Thế giới hôm nay: 15/08/2022

Share this post on:

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

8 người bị thương, với một số bị thương nặng, sau vụ nổ súng gần Bức tường phía Tây ở Jerusalem. Cảnh sát Israel đang coi vụ việc này, vốn làm bị thương một phụ nữ mang thai, là khủng bố. Chỉ mới tuần trước Israel và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã đồng ý ngừng bắn, sau khi một số thủ lĩnh của nhóm này bị máy bay không người lái của Israel tiêu diệt. Không rõ liệu các sự kiện có liên quan với nhau hay không, nhưng tình hình đang rất căng thẳng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói những lính Nga nào nổ súng vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia sẽ bị coi là “mục tiêu đặc biệt.” Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cơ sở này bị Nga chiếm từ tháng Ba. Ông Zelensky cũng nói quân Nga đang khiêu khích bằng cách tấn công Zaporizhzhia và bắn tên lửa vào các lực lượng Ukraine từ bên trong nhà máy.

Giới chức Thượng Hải thông báo tất cả các trường học trong thành phố sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1 tháng 9, sau nhiều tháng đóng cửa vì covid-19. Chính phủ bắt đầu đóng cửa trường học từ tháng 3, nhưng cho phép một số học sinh trung học và trung học cơ sở đi học lại kể từ đó. Để có thể mở lại hoàn toàn, giáo viên và học sinh sẽ phải xét nghiệm hàng ngày.

Phó tổng thống Kenya William Ruto dường như đã vượt lên dẫn trước trong cuộc bầu cử tổng thống của đất nước, theo kết quả sơ bộ được truyền thông Kenya đưa tin. Trước đó, ứng viên đối lập Raila Odinga được tổng thống mãn nhiệm Uhuru Kenyatta hậu thuẫn mới được cho là người dẫn đầu. Kiểm phiếu đã diễn ra chậm chạp, trong khi nổ ra ẩu đả giữa các quan chức.

Hơn 40 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một nhà thờ Coptic ở Giza, Ai Cập. Nguyên nhân được xác định là chập điện, dẫn đến một vụ giẫm đạp khi người ta tìm cách chạy thoát thân. Trong số các nạn nhân còn có cả trẻ em. Công tố viên trưởng của Ai Cập đã ra lệnh điều tra vụ cháy.

Saudi Aramco, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vừa công bố quý thứ hai liên tiếp với lợi nhuận cao kỷ lục. Giá dầu cao giúp tập đoàn này mang về thu nhập tới 48,4 tỷ USD trong quý hai, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Ả Rập Saudi và các thành viên khác của OPEC đã không tăng sản lượng, bất chấp phương Tây kêu gọi giảm chi phí năng lượng.

Cơ quan quản lý hệ thống năng lượng của Đức cho biết nước này phải cắt giảm 20% tiêu thụ khí đốt để tránh thiếu hụt trong mùa đông. Trong khi đó, chính phủ thông báo giảm nhiệt độ trong các tòa nhà công xuống 19°C trong mùa đông. Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Đức bắt nguồn từ việc Nga giảm dòng khí đốt đến Đức, dường như để trả đũa các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Con số trong ngày: 507, là số súng được Cục An ninh Giao thông Vận tải Mỹ (TSA) tìm thấy trong hành lý xách tay của hành khách trong năm 2021.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ kỉ niệm 75 năm ngày độc lập

Vào thứ Hai này trên đỉnh Pháo đài Đỏ ở Delhi, Narendra Modi sẽ khai mạc lễ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Ấn Độ. Song sự kiện có thể sẽ không quá tưng bừng. Không phải vì không có gì để ăn mừng: dù đồng rupee có mất giá, quyền lực của ông Modi vẫn đang lớn hơn bao giờ hết trong khi một số chỉ số kinh tế bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Nhưng nhìn về quá khứ thật khó xử cho ông Modi. Quan điểm của ông luôn là chê bai những thập niên đầu tiên của nền cộng hòa, rằng các lãnh đạo tiền nhiệm quá chấp nhận ảnh hưởng của châu Âu và Hồi giáo. Chỉ có “Ấn Độ mới” của ông là đáng được hoan hô.

Một điều mới mẻ cho ngày kỷ niệm năm nay là chiến dịch của chính phủ mang tên har ghar tiranga, hay “một lá cờ trong mọi nhà.” Rashtriya Swayamsevak Sangh, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo nơi ông Modi bắt đầu sự nghiệp của mình, từng rất kỳ thị lá cờ ba màu của đất nước (vì nó mang một màu cho Hồi giáo, một màu cho Ấn Độ giáo). Nhưng mặc dù lá cờ đang được tung hô trở lại, nguyên tắc đa nguyên sáng lập của Ấn Độ đang lung lay hơn bao giờ hết: dưới sự lãnh đạo của ông Modi, tâm lý bài Hồi giáo đã trở lại

Tròn một năm Taliban quay lại nắm quyền

Thứ Hai này đánh dấu một năm Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan. Vào thời điểm đó, nền kinh tế đất nước đã sụp đổ khi các cường quốc cắt viện trợ và loại Afghanistan khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu. Và Taliban mang trở lại chế độ chuyên chế thần quyền của mình. Đàn ông không được cắt tỉa râu, trong khi phụ nữ bị cấm học cấp hai. Luật mới quy định phụ nữ chỉ nên rời khỏi nhà khi “cần thiết”.

Song có một nhóm người Afghanistan đã khá hơn một năm trước, theo một nghĩa nào đó. Họ là những dân làng sống ở tiền tuyến của cuộc xung đột, ở các tỉnh như Helmand hay Kandahar, và giờ đây đang an toàn hơn so với các năm trước. Một báo cáo mới của viện International Crisis Group cho thấy bạo lực trong 10 tháng đến giữa tháng 7 đã giảm 87% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu sự ổn định đó có kéo dài được hay không.

Nga tổ chức một loạt các sự kiện an ninh và hội thao quân sự

Hầu như không có quốc gia phương Tây nào đến tham dự Hội nghị Moscow về An ninh Quốc tế năm nay, sẽ khai mạc vào thứ Hai. Thay vào đó, Nga đã mời Trung Quốc, Ấn Độ và một loạt các quốc gia khác từ khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh đến nghe tầm nhìn của họ về một thế giới “đa phương,” không còn ách thống trị của Mỹ. Khán giả có lẽ sẽ ủng hộ quan điểm này: có 28 quốc gia ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, trong khi 32 nước khác giữ thái độ trung lập.

Năm nay là lần đầu tiên hội nghị thường niên này trùng với hai sự kiện quân sự nổi bật. Diễn đàn Quân đội 2022 là cơ hội cho Nga bán vũ khí; chỉ riêng triển lãm năm ngoái có tới 45 hợp đồng quốc phòng trị giá 6,8 tỷ USD được ký kết, theo truyền thông nhà nước Nga. Trong khi đó, Army Games do Nga thành lập là một cuộc thi thể thao. Quân nhân từ các quốc gia như Trung Quốc và Iran cạnh tranh trong các bài tập chiến đấu, bao gồm cả “đua xe tăng.” Quân đội Nga có lẽ sẽ tập trung hơn vào cuộc chiến thực sự ở Ukraine, nơi họ đang đối mặt khả năng bị phản công ở thành phố Kherson.

Nước Anh lo ngại mùa đông vì giá năng lượng

Người Anh tiếp tục trải qua một cuối tuần nắng nóng đầy ngột ngạt. Nhưng dù hạn hán đang ảnh hưởng đến nhiều vùng của đất nước, ý nghĩ về mùa đông năm nay mới là đáng sợ. Hiện chi phí sinh hoạt đang ngày càng đắt đỏ vì giá năng lượng tăng cao.

Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán lạm phát năm sẽ tăng lên khoảng 13% vào tháng 10, với ít nhất một nửa mức tăng là do giá năng lượng. Ước tính của hãng tư vấn Cornwall Insight cho thấy hóa đơn năng lượng trung bình năm của các hộ gia đình có thể tăng từ 1.971 bảng Anh (2.380 USD) hiện nay lên 4.427 bảng Anh trong tháng Tư tới.

Cuộc khủng hoảng hiện tại đã chi phối cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ — cũng là cuộc đua trở thành thủ tướng tiếp theo. Vào thứ Hai, lãnh đạo Công Đảng Keir Starmer sẽ đưa ra các đề xuất của ông, bao gồm lệnh cấm tăng giá năng lượng. Nhưng chưa có chính trị gia nào giải quyết được vấn đề hóa đơn năng lượng tăng. Bất chấp cái nóng, mùa đông mới là thứ làm người Anh lo lắng.

Nghiên Cứu Thế Giới