Tại sao tuổi về hưu của Pháp lại thấp như vậy?

Share this post on:

Nguồn: “Why is the French pension age so low?”The Economist31/1/2023

Biên dịch: Phạm Quốc Hào

Tuổi nghỉ hưu ở Pháp là một phần của huyền thoại quốc gia

Người Pháp lại một lần nữa xuống đường để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu—lần này là từ 62 lên 64 tuổi. Đề xuất này đã được thủ tướng Elisabeth Borne công bố vào ngày 10 tháng 1 và đang nỗ lực được nghị viện thông qua. Ở Pháp, đề xuất này không được lòng dân: 68% người dân phản đối cải cách. Nhưng so với những nơi khác ở châu Âu thì kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trông khá khiêm tốn. Vì sao tuổi hưởng lương hưu của Pháp lại thấp như vậy?

Hầu hết người dân châu Âu đều lớn hơn 62 tuổi rất nhiều khi họ bắt đầu nhận tiền lương hưu của nhà nước. Tuổi hưởng lương hưu của Anh là 66. Ở Đức là 67. Pháp có hai mốc tuổi hưởng lương hưu: tuổi nghỉ hưu tối thiểu theo luật là 62 tuổi, được hưởng toàn bộ lương hưu nếu đã thực hiện đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết, và 67 tuổi, khi chế độ lương hưu được trả đầy đủ trong bất cứ trường hợp nào. Các quy định mới sẽ đẩy nhanh việc tăng số năm đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 41 lên 43 năm.

Các quy định phức tạp ở nhiều quốc gia về tín dụng và ngoại lệ có nghĩa là trên thực tế, nhiều người châu Âu nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưởng lương hưu của quốc gia họ. Đàn ông Anh khi nghỉ hưu có tuổi trung bình là 63,7; phụ nữ là 63,2. Đàn ông Đức nghỉ hưu ở tuổi trung bình là 63,1 và phụ nữ là 63,2. Ở Pháp, độ tuổi trung bình còn thấp hơn: đàn ông nghỉ hưu trung bình ở tuổi 60,4 và phụ nữ là 60,9. Nhờ tuổi thọ trung bình cao, thời gian nghỉ hưu trung bình của nam giới ở Pháp cao thứ hai trong OECD (sau Luxembourg); còn đối với phụ nữ là cao thứ ba.

Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống của Pháp. Lương hưu được tài trợ bởi các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc trích từ lương của những người đang làm việc để chi trả cho những người nghỉ hưu tại bất kỳ thời điểm nào. Ngày nay, chỉ có 1,7 người làm việc ở Pháp trên một người hưu trí, giảm từ mức 2,1 vào năm 2000. Con số đó dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,3 vào năm 2070.

Sự pha trộn giữa lịch sử và văn hóa chính trị giải thích tuổi nghỉ hưu thấp của Pháp. Chế độ lương hưu sớm nhất của đất nước được thiết lập cho lực lượng hải quân dưới thời Ancien Régime[1] (chế độ cũ), vào năm 1673. Cho đến nay, một số nhóm lao động, chẳng hạn như vũ công tại Nhà hát Opera Paris hoặc công nhân đường sắt, được hưởng quyền nghỉ hưu sớm dựa trên các chế độ mang tính lịch sử như vậy. Tại SNCF, công ty đường sắt quốc gia, nhân viên có thể nghỉ hưu sớm nhất là 52-55 tuổi. Các quy tắc hiện đại quản lý lương hưu đã được áp dụng năm 1945, với sự ra đời của nhà nước phúc lợi của Pháp. Vào thời điểm đó, tuổi để hưởng lương hưu toàn phần là 65 tuổi. Mãi cho đến khi François Mitterrand, một tổng thống theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lên nắm quyền vào năm 1981 với lời hứa tăng cường quyền của người lao động, Pháp mới hạ tuổi hưởng lương hưu xuống 60.

Kể từ đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc người Pháp phải làm việc lâu hơn đều gây ra sự phẫn nộ và phản kháng. Giống như tuần làm việc 35 giờ, việc giảm tuổi nghỉ hưu ở Pháp đã trở thành một phần huyền thoại quốc gia: thúc đẩy một xã hội tiến bộ, trong đó gánh nặng công việc được giảm bớt. Năm 1995, các cuộc đình công như vũ bão đã chứng kiến nỗ lực (thất bại) của Jacques Chirac trong việc tăng tuổi hưởng lương hưu. Vào năm 2010, các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối quyết định (cuối cùng đã thành công) của Nicolas Sarkozy về việc tăng tuổi từ 60 lên 62. Nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron để đẩy ngưỡng tuổi lên 64 có thể trông khiêm tốn trên giấy tờ — nhưng nó táo bạo về mặt biểu tượng cũng như gây ra những rủi ro về mặt chính trị.

————————

[1] Chế độ cũ (tiếng Pháp: Ancien Régime) là chế độ chính trị xã hội quân chủ, quý tộc được thành lập tại Vương quốc Pháp từ khoảng thế kỷ 15 cho đến cuối thế kỷ thứ 18 (giai đoạn Cách mạng Pháp) dưới các triều đại cuối Valois và Bourbon (ND).

Theo Nghiên cứu Quốc Tế