Những người thợ khai thác chân tay khuân vác những bao quặng tại mỏ coban thủ công Shabara gần Kolwezi ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào ngày 12/10/2022. (Ảnh: Junior Kannah/AFP qua Getty Images)
Tác giả John Haughey – Thứ bảy, 18/02/2023
- Nghị trình mới của Đảng Cộng Hòa
- Những lời hoa mỹ trái ngược với thực tế
- Hàng nhập cảng tăng, ngành công nghiệp trì trệ
- Cấp phép, cải tiến quy định
- Thời gian để khai thác
- Chỉ trích việc ‘đẩy nhanh tiến độ’
Chính sách ‘vội vàng chuyển sang năng lượng xanh’ của TT Biden làm tăng nhu cầu về khoáng sản, các quy định của Fed ngăn cản ngành công nghiệp Mỹ cung cấp sản phẩm khoáng sản
“Các chính sách vội vàng chuyển sang sử dụng năng lượng xanh” của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm tạo ra “ngành năng lượng không carbon” vào năm 2035 đang gây ra biến động kinh tế và khiến Hoa Kỳ phụ thuộc vào các sản phẩm và khoáng sản nhập cảng, bao gồm cả từ Trung Quốc, một số nhân chứng đã cảnh báo trong gần 10 giờ điều trần trước các ủy ban Hạ viện từ ngày 07-09/02 tại Hoa Thịnh Đốn.
Các nhà phê bình đưa ra dẫn chứng rằng trong khi “hứa hẹn điều không tưởng”, chính phủ đang thúc đẩy các phương tiện chạy điện (EV), mà không có chuỗi cung ứng nội địa để trợ giúp, dẫn đến nhu cầu nhập cảng pin lithium và EV.
Trung Quốc kiểm soát hơn 80% thị trường toàn cầu đối với pin và lithium thô, khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành một trong những bên hưởng lợi từ các chính sách năng lượng của ông Biden, các nhân chứng và thành viên ủy ban Đảng Cộng Hòa đều đồng ý về điều này.
Trong khi đó, nhu cầu về khoáng sản trọng yếu đối với các công nghệ mới nổi sẽ bùng nổ vào năm 2040. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 40 lần; đối với than chì, coban, nickel tăng 20–25 lần; đối với đồng tăng 200%; với “các nguyên tố đất hiếm” sẽ chứng kiến nhu cầu cao hơn từ ba đến bảy lần.
Nhiều khoáng sản trong số này — và phần lớn khả năng phát triển chúng — “do các đối thủ như Trung Quốc và Nga kiểm soát,” Dân biểu Bill Johnson (Cộng Hòa-Ohio) cho biết. “Chúng ta không thể đặt cược tương lai của mình vào một số công nghệ nhất định mà sau đó phụ thuộc vào các đối thủ của chúng ta để có khoáng sản và quá trình xử lý khoáng sản cần thiết để phát triển chúng.”
Chủ tịch Ủy ban Thương mại & Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) cho biết: “Những ‘chính sách vội vã chuyển sang sử dụng năng lượng xanh’ này không bền vững và dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia như Nga, hoặc trong trường hợp của chúng ta là Trung Quốc. Đây không phải là một tương lai mà bất cứ ai trong chúng ta mong muốn.”
“Hoa Kỳ phải tập trung vào việc cung cấp những nguyên liệu này trong nước, cũng như khôi phục khả năng nấu chảy, tinh chế và xử lý trong nước,” Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Khai thác Quốc gia (NMA) Katie Sweeney cho biết. “An ninh khoáng sản là an ninh năng lượng.”
Nghị trình mới của Đảng Cộng Hòa
Hiệp hội NMA, đại diện cho hơn 275 công ty khai khoáng và đá cứng, nằm trong số các tổ chức đang vận động hành lang để thông qua đề xuất ‘Đạo luật Cung ứng Khoáng sản Trọng yếu của Hoa Kỳ’, nhằm tìm cách bảo đảm “chuỗi cung ứng” khoáng sản trọng yếu trong nước đến tận hầm mỏ.”
Đạo luật này là điều luật hàng đầu trong số các dự luật liên quan đến khoáng sản và khai thác mang tính chiến lược được Đảng Cộng Hòa đề ra kể từ tháng 01/2023. Một dự luật cấm nhập cảng uranium của Nga, những dự luật khác kêu gọi cho phép cải cách và nới lỏng các quy định liên quan đến khoáng sản “trọng yếu” hoặc “chiến lược” trong các đạo luật Kiểm soát Không khí Sạch, Chất độc hại, và Xử lý Chất thải rắn.
Những dự luật về khoáng sản trọng yếu này là một phần của gói 17 dự luật do Đảng Cộng Hòa đệ trình và được thảo luận trong các phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại & Năng lượng Hạ viện hôm 07/02, trước Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên hôm 08/02 và trước Tiểu ban Giám sát & Điều tra của Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên hôm 09/02.
Các đại diện của Quốc hội sẽ không trở lại thủ đô cho đến hôm 27/02 sau các tuần “làm việc cấp địa hạt” liên tiếp. Nỗ lực phối hợp của Đảng Cộng Hòa nhằm “giải phóng” hoạt động sản xuất năng lượng trong nước của quốc gia không bị gián đoạn trong thời gian nghỉ lễ, mà đang bắt đầu với các phiên điều trần công khai trên toàn quốc, kể cả phiên điều trần của Tiểu ban Tài nguyên & Năng lượng thuộc Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên về ‘Sản xuất Năng lượng Liên bang Hỗ trợ Cộng đồng Địa phương’ tại khuôn viên Đại học Texas hôm 13/02 ở Midland, Texas.
Những lời hoa mỹ trái ngược với thực tế
Bà Sweeney cho biết Hoa Kỳ có các nguồn lực và năng lực công nghiệp để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như trở thành nhà xuất cảng nhiều loại khoáng sản trọng yếu, nhưng chỉ sau một thập niên loay hoay tìm cách phát triển chuỗi cung ứng nền tảng đó nên đã có rất ít công việc được thực hiện.
Bà nói trên thực tế “bất chấp những lời hoa mỹ xung quanh việc bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản của chúng ta, nhưng chúng ta lại đang trong thời điểm khủng hoảng. Năm 2022, Hoa Kỳ chạm mốc cao nhất trong sự phụ thuộc vào nhập cảng khoáng sản được ghi nhận” trong lịch sử quốc gia.
Bà Sweeney cho hay, hiện lượng nhập cảng chiếm hơn một nửa trong số 51 “mặt hàng khoáng sản phi nhiên liệu” được tiêu thụ ở Hoa Kỳ, tăng từ 47 mặt hàng tương ứng vào năm 2021.
Ông Mark Menezes, người từng là Thứ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) dưới thời chính phủ ông Trump, đã làm chứng rằng, “Hoa Kỳ phụ thuộc vào nhập cảng đối với 31 trong số 35 loại khoáng sản trọng yếu cần thiết cho nền kinh tế và quốc phòng của Hoa Kỳ — chúng ta hoàn toàn phụ thuộc về việc nhập cảng 14 loại trong số đó.”
Do đó, bà Sweeney cho biết: “Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên sử dụng nhiều khoáng sản nhất trong lịch sử loài người, [Mỹ] cần tập trung vào việc bảo đảm chuỗi cung ứng trong nước cho đến tận các hầm mỏ. Các quốc gia kiểm soát những nguyên liệu quan trọng này cũng như sở hữu bí quyết chế biến và sản xuất, sẽ nắm giữ cán cân quyền lực công nghiệp trong thế kỷ 21.”
Bà cho biết nhu cầu ngày càng tăng đối với pin EV (pin xe hơi điện) làm gia tăng sự phụ thuộc vào tình trạng “thiếu nguồn sản xuất trong nước” của Trung Quốc và Hoa Kỳ, bà cho biết các nhà sản xuất xe hơi Mỹ nằm trong số các ngành công nghiệp trong nước đang gặp nguy hiểm bởi các chính sách năng lượng của chính phủ TT Biden.
Bà Sweeney chia sẻ: “Các nhà sản xuất xe hơi hiểu sự thật này và lo lắng rằng sự thiếu hụt khoáng sản trong (việc sản xuất) pin EV sắp tới sẽ hủy hoại cuộc cách mạng xe điện.”
Hàng nhập cảng tăng, ngành công nghiệp trì trệ
Bà Sweeney cho biết, năm 2022 giá trị ước tính của ngành sản xuất mỏ kim loại của Hoa Kỳ là 34.7 tỷ USD, thấp hơn 6% so với giá trị đã được sửa đổi hồi năm 2021. Bà nói thêm, năm 2022, mức sử dụng công suất của ngành khai thác mỏ của Hoa Kỳ là 61%, còn lại rất nhiều tài sản chưa sử dụng không được sản xuất.
Bà cho biết ước tính có 6.2 ngàn tỷ USD “giá trị tài nguyên khoáng sản ngay tại Hoa Kỳ” có thể đáp ứng những nhu cầu này, trong đó có lithium và uranium, đồng thời cho biết rằng “với việc lập bản đồ thêm mọi lúc, có nhiều khả năng tìm được nhiều khoáng sản hơn.”
Thế nhưng, bà Sweeney cho rằng thay vì khuyến khích một “lực lượng nhân sự được đào tạo bài bản và được trả lương cao” để khai thác các nguồn tài nguyên này theo “những tiêu chuẩn an toàn và môi trường đẳng cấp thế giới,” thì chính phủ TT Biden lại cản trở ngành khai thác mỏ của quốc gia bằng các quy định giấy phép rườm rà và phức tạp.
“Nếu không cho phép thay đổi, Hoa Kỳ sẽ chỉ đứng bên lề dõi theo cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành quyền thống trị năng lượng này,” bà nói, “và từng thông báo mới về một mỏ [khoáng sản] bị đóng cửa, chẳng hạn như Dự án Twin Metals ở Minnesota, hoặc các thỏa thuận tìm nguồn cung ứng ngoại quốc với các nước [bị hủy bỏ]” vì một loạt vấn đề, “khiến chúng ta mắc kẹt trong vị thế cạnh tranh yếu kém.”
Bà Sweeney viện dẫn một số ví dụ về việc sử dụng đất liên bang và các quy định về môi trường kết hợp các dự án khai thác, như mới đây “đã cấm khai thác trong hai thập niên đối với hơn 225,000 mẫu Anh trong các khu đất của Sở Lâm nghiệp liên bang,” hay việc chấm dứt các hợp đồng cho thuê đất liên bang thời hạn 60 năm ở những khu vực có “trữ lượng nickel, coban, đồng, bạch kim, và palladium lớn nhất của quốc gia.”
Bà nói, nếu an ninh năng lượng nội địa là mục tiêu thì những quyết định này “chỉ có thể nói là thiển cận và tệ hơn nữa là tự hủy hoại mình.”
“Việc này phải dừng lại,” ông Johnson đồng thuận, cáo buộc chính phủ TT Biden “hứa hẹn những điều không tưởng trong khi cấm sản xuất khoáng sản của chính chúng ta, chẳng hạn như hủy bỏ hợp đồng cho thuê mỏ nickel ở Minnesota, mỏ lithium ở Nevada và hủy bỏ một sự hoán đổi đất cần thiết cho một mỏ đồng ở Arizona.”
Cấp phép, cải tiến quy định
Ông Menezes cho biết trong số các sáng kiến trong ‘Đạo luật Bảo đảm Cung cấp Khoáng sản Trọng yếu của Mỹ’ được đề xướng là sửa đổi cơ cấu tổ chức của DOE để “chỉ định một cơ quan có thẩm quyền rõ ràng nhằm giải quyết … bảo đảm cung cấp các nguồn năng lượng trọng yếu cần thiết để phát triển các công nghệ năng lượng và vận hành các hệ thống năng lượng.”
“Dự luật này là một sự giải thích rõ ràng cần thiết về trách nhiệm và sự lãnh đạo của DOE trong quy trình liên ngành,” ông nói, đồng thời cho rằng một dự luật được đề xướng khác sẽ ủy quyền cho nhà quản lý Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) để miễn trừ các yêu cầu, lệnh trừng phạt, lệ phí, “đối với việc xử lý hoặc tinh luyện của các nguồn năng lượng quan trọng tại một cơ sở tài nguyên năng lượng trọng yếu, và cho các mục đích khác.”
Ông cho biết, Quốc hội và các cơ quan liên bang cũng phải tập trung vào năng lực công nghiệp để xử lý các khoáng sản và kim loại, một ngành công nghiệp nội địa vốn đã bị tê liệt.
“Mặc dù có nhiều sự chú ý đến chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu này, nhưng chúng ta không được quên rằng, là một quốc gia, chúng ta nên tiếp tục bảo đảm hoạt động của các cơ sở năng lượng trọng yếu sản xuất các nguồn năng lượng quan trọng của chúng ta trong trường hợp khẩn cấp và các mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của chúng ta,” ông Menezes cho hay. “Quốc hội đã công nhận tầm quan trọng và hiệu quả của hành động cần thiết của cơ quan hành pháp để bảo đảm phục hồi nhanh chóng sau các thiên tai.”
Các dự luật khác giải quyết các bế tắc về hành chính trong một số luật môi trường chủ chốt, bao gồm Đạo luật Không khí Sạch năm 1972, mà bà Sweeney và những người khác cho biết sẽ cho phép ngành khai thác mỏ của quốc gia sản xuất các vật liệu cần thiết để tạo ra năng lượng mạnh mẽ và độc lập.
“Việc cấp phép chậm trễ đã, và đang tiếp tục là một trong những rủi ro đáng kể nhất đối với việc đạt được các mục tiêu sản xuất khoáng sản nội địa,” bà cho hay. “Khi quá trình cấp phép cho các dự án quan trọng trên khắp Hoa Kỳ kéo dài, thì các đối thủ địa chính trị đang lợi dụng sự trì trệ trong bộ máy quan liêu của chúng ta.”
Thời gian để khai thác
Bà Sweeney cho biết việc mở cửa hoặc phát triển một khu mỏ ở Hoa Kỳ thường liên quan đến nhiều cơ quan và “hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm quy trình cấp phép ở cấp địa phương, tiểu bang và liên bang” trong trung bình từ 7 đến 10 năm.
Quy trình này đi kèm với “tình trạng thiếu minh bạch, sự chậm trễ phát sinh do trùng lặp giữa các cơ quan liên bang và tiểu bang, thiếu các mốc thời gian chắc chắn để hoàn thành các đánh giá môi trường, và thiếu sự phối hợp các trách nhiệm giữa các cơ quan khác nhau,” bà nói, đồng thời lưu ý rằng quy trình này mất dưới ba năm để giải quyết các giấy phép tương tự theo các quy tắc môi trường tương tự ở Úc và Canada.
“NMA tin rằng những lo ngại hợp lý về bảo vệ môi trường cần được xem xét và giải quyết toàn diện nhưng các quy trình cấp phép không nên là một cái cớ để bẫy các dự án khai thác trong một tình trạng lấp lửng của việc xem xét trùng lặp, không thể đoán trước, kéo dài vô tận, và tốn kém mà không có một điểm quyết định,” bà Sweeney cho hay.
Bà đồng ý với ông Menezes khi cho rằng các dự luật trên không chỉ tìm cách mở cửa cho ngành khai thác mỏ của quốc gia mà còn tìm cách “cải thiện an ninh chuỗi cung ứng” bằng cách cho phép “có thêm năng lực nấu chảy, xử lý, và tinh luyện cần thiết ở Hoa Kỳ để lấy lại những quy trình thiết yếu này từ các đối thủ địa chính trị như Trung Quốc, vốn kiểm soát hơn 80% sản lượng nguyên tố đất hiếm toàn cầu, gần 90% khả năng xử lý khoáng sản toàn cầu cũng như giá thị trường đối với các nguyên tố đất hiếm ở mỗi bước của quy trình trên.”
Ông Johnson cho biết nhu cầu về lithium và coban “sẽ tăng mạnh đến 30–40%” trong vòng chưa đầy hai thập niên. “Điều này thật khó hiểu. Điểm mấu chốt là, chúng ta cần khai thác nhiều hơn và nhiều mỏ hơn nữa. Chúng ta có thể làm điều đó với quyền cho phép thích hợp.”
“Chúng ta cần có các chính sách phù hợp để khai mở tiềm năng đó,” bà Sweeney nói. “Chúng tôi không yêu cầu các lối tắt, chúng tôi yêu cầu một quy trình minh bạch hơn, có thể dự đoán được. Chúng ta phải mang việc sản xuất pin về lại đây. Để làm được điều đó, chúng ta phải giải quyết những việc này và chúng ta không có nhiều thời gian.”
Chỉ trích việc ‘đẩy nhanh tiến độ’
Các thành viên Đảng Dân Chủ của Ủy ban và một số nhân chứng cho rằng những dự luật này đề xướng ra các cách để lách các quy định bằng các giải pháp vốn không giải quyết được tình trạng thiếu hụt khoáng sản trọng yếu mà chỉ đơn thuần là thiết lập lại khí đốt và dầu mỏ như nguồn sản xuất năng lượng chủ yếu.
“Một số dự luật sẽ tạo ra những kẽ hở mới trong các luật quan trọng về môi trường,” Dân biểu Paul Tonko (Dân Chủ-New York) cho biết, đồng thời lưu ý rằng gói 17 dự luật này sẽ được “đẩy nhanh tiến độ … mà ít quan tâm đến không khí, nước, và sự an toàn của người dân Mỹ.”
“Rất ít dự luật trong số 17 dự luật mà chúng ta có ở đây ngày hôm nay có thể định nghĩa chính xác về ‘các nguồn năng lượng trọng yếu,’” Giám đốc Lập pháp của Earthjustice của các Cộng đồng Khỏe mạnh, ông Raul Garcia cho biết. “Thực ra, những gì họ nói là, ‘Hãy để việc xác định đó cho Bộ trưởng Năng lượng.’ Đó là một con ngựa thành Troy. Điều đó có nghĩa là mọi thứ có thể đột nhiên trở thành một nguồn năng lượng trọng yếu” tùy theo ý thích của một quan chức.
Ông Garcia đã trích dẫn một đề nghị sửa đổi đối với Đạo luật Kiểm soát Chất độc hại (TSCA) trong đó “yêu cầu chúng ta xem xét các tác động kinh tế, chi phí kinh tế, khi xác định xem một chất có độc hại hay không.”
Ông cho rằng điều đó không hợp lý, mà chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
“Điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta bỏ thuốc độc vào ba cốc nước, thì chúng ta sẽ uống cả ba cốc và tính toán xem chúng ta phải trả các chi phí kinh tế của việc uống ba cốc nước bị nhiễm độc sẽ như thế nào,” ông nói.
“Vì vậy,” ông kết luận, “một câu hỏi khác mà tôi đặt ra với những người đề xướng dự luật này là, ‘Cái giá của một mạng người là bao nhiêu? Phí tổn mà chất độc đó sẽ gây hại cho một người là bao nhiêu?’ Chúng ta chưa nói về [các rủi ro] ở đây, vì vậy đó là điều mà tôi nghĩ là chúng ta cần tập trung vào trong ủy ban này vì các dự luật này đều không — hoàn toàn không — làm được điều đó.”
BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH
Ông John Haughey là một ký giả làm việc từ năm 1978 với kiến thức chuyên sâu về chính phủ địa phương, cơ quan lập pháp tiểu bang, cũng như tăng trưởng và phát triển. Tốt nghiệp Đại học Wyoming, ông là một cựu chiến binh Hải quân đã chiến đấu với hỏa hoạn trên biển trong ba lần được điều động trên tàu USS Constellation. Ông là phóng viên của các tờ nhật báo ở California, Hoa Thịnh Đốn, Wyoming, New York, và Florida; và là một tác gia cho các ấn phẩm kinh doanh thương mại có trụ sở tại Manhattan.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Theo Epoch Tiếng Việt