Tác động của khu vực ngoại vi lên tiến trình lịch sử châu Âu

Share this post on:

Nguồn: Robert D. Kaplan, “Europe on the Edges,” Foreign Policy, 23/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lục địa già vốn dĩ luôn được xác định và chịu ảnh hưởng bởi ngoại vi của nó.

Nếu cuộc chiến của Nga ở Ukraine kết thúc với chiến thắng cho phương Tây, liệu Ukraine, với đủ các loại vấn đề – cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nạn tham nhũng, thể chế yếu kém – cuối cùng có thể gia nhập NATO và Liên minh châu Âu hay không? Nếu xét đến lịch sử châu Âu trong hai thiên niên kỷ vừa qua, con đường đó sẽ là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Châu Âu vẫn luôn được xác định và chịu ảnh hưởng bởi ngoại vi của nó, và theo đó, vị trí trên bản đồ của châu lục cũng được thay đổi. Việc NATO tiến về phía đông sau Chiến tranh Lạnh, kết nạp các cựu thành viên khối Hiệp ước Warsaw – dù quyết định đó có gây tranh cãi đến đâu – có sự tương đồng sâu sắc với quá khứ của châu Âu. Việc xây dựng các đường ống khí đốt tự nhiên của Nga kéo dài khắp Trung và Đông Âu cũng vậy. Hơn một thế kỷ trước, nhà sử học người Mỹ Henry Adams đã viết rằng: thách thức cơ bản của châu Âu đã, đang, và sẽ là làm thế nào để tích hợp các vùng đất khác nhau của Nga vào cái mà ông gọi là “kết hợp Đại Tây Dương” (Atlantic combine).

Theo Tony Judt, nhà sử học quá cố chuyên về châu Âu thời hậu Thế chiến 2, sự mở rộng là một phần trong “huyền thoại làm nền tảng” cho Liên minh Châu Âu. Ngay từ đầu, EU đã là một liên kết đầy tham vọng, mở rộng dần dần để bao gồm các vùng đất từng thuộc về Vương quốc Caroling, Phổ, Habsburg, Byzantine, và Ottoman trước đây, mỗi vùng đều có lịch sử và mô hình phát triển riêng biệt. Nói cách khác, châu Âu luôn tìm cách để lớn hơn nữa, tiến xa hơn nữa, tham vọng hơn nữa. Bởi nếu ảnh hưởng của châu Âu không được cảm nhận rõ ràng ở các khu vực biên giới, những đối thủ như Nga sẽ liên tục đe dọa họ.

Khi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952, đó là một bước đi táo bạo, vì hai nước đều chưa phát triển và đang thù địch lẫn nhau. Khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gia nhập Cộng đồng Châu Âu vào năm 1986, việc hai nước trên Bán đảo Iberia đều tương đối nghèo và có quá khứ độc tài đã khiến quyết định mở rộng Châu Âu ra ngoài dãy núi Pyrenees trở thành một quyết định táo bạo không kém. Giờ đây, những bước phát triển như vậy đã trở nên tự nhiên đối với dự án châu Âu rộng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trường hợp ngoại lệ duy nhất, do vị thế trung lập của họ đối với châu Âu, Nga, và các lực lượng cực đoan ở Trung Đông. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ quay trở lại với phương Tây sau nhiệm kỳ tổng thống của Recep Tayyip Erdogan, người đang ngày càng gặp nhiều rắc rối và đang điều hành nền kinh tế của mình một cách thảm hại.

Vùng ngoại vi đang tiếp tục xâm lấn vào châu Âu: dưới hình thức cuộc xâm lược quân sự của Nga, tình trạng vô chính phủ ở Trung Đông liền kề, và các quốc gia láng giềng đang tìm cách gia nhập EU. Ukraine chỉ là một ví dụ về một quốc gia lân cận khao khát sự tự do bên trong các thể chế và chiếc ô toàn cầu của châu Âu.

Thật vậy, trong chuyến đi vài năm trước đến Albania, tôi đã thăm Thành cổ Berat cách Biển Adriatic không xa. Ở đó, tôi thấy các nhà thờ Chính thống giáo Byzantine và tàn tích của các nhà thờ Hồi giáo Ottoman nằm sát cạnh nhau, và mọi con đường ở đây đều từng là những con đường thương mại nối trung tâm Địa Trung Hải với Istanbul. Trong một nhà thờ ở Berat, tôi được chiêm ngưỡng một biểu tượng của thế kỷ 18, với Đức mẹ Đồng trinh đang giang tay ban phước lành, còn hai bên Mẹ là hình ảnh các nhà thờ Hồi giáo. Chính thống giáo, Hồi giáo và Công giáo cùng tồn tại ở Albania, một thành viên NATO mong muốn gia nhập EU, bất chấp thể chế yếu kém và tình trạng tội phạm có tổ chức tràn lan. Không chỉ Albania, mà Serbia, Montenegro, Kosovo, Bosnia và Herzegovina, và Bắc Macedonia đều là những quốc gia mong manh nằm bên trong thế giới Chính thống giáo và Hồi giáo phương Đông, họ là một phần địa lý của châu Âu và đang tìm kiếm tư cách thành viên EU, bất chấp vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong nền kinh tế của họ.

Trên thực tế, phương Đông đã đặt nền tảng cho phần lớn châu Âu ngày nay. Cuộc di cư của người Slav từ nội địa châu Á sang châu Âu từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 7 chính là nguồn gốc của các quốc gia từ Ba Lan đến Balkan. Cuộc di cư của người Magyar từ Urals vào thế kỷ thứ 9 đã tạo ra Hungary. Sau đó là đợt tấn công của Đế chế Ottoman và Sa hoàng Nga: quân đội Ottoman dưới quyền chỉ huy của Kara Mustafa tiến đến cổng thành Vienna vào cuối thế kỷ 17, trong khi đó, lính Nga dưới thời Peter Đại đế đã chinh phục thành công vùng Biển Baltic. Châu Âu thường thay đổi dựa trên những biến động trong vùng ngoại vi của nó.

Trên thực tế, biến động lớn nhất và kịch tính nhất đối với bản đồ châu Âu xảy ra vào cuối thời cổ đại, và nguyên nhân cũng xuất phát từ phương Đông. Đế chế Ba Tư của người Sassan đã đụng độ với Đế chế Byzantine – và làm suy yếu cả hai – theo đó tạo điều kiện cho người Ả Rập chinh phục không chỉ Trung Đông mà còn toàn bộ bờ biển phía nam của Địa Trung Hải. Khi người Ả Rập đặt chân đến Bắc Phi, châu Âu cũng bắt đầu chuyển hướng về phía bắc và rời khỏi Địa Trung Hải, khoác lên mình vẻ mặt lạnh lùng của tộc người Frank gốc German, đạt đến đỉnh cao Kitô giáo thời Trung cổ, trong lúc các tộc người German bao gồm cả người Goth và người Lombard trở thành các nền tảng xây dựng nên văn hóa và nhân khẩu học của phương Tây.

Điều đó không có nghĩa là điều này sẽ tiếp tục xảy ra. Hãy thử xét rằng trong suốt thời cổ đại cho đến thế kỷ thứ 7, rất lâu sau khi thành Rome sụp đổ, tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ chung của Bắc Phi. Bản đồ La Mã cũ được định hướng quanh Lưu vực Địa Trung Hải suốt hàng trăm năm đột nhiên biến mất, và châu Âu như chúng ta biết ngày nay bắt đầu hình thành trong cái gọi là Đêm trường Trung cổ.

Fernand Braudel, nhà địa lý vĩ đại người Pháp sống vào giữa thế kỷ 20, thậm chí còn ám chỉ rằng Địa Trung Hải thực sự không phải là biên giới phía nam của châu Âu. Châu Âu, theo quan điểm của ông, chỉ kết thúc ở nơi sa mạc Sahara bắt đầu. Tức là các thành phố lớn và dân cư ven biển Ả Rập Bắc Phi và vùng Levant về bản chất là một phần của châu Âu. Địa Trung Hải là cầu nối, chứ không phải dải phân cách. Một khi lập luận này được hiểu rõ, những tác động của nó đối với thế kỷ 21 là rất lớn. Thậm chí một Ukraine đã hội nhập vào châu Âu cũng có thể không phải là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến vận mệnh của lục địa này trong những thập niên tới.

Chẳng hạn, các quốc gia nhà tù (prison-state) ở Trung Đông như Libya của Muammar al-Qaddafi và Syria dưới chính quyền Đảng Ba’ath, những nơi từng chặn đứng dòng người di cư vào nam và đông nam châu Âu, nay đã sụp đổ. Đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi lên 2,5 tỷ người, và đến năm 2100, con số này có thể đạt 4,5 tỷ người, theo Liên Hiệp Quốc. Vào đầu thế kỷ 21, châu Âu và châu Phi có dân số xấp xỉ bằng nhau, nhưng đến cuối thế kỷ này, dân số châu Phi có thể gấp bảy lần châu Âu.

Tăng trưởng dân số và suy giảm tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới có nghĩa là, vào cuối thế kỷ 21, con người sẽ di cư với mức độ thậm chí còn lớn hơn bây giờ. Dù hầu hết những người châu Phi lựa chọn di cư sẽ vẫn ở trong biên giới lục địa của họ, nhưng tầng lớp trung lưu đang lớn dần ở một số quốc gia châu Phi có thể sẽ đẩy mạnh việc di cư qua Sahara đến các cảng Địa Trung Hải – sẽ có thêm nhiều người châu Phi có đủ phương tiện để di cư ra nước ngoài theo biến động nhân khẩu học và sự gia tăng kỳ vọng. Làn sóng này sẽ cộng hưởng với tình trạng di cư gây ra bởi các quốc gia thất bại và bán thất bại trên khắp dải Sahel ngay phía nam Sahara, chẳng hạn như Mali, Burkina Faso, và Niger. Những người di cư châu Phi từ phía nam và phía đông của sa mạc Sahara bắt đầu đến Ý và Hy Lạp trong năm 2015 là dấu hiệu không chỉ cho thấy Địa Trung Hải đúng là cầu nối, mà còn cho thấy sa mạc Sahara đã không còn là dải phân cách – trái ngược với đánh giá của Braudel.

Tuy nhiên, tinh thần trong lập luận bao trùm của Braudel – rằng sự hình thành châu Âu được quyết định bởi các sự kiện xảy ra trong vùng ngoại vi và xa hơn – đã trở lại ngoạn mục trong thời đại siêu toàn cầu này. Trên thực tế, chủ nghĩa dân tộc dân túy, được nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin cổ vũ suốt nhiều năm, và được chứng kiến ở một số nước châu Âu như Hungary và Ba Lan, có thể chỉ là một hiện tượng hiển nhiên, trước khi lịch sử và văn hóa quốc gia bị xói mòn nhiều hơn nữa, vì toàn cầu hóa và chủ nghĩa toàn cầu (cosmopolitanism) đã chứng minh rằng chúng là một lực lượng không thể ngăn cản, dù chúng diễn ra rất từ từ và với các tốc độ khác nhau. Hệ quả là các xã hội châu Âu có thể thay đổi từ bên trong. Rõ ràng, đây là vì những lý do vượt xa sự sụp đổ danh tiếng của chính Putin vì cuộc chiến ở Ukraine. Là một phần của lục địa Á-Âu, nằm gần với châu Phi và Trung Đông, châu Âu nhiều khả năng sẽ liên tục bị ảnh hưởng bởi các xu hướng như vậy vì di cư đã trở thành một hiện tượng thống trị trong thế kỷ 21.

Địa lý quyết định nhiều hơn là thuyết định mệnh. Nó cũng có thể chứa đựng một thông điệp đạo đức. Thông điệp của cả Lưu vực Địa Trung Hải lẫn Biển Đen tiếp giáp với Ukraine đều mang tính phổ quát: biển cả gắn kết các nền văn minh với nhau. Ý tưởng ban đầu về EU chạy song song với thông điệp này: nhấn mạnh sự quan trọng của cá nhân hơn của nhóm, của các quốc gia (legal states) hơn của các dân tộc (ethnic nations); nói cách khác, là việc hiến pháp bảo vệ các quyền cá nhân trong thế giới toàn cầu. Cho đến khi EU phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cả chục năm, nhiệm vụ của khối này vẫn là mở rộng cả về phía đông và phía nam. Vì nếu các vùng đất ngay bên ngoài bờ biển phía nam và phía đông của Địa Trung Hải, cũng như Biển Đen, rơi vào hỗn loạn, thì về lâu dài, sẽ chẳng có gì để bảo vệ cho một pháo đài Bắc Âu trong một thế giới toàn cầu.

Như nó đã từng làm trong quá khứ, châu Âu phải thích ứng với những điều kiện thay đổi này. Sự thu hẹp khoảng cách địa lý thông qua công nghệ và di cư đang diễn ra không ngừng, và dư chấn của cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2 cũng sẽ giống như thế. Thật vậy, các cuộc chiến vĩ đại đã đưa lịch sử tiến nhanh về phía trước. Và quyết định của các cá nhân, như Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, có lẽ sẽ thay đổi hoàn toàn bản đồ châu Âu một lần nữa.

Robert D. Kaplan là tác giả của 20 cuốn sách, gần đây nhất là “Adriatic: A Concert of Civilizations at the End of the Modern Age.” Ông hiện là Giám đốc về Địa chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại.

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế