Hàng trăm cảnh sát trưởng kêu gọi TT Biden tiếp tục xây tường, giải quyết khủng hoảng biên giới
Ảnh chụp màn hình Youtube/ABC7.
Daily Wire đưa tin, hôm thứ Tư (7/4) hàng trăm cảnh sát trưởng từ hơn hàng chục tiểu bang đã cùng gửi một lá thư cho Tổng thống Joe Biden, thúc giục ông giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía nam Hoa Kỳ.
Bức thư có chữ ký của 275 cảnh sát trưởng từ 39 bang, cảnh báo hậu quả nguy hiểm khi chính quyền Biden cho phép dòng người nhập cư bất hợp pháp tiếp tục tiến vào nước Mỹ. Vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Tuần tra Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ (CBP) cho biết họ đã bắt giữ số lượng kỷ lục 172.331 người nhập cảnh trái phép vào nước này.
Bức thư do Liên đoàn Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ công bố viết “Các cảnh sát trưởng Hoa Kỳ vô cùng lo lắng về những tác động nguy hiểm mà chính sách biên giới do chính quyền của ông gây ra đối với người dân, những công dân hợp pháp và cộng đồng của chúng tôi”.
Các cảnh sát trưởng thúc giục ông Biden cần có hành động trước khi những nguồn lực bảo vệ an toàn công cộng bị quá tải do những “tác dụng phụ” gây ra bởi dòng người di cư bất hợp pháp như các băng đảng xuyên quốc gia, súng, ma túy và nạn buôn người.
Bức thư tiếp tục “Bằng nhiều cách khác nhau, ông và chính quyền của ông đang khuyến khích và thừa nhận hành vi vô luật pháp cũng như biến người dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thành nạn nhân, tất cả điều này đều dưới danh nghĩa nhập cư bất hợp pháp hàng loạt.”
Các cảnh sát kiến nghị ông Biden chấm dứt các chính sách ủng hộ nhập cư bất hợp pháp và khôi phục các biện pháp đảm bảo biên giới của chính quyền TT Trump.
Bức thư viết “Để chấm dứt tình trạng phá hoại luật pháp của chúng ta và mức rủi ro gia tăng đối với sự an toàn và an ninh của người dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, chúng tôi kính đề nghị ông ngay lập tức đảo ngược chính sách ủng hộ nhập cư bất hợp pháp của mình, nối lại việc xây dựng bức tường biên giới và áp dụng các chính sách biên giới ủng hộ an toàn công cộng, hợp lý của chính quyền trước đây”.
Mỹ cứu xét trả tiền mặt cho Trung Mỹ để ngăn chặn di dân
Bà Roberta Jacobson, điều phối viên biên giới phía nam của Tòa Bạch Ốc.
Mỹ đang cứu xét chương trình chuyển giao tiền mặt có điều kiện để giúp giải quyết những thống khổ về kinh tế khiến di dân từ một vài nước Trung Mỹ phải đi về phía bắc, cũng như gởi vaccine COVID-19 đến những nước này, một viên chức cao cấp Tòa Bạch Ốc nói với Reuters ngày 9/4.
Chương trình chuyển giao tiền mặt sẽ nhằm vào những người tại vùng “Tam giác Bắc”, gồm Guatemala, Honduras và El Salvador, bà Roberta Jacobson, điều phối viên biên giới phía nam của Tòa Bạch Ốc nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, nhưng không nói rõ người nào chắc chắn sẽ nhận được tiền mặt.
Gần 168.000 người bị các nhân viên tuần tra biên giới Mỹ bắt tại biên giới Mỹ-Mexico vào tháng Ba, cao nhất hàng tháng kể từ tháng 3/2001 và là một phần của việc gia tăng những người mới đến trong những tháng gần đây.
“Chúng tôi đang cứu xét tất cả các giải pháp xây dựng để giải quyết những lý do kinh tế có thể làm nhiều người phải di cư, cũng như những lý do bảo vệ và an ninh,” bà nói.
Bà Jacobson không giải thích chi tiết về chương trình chuyển giao tiền mặt.
“Một điều tôi có thể hứa với các bạn là chính phủ Mỹ sẽ không giao tiền mặt hay ngân phiếu cho mọi người,” bà nói.
Biden bị chỉ trích vì mức chi tiêu quốc phòng ‘không đủ chống Trung Quốc’
Tổng thống Joe Biden (ảnh: Từ video của CNBC)
Fox News đưa tin, Đảng Cộng hòa hôm thứ Sáu (9/4) đã chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Biden về 753 tỷ đô la ngân sách quốc phòng cho năm tài chính tới, nói rằng số tiền mà chính quyền của vị Tổng thống dân chủ yêu cầu không đủ để chống lại các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của chính quyền Trung Quốc.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, cùng với các đảng viên Cộng hòa hàng đầu khác ở Thượng viện, cáo buộc ông Biden ưu tiên một “danh sách các ước vọng tự do [thiên tả]” trong khi “tài trợ cho quân đội của Mỹ bị bỏ qua”.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa gọi khoản ngân sách này là “đáng thất vọng” và cáo buộc rằng với số tiền ấy sẽ không trụ được trước một Trung Quốc liên tục mở rộng chi tiêu quốc phòng.
“Trung Quốc [có] tham vọng vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường thống trị thế giới. Trong thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 200 tỷ USD, trong khi của Mỹ giảm 400 tỷ USD”, nhóm Thượng nghị sĩ Cộng Hòa gồm những nhân vật nổi tiếng như ông Marco Rubio, Jim Inhofe, Lindsey Graham và Richard Shelby, cho biết trong một tuyên bố.
Họ cho biết thêm: “Các khoản đầu tư quân sự của Trung Quốc phù hợp với mong muốn vượt qua Mỹ và khiến lực lượng quân sự của chúng ta gặp rủi ro”.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng 7% ngân sách chi tiêu quân sự cho năm tài chính 2022 – với mức chi tiêu mới lên tới 208,6 tỷ USD.
Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện kêu gọi chính quyền Biden tăng ngân sách dành cho quân sự từ 3 đến 5% vào tháng trước – hơn gấp đôi mức tăng 1,7% mà vị Tổng thống của đảng Dân chủ phân bổ cho ngân sách quốc phòng năm 2022.
“Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden cắt giảm chi tiêu quốc phòng, gửi một tín hiệu khủng khiếp không chỉ cho các đối thủ của chúng ta ở Bắc Kinh và Moscow mà còn cho các đồng minh và đối tác của chúng ta”, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa viết.
Ấn Độ đóng thêm tàu ngầm ngăn Trung Quốc bành trướng
Ảnh chụp màn hình Youtube/NDTV
Tờ Hindustan Times của Ấn Độ đưa tin, Hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch đóng mới 24 tàu ngầm, đồng thời cho biết đây là để đáp lại sự “trỗi dậy” của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Ấn Độ có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương và ngăn chặn sự trỗi dậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời khuyến nghị nên triển khai tàu ngầm hạt nhân để chặn họng các tàu chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương – eo biển Malacca và eo biển Sunda.
Tờ Apollo còn cho biết, Hải quân Ấn Độ đang xin phép chính phủ mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel-điện, nhằm cải thiện hiệu quả chiến đấu của các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và động cơ diesel-điện.
Theo báo cáo, kế hoạch mới của Hải quân Ấn Độ được lấy cảm hứng từ các kế hoạch tương tự của Không quân Ấn Độ. Không quân Ấn Độ muốn được phê duyệt để xây dựng 42 phi đội máy bay chiến đấu, và Hải quân Ấn Độ sẽ tìm kiếm sự chấp thuận để đóng 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 18 tàu diesel – tàu ngầm điện.
Một quan chức của Quân khu miền Nam Ấn Độ cho biết, lô tàu ngầm diesel-điện này đang được phê duyệt để đóng mới sẽ bao gồm các tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP). Hệ thống AIP có thể cho phép tàu ngầm ở dưới nước trong thời gian dài hơn so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo báo cáo, từ khi kế hoạch mới này được đề xuất, Hải quân Ấn Độ vẫn đang tìm kiếm sự chấp thuận của Ủy ban Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ để đóng thêm 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công. Báo cáo cũng đề cập rằng các biện pháp này là một phần trong việc Ấn Độ liên tục tăng cường năng lực hải quân trong xây dựng quốc phòng để đối phó với sự “trỗi dậy” của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Ấn Độ hiện chỉ có một tàu ngầm hạt nhân tấn công thuê từ Nga – tàu “Chakra” (lớp “Acura” của Nga), và 15 tàu ngầm diesel-điện, bao gồm cả tàu ngầm lớp bọ cạp mới được trang bị “Kalvari”. Hiện tại, Hải quân Ấn Độ có 3 tàu ngầm lớp bọ cạp trong biên chế, 3 chiếc còn lại cũng sẽ được trang bị hệ thống AIP, những tàu ngầm này có khả năng sát thương cao hơn tàu ngầm hạt nhân tấn công vì chúng rất khó bị phát hiện.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Ấn Độ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chiến lược và dự trữ vũ khí của nước này, hiện đang sở hữu tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo 6000 tấn, có tên (SSBN) INS Arihant. Được biết tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tiếp theo sẽ được hạ thủy vào năm 2022. Các tàu ngầm hạt nhân này có thể mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-15 và K-4. Tầm bắn của tên lửa K-15 lên tới 1.500 km và tầm bắn tối đa của tên lửa K-4 có thể đạt 3.500 km.
Được biết, Tổ chức nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ cũng đã xây dựng một kế hoạch dài hạn để phát triển và thử nghiệm tên lửa K5, có tầm bắn 5.000 km, tương đương với tên lửa đất đối đất Agni-5.
Số ca COVID-19 tăng mạnh ở Michigan, thống đốc kêu gọi hạn chế tiếp xúc
Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer phát biểu kêu gọi người dân chấp hành các biện pháp hạn chế virus corona lây lan ở Lansing, Michigan, ngày 9 tháng 4, 2021.
Đối mặt với tỉ lệ ca nhiễm virus corona cao nhất ở Mỹ, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer ngày thứ Sáu kêu gọi ngưng trong hai tuần các buổi học trực tiếp tại các trường trung học phổ thông, tất cả các môn thể thao thanh thiếu niên và việc ăn uống bên trong nhà hàng.
Nhưng bà không áp đặt các hạn chế mới, thay vào đó yêu cầu người dân tự nguyện chấp hành để làm chậm sự lây lan của COVID-19.
Các trường trung học phổ thông nên chuyển sang hình thức học trên mạng, các môn thể thao thanh thiếu niên ở trường và ngoài trường nên tạm dừng, mọi người nên chọn ăn uống ngoài trời hoặc mua đem đi thay vì ngồi trong nhà hàng, và họ nên tránh tụ tập với bạn bè trong nhà, bà nói.
“Chúng ta phải làm điều này cùng nhau. Sinh mạng con người phụ thuộc vào điều đó,” bà Whitmer nói trong một cuộc họp báo, một lần nữa kêu gọi người dân tiêm ngừa. “Mấy tuần sắp tới sẽ khó khăn. Vì vậy tôi yêu cầu mọi người — làm ơn hãy coi chuyện này là nghiêm túc.”
Tính đến ngày thứ Năm, Michigan có tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất ở Mỹ trong hai tuần trước đó. Số ca nhập viện vì bệnh này đã tăng hơn bốn lần trong một tháng và bằng 88% mức cao nhất toàn bang so với một năm trước, khiến một số bệnh viện phải hoãn các ca phẫu thuật không khẩn cấp, theo AP. Tỉ lệ tử vong hàng ngày mới trung bình trong bảy ngày vẫn đang tăng lên trong hai tuần nay.
Vị thống đốc Đảng Dân chủ kháng cự tái áp đặt những hạn chế trước đây như lệnh ở tại nhà hoặc cấm ăn uống trong nhà hàng, dạy học trực tiếp và các môn thể thao tiếp xúc của thanh thiếu niên vốn đã bị các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và những người khác chỉ trích. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được duy trì, cũng như giới hạn về số lượng người trong các cuộc tụ tập.
“Vấn đề không phải là chính sách không phải mà là sự tuân thủ và biến thể virus mà chúng ta đang đương đầu khắp cả bang,” bà nói.
Nhưng bà cũng không loại trừ những hạn chế trong tương lai, nói rằng mọi biện pháp vẫn đang được cân nhắc.
“Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải hiểu tình hình nghiêm trọng như thế nào,” bà nói.
Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa, những người đã chống lại với các hạn chế, nói điều đáng khích lệ là thống đốc đã không thắt chặt những hạn chế. Dù số ca nhiễm tăng vọt, Chủ tịch Hạ viện cấp bang Jason Wentworth nói Michigan nên loại bỏ những hạn chế còn lại và “tin tưởng người dân của bang này sẽ làm điều đúng đắn cho bản thân và gia đình họ.”
Ông Nguyễn Đức Nhân, cư dân Michigan sinh sống gần thành phố Detroit, cho biết ông có thấy tin tức về số ca nhiễm tăng vọt nhưng không nhận thấy có sự thay đổi bất thường nào tại nơi ông sinh sống. Các hàng quán vẫn mở cửa và hoạt động bình thường và tới nay vẫn chưa thấy có biện pháp hạn chế mới nào được áp dụng.
“Cũng hơi lạ và cũng không biết thực hư là như thế nào,” ông Nhân, người cũng là một mục sư Tin Lành, nói.
Từ gần một năm nay, ông và một nhóm nhỏ các tín hữu thuộc Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Phục Hưng đã tổ chức các buổi lễ thờ phượng tại nhà ông mỗi cuối tuần. Điều may mắn là đến nay mọi người vẫn an toàn và khỏe mạnh, ông nói.
Trong khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh ở Michigan, nỗ lực phân phối và tiêm ngừa vaccine cũng đang được đẩy mạnh để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, đặc biệt là trong các cộng đồng sắc dân thiểu số.
Mục sư Nhân, người cũng là thành viên trong ban chấp hành cộng đồng người Việt ở khu vực Detroit, cho biết nhà chức trách đã dành 100 mũi vaccine để cấp riêng cho cộng đồng người Việt ở đây và những người ghi danh sẽ được chích ngừa vào ngày 18 tháng 4.
“Nếu mình ghi danh nhiều hơn thì có thể họ sẽ cho thêm, nhưng họ cho cộng đồng ở đây 100 mũi để mà tiếp cận những người không có đủ điều kiện, khó khăn, hoặc không biết ghi danh. Việc này rất là tốt,” mục sư Nhân nói.
“Người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi không có bà con con cháu, thậm chí có một số người di trú chưa ổn định cũng ngại đi ra ngoài chích. Thành ra cộng đồng tổ chức thì họ tin tưởng hơn, mà dễ hơn nữa vì giao dịch bằng tiếng Việt.”
Khoảng 39% cư dân của bang từ 16 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, bao gồm 69% trong số đó từ 65 tuổi trở lên, theo AP. Các viên chức y khoa của các bệnh viện ở Michigan cho biết vaccine đang chứng tỏ công hiệu hơn 99% trong việc ngăn ngừa bệnh tật, nhập viện và tử vong, nhưng họ cảnh báo các biến thể dễ lây lan và dễ gây chết người hơn, và đang khiến nhiều người trẻ tuổi nhập viện hơn.
COVID-19 được cho là đã khiến gần 17,500 người chết ở Michigan. Hơn 577.000 đã hồi phục tính tới tuần trước, AP cho biết.
Mỹ ban hành quy tắc mới cho phép tiếp xúc tự do hơn với quan chức Đài Loan
Ảnh tư liệu : Cờ Mỹ và Đài Loan nhân chuyến ghé thăm Đài Bắc của chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce. Ảnh chụp ngày 27/03/ 2018. REUTERS – TYRONE SIU
Bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua 09/04/2021 đã công bố các quy tắc mới về các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ với các quan chức Đài Loan theo chiều hướng giảm nhẹ các hạn chế hiện hành.
Trong một thông cáo loan báo sự thay đổi, bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định quyết tâm của chính quyền Biden “tự do hóa” các quy tắc để phản ánh “mối quan hệ không chính thức ngày càng sâu sắc” giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, bản hướng dẫn được sửa đổi không bao gồm tất cả những thay đổi từng được cựu ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong những ngày cuối của chính quyền Trump.
Vào khi ấy, ông Pompeo đã dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế đối với các cuộc tiếp xúc với các quan chức Đài Loan, bao gồm cả việc cho phép các sĩ quan quân đội Đài Loan mặc quân phục và treo cờ Đài Loan tại các cuộc họp với các quan chức Mỹ. Những thay đổi loan báo hôm qua không thấy nói về những vấn đề đó, mặc dù vẫn tiếp tục cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ các đồng cấp Đài Loan ngay tại các cơ sở liên bang.
Bản thông cáo nói rõ: “Những hướng dẫn mới này là một bước tiến so với các phiên bản trước đó… bằng cách khuyến khích các hoạt động giao tiếp với các đối tác Đài Loan và xóa bỏ các hạn chế không cần thiết.” Theo hãng tin Anh Reuters, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ chẳng hạn đã cho biết rằng bản hướng dẫn mới khuyến khích các cuộc họp theo cấp làm việc với quan chức Đài Loan tại các tòa nhà liên bang và cũng có thể diễn ra tại văn phòng đại diện của Đài Loan, điều trước đây đã bị cấm.
Cho đến gần đây, chính quyền Mỹ đã tự áp đặt một số hạn chế khi tiếp xúc với các đại diện và quan chức Đài Loan. Tuy nhiên, với quyết định nới lỏng từ thời cựu ngoại trưởng Pompeo, Washington đã nhiều lần phá bỏ các ràng buộc.
Chính quyền của tổng thống Joe Biden chẳng hạn đã mời “đại sứ không chính thức” của Đài Loan đến dự lễ nhậm chức của tổng thống Biden, và mới đây đã cử ông John Hennesey Niland, đại sứ Mỹ tại Palau, đến thăm Đài Loan.
Nghiên cứu: Mức thuế ông Biden đề xuất khiến một triệu việc làm biến mất trong 2 năm
Ông Joe Biden (ảnh: Shutterstock).
Theo một nghiên cứu mới từ Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia, kế hoạch tăng thuế lớn của Tổng thống Joe Biden sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất một triệu việc làm chỉ trong 2 năm ngắn ngủi.
Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà kinh tế tại Đại học Rice ở Texas. Nghiên cứu này phát hiện rằng, nếu Quốc hội phê chuẩn đề nghị của chính quyền Biden nâng tỷ lệ thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế thu nhập vốn đối với người giàu và các biện pháp khác thì hậu quả là nền kinh tế sẽ bị tàn phá.
Các nhà kinh tế kết luận: “Tổng số việc làm, tính theo số giờ làm việc, ban đầu sẽ giảm 0,7% trước [quá trình] điều chỉnh. Việc giảm số giờ làm tương đương với một triệu công việc toàn thời gian sẽ sụt giảm vào năm 2023. Những công việc đó vẫn sẽ biến mất vào năm 2026 trước khi [quá trình này] ổn định.”
The Blaze nhận định, Kế hoạch cơ sở hạ tầng của TT Biden – phần lớn không chi trả cho đường cao tốc, cầu đường mà là tài trợ cho các sáng kiến cấp tiến như nghiên cứu khí hậu, giáo dục và năng lượng xanh. Những sáng kiến này dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 2 nghìn tỷ USD. Để chi trả cho kế hoạch cấp tiến này, chính quyền Biden đã đề xuất mức tăng thuế lớn nhất trong gần 30 năm qua.
Chính quyền TT Trump đã hạ mức thuế suất thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Động thái này nhằm mang lại cho nước Mỹ lợi thế cạnh tranh toàn cầu và ngăn cản các doanh nghiệp Mỹ chuyển địa điểm ra nước ngoài để tìm kiếm mức thuế suất thấp hơn.
Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia cho biết mức thuế suất doanh nghiệp 28% mà ông Biden đề xuất sẽ khiến nước Mỹ đánh mất lợi thế cạnh tranh này.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia Jay Timmons cho biết “Nghiên cứu này cho chúng ta biết một cách định tính những gì mà các nhà sản xuất khắp nước Mỹ sẽ nói với bạn một cách định lượng: Tăng gánh nặng thuế lên các công ty ở Mỹ đồng nghĩa với việc ít việc làm ở Mỹ hơn. Chính xác là, một triệu việc làm sẽ biến mất trong hai năm đầu tiên”.
Tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin cũng đã bày tỏ lo ngại về tỷ lệ áp thuế doanh nghiệp quá cao của chính quyền Biden.