Quê Hương tổng hợp
Khả năng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ và vai trò của Hàn Quốc
06/4/2023
Ảnh tư liệu: Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong buổi tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 07/07/2015. AP – Manuel Balce Ceneta
Đức Tâm /RFI
Báo chí đưa tin, ngày 29/03/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Ngày 31/03, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc đưa ra những nhận định về sự kiện này và vai trò của Mỹ bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Giáo sư C. Thayer: Việc tổng thống Biden nói chuyện trực tiếp với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rất có ý nghĩa bởi vì nguyên thủ Mỹ đã thừa nhận vai trò trung tâm của ông Trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo thông lệ bình thường, tổng thống Mỹ nói chuyện với đồng cấp nước ngoài, tức là với tổng thống, chủ tịch nước hoặc người đứng đầu chính phủ.
Hai lãnh đạo đã mời nhau tới thăm nước mình và cả hai đã nhận lời. Các chuyến thăm qua lại này nhằm kỷ niệm 10 năm Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Các chuyến thăm cấp cao như vậy chắc chắn sẽ mang lại những bước tiến vững chắc trong quan hệ.
Đồng thời, theo báo Nhân Dân, « hai lãnh đạo sẽ giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới ». Như vậy, có thể cho rằng nếu đạt được một sự đồng thuận trong các cuộc trao đổi này thì lãnh đạo hai nước sẽ nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược.
Trong tháng 12/2022, Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế lớn về vũ khí. Các quan chức quân sự cao cấp Việt Nam đã công khai nói tới sự cần thiết đa dạng hóa các nguồn mua của Việt Nam. Sau khi kết thúc triển lãm, các công ty quốc phòng của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, Raytheeon và Textron đã có các cuộc thảo luận với các nhà chức trách quốc phòng của Việt Nam về việc bán caxc thiết bị quân sự cho Việt Nam.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Biden, điều quan trọng là tổng bí thư Trọng đã nêu vấn đề hợp tác về quốc phòng và an ninh trong danh sách các lĩnh vực mà hai bên có thể mở rộng. Quốc phòng và an ninh đứng hàng thứ 7 trong 9 lĩnh vực hợp tác được nêu trong bản tuyên bố chung năm 2013 do tổng thống Barrack Obama và chủ tịch Trương Tấn Sang ký, thông báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước
Vào lúc tổng thống Biden và tổng bí thư Trọng điện đàm, một phái đoàn bao gồm 52 lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ có mặt tại Hà Nội để thảo luận về những cơ hội thương mại và đầu tư. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay. Các đại diện tập đoàn Boeing có mặt trong phái đoàn này.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hàn Quốc trong việc bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á ? Ông có nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ có vai trò ngày càng lớn trong việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam nói riêng và của khu vực này nói chung hay không ?
Giáo sư C. Thayer: Trong thập niên vừa qua, Hàn Quốc đã bán vũ khí và các thiết bị quân sự cho 6 nước Đông Nam Á : Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Những thiết bị lớn bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay huấn luyện và tiêm kích, các loại pháo và tiên lửa địa đối không và chống tàu chiến.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hàn Quốc đứng hàng thứ 4 trong số 10 nước chủ chốt bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Việt Nam. Tổng giá trị các vũ khí thiết bị mà Hàn Quốc bán cho Việt Nam lên tới 120 triệu, trong đó có cả việc chuyển giao hai hộ tống hạm lớp Pohang trong năm 2017 và 2018. Từ đó đến nay, không hề có một thương vụ nào nữa.
Hàn Quốc chắc chắn nằm trong số các nước mà Việt Nam có thể trong tương lai quay sang mua vũ khí, có thể cả tiêm kích (T-50 Golden Eagle hoặc KF-21 Boramae).
Chuyện buồn cười!
Lâm Bình Duy Nhiên
06/4/2023
Đường đường là lãnh đạo cao cấp của một quốc gia mà lại lo lắng, lo ngại những cá nhân hay tổ chức đối lập với chế độ đến mức phải yêu cầu đối tác xử lý giùm!
Quân đội trong tay, độc đảng, độc tài toàn trị. Cả trăm triệu dân không buồn bàn đến chính trị. Chỉ một số nhỏ, ít oi dám lên tiếng chỉ trích chế độ thì đã bị khủng bố, hành hung, bỏ tù hay bị trục xuất khỏi quê hương. Bên ngoài vài triệu người tị nạn cộng sản nhưng suy cho cùng cũng chẳng còn mấy ai phản kháng và tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ. Ấy vậy mà ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cả bộ máy cầm quyền cũng lo ngại đánh tiếng yêu cầu ông David Hurley, Toàn quyền Úc, nên kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Úc để tiến hành các hoạt động bị cho “chống phá Việt Nam”.
Dường như trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các chính khách Mỹ, Canada, Pháp, Anh hay Đức thì phía Việt Nam vẫn hay chủ động yêu cầu các quốc gia này xử lý giùm những ai dám lên tiếng chống đối họ.
Thậm chí đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo còn hăm doạ sẽ yêu cầu các quốc gia trên dẫn độ tất cả “bọn phản động” về Việt Nam để đảng trừng phạt!
Chủ động trong bất lực và vô vọng vì chẳng có quốc gia tiến bộ nào đáp ứng những yêu cầu quái đản ấy.
Giới “phản động” bên ngoài thì phần đông vẫn chỉ là những cá nhân hay tổ chức lên tiếng đấu tranh qua ngòi bút, qua các cuộc vận động ủng hộ tù nhân lương tâm, qua các cuộc biểu tình tố cáo các chính sách độc tài của nhà cầm quyền. Một thái độ tranh đấu dứt khoát nhưng ôn hoà.
Nhưng chắc chắn chính sự ôn hoà ấy và tiếng nói của sự thật đã khiến chế độ luôn lo lắng và “quan ngại” như cách nói của chính người cộng sản!
Ở các xứ sở dân chủ, người dân chỉ tôn trọng pháp luật và chính quyền. Không bao giờ họ có thái độ sợ hãi trước chính quyền!
Ngay cả với các nguyên thủ quốc gia cũng thế. Họ chẳng bao giờ khúm núm hay thuần phục. Quyền công dân được họ triệt để xử dụng, chỉ có sự tôn trọng. Một khi họ không hài lòng, thì dẫu có là Tổng thống hay Thủ tướng, họ cũng không ngần ngại chỉ trích, chất vấn hay đả kích, châm biếm.
Tất cả trong khuôn khổ luật pháp.
Tại Mỹ, Đức, Canada, Anh, Thuỵ Sĩ hay Pháp, người dân vẫn rầm rộ biểu tình mỗi khi bất đồng ý kiến với những chính sách của nhà nước. Họ vẫn chê bai, nguyền rủa giới lãnh đạo và sử dụng lá phiếu, quyền tự do bầu cử để trừng phạt các đảng phái chính trị hay cá nhân các chính khách trong các cuộc bầu cử quan trọng. Chẳng ai bị khủng bố hay bỏ tù vì dám lên án hay chê bai chế độ hoặc giới lãnh đạo cả!
Cho nên, thái độ kêu gọi các quốc gia dân chủ “dập tắt giùm” sự phản kháng đối với nhà nước Việt Nam là chuyện điên rồ và nực cười!
Chỉ có sự bất lực và tự biết rằng chế độ này luôn đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc nên họ mới nghĩ ai cũng độc tài để sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị nhân quyền như họ chăng?
Có lẽ, chỉ có Trung Quốc của Tập Cận Bình, Nga của Putin hay Triều Tiên của Kim Jong-un mới chấp nhận những yêu cầu phi dân chủ và độc tài trên!
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là thế!
Phí bẩn
TP.Hội An, cũng như mọi vùng đất khác ở nước này, là của chung người Việt. Nó là tài sản chung do tổ tiên cha ông để lại cho con cháu truyền đời.
Không ai, dù là kẻ cầm quyền, được lấy lý do phát triển để tùy tiện thu tiền, nhất là thu của dân chúng – chủ sở hữu.
Thu tiền/phí vào một khu du lịch do nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân bỏ vốn đầu tư khác với việc định thu tiền tới một vùng đất do tiền nhân tạo dựng cho con cháu, mà vốn của tiền nhân là mồ hôi, nước mắt, máu.
Muốn phát triển, có tiền, hãy tìm cách lương thiện tử tế khác, đừng nhăm nhăm nhìn vào túi dân.
Xứ này, để có tiền, có khi kẻ có quyền bất chấp cả đạo lý.
Chính quyền Hội An định thu phí người vào đất Hội An, cũng na ná như chuyện trung ương đã lập BOT chặn những con đường có từ bao đời để móc túi dân, mà BOT Cai Lậy là một ví dụ. Không được lấy lý do sửa đường rồi thu phí, bởi dân đã đóng thuế nộp vào ngân sách, sửa bằng tiền ấy.
Vì vậy, không thể chỉ trách một chính quyền Hội An. Nó chỉ noi gương, bắt chước bề trên làm điều sai trái.
Nguyễn Thông
Chuyến bay giải cứu: lạ lùng việc thư ký ăn mặn sếp ăn chay
06/4/2023
Ngọc Linh Lan/VNTB
Làm gì có chuyện thuộc cấp dám ăn hỗn như kết luận điều tra nêu…
Bạn đọc viết
Theo tin tức mà báo chí dẫn nguồn từ kết luận điều tra thì ông Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng Phạm Bình Minh – bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Tuy nhiên hai quan chức cao nhất bị đề nghị truy tố trong vụ án “chuyến bay giải cứu” này là hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam. Cả hai ông nguyên Ngoại trưởng và đương kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đều… vô can.
Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31-12-2013, lúc đó ông Phạm Bình Minh còn là Ngoại trưởng. Trước đó ông mang hàm vụ phó Vụ Thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ.
Ông Phạm Trung Kiên – cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”: 42,6 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế phân công thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo” và xin cho khách lẻ được về nước.
Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Tuy nhiên đến ‘tàn cuộc’ thì thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên… vô can.
Trong khi đó thì cũng được Đảng phân công nhiệm vụ tương tự thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, song ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì được kết luận là ‘bàn tay bẩn’ trong thực thi nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác năm bộ xin ý kiến.
Cơ quan điều tra xác định ông Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách “chuyến bay giải cứu”.
Trong quá trình điều tra vụ “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ 146 lượng vàng (hơn 5,4 kg), 670.000 USD, một tỷ đồng cùng nhiều tang vật khác trong nhà các bị can.
Có thắc mắc: liệu khi thử làm bài toán tiêu xài số bạc mà nhà chức trách cho rằng các cán bộ đảng viên cấp cao kể trên đã “nhận hối lộ”, nó có cân bằng về các khoản “thu – chi”? Nếu số liệu lệch mà không có những giải thích phù hợp thì có quyền đặt nghi vấn, rằng phải chăng đàng sau đường đi số bạc hối lộ đó, còn chảy vào ngóc ngách khác của những nhân vật lớn hơn đàng sau hậu trường chính trị?
Từ cụ thể vụ án trên cho thấy thể chế kiểm soát quyền lực trong cấu trúc quyền lực thống nhất ở Việt Nam là vấn đề rất cần tỉnh táo xem xét lại; và ở đây bất kỳ bàn luận nào liên quan “tam quyền phân lập” cần thiết không bị chụp mũ chính trị theo điều luật hình sự 117 hay 331 thì mới có thể tìm kiếm được những ‘trực ngôn’.
Lý thuyết quản trị nhà nước viết rằng, quyền lực là khả năng thực hiện được ý chí của mình, bất chấp sự phản kháng của người khác. Nhờ có quyền lực mà các chủ thể sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh phân bổ nguồn lực sống, qua đó duy trì và gia tăng được địa vị của mình trong cấu trúc xã hội. Về bản chất, quyền lực công bị tha hóa khi nó được sử dụng để phục vụ cho lợi ích vị kỷ của cá nhân, nhóm, xâm phạm lợi ích chung của các thành viên trong xã hội.
Các nhà tư tưởng, các chính trị gia phương Tây và Mỹ tin rằng phân tán quyền lực là cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực, điển hình nhất là mô hình nước Mỹ. Theo đó, trước hết quyền lực nhà nước được tách bạch rạch ròi thành 3 nhánh là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Hệ lụy khó phủ nhận từ tuyên bố đó chính là tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích cá nhân, nhóm đã không được ngăn chặn hữu hiệu, và khi ấy thì lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.
Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã cho thấy rất rõ điều ấy, khi trên thực tế khó thể xảy ra chuyện “thư ký ăn mặn, sếp lại trường chay”…
‘Đổ thừa’ châu Âu đang cung cấp ma túy cho Việt Nam
06/4/2023
Hồng Dân/VNTB
Thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao.
Ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamine nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng…
Một tài liệu có tên “Phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ châu Âu về Việt Nam” được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cung cấp cho báo chí hồi cuối tháng 3-2023 đã ‘đổ thừa’ rằng “nguồn cung” ma túy từ châu Âu vào Việt Nam.
Tài liệu có đoạn viết nhưng không viện dẫn nguồn, nội dung như sau (trích):
“Nguồn cung ma túy vào khu vực này chủ yếu đến từ Nam Mỹ, Tây Á và Bắc Phi; ngoài ra, các chất hướng thần mới được phát hiện nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những thay đổi trong hoạt động sản xuất, mua bán ma túy của các băng nhóm tội phạm ở châu Âu đã tạo ra nhiều tuyến ma túy mới và quan hệ giữa các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao và đang có xu hướng gia tăng để cung cấp cho các thị trường ngoài khu vực.
Với công nghệ hiện đại, ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamine nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng. Chính vì vậy, tội phạm ma túy quốc tế, chủ yếu là người Việt đang làm ăn, sinh sống tại châu Âu móc nối với đối tượng ở trong nước hình thành các đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ các nước Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ.
Đặc biệt, sau gần 02 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay thường lệ đến châu Âu. Lợi dụng sự thuận lợi, nhanh chóng của vận tải hàng không, các đường dây tội phạm ma túy cũng đẩy mạnh hoạt động làm cho tình hình diễn biến ngày càng phức tạp.
Chỉ riêng tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2023, số lượng ma túy gửi qua đường hàng không, chuyển phát nhanh bị bắt giữ đã nhiều hơn 51 kg so với lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước đó cộng lại” (dừng trích).
Theo tài liệu trên, phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đưa ra nhận định là lợi dụng những công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước và có chi nhánh ở nước ngoài như: Đức; Pháp; Hà Lan; Bỉ; Séc… để vận chuyển trái phép các chất ma túy về Việt Nam tiêu thụ.
Để “qua mắt” lực lượng chức năng cùng hệ thống máy soi chiếu hiện đại, các đối tượng thường cất giấu ma túy lẫn vào các loại hàng hóa thông thường như: bánh kẹo, cà phê, dầu gội, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn cho vật nuôi… hoặc các loại máy móc như: máy pha cà phê, máy hút bụi, máy lọc không khí.
Đối tượng cầm đầu ở nước ngoài điều hành các đối tượng không biết nhau ở trong nước đảm nhiệm các khâu giao nhận hàng, liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Viber..). Khi giao hàng, đối tượng cầm đầu thường xuyên chỉ đạo thay đổi địa chỉ, số điện thoại người nhận; thuê shipper giao hàng lòng vòng nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Nếu thấy nghi ngờ sẽ lập tức “bỏ của chạy lấy người” khiến nhiều kiện hàng ma túy không có người nhận, trở thành hàng vô chủ.
Đáng lưu ý ở tài liệu này, phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy dường như vẫn ngờ vực chuyện “vô can” của mấy tiếp viên hàng không, khi đưa ra cách đặt vấn đề – trích:
“Đối với các vụ vận chuyển ma túy ký gửi trong hành lý của hành khách trên các chuyến bay, đối tượng qua nhiều kênh thông tin để liên hệ, thuê người vận chuyển. Việc giao dịch chủ yếu qua các ứng dụng mạng xã hội, người gửi, người nhận không quen biết nhau. Để tạo niềm tin, đối tượng cho người nhận chuyển hàng kiểm tra hàng hóa, sau đó trộn lẫn các mặt hàng có hình dáng, kích thước tương tự nhưng bên trong giấu ma túy.
Điển hình như vụ 4 tiếp viên hàng không mang theo các va li chứa hơn 11 kg ma túy tổng hợp từ nước ngoài về Việt Nam mà qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ xử lý họ về hành vi ‘Vận chuyển trái phép chất ma túy’…”.
Tin Việt Nam Hôm Nay (Kq Lê Văn Hải)
Việt-Mỹ Đối Thoại Chính Trị-An Ninh-Quốc Phòng Lần Thứ 12
-Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 30/3/2023 tiến hành cuộc đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng lần thứ 12. Đối thoại lần này diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ.
Truyền thông nhà nước cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đoàn phía chính phủ Hà Nội tham gia cuộc đối thoại; phía Hoa Kỳ do Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị- quốc phòng Bộ Ngoại giao Mỹ Jessica Lewis dẫn đầu.
Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh sự phát triển mối quan hệ song phương Việt- Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng- an ninh, việc thực thi pháp luật và khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai phía duy trì hợp tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ, tẩy độc dioxin, hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và tìm kiếm quân nhân mất tích trong cuộc chiến Việt Nam.
Hai phía khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại một cách thẳng thắn, xây dựng và thường xuyên về những vấn đề còn khác biệt giữa đôi bên.
Đối với khu vực, Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ đồng thuận và vai trò trung tâm của khối Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc an ninh khu vực. Cả hai phía thống nhất cần khai triển các biện pháp sáng tạo, thực chất để thúc đẩy quan hệ Đối tác Mêkong- Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Thứ trưởng Wendy Sherman có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc sau cuộc đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng lần thứ 12 như vừa nêu.
Cả hai vị Thứ trưởng Ngoại giao nêu rõ những cách thức để thúc đẩy những mục tiêu mà hai nước cùng chia sẻ về một Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, an toàn, thịnh vượng và kết nối với nhau.
Một nội dung được Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra với ông Hà Kim Ngọc tại cuộc gặp là những trường hợp quan ngại về nhân quyền đồng thời nhấn mạnh việc tôn trọng quyền con người.
Việt Nam-Do Thái Kết Thúc Đàm Phán Hiệp Định Thương Mại Tự Do
(Ảnh: Thủ tướng Do Thái Shimon Peres (trái) bắt tay Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) tại Hà Nội ngày 23/11/2011.)
-Việt Nam và Do Thái chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (VIFTA) giữa hai phía.
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 2/4/2023 dẫn tuyên bố về vấn đề vừa nêu của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Cụ thể trong ngày 2/4, ông Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác đến Do Thái theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Kinh tế-Công nghiệp Do Thái Nir Barkat để thảo luận các vấn đề thương mại song phương, thống nhất nội dung và cùng tuyên tố chính thức kết thúc đàm phán VIFTA.
Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công thương Việt Nam cho biết Do Thái hiện là thị trường xuất cảng đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Tổng kim ngạch xuất-nhập cảng của Việt Nam với Do Thái trong năm 2022 đạt 2,2 tỉ Mỹ kim; tăng gần 18% so với năm 2021. Cụ thể kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Do Thái đạt gần 786 triệu Mỹ kim và kim ngạch nhập cảng từ Do Thái vào Việt Nam là 1,4 tỉ Mỹ kim.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đa dạng hóa nguồn vũ khí với những sản phẩm của các nước khác ngoài nhà cung cấp chính là Nga; trong đó có Do Thái.
Vào tháng 8 năm 2022, trang tin Haaretz của Do Thái cho biết Hà Nội đàm phán để mua hệ thống phòng không Barak 8 trị giá nửa tỉ Mỹ kim do Do Thái và Ấn Độ hợp tác sản xuất.
Cũng theo Haaretz, trong một thập niên qua, Việt Nam mua lượng vụ khí của Do Thái trị giá 1,5 tỉ Mỹ kim.
Đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Do Thái kéo dài 7 năm qua với 12 phiên đàm phán. Tin cho biết dự kiến trong năm nay, hai phía sẽ ký kết VIFTA.
Mã Lai Á Mở Rộng Cửa Về Đàm Phán Với Trung Quốc Trong Tranh Chấp Tại Biển Đông
(Hình: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim.)
-Vào ngày 3/4/2023, Thủ tướng Mã Lai Á Anwar Ibrahim cho biết ông sẵn sàng đàm phán với phía Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông giữa đôi bên.
Phát biểu của Thủ tướng Mã Lai Á như vừa nêu được đưa ra chỉ ít ngày sau khi có báo cáo nói Tàu Hải cảnh CCG 5901 của Trung Quốc áp sát một dự án khí đốt của Mã Lai Á tại Biển Đông.
Thông tấn xã Reuters loan tin ngày 3/4 dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) đưa ra hồi tuần rồi nêu rõ Tàu Hải cảnh CCG 5901 suốt tháng qua hoạt động gần khu mỏ khí Kasawari ngoài khơi tỉnh bang Sarawak của Mã Lai Á. Khu mỏ khí này do Tập đoàn Petronas vận hành khai thác. Báo cáo nói có lúc tàu tuần duyên Trung Quốc chỉ cách mỏ khí chừng 1,5 dặm. Khu mỏ này được dự kiến đi vào sản xuất trong năm nay.
Trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Mã Lai Á Petronas từng có những vụ đối đầu với tàu Trung Quốc.
Thông tấn xã Reuters có yêu cầu Hải quân Mã Lai Á bình luận về thông tin vừa nêu nhưng chưa được trả lời; trong khi đó Tập đoàn Petronas từ chối bình luận với Reuters.
AMTI cũng cho biết Tàu Hải cảnh 5901, một tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, cũng từng hoạt động tại lô mỏ khí Tuna của Nam Dương và mỏ Chim Sáo của Việt Nam.
Vào sáng ngày 26/3 vừa qua, dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Marine Traffic dựa trên tín hiệu cả Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) cho cho thấy, Tàu Hải cảnh CCG 5205 và Tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam có cuộc chạm trán căng thẳng. Hai tàu áp sát nhau ở cự ly gần nhất là 10 mét.
Sự việc xảy ra ở vùng biển cách Bãi Tư Chính 50 hải lý (92,6 cây số) về phía Nam – nơi được biết đến như một điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.
Vụ Thi Thể Người Việt Trôi Giạt ở Đài Loan: Tiến Hành Bảo Hộ Công Dân
(Hình: Nhân viên cấp cứu Đài Loan tìm thấy xác người trên biển.)
-Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nói rằng các cơ quan ngoại giao đang phối hợp với phía Đài Loan để xác minh nhân thân những người gặp nạn và tiến hành bảo hộ công dân.
Hôm 30/3/2023, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
“Liên quan tới thông tin phát giác một số thi thể người ngoại quốc trong khu vực biển Đài Loan, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, các cơ quan chức năng Đài Loan thông báo phát giác 11 thi thể trôi dạt trên biển, trong đó có một số thi thể mang giấy tờ tuỳ thân Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng Đài Loan tìm hiểu thông tin sự việc”.
Bà Hằng cũng cho hay, ngày 23/3, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao – gặp đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội (hoạt động như một Tòa Ðại sứ trên thực tế-PV) đề nghị phối hợp thúc đẩy các cơ quan chức năng Đài Loan xác minh thông tin, hỗ trợ cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan tiến hành các biện pháp Lãnh sự.
Bà Hằng nói thêm rằng, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan, thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và khai triển các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Trong thông báo của mình trên trang chủ chính thức, Bộ Ngoại giao sử dụng cụm từ Đài Loan (Trung Quốc) như thể hiện tính kiên trì của chính phủ Việt Nam đối với chính sách Một Trung Quốc.
Như chúng tôi đã thông tin, Cục Cảnh sát biển Đài Loan hôm 29/3 thông báo phát giác 16 thi thể trôi giạt trên vùng biển phía Tây hòn đảo từ tháng Hai nghi là người Việt.
Đến ngày 30/3, có thêm 4 thi thể tiếp tục được tìm thấy, trong số 20 thi thể này xác định được bảy người Việt, chín người Đài và 4 người chưa được nhận diện.
Bảy người Việt nằm trong số 14 người mất tích khi đang trên đường vượt biển từ Trung Quốc, theo một danh sách của cơ quan đại diện Việt Nam cung cấp cho phía Đài Loan.
EVN Lỗ Hơn 26 Ngàn Tỉ Đồng Năm 2022, Đề Xuất Tăng Giá Điện
(Hình AFP, minh họa: Công nhân điện lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội hôm 1/3/2011.)
-Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ tổng cộng hơn 26.000 tỉ đồng và đang đối diện nguy cơ mất cân đối tài chánh.
Bộ Công thương cho truyền thông nhà nước hay tin trên dựa trên tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, trong ngày 31/3/2023 tại cuộc họp công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022.
Theo Bộ Công thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỉ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỉ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Số liệu từ EVN cung cấp cho thấy, do chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn bốn năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, hiện mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn bị lỗ 197 đồng, tương ứng mức lỗ 10,57%.
Theo lãnh đạo EVN, với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỉ kWh, và mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỉ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỉ đồng.
Cũng theo đại diện EVN, nếu giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ – EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỉ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỉ đồng.Với khoản lỗ của năm 2022 và ước tính của năm 2023, EVN cho biết, nếu không được điều chỉnh giá điện, việc lỗ tới 90.000 tỉ đồng trong hai năm 2022-2023 sẽ khiến tập đoàn mất tới 44,8% vốn Nhà nước tại EVN).
Đại diện EVN nhận định trên tờ Zingnews, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động. Trước đó, EVN đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỉ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao.
Trưởng Ban Nội Chính Thúc Giục Các Địa Phương Giải Quyết Dứt Điểm Các Vụ Án Tham Nhũng
(Hình: Ông Phan Đình Trạc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.)
-Hôm 31/3/2023, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lên tiếng thúc giục các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh phải giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn để chuẩn bị tốt cho việc lấy phiếu tín nhiệm, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
Truyền thông nhà nước cho biết trong cuộc họp giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thành và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy quý 1 năm 2023, ông Trạc đã nêu những tên vụ án lớn cụ thể cần phải giải quyết sớm bao gồm: Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm.
Đây là những vụ án thuộc sự theo dõi và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam và có liên quan tới nhiều địa phương. Một số lãnh đạo cao cấp ở địa phương và trung ương đã bị khởi tố và kỷ luật vì liên quan đến các vụ án này.
Theo thống kê đưa ra tại hội nghị, tính đến nay, đã có 540 vụ án, sự việc được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trong đó có các vụ án liên quan đến công ty Việt Á, AIC, FLC, các vụ án hoạt động đăng kiểm trên cả nước.
Trong quý một năm 2023, các địa phương đã tiến hành khởi tố 737 vụ án. Trong đó, 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng. 225 vụ án/835 bị can khởi tố vì hành vi tiêu cực.
Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Bạch Mai Sẽ Bị Xét Xử Vào Ngày 17/4 Tới
(Hình TTXVN: Ông Nguyễn Quang Tuấn trong một lần họp Quốc hội trước đây ở Hà Nội.)
-Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác sẽ phải ra hầu tòa tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 17/4/2023 tới đây trong phiên tòa dự kiến kéo dài năm ngày.
Truyền thông nhà nước hôm 31/3 cho biết, 12 bị cáo sắp hầu tòa bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong số những người bị xét xử, có các cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội ở Hà Nội như: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chánh kế toán), Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là cựu Phó phòng Vật tư Y tế).
Theo cáo trạng, từ năm 2015, ông Nguyễn Quang Tuấn đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại BV Tim Hà Nội để BV sử dụng trước. Sau đó, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Trong năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng năm gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỉ đồng.
Ông Tuấn và các đồng phạm bị truy tố về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại hơn 53,6 tỉ đồng.
Hưng Yên: Bắt 2 Cán Bộ Trung Tâm Đăng Kiểm
(Hình: Ông Nguyễn Trung Hiếu tại cơ quan công an.)
-Hôm 31/3/2023, truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ Công an tỉnh Hưng Yên cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Hưng Yên vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 cán bộ trung tâm đăng kiểm xe cơ giới là 89-02S và 89-05D.
Hai người bị bắt gồm: Nguyễn Trung Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-05D (nguyên là đăng kiểm viên bậc cao Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-02S), và Cao Xuân Sang – đăng kiểm viên bậc cao Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-02S.
Đây là vụ án “giả mạo trong công tác” và “nhận hối lộ” tại hai trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nêu tên.
Báo Nhà nước dẫn kết luận điều tra của công an xác định, từ ngày 7/4/2020 đến 27/4/2020, trong quá trình tham gia dây chuyền kiểm định đối với một số xe vận tải, Nguyễn Trung Hiếu, Cao Xuân Sang và Nguyễn Thanh Sơn (Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-05D), đã bỏ qua các lỗi vi phạm thuộc lỗi khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng có thể gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Thanh Sơn từng là đăng kiểm viên bậc cao, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89-02S. Ông này bị cáo buộc tội ““giả mạo trong công tác” và “nhận hối lộ”.
Tổng cộng đã có 8 người ở hai trung tâm vừa nêu bị khởi tố và bắt tạm giam.
Bình Dương: Bắt Giám Đốc, Phó Giám Đốc và 3 Nhân Viên Tại Trung Tâm Đăng Kiểm 61.09D
(Hình: Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61-09D ở Bình Dương bị công an khám xét.)
-Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ khẩn cấp Giám đốc, Phó Giám đốc cùng 3 nhân viên tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61.09D.
Việc bắt giữ diễn ra ngày 31/3/2023 và được Công an cho truyền thông hay. Những người này bị bắt vì liên quan đến hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.
Năm người bị bắt gồm Võ Quốc Phong (sinh năm 1980, Giám đốc trung tâm), Lê Quốc Việt (sinh năm 1988, Phó Giám đốc), Hồ Trọng Nhân (sinh năm 1983, Trưởng phòng), Phan Công Kiên (sinh năm 1986, Đăng kiểm viên) và Vũ Văn Vẻ (sinh năm 1992, Đăng kiểm viên).
Công an cho hay Phong và Việt bị bắt về hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác. Nhân, Kiên và Vẻ bị bắt về hành vi nhận hối lộ.
Trước đó, Công an đã khám xét tại Trung tâm và thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ, thiết bị điện tử trong hoạt động kiểm định tại trung tâm.
Kết quả kiểm tra, Công an cho biết trung tâm này đã bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện khi thực hiện kiểm định xe cơ giới và không thực hiện đúng quy trình nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới cải tạo, để thu tiền của chủ phương tiện, gây quỹ hoạt động trung tâm.
Hiện, có hơn 500 người đã bị Cục Cảnh sát hình sự và công an ở 32 địa phương khởi tố với bảy tội danh liên quan đến các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm.
Trung tướng Tô Ân Xô – phát ngôn viên Bộ Công an – hôm 28/3 cho báo chí biết, từ năm 2018 đến năm 2022, hàng trăm nghi phạm đã liên kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở tại 18 tỉnh thành để kiểm định gần 40.000 xe cơ giới. Trong số này, nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội.
“Út Trọc” Nhận Thêm 5 Năm Tù Trong Vụ Án Thứ Tư Về Tội Trốn Thuế
(Hình Lao động Thủ đô: Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa.)
-Ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc) bị tuyên thêm 5 năm tù về tội trốn thuế, tổng ba bản án trước, ông Hệ phải chấp hành hình phạt chung thân.
Tòa án quân sự Quân khu 7 đã xét xử vụ án trốn thuế do Đinh Ngọc Hệ, cựu Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 2 đồng phạm là Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) và Trần Lê Toàn (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cái Mép) trong ngày 31/3. Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày.
Hội đồng Xét xử trong cùng ngày đã tuyên phạt ông Hệ 5 năm tù về tội trốn thuế. Cùng tội danh trên, các ông Diệt và Toàn lần lượt nhận án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù.
Hội đồng Xét xử cũng tuyên hình phạt bổ sung, cấm các ông Hệ, Diệt đảm nhận các chức vụ Quản lý Kinh tế trong thời hạn 5 năm. Ông Toàn bị cấn hành nghề kế toán trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong bản án. Ngoài ra, Hội đồng Xét xử cũng buộc Công ty Cái Mép nộp lại 39,7 tỉ đồng tiền trốn thuế cho Nhà nước.
Sau một ngày xét xử, hội đồng xét xử cho rằng ông Trần Lê Toàn đã khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình và đồng phạm. Các ông Phạm Văn Diệt, Đinh Ngọc Hệ mặc dù không thừa nhận hành vi nhưng căn cứ vào lời khai của ông Toàn, những người được thuê điều hành tại Công ty Cái Mép và các tài liệu khác… Hội đồng Xét xử cho rằng có căn cứ khẳng định các ông Hệ, Diệt phạm tội trốn thuế.
Trong đó, ông Đinh Ngọc Hệ, chủ doanh nghiệp, là người được hưởng lợi lớn nhất nên không có cơ sở chấp nhận lời bào chữa của Luật sư về việc ông Hệ không chỉ đạo trốn thuế.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2016, Công ty Cái Mép đã ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên tám khu đất quốc phòng, sau đó ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng.
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2018, các bị cáo đã thực hiện trốn hơn 39 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó có 12,9 tỉ tiền thuế giá trị gia tăng, còn lại là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việt Nam Lên Án Đài Loan Tập Trận Bắn Đạn Thật ở Trường Sa
(Hình: Đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.)
-Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/3/2023 lên tiếng phản đối Đài Loan tổ chức tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông báo tiến hành tập trận của Đài Loan, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói:
“Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Bà Hằng nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên; không tái diễn vi phạm tương tự”.
Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa hiện do Đài Loan chiếm giữ.
Trường Sa là quần đảo hiện đang có tranh chấp giữa các nước Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Brunei và Mã Lai Á.
Việt Nam khẳng định mình có chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo này.
Phi Luật Tân và Trung Quốc Nối Lại Các Đàm Phán Về Khai Thác Dầu Khí Chung ở Biển Đông
(Hình: Giàn khoan khí ở mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu hồi năm 2018.)
-Bắc Kinh và Manila sẽ nối lại các đàm phán về khai thác dầu khí chung ở Biển Đông vào tháng năm tới. Thông tấn xã Reuters dẫn lời của Ngoại trưởng Phi Luật Tân cho biết như vậy hôm 30/3/2023.
Đây được cho là dấu hiệu làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước vốn đang có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Biển Đông nhiều tại nguyên.
Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo trong một phỏng vấn với đài truyền hình địa phương GMA News nói rằng: “Họ đang đề nghị chúng tôi bắt đầu thảo luận lại về dầu khí. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận có thể là vào khoảng sáu tuần nữa, nhưng chi ở mức kỹ thuật”.
Những tranh chấp về chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông đã cản trở những nỗ lực về hợp tác khai thác dầu khí giữa hai nước ở Biển Đông trong nhiều năm qua. Cựu Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cũng đã phải bỏ những thảo luận với Trung Quốc về các hợp tác này vào tháng sáu năm 2022.
Hiện chưa rõ hai bên sẽ thảo luận khai thác ở khu vực cụ thể nào ở Biển Đông, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với lãnh đạo Phi Luật Tân rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác ở những vùng nước không có tranh chấp.
Tòa Cấp cao của Phi Luật Tân hồi tháng Một vừa qua đã tuyên vô hiệu hóa thoả thuận khai thác chung 2005 giữa công ty 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Phi Luật Tân là Phi Luật Tân National Oil Company, tập đoàn Trung Quốc là China National Offshore Oil Corp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở Biển Đông.
Hải Phòng Tính Chi 131 Tỉ Đồng Xây Tượng Đài, Ngang Số Tiền Xây 32 Nhà Trẻ
*
-Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay họ đang cân nhắc dự án xây dựng tượng đài Chiến thắng Cát Bi do Sở Kế hoạch và Đầu tư của thành phố đề xuất lên, các báo Việt Nam tường thuật hôm 3/4/2023.
Tin cho hay dự án có tổng mức đầu tư hơn 131 tỉ đồng để xây quảng trường, tượng đài và phù điêu, đài phun nước, khuôn viên cây xanh, v.v… trên diện tích hơn 2,6 hectare giáp đường vào phi trường Cát Bi. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành xong trước dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi, ngày 7/3/2024.
Các báo trong nước trích dẫn một đại diện chính quyền Hải Phòng, nhưng không nêu danh tính, cho biết rằng các lãnh đạo đảng và chính quyền thành phố “đã có văn bản đồng ý lựa chọn mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi”.
Theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), sử sách Việt Nam mô tả rằng vào rạng sáng 7/3/1954, 32 cán bộ và binh sĩ Cộng sản Việt Nam tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút vào phi trường Cát Bi, phá huỷ và đốt cháy khoảng 59 máy bay các loại, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ của quân đội Pháp.
Trong quá trình trinh sát, chuẩn bị và chiến đấu, đã có 16 cán bộ, binh sĩ Cộng sản bị bắt và tử trận.
Dư luận Việt Nam trên mạng xã hội tỏ ý không mấy ủng hộ dự án xây dựng tượng đài kể trên của Hải Phòng nói riêng và các tượng đài trên khắp Việt Nam trong thời gian gần đây nói chung, theo quan sát của VOA.
Thượng tá công an, nhà báo Nguyễn Hồng Lam, có hơn 62.000 người theo dõi trên Facebook, đưa ra ý kiến trên trang cá nhân hôm 3/4 rằng trên đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, việc xây tượng đài ở một đôi chỗ tiêu biểu “còn có lý”, nhưng đua nhau dựng tượng đài chiến thắng ở tỉnh này, huyện nọ là việc làm “hoàn toàn vô nghĩa”.
“Nó chỉ khiến quỹ đất vốn đã hạn hẹp dành cho phát triển trong tương lai thêm kiệt quệ, ngân sách quốc gia bị bào khoét, sức dân hao mòn, tạo ra cơ hội tham nhũng, đục nước bèo cò, tạo cơ hội làm hư hỏng đội ngũ con người trong bộ máy hành chính”, ông Lam nhấn mạnh trong bài viết được hơn 1.200 người bày tỏ ủng hộ.
Ông kêu gọi “nên dừng lại ngay” việc xây dựng tượng đài kỷ niệm, thay vào đó, “hãy lập bia, nhỏ thôi, để có nơi khói hương tưởng niệm ở những chỗ đã từng xảy ra thảm cảnh, đau thương, bi kịch”.
Từ quan sát của mình về việc các tỉnh, thành “đua nhau tạc những quần thể di tích đồ sộ, thỉnh thoảng lễ lạt tập trung ngàn vạn con người” rồi lại “bỏ mặc” cho hư hỏng, xuống cấp, vị thượng tá công an gọi đó là “lãng phí và kệch cỡm”.
Ông Lam viết rằng những công trình như thế “không đóng góp gì cho văn hóa, lịch sử địa phương và đất nước”, thậm chí trái lại, chúng có thể “gây hoài nghi, mỉa mai, tranh cãi và chia rẽ xã hội”.
Có ước tính cho thấy kinh phí để xây tượng đài chiến thắng Cát Bi tương đương với số tiền xây được 32 trường mầm non cấp xã ở Hải Phòng. Theo tìm hiểu của VOA, một bản tin trên báo chí Việt Nam hồi tháng 5/2017 cho hay trường mầm non xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, gồm 2 tầng và 4 phòng học “hiện đại” có khả năng phục vụ “khoảng trên 100 bé”, với tổng mức đầu tư xây là 3,9 tỉ đồng.
Theo Hq Le Van Hai