Một lý giải về triết lý Khổng mạnh ở Nhật Bản Và sự khác biệt giữa Nho học Việt Nam và Nhật Bản

Share this post on:

Nguyễn Sơn Hùng (Nhật Bản)

05/01/2024

Xin chân thành gửi tặng và cảm ơn sự tiếp đón và giúp đỡ chân tình của các gia đình và của các người quen vừa cũ vừa mới trong chuyến thăm nước Úc vào tháng 11 năm 2023 vừa qua, nhờ đó mà tôi đã cảm nhận và hiểu ra tầm quan trọng của lòng biết ơn trong đạo làm người.

Nguyễn Sơn Hùng

Lời nói đầu. Bài nghiên cứu sau đây của tác giả Nguyễn Sơn Hùng, nguyên bản có tên “Động cơ gì đã thúc đẩy tôi tìm hiểu nội dung lý giải Khổng Mạnh học của Nhật Bản?” đăng trên mạng erct.com, là một cuộc hành trình tự học, tự khám phá những vấn đề rất thời sự mà tác giả quan tâm. Bài viết đưa ra nhiều nhận thức thú vị và bổ ích xung quanh triết lý Khổng Mạnh nguyên thủy, và những phiên bản khác về sau, kể cả phiên bản Việt Nam. Khổng Mạnh dễ bị lợi dụng, hay hiểu chưa đúng về một số khía cạnh. Khổng Mạnh cũng có những giai đoạn suy đồi, không phải tự nó, mà đúng hơn từ những con người đã suy đồi. Người nào triết lý đó. Khổng Mạnh không phải là một tôn giáo, nên không có “giáo hội” để diễn giải. Nhưng ngay cả có giáo hội, khi sự suy tàn diễn ra ngay trong lòng giáo hội thì cũng không tránh được sư diễn giãi suy tàn đi theo, như đã từng xảy ra trong lịch sử. Triết lý Khổng Mạnh dễ bị các nhà chính trị, đảng phái đồng hóa với sự cai trị không dân chủ như một sự biện minh, xưa cũng như nay. Phan Khôi từng cho rằng, hai điều tồi tệ nhất mà Việt Nam đã tiếp thu từ Trung Hoa là nho giáo và mê tín.

Trung thành ở người Nhật, để lấy một thí dụ, được hiểu khác hơn là phục tùng vô điều kiện. Nhà lãnh đạo của Nhật Bản thời cổ đại, Hoàng tử Shōtoki Taishi (574−622), đã từng có một thông điệp khôn ngoan cho người Nhật:

Nhưng khi người trên sống hài hòa với kẻ dưới một cách tử tế, và có sự hòa thuận trong thảo luận công việc, những quan điểm đúng đắn sẽ tìm được sự chấp nhận. Thì lúc đó còn gì điều gì mà không thể làm được?

Xã hội Nhật Bản hôm nay vận hành càng chủ yếu dựa trên sự cam kết tận tụy của cá nhân với nhóm và sự hài hòa, đồng thuận của tập thể.

Tác giả cảm thấy và tự hỏi “Phải chăng trong đạo làm người, điểm xuất phát quan trọng nhất là lòng biết ơn?” Ông viết tiếp: “Một khi có lòng biết ơn, con người dễ có những đức tính tốt khác như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hoặc nói dễ hiểu hơn là Ái và Kính.”

Về lòng biết ơn, ông viết:

Tôi rất ngạc nhiên, mặc dù không chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người Tây phương cũng có ý tưởng tương tự về lòng biết ơn. Thí dụ này làm cho tôi thấm thía hơn ý kiến của Itô Jinsai: “Đạo làm người chân thực đều thông đạt (tiếp nhận) ở mọi nơi trên thế giới và ở bất cứ thời đại nào”.

Trong tác phẩm Theory of Moral Sentiments của Adam Smith, từ biết ơn (gratitude) xuất hiện 140 lần, trong khi từ kính (respect) 264 lần. Để xã hội tồn tại, nó cần sự hài hòa, và do đó cần có những điểm tương đồng về quan niệm đạo đức, Đông cũng như Tây.

Đạo đức là nhân tố làm nên quốc gia, dân tộc vẻ vang, hay làm cho nó suy tàn, lụn bại. Đạo đức đã làm nên Nhật Bản Minh Trị Duy Tân cường thịnh. Đạo đức suy tàn từng làm cho đế chế Trung Hoa rệu rã. Đế chế La Mã tan rã vì nạn tham nhũng và mất đạo đức kéo dài nhiều thế kỷ liền bắt đầu từ giới thượng lưu giàu có và các hoàng đế. Còn Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh từng chỉ ra:

Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ giày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta. Anh em ta hãy gắng mà làm đi.

Đừng xem thường đạo đức như không có gì. Đó là nền móng của mỗi con người và quốc gia. Đạo đức là một lực đẩy của xã hội, hay sức ỳ, xây dựng hay phá hoại nghiêm trọng. Mất đạo đức, là mất lòng tin, chất keo của xã hội, mất social trust. Adam Smith không phải vô cớ viết rất nhiều về đạo đức, lòng thương cảm giữa con người với nhau mà nếu không có, vũ trụ con người không thể tồn tại hài hòa, ổn định và phát triển, vào lúc nền kinh tế toàn cầu đang đứng ở ngưỡng cữa phát triển bùng nỗ.

Theo dự định, giấy bạc mệnh giá ¥10,000 cao nhất của Nhật Bản trong ba đồng tiền mới có ảnh của Shibusawa Eiichi, sẽ lưu hành chính thức năm 2024, thay cho giấy bạc cùng mệnh giá có ảnh của nhà khai sáng Yukichi Fukuzawa. Shibusawa là doanh nhân lấy đạo đức làm nền tảng, có điểm giống với Adam Smith. Shibusawa cũng xuất hiện vào lúc Nhật Bản đang đứng trước một sự bùng nổ kinh tế thời Minh Trị. Tại sao có sự trùng hợp giữa ông và Adam Smith? Ông có ảnh hưởng rất lớn lên việc đưa chủ nghĩa tư bản vào Nhật Bản dưới màu sắc đạo đức, được tượng trưng bởi cuốn sách Luận ngữ của Khổng tử. Xem thêm ở đây:

Ý nghĩa cội nguồn của chữ Lễ của Matsushita Kônosuke, nhà sáng lập của Panasonic, do Nguyễn Sơn Hùng dịch:

Bàn về Lễ (II)

Tôi rất thích những bài khảo cứu đạo đức của tác giả Sơn Hùng, và cảm ơn anh về một bài nghiên cứu thú vị và bổ ích đầu năm mới.

Nguyễn Xuân Xanh

Mở đầu

Tôi dùng từ “Khổng Mạnh học” cốt để phân biệt với Nho học. “Khổng Mạnh học” ở đây dùng để chỉ học thuyết của Khổng tử và Mạnh tử đã đề xướng và giảng giải. Phần lớn học thuyết này được chứa đựng trong 2 sách Luận Ngữ và Mạnh Tử và một phần trong sách Trung Dung.

Nên hiểu trong Nho học hay Nho giáo có nhiều học thuyết của nhiều học phái lẫn lộn rất khó phân biệt. Vào thời điểm này, tôi hiểu Nho học gồm có các học phái chính yếu như sau: 1) Khổng Mạnh học, 2) Chu tử học do Chu Hy biên soạn và hệ thống hóa, còn được gọi là Tống nho, 3) Dương Minh học do Vương Dương Minh đề xướng, và 4) Các học thuyết khác.

Thật ra tôi không còn nhớ chính xác động cơ gì đã thúc đẩy tôi tìm hiểu nội dung lý giải Nho học nói chung và Khổng Mạnh học nói riêng của người Nhật Bản như thế nào, vì đã khoảng 5 năm kể từ lúc bắt đầu. Lý do không nhớ rõ là vì tôi đã biết thêm quá nhiều nội dung mới về Nho học như đi vào một khu rừng to lớn và đa dạng với lòng hiếu kỳ.

Nhân dịp cuối năm, trước hết để tổng kết sơ lược các việc đã làm trong các năm vừa qua, nếu không ghi lại, ký ức dần dần càng ngày càng mơ hồ; kế đến để ghi lại kỷ niệm tôi đã cảm nhận và hiểu ra tầm quan trọng của lòng biết ơn trong đạo làm người, nhờ sự tiếp đón và giúp đỡ chân tình của các gia đình và của các người quen vừa cũ vừa mới trong chuyến thăm nước Úc vào tháng 11 năm 2023.

Động cơ chính yếu

Mặc dù không còn nhớ chính xác chi tiết nhưng ý tưởng sau vẫn còn rõ ràng trong đấu óc tôi: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng tại sao chỉ có Nhật Bản tiến mạnh tiến nhanh và có nền tảng đạo đức được thế giới chú ý và khen ngợi, trong khi nhiều người Việt Nam hiện nay cho rằng Nho giáo đã lỗi thời, hoặc đã gây nhiều tai hại trong quá khứ? Đó là điểm xuất phát đã thúc đẩy tôi đi tìm hiểu người Nhật Bản học và hiểu Nho giáo như thế nào?

Có thể trước đó hoặc lúc đó tôi chưa chú ý đến Nho giáo mà chỉ muốn tìm hiểu lý do tại sao Nhật Bản có thể tiến mạnh và nhanh, đồng thời có nền tảng đạo đức được nhiều người ngưỡng mộ như nói trên.

Dương Minh học

Điểm thứ hai tôi còn nhớ rõ như sau: phần lớn các chí sĩ tiên tiến trong Minh Trị Duy Tân chịu ảnh hưởng mạnh Nho học, đặc biệt là Dương Minh học, thí dụ như Saigô Takamori (1827-1877), Yoshida Shôin (1830 ~1859) …. Theo tôi ngay cả Fukuzawa Yukichi (1835~1901) cũng là người chịu ảnh hưởng mạnh của Khổng Mạnh học mặc dù ông chủ trương bãi bỏ Nho học để theo học thuyết của Tây phương (Tây học). Đây là lý do tôi đã chú ý đến Dương Minh học.

Trong quá trình tìm hiểu Dương Minh học tôi biết đến Yasuoka Masahiro安岡正篤 (1898~1983), một nhà Hán học lớn của Nhật Bản, người đã đặt ra niên hiệu Heisei (từ năm 1989 đến 2019) cho Nhật Bản. Ông đã nghiên cứu về Vương Dương Minh từ thời đại học. Tôi đã tìm đọc các tác phẩm của ông trong một hai năm.

Tôi lại tìm hiểu Nakae Tôyu 中江藤樹 (1608~1648), người được xem là thánh nhân của vùng Ômi 近江, ông tiếp nhận Dương Minh học đầu tiên ở Nhật Bản. Điều phải thán phục ông là từ nhỏ ông lập chí thành thánh nhân và đã đạt được ước nguyện này bằng tự học! Ông rất xem trọng đức Hiếu của Nho học.Tôi đã đọc và dịch một phần tác phẩm tiêu biểu của ông là Ông Vấn Đáp. Một ấn tượng sâu sắc của tác phẩm này đối với tôi là ông chủ trương nền tảng của Khổng học xuất phát từ Hiếu. Hiếu là đạo làm người và có thể tóm gọn trong 2 chữ: Ái và Kính. Ông giải thích Ái nghĩa là ứng xử giao tiếp thân thiện tận tình; Kính nghĩa là đối người hoặc cấp bậc trên thì kính trọng, đối với người hoặc cấp bậc dưới thì không khinh rẻ xem thường. Ông cho rằng Khổng tử lấy Hiếu làm gốc, làm nền tảng để truyền đạt đạo làm người là bởi vì đức Hiếu giúp con người dễ hiểu ý nghĩa của Ái và Kính và dễ sớm tu tập nhất từ lúc nhỏ. (Trích một phần Bài 2, Ông Vấn Đáp, quyển thượng (phần đầu)).

Bốn 4 chữ mà Saigô Takamori xem trọng suốt cả đời là “Kính Thiên Ái Nhân”, không biết có chịu ảnh hưởng của Nakae Tôyu không?

Qua kinh nghiệm cuộc đời của tôi, tôi thấy nếu hiểu và áp dụng 2 chữ Ái Kính với ý nghĩa như trên vào đời sống thực tế, tôi tin rằng chắc chắn giúp chúng ta thành công và hạnh phúc.

Tiếp theo là Kumazawa Banzan 熊沢 蕃山(1619~1691), học trò của Nakae Tôyu. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Tập Nghĩa Hòa Thư (sách tiếng Nhật tập hợp các nội dung về Nghĩa, con đường đúng để làm người) và Tập Nghĩa Ngoại Thư. Một ấn tượng lớn của tôi đối với Tập Nghĩa Hòa Thư là tác giả đã khai triển cụ thể tư tưởng “Thời-Sở-Vị” của Nakae Tôyu (Bài 39, Ông Vấn Đáp quyển thượng (phần sau)): áp dụng hay thực hiện việc gì cũng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng với lập trường địa vị của mình và của đối tượng hoặc của xã hội, của quốc gia. Fukuzawa Yukichi định nghĩa thông minh là biết áp đúng kiến thức đúng lúc. Điều này cũng làm cho liên tưởng đến việc tìm lời giải thích hợp (Vị) của một phương trình vi phân cho một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó, lời giải này cần phải thỏa mãn điều kiện biên (Sở) và điều kiện ban đầu (Thời).

Một nhân vật kế tiếp mà tôi đã tìm hiểu là Satô Issai 佐藤一斎 (1772~1859), người đã đào tạo nhiều nhân tài cho Minh Trị Duy Tân. Nhân vật mà giới học thuật Nhật Bản cho rằng cái học của ông bên ngoài (dương) là Chu tử học nhưng bên trong (âm) là Dương Minh học, mặc dù ông nói ông theo Chu tử học. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Ngôn Chí Tứ Lục (gồm có 4 quyển được trước tác trong 4 thời kỳ trong cuộc đời của ông: 1) Ngôn Chí Lục gồm 246 điều viết từ lúc 42 tuổi, mất hơn 10 năm để hoàn thành; 2) Ngôn Chí Hậu Lục, gồm 255 điều viết từ lúc 57 tuổi, tốn khoảng 10 năm; 3) Ngôn Chí Vãn Lục, gồm 292 điều viết từ lúc 67 tuổi trong 12 năm; 4) Ngôn Chí Điệt Lục, gồm 340 điều viết từ lúc 80 tuổi không đầy 2 năm.

Saigô Takamori chọn 101 điều từ 1133 điều để làm sách đầu giường tu thân, với tên “Nam Châu Thủ Lục Ngôn Chí Lục”. Kawakami Masamitsu (1912~1996) , Hiệu trưởng đời thứ 10 của đại học Đông Kinh Công Nghiệp (TIT) đã dịch và chú giải toàn bộ sách này. Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Jyun-ichirô (1942~) trích dẫn câu sau trong sách trên đã gây cảm động nhiều dân chúng Nhật Bản: (Đại ý) “Khi trẻ cố gắng học thì lớn lên có thể làm việc quan trọng giúp ích cho xã hội. Khi lớn vẫn không ngừng học tập thì tài năng khi cao tuổi vẫn không suy giảm. Khi cao tuổi vẫn không ngừng học thì sau khi qua đời, việc giúp ích cho xã hội của bản thân được thế hệ sau kế tục.” Cho thấy việc học cần thiết trong cả đời người.

Các sách Nho học tiếng Việt đã tham khảo

Bởi vì chữ Hán khó hiểu và một chữ có nhiều nghĩa, do đó để hiểu đúng và nhanh nội dung sách về Nho học của Nhật Bản tôi cũng tìm đọc trên Internet những tác phẩm về Nho học tiếng Việt Nam như: 1) Luận Ngữ (Phùng Hoài Ngọc biên dịch-chú giải-bàn luận, Đại Học An Giang 2011), 2) Nho Giáo của Trần Trọng Kim, 3) Vương Dương Minh của Trần Trọng Kim, 4) Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu, 5) Khổng Tử và Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê, 6) Tứ Thư Bình Giải của Lý Minh Tuấn, 2010), 7) Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải của Phan Bội Châu, 8) Cửa Khổng (Giảng Khóa Dự Bị Triết Đông Chuyên Biệt Đại Học Văn Khoa Saigon 1963-64) của Kim Định (1965)….

Tuy nhiên, trong các sách tiếng Việt Nam, hầu như tôi chưa đọc hết sách nào vì thấy không hay bằng sách tiếng Nhật Bản hoặc khó hiểu mặc dù hay (như Khổng Học Đăng và Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải).

Lúc đầu tôi thầm trách tại sao cụ Phan Bội Châu không quảng bá Dương Minh học như Nhật Bản nhưng sau khi tìm hiểu thêm nội dung của Khổng Học Đăng tôi mới hiểu tại sao. Một đặc sắc lớn của Dương Minh học khác với Chu tử học (Tống Nho) là ông chủ trương học và hành phải đi đôi. Trong Khổng Học Đăng, cụ Phan Bội Châu vốn đã hiểu học và hành phải đi đôi từ đầu nên tôi nghĩ chủ trương của Vương Dương Minh không có gì mới lạ đối với cụ. Ngoài ra, chủ trương “lương tri” cũng không khác biệt lớn với “lương tâm” của Mạnh tử. Phải chăng đây là lý do?

Qua sách Cửa Khổng của giáo sư Kim Định tôi thấy được độc đáo và tiên tiến của Khổng tử trong giáo dục: tùy năng khiếu, trình độ hiểu biết, tiếp thu của người học mà ông truyền dạy nội dung khác nhau nhưng mục đích giống nhau là giúp ích cho họ tốt hơn. Đồng thời cũng hiểu được tại sao Khổng tử cũng xem trọng Nhạc (âm nhạc).

Chu tử học

Chu Hy 朱熹 (1130~1200) có công biên soạn ra tứ thư gồm có sách Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Trung Dung. Ngoài ra, Chu Hy còn giao cho học trò ông là Lưu Tử Đăng 劉子澄 biên soạn sách Tiểu Học cho những người mới bắt đầu học. Sách Cận Tư Lục 近思録 là sách Chu Hy cùng Lữ Tổ Khiêm 呂祖謙 biên soạn từ các trước tác của Chu Liêm Khê, Trương Hoành Cừ, Trình Minh Đạo và Trình Y Xuyên làm sách giáo khoa kế tiếp của sách Tiểu Học. Sau 2 sách này, thứ tự học tứ thư như ghi ở trên, đầu tiên là Đại Học, cuối cùng là Trung Dung. Khác với Chu Hy, Itô Jinsai伊藤 仁斎 (1627~1627) khuyên nên học sách Mạnh Tử trước sách Luận Ngữ.

Một đặc điểm việc học Nho học của Nhật Bản thời xưa nên lưu ý là người học bắt đầu học sách Tiểu Học. Sách này dạy phải quét dọn sạch sẽ, giữ gìn đồ đạc ngăn nắp v.v… Sách Tiểu Học này hình như không có ở Việt Nam!

Theo sách “La Sơn Phu Tử” của Hoàng Xuân Hãn, vua Quang Trung có giao cho Nguyễn Thiếp dịch sách Tiểu Học và tứ thư nhưng khi dịch xong một phần thì vua qua đời. Theo chú thích của sách trên, sách Tiểu Học là “Dương tiết, Minh tâm,Thuyết ước… Tứ thư là Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử.” Căn cứ theo nội dung chú thích này thì sách Tiểu Học có nội dung hình như không giống sách Tiểu Học nói trên ở Nhật Bản, mặc dù sách của của Hoàng Xuân Hãn ghi là dịch chứ không phải biên soạn hay trước tác. Tiếc là sách không còn nên không biết như thế nào. Tuy nhiên, sách này đã không được sử dụng trong thực tế nên thiết tưởng dù có tìm hiểu thêm cũng không có ích lợi gì!

Trong bài viết “Lối Học Khoa Cử của Tống Nho có phải là Học Đạo Khổng Mạnh không?” của Huỳnh Thúc Kháng (báo Tiếng Dân, 1931) cho biết các thành quả dịch thuật của Nguyễn Thiếp và những người cộng sự bị triều Nguyễn đem đốt bỏ hết.

Một đặc điểm khác là sách “Cận Tư Lục” hầu như không thấy đề cập đến ở Việt Nam, ngay cả tra trên Internet tiếng Việt ngày nay!

Tóm lại, 2 sách đầu được dùng làm sách giáo khoa cho Nho học ở Nhật Bản không được đề cập ở Việt Nam. Phải chăng đây là một trong những lý do sinh ra khác biệt về ảnh hưởng của Nho học giữa Việt Nam và Nhật Bản. Không biết ở Hàn Quốc 2 sách trên có được sử dụng không?

Võ Sĩ Đạo của Nhật Bản

Trong quá trình tìm hiểu trên có một đàn anh khuyên tôi tìm hiểu võ sĩ đạo của Nhật Bản nên tôi đã tạm ngưng tìm hiểu Dương Minh học. Trong quá trình này, về nhân vật đã tìm hiểu về Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi大久保利通(1830~1878), Katsu Kaishyu勝海舟 (1823~1899), Ôkuma Shigenobu 大隈重信 (1838~ 1922) … Về tác phẩm đã tìm hiểu “Ngũ Luân Thư” của Miyamoto Musashi 宮本武蔵(1584~1645), “Võ Sĩ Đạo” của Yamaoka Tesshyu 山岡鉄舟 (1836~1888), “Diệp Ẩn” của Yamamoto Tsunetomo山本常朝 (1659~1719), “Võ Sĩ Đạo” của Nitobe Inazô 新渡戸稲造 (1862~1933), “Giáp Dương Quân Giám” của Obata Kakenori 小幡景憲 (1572~1663), “Luận Ngữ và Bàn Tính” của Shibusawa Eiichi 渋沢 栄一 (1840~1931), “Võ Sĩ Đạo” của Sagara Tôru 相良 亨(1921~2000)….

Hiện nay tôi chưa thể đúc kết tương quan giữa Nho học và võ sĩ đạo nhưng có thể nói rằng trong quá trình tiến triển từ thời Edo (sau năm 1603) của võ sĩ đạo chịu ảnh hưởng không nhỏ của Nho học.

Một trong những ấn tưởng lớn của tôi về Diệp Ẩn cũng như trong Nam Châu Ông Di Huấn (nội dung truyền đạt của Saigô Takamori do người của phiên Shônai庄内ghi chép lại) là người võ sĩ đạo thường ngày suy nghĩ, xem xét sẵn những việc có thể xảy ra trong tương lai và phương sách ứng phó. Do đó, khi việc xảy ra họ có thể ứng phó nhanh chóng và tốt nhất theo họ.

Điểm đáng nễ phục của Shibusawa Eiichi là mỗi ngày trước khi ngủ ông đều phản tĩnh, xem xét lại những việc ông đã làm trong ngày. Nếu buổi tối không làm được thì sáng sớm ông làm. Không biết ông bắt đầu từ lúc nào nhưng tiếp tục cho đến khi qua đời. Tôi cho rằng nhờ đức tính này, ông đã xây dựng được sự nghiệp to lớn hữu ích cho Nhật Bản đến mức người Nhật xem ông là cha đẻ xây dựng nền kinh tế tư bản của đất nước họ. Điểm vĩ đại của ông theo tôi là đem đạo đức vào kinh doanh nhưng nội dung giải thích nội dung sách Luận Ngữ của ông không gây cho tôi ấn tượng gì. Do đó tôi đã đặt thêm tựa mới cho tác phẩm “Luận Ngữ và Bàn Tính” của ông là “Đạo Đức và Kinh Doanh”.

Trở lại với Khổng Mạnh học

Tôi không còn nhớ chính xác, hình như giữa năm 2022, tình cờ tôi biết đến Itô Jinsai伊藤仁斎 (1627~1705). Ban đầu ông theo Chu tử học nhưng sau đó ông nhận thấy học thuyết này có những điểm không thể chấp nhận được nên tìm về nguyên nghĩa (nghĩa ban đầu) của học thuyết Khổng tử và Mạnh tử và gọi là Cổ nghĩa. Do đó, người đời gọi ông là Cổ Học tiên sinh. Ông cho rằng sách Luận Ngữ là “tối thượng chí cực vũ trụ đệ nhất thư” (sách có giá trị cao nhất trên thế giới). Sách Mạnh Tử là sách giải thích thêm cho sách Luận Ngữ. Do đó, nên đọc và hiểu sách Mạnh Tử trước khi đọc sách Luận Ngữ. Ông cũng đồng ý với quan điểm của Trình Y Xuyên là một khi thông đạt 2 sách nói trên thì dù không đọc lục kinh (kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thư, kinh Xuân Thu, Lễ Ký, kinh Nhạc) cũng tự nhiên hiểu được nội dung của các sách này. Căn cứ vào nội dung và văn phong của sách, ông cho rằng sách Đại Học hoàn toàn không phải, và một phần của sách Trung Dung không phải của học thuyết của Khổng tử để lại.

Bốn tác phẩm tiêu biểu của ông là Luận Ngữ Cổ Nghĩa, Mạnh Tử Cổ Nghĩa, Luận Mạnh Tự Nghĩa và Đồng Tử Vấn (gồm 3 quyển thượng, trung và hạ). Trong sách Luận Mạnh Tự Nghĩa ông giải thích ý nghĩa của các từ ngữ cơ bản quan trọng để hiểu Khổng Mạnh học như: thiên đạo, thiên mệnh, đạo, lý, đức, tâm của tứ đoan, tình, tài, chí, ý, lương tri lương năng, trung tín, trung thứ… Đây cũng là đề tài tôi rất quan tâm.

Một đặc điểm khác của Jinsai là ông không đồng ý với tư tưởng lý 理 của Chu Hy mà ông tích cực lấy tình 情 làm giá trị, ông tin rằng đây mới chính là quan điểm của Khổng tử. Do đó thay vì lý lẽ khách quan lạnh nhạt như Chu tử, ông xem trọng tâm tình của con người và học thuyết tính thiện của Mạnh tử.

Đối với tôi, tôi rất thích ý kiến sau của Jinsai:

“Đạo (ở đây nên hiểu là đạo làm người)* chắc chắn phải đúng và rõ ràng hơn tất cả mọi thứ, đồng thời dễ biết và dễ tuân theo. Dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới và ở bất kỳ thời điểm nào của chuỗi thời gian, con người cũng không thể tách rời đạo trong giây lát. Do đó, đạo không khó biết nhưng khó giữ gìn để luôn luôn tuân theo. Nếu không khó giữ gìn thì cũng khó để chỉ biết sống vui thích với đạo.

Thứ cao xa không thể vói tới thì không phải là đạo. Thứ được cất dấu trong góc xó không thể biết đến thì không thể là đạo. Bởi vì thứ này không phải là đạo mà con người không thể tách rời trong giây lát ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và ở bất kỳ thời điểm nào cho đến mãi mãi hàng ngàn năm sau.

Thứ chỉ có 1 người có thể biết được mà 10 người không thể biết được thì không phải là đạo. Thứ chỉ có 1 người có thể thực hiện được mà 10 người không thể thực hiện được thì không thể là đạo. Lý do là đạo như vậy thì dù cho suốt đến cuối hàng ngàn đời cũng không phải là đạo mà con người không thể tách rời trong giây lát.” (một phần của “Cương lĩnh” trong phần mở đầu của sách Luận Ngữ Cổ Nghĩa”).

Trong chương 5 (chương có thể xem là bài vì ngắn không dài) của Đồng Tử Vấn quyển thượng, ông trả lời cho người học trò như sau:

“Đối với trò, trò nghĩ rằng thứ gì khó hiểu, khó thực hành, cao xa với bản thân mình, không thể đạt tới là chân lý (ở đây cũng có thể hiểu là đạo làm người)* ưu tú. Ngược lại trò không hiểu rằng: thứ gì dễ hiểu, dễ thực hành, bình dị (bình thường và giản dị)* và đúng, ở gần gũi bên mình và vĩnh viễn không thay đổi mới chính là chân lý ưu việt. Những tư tưởng khó hiểu, khó thực hành, cao xa không thể đạt tới, chính những thứ này mới vốn là dị đoan tà thuyết.”

Một bức tranh mà một người bạn ở Úc giới thiệu tôi trong chuyến thăm vừa qua ghi 4 chữ đầu trong 6 chữ “Minh lịch lịch lộ đường đường” (chân lý (đạo)) ở trước mắt rõ ràng, không có che mất chút nào) trong “Viên Ngộ Ngữ Lục” của thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần làm cho tôi cảm nhận thêm sức thuyết phục của Jinsai.

Theo lời khuyên của Jinsai, tôi bắt đầu tìm hiểu nội dung sách Mạnh Tử. Cũng như sách Luận Ngữ, sách Mạnh Tử được dịch sang tiếng Việt, cũng như tiếng Nhật hiện đại. Tuy nhiên, ngay cả 2 ngôn ngữ không có sách nào lập ra mục lục chi tiết tóm tắt nội dung của mỗi chương (chương có thể xem là bài vì ngắn không dài) để tiện việc tìm đọc lại những nội dung cần thiết khi cần. Do đó, tôi đã cố gắng hoàn thành công việc này trong tiếng Việt trước tháng 10 năm 2023.

Trong quá trình này tôi biết được Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục đã bỏ công dịch sách Mạnh Tử đăng trên tạp chí Nam Phong với tên “Mạnh Tử Quốc Văn Giải Thích” từ năm 1923 đến 1930. Tiếc thay, ngày nay được mấy người biết đến!

Vì Đồng Tử Vấn quyển thượng có phiên bản tiếng Nhật hiện đại nên tôi đã bắt đầu dịch thuật cho đến chương (bài) 28, từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2022. Sau đó, tôi không thấy bản dịch của quyển trung và hạ nên ngừng dịch quyển thượng để bắt đầu tìm hiểu nội dung của quyển trung và hạ trực tiếp qua Hán văn. Đúng là “trời không phụ lòng chí thành”, nên sau đó vài tháng tôi đã tìm thấy phiên bản dịch tiếng Nhật hiện đại. Vừa đọc nguyên văn vừa đọc bản dịch nên tôi đã nắm được phần nào nội dung của 2 quyển này vào khoảng cuối tháng 10 năm 2023. Do đó, tôi bắt đầu việc tìm hiểu và dịch “Luận Ngữ Cổ Nghĩa” từ tháng 11 năm 2023.

Vấn đề còn lại là làm sao hiểu được nội dung của “Luận Mạnh Tự Nghĩa” (Ý nghĩa những từ ngữ quan trọng của Luận Ngữ và Mạnh Tử) vì sách này hiện nay chưa có bản dịch ra tiếng Nhật hiện đại. Có lẽ tôi phải tìm hiểu trực tiếp qua Hán văn. Mong rằng việc hiểu nội dung sách Mạnh Tử và Luận Ngữ Cổ Nghĩa giúp tôi giải quyết được khó khăn này.

Về khác biệt lý giải Nho học của Việt Nam và Nhật Bản

1) Trong quá trình tìm hiểu sách Luận Ngữ, khi chưa gặp Luận Ngữ Cổ Nghĩa, và sách Mạnh Tử của tiếng Nhật, tôi thấy có nhiều điểm khác nhau về nội dung dịch hoặc giải thích giữa sách tiếng Nhật và sách tiếng Việt.

2) Ngoài ra, có những tư tưởng không phải của Khổng Mạnh học nhưng cũng bị người Việt chúng ta cho là của Khổng Mạnh học do không nắm vững xuất xứ (nguồn) của câu nói. Một thí dụ là người Việt thường cho rằng Khổng học hoặc Khổng tử chủ trương “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” hoặc “ Trung thần bất sự nhị quân”….

Tôi chưa từng gặp câu đầu trong sách Luận Ngữ hoặc sách Luận Ngữ. Tra Internet tiếng Nhật không thấy đề cập đến. Trong khi đó, nội dung Bài 19 của chương 3 Bát Dật sách Luận Ngữ như sau:

Định Công vấn: “Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?”

Khổng Tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung.”

Nguyễn Hiến Lê dịch như sau:

(Vua Lỗ là) Định công hỏi: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải như thế nào?”

Khổng tử đáp:“Vua khiến bề tôi phải giữ lễ, bề tôi thờ vua phải trung (hết lòng).

Nguồn của câu thứ hai có trong Điền Đơn Truyện của sách Sử Ký. Đây là lời của Vương Chúc王燭(1) nước Tề trả lời đối với lời chiêu hàng của vị đại tướng nước Yên.

Trong khi đó, Bài 8 chương 2 Lương Huệ Vương sách Mạnh Tử, Mạnh tử đã giải thích lý do bề tôi có thể giết vua: khi vua phạm tội tàn ác, hại dân, hại nước vua không còn là vua mà chỉ là một người bình thường. Ngoài ra, trong Bài 9 chương 10 Vạn Chương hạ cùng sách, Mạnh tử nói: Sau khi can gián vua nhiều lần vua không nghe, nếu là loại quần thần trong thân tộc của vua thì phế vua lập vua mới; loại không phải là thân tộc vua thì từ chức. Thêm một câu của Mạnh tử ai cũng biết là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Bài 14 chương 14 Tận Tâm hạ).

Qua những trích dẫn trên chúng ta có thể thấy rõ ràng 2 chủ trương nói trên không phải là của Khổng Mạnh học.

3) Một lý do khác là do không hiểu chính xác nghĩa của từ ngữ. Thí dụ, nghĩa của chữ trung 忠. Có thể có người hiểu “Trung là cấp trên sai gì cấp dưới phải tuyệt đối nghe theo”, nhưng thật ra nghĩa của chữ này không phải như vậy. Theo Thiều Chửu “Trung là thực, dốc lòng, hết bổn phận mình”. Do đó, nghĩa đúng của “Trung” là dốc hết lòng, tận hết sức với bổn phận, việc mình đảm nhiệm. Hiểu đúng bổn phận của vị trí, chức vụ của mình cũng là việc rất quan trọng trong đạo làm người.

4) Như đã đề cập trong mục “Chu tử học” ở trên, sách giáo khoa dùng trong việc giáo dục lúc còn nhỏ cũng có thể là điểm khác biệt quan trọng. Những người dạy trẻ học ở Nhật Bản ngày xưa thường là tăng lữ và phụ nữ. Điều này có thể ảnh hướng lớn đến đức tính sạch sẽ, ngăn nắp, khuôn khổ, trật tự của người Nhật chăng?

Về nội dung sách giáo khoa dạy Nho học ở Việt Nam, trong chuyến thăm nước Úc vừa qua, tình cờ tôi đọc được Phụ lục trong sách Khổng Học Đăng ở nhà của một đàn anh giới thiệu bài “Lối Học Khoa Cử của Tống Nho có phải là Học Đạo Khổng Mạnh không?” của Huỳnh Thúc Kháng (báo Tiếng Dân, 1931) (File Khổng Học Đăng tôi tìm được trên Internet không có Phụ lục này). Theo Huỳnh Thúc Kháng, Tống nho thấp hơn đạo Khổng Mạnh và từ thời thuộc Minh đến triều Lê: “chiếm cả độc quyền trong học giới ta” (Mục V). Từ đời Lê đến Tây Sơn: “Tống nho với khoa cử nhập làm một mà tự xưng là học đạo Khổng Mạnh” (Mục VI). Từ Tây Sơn sang Nguyễn, đến triều Tự Đức: “Lại thấp hơn Tống nho một bậc nữa” (Mục VII). Triều Tự Đức: “Lối học Tống nho và khoa cử bị lòi cái chân tướng ra” (Mục VIII). Đây là một phần mục lục của bài viết nói trên và được đăng nhiều kỳ trên nhật báo Tiếng Dân.

Theo ông, Nho học nước ta bị hỏng là do nội dung biên soạn của sách giáo khoa dùng cho thi cử. Cụ Nguyễn Thông (1827~1884) cũng đã can gián triều đình nhưng không được quan tâm.

Có duyên gặp được thông tin này, giúp tôi tham khảo vấn đề mà tôi quan tâm muốn biết như đã viết ở mục “Động cơ chính yếu”. Tôi sẽ trở lại chi tiết hơn về bài viết của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong dịp khác.

Lúc học trung học tôi thường nghe thầy dạy môn Quốc văn đánh giá thấp Tống nho nhưng cụ thể không biết Tống nho không tốt ở điểm nào! Khi được biết Chu tử học có thể xem như Tống nho, tôi rất ngạc nhiên bởi vì công lao đóng góp của Chu Hy cho Nho học, hay Nho giáo rất lớn bởi vì chính ông đã hệ thống hóa Nho học qua việc biên soạn tứ thư và chú giải các sách này. Có nhiều học giả Nhật Bản cho rằng Mạc phủ Tokugawa nhờ dùng Chu tử học làm học thuyết chính thống trong thời đại này nên đã duy trì chính quyền gần 200 năm. Đọc các tác phẩm của Itô Jinsai tôi mới hiểu rõ phần khuyết điểm của Chu tử học là gì và khác với Khổng Mạnh học như thế nào, nhưng không thể không đánh giá công lao của Chu Hy đã tập hợp và biên soạn có hệ thống các thành quả của những người đi trước.

Thay lời kết

Trong chuyến thăm nước Úc vừa qua, lúc rảnh tôi vẫn đọc và tìm hiểu ý nghĩa của Luận Ngữ Cổ Nghĩa. Ngoài tầm quan trọng của Nhân và Nghĩa, tôi cảm nhận hiểu hơn về tầm quan trọng của Lễ mà Khổng tử xem trọng trong câu “Khắc kỷ phục lễ”. Phối hợp với bài “Ý nghĩa cội nguồn của lễ là gì?” của Matsushita Kônosuke trong tác phẩm Triết Học của Matsushita Kônosuke, vào một hôm tôi cảm thấy và tự hỏi “Phải chăng trong đạo làm người, điểm xuất phát quan trọng nhất là lòng biết ơn?” Một khi có lòng biết ơn, con người dễ có những đức tính tốt khác như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hoặc nói dễ hiểu hơn là Ái và Kính.

Biết ơn ai? Biết ơn tự nhiên (trời đất), vạn vật, biết ơn người khác (cha mẹ, anh em, bạn bè và những người chung quanh). Nakae Tôju quá chính xác khi giải thích Khổng tử dùng đức Hiếu để làm nền tảng của đạo làm người. Một con người không biết ơn cha mẹ thì không thể biết ơn người khác, không thể biết ơn tự nhiên, không thể quý trọng và quan tâm đến môi trường sinh sống chung quanh, không biết trân trọng mạng sống của sinh vật và sự quý báu của tài nguyên. Một khi có lòng biết ơn, thương yêu và kính trọng sẽ giúp chúng ta có lòng chí thành. Mà Mạnh tử đã nói “Với lòng chí thành thì không có gì không lay động”. Từ ngữ “sunao na kokoro” Matsushita Kônosuke thường dùng mà tôi đã dịch là “tâm tự nhiên” có thể hiểu là “lòng chí thành”. Phải chăng chính nhờ có lòng chí thành giữa 3 nhân vật Saigô Takamori, Katsu Kaishyu và Yamaoka Tesshyu mà dân chúng ở Edo đã tránh được sự đổ máu khi tân chính phủ Minh Trị lấy thành phố này từ Mạc phủ?

Trước khi tôi viết bài này, do ngủ tiếp không được tôi dậy sớm, tìm quyển “Đông Dương Luân Lý Khái Luận” của Yasuoka Masahiro mà Takeishi Akira dịch ra tiếng Nhật hiện đại với tựa “Cách Sống Làm Người”, trong chương 1 Chí Hướng – Luân Lý dành cho tuổi thanh thiếu niên -, trước khi viết về Hiếu Đễ, Yasuoka Masahiro cũng đã đề cập đến tình cảm biết ơn của con người đối với trời đất và vạn vật. Điều này làm cho tôi có thêm tự tín về cảm nhận nói trên của tôi. Một điều thú vị, lần đọc này tôi có cảm tưởng tôi có thể hiểu rõ ràng hơn nội dung mà tác giả muốn truyền đạt, trong khi mấy năm trước tôi phải bỏ giữa chừng vì khó hiểu! Phải chăng việc lập đi lập lại cũng là một yếu tố quan trọng của lòng chí thành?

Bổ sung

Sau khi tôi gửi bài biết đến những gia đình đã đón tiếp và giúp đỡ tôi trong chuyến thăm nói trên, có một bạn rất tâm đắc về lòng cảm ơn trong bài viết và cho tôi biết tại trường tiểu học công giáo (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6) tên St Paul’s Primary School ở Sunshine West, ngoại ô của thành phố Melbourne, Úc Châu, dạy học sinh mỗi một ngày tìm ra 3 điều để cám ơn như: cám ơn có được một ngày vui, có bữa ăn ngon, có người bạn tốt….

Mỗi sáng trước khi bắt đầu học, có khoảng 10 phút đọc kinh cầu nguyện. Sau đó thầy/cô giáo hỏi có em nào muốn cầu nguyện điều gì cho ai không? Có em muốn cầu nguyện cho bà em sớm lành bệnh hoặc cầu nguyện cho ai điều gì đó. Có khi thầy/cô giáo nói muốn cầu nguyện điều gì đó.

Nếu trên thế giới có thiên tai lớn thì trong buổi sáng tập hợp cả trường, hiệu trưởng sẽ bảo mọi người cùng cầu nguyện cho những người bị nạn sớm được yên lành… Trong trường hợp này, ở Nhật Bản trong trường tiểu học thông thường cũng có trường thực hiện tương tự.

Tôi rất ngạc nhiên, mặc dù không chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người Tây phương cũng có ý tưởng tương tự về lòng biết ơn. Thí dụ này làm cho tôi thấm thía hơn ý kiến của Itô Jinsai: “Đạo làm người chân thực đều thông đạt (tiếp nhận) ở mọi nơi trên thế giới và ở bất cứ thời đại nào”.

Nguyễn Sơn Hùng

Viết xong chiều ngày 23/12/2023
Bổ sung xong chiều ngày 26/12/2023

Ghi chú

* Chữ khổ nhỏ trong ( ) là do người viết chú thích, không phải của nguyên văn.

(1) Có sách viết là 蠋. Theo Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu, âm đọc là Trục hoặc Thục với nghĩa là “một loài sâu nhỏ ăn hại lá cây”. “Chúc” 燭 có nghĩa tốt hơn như 1) Ðuốc, nến; 2) Soi; 3) “Ngọc chúc”: bốn mùa hòa bình, nên tôi chọn “Chúc”.

Mới đây tôi mới thấy trong “Trung Quốc Danh Ngôn Danh Cú Từ Điển” Ôshima Akira biên soạn (1998, Sanseido xuất bản) ghi câu này có trong phần Minh Tâm của sách Tiểu Học. Sách cũng ghi có trong Điền Đơn Truyện của Sử Ký trong phần tham khảo. Như đã trình bày ở trên, sách Tiểu Học là do Lưu Tử Đăng soạn và có lẽ lấy câu này từ sách Sử Ký. Nếu là có trong sách Tiểu Học thì mức ảnh hưởng rộng, và đây là lý do câu này được thấy trong nhiều sách hoặc tác phẩm tiếng Nhật trong khi “Quân yếu thần tử, thần bất tử bất trung” không thấy trong các từ điển lớn và hầu như không thấy trên Internet tiếng Nhật.

Trong phần nói về Nguyễn Thiếp tôi có viết sách Tiểu Học “hình như không giống sách Tiểu Học” của cụ Nguyễn Thiếp dịch. Lúc tôi xem câu “Quân yếu thân tử…” thật sự có trong sách Tiểu Học không trên Internet thì tôi thấy phiên bản sách Tiểu Học có ghi câu này không giống phiên bản mà tôi thấy cách vài năm về trước. Do đó câu tôi viết “hình như không giống” có thể sai. Tôi nghĩ việc tìm hiểu thêm không có nhiều ý nghĩa nên dừng việc tìm hiểu ở đây.

Từ việc này chúng ta có thể rút ra bài học: khi đánh giá nhân vật nào nên tìm hiểu nguyên tác của họ để tránh sai lầm cho bản thân mình.