Nhật công bố kế hoạch tăng cường quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II

Share this post on:

16/12/2022 – Reuters


Các máy bay F-15 và F-2 của Nhật thao dượt chung với các máy bay F-35B của Mỹ gần đảo Kyushu, Nhật (ảnh tư liệu).
Các máy bay F-15 và F-2 của Nhật thao dượt chung với các máy bay F-35B của Mỹ gần đảo Kyushu, Nhật (ảnh tư liệu).

Nhật Bản hôm thứ Sáu 16/12 công bố chương trình tăng cường quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II với bản kế hoạch trị giá 320 tỷ đô la nhằm mua tên lửa có khả năng tấn công Trung Quốc và sẵn sàng cho xung đột kéo dài, giữa lúc các căng thẳng khu vực và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine gây ra những mối lo ngại về chiến tranh.

Bản kế hoạch 5 năm sâu rộng, từng là điều không tưởng đối với nước Nhật theo chủ nghĩa hòa bình, sẽ đưa đất nước này trở thành quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, căn cứ vào các con số ngân sách hiện tại.

Thủ tướng Fumio Kishida mô tả rằng Nhật Bản và nhân dân nước này đang ở trong một “bước ngoặt lịch sử”. Ông nói rằng việc tăng cường quân sự này là “câu trả lời của tôi về những thách thức an ninh khác nhau mà chúng ta phải đối mặt”.

Chính phủ của ông lo ngại rằng Nga đã tạo ra một tiền lệ sẽ khuyến khích Trung Quốc tấn công Đài Loan, đe dọa các đảo lân cận của Nhật Bản, làm gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn tiên tiến và có thể bóp nghẹt các tuyến đường biển cung cấp dầu từ Trung Đông.

Chính phủ Nhật cho biết họ cũng sẽ tích trữ phụ tùng thay thế và các loại vũ khí khác, mở rộng khả năng vận chuyển và phát triển năng lực chiến tranh mạng. Trong bản hiến pháp thời hậu chiến do Mỹ soạn thảo, Nhật Bản đã từ bỏ quyền gây chiến và các phương tiện để làm như vậy.

“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng luật cấm sử dụng vũ lực và đã làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế”, bản tài liệu chiến lược viết.

“Thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra là thách thức lớn nhất mà Nhật Bản từng đối mặt”, văn bản này nói thêm, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.

Kế hoạch của ông Kishida sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm, vượt qua giới hạn chi tiêu 1% mà Nhật tự đặt ra từ năm 1976. Kế hoạch này sẽ tăng ngân sách của bộ quốc phòng lên khoảng 1/10 tổng chi tiêu công tính theo các con số hiện nay.

Khoản chi đó sẽ mang lại việc làm cho các nhà sản xuất thiết bị quân sự của Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries (MHI), là công ty dự kiến sẽ đứng đầu việc phát triển ba trong số các tên lửa có tầm bắn xa hơn. Các tên lửa đó sẽ tham gia lực lượng tên lửa mới của Nhật Bản.

MHI cũng sẽ chế tạo máy bay chiến đấu phản lực thế hệ tiếp theo của Nhật Bản cùng với BAE Systems PLC và Leonardo SPA trong một dự án chung giữa Nhật Bản, Anh và Ý được công bố vào tuần trước.

Tokyo đã phân bổ 5,6 tỷ đô la cho chương trình quốc phòng kéo dài 5 năm đó.

Các công ty nước ngoài cũng sẽ được hưởng lợi. Nhật Bản cho biết họ muốn các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ phóng từ tàu chiến, do Raytheon Technologies chế tạo, và chúng sẽ trở thành một phần của lực lượng răn đe mới của Nhật.

Các vũ khí, khí tài khác mà Nhật Bản nhắm sẽ mua trong 5 năm tới bao gồm tên lửa đánh chặn để phòng thủ tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, thiết bị liên lạc vệ tinh, máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35, máy bay trực thăng, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay vận tải hạng nặng.

(Reuters)

Theo VOA Tiếng Việt