Đổi mới ở Việt Nam là kể từ năm 1986, tức là kể từ Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là chỉ một năm sau perestroika năm 1985. Rồi ví dụ như là cuộc gặp của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với hơn một trăm văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa với một tinh thần đối thoại  rất cởi mở. Sau đó có nghị quyết 5 của Bộ Chính trị khóa 6, trong đó có vai trò chính của ông Trần Độ (Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương), tức là cũng muốn giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, rồi mở rộng cái định hướng mà hồi đó gọi là định hướng “rộng” cho người sáng tạo cũng như người thưởng thức. Đó chính là tác động rất lớn lao từ chính sách cải tổ của ông Gorbachev.” 

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, về phương diện kinh tế tác động lớn nhất đó là việc tổng thống Gorbachev, do tình hình cực kỳ khó khăn của Liên Xô lúc đó, đã phải cắt hoàn toàn mọi viện trợ, mọi ưu đãi dành cho Việt Nam, buộc chính quyền Hà Nội phải tự xoay xở:

“ Ông Gorbachev đã thực hiện chính sách cải tổ với tác động đối với Việt Nam là việc ông không cấp cho Việt Nam bất kỳ một viện trợ nào nữa và điều này buộc Việt Nam phải tìm mua dầu của Irak và của Libya và rất may là đã được Irak và Libya giúp đỡ và cung cấp dầu, nếu không thì  Việt Nam đã không còn nhiên liệu cho hoạt động kinh tế. Nhờ có những nỗ lực của Việt Nam mà Việt Nam đã trụ lại được và đã cải cách, đổi mới và đã tiếp tục trụ vững trong quá trình phát triển kinh tế.

Tôi nghĩ rằng việc ông Gorbachev thúc ép Việt Nam cải tổ bằng cách không cho Việt Nam bất kỳ viện trợ hay bất kỳ ưu đãi nào nữa đã bắt buộc Việt Nam phải tự lực cánh sinh và phải đổi mới. Đó là tác động mà tôi cảm thấy rõ nhất trong quyết định của ông Gorbachev đối với Việt Nam.”

Rõ ràng là do không còn tiếp tục được hưởng “bầu sữa” của đàn anh Matxcơva, Hà Nội đã buộc phải cải tổ, nhưng họ thi hành một chính sách perestroika theo kiểu Việt Nam. Báo chí quốc tế vào thời ấy đã rất chú ý đến điều này. Trong một bài báo đăng ngày 21/02/1990, tờ nhật báo Mỹ Los Angeles Times đã viết: 

“ Việt Nam, vốn luôn được coi là đồng minh thân cận nhất của Matxcơva ở châu Á, tỏ vẻ rất tự tin sẽ tránh được tình trạng hỗn loạn như ở Đông Âu và Liên Xô gần đây. Hơn nữa, Việt Nam đang dần rút khỏi khối Liên Xô cả về mặt tư tưởng, quân sự và tài chính. Họ đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ những nơi khác – mà cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực – và đã thận trọng tìm cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, đối thủ Cộng sản của Matxcơva, sau một thập kỷ bang giao đóng băng. 

Cho đến nay, không ai dám công khai nêu lên ý tưởng về một hệ thống đa đảng ở Việt Nam, như Gorbachev đã làm ở Liên Xô. Thật vậy, Nguyễn Văn Linh, người đồng cấp Việt Nam của Gorbachev với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản, đã tuyên bố trong một bài phát biểu ngày 2/ 2 rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ tiếp tục nắm độc quyền chính trị ở đây. 

Trong một hội nghị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng, ông Linh đã nói: “Ngoài Đảng Cộng sản, ở Việt Nam không có đảng phái nào thuộc tầng lớp nào có khả năng đảm nhận vai trò đó.  ” Trong lịch sử quá khứ đã là như vậy, và bây giờ cũng như trong tương lai cũng sẽ là như vậy.” Ông Linh cho rằng “thực tế hiện nay” ở các nước Đông Âu làm nổi bật tác hại đối với uy tín của đảng và về thực tế, Việt Nam cần tránh phạm phải những sai lầm tương tự. 

Thay vào đó, chế độ Hà Nội đã chọn đặt trọng tâm vào nền kinh tế bằng một chính sách gọi là đổi mới, tiếng Việt tương đương với perestroika. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khối Liên Xô tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng, bắt đầu từ tháng 12 năm 1986, bằng việc chấm dứt bao cấp của Nhà nước, phá giá tiền tệ và tạo ra thị trường mở. Kết quả rất ấn tượng. Vật tư và chủng loại hàng tiêu dùng tăng mạnh. Lạm phát đã giảm từ 700% năm 1988 xuống còn khoảng 24% vào năm ngoái (1989). Tiền tệ đã được ổn định, do đó thị trường chợ đen hầu như biến mất.”

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giới lãnh đạo Hà Nội đã biết rút ra những bài học từ chính sách perestroika của ông Gorbachev:

“Chính sách perestroika và glasnost của Gorbachev đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều bài học. Có những bài học mà Việt Nam đã tham khảo và thực hiện, ví dụ như Việt Nam đã phải phát huy rất mạnh mẽ các tiềm lực kinh tế tư nhân, rồi Việt Nam đã phải thực hiện khoán và phát triển nông nghiệp, để không những tự túc được lương thực, mà còn xuất khẩu được các nông sản. Cũng xin lưu ý là trước khi cải cách, Việt Nam đã phải nhập khẩu không chỉ lương thực, mà rất nhiều mặt hàng khác.

Đó là những bài học từ những sức ép, từ việc Liên Xô tan rã, dẫn đến việc Việt Nam phải thực hiện những cải tổ một cách độc lập, tự chủ và tránh cho Việt Nam những đổ vỡ nếu như không cải cách.”

Nếu có bài học nào khác mà chế độ Hà Nội đã rút ra từ chính sách perestroika của ông Gorbachev, đó là không nên cải tổ chính trị theo chủ trương của vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, việc ông Gorbachev làm cho Liên Xô tan rã khiến giới lãnh đạo Hà Nội lúc đó phải siết lại một số mặt trong chính sách cải tổ:

“ Trong những năm đầu, công cuộc cải tổ của Liên Xô, của Gorbachev được xem là có ảnh hưởng tích cực khi người ta nhận thức đó là thay đổi bộ mặt của chủ nghĩa xã hội, cho nó mang bộ mặt “người” hơn. Nhưng  công cuộc đó đã làm tan rã làm sụp đổ một chế độ, một thể chế năm 1991, điều này đã tác động mạnh đến Việt Nam và tác động đó, nhưng là tác động theo chiều hướng tiêu cực, chứ không phải là tích cực như trước đây. Vừa mở ra thì sau đó đã bắt đầu siết lại. Có thể nói là có những cái dĩ nhiên là không còn như cũ nữa, nhưng cũng trở nên hạn chế.

Có thể nói đó là hai chiều của tác động của Gorbachev. Lúc đầu người ta ca ngợi Gorbachev, vì mọi sự thay đổi gì trong bộ máy cấp cao của Liên Xô hồi đó đều “dội” về Việt Nam. Khi Gorbachev từ một người được kỳ vọng trở thành người làm tan rã Liên Xô, thì ở Việt Nam cũng đã từng có những lập luận rằng Gorbachev là “tên phản bội”, đã “phá hoại”   Liên Xô. Và do đó Việt Nam vẫn tiếp tục đường lối đổi mới, nhưng chú trọng đến đường lối kinh tế hơn, còn các đường lối khác thì bị thu hẹp lại.” 

Trong bài báo với hàng tự ” Việt Nam đi theo perestroïka, nhưng khó nuốt glasnost”, nhật báo The Herald của Scotland ngày 05/01/1990 đã ghi nhận:

“ Không phải cải cách kinh tế khiến phe bảo thủ lo lắng, mà là mở cửa chính trị, khởi đầu bởi các nhà báo đã viết bài vạch trần tham nhũng và chỉ trích chính phủ, và bởi các nhà văn và các nghệ sĩ đã thực hiện một cuộc cải cách văn hóa thực sự.

Phản ứng ( của phe bảo thủ ) bắt đầu tại một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 8 năm ngoái (1989) lên án gay gắt ” tự do hóa tư sản. Nhưng cuộc đàn áp nặng nề nhất đó là sau khi Quốc hội, trong họp vào cuối tháng 12 lúc đang có cuộc cách mạng ở Rumanie, thông qua luật báo chí mới hạn chế nghiêm trọng tự do ngôn luận.”