ĐIỆP VỤ CANDY?
Hoàng Nhân
- Một điệp vụ lịch sử về nguồn gốc chế tạo bom nguyên tử trên thế giới.
- Tại sao Mỹ là nước thử bom nguyên tử đầu tiên ?
- Tại sao Liên Xô chế bom nguyên tử sau Hoa Kỳ ?
- Tại sao Đức là nước đầu tiên phát minh nguyên lý của bom hạt nhân lại không hề chế tạo được loại bom này ?
Năm 1938, các nhà bác học Đức dưới quyền kiểm soát của nhà độc tài Hitler đã tìm ra phương pháp phá vỡ hạt nhân nguyên tử, một phát minh căn bản dẫn đến chế tạo bom hạt nhân, loại bom có sức tàn phá khủng khiếp, với suy nghĩ: Nước nào làm ra được bom nguyên tử đầu tiên sẽ là bá chủ hoàn cầu.
Tin này làm chấn động thế giới.
Năm 1945, Hoa Kỳ thả hai trái bom hạt nhân (còn gọi là bom nguyên tử) đầu tiên xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, buộc phát xít Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Vụ thả bom này khiến cả thế giới bàng hoàng.
Vài năm sau, Liên Xô cũng thử bom nguyên tử, thế giới vô cùng lo sợ tham vọng của nhà độc tài cộng sản Stalin tìm cách khống chế và nhuộm đỏ toàn thể nhân loại.
Kể từ đó, hai khối tự do và cộng sản đã thi đua chế tạo vũ khí giết người khủng khiếp này nhằm kiềm chế và tiêu diệt lẫn nhau. Cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt có lúc tưởng chừng như quả địa cầu sắp nổ tung do ý đồ của các nhà lãnh đạo tại điện Cẩm Linh (Kremlin) của Liên Xô, từ Stalin đến Krutshchev, đến Brezhnev… Cuối cùng, cũng chính cuộc thi đua vũ trang nắm bá chủ này mà Liên Xô hoàn toàn kiệt quệ, dẫn đến sự tan rã của một đế quốc siêu cường về vũ khí nguyên tử.
Thế giới cám ơn một Gorbachev về tính khoan dung của ông đã can đảm dập tắt được ngòi nổ của hàng chục ngàn đầu đạn nguyên tử của Liên Xô, mà chỉ cần nhấn một nút nhỏ bé, cũng gây thảm họa cho toàn cầu.
Bài này, chúng tôi xin trình bày lịch sử sự sở hữu vũ khí hạt nhân của Liên Xô phát xuất từ đâu?
***
Lịch sử phát minh và chế tạo bom nguyên tử là lịch sử của những kế hoạch bí ẩn, những âm mưu tinh xảo, những cuộc đối đầu của những cơ quan an ninh tối mật. Không một quốc gia nào muốn đối phương biết được tin tức về hạt nhân của mình.
Trở ngược về năm 1938, hai nhà bác học Đức phát minh phương pháp làm vỡ nguyên tử (còn được gọi là hạt nhân) tạo ra một khối nhiệt lượng vĩ đại. Đó là khởi nguồn cho việc chế tạo bom nguyên tử. Khám phá này đã làm đảo lộn suy nghĩ thế giới. Cả nhân loại lo lắng hướng về Đức quốc với lo âu rằng Đức có khả năng chế tạo loại bom nguy hiểm này. Họ tìm mọi cách để “ăn cắp” cho bằng được nguyên lý căn bản đó hầu có thể sở hữu được bom nguyên tử. Trong những lãnh tụ thế giới thời ấy có nhà độc tài Stalin. Stalin và các bác học Liên Xô đã nhìn ra được cơ hội mong có thể chế tạo ra bom cho Liên Xô. Ai có bom, người ấy thống trị thế giới. Mọi người suy nghĩ như vậy.
Nhưng từ việc phá vỡ hạt nhân nguyên tử đến giai đoạn chế được bom quả là một công trình chưa ai có thể nghĩ ra. Muốn tạo được một sức nổ to lớn của một trái bom do sự phá vỡ nguyên tử đòi hỏi một khối lượng lớn Uranium và một năng lượng khổng lồ đủ sức kích động sự phá vỡ đó.
Stalin ra lệnh cơ quan mật vụ KGB và GRU với bất cứ giá nào phải lấy cắp cho bằng được những tin tức này, đồng thời ra lệnh mật vụ Liên Xô theo dõi những nước nào có khả năng chế bom. Nếu Đức có bom, Liên Xô sẽ là mục tiêu tàn sát của Hitler. Nhà độc tài Đức này đã chẳng từng tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả các nước cộng sản trên thế giới hay sao? Một lý do khác khiến Liên Xô càng lo ngại hơn vì Đức đang kiểm soát một mỏ Uranium lớn. Đức còn kiểm soát một nhà máy “nước nặng” (Deuterium), một nhiên liệu cần thiết để chế bom. Đức lại có nhà máy điện khổng lồ đủ cung cấp một điện năng biến chế 100.000 galông nước bình thường thành một galông “nước nặng”.
Đức lại có những khối óc siêu đẳng góp phần thành hình bom nguyên tử, từ đó mộng bá chủ hoàn cầu của Hitler có thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà bác học Đức đã trốn đi tỵ nạn khi Hitler phát động thế chiến thứ hai ngoại trừ nhà bác sĩ Werner Heisenberg, một vật lý gia nguyên tử từng đoạt giải Nobel lúc mới 25 tuổi vào năm 1925.
Năm 1939, khi Đức tiến chiếm Ba Lan, Hitler hé lộ tin Đức sẽ có một loại “vũ khí nguyên tử bí mật”. Tin này càng làm cho Stalin xốn xang. Nga còn biết thêm Hitler tập trung tất cả những nhà bác học vào một trung tâm được mệnh danh là Viện Kaiser Withelm nơi chuyên biệt nghiên cứu phương thức chế tạo bom độc hại này. Thêm nữa, một mẩu tin đăng trên tờ báo khoa học xuất bản tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một loại “siêu vũ khí giết người” bằng nguyên tử năng sắp sửa ra đời.
Tất cả những yếu tố đó làm cho Stalin ngày đêm ăn ngủ không yên.
Cuối cùng…
Nhà độc tài Stalin thở dài nhẹ nhõm khi KGB báo cáo một tin quan trọng lấy được từ nước Anh. Anh Quốc đang có một chương trình nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân được đặt tên “Dự Án Ống Allays” (Allays Tube Project). Chương trình này được sự hợp tác của các nhà bác học Đức đến tỵ nạn tại Anh. Ngược lại, tình báo Anh với điệp vụ Griffin bắt được tin khá chính xác Đức không thể chế tạo được bom nguyên tử mặc dù nước này tìm được phương pháp phá vỡ nguyên tử đầu tiên. Đức đã đi lạc hướng, đã rẽ sai con đường.
Stalin bớt lo về Đức. Nhưng một mối lo ngại khác lại dâng cao: Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử qua “Dự Án Manhattan”. Mỹ và Anh trao đổi và hợp tác chặt chẽ với nhau.
Thế là Liên Xô đổ dồn mạng lưới tình báo vào Anh, tìm cách xâm nhập chương trình Alloys này. Kế hoạch của Nga được gọi là ĐIỆP VỤ CANDY.
Với tài ba lỗi lạc, điệp viên Donald Mclean đã cung cấp cho KGB ít nhất 60 trang tài liệu về chương trình Alloys. KGB tuyển được những nhà vật lý cộng sản Ý đang tỵ nạn tại Anh hợp tác làm việc cho họ. Qua nhà vật lý này, KGB thu thập rất nhiều tin tức nguyên tử quý giá của Anh quốc.
Và cũng qua những nguồn tin này, KGB bắt đầu xâm nhập Hoa Kỳ qua các đảng viên cộng sản từ Canada.
ĐIỆP VỤ CANDY TẠI MỸ
Mục tiêu của CANDY ở Hoa Kỳ là xâm nhập trung tâm Manhattan trụ sở đặt tại bang New Mexico (Mỹ).
Thủ lãnh điệp vụ này là hai cán bộ cao cấp KGB: cặp vợ chồng Vassili và Elizabeth Zarubina (1). Họ cư ngụ tại Hoa Thịnh Đốn dưới chiếu khán ngoại giao bất khả xâm phạm. Elizabeth Zaburia nói 5 thứ tiếng. Nàng trách nhiệm liên hệ với các đảng viên cộng sản tại Mỹ, kết nạp các nhà khoa học cảm tình với cộng sản để săn lùng tin tức nguyên tử của Hoa Kỳ.
Vasili và Elizabeth Zaburia: Lãnh đạo Điệp vụ Candy
Một điệp viên khác, Gregory Kheifetz cư ngụ tại San Francisco được trao công tác. Là sinh viên ngành vật lý năm 1939, nhiệm vụ của anh ta là tìm kiếm, tiếp xúc những nhà khoa học nguyên tử Mỹ có cảm tình với cộng sản. Anh xâm nhập làm việc cho phòng thí nghiệm vật lý tại Berkely, một trung tâm nghiên cứu nguyên tử năng và tuyển người làm việc cho chương trình Manhattan. Robert Oppenheimer, giám đốc trung tâm, vừa trở thành giám đốc chương trình Manhattan. Năm 1941, sau khi gặt hái một vài kết quả, Gregrory Kheifetz thu nhặt nhiều tin tức quý giá về chương trình nguyên tử của Mỹ, nhận ra Hoa Kỳ có khả năng chế tạo được bom nguyên tử.
GS Robert Oppenheimer
Vassili và Elizabeth Zaburia móc nối được Perseus, một khoa học gia hàng đầu của chương trình Manhattan. Zaburia còn quan hệ với một khoa học gia gốc Đức tỵ nạn tại Anh được thuyên chuyển sang làm việc trong chương trình Manhattan này. Chính ông ta đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng về việc chế tạo bom của Mỹ.
Một điệp viên khác, Gaik Ovakimian, cán bộ KGB cao cấp hoạt động dưới dạng nhân viên thương mại ở New York (Nữu Ước). Ông này có trách nhiệm tuyển lựa giới khoa học Mỹ thành đảng viên cộng sản kể từ thập niên 1930, nhờ đó đã cung cấp cho Liên Xô nhiều tin tức khoa học quan trọng. Ovakimian liên hệ được một nhân viên tầm thường trong chương trình Manhattan, nhưng lại giữ vai trò hết sức quan trọng: làm mẫu khuôn bom nguyên tử.
Một cán bộ KGB khác sống tại Nữu Ước, ông Anatoli Yatskov, móc nối nhiều nhân viên trong chính phủ Mỹ, cung cấp khá nhiều tin tức quan trọng.
Nói chung, KGB huy động hầu hết điệp viên lỗi lạc tại Hoa Kỳ và Canada tham gia vào điệp vụ Candy này.
NGƯỜI ĐẸP LAO PHỔI
Vào một buổi sáng tháng Giêng 1945…
Mary K. Johnson (tên thật là Lona Cohen, một điệp viên thượng thừa của tình báo KGB) (2), đang có mặt tại sân ga thành phố Albuquerque, thuộc tiểu bang New Mexico.
Nàng biết rõ có nhiều mật vụ FBI đang lảng vảng khắp nơi trong sân ga. Albuquerque là một thành phố gần vùng sa mạc tiểu bang New Mexico. Cách đó không xa, một địa danh ít người biết tới là thị trấn Los Alamos, nơi đặt trụ sở của dự án Manhattan chế tạo bom hạt nhân vô cùng quan trọng của Hoa kỳ. Albuquerque là cửa ngõ đi vào thị trấn Los Alamos. Màng lưới an ninh lúc nào cũng dầy đặc nơi sân ga này, có lẽ một con dán bò cũng không thể qua mặt được FBI.
Mary rất bình tĩnh. Nàng không phải là điệp viên bình thường. Nàng đã được KGB huấn luyện kỹ lưỡng về tình báo cao cấp. Nàng xử dụng căn cước giả, mang thông hành một nữ bệnh nhân mắc bệnh lao thường xuyên về thành phố để điều trị. Sự thật các bệnh viện ở thị trấn nhỏ bé này không hề có bệnh nhân nào mang tên Mary Johnson thực sự mắc bệnh lao. Một cảm tình viên cộng sản là một bác sĩ hành nghề tư sẵn sàng cung cấp giấy xác nhận nàng đang được điều trị tại phòng mạch của ông ta.
Mary nhận được 4 khúc vi phim với nhiều dữ kiện tối trọng về cách thức chế ra bom nguyên tử. Nhà bác học Perseus bí mật lấy cắp tài liệu này từ trung tâm nguyên tử Alamos. Nàng bình tĩnh bước vào tiệm tạp hóa mua hộp khăn giấy, vào nhà vệ sinh giấu các đoạn vi phim dưới lớp giấy chùi mũi. Với khăn che miệng, nàng lặng lẽ tiến gần xe lửa đi Nữu Ước. Co ro trong chiếc áo choàng rộng, nàng giả vờ ho sù sụ, một tay ôm miệng, một tay ôm hộp giấy, gương mặt thiểu não của một bệnh nhân mắc bệnh lao thời kỳ khá nặng. Các nhân viên an ninh nhìn nàng với con mắt thương hại, không hề nghi ngờ.
Mary đã thành công mang được những khúc phim quý giá kia về Nữu Ước, nơi đây nhân viên đánh tin sẽ chuyển ngay về Mạc Tư Khoa (Moscow), thủ phủ của Liên Xô.
Và đây cũng là lần chót các chuyến đi New Mexico của nàng.
Sau sáu năm hoạt động, hiến dịch CANDY nay đã kết thúc hoàn hảo.
*
TRỜI BẤT DUNG GIAN….
Tín hiệu được chuyển liên tục bằng mật mã về Mạc Tư Khoa trong 4 giờ đồng hồ. Liên Xô đã nhận đầy đủ dữ kiện trong các cuộn phim lấy từ Los Alamos. Tất cả tin tức bom nguyên tử của Hoa Kỳ đã lọt vào tay KGB. Các bác học Liên Xô kết luận: đây là những tin tức vô cùng quý giá. Với những dữ kiện này, Liên Xô sẵn sàng chế ra bom nguyên tử mà không tốn công nghiên cứu.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, trái bom nguyên tử do Hoa Kỳ thả xuống thành phố Nhật Bản chẳng làm cho Stalin ngạc nhiên.
Thế nhưng, việc chuyển tin gấp rút với thời gian kéo dài bất thường đã khiến cơ quan tình báo Hoa Kỳ và đồng minh nghi ngờ. Có lúc cuộc chuyển tin lập đi lập lại nhiều lần. Lỗi lầm này giúp tình báo Mỹ tìm được cách giải mật mã của Liên Xô.
MẠNG LƯỚI BỦA VÂY…
Tình báo Mỹ và Đồng minh đã bắt được mẻ lưới quan trọng. Tất cả nhân viên tình báo Liên Xô dính líu trong điệp vụ Candy đều bị bắt – ngoại trừ Lona Cohen và chồng trốn thoát. Do quy chế ngoại giao, vợ chồng Zarubin và một số điệp viên KGB khác chỉ bị trục xuất về MátcơVa. Họ được đón tiếp lạnh nhạt tại quê hương gốc của mình.
Liên Xô lấy được tài liệu làm bom nguyên tử, nhưng đã phải trả một giá khá đắt: Mạng lưới tình báo bí mật được thiết lập từ nhiều thập kỷ qua tại Canada, Anh và Hoa Kỳ nay hoàn toàn bị phá vỡ.
Điệp vụ Candy đã làm lộ diện tất cả đảng viên cộng sản hoạt động bí mật tại Hoa Kỳ từ lâu đời. Họ bị bắt, bị kết tội phản quốc, tội làm gián điệp cho địch. Kể từ đó, đảng Cộng sản bị cấm hoạt động tại Hoa Kỳ và hầu như hoàn toàn bị tiêu diệt. Canada và Anh Quốc cũng tương tự.
Những điệp viên có liên quan đến Candy
Từ trái sang phải: Alger Hiss, điệp viên Liên Xô trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; nhà vật lý cánh tả Ted Hall gián điệp cho NKGB, Ruth Greenglass, điệp viên liên quan đến Rosenbergs; Elizabeth Bentley, “trở thành” đặc vụ NKGB, đã đưa những bí mật về sự xâm nhập của Reds cho FBI.
Trong lúc đó, ở Bá Linh Hitler vẫn đinh ninh Tây Phương chỉ khai thác các nhà khoa học Đức đang tỵ nạn sống tại một biệt thự ở Anh Quốc để chế tạo bom. Ông ta đâu có ngờ quả bom nguyên tử đầu tiên lại rơi xuống thành phố Hiroshima, một đồng minh thân thiết của Đức khiến ông ta bàng hoàng. Nhật đầu hàng, chiến tranh kết thúc, mộng bá chủ toàn cầu của Hitler cũng tan mây khói. (3)
Hoàng Nhân (Florida)
Bài gốc viết năm 1997, bổ sung ngày 30 tháng 9, 2022
(nhân dịp Putin ngày 21/9/22 đe dọa dùng bom hạt nhân trong chiến tranh xâm lược Ukraine)
——————————————————–
- (1) Elizabeth sinh ra ở Rzhavyntsi , trong Khotinsky Uyezd của Đế quốc Nga (Ukraine ngày nay ) trong một gia đình Do Thái (cha Yoel, mẹ Ita). Cô học lịch sử và ngữ văn tại các trường đại học ở Romania, Pháp và Áo, nói được 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Romania, Nga và Yiddish .
- (2) Lona Cohen có tên khai sinh là Leontine Theresa Petka, sinh tại Adams, Massachusetts, con gái của những người nhập cư Công giáo Ba Lan. Năm 15 tuổi, Lona bỏ nhà của cha mẹ cô ở Taftsville, Connecticut di chuyển đến New York. Năm 1928, gia nhập Đảng Xã hội. Lona đã rời bỏ đạo Công giáo và trở thành một người vô thần và tách khỏi Đảng Xã hội để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. George Blake, một người Anh đầu quân với Liên Xô, đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Lona là một “người phụ nữ rất, rất kiên quyết, rất cương quyết”. (Theo Wikipedia/lona_cohen)
- (3) Bài học rút ra: Liên Xô đã cài đặt rất nhiều gián điệp tại các nước Tây phương theo chế độ dân chủ tự do, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội…, nhất là Anh Quốc, Hoa Kỳ, Canada… Riêng tại Mỹ, KGB đã chiêu dụ được nhiều người theo cộng sản từ đó huấn luyện họ thành điệp viên thực hiện các âm mưu của Liên Xô từ thập niên 30 đến 40, 50, 60, 70…, sẵn sàng phản bội lại quốc gia gốc là Hoa Kỳ. Massachusett, New York, Chicago… là hang ổ của những hoạt động của tình báo KGB của Liên Xô, sau đó lan dần đến California và nhiều nơi khác. Tất cả đều nhằm phục vụ cho lý thuyết cộng sản chủ nghĩa trung thành với Mác xít, Lê nin… Những người theo chủ nghĩa cộng sản đã tìm cách biến Hoa kỳ thành một nước có khuynh hướng từ xã hội chủ nghĩa đến cộng sản chủ nghĩa, núp dưới nhiều hình thức đấu tranh, dựa vào các phương tiện trong một nước dân chủ Hoa Kỳ. Họ dựa vào những vấn đề của xã hội để khai thác như: chủng tộc, bình đẳng giới tính, môi trường, biến đổi khí hậu, lao động, chống chiến tranh… Họ kích động hận thù trên nhiều vấn đề để tạo hỗn loạn trong xã hội và đưa người thuộc cánh tả nắm giữ quyền lực trong xã hội Mỹ.
- KGB (sau này đổi thành FSB) là tổ chức mật vụ hoạt động khắp nơi trên thế giới, vẫn tiếp tục chủ trương phục hồi liên Xô dưới hình thức khác mà hiện nay Vladimir Putin, một sĩ quan KGB, vẫn tiếp tục theo đuổi.
Về trái bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm và sử dụng trong Thế chiến II
Trái bom nguyên tử đầu tiên được cho kích nổ thử nghiệm vào 16 tháng 7 năm 1945, tại New Mexico trong một dự án chế tạo bom nguyên tử của chính phủ Hoa Kỳ mang tên Dự án Manhattan. Hoa kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản lần lượt vào các ngày 6 và 9/8, khiến khoảng 210.000 người thiệt mạng, Nhật đầu hàng,chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Họa đồ dưới đây mô tả những quả bom ban đầu, cách hoạt động và cách được sử dụng.
- THỬ BOM ĐẦU TIÊN
Ngày thử trái bom đầu tiên có tên gọi Gadget: Ngày 16/7/1945 lúc 5 giờ 29 phút 45 giây sáng
Loại nguyên liệu được dùng: Plutonium-239 với sức nổ bằng 21.000 tấn thuốc nổ TNT
Địa điểm thử: Alamogordo, tiểu bang New Mexico Hoa kỳ
- DIỄN TẢ CHI TIẾT BOM HẠT NHÂN
Muốn kích nổ, cần có sự phản ứng dây chuyển của các hạt nhân của nguyên tử từ đó có tên là bom hạt nhân hay bom nguyên tử.
Một thùng chứa thuốc nổ chính của bom Plutonium-239, một bộ phận khác nhỏ chứa chất nổ làm mồi. Khi kích hoạt bộ phận này, thùng chính chất nổ sẽ phát nổ.
- THẢ BOM TẠI HIROSHIMA
Bom được thả ngày 6 tháng 8, 1945 lúc 8 giờ 15 sáng, có tên là Little Boy, từ oanh tạc cơ B-29 của Mỹ, với độ cao 580 mét trên thành phố, sức nổ tương đương với 15.000 tấn TNT gây thương vong khoảng 140.000 người.
- THẢ BOM TẠI NAGASAKI
Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném một trái bom nguyên tử từ oanh tạc cơ B-29 từ độ cao 500 mét, trái bom được đặt tên là Fat Boy (Thằng bé trai mập), gây thương vong khoảng 70,000 người.
(Theo Encyclopia Britannica)
Tài liệu tham khảo:
– Espionage: The Greastest Spy Operations of the 20 th Century. (Gián điệp: những điệp vụ lớn nhất của thế kỷ thứ 20) của Volkman. (Book)
– Inside CIA’s Private World (Nội bộ thế giới Trung Ương Tình Báo) của Westerfield (Book)
– Encyclopedia Britannica
– Warfare History Network