Nhựa: Quả bom nổ chậm đối với sức khỏe con người và môi trường

Share this post on:

Hội nghị bộ trưởng của 175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại Paris từ 29/05 đến 02/06/2023 để thảo luận về chống ô nhiễm nhựa, nhằm hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chống ô nhiễm nhựa. Đây là vòng thứ 2 trong 5 vòng đàm phán theo kế hoạch.

Đăng ngày: 01/06/2023 – 13:22 RFI

8 phút

Bờ biển Oman, Mumbai, Ấn Độ, đầy rác nhựa. Ảnh chụp ngày 04/06/2018. AP – Rafiq Maqbool

Thùy Dương

Phát biểu qua video hôm 29/05, tổng thống Pháp Macron đã kêu gọi thế giới ngưng sản xuất và tiêu dùng nhựa theo « mô hình toàn cầu hóa », bởi ô nhiễm nhựa vừa là « quả bom nổ chậm », vừa là « thảm họa đang hiện hữu ».

Rác thải nhựa hiện nay nghiêm trọng đến thế nào ?

Nhựa hiện diện rộng khắp trong cuộc sống của con người, ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Sản xuất nhựa hàng năm trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, lên thành 460 triệu tấn. Vấn đề là, theo Le Figaro ngày 29/05, 2/3 lượng nhựa thế giới sản xuất có vòng đời rất ngắn, chỉ được sử dụng một vài lần, thậm chí là bị vứt bỏ ngày sau lần sử dụng duy nhất. Hiện nay, mới chỉ có chưa đến 10% lượng rác thải nhựa được tái chế.

Theo dự báo của OCDE, với đà như hiện nay, lượng nhựa thế giới sử dụng sẽ tăng gấp 3 lần, từ 460 triệu tấn vào năm 2019 lên thành 1321 triệu tấn vào năm 2060. Việc sử dụng nhựa sẽ tăng ở khắp các khu vực trên thế giới, nhất là châu Phi cận Sahara, nơi mà mức sử dụng nhựa sẽ tăng 6 lần. Và cũng với đà như hiện nay, lượng rác thải nhựa từ 353 triệu tấn vào năm 2019 sẽ tăng lên thành hơn 1 tỉ tấn vào năm 2060, nhất là từ bao bì và xây dựng ở các nước mới nổi.       

Theo một ủy ban chuyên gia của Viện Hàn Lâm Khoa Học, Kỹ Thuật và Y Khoa của Mỹ, được Le Figaro trích dẫn, mỗi năm, ít nhất 9 triệu tấn rác nhựa bị thải ra các đại dương, tương đương với 1 xe rác nhựa đổ ra đại dương mỗi phút. Còn 1 nghiên cứu mới đây của Plos One thẩm định, chỉ trong năm 2019, đã có khoảng 171.000 tỉ phân tử nhựa, nặng tổng cộng 1,1-4,9 triệu tấn, trôi nổi trên bề mặt đại dương. 

Theo thời gian, dù là trên đất liền hoặc trong nước biển, rác thải nhựa sẽ phân hủy thành những hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, và dù nhỏ nhưng vẫn tồn tại trong tự nhiên đến hàng ngàn năm. Điều đáng nói là các hạt nhựa đáng sợ đó không chỉ được sinh ra từ quá trình phân hủy rác nhựa, mà còn thoát ra từ các loại vật liệu có dùng phụ gia nhựa như sơn, vải, lốp xe.

Nhưng không chỉ những hạt nhựa siêu nhỏ mới có hại, ở kích cỡ lớn hơn, rác thải nhựa cũng có hại cho môi trường và các loài động vật, chẳng hạn khi các con vật vướng vào có thể mắc kẹt và bị ngạt. Tác hại của nhựa đối với hệ sinh thái và sức khỏe các loài đã được làm sáng tỏ trong nhiều nghiên cứu. Theo UNESCO, rác nhựa hàng năm gây ra cái chết cho 1 triệu con chim và hơn 100.000 động vật biển có vú. Le Figaro ngày 26/05 trích dẫn Xavier Cousin, nhà độc học của INRAE, Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường, cho biết rác nhựa « đã được phát hiện trong tất cả các loài vi sinh vật biển, từ sinh vật phù du, động vật thân mềm có hai mảnh vỏ, chim và động vật biển có vú ».

Nhựa có độc hại đối với sức khỏe con người?

Một báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh có « những tác hại tiềm ẩn » đã được xác định trong phân nửa số nhựa đang được lưu hành trên thị trường, trong đó « 3200 loại có một hoặc nhiều đặc tính nguy hiểm đáng lo ngại ». Một số chất thúc đẩy các loại bệnh ung thư phát triển, gây ngộ độc thần kinh, có tác hại như các chất gây rối loạn nội tiết hoặc khả năng sinh sản của con người.

Chẳng hạn như chất bisphenol A, nay đã bị cấm sử dụng để đóng gói sản phẩm chuyên dành cho trẻ em, có nguy cơ làm giảm khả năng miễn dịch và sinh sản của con người. Tuy nhiên, theo Véronique Gayrard, giáo sư sinh lý học tại Trường Thú y Quốc gia Toulouse, trong một phiên điều trần gần đây trước Nghị Viện Pháp, con người vẫn phải tiếp xúc với bisphenol A do chất này vẫn còn tồn tại ở các dòng chảy không phải là nước ngầm trong lòng đất. Vì thế, cho dù chất này được đào thải rất nhanh qua nước tiểu, nhưng sau khi đánh giá lại các nguy cơ của bisphenol A, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) hồi tháng 04 vừa qua vẫn khuyến nghị giảm 20.000 lần ngưỡng phơi nhiễm đối với người.

Nhựa có thể đi vào bên trong cơ thể con người và động vật qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp, rồi giải phóng các hóa chất độc hại tiềm tàng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, các hạt nhựa khi xâm nhập được vào bên trong cơ thể thì sẽ len lỏi đến khắp nơi, vào cả máu, sữa mẹ và thậm chí là cả nhau thai. Những vật thể lạ này sau đó có khả năng gây ra sự thoái hóa của tế bào, tạo nguy cơ gây bệnh ung thư, các vấn đề về sinh sản và gây đột biến gien. 

Một tác hại khác : chính những hạt nhựa siêu nhỏ này đóng vai trò như một chiếc bè để các loài xâm lấn (ấu trùng, vi khuẩn) bám vào đó, cho phép chúng sinh sôi này nở nhanh hơn so với ở các môi trường khác và gây hại cho một số loài.

Mặc dù từ trước tới nay thế giới vẫn được kêu gọi thúc đấy tái chế nhựa để giảm ô nhiễm môi trường, thế nhưng, điều mới được biết đến là nhựa tái chế khi tiếp xúc với thực phẩm lại trở thành « vật trung chuyển » độc tố. Theo Courrier International ngày 28/05, một nghiên cứu, được đăng trên The Guardian trước đó một hôm, cảnh báo bao bì làm từ vật liệu tái chế có thể chứa các hóa chất nguy hiểm mà sau này có thể xâm nhập vào thực phẩm. Nhựa tái chế và tái sử dụng khi tiếp xúc với thực phẩm như vậy trở thành « vector làm lây lan các hóa chất đáng lo ngại », chúng tích tụ và rồi thải ra « hàng trăm chất độc nguy hiểm như styrene, benzen, bisphenol, các kim loại nặng, formaldehyde và phthalates »khiến người dùng bị phơi nhiễm lâu dài. Các nhà khoa học đã xác định được 853 chất hóa học được sử dụng trong các chai nhựa tái chế PET, vốn rất phổ biến, và « nhiều chất trong số đó đã được phát hiện trong hai năm qua ».

Nhưng nhựa lại là mối hiểm nguy ít được công chúng chú ý ?

Nhựa hiện diện khắp nơi, mọi người đều biết đến sự tiện lợi của nhựa, nhưng ô nhiễm nhựa lại là một vấn đề nghiêm trọng và sẽ còn tồn tại dai dẳng, bởi cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa, đó là công chúng vẫn biết quá ít về mối nguy hại của nhựa. Nhà báo Chloé Nabédian, từng là người dẫn chương trình thời tiết, lấy làm tiếc là « ô nhiễm nhựa không được nhắc đến trong các bản tin dự báo thời tiết truyền thống », trong khi ô nhiễm bụi mịn và ozone từ lâu nay đã được đề cập đến. 

Stephan Gaisford, chuyên trách truyền thông của Quỹ Minderoo của Úc, nhận định trên tờ Le Figaro ngày 26/05: « Mọi người không cảm thấy có liên quan cho lắm, bởi dù nhựa có ở khắp mọi nơi, nhưng lại thường dưới dạng không nhìn thấy được, như là trong nước hay trong không khí ». Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng nhựa trong không khí được ghi nhận càng cao khi trời có mưa, bởi độ ẩm cao sẽ hút và liên kết các hạt nhựa trong không khí lại với nhau.

Để thu hút sự chú ý của công luận về ô nhiễm nhựa, Quỹ Minderoo đã tranh thủ dịp hội nghị cấp bộ trưởng của 175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về nhựa được tổ chức tại Paris để đưa ra « dự báo thời tiết về nhựa » ở Paris. Quỹ Minderoo muốn là chỉ số về ô nhiễm nhựa cũng sẽ được quan tâm như các chỉ số thời tiết khác, rằng người dân sẽ chú ý đến lượng nhựa trong không khí cũng giống như quan tâm xem trời có nắng hay không. Và lần đầu tiên, hôm 26/05/2023, người dân được biết lượng vi nhựa đo được trong không khí ở thủ đô Paris hôm đó là 40 kg. Giới khoa học ước tính lượng vi nhựa trong không khí ở Paris dao động trong khoảng 40-420 kg/ngày.