Thăm dò ý kiến: Lo ngại về suy thoái gia tăng, số người Mỹ bi quan về nền kinh tế đạt mức kỷ lục

Share this post on:
Thăm dò ý kiến: Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái gia tăng, số người Mỹ bi quan về nền kinh tế đạt mức kỷ lục

Tiền giấy USD được nhìn thấy phía trước biểu đồ chứng khoán được hiển thị trong hình minh họa này được chụp hôm 08/02/2021. (Ảnh: Dado Ruvic/Illustration/Reuters)

HOA KỲ

Tác giả Andrew Moran

  • Chủ nhật, 23/04/2023
  • Một cuộc thăm dò mới cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang hướng tới một cuộc suy thoái hoặc đã ở trong một cuộc suy thoái kinh tế.

Sự bi quan về nền kinh tế đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát giá cả tràn lan, lãi suất tăng, và ngày càng nhiều người lo ngại về suy thoái kinh tế. Theo Khảo sát Kinh tế Toàn nước Mỹ mới nhất của CNBC, thì 69% người Mỹ trưởng thành có quan điểm tiêu cực về bối cảnh kinh tế hiện tại. Đây là con số cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu cách đây 17 năm.

67% người Mỹ cho biết tiền lương của họ đang tụt hậu so với lạm phát. Một phần tư người Mỹ nói rằng thu nhập của họ đang theo kịp, trong khi chỉ 5% cho biết thu nhập gia đình của họ đang tăng nhanh hơn.

Thu nhập trung bình mỗi giờ thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã giảm 0.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng 03/2022.

Cục Thống kê Lao động (BLS) báo cáo: “Sự thay đổi về thu nhập trung bình thực tế theo giờ kết hợp với mức giảm 0.9% giờ làm việc trung bình theo tuần dẫn đến một mức giảm 1.6% thu nhập trung bình thực tế theo tuần trong giai đoạn này.”

Mặc dù lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, nhưng hầu hết người Mỹ đã cho biết họ đang thay đổi hành vi chi tiêu và lối sống, có thể là đi du lịch ít hơn hoặc chi tiêu ít hơn cho giải trí. Nhiều người khác đã dựa vào tiền tiết kiệm của họ để trả tiền mua hàng.

Hơn một nửa (54%) số người được hỏi cho biết giá thực phẩm tăng vọt đã ảnh hưởng đáng kể đến họ.

Người mua hàng xem các mặt hàng được trưng bày tại một cửa hàng bách hóa ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/02/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP/Getty Images)
Người mua hàng xem các mặt hàng được trưng bày tại một cửa hàng bách hóa ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/02/2023. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP/Getty Images)

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã giảm xuống 5% vào tháng trước. Giá thực phẩm trong Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống 8.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Ba, với chi phí siêu thị vẫn tăng với tốc độ hàng năm là 8.4%.

Hai phần ba người Mỹ nghĩ rằng đất nước đang đứng trước một cuộc suy thoái hoặc hiện đang ở trong một cuộc suy thoái.

Quan điểm tiêu cực về nền kinh tế rõ ràng đã ảnh hưởng đến Tổng thống Joe Biden. Tỷ lệ tín nhiệm của ông giảm giảm từ 41% trong cuộc khảo sát tháng 11/2022 xuống 39%. Ngoài ra, chỉ có 34% tán thành việc tổng thống lãnh đạo nền kinh tế.

Một cuộc suy thoái sắp tới?

Theo biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng Ba, Cục Dự trữ Liên bang dự kiến ​​sẽ có một “cuộc suy thoái nhẹ” vào cuối năm nay do hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Bản tóm tắt cuộc họp nêu rõ, “Dựa trên đánh giá của họ về các tác động kinh tế tiềm tàng của những diễn biến gần đây trong ngành ngân hàng, dự đoán của ủy ban tại thời điểm diễn ra cuộc họp tháng Ba bao gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, với sự phục hồi trong hai năm tiếp theo.”

Ngày càng có nhiều chuyên gia đồng thuận rằng xác suất xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế đang cao hơn.

Cựu Bộ trưởng Ngân Khố Larry Summers cho rằng xác suất đó “có lẽ là khoảng 70%”.

Ông Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Foreign Policy: “Trong năm nay, khả năng một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu ở Mỹ trong 12 tháng tới có lẽ là khoảng 70%.”

“Khi tôi tổng hợp các độ trễ liên quan đến chính sách tiền tệ, rủi ro khủng hoảng tín dụng, nhu cầu tiếp tục hành động đối với lạm phát, rủi ro địa chính trị hoặc các tác động đột biến khác ảnh hưởng đến hàng hóa, thì mức mà tôi dự kiến sẽ là 70%.”

Các nhà kinh tế tại Capital Economics đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế Mỹ hàng quý mới nhất của họ, cảnh báo rằng “căng thẳng ngân hàng sâu sắc” sẽ dẫn đến “thắt chặt hơn nữa” các điều kiện tín dụng, “khiến chúng tôi càng tin chắc rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.”

Các nhà kinh tế của ING cũng “bị thuyết phục hơn bao giờ hết với lời kêu gọi về suy thoái của chúng tôi đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.” Họ trích dẫn trong một tuyên bố về tình trạng hỗn loạn tài chính và việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.

Ông Roger Hallam, người đứng đầu toàn cầu về lãi suất tại Vanguard, đã cảnh báo trong một sự kiện trực tuyến hôm 17/04 rằng các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt hơn sẽ đẩy “nền kinh tế vào suy thoái trong nửa cuối năm nay.”

Ông Hallam nói thêm: “Hiện có rất nhiều điều không chắc chắn về chính sách.”

Báo cáo H.8 của Fed nhấn mạnh rằng các khoản cho vay và cho thuê tại tất cả các ngân hàng đã giảm xuống còn 12.06 ngàn tỷ USD, giảm từ mức 12.07 ngàn tỷ USD so với tuần trước. Dữ liệu này được đưa ra khi Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng (SCE) hồi tháng Ba của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy gần 53% gia đình Hoa Kỳ tin rằng sẽ khó tiếp cận tín dụng hơn trong một năm kể từ bây giờ. Hơn 58% cũng nói rằng sẽ khó có được tín dụng hơn một năm trước.

Các nhà đầu tư cũng đồng ý rằng một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần.

Theo cuộc thăm dò từ Marquee QuickPoll tháng Tư cho Goldman Sachs, 53% nhà đầu tư tổ chức dự đoán suy thoái kinh tế vào năm 2023 và 36% dự đoán một cuộc suy thoái vào năm 2024.

Ông Austan Goolsbee từ Chicago cho rằng có thể nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ trong năm nay.

Ông Goolsbee cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm 14/04: “Không làm gì có chuyện quý vị nhìn vào các điều kiện hiện tại trên khắp Hoa Kỳ mà lại không nghĩ về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ nào đó.”

Tuy nhiên, ông James Bullard, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, đã bác bỏ câu chuyện về suy thoái kinh tế phổ biến, nói với Reuters rằng nhiều dự báo trong số này “xuất phát từ các mô hình đặt quá nặng vào ý tưởng rằng lãi suất tăng nhanh.”

Ông Bullard nói, “Còn thị trường lao động mạnh mẽ thì sao? Còn về việc đó tiếp sức cho tiêu dùng thì sao? … Thế còn số tiền đại dịch vẫn chưa được chi tiêu, cả ở cấp tiểu bang và địa phương cũng như ở cấp gia đình cá nhân thì sao?”

“Lạm phát đang giảm, nhưng không nhanh như Wall Street mong đợi.”

Kể từ khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ bắt đầu chiến dịch thắt chặt định lượng hơn một năm trước, tỷ lệ quỹ liên bang chuẩn đã tăng 475 điểm cơ bản. Tháng trước, FOMC đã bỏ phiếu kích hoạt tăng lãi suất một phần tư điểm, nâng lãi suất chính sách lên phạm vi 4.75–5.00%.

Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đang chậm lại.

Doanh số bán lẻ tháng Ba giảm 1%, từ mức 0.2% trong tháng Hai và tệ hơn ước tính của thị trường là giảm 0.4%.

Sản xuất công nghiệp chậm lại với tốc độ hàng năm là 0.5%, trong khi sản lượng sản xuất giảm 1.1% so với cùng thời kỳ trong tháng Ba.

Mặc dù các số liệu suy yếu, ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta cho thấy mức tăng trưởng 2.5% trong quý đầu tiên.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Epoch Times Tiếng Việt