Phỏng vấn Linh Quang Viên Phần 2 – Gs. Nguyễn Mạnh Hùng

Share this post on:

7 Tháng Sáu, 2023 

Gồm 3 phần

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2023/06/Screenshot-161.png

Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

“Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

(Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

Tiếp phần 1

NMH: Thiền Cuông.

LQV: Thiền Cuông đó, à Thiền Cuông để đi xuống Khâm Thiên thì xe tôi bị chặn lại thì ông kia đi trước.  Xe tôi bị chặn lại thì nó khám, nó bảo tôi: bây giờ, bây giờ có đồ phản động ở đây, xin đồng chí vui lòng cho khám xét.  Thì tôi cũng, tôi cho là đời cũng tiêu rồi, tôi có khẩu súng đây.  Thế nó khám: nó bắt tôi đứng xuống, nó lật ghế xem nhưng mà nó không khám tôi – không khám chân, thành ra tôi đi thoát.  Tôi

đi thoát.  Thì tôi đi đến ngã tư, cái đầu Khâm Thiên mà cái đường Hàng Cỏ đó thì có một chị nghĩa là nữ đồng chí ra chặn xe tôi lại, bảo rằng: anh Lê Ninh bị bắt rồi, Lê Ninh bị bắt rồi.  Khi đó tôi rất là sững sờ, cái đáng người, cái đáng lẽ, cái người bị bắt là tôi chứ không phải Lê Ninh.  Mà ông Lê Ninh vì đi thẳng trước không bị khám, mà đến đầu Hàng Cỏ thì nó chặn lại nó khám.  Thì từ lúc đó là tôi mất tích, không có tin về ông Lê Ninh nữa.  Nhưng mà tôi biết ông Lê Ninh bị bắt ngay cái ngày, đêm hôm đó, cũng trong cái trường hợp như tôi vừa mới trình bày đó.

NMH: Đó là vào năm nào, khoảng năm 46?

LQV: Năm 46.

NMH: 46?

LQV: 46.

NMH: Nhưng tại sao nguy hiểm như vậy mà những người, những người mà chỉ huy có thể coi là quan trọng cho Đệ Tam Chiến khu như cụ với ông Lê Ninh, là tại sao lại đi về Hà Nội làm gì.  Vì lý do gì cần thiết mà phải về đó?

LQV: Về gì ạ?

NMH: Tại sao là ông Lê Ninh với cụ đó, là những người đóng vai trò quan trọng của Đệ Tam Chiến khu giai đoạn đó đấy…

LQV: Chúng tôi thì thật ra đấy…

NMH: Tại sao nguy hiểm như vậy, mà về Hà Nội làm gì, có cái gì quan trọng mà phải về?

LQV: Chúng tôi cũng có, chúng tôi thường thường là vẫn có công việc phải về luôn.  Mà đi về không phải, chúng tôi về không phải là lần thứ nhất.  Mà cũng như ông Đạo về, cũng phải là, cũng không phải là lần thứ nhất về.  Tức là về để tiếp xúc các anh em để lên tinh thần.  Cũng như là tổ chức cái buổi họp, thí dụ như là khi mà ông ông Vũ Hồng Khanh, mà gọi là đồng ý với lại cái cái cái tụi Việt Minh mà ký cái ngày hiệp ước 6/3 thì chúng tôi cũng có ý kiến của chúng tôi trong chuyện đó.  Thành ra tôi nghĩ có nhiều việc phải về, mà đó là cái, tôi nghĩ rằng cái vấn đề mình cũng phải, nhiều khi cũng phải hi sinh, cũng phải sống ra làm sao, tức là mình không thể nào mà mình bảo đảm, bảo rằng là mình vì lý do an ninh mà mình không làm, hay là mình phải có người khác bảo vệ cho mình.  Không ai bảo vệ ai hết, tự mình phải lo lấy thân mình, mình phải chấp nhận cái cái chuyện đó.

NMH: Tức là về Hà Nội để họp với Trung ương Đảng bộ đấy?

LQV: Vâng, thí dụ như về họp với anh em đảng bộ hoặc là về bàn những công chuyện, nhiều chuyện liên lạc với tất cả các nơi, đại khái thế, nhiều nhiều việc chứ không phải là không, vâng.

NMH: Thưa cụ, cụ có nói chuyện là khi khi cướp chính quyền như vậy đó, ở Vĩnh Yên đó, như vậy là hoàn toàn do ý kiến của của Đệ Tam Chiến khu, chứ không có, có được chỉ thị từ, từ bên ngoài?

LQV: Từ bên ngoài là thế nào của?

NMH: Của ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, hồi đó cụ bảo là cái hệ phái của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đó. Thì khi đã quyết định chiếm Vĩnh Yên đó, là có cái chỉ thị cướp chính quyền hay là tự Vĩnh Yên quyết định đi cướp chính quyền? 

LQV: Tôi tôi không không rõ chuyện đó nhưng mà theo ý tôi thì chúng tôi, cái đó là tự chúng tôi.  Tôi nghĩ rằng là ngoài ra có cái chỉ thị ở đâu. Thế nhưng mà tôi nghĩ rằng, tất nhiên là có sự phối hợp tất cả các nơi để mà làm cái chuyện đó nhưng mà bảo rằng có chỉ thị thì giáo sư muốn nói là chỉ thị ở đâu, của quốc gia nào khác?

NMH: Vâng, ở Trung ương đảng, không, ở Trung ương đảng ấy. Trung ương đảng có ra chỉ thị là cướp không hay không… là địa phương quyết định cướp?

LQV: Cái đó tôi không, sự thực là tôi không được rõ, tôi không được rõ cái chuyện đó.

NMH: Nhưng mà khi Trung ương đảng có có cung cấp phương tiện gì cho cái Đệ Tam Chiến khu không?

LQV: Không có.

NMH: Tự túc lấy?

LQV: Hoàn toàn là tự túc.

NMH: Tự túc lấy hết.

LQV: Vâng, toàn tự túc lấy hết. Chúng tôi làm việc trong hoàn cảnh rất là kham khổ, chả có một sự tiếp tế gì.

NMH: Lúc ấy có liên hệ gì với Nhật, với Pháp hay không?

LQV: Không.

NMH: Không liên hệ?

LQV: Hoàn toàn không có liên hệ với Pháp.

NMH: Cụ nói nhiều đến cái việc mà là ông Đạo, cũng như ông Lê Ninh có tinh thần cách mạng rất cao đó. Khi mà cụ nói đến chữ “cách mạng” ấy, tức là cụ có thể giải thích “cách mạng” nghĩa là định làm gì không, các ông?

LQV: Tôi tôi tôi…

NMH: Tức là ông phải là người trí thức, không muốn nắm quyền, nghĩa là ông bảo không cần làm bộ trưởng, ông chỉ muốn làm cách mạng thôi. Mà cách mạng nghĩa là ông muốn làm cái gì?

LQV: Cái cách mạng theo nghĩa là cái cách mạng có thể định nhiều nghĩa lắm.  Nhưng mà theo tôi hiểu, là mình quên cái mình, quên cái cá nhân của mình đi.  Tức là mình đạt cái mục tiêu, mình làm được cái cái, thay đổi một cái, gọi là một, đi đến một cái, một cái cái chi, một cái gọi là… cái hoàn cảnh mới.  Còn cái khác, khi mà cái hoàn cảnh mới rồi thì cái người khác có đủ khả năng người ta làm chuyện đó.  Cái ý nghĩa của tôi, không có nghĩa làm cách mạng để cho mình sẽ làm cái chuyện đó sau này.  Ít nhất là mình phải làm cái cái sự thay đổi đó, thay đổi cục diện, đó là mình phải đóng góp vào cái sự thay đổi cục diện, để cái hoàn cảnh mới, hoàn cảnh mới sẽ là có những cái người có khả năng làm.  Bởi tôi quan niệm những người làm cách mạng, không phải là những cái người sẽ là là nắm quyền sau này.

NMH: Hoàn cảnh mới đó, mình muốn là hoàn cảnh gì?

LQV: Hoàn cảnh, sự thực ra thì ai cũng muốn sự thực thì trước cái hoài bão, như tôi đã nói với giáo sư, là hoài bão của mình chỉ muốn tranh đấu cho cái độc lập, tự do.  Mà khi mà, mà trong ngay cả cái cái năm 45, mặc dầu ai cũng nói là độc lập là do Nhật cho mình, do Nhật tạo cho mình.  Nhưng mà chúng tôi không có nghĩ rằng là không ai cho mình cái độc lập, cái độc lập mình phải giành lấy, mình phải giành lấy, mình phải làm lấy.  Vì vậy cho nên cái độc lập thì chúng tôi hồi – ngay từ hồi từ Nhật mà giao lại cho, chúng tôi cũng không có tin tưởng cái chuyện đó. Chúng tôi là cái độc lập phải tự mình làm lấy, phải tự mình thực hiện được.

NMH: Vâng, thế cụ nói là mình nhất định đòi độc lập, là mình phải tự mình lấy độc lập đó.  Thế khi mà Việt Minh nó cũng cướp được chính quyền rồi, tức là cũng có độc lập rồi nhưng tại sao lại lại đánh nhau với nó?

LQV: Thì không, chúng tôi nghĩ là, hồi đó chúng tôi nghĩ là, chúng tôi có cái quan niệm rõ ràng là là Cộng Sản không thể nào mà đi với Quốc Gia được.  Mà Cộng Sản lúc đó là một cái công cụ của, gọi là của, lúc đó tôi đã, chúng tôi cũng đã nghĩ rằng là Cộng Sản là là, Việt Minh là một chư hầu của Nga Xô Viết rồi thì không thể nào đưa đến độc lập cho Việt Nam được.  Không thể nào đưa đến độc lập, mà không thể nào đưa đến tự do cho cho Việt Nam được.  Ngay từ khi từ 45, chúng tôi cũng đã nghĩ đến cái chuyện đó.

Mà vì vậy cho nên chúng tôi chống đối, nếu chúng tôi đồng ý với Việt Minh rằng là nó đã tranh thủ được độc lập rồi thì tại làm sao còn tranh đấu.  Thì cái đó thì thì tất nhiên không có vấn đề nữa.  Nhưng mà trong thực tế là chúng tôi, ngay từ 45, chúng tôi quan niệm là Cộng Sản là Cộng Sản, Cộng Sản là Đệ Tam Quốc Tế, không có thể nào đưa lại cái độc lập, cái tự do cho mình.  Mình sẽ là một chư hầu của Cộng Sản mà thôi.

NMH: Thưa cụ, thế cái hồi mà các ông lãnh đạo ở bên bên Trung Hoa kéo về đó thì giai đoạn đó là khoảng năm nào, cụ có nhớ không?

LQV: Giai đoạn mà…

NMH: Lúc bấy giờ đã chiếm, mình đã chiếm được Vĩnh Yên chưa?

LQV: Lúc mà Quân đội Tàu kéo vào giải giáp quân Nhật lúc đó thì chiếm được Vĩnh Yên rồi.  Mà lúc đó tôi, sự thực ra lúc đó tôi là với tư cách ủy viên quân sự, tôi được đi đón, đón tụi tụi, được ủy viên đi đi đón tụi… Quân Lư Hán về về để giải giáp.

Là tôi là với tư cách ủy viên quân sự thì đây là cái cảm tưởng cá nhân nhá. Khi lúc đó tôi, khi đó tôi tôi còn trẻ, hai nữa là tôi quan niệm là một cái đội quân chiến thắng như của Trung Hoa thế kia thì tôi cho là nó rất là kỷ luật, mà rất là nghiêm chỉnh, rồi nó đấy.  Cái cảm tưởng của tôi thì tôi cũng chuẩn bị cái sự đón tiếp rất là long trọng, nói là để… nhưng mà khi mà tôi đến thì tôi thấy rất là thất vọng, rất là thất vọng. Vì tôi thấy, thấy là một đoàn quân mà gồng gánh, rồi xoong nồi, chảo, chảo đi rồi là… thấy trông nó thiểu não quá, mà cho đó, nói là quân ăn cướp thì nó cũng quá đáng.  Thế nhưng mà nó không có tư cách gì của một quân đội gọi là Đồng Minh đi giải giáp người Nhật. Thì lúc ấy chúng tôi cũng có một cái sự buồn, chúng tôi thất vọng ở trong đó.

NMH: Như vậy là tức, trước khi họ vào là cũng đã hi vọng là họ đến giúp đỡ được mình?

LQV: Đúng.

NMH: Cuối cùng là không được?

LQV: Đúng là tôi, khi mà tôi thấy là là họ, thấy họ vào như thế, rồi về sau này đó, khi mà cái tư cách họ… Thành ra cũng có nhiều, có sinh ra nhiều cái chuyện gọi là đụng độ lặt vặt đối với họ nữa.  Thí dụ như họ áp bức đồng bào, nghĩa là bắt đi đổi tiền quan kim những cái… cái đó gây cái niềm thất vọng cho anh em rất nhiều.

NMH: Cụ có thấy cái chuyện mà người quân đội Trung Hoa – Lư Hán làm đó thì có ảnh hưởng hại cho cái của các đảng phái Quốc Gia không?

LQV: Có gì ạ?

NMH: Có có làm hại đến uy tín của đảng phái Quốc Gia không?

LQV: Tôi nghĩ rằng là về một khía cạnh nào đó thì họ cũng làm hại cho uy tín của đảng phái Quốc Gia rất nhiều. Vì họ cho là đảng phái Quốc gia đã dựa vào một cái, một quân đội Trung Hoa để mà về nước.  Mà cái quân đội của Trung Hoa như thế đó thì cái tác phong như thế, tác phong gọi là là lạc hậu, mà gọi là đàn áp như vậy đó thì rất là bất lợi cho cái uy tín của các đảng phái Quốc Gia.  Mà điều đó làm cho anh em Quốc Gia rất buồn.

Như vậy về về sau này có một, cũng có một hồi về sau thì lúc quân Lư Hán phải rút về đó thì mà quân đội lúc đó, Tưởng Giới Thạch có đội quân ở trung ương sang đó thì cái lúc đó, tôi nhớ là thì có ăn mặc có chỉnh tề hơn, mà có cái tác phong có đứng đắn hơn.  Nhưng mà lúc đó cũng quá muộn, dân chúng cũng đã chán, hết sức là chán, chán tin tưởng vào quân đội Trung Hoa hồi đó.

NMH: Vâng, xin cụ cho biết cái cái tổ chức của Việt Nam Chiến khu – Đệ

Tam Chiến khu hồi đó ra sao, giai đoạn mà lên nó như thế nào, ai chỉ huy, rồi ủy ban hành chánh, rồi những người lo cái gì? 

LQV: Thì như tôi vừa mới trình bày đó thì tôi thấy rằng là hồi Đệ Tam Chiến khu, hồi đó là ông Lê Ninh phụ trách cái Đệ Tam Chiến khu, Đệ Tam Chiến khu, thì ông…

NMH: Với tư cách gì? 

LQV: Dạ!

NMH: Với tư cách gì, phụ trách Đệ Tam Chiến Khu, tức là sao, là Đảng trưởng hay là tỉnh bộ trưởng?

LQV: Không phải Đảng trưởng, không phải Đảng trưởng, chỉ có là, gọi như là là khu – khu bộ.

NMH: Khu bộ?

LQV: Khu bộ.  Khu bộ có Lê Ninh, Đỗ Đình Đạo, có một số anh em nữa. Thì tôi là với tư cách là ủy viên quân sự.

NMH: Vâng.  Thế ông Đạo là cái gì?

LQV: Ông Đạo thì về hình như là về, ông Lê Ninh đó thì hình như là về chính trị, ông ông Đạo đó thì hẳn như là về vấn đề tiếp vận hay là… vâng, thế rồi thôi….

NMH: Thế có, ông Hoàng Văn Đào thì ông lại bảo ông Đạo là Tư lệnh Đệ Tam Chiến khu, chuyện đó có đúng không?

LQV: À ông ông Hoàng Văn Đào – ông cụ Đào phải không, người viết đấy?

NMH: Vâng.

LQV: Vâng, có lẽ đúng đấy ạ, có lẽ đúng. Ông Đạo gọi là Tư lệnh Đệ Tam Chiến khu, có lẽ đúng.  Nhưng mà trong cái thực tế công việc đó thì ông Lê Ninh ông nắm về chính trị hết, về chính trị. Về phần tôi thì tôi phụ trách về về phía quân sự, phía quân sự.

Trong khi đó cũng là lần đầu tiên khi mà chiếm xong cái Vĩnh Yên lập ra cái Đệ Tam Chiến Khu thì tôi lập ra cái trường Quân Chánh đầu tiên ở Vĩnh Yên.  Là cái trường Quân Chánh đó là mục đính như là danh từ, một mặt thì huấn luyện về chính trị, hai nữa là vấn đề về quân sự. Thì trong khi đó mà thực thì đó là một cái nhu cầu.  Bởi thời đó là, hồi đó là thì tôi xin thưa là lúc đó là cái cái khu gọi là cái Đệ Tam Chiến khu nó có, mặc dầu là các nơi khác như là Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, họ cũng chiếm cả nhưng mà cái khu Vĩnh Yên đấy, khu Đệ Tam Chiến khu, thực sự nó có một cái cái cái âm hưởng rất tốt đối với các thanh niên trí thức ở Hà Nội.  Và vì thế cho nên họ, mặc dầu bị bị ngăn cản, như tôi vừa mới nói, ngăn cản ở chỗ Vĩnh Yên là vì vừa lụt, vừa bị ấy.  Nhưng mà có thể nói là hàng ngày, không ngày nào mà không có anh em thanh niên trí thức, họ ào ào, họ lên tới Vĩnh Yên để mà đi gia nhập các hàng ngũ cách mạng.

Vì thế cho nên là cái nhu cầu đặt ra ấy là phải thành lập cái trường Quân Chính. Thì lúc đó sự thực là tôi vào khoảng 25 tuổi chẳng hạn đấy.  Thì thì các anh em gọi là, cái lập trường Quân Chính đó thì không phải là hoàn toàn là chỉ có anh 17–18; mà tất cả có những người 30–40 những thanh niên, cả công chức này niếc.  Trong cái số đó thí dụ như là Bùi Tường Huân, Bùi Tường Minh ấy là… tụi đó là những tụi đó là những… về sau này làm là cũng học ở cái trường Quân Chính của tôi. Thì chúng tôi làm cái với một cái số gọi là, số là mấy anh em trường mà chúng tôi đứng đầu.

NMH: Đứng đầu tức là sao, họ gọi là gì?

LQV: Dạ?

NMH: Họ là hiệu trưởng hay là là, hay là chỉ huy trưởng, hay là gọi cái gì – trường Quân Chánh?

LQV: Tôi, hồi đó cũng, hồi đó thì nó gọi là chỉ thua đồng chí thôi chứ không, chứ không có gọi là hiệu trưởng.

NMH: Không có chức vụ gì hết, không có tổ chức?

LQV: Vâng.

NMH: Cái trường đó tổ chức ra sao?

LQV: Dạ! Có chứ.

NMH: Có cái ban chấp hành như thế nào, xin cụ cho nói rõ, tổ chức như thế nào?

LQV: Có, có… Vâng, có cái tổ chức trường thì thường thường cái chương trình, sự thực ra thì tổ chức thì cũng rất là sơ sài.  Tức là có một phần về huấn luyện về về chính trị ra và mời các anh em, các anh em cán bộ mà có sau này về chính trị thứ như là ông… ông Lê Ninh chẳng hạn nói chuyện, hay là ông gì (tôi quên), nói Dương Tế Dân chẳng hạn thế, đến nói về chính trị.

Thế còn về huấn luyện thì, về vấn đề quân sự thì chúng tôi sự thực ra là có một phần gọi là phần lý thuyết và phần thực tập. Cái phần lý thuyết đó là thành ra những gì mà tôi biết hoặc là cách sử dụng các vũ khí, hay là sử dụng cách hành quân, cái lặt vặt cấp nhỏ như cấp trung đội, cấp nhỏ nhỏ thôi. Thế là cái phần có gọi là cái phần thực tập, là chúng tôi sự thực ra bắt các anh em nó đi ra, ra thực tập canh phòng ngay, ngay các các cái địa điểm chốt đấy.

Là tụi nó lúc đó là cái Phúc Yên là là Việt Cộng nó chiếm, mà thành ra có một hồi sau bị bao vây.  Thành ra về phía Nam đó – thì nó vây, thành ra tất cả anh em đều phải, ban tối đều phải ra làm. Trong số đó tôi nhớ có người bạn rất thân của tôi là ông Đinh Trịnh Chính ấy là mỗi tối đều phải ra để gác, sau bị ra ra…

NMH: Cụ nói là người bạn tức là sao, tức là ông cũng chỉ huy hay là ông ấy cũng lên học tập?

LQV: Không, ông ấy cũng là học trò của tôi.

NMH: Vâng.

LQV: Ông ấy là học trò tôi.

NMH: Tức là cụ nói rằng là, tức là cụ lập ra và cũng chỉ huy luôn cái trường đó, phải không ạ?

LQV: Vâng, vâng.

NMH: Nhưng mà nó không đề, nói chức vụ gì hết, chỉ gọi là đồng chí thôi?

LQV: Vâng, vâng.  Anh em gọi là trong cái tinh thần gọi là đồng chí mà thôi chứ.

NMH: Thế khi mà cụ…

LQV: Nhưng mà họ thì rất là quí báu, rồi quên mất…

NMH: Như vậy nghĩa là khi mà như vậy là có vấn đề về chương trình huấn luyện quân sự đó là cụ đặt ra?

LQV: Ừ.

NMH: Thế còn vấn đề chính trị là cũng có mời người ta đến nói chuyện, có phải không, để nói về quân sự, chính trị, có thế thôi?

LQV: Vâng, vâng, vâng.

NMH: Tôi thấy nói là có rất nhiều chuyện, chẳng hạn như là đây nhé, có ba bốn cái trường: trường Lục Quân Yên Bái, rồi trường Trần Quốc Tuấn, rồi trường Tông, rồi trường Quân – gọi là trường Quân Chính.  Thì xin cụ cho biết đó những cái trường đó thành lập như thế nào, do ai tổ chức và cái liên hệ của nó ra sao?

LQV: Cái… trường thứ nhất là trường Quân Chánh đầu tiên đó, thì có thể nói là có cái trường Quân Chánh Vĩnh Yên, gọi là chúng tôi thành lập, thành lập ra đầu tiên.  Xong rồi khi mà chúng tôi, sau khi mà năm 46, khi mà Đại Việt hợp tác với Việt Nam Quốc Dân Đảng thì lúc đó mới đi tới chỗ thành lập một cái trường Võ Bị chung.

Trường Võ Bị chung thì lúc đó mới lấy cái gọi là, bắt đầu lấy cái cái địa điểm trên Sa Pa, ở trên trên, không biết, ở Yên Bái – quên, Yên Bái ra, Yên Bái thì gọi là cái đó, lúc đó cái danh xưng, lúc đó gọi là trường Lục Quân Yên Bái.  Cái trường Lục Quân Yên Bái đó có tất cả các anh em gọi là thanh niên của Việt Nam Quốc Dân Đảng và của Đại Việt nữa, quân Đại Việt học ở đó.

Thì do cái số sĩ, số sĩ quan chỉ huy đó – thì là do cũng có một số sĩ quan Nhật hợp tác, Nhật hợp tác.  Nhưng mà những sĩ quân Nhật đấy là những cái người ta, họ đã, sau khi mà đầu hàng đó thì họ ở lại Việt Nam, mà tình nguyện ở Việt Nam, mà họ rời bỏ quốc tịch, họ lấy tên Việt Nam, họ lấy tên Việt Nam mà họ họ tự huấn luyện.  Thì tôi có dịp lên thăm cái trường đó thì tôi thấy rằng họ có một cái tinh thần kỷ luật rất cao và họ đã hun đúc cái tinh thần kỷ luật đó cho các, cho các anh em gọi là cán bộ.

Thì những người nào cán bộ mà ở trong cái trường Lục Quân Yên Bái ra, tôi nghĩ họ đều có một cái tinh thần kỷ luật rất tốt.  Mà sau này tôi nghĩ rằng là vẫn còn có nhiều người vẫn còn ghi nhớ cái ảnh hưởng về kỷ luật, về cái tinh thần hợp tác của trường Lục Quân Yên Bái.  Thế sau đó thì, sau đó thì tôi thấy, do cái trường Lục Quân Yên Bái sau dời có đi lên, theo tôi biết sau có lên Sa Pa, sau rồi đi sang Tàu, đi sang Tàu. Có cái trường, còn cái trường Trần Quốc Tuấn, về sau nó có gọi là Trần Quốc Tuấn hay không thì tôi không nhớ rõ cái chuyện đó.  Nhưng mà tôi nhớ là sau khi mà Việt Minh cướp chính quyền đó thì có thành lập trường sĩ quan ở Tông, tức là cũng năm 46.

NMH: Mà ở đâu?

LQV: Nằm ở Tông.

NMH: Ở Tông.

LQV: Tức trường Trần Quốc Tuấn ấy thì là cái trường, nó lấy trước là cái trường Tông mà ngày xưa tôi học ở trường sĩ quan, tôi học ở đó đó. Nó lấy cái chỗ đó, cũng lại là cái trường sĩ quan của mình thì nó gọi là trường Trần Quốc Tuấn.  Trần Quốc Tuấn, thì nó lấy một số các cái, một số anh em bạn của tôi ở trong trường sĩ quan cũ đó, ra làm huấn luyện viên ở trong cái trường Trần Quốc Tuấn đó, đó là trường Trần Quốc Tuấn.  Sau này còn cái trường… giáo sư nói cái trường gì?

NMH: Trường thì đấy, có trường Tông là của Tây, trường Trần Quốc Tuấn (tức về sau Tây đi thì nó lấy trường Tông làm Trần Quốc Tuấn), trường Yên Bái là trên đó, tức là trường Quân Chính là của cụ. 

LQV: Vâng, đấy là…

NMH: Thế khi mà cái trường Quân Chính đấy, cái vấn đề là gọi là cái, những người nào thì được vào trường Quân Chính học?

LQV: Tất cả những người nào mà tình nguyện lên.

NMH: Tình nguyện lên?

LQV: Vâng.

NMH: Ai muốn học cũng được hết?

LQV: Vâng.

NMH: Chứ không cần phải vào đảng Quốc Gia, đảng nào khác?

LQV: Không, tất cả coi như là, nghĩa là chúng tôi đó, coi những người đó tức là đã đã, có thể nói gần như là có đảng viên hay không thì chúng tôi không cần biết.  Vâng, không cần biết.  Nhưng mà những người đó họ đã tình nguyện họ lên.  Họ xin gia nhập vào vào vào lên trên Vĩnh Yên.  Họ đã vượt cả trở ngại lên, họ lên, họ vào đấy.  Thì theo tôi nghĩ rằng họ ít, đã có ít nhiều có thể nói tuyên thệ là cán bộ đảng viên (theo tôi nghĩ thế thôi chứ).  Vì thực tôi cũng không năm hết được cả cái vấn đề bắt buộc phải tuyên thệ là đảng viên.

NMH: Vâng, nhưng mà họ có đưa vào đấy là cụ nhận thôi?

LQV: Vâng.

NMH: Chứ cụ không có kiểm soát vấn đề gọi là recruitment (thu nạp) đó, tức là đảng đưa lên chứ, phải không?

LQV: Vâng, đảng đưa lên.

NMH: Có liên quan đến thì là học ở trong đó?

LQV: Vâng.

NMH: Thế khi mình huấn luyện họ thì mình mục đích bao nhiêu lâu, cái chương trình huấn luyện là bao nhiêu lâu?

LQV: Mục đích hồi đó, là tôi tôi nghĩ là hồi đó là cứ, hồi đó là vào cứ ba tháng một khoá.

NMH: Ba tháng một khoá?

LQV: Ba tháng một khoá.

NMH: Thế khi mà họ ra thì mình mình mục đích huấn luyện đó, họ trở thành cái gì?

LQV: Họ thí dụ vẫn chỉ là cán bộ thôi.

NMH: Cán bộ.

LQV: Họ chỉ là cán bộ thôi nhưng họ có một cái khả năng nào quân sự và đi theo, rồi đi kiểm soát hoặc là đi thí dụ như các, thí dụ đi lên Việt Trì thì họ họ đi vào các, như là tôi vừa mới nói đó, cái chủ lực của hồi đó, phần lớn dựa vào các anh em gọi là Bảo An, Bảo An.  Thì các anh em cán bộ gọi này là coi như là cán bộ, như là như là chính trị viên của những các tổ chức đó, để đi đi huấn luyện, có một cái hiểu biết về quân sự đó để mà để mà gọi là… Còn nói kiểm soát họ không đúng nhưng mà giúp họ để tổ chức.  Sự thực ra là họ như là, căn bản họ không phải là những người gọi là gọi là những cán bộ quân sự thuần túy.  Mà sự thực ra có một cái hiểu biết về quân sự mà thôi, chứ sự thực ra chúng tôi không có đủ khả năng về phương tiện của một cái trường Võ Bị.

 Mới dọc tiếp Phần 3

(Đọc phần 1)