Phòng triển lãm cố định đầu tiên với chủ đề “Phong trào Biểu tình Hồng Kông” đã được khai trương ở Manhattan, New York, hôm 02/06. Hình ảnh triển lãm của tất cả các buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện Lục Tứ được tổ chức tại Công viên Victoria của Hồng Kông trong những năm qua được đặt bên trong Nhà tưởng niệm Quảng trường Thiên An Môn. Bức ảnh này được chụp hôm 03/06/2023. (Ảnh: Jenny Zeng/The Epoch Times)
Jenny Zeng – Harry McKenny – Thứ ba, 06/06/2023
Cảnh sát điều xe bọc thép chống khủng bố để ngăn người Hồng Kông tưởng niệm sự kiện Lục Tứ
Vào dịp kỷ niệm 34 năm Vụ thảm sát Thiên An Môn, bảo tàng tưởng niệm cố định đầu tiên đã được khai trương tại New York vào ngày 02/06. Bảo tàng mới này sẽ trở thành địa điểm triển lãm duy nhất trên thế giới giới thiệu lịch sử của vụ thảm sát năm 1989 sau khi Bảo tàng Tưởng niệm sự kiện Lục Tứ ở Hồng Kông bị buộc phải đóng cửa vì lý do chính trị.
Phòng triển lãm này có các hình ảnh, video, và một số đồ vật để trưng bày và hồi tưởng về vụ thảm sát và phong trào dân chủ ở Hồng Kông, trình bày lịch sử mưu cầu nền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông.
Bà Dương Cẩm Hà (Anna Yeung-Cheung), người sáng lập NY4HK (một nhóm gồm những người ủng hộ Hồng Kông tại New York), đã giới thiệu rằng cuộc triển lãm này được chia thành ba khu vực trưng bày theo chủ đề: Lễ thắp nến ở Công viên Victoria Hồng Kông từ năm 1990 đến năm 2020 để tưởng nhớ các nạn nhân trong sự kiện Lục Tứ, Phong trào Dù vàng năm 2014, và các sự kiện chính trong các cuộc biểu tình chống dẫn độ năm 2019 ở Hồng Kông.
Bà Dương Cẩm Hà cho biết bảo tàng này là triển lãm cố định đầu tiên ở New York với chủ đề phong trào phản kháng của người dân Hồng Kông.
Bà tin rằng việc thành lập phòng triển lãm cố định này là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Hồng Kông. Bà mong muốn trong tương lai có cơ hội thành lập các phòng triển lãm như vậy ở các khu vực khác. “Luôn có sự khác biệt giữa một cuộc triển lãm thực tế và xem hình ảnh trên mạng. Tôi hy vọng ai cũng có thể đến xem một cuộc triển lãm ngoài đời thực.”
Bà cho biết rằng sau này NY4HK sẽ tổ chức một số hoạt động trong phòng triển lãm này để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật do người Hồng Kông tạo ra hoặc tổ chức các buổi chia sẻ.
Giám đốc của bảo tàng tưởng niệm này, ông Vu Đại Hải (Yu Dahai), nói rằng sự ủng hộ của người dân Hồng Kông đối với phong trào dân chủ Lục Tứ đã tồn tại từ lâu.
Một chiếc lều được trưng bày trong bảo tàng do người Hồng Kông quyên góp vào năm 1989. Người quyên góp chiếc lều đã tham gia cuộc tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn và chỉ ở trong lều được một tuần thì xảy ra một vụ thảm sát đẫm máu. “Chiếc lều này là bằng chứng chân thực về sự ủng hộ của người dân Hồng Kông đối với phong trào dân chủ tại Hoa lục,” ông Vu nói.
Ông Vu đã giới thiệu rằng ba tờ báo mô tả vụ thảm sát được phát hành tại Hồng Kông vào ngày 05/06/1989 và hiện được trưng bày trong phòng triển lãm này cũng là do người Hồng Kông quyên tặng.
Ông Vu nói, “Đó là những tờ báo của một số nhà xuất bản khác nhau, và điều này làm cho bộ sưu tập của chúng tôi khá toàn diện, điều này rất hiếm có. Nghĩa cử này cho thấy người Hồng Kông rất quan tâm đến những gì đã xảy ra ở Hoa lục hồi năm 1989. Vụ việc cũng rất xúc động. Ngược lại, chúng tôi đã thấy rõ những gì đã xảy ra ở Hồng Kông trong vài năm qua và chúng tôi rất ủng hộ nhưng cũng rất buồn lòng trước kết quả này.”
Ông Mak Ka-on, một thành viên của Tổ chức Nhân đạo Pupil Walker, đã tham dự lễ khai trương bảo tàng tưởng niệm và tặng một số tờ báo cũ mà ông đã thu thập được trong nhiều năm. Ông Mak là nhân chứng trong phong trào dân chủ ở Bắc Kinh năm 1989. Ông đã trở lại Hồng Kông vào ngày 01/06 năm đó nhưng không thể ngờ rằng một cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra chỉ vài ngày sau đó.
Ông vẫn nhớ rằng vào ngày ông hay tin về cuộc đàn áp hung bạo này, mưa gió đang nổi lên mãnh liệt tại Hồng Kông. Vào thời điểm đó, người ta đã kêu gọi hãy biểu tình ngồi trước Tân Hoa Xã địa phương (hãng truyền thông của cộng sản). Ông là một trong số những người biểu tình đó. “Có vài ngàn người chúng tôi ngồi giữa một con đường dốc, nước trút xuống ào ào như sắp tận thế, ai cũng ướt sũng nhưng không ai bỏ đi mà chỉ ngồi đó,” ông Mak nói.
Ông Vương Đan (Wang Dan), thủ lĩnh sinh viên của phong trào dân chủ năm 1989, đã chia sẻ như vậy sau cuộc đàn áp đẫm máu ngày 04/06. Người dân Hồng Kông không ngừng tưởng niệm ở Công viên Victoria trong 30 năm liên tiếp, điều này khiến ông vô cùng cảm động.
Chắc chắn vẫn luôn tồn tại niềm tin rằng người Hồng Kông đang tiếp tục duy trì tinh thần dân chủ này. Ông tin rằng phong trào dân chủ Hồng Kông là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử thế giới. Cảnh tối tăm hiện tại không có nhiều ý nghĩa; thất bại ban đầu luôn là con đường dẫn đến thành công cuối cùng.
Ông Mak Lok-kei, một người trang trí cuộc triển lãm này, nói với Epoch Times rằng trước đây ông không quá để tâm đến Lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ ở Công viên Victoria, vì nghĩ rằng điều đó quá xa vời đối với ông.
Mãi cho đến khi phong trào ủng hộ dân chủ vào năm 2019, khi một số lượng lớn người Hồng Kông bước ra tranh đấu cho nền dân chủ của chính họ, thì ông mới nhận ra rằng Hồng Kông sắp trở thành một thành phố như bao thành phố Hoa lục khác.
Sau đó, ông đã tham gia lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ năm 2019 và không bao giờ ngờ rằng đây là lần cuối cùng. Và đó là lúc ông thực sự bắt đầu hiểu những gì đã xảy ra vào ngày 04/06 năm đó và phong trào dân chủ đó có quan hệ như thế nào đến tương lai của chính mình.
Triển lãm này sắp xếp trưng bày một biểu đồ so sánh để nhìn lại và giải thích mối liên hệ giữa vụ thảm sát Thiên An Môn và phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Ông Mak kể lại rằng ông đến Hoa Kỳ cách đây hai năm và dần dần quen biết với một số người bạn từng tham gia phong trào ngày 04/06/1989. Sau khi lắng nghe câu chuyện của họ, ông Mak nhận thấy mối liên hệ với bản thân: “Họ đã rời bỏ quê hương yêu dấu của mình để ra đi hơn 30 năm. Cuộc tranh đấu này cũng đã kéo dài bao nhiêu năm không ngừng nghỉ. Con quỷ cộng sản đã và đang làm xói mòn nền tự do dân chủ của chúng ta. Chúng ta đã tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác (năm 1989 ở Trung Quốc rồi đến năm 2019 ở Hồng Kông). Nhưng chỉ sau khi đến Hoa Kỳ, tôi mới nhận ra giữa những sự kiện này có mối liên hệ.”
“Vì vậy, tôi cảm nhận sâu sắc hơn nhiều về việc sắp đặt khu triển lãm lần này. Chúng tôi muốn duy trì tinh thần tự do này từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Để đến thăm “Nhà Tưởng niệm sự kiện Lục Tứ” và “Triển lãm Phong trào Biểu tình ở Hồng Kông,” hãy truy cập trang web 64ma.org để đặt chỗ trước (tính năng đặt chỗ trước sẽ ra mắt vào cuối tháng Sáu).
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times