Nguồn: Gideon Rose, “What Nixon’s Endgame Reveals About Putin’s,” Foreign Affairs, 14/10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine liệu có thể kết thúc như chiến tranh Việt Nam?
Đứng trước những thất bại quân sự gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng lại bằng thái độ thách thức. Sau những thành công của quân đội Ukraine vào mùa thu này, Putin đã ra lệnh động viên khẩn cấp vài trăm nghìn quân, tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý giả ở những khu vực bị chiếm đóng để chính thức sáp nhập chúng vào Nga, liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và phát động một đợt tấn công tên lửa trên khắp Ukraine. Nhiều người cho rằng hành vi này là do đặc điểm đáng sợ chỉ có ở Putin và chế độ của ông ta, đồng thời cho rằng phương Tây nên buộc Ukraine nhượng bộ, kẻo cuộc chiến sẽ leo thang đến những cấp độ chết chóc và hủy diệt mới.
Quyết định đó sẽ là một sai lầm. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nỗ lực của Moscow đã bị cản trở bởi sự thiếu hiểu biết, tự tin thái quá, và khả năng lập kế hoạch kém cỏi. Những vấn đề đó chắc chắn không chỉ có ở Nga, chúng đã xuất hiện trong nhiều chiến dịch can thiệp của Mỹ. Giờ đây Moscow đã rơi vào khó khăn, và sự tức giận của Điện Kremlin khi phải đối mặt với thất bại đã gợi nhớ về cách chính quyền Nixon tiếp cận Chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước. Lúc ấy, các vụ ném bom, bắn phá, và luận điệu hạt nhân đều không hiệu quả. Cuối cùng, Washington buộc phải chấp nhận thực tế và rút khỏi xung đột. Ngày nay, Moscow cũng có thể làm vậy.
Bất chấp những vấn đề mà ông ta đang phải đối mặt, dường như Putin vẫn nghĩ rằng nếu mình có thể cầm cự đến mùa đông thì mọi chuyện sẽ ổn. Những tân binh của ông sẽ có thể giành lại thế thượng phong, tốc độ của các hoạt động quân sự sẽ chậm lại, những lời đe dọa leo thang của ông sẽ khiến mọi người sợ hãi, và sự phản đối của phương Tây đối với cuộc chiến sẽ gia tăng khi giá năng lượng và lạm phát lên cao. Ông hy vọng tất cả những điều này sẽ tạo tiền đề cho một xung đột ‘đóng băng vĩnh viễn,’ hoặc một thỏa thuận đủ tốt để cho phép ông tuyên bố giành chiến thắng.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ thất bại, miễn là Washington và châu Âu kiên trì chống lại hành động bắt nạt của Nga, và duy trì lợi thế quân sự của Ukraine trên chiến trường. Các chiến dịch tấn công dồn dập có thể đẩy lùi lực lượng phòng thủ của Nga và buộc Moscow phải chấp nhận phương án ít tệ nhất đối với họ – một thỏa thuận thương lượng nhằm khôi phục nguyên trạng lãnh thổ vào ngày 24/02. Một khi người Nga chấp nhận thực tế đó và chịu ngồi xuống đàm phán, Washington nên làm việc với Kyiv và châu Âu để đạt được thỏa thuận và kết thúc giao tranh.
TRỞ LẠI MÙA HÈ 1969
Giống như một ván cờ vua, chiến tranh cũng có ba giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc, và tàn cuộc. Trong giai đoạn đầu tiên, các bên bắt đầu giao chiến và triển khai lực lượng. Trong giai đoạn thứ hai, họ tích cực chiến đấu. Và trong giai đoạn thứ ba, họ thỏa thuận các chi tiết của kết quả sau cùng. Sự chuyển giao sang giai đoạn cuối của một cuộc chiến không phải là một sự kiện quân sự hay chính trị, mà là một sự kiện tâm lý. Đó là khi các bên tham chiến nhận ra rằng xung đột đã rơi vào bế tắc, hoặc đi theo một hướng nào đó không thể đảo ngược. Sự thừa nhận này luôn là điều khó khăn đối với kẻ thua cuộc. Họ phải từ bỏ hy vọng chiến thắng, và trải qua “năm giai đoạn đau buồn” nổi tiếng của bác sĩ tâm lý Elisabeth Kübler-Ross: chối bỏ, phẫn nộ, thỏa thuận, chán nản, và chấp nhận.
Chúng ta đang chứng kiến Điện Kremlin trải qua điều này trong thời gian thực, khi những thành công quân sự của Ukraine đưa cuộc chiến đi gần đến hồi kết. Ví dụ, luận điệu hạt nhân của Moscow vừa là một hình thức phẫn nộ dữ dội, vừa là một hình thức thỏa thuận, mặc cả ngầm. Tuy nhiên, dù chính sách bên miệng hố chiến tranh này có tàn bạo đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không nhất thiết phải gán nó với một cá nhân có tâm lý bất ổn, hoặc với một quốc gia cụ thể. Người Mỹ đã hành xử tương tự khi đứng trước nguy cơ thất bại ở Việt Nam, cho đến khi họ tự thoát khỏi vũng lầy của mình – nhiều khả năng Nga cũng sẽ như vậy, nếu họ chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn.
Năm 1965, chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson đã tăng cường sự can dự của Mỹ vào Việt Nam để cứu đồng minh Việt Nam Cộng hòa khỏi thất bại. Họ tin rằng việc dần dần tăng cường không kích và tấn công trên bộ sẽ thuyết phục Bắc Việt từ bỏ nỗ lực thống nhất đất nước, và cho phép chế độ Sài Gòn tiếp tục tồn tại. Nhưng những người Cộng sản đã từ chối nhượng bộ, chứng minh rằng họ kiên cường và tài năng hơn nhiều so với mong đợi, trong khi đó, Washington lại chẳng có Kế hoạch B nào. Năm 1968, dù không muốn rút lui nhưng nhận ra rằng người Mỹ không muốn leo thang hơn nữa, Johnson thất vọng tuyên bố sẽ không tái tranh cử, giới hạn việc triển khai lực lượng Mỹ, hạn chế ném bom ở miền Bắc, và chuyển vấn đề cho người kế nhiệm.
Richard Nixon đến Phòng Bầu dục vào tháng 01/1969, cam kết thực hiện cùng một mục tiêu như người tiền nhiệm của ông – một thỏa thuận thương lượng đảm bảo rằng Nam Việt Nam sẽ nguyên vẹn và an toàn – nhưng biết rằng người Mỹ đang dần mất kiên nhẫn với cuộc chiến. Vì vậy, ông và cố vấn an ninh quốc gia của mình, Henry Kissinger, quyết định tìm cách đưa Hà Nội vào bàn đàm phán bằng cách dùng “cây gậy và củ cà rốt.” Như lời Chánh văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman, Nixon muốn kết hợp lời đe dọa sử dụng vũ lực tàn bạo với lời hứa viện trợ mạnh tay:
Với sự kết hợp giữa một lời cảnh báo mạnh mẽ cộng với sự hào phóng chưa từng có, ông chắc chắn rằng mình có thể buộc Bắc Việt cuối cùng chịu tham gia các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.
Sự đe dọa chính là chìa khóa, và Nixon đã đặt một cái tên cho lý thuyết của mình… Ông nói, “Tôi gọi nó là Thuyết Gã Điên. Tôi muốn Bắc Việt tin rằng tôi đã đến mức có thể làm bất cứ điều gì để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta nói với họ rằng, các ông biết là Nixon bị ám ảnh bởi Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng tôi không thể kiềm chế ông ta khi ông ta tức giận – và ông ta đã đặt tay vào nút bấm hạt nhân – và đích thân Hồ Chí Minh sẽ đến Paris trong hai ngày nữa để cầu xin hòa bình.”
Lập luận này cho rằng những nỗ lực ép buộc trước đây của Mỹ không có kết quả bởi vì chúng đã không được coi trọng. Nhưng đội ngũ mới của Nhà Trắng có thể khiến đối thủ phải khuất phục bằng cách thể hiện sự cứng rắn của mình. Kissinger yêu cầu các nhân viên lên kế hoạch cho một “đòn trừng phạt dã man” chống lại kẻ thù, nói rằng, “Tôi không tin rằng một đất nước hạng tư như Bắc Việt lại không có ngưỡng chịu đựng.” Mùa xuân năm 1969, Nhà Trắng cho phép các chiến dịch ném bom chưa từng có tiền lệ nhắm vào các khu vực do Cộng sản kiểm soát ở Lào và Campuchia. Sang mùa hè, họ đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công lớn trong tương lai. Đến mùa thu, họ cho máy bay ném bom B-52 trang bị vũ khí nhiệt áp bay tuần tra phía trên chỏm băng Bắc Cực, hướng về phía Liên Xô, để khiến Moscow phải lên tiếng ép buộc Hà Nội.
Tuy nhiên, chiến lược đầu tiên này của Nixon đã thất bại vì những người Cộng sản đơn giản chấp nhận chịu đựng tấn công và biết rằng Washington chỉ dọa suông. Nhận ra rằng việc hiện thực hóa lời đe dọa của mình sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn, Tổng thống Mỹ đã chuyển hướng. Đến tháng 11, ông áp dụng chiến lược thứ hai để thoát khỏi vũng lầy, giảm dần sự can dự của quân đội Mỹ, trong khi duy trì cam kết với chế độ lúc đó ở Sài Gòn. Sau ba năm chiến tranh, một thỏa thuận đã xuất hiện, cho phép người Mỹ ra đi, nhận lại các tù nhân của mình, và không chính thức phản bội một đồng minh. Tuy nhiên, chính thỏa thuận này đã mở đường cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa hai năm sau đó.
TỪ VIỆT NAM ĐẾN UKRAINE
Đối với những ai mong muốn đẩy lùi một cường quốc hạt nhân ra khỏi đất nước của mình, có thể rút ra ba bài học từ câu chuyện này. Bài học thứ nhất liên quan đến tầm quan trọng của thành công trên chiến trường. Người Mỹ thường cố gắng giành chiến thắng trong chiến tranh thông qua các biện pháp gián tiếp như trừng phạt, ném bom, hoặc đe dọa sử dụng các hành động tàn phá trong tương lai. Nhưng sau cùng thì, kết cục của chiến tranh vẫn được định đoạt nơi chiến trường. Kỹ năng quân sự và sự nhiệt huyết của những người Cộng sản Việt Nam đã giúp họ đứng vững trong cuộc chiến chống lại kẻ thù mạnh hơn, và cuối cùng đưa họ đến chiến thắng. Điều tương tự đang xảy ra ở Ukraine hiện nay, khi lực lượng Ukraine tinh nhuệ và nhiệt huyết đang đẩy lùi quân Nga từ vùng này đến vùng khác. Nếu lợi thế đó được duy trì trên chiến trường, sẽ chẳng còn gì quan trọng nữa, và cuộc chiến rồi sẽ kết thúc. Vì vậy, việc tạo điều kiện để duy trì lợi thế đó nên là ưu tiên hàng đầu của Washington.
Bài học thứ hai là chống lại kẻ bắt nạt. Các cường quốc thất bại sẽ không sẵn sàng chấp nhận kết cục của mình, đặc biệt là những cường quốc hàng đầu mà thất bại đến với họ như một bất ngờ khó chịu. Do đó, Moscow sẽ chống lại số phận của mình, giống như Washington đã làm nửa thế kỷ trước. Những lời đe dọa leo thang là một dấu hiệu của sự yếu kém, chứ không phải sức mạnh. Nếu Nga có những lựa chọn tốt hơn để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình, thì nước này hẳn đã sử dụng chúng rồi. Vì thế, Mỹ và châu Âu hãy cứ phớt lờ những lời đe dọa và khiêu khích của Nga, đồng thời đừng nên phân tâm khỏi nhiệm vụ chính của họ: giúp Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường.
Bài học thứ ba là hợp nhất vũ lực và ngoại giao. Mỹ đã phải chật vật để làm được điều này ở Bán đảo Triều Tiên, như Kissinger viết vào năm 1957: “Quyết định của chúng tôi – ngừng các chiến dịch quân sự, ngoại trừ những hoạt động mang tính chất phòng thủ thuần túy, ngay từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán đình chiến – phản ánh niềm tin rằng quá trình đàm phán hoạt động theo logic vốn có của riêng nó, độc lập với những áp lực quân sự phải gánh chịu.” “Nhưng bằng cách ngừng các chiến dịch quân sự, chúng tôi đã loại bỏ động cơ thương lượng duy nhất của Trung Quốc; chúng tôi đã tạo ra nỗi thất vọng sau hai năm đàm phán không có kết quả.”
Trong các giai đoạn sau của Chiến tranh Việt Nam, cả hai bên đều tránh được sai lầm này và đã không ngừng giao tranh trong lúc đàm phán. Điều tương tự có thể sẽ xảy ra ở Ukraine, và vì vậy chúng ta nên mong đợi cường độ của cuộc chiến sẽ tăng lên, chứ không giảm đi, khi gần đạt được thỏa thuận. Nga sẽ muốn che đậy quyết định rút lui của mình bằng một đợt bùng nổ bạo lực, để giải phóng cơn thịnh nộ sau khi thua cuộc, và công khai chứng minh mình vẫn còn rất mạnh. Điều này có thể được nhìn thấy trong phản ứng của Putin khi Ukraine phá hủy Cầu Crimea, và các hành động tương tự sẽ tiếp nối những thành công trong tương lai của Ukraine. Nhưng một lần nữa, đây chẳng phải chuyện gì mới. Mỹ thậm chí còn phản ứng tệ hơn, trong cái gọi là chiến dịch “Đánh bom Giáng Sinh” nhắm vào Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 12/1972, đợt không kích có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong toàn bộ cuộc chiến ở Việt Nam. (Trợ lý của Kissinger, John Negroponte, từng châm biếm, “Chúng ta ném bom để khiến Bắc Việt chấp nhận nhượng bộ của chúng ta.”) Khi đó, những người Cộng sản đã không để hành động của Mỹ làm chệch hướng các nỗ lực quân sự hoặc ngoại giao của họ, và giờ đây, phương Tây cũng không nên để những hành động của Nga làm mình phân tâm.
Putin đang hành xử như Nga hoàng, chứ không phải Hitler. Bất chấp những luận điệu chống thực dân của mình, Tổng thống Nga đang chiến đấu để giành lại các tỉnh trong đế chế đã mất của đất nước ông. Khi cuộc chiến tranh giành thuộc địa chuyển biến xấu, các cường quốc thường tìm cách cắt giảm tổn thất và rút lui về nước. Giới tinh hoa đô thị hiểu rõ sự khác biệt giữa vùng lõi và vùng ngoại vi. Các cuộc bỏ phiếu được dàn xếp ở những vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng vào tháng 9 là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tô vẽ vẻ ngoài đẹp đẽ để che giấu bản chất xấu xí bên trong. Nhưng ngay cả việc chính thức sáp nhập một thuộc địa vào lãnh thổ của một cường quốc cũng không đảm bảo khả năng giữ được vĩnh viễn. Cứ hỏi những người Pied-Noir ở Algeria thì biết. Nếu Ukraine có thể duy trì đủ áp lực quân sự, thì đến một lúc nào đó, Nga sẽ bắt đầu tìm kiếm lối thoát và cuộc chiến này sẽ thực sự kết thúc. Sau đó, chứ không phải trước đó, những thỏa hiệp cần thiết không thể tránh khỏi đối với tất cả các bên sẽ xuất hiện và người ta sẽ phải chấp nhận những đánh đổi khó khăn.
Nga sẽ bầm dập nhưng không bị đánh gục, sẽ hạ mình nhưng không bị sỉ nhục. Giống như Nhà Trắng vào đầu thập niên 1970, Điện Kremlin sẽ bị ám ảnh bởi việc duy trì ảnh hưởng và uy tín của mình ở trong và ngoài nước. Bất kỳ thỏa thuận nào xuất hiện cũng không phải là một hành động đầu hàng bắt nguồn từ nguy cơ sụp đổ, mà là một quyết định rút lui có chủ ý, để ngăn không mất thêm nhân mạng, của cải, và vốn liếng chính trị. Xét đến những sức mạnh còn lại của Nga, một số mục tiêu của Ukraine, thậm chí là những mục tiêu lớn, sẽ phải bị hoãn lại. Mục tiêu tối thiểu là quay trở lại những ranh giới của ngày 24/02, qua đó cho thấy rõ ràng rằng Moscow đã không giành được lợi ích lãnh thổ nào từ hành động gây hấn của mình. Các mục tiêu tiếp theo có thể được xây dựng dựa trên tình hình của những khu vực khác, chẳng hạn như số phận của các khu vực bị chiếm đóng khác tại vùng Donbas, tình trạng cuối cùng của Crimea, tội ác chiến tranh của Nga, và các dàn xếp an ninh khu vực rộng lớn hơn.
PUTIN CÓ ĐANG DỌA SUÔNG?
Chúng ta có đủ lý do để tin rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là việc làm có thể hiểu được. Nó khiến mọi người hoảng sợ, khiến những nước ủng hộ Ukraine phải lo lắng và thận trọng hơn, đồng thời thúc đẩy tổ chức đàm phán sớm hơn để loại bỏ mọi nguy cơ – đe dọa hạt nhân có thể đạt được tất cả những điều ấy với chi phí bằng không. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong thực tế sẽ đảo ngược mọi tính toán, mang lại rất ít lợi ích nhưng phải trả rất nhiều chi phí bổ sung, bao gồm bị trả đũa, bị chỉ trích, và mất sự hỗ trợ quốc tế. Đây là lý do tại sao tất cả những luận điệu hạt nhân kể từ năm 1945 đến nay đã không được hiện thực hóa. Tuy nhiên, ngay cả khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, chúng cũng không thể cải thiện vị thế của Nga hoặc thay đổi kết quả cuộc chiến.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô lớn – ví dụ, tiêu diệt một thành phố lớn bằng một quả bom khổng lồ – hiện vẫn đang được răn đe ngăn chặn hiệu quả, nhờ vào loạt hậu quả thảm khốc sẽ nhanh chóng được áp dụng lên Moscow. Do đó, nếu thực sự xảy ra, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng ở quy mô nhỏ, chỉ gồm các đầu đạn ở phần cuối của phổ hạt nhân chiến thuật, hoặc thử nghiệm ở các khu vực hoang vắng, hoặc chống lại các lực lượng Ukraine trong khi chiến đấu.
Mục đích của một vụ sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm thể hiện quyết tâm và ý định. Về bản chất, nó yêu cầu “Tất cả hãy đứng yên, nếu không, lần sau sẽ là ngày tận thế.” Những động thái như vậy đã được các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước xem xét nhiều lần và luôn bị bác bỏ, vì lý do chính đáng. Chính những hạn chế được đặt ra cho cuộc thử nghiệm, chẳng hạn như phải diễn ra ở các vị trí xa xôi và gây thương vong thấp, sẽ khiến nó trở thành thông điệp không hiệu quả, vừa thể hiện quyết tâm, vừa thể hiện sự do dự. Nếu lần này anh sợ không dám đi đến cùng, thì tại sao lần sau anh lại ‘ít’ sợ hơn?
Sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trong chiến đấu có thể hữu ích trong một số bối cảnh quân sự, chẳng hạn như tiêu diệt một tàu sân bay trên biển, tiêu diệt một đội hình xe tăng lớn trên sa mạc, hoặc chặn một lối đi quan trọng qua núi. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine không thuộc về bất kỳ kịch bản nào trong số này. Người Ukraine đang chiến đấu trong các đơn vị tương đối nhỏ, tại các khu vực gần lãnh thổ mà Nga hiện tuyên bố là của riêng mình. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong những trường hợp như vậy sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh chiến lược lớn hơn, nhưng hủy hoại chính những nơi mà Moscow nói rằng mình đang cố gắng giải cứu.
Nếu một trong hai kịch bản này xảy ra, sau vụ nổ hạt nhân, Ukraine sẽ vẫn tiếp tục đánh bại Nga trên chiến trường, và những người ủng hộ phương Tây sẽ càng quyết tâm tiếp tục sự ủng hộ của mình, đồng thời phủ nhận bất kỳ thứ gì Moscow xem là chiến thắng, và sự ủng hộ của nước ngoài dành cho Nga cũng sẽ biến mất. Sử dụng vũ khí hạt nhân là hành động tự chuốc lấy thất bại – không phải là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến lớn, cũng không phải một công thức cần tuân theo, mà là một câu chuyện cảnh giác về sự thiếu thận trọng trong chiến lược.
Thực tế quan trọng nhất của cuộc chiến này là một bên đang vượt trội hơn bên kia trên chiến trường sử dụng vũ khí thông thường. Bên thua có vũ khí hạt nhân, và giống như những xung đột tương tự trước đó, xung đột lần này nhiều khả năng sẽ kết thúc với vũ khí hạt nhân chỉ nằm bên lề trong khi kết quả của cuộc xung đột được định đoạt. Do đó, trong số rất nhiều nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine, sẽ có những đánh giá liên quan đến giá trị và tính khả dụng của kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà các cường quốc đang duy trì với chi phí, nỗ lực và rủi ro cực lớn.
* Gideon Rose là nghiên cứu viên xuất sắc về Chính sách Đối ngoại của Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn “How Wars End. ”