Chuyện Việt Nam Thứ hai 15/01/2024: *Jetstar Australia và tiền VN. *Thước đo một minh quân. *Chống tham nhũng/thanh trừng ở chế độ độc tài. *tháp chuông “cảng cáp treo Vinpearl” bị sập. *CSVN đang biến tiền thành rác

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp


Jetstar Australia và “con c*c”

Nguyễn Phương Mai

13/01/2024

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/4-4.jpeg

Ảnh trên mạng 

Mấy ngày qua, hãng hàng không #JetstarAustralia đã khiến nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước nổi giận khi đem tiếng Việt ra để đùa cợt trên page chính thức với gần 800k lượt theo dõi.

Chữ “đồng” – một từ chỉ đơn vị tiền tệ đã gắn bó với ngôn ngữ của người Việt từ xa xưa – bị lược bỏ dấu và đọc theo âm giọng tiếng Anh. Sau khi đã lột da một từ nguyên bản, “đồng” thành “dong”, Jetstar Australia đăng nguyên một post chế giễu rằng từ tiếng Việt chỉ “tiền” thật là “buồn cười” (vì nó có nghĩa là “con c*c”). Cái sự buồn cười ấy có tính bản chất, khách quan (“objectively”), chả liên quan gì đến cảm xúc yêu ghét hay phán xét hay dở của ai.

Chưa hết, trong phần comment, Jetstar còn chêm thêm nhận xét rằng chỉ cần có 65 đô Úc thôi là bạn sẽ thành “triệu phú”.

***

XENOPHOBIC/ RACIST JOKE

Xenophobic/ racist jokes là những câu đùa nhằm vào văn hóa, bản sắc của dân tộc khác. Phần lớn các jokes kiểu này ẩn chứa thái độ thượng đẳng. Trong sự việc của Jetstar, họ đã dùng tiêu chí văn hóa của mình (tiếng Anh) để đánh giá, cười cợt, giễu nhại văn hóa của chính khách hàng (người Việt).

Tuy nhiên, xenophobic jokes vốn là một phần tự nhiên của sự chung sống, đa dạng trong xã hội loài người. Như một công cụ tâm lý để đối phó với những cộng đồng khác biệt, nó dùng sự hài hước để che giấu thái độ khinh miệt, truyền tải nỗi sợ hãi, giảm nhẹ sự giận giữ. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời là công cụ để bày tỏ sự thân thiện không câu nệ, cân bằng hoặc lát đường cho một mối quan hệ mới.

Nó tồn tại ở khắp mọi nơi, bên bàn tiệc, lúc riêng tư, với bỗ bã bạn bè, và đương nhiên là khi phím chiến trên cõi mạng. Chính vì thế, ứng xử ra sao với những câu đùa kiểu này tùy thuộc vào bối cảnh. Tôi từng thấy một người bạn Trung Quốc cười xòa khi có đứa cùng phòng kêu rằng “máy tính của mày bé vì mắt mày (một mí) đâu có nhìn hết màn hình”. Hẳn nhiên, câu đùa ấy là No-No với một người bạn chưa đủ độ bỗ bã và thân quen.

***

ĐÙA LÚC NÀO THÌ VUI?

Chính vì tính chất con dao hai lưỡi ấy, xenophobic/ racist jokes có có ba mức nguy hiểm.

Ở mức 1, nó yêu cầu sự cẩn trọng, chuyên nghiệp, thông minh và một mối quan hệ cho phép vượt ngưỡng. Một ví dụ cụ thể là các nghệ sĩ hài (stand-up comedy) bởi bản chất công việc của họ cho phép đặt một chân qua làn ranh mong manh. Kẻ cả như vậy thì không phải ai cũng dám cười cợt kẻ khác. Nhiều nghệ sĩ chỉ dám chọn đùa cợt về văn hóa của chính mình.

Ở mức nguy hiểm thứ 2, xenophobic/ racist jokes đôi khi xuất hiện trong phát ngôn của người nổi tiếng, đặc biệt là các chính trị gia theo trường phái dân túy, vốn có lợi thế khi song hành cùng tư tưởng và lời lẽ của đám đông.

Trong cuốn hồi ký của cựu Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, ông kể rằng cựu Tổng thống Trump từng hỏi có phải tên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc là “Fook You” không. Theo lời kể của Ted Osius, cả phòng họp rộ lên cười, có lẽ cũng có phần để chữa ngượng cho Trump và che giấu sự bối rối.

Ở mức nguy hiểm cao nhất, xenophobic/ racist jokes là địa phận không được phép tới gần của các nhãn hàng, các công ty đa quốc gia và báo chí. Nhằm tăng phiếu bầu, một chính trị gia dân túy có thể đùa về một cộng đồng dân cư vốn đã bị kỳ thị nhằm trung tính hóa sự căm ghét và che đậy sự bất an. Tuy nhiên, trong trò chơi với dao này, doanh nghiệp và báo chí hầu như chắc chắn sẽ bị đứt tay. Doanh nghiệp thì mất tiền còn báo chí thì mất danh tiếng.

Hãy thử tưởng tượng câu đùa “nhân dân tệ” trở thành một post trên trang chính thức của Vietnam Airline thì chính quyền Trung Quốc sẽ lên tiếng ra sao, cộng đồng mạng Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

***

JETSTAR AUSTRALIA ĐÃ XỬ LÝ RA SAO?

Những lời phản đối đầu tiên về trò đùa thượng đẳng của Jetstar đến từ chính những khách hàng người Úc da trắng. Cộng đồng người Việt ở Úc và người Việt trong nước sau đó đã chỉ trích dữ dội khiến Jestar Australia phải gỡ bài. Tuy nhiên, phản ứng của hãng không tương xứng với sự nghiêm trọng mà họ gây ra.

Thứ nhất, hãng đã vi phạm luật chống kỳ thị chủng tộc của Úc (Racial Discrimination Act 1975 – Sect 18C Offensive behaviour because of race, colour or national or ethnic origin).

Hãng cũng vi phạm luôn những điều luật về mạng xã hội do chính mình đề ra (Community standards on social media).

Thứ hai, sau khi vi phạm, Jetstar đã XÓA bài, tức là xóa bằng chứng chứ không phải ĐÍNH CHÍNH.

Thứ ba, hãng đã xúc phạm một nền văn hóa khác bằng post, nhưng lại xin lỗi chỉ bằng một comment ngắn ngủi: “You are right, and that’s why we’ve deleted the post. We are really sorry for any offence caused”.

Vì bài nguyên gốc đã bị xóa, lời xin lỗi bằng comment này chỉ xuất hiện khi một người có cái tên châu Âu là Mark Adnum tiếp tục tạo áp lực bằng cách comment trên bài mới nhất của hãng.

Lời xin lỗi của Jetstar Australia rất ngắn, thiếu hoàn toàn bốn thành tố cơ bản nhất của một lời xin lỗi chân thành:

(1) Nó không có tính “tương đương” về độ lan tỏa khi chỉ là một comment;

(2) Nó không đưa ra “lý do tại sao” đây lại là sai phạm;

(3) Nó không xác nhận “thiệt hại” mà lỗi sai phạm đó gây ra; và

(4) Nó hoàn toàn không đề cập đến những “giải pháp” để trừng phạt và ngăn chặn sai phạm tương tự trong tương lai, ví dụ rà soát lại quá trình thẩm định chất lượng, đào tạo lại và đa dạng hoá đội ngũ nhân viên.

Trên những post mới nhất của hãng, hàng ngàn người đã thả tương tác giận giữ và yêu cầu Jestar có một lời xin lỗi chính thức, tương xứng với phát ngôn và tầm vóc của một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại nước Úc.

Quay trở lại ví dụ ở trên, hãy thử tưởng tượng câu đùa “nhân dân tệ” trở thành một post trên trang chính thức của một hãng hàng không Việt Nam. Liệu họ có thoát hiểm chỉ bằng một câu xin lỗi trong comment?

***

CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?

Việc một số người Việt đòi “đánh sập page” và comment một cách hung hãn là một cách xử lý ngắn hạn, thậm chí có hại khi những người không thấu hiểu sự việc có cái nhìn sai lệch về văn hoá Việt Nam.

Trong một xã hội pháp quyền, con đường chính thống bằng luật pháp sẽ khiến sự việc được chính thức nhìn nhận và xử lý đúng đắn hơn. Ban quản lý của Jestar sẽ không thể làm lơ khi phàn nàn và khiếu nại chính thức được gửi đến hai địa chỉ sau:

1. Hội đồng nhân quyền Úc: Australian human right commission (Link: https://humanrights.gov.au)

2. Jetstar (Link: https://www.jetstar.com/au/en/social-media-community-standards)

Cuối cùng, chúng ta đang sống trong một thế giới mở, nơi sự khác biệt phải được tôn trọng, nơi đa dạng văn hoá có thể trở thành một nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, sự tôn trọng đó cũng phải đến từ chính những chủ nhân văn hoá người Việt. Nguồn tài nguyên đó sẽ trở thành lực cản nếu chính chủ nhân của nó không nhìn ra giá trị.

Nó có thể là sự trân quý tiếng nói, lịch sử và bản sắc của quê hương. Đôi khi, sự trân quý và tự hào ấy lớn hơn việc đánh đổi lấy sự dễ dàng. Khi còn dạy học, tôi luôn để ý xem những sinh viên nào dễ dãi với việc người ta gọi mình sao cũng được. Tôi cũng để ý xem ai nhanh chóng đổi tên sang tiếng Anh, không phải để có một danh tính mới mà vì họ chấp nhận sự thoải mái được dành cho kẻ khác.

Tôi rất chú ý dạy các em những câu cửa miệng khi mới gặp ai:

“Tên bạn có nghĩa là gì?”

“Tôi gọi tên bạn thế nào cho đúng?”

“Bạn muốn tôi gọi tên bạn như thế nào?”

“Xin lỗi nếu tôi phát âm tên bạn sai”.

Những lời nói khiêm tốn ấy ngay lập tức tạo thiện cảm, xây dựng kết nối, làm nền móng cho một câu chuyện và mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau.

Trong cuốn Tôi Là Một Con Lừa, tôi có kể về một lần lấy bản thân làm ví dụ minh hoạ khi sau bài học về danh tính đã tạm thời tuyên bố không trả lời email của bất kỳ em nào gõ tên mình thiếu dấu. Thế là một buổi sáng đến lớp, chúng nó đánh vần tên và dõng dạc chào tôi như sau: “Miss Ngủ-yên Phú-ông Mai”. Kỷ niệm ấy đi theo rất nhiều sinh viên trong khoá học, một số em ghi điểm với đối tác khi trở thành người đầu tiên tìm cách viết tên của họ không bị lỗi, đủ dấu, đúng phông, kể cả những chữ cái phải copy-paste mới hiện hình.

Tên của mình mà, còn thanh âm nào trên đời này gần gũi đáng yêu hơn?

Jetstar Australia và “con c*c”

https://baotiengdan.com/2024/01/13/jetstar-australia-va-con-cc/embed/#?secret=4TsIKryNeV#?secret=lyaGwAmEJK

Lưu Trọng Văn – Thước đo một minh quân 

15/01/2024

Ba vấn đề các nhà lãnh đạo thực sự vì Nước, vì Dân dù bất cứ ai, cũ hay mới, buộc phải luôn đối diện:

1. Hoàn chỉnh, thăng hoa hệ tư tưởng cho quốc gia ; vừa hài hòa bản sắc Văn hóa Việt, vừa đồng hành tự nhiên Văn minh nhân loại. 

Điều đó không cho phép tồn tại hệ tư tưởng nào là sản phẩm của chủ quan duy ý chí – một mình một cửa, cản trở bước nhẩy vọt của Dân tộc.

2. Hoàn chỉnh một thể chế giải phóng toàn diện sức sáng tạo của các tinh hoa Dân tộc, đưa các tinh hoa Dân tộc nắm vai trò dẫn dắt Dân tộc.

3. Dân chủ hóa Đất nước, từ đó tạo các cốt lõi để Đoàn kết các nguồn lực sức mạnh người Việt trên toàn cầu.

Bất cứ nhà lãnh đạo nào của Việt Nam cũng trở thành lực cản, nếu cảm thấy xa lạ hoặc thờ ơ với ba cốt lõi này.

Và, thước đo một minh quân để đi vào Lịch sử chính là đây, chứ không phải thước đo nào khác.


Chống tham nhũng và thanh trừng phe phái trong các chế độ độc tài

Trần Bình Thản/Tạp Chí Luật Khoa

15/01/2024

Các vụ xét xử tham nhũng có phải để làm sạch bộ máy chính quyền?

Các nhà độc tài Adolf Hitler, Joseph Stalin, và Kim Jong-un. Ảnh: Noiser. 

Nguy cơ lớn nhất đối với các nhà độc tài từ giữa thế kỉ XX đến gần đây không phải là dân chúng nổi dậy mà là sự lật đổ từ bên trong. 

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2012 có tên “The Politics of Authoritarian Rule”, giáo sư chính trị học Milan W. Svolik (khi đó là giáo sư Đại học Illinois và hiện nay là giáo sư Đại học Yale, Hoa Kỳ) chỉ ra trong số 303 nhà độc tài nắm quyền từ năm 1946 đến năm 2008, có đến 205 người bị thay thế do chính các lực lượng bên trong đảng, chính phủ, quân đội, hoặc lực lượng an ninh. Loại lật đổ này thường được gọi là đảo chính (coup d’état). [1]  

Những vụ tiêu biểu được xếp vào loại này gồm có Leonid Brezhnev lật đổ Nikita Khrushchev ở Liên Xô năm 1964, quân đội đảo chính lật đổ Tổng thống Ghana Nkrumah năm 1966 hay Tổng thống Tunisia Habib Bourguiba bị lật đổ năm 1987. 

Trong số 303 vị kể trên, chỉ có 32 vị là do người dân đứng lên lật đổ, 30 vị buộc phải từ chức do áp lực dân chủ từ công chúng, 20 vị bị ám sát và 16 vị bị loại bỏ do sự can thiệp của nước ngoài. 

Do vậy, đảo chính là nỗi lo thường trực và lớn nhất của mỗi nhà độc tài. Nói cách khác, việc bảo đảm sự bền vững của chế độ đồng nghĩa với các hoạt động “chống đảo chính” (coup-proofing). Họ luôn tìm mọi phương cách để loại bỏ các đồng chí không trung thành tuyệt đối với phe phái của mình. Thanh trừng phe phái trở thành hoạt động thường trực và được ưu tiên cao.

Đẫm máu nhất là cuộc “đại thanh trừng” của Stalin năm 1937 – 1938 ở Liên Xô, bắt giữ tới hơn 1,5 triệu người, trong đó có 800.000 người bị xử tử. Số này bao gồm nhiều nhân vật cấp cao của Đảng Cộng sản, tướng lĩnh quân đội, và nhân viên an ninh. Nhiều nhân viên cấp thấp hơn cũng bị lôi ra xét xử. 

Cuộc đại thanh trừng khiến cho cả hệ thống bị chấn động, không khí run sợ bao trùm lên toàn bộ các đảng viên thời ấy bởi không ai chắc được mình đã đủ trung thành chưa hay có bị nghi ngờ gì không. [2] 

Các chế độ độc tài khác cũng đều mở những cuộc thanh trừng đẫm máu. Phát xít Ý mở rộng cuộc thanh trừng năm 1931. Đảng Ba’ath Syria bắt đầu thanh trừng từ năm 1980. 

Thanh trừng phe phái dưới danh nghĩa chống tham nhũng

Trong các chế độ độc tài, rất khó phân biệt giữa việc chống tham nhũng và thanh trừng phe phái. Trên bề mặt, cả hai đều có việc bắt giữ, xét xử những người vi phạm. 

Về mặt lý thuyết, chống tham nhũng để cải thiện bộ máy khác với việc tranh trừng phe phái ở chỗ, quy trình truy tố và các phiên tòa diễn ra công khai minh bạch, luật pháp là cơ sở duy nhất để tòa án vận dụng xét xử. Quan trọng hơn, sẽ không có việc “kén” người theo phe phái nào để truy tố. 

Chống tham nhũng một cách thực chất sẽ làm bộ máy trong sạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền. Theo đó, các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất và dịch vụ sẽ tăng lên. Về lâu dài, việc hạn chế tham nhũng giúp khơi mạch cho sức phát triển tiềm tàng từ những nhóm xưa nay bị kiềm chế. Những phe thân hữu với nhà cầm quyền giảm khả năng chèn ép những nhóm người khác.

Ngược lại, việc thanh trừng phe phái dẫn đến những hệ quả hoàn toàn trái ngược. Khi ấy thị trường như một bãi mìn tiềm ẩn. Người đang làm ăn kinh doanh không dám mở rộng. Người có ý tưởng không dám bỏ vốn hay liên kết gọi vốn lớn. Một nguyên nhân cơ bản là họ không thể dò được ai thuộc phe nào, bên nào đang lên hay xuống, trong khi nếu liên kết nhầm với phe đang thất thế thì công việc kinh doanh có nguy cơ bị phá sản.

Trong một cuộc thanh trừng phe phái, bầu không khí sợ hãi bao trùm lên toàn xã hội. Người đứng sai phe thì tìm cách chạy chọt. Kẻ cùng phe cũng sợ liên lụy phải yếm thế chờ thời. Hiệu quả làm việc của bộ máy do đó bị giảm sút. 

Ở Việt Nam, cuộc thanh trừng phe phái dưới thời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn những năm 1960 mang tên “vụ án xét lại chống đảng”. [3] Không chỉ các cán bộ cấp cao, mà cả nhiều công chức cấp thấp cũng bị loại bỏ nếu bị phát hiện đã từng tỏ thái độ phê phán chế độ hay cá nhân ông Lê Duẩn. 

Thanh trừng phe phái là hiện tượng phổ biến trong tất cả các chế độ độc tài. Bản chất mờ ám của nó tạo ra nỗi bất an lớn cho toàn hệ thống chính trị, bởi lẽ ít ai có thể chắc chắn mình chưa từng phạm tội gì, hoặc ít nhất chưa từng phụng sự cho một quan chức phạm tội nào. 

Dù được đặt dưới danh hiệu gì, mục đích cuối cùng cũng là củng cố quyền lực cho nhà cầm quyền và giảm thiểu rủi ro bị lật đổ từ bên trong. 

https://www.luatkhoa.com/2024/01/chong-tham-nhung-va-thanh-trung-phe-phai-trong-cac-che-do-doc-tai/

Dương Quốc Chính – Công trình của ai bị sập mà báo chí phải gỡ bài ? 

(Tựa bài do Thụy My đặt) 

14/01/2024

Không biết công trình này của chủ đầu tư nào, chỉ cái tháp con con kia sập thôi mà báo chí cũng phải gỡ sạch. Còn mỗi một tờ báo miền núi Gia Lai gì đó còn sống link.

Nhìn cái nhà có vẻ là công trình công cộng, thì đúng luật là Sở Xây dựng hoặc Bộ Xây dựng phải thẩm định thiết kế và có kiểm tra thi công, tùy quy mô. Thế nên công trình sập thì cơ quan chức năng phải điều tra, xử lý và báo chí có quyền lấy tin. 

Sai thì sửa, chửa thì đẻ thôi có gì mà phải bưng bít. Tháp con con thì xây lại có gì ghê gớm đâu mà cứ quen thói đi bịt truyền thông. Cứ đi làm vậy nên nó thành phản cảm. Giờ mua xe mua nhà mà biết thằng chủ hở ra là bịt mồm thiên hạ thì chả sợ bỏ mẹ. Nhỡ hàng mình mua có vấn đề nó cũng bịt mồm mình như vậy thì sao?

 Ban Truyền thông của doanh nghiệp làm quá đà. Bạ tin mẹ gì cũng bịt báo chí từ nhỏ đến to. Nên trước dư luận VIN thành con ngáo ộp không còn sự thân thiện với xã hội, với khách hàng. Anh em truyền thông bên đó có hóng thì rút kinh nghiệm đi.

Có mỗi chuyện có thằng nhảy lầu ở khu chung cư mà báo còn không dám đăng tên khu đó vì sợ phạm húy thì còn ra thể thống gì nữa? Nó nhảy lầu là việc của nó, đâu ảnh hưởng gì đến chủ dự án đâu mà phải che tên? Báo chí hèn nó cũng có căn cốt luôn.

Báo Gia Lai chắc miền núi xa xôi nên liên hệ khó, chả quen ai tổng biên tập, với cả Chủ nhật anh em nghỉ nên đành để đó!

P/S : Truyền thông chuyên nghiệp là phải học cách bẻ lái, ngồi mà nghĩ ra lý do gì đó hợp lý để đăng báo, làm rõ thông tin vụ này. Đại khái nêu lý do vì abc nên xyz, không có vấn đề gì đâu. Chứ còn trò đi bịt mồm thế này nó quá là cổ xưa và vô ích với mạng xã hội, chỉ gây phản cảm, khiến người ta chổng đít vào mình.


Báo chí Việt Nam gỡ hết bài về tháp chuông “cảng cáp treo Vinpearl” bị sập

Khánh Trang/VNTB

15/01/2024

VNTB – Báo chí Việt Nam gỡ hết bài về tháp chuông “cảng cáp treo Vinpearl” bị sập

(VNTB) –  Báo chi Việt Nam đồng loạt xoá bỏ tin Tháp chuông cao 10 m của “cảng cáp treo Vinpearl” bị đổ sập khi đang xây dựng.

Ngày 14/1, công trình “cảng cáp treo Vinpearl” nằm trong khu vực cảng  Nha Trang (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) đang xây dựng thì bất ngờ đổ sập phần tháp chuông cao 10 m. Đây là công trình thuộc dự án rộng hàng nghìn m2 chạy dọc biển, ở phường Vĩnh Nguyên, xây theo kiến trúc châu Âu.

Thông tin ban đầu là nhiều giàn giáo, sắt thép, phần đất đá của công trình nằm ngổn ngang,  hơn chục xe tải, máy xúc được điều động thu dọn hiện trường. Công trình này dự kiến sẽ khai trương vào cuối tháng 1/2024.

Nhưng chỉ sau một vài giờ, các tin tức bất lợi kiểu này cho Vingroup đã được báo chí chính thống tại Việt Nam gỡ sạch. Bài viết đồng loạt bị xoá, khi bấm theo đường dẫn bài viết đều chỉ thấy lỗi 404, kể cả “cache” cũng được gỡ sạch sẽ.

Bài viết về vụ sụp tháp chuông ở Nha Trang hôm 14/1/2023 tuy chỉ thông tin vắn tắt về vụ sụp tháp chuông đang xây dựng, nhưng không nêu tên chủ đầu tư, chủ công trình là ai cũng được coi là “nhạy cảm”. Tuy báo chí không nói ra tháp của ai, công trình của ai nhưng người dân ai cũng biết đó là ai.

Trong bối cảnh tin tức tích cực về Vinfast, công ty con của Vingroup, mới được tung ra hồi tuần rồi như đầu tư mới vào Ấn Độ tới  2 tỉ đô la, tổng thống Indonesia được Vượng Vin đích thân lái xe đưa đi thăm nhà máy sản xuất xe điện, … thì vụ sập tháp nhà ga của Vinpearl lại làm cho công sức của bộ phận truyền thông Vingroup bị đổ sông đổ biển.

Hiện trường vụ việc cũng như một khúc đường Trần Phú gần với khu vực có tháp sụp đã bị phong toả, cấm không cho phóng viên tác nghiệp, cả cơ quan chức năng cũng chưa đến được hiện trường làm rõ vụ việc. Tất cả đều được bưng bít.

Khi phóng viên có mặt tại hiện trường để ghi nhận vụ việc thì bị nhiều người được cho là bảo vệ công trình ra ngăn cản.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã thông báo mình là nhà báo, đang tác nghiệp đúng Luật Báo chí, đứng phía ngoài phạm vi công trình, khu vực không cấm quay phim chụp ảnh… nhưng vẫn bị những người nêu trên liên tục đeo bám, dùng tay che chắn, cản trở phóng viên ghi hình.

Đến hiện tại, chưa có cơ quan chức năng địa phương triển khai đến hiện trường làm rõ vụ việc. Chưa xác định được vụ việc có xảy ra thương vong hay không, chưa ai có thể tiếp cận bên trong hiện trường vì bảo vệ đã phong tỏa một đoạn đường Trần Phú dẫn vào đây khu vực này.” 

Có những “người Vin” còn cãi cọ trên mạng rằng hình tháp sụp là do “phô tô shóp”. Thông tin tháp sụp là sự thật, và việc Vingroup yêu cầu xoá bỏ thông tin đã tạo hiệu ứng ngược cũng là thật. Thay vì che giấu, Vingroup nên đưa tin thật, trình bày rõ về sự cố cũng như phương án khắc phục vụ việc thì ít ra người dân cũng sẽ có cảm tình với sự thành thật của Vingroup.

Tuy nhiên, đó là Vingroup. Vingroup che giấu thông tin tích cực đã không còn là chuyện khác thường. Nói xấu Vinfast hay Vingroup bị công an phạt cũng đã là chuyện bình thường. Vụ sụp đổ công trình, tai nạn trong xây dựng là điều bình thường.

Nhưng Vingroup đã biến điều bình thường thành bất thường khiến cho số người quan tâm đến vụ việc tăng cao, kích thích sự tò mò và độc giả sẽ cố tìm cho được thông tin để đọc. Đây là lúc những trang báo không chính thống, hay được liệt kê vào loại “phản động” sẽ phát huy tác dụng phục vụ độc giả mà không bị Vingroup hay Ban Tuyên giáo chi phối.

Việc gỡ bài, che giấu thông tin không chỉ đơn giản là việc sụp đổ một phần công trình nào đó. Nhưng có thể điều Vingroup muốn che giấu là một bức tranh lớn hơn, đó là chất lượng các công trình xây dựng của Vingroup.

Vingroup đã đầu tư rất rất nhiều tiền vào bất động sản, xây dựng những thành phố hào nhoáng như Paris, Venice theo gu thẩm mỹ và thị hiếu của trọc phú ở hầu như khắp các nơi đắc địa từ nam chí bắc ở Việt Nam. Những thành phố này vẫn vắng bóng người mua. Nếu chất lượng công trình bị nghi ngờ, người mua hay nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà nữa.

Một nghi, mười ngờ về chất lượng công trình nhà ở không chỉ của Vingroup mà tất cả những nhà đầu tư khác trong nước cũng sẽ bị kéo theo. Trong khi thị trường bất động sản vẫn đang thoi thóp, bất kỳ tin tức tiêu cực nào cũng có thể là một cú đấm knock out.

Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến người giàu nhất Việt Nam phải cho bưng bít thông tin bằng mọi giá. Và sau Vingroup, đâu chỉ có một mình Phạm Nhật Vượng.


Bơm tiền liên tục: Cộng sản Việt Nam đang biến tiền thành rác

Cảnh Chân/VNTB

15/01/2024

VNTB – Bơm tiền liên tục: Cộng sản Việt Nam đang biến tiền thành rác

(VNTB) – Tuy biết bơm tiền sẽ dẫn tới lạm phát, nhưng nếu không bơm tiền thì họ cũng chẳng biết làm gì để thay đổi cục diện.

Trong vòng 1 tháng, ngân hàng nhà nước bơm ra thị trường 840.000 tỷ

Ngày 26/12 giá vàng đạt 80,3 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay. Điều này xảy ra sau khi ngân hàng nhà nước tiến hành kế hoạch bơm 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế chỉ trong 1 tháng cuối năm 2023.

Trên báo Tuổi Trẻ, ngày 03/12, có bài viết “Tháng cuối năm 2023: Bơm 1 triệu tỉ đồng vào nền kinh tế, kịp không?” Trong đó dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14,5% trong năm nay, thì tháng cuối cùng của năm 2023 toàn hệ thống ngân hàng cần giải ngân hơn 735.000 tỷ đồng. (1)

Tới ngày 05/1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú nói rằng khoảng 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế trong năm 2023. Trừ đi con số 461.000 tỉ đã giải ngân 11 tháng đầu năm, thì số tiền được ngân hàng nhà nước bơm trong tháng 12 là khoảng 840.000 tỷ.

Việc bơm tiền này là do ngân hàng nhà nước muốn đảm bảo hạn mức tín dụng đúng mục tiêu của năm 2023 (14-15%). Theo số liệu hồi đầu tháng 12/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng 11 tháng chỉ đạt 9,15%. Nhưng tới 31/12/2023 tăng trưởng tín dụng cán mốc 13,71%. Như vậy, trong với việc bơm 840.000 tỷ trong vòng một tháng, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã tăng lên tới 4,56%. (2)

“Thật không thể tin được là chỉ trong một tháng ngắn ngủi mà họ dám bơm số tiền khổng lồ như vậy vào nền kinh tế vốn đã rất mong manh dễ vỡ như hiện nay. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến cho giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 130%. Thế nhưng đảng vẫn tráo trở mị dân bằng nhiều lập luận rằng giá vàng tăng là do “các công ty doanh nghiệp phá sản”, “nhu cầu của người dân tăng”, “tâm lý bất an trên thị trường”… Chị Q. N., một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

Bơm, bơm nữa, bơm mãi, tới khi nào nổ thì thôi
Còn nhớ, năm 2021, ông Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội nhận định rằng nguồn tiền và vàng trong dân còn rất lớn, cần phải khơi thông huy động làm sao để lấy được tiền của dân đầu tư vào kinh tế. Đây có thể là một trong những lý do những năm gần đây ngân hàng nhà nước liên tục bơm hàng triệu tỷ đồng vào thị trường và đẩy giá vàng lên đỉnh mọi thời đại.

Giá vàng thế giới trong thời gian qua tương đối bình ổn, chỉ dao động ở mức 2000USD/ounce (tương đương quy đổi ra khoảng 60 triệu/lượng). Trong khi đó, giá vàng trong nước lại biến động khó lường. Giữa tháng 12 giá chỉ hơn 73 triệu, 26/12 tăng lên 80 triệu, và bây giờ rớt xuống ở ngưỡng 72 triệu. Sự nhảy múa của giá vàng là minh chứng cho chính sách “hút vàng trong dân” của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Việc bơm tiền và tạo tâm lý bất ổn cho người dân là một trong những cách huy động vàng và tiền trong dân mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục làm trong những năm tới. Cũng theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2024 sẽ có thêm 2 triệu tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế để đảm bảo hạn mức tăng trưởng tín dụng 15%. 

Quan niệm “hết tiền thì in” đã có từ thời Lê Duẩn, tổng bí thư đảng cộng sản này từng nói: “Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát, chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ!” Theo Trần Đĩnh: Đèn Cù 1.

Với chiến lược bơm tiền này, dự kiến năm sau giá vàng sẽ vượt ngưỡng 100 triệu đồng, giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ tăng phi mã theo, và dĩ nhiên tiền Việt Nam sẽ rớt giá thê thảm. Tuy biết bơm tiền sẽ dẫn tới lạm phát, nhưng với những bộ não lãnh đạo cộng sản hiện nay, nếu không bơm tiền thì họ cũng chẳng biết làm gì để thay đổi cục diện. Và cảnh tượng vác từng bao tải tiền đi mua bánh mì tại Zimbabwe và Venezuela đang ở ngay trước mắt người Việt Nam…

_______________
Tham khảo:

https://tuoitre.vn/thang-cuoi-nam-2023-bom-1-trieu-ti-dong-vao-nen-kinh-te-kip-khong-2023120307544837.htm
https://vnexpress.net/pho-thong-doc-khoang-2-trieu-ty-dong-se-duoc-bom-vao-nen-kinh-te-4697514.html