GIÁO DỤC ẢNH HƯỞNG LÒNG ÁI QUỐC
Thái Hóa Lộc
Trong quá khứ, giáo dục có nghĩa là học cách đọc, viết, làm toán và phát huy tư tưởng. Giáo dục cũng đồng nghĩa với việc học lịch sử và khoa học. Nhưng theo dữ liệu của chính phủ, giáo dục ngày nay không dạy những môn đó. Có lẽ quan trọng hơn nữa là ngày xưa học sinh trên toàn quốc học Mười điều răn – không giết người, không nói dối, không trộm cắp, v.v. Họ còn được học Quy tắc vàng: Đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử. Nhưng những “ngày xưa tốt đẹp” ấy phần lớn đã biến mất.
Trong các trường công lập trên khắp Hoa Kỳ ngày nay, từ mầm non đến lớp 12 và cao hơn, trẻ em đang phải tuân theo những gì mà dường như chỉ là trào lưu giáo dục mới nhất trên bề mặt; nhưng có lẽ thật ngớ ngẩn nếu cho rằng nó vô hại hơn những thứ khác. Những đứa trẻ cũng được kỳ vọng “nâng cao hiểu biết về những giải thích có tính hệ thống và cấu trúc cho những hành động và kết quả khác nhau.”
Nói tóm lại, họ mong muốn các trẻ em sẽ tin vào giả thuyết gây nhiều tranh cãi rằng Hoa Kỳ đang chìm đắm trong nạn phân biệt chủng tộc “có hệ thống” và “có cấu trúc”, và chỉ có hành động xã hội do chính phủ dẫn dắt mới có thể khắc phục được điều đó. Họ cũng muốn trẻ em sẽ chấp nhận và đồng tình với sự phân chia nhân tạo xã hội theo các ranh giới “chủng tộc” và “giai cấp”. Nó như một phần của nỗ lực công khai nhằm “chia rẽ và chinh phục” Hoa Kỳ.
The Nation’s Report Card (là cuộc thi được tổ chức hàng năm dành cho học sinh lớp 4 và lớp 8 để đánh giá khả năng đọc hiểu và làm toán) tiết lộ rằng vào năm 2014, chỉ có khoảng 18% học sinh lớp tám tại Mỹ đủ điểm [hoặc cao hơn] đạt đến trình độ thông thạo về lịch sử Hoa Kỳ, và chỉ có 1% được xem là có mức độ am hiểu tường tận. Thông điệp chính ở đây rất rõ ràng: Các trường học của chúng ta đang thất bại trong việc giảng dạy [về] di sản quốc gia của chúng ta.
Tất nhiên, những hậu quả này sẽ đeo mãi đến tuổi trưởng thành. Một nghiên cứu năm 2018 từ Quỹ Woodrow Wilson đã tiết lộ rằng; cứ ba người Mỹ thì chỉ có một người vượt qua được bài thi quốc tịch. Trình độ kiến thức ngày càng giảm qua từng thế hệ, với tỷ lệ đậu 74% ở nhóm tuổi trên 65, giảm xuống chỉ còn 19% ở nhóm nhân khẩu dưới 45 tuổi. Thế hệ trẻ được giáo dục tốt hơn và được ban tặng những nguồn lực lớn hơn nhiều so với các thế hệ đi trước; tuy nhiên việc thờ ơ đối với lịch sử lại ngày càng tồi tệ hơn. Kết cuộc là, người Mỹ đang bị cướp đi sự tự chủ về trí tuệ cần thiết để đưa ra những đánh giá sáng suốt của riêng mình về quốc gia cũng như về lịch sử của nước nhà.
Sự thiếu hiểu biết tạo ra một khoảng trống để cho thông tin sai lệch cùng sự thao túng lấp đầy. Các nhà hoạt động, nhà tuyên truyền và các chính trị gia có động cơ thầm kín đã được trao quyền để đánh đồng các quan điểm, làm suy yếu lịch sử Hoa Kỳ và biến nó thành một quan điểm không tưởng và không ngừng bị mai một. Hậu quả là, lòng ái quốc của người dân đang chạm ngưỡng cửa thấp nhất.
Giáo dục là cách duy nhất để chống lại các thông tin sai lệch, nhưng hệ thống [giáo dục Hoa Kỳ] đang khiến chúng ta lo ngại. Việc thông thạo lịch sử là công cụ tuyệt vời nhất cho chúng ta để nuôi dưỡng sự tự nhận thức về bản thân khi đặt mình trong các bối cảnh lịch sử. Việc đó hướng chúng ta đến sự hiểu biết về vai trò quý giá và sâu sắc của mỗi cá nhân trong lược đồ lịch sử này.
Chúng ta phải giáo dục cho học sinh vẻ đẹp và sự phức tạp của lịch sử của đất nước chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận thực tế về các thiếu sót và việc giảng dạy về những sai lầm trong lịch sử của chúng ta, để thúc đẩy việc tiếp tục một quỹ đạo hướng đến sự tiến bộ và lý tưởng của Hoa Kỳ. Đừng cố gắng nhồi nhét cho lớp trẻ một lòng nhiệt thành mang tính dân tộc. Mục tiêu của giảng dạy lịch sử chỉ đơn thuần là trang bị cho các em kiến thức để tự quyết định và rút ra kết luận của riêng mình. Niềm tự hào hay sự xấu hổ về đất nước của một người phải được minh định và dựa vào kiến thức, mà không phải bất kỳ điều gì khác.
Sự thay đổi quá nhanh chóng hệ thống giáo dục, ý niệm về phái tính của Tổng Thống Joe Biden đã đẩy xa giáo dục vào một khúc quanh mới. Trong cuộc tranh luận quốc gia về việc giảng dạy Thuyết Sắc tộc Trọng yếu (Critical Race Theory, CRT) trong trường học, kêu gọi các nhà lập pháp và các bậc cha mẹ trên toàn quốc hành động chống lại những điều mà ông gọi là tuyên truyền “độc hại” và “chống Mỹ.”
“Trong các lớp học trên toàn quốc, học sinh đang phải học một chương trình học mới được thiết kế nhằm tẩy não các em bằng giáo điều cánh tả lố bịch được gọi là ‘thuyết sắc tộc trọng yếu,’” ông Trump viết trong một bài bình luận đăng hôm thứ Sáu (18/06) trên tờ RealClearPolitics. “Sự thật sống còn về học thuyết biến dị này là nó hoàn toàn trái ngược với mọi thứ mà người Mỹ bình thường thuộc bất kỳ màu da nào muốn dạy cho con em của họ.”. Thuyết CRT bắt nguồn từ lý thuyết Marxist về đấu tranh giai cấp, nhưng tập trung đặc biệt vào vấn đề chủng tộc. Những người ủng hộ thuyết CRT xem xét sự phân biệt chủng tộc ở mọi khía cạnh của đời sống công và tư của Mỹ, đồng thời tìm cách phá bỏ các thể chế của Hoa Kỳ – chẳng hạn như Hiến pháp và hệ thống pháp luật – mà họ cho là có tính phân biệt chủng tộc cố hữu và vô phương cứu chữa. Nỗ lực thúc đẩy thuyết CRT trong giáo dục hệ 12 năm (K-12) đã thu hút sự chú ý của cả nước vào tháng 04/2021 khi Bộ Giáo dục đề xướng một quy tắc ưu tiên tài trợ cho các chương trình [giảng dạy về] lịch sử và công dân Hoa Kỳ kết hợp các tác phẩm của nhà lý luận thuyết sắc tộc trọng yếu Ibram X. Kendi và Dự án 1619 của New York Times, xoay quanh ý tưởng cho rằng kể từ khi Hoa Kỳ được thành lập, và cho cả đến ngày nay, vẫn là một quốc gia phân biệt chủng tộc.
Vào ngày làm việc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã giải tán Ủy ban cố vấn 1776 của chính phủ ông Trump và bác bỏ báo cáo đầu tiên và cuối cùng của tổ chức này. Lệnh cấm sử dụng tài liệu đào tạo dựa trên “hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc và giới tính gây chia rẽ và gây hại” trong các cơ quan liên bang và các nhà thầu liên bang cũng đã được dỡ bỏ sau ngày ông Biden nhậm chức. Sự hiểu biết đúng đắn về lịch sử dân tộc của chúng ta đang nuôi dưỡng lòng ái quốc một cách tự nhiên. Chúng ta phải cẩn trọng để không xem sự tôn nghiêm của các quyền tự do của chúng ta là điều tự nhiên mà có. Và, khi trao ngọn đuốc cho thế hệ kế tiếp, chúng ta phải hết sức thận trọng – với tư cách là những nhà giáo dục, là cha mẹ, là ông bà, thậm chí là hàng xóm – để dạy dỗ lòng biết ơn đối với những hy sinh của tổ tiên chúng ta. Một con dân của một đất nước mà không hiểu biết về lịch sử của đất nước mình thì không thể nào có lòng ái quốc.
Danh ngôn của Tổng Thống John Adams nói rằng, “Hỡi hậu thế! Quý vị sẽ không bao giờ biết được thế hệ của tôi đã phải trả giá biết bao nhiêu để bảo tồn tự do cho quý vị! Tôi hy vọng quý vị sẽ vận dụng tốt sự tự do đó. Nếu quý vị không làm vậy, thì nơi Thiên đàng tôi sẽ thấy hối hận vì mình đã gánh nhận một nửa nỗi thống khổ để bảo tồn nền tự do này.”