Võ Thái Hà tổng hợp
Thượng đỉnh Đông Á không ra được thông cáo chung do Mỹ – Nga bất đồng
14/11/2022
Toàn cảnh hội nghị Đông Á tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/11/2022. AP – Vincent Thian
Chủ Nhật 13/11/2022, hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh Cam Bốt đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung , chủ yếu do Hoa Kỳ và Nga bất đồng về ngôn từ trong bản tuyên bố.
Thượng đỉnh Đông Á hàng năm quy tụ lãnh đạo của 18 nước, gồm 10 thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại. Tham gia thượng đỉnh Đông Á năm nay đặc biệt có tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol … Đại diện cho Nga là ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Khai mạc cuộc họp, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen nhận định sự phát triển xã hội và đời sống của người dân trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn do các căng thẳng quốc tế gần đây, nhưng ông tin rằng các cuộc thảo luận hiệu quả là có thể mặc dù có sự khác biệt về quan điểm của những lãnh đạo tham gia.
Đài NHK của Nhật cho biết thông tin chi tiết về cuộc họp kín không được tiết lộ. Các lãnh đạo tham gia cuộc họp được cho là đã thảo luận về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục của Bắc Triều Tiên, cuộc chiến Ukraina và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng nói rằng tổng thống Biden đã nêu ra những lo ngại về mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, đồng thời dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để chỉ trích hành động của Nga xâm lược Ukraina.
Dự thảo tuyên bố chung do NHK có được lên án mạnh mẽ Bắc Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraina.
Còn theo Bloomberg, Nga và Mỹ đã không thống nhất được về từ ngữ cho tuyên bố chung sau hội nghị, làm dấy lên nghi ngại là khối G20 cũng sẽ khó đạt được đồng thuận tại thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia trong tuần này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh, vì các nước này, xin trích, « nhấn mạnh đến tình hình Ukraina bằng một ngôn ngữ hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Nga luôn từ chối mô tả cuộc xâm lược Ukraina là một cuộc chiến tranh, mà gọi đó là một « hoạt động quân sự đặc biệt ».
Tổng thống Zelensky đến Kherson, tuyên bố chiến tranh sắp kết thúc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Kherson (BBC)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Kherson để chung vui cùng các binh sĩ và người dân sau khi tái chiếm thành phố phía nam này từ tay lực lượng Nga. Kherson đã bị quân đội Nga chiếm đóng trong khoảng 8 tháng trước đó.
Ngày 14/11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kherson – thành phố phía nam trước đây đã bị quân Nga chiếm đóng khoảng 8 tháng. (Ảnh: Paula Bronstein / Getty Images)
Trong bối cảnh Ukraine phản công, Nga đã rút khỏi thành phố Kherson vào tuần trước. Tổng thống Ukraine bày tỏ mong muốn điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh.
Ông nói: “Đây là thời điểm bắt đầu kết thúc chiến tranh. Chúng tôi đang tiến từng bước tới tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời.”
Ông Zelensky nói với các phóng viên rằng Ukraine đã sẵn sàng chào đón “hòa bình trên toàn bộ đất nước của chúng tôi.” Ông nói chuyện với những người lính tập trung trước tòa nhà hành chính trên quảng trường chính của thành phố Kherson ngày hôm đó.
Chỉ vài giờ trước đó, ông đã cảnh báo trong video hàng đêm của mình rằng người Nga đã để lại bẫy và mìn trước khi rút lui. Tuy nhiên, vài giờ sau ông đã xuất phát đến đó.
Lực lượng quân đội Ukraine đã bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng là tháo dỡ mìn của Nga và các bẫy mìn bên trong và xung quanh Kherson, ông Zelensky nói.
Tổng thống Zelensky cảm ơn sự hỗ trợ của NATO và các đồng minh khác. Ông cho biết Hệ thống pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) do Hoa Kỳ cung cấp đã đóng vai trò lớn trong việc Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Ngoài quân đội Ukraine đến quảng trường ngày hôm đó, còn có các bậc phụ huynh cùng con cái của họ, một số người đang đẩy xe em bé. Gần đây, tòa nhà hành chính nằm trên quảng trường vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nga.
Một số người trong đám đông vẫy cờ Ukraine, trong khi những người khác choàng cờ trên vai.
“Tôi thực sự rất hạnh phúc. Bạn có thể thấy từ phản ứng của mọi người, nó không phải là giả tạo,” ông Zelensky nói. Ông được bao vây bởi những vệ binh trang bị vũ khí từ đầu đến chân.
Tổng thống Ukraine cho biết, việc đến Kherson, nơi Nga đã chiếm đóng 8 tháng qua, là điều rất quan trọng. Ông muốn thể hiện sự ủng hộ của mình đối với người dân địa phương, và cho họ thấy rằng: “Chúng tôi thực sự đã trở lại. Chúng tôi thực sự đang giương cao lá cờ của mình.”
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, “trước khi tháo chạy khỏi Kherson thì những kẻ xâm lược đã phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng – đường dây liên lạc, nguồn cung cấp nước, khí đốt và điện.”
Thống đốc vùng Kherson, ông Yaroslav Yanushevych, nói rằng việc kết nối lại nguồn cung cấp điện là một ưu tiên khẩn cấp, và rằng nguồn cung cấp khí đốt đã được đảm bảo.
Trong một video do Trợ lý Tổng thống công bố, ông Zelensky, dường như đã rất xúc động, ông đứng thẳng, đặt tay phải lên tim và hát quốc ca. Bộ đội cũng đứng nghiêm trang. Các binh sĩ vững vàng kéo lá cờ Ukraine màu xanh vàng lên cột cờ.
Cảnh tượng ăn mừng tương tự cũng diễn ra tại các vùng khác trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kyiv và Odesa.
Tổng thống Ukraine rời đi sau khi ở Kherson khoảng 30 phút.
Thành phố Kherson là thủ phủ lớn đầu tiên mà quân đội Nga giành quyền kiểm soát sau khi xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2. Sau khi quân Nga rút đi, hôm thứ Sáu (11/11), quân đội Ukraine đã tiến vào trung tâm thành phố.
Đây là cuộc rút lui quy mô lớn thứ 3 của Nga trong cuộc chiến, cũng là lần đầu tiên Nga từ bỏ một thành phố bị chiếm đóng tầm cỡ, khi đối mặt với một cuộc phản công lớn của Ukraine.
Trong 2 tháng qua, quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm lại hàng chục thị trấn và làng mạc ở phía bắc thành phố Kherson. Hiện tại, Nga vẫn kiểm soát khoảng 70% vùng Kherson rộng lớn.
Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không phải với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã nhắc lại các điều kiện của Ukraine trên Facebook vào hôm thứ Hai (14/11).
“Phương án hòa bình của Ukraine vẫn không thay đổi: Chấm dứt ngay lập tức chiến tranh, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khắc phục thiệt hại gây ra, và đảm bảo hiệu quả về việc không tái xâm lược”, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Ukraine viết.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, từ chối bình luận về chuyến thăm của ông Zelensky tới thành phố Kherson, chỉ nói rằng “đây là lãnh thổ của Liên bang Nga”. Điện Kremlin đã sáp nhập bất hợp pháp vùng Kherson và 3 vùng khác của Ukraine vào đầu năm nay.
Amazon sẽ sa thải khoảng 10,000 nhân viên trước áp lực suy thoái kinh tế
Việc cắt giảm sẽ tập trung vào bộ phận thiết bị, bao gồm bộ phận trợ lý giọng nói Alexa, cũng như các bộ phận nhân sự và bán lẻ, The New York Times đưa tin.
Amazon.com Inc đang lên kế hoạch sa thải khoảng 10,000 nhân viên bắt đầu ngay trong tuần này, The New York Times đưa tin, trích dẫn những người biết về vấn đề này.
Việc cắt giảm việc làm sẽ tập trung vào đơn vị thiết bị của gã khổng lồ thương mại điện tử, nơi có bộ phận trợ lý giọng nói Alexa, cũng như bộ phận bán lẻ và nhân sự, theo báo cáo hôm thứ Hai.
Đơn vị quản lý Alexa đã công bố khoản lỗ hoạt động hơn 5 tỷ đô la mỗi năm, và Amazon đang cân nhắc xem có nên tập trung vào việc bổ sung các khả năng mới khi khách hàng chỉ sử dụng thiết bị cho một vài chức năng hay không.
Số lượng sa thải chiếm khoảng 3% nhân viên của công ty, tờ Times đưa tin. Amazon gần đây đã cho biết họ sẽ dừng việc tuyển dụng của công ty trong vài tháng tới.
Amazon là công ty mới nhất của Hoa Kỳ thực hiện cắt giảm mạnh tay nguồn nhân công của mình trước viễn cảnh của một cuộc suy thoái kinh tế. Điều khiến nó trở nên bất thường là công ty thương mại điện tử thường coi trọng sự ổn định trong mùa nghỉ lễ, tờ Times đưa tin. Đây được cho là một dấu hiệu của áp lực từ nền kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, cho biết họ sẽ cắt giảm hơn 11.000 việc làm, tương đương 13% lực lượng lao động, để tiết kiệm chi phí. Các công ty khác cũng có động thái tương tự, bao gồm Twitter Inc thuộc sở hữu của Elon Musk, Microsoft Corp và Snap Inc.
Tháng trước, khi công ty báo cáo doanh thu thấp hơn dự kiến cho quý kết thúc vào tháng 9, Amazon đã cảnh báo rằng doanh số bán hàng trong ba tháng cuối năm – mùa mua sắm lớn nhất ở Bắc Mỹ với các dịp lễ Halloween, Lễ tạ ơn và Giáng sinh – sẽ thấp khi đối mặt với lạm phát cao và nhu cầu khách hàng suy giảm.
Nhật Minh
Nhân viên nhập cư Mexico bắt đầu kiểm tra giấy tờ của du khách đi về hướng California
Tác giả Joe Gomez
Các nhân viên nhập cư Mexico đi gặp những người nhập cư Haiti để ngăn họ vượt qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico ở Ciudad Acuna, Mexico, vào ngày 23/09/2021. (Ảnh: John Moore/Getty Images)
Vào thứ Ba (15/11), các nhân viên nhập cư Mexico sẽ bắt đầu kiểm tra giấy tờ thông hành của bất kỳ ai đang cố gắng nhập cảnh vào Hoa Kỳ qua các làn xe chạy từ Cửa khẩu Ysidro giữa San Diego và Tijuana trước khi họ vào Hoa Kỳ. Các nhân viên, thuộc cơ quan nhập cư của Mexico, Instituto Nacional de Migracion (INM), cũng sẽ phối hợp với lực lượng chấp pháp địa phương ở Tijuana và Vệ binh Quốc gia Mexico.
Đây là sự khởi đầu của một chương trình thí điểm nhằm thúc đẩy việc đi lại qua biên giới và cung cấp cho các nhân viên của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) khả năng tập trung hơn vào các làn xe lưu thông hiện đang được sử dụng bởi những người đi làm thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Hiện tại, CBP bố trí hai lớp nhân viên tại khu vực biên giới Hoa Kỳ, ban đầu ở biên giới thực được gọi là “đường giới hạn”, nơi các cá nhân lái xe vào Hoa Kỳ được kiểm tra giấy tờ thông hành thích đáng. Sau khi lái xe qua “đường giới hạn” này một đoạn ngắn sẽ là các trạm nơi mà nhân viên bổ sung của CBP xem xét lại kỹ lưỡng hơn giấy tờ của du khách để xác định xem họ có thể tiếp tục được vào hay không.
Các quan chức tin rằng chương trình này có thể cũng là một mô hình để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu khác, “một hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia nhằm mục đích khiến cửa khẩu này phát huy hết tiềm năng,” ông Carlos Gonzales Gutierrez, tổng lãnh sự Mexico ở San Diego, cho biết trên Twitter.
Ông Gutierrez cho biết thêm chương trình thí điểm này được xây dựng với hy vọng là CBP sẽ mở thêm nhiều làn xe xuyên biên giới giữa hai quốc gia. “Chúng tôi đang làm điều này vì lợi ích của chính chúng ta. Sắp xếp các luồng giao thông một cách có trật tự và giảm thời gian chờ đợi là vì lợi ích của Mexico.”
Ông tiếp tục nói rằng hành động này là nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mexico để “thúc đẩy việc đi lại qua biên giới và bảo đảm rằng cửa khẩu được sử dụng cho chức năng vốn có của nó.”
Những người xin tị nạn, trong đó một số lượng ngày càng nhiều người Nga đào thoát khỏi đất nước của họ kể từ đầu cuộc chiến với Ukraine, đã đang lợi dụng hệ thống nhập cư hiện tại dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico bằng cách lái xe vào Hoa Kỳ và xin tị nạn.
The Epoch Times đã liên lạc với CBP để xin bình luận về chương trình mới này và liệu chương trình này có giảm số lượng người xin tị nạn tại cửa khẩu cụ thể này hay không, nhưng các quan chức của cơ quan này đã từ chối bình luận.
Chương trình này sẽ bắt đầu từ thứ Ba đến hết ngày 15/01.
Hình ảnh quốc tế của tổng thống Indonesia được củng cố
Tổng thống Joko Widodo đã gọi hội nghị thượng đỉnh G20 2022 là thượng đỉnh “khó khăn nhất” từ trước đến nay. Vốn lâu nay chú trọng đối nội, Jokowi (biệt danh của ông) hiếm khi quan tâm đến sân khấu toàn cầu. Nhưng đối thoại đang trở thành chiến lược mới của ông.
Jokowi đã cố gắng hết sức để mời tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến tham dự cùng ông tại khách sạn sang trọng ở Bali. Nhưng rồi cả hai đều không đến. Dù vậy các lãnh đạo phương Tây vẫn có thể sẽ tẩy chay một buổi chụp hình nếu ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham gia. (Các tin đồn hôm thứ Hai rằng ông không khỏe đã bị Điện Kremlin bác bỏ là “tin giả”.)
Sẽ không thể mong đợi nhiều tiến bộ quanh các vấn đề quản trị toàn cầu. Và bất chấp nỗ lực tạo ra bầu không khí thân thiện của Jokowi, mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi sẽ vẫn tiếp tục phủ bóng lên sự kiện. Cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Joe Biden hôm thứ Hai dĩ nhiên mang tinh thần đối thoại. Nhưng họ có cả một danh sách dài những vấn đề bất đồng quan điểm.
Dân số thế giới đạt 8 tỷ người
Thứ ba này dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Đã mười hai năm trôi qua kể từ khi thế giới vượt cột mốc 7 tỷ, và 6 tỷ vào đúng 12 năm trước đó nữa.
Tốc độ tăng dân số đã giảm. Năm nay dân số được dự báo chỉ tăng 0,8%, tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1950 và bằng một phần ba so với mức cao nhất vào năm 1963. Phụ nữ đang chọn sinh ít con hơn, và LHQ ước tính từ nay đến năm 2050, dân số của 61 quốc gia sẽ giảm ít nhất 1%.
Dân số toàn cầu giống như một đoàn tàu: chỉ cần đạp phanh là nó sẽ dừng lại, nhưng phải mất thời gian cho đến khi dừng hẳn. Theo Liên Hợp Quốc, sẽ mất 15 năm để có thêm một tỷ người tiếp theo, và 21 năm nữa để đạt thêm một tỷ người sau đó. Thế giới đang đi đến đỉnh: động lực tăng dân số từ những năm 1950 đang dần được thay thế bởi mức dân số ổn định.
Ngày mai ông Trump sẽ công bố ý định tranh cử
“Tôi rất, rất, rất có thể sẽ thử lại,” cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói trong tháng này khi tổ chức mít tinh ở Sioux City, Iowa. Vào thứ Ba ông sẽ chính thức công bố ý định tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Động lực chính của cựu tổng thống Mỹ có thể không chỉ là chính trị, nhất là khi trở lại Nhà Trắng sẽ giúp bảo vệ ông khỏi các rắc rối pháp lý hiện tại. Ban đầu ý định của ông là công bố vào đêm trước bầu cử giữa kỳ, nhưng rồi đã bị các lãnh đạo đảng Cộng hòa thuyết phục lùi ngày. Với thành tích kém cỏi của các ứng viên do ông đưa lên, các cố vấn được cho là đã khuyên cựu tổng thống hoãn thêm một lần nữa.
Ông Trump có thể thấy lợi thế nếu bước vào cuộc đua trước Ron DeSantis, thống đốc bang Florida, và Mike Pence, cựu phó tổng thống của ông. Sau kết quả tốt hơn mong đợi của đảng Dân chủ, tổng thống Joe Biden cũng muốn tranh cử lần nữa. Một cuộc tái đấu Biden-Trump sẽ là điều mà hầu như không ai trông đợi.
Chính phủ liên minh mới của Netanyahu
Vào thứ ba, 120 tân nghị sĩ của quốc hội Israel sẽ họp lần đầu tại Jerusalem. Nhưng hiện tại cựu thủ tướng Binyamin Netanyahu vẫn là lãnh đạo phe đối lập.
Ông Netanyahu đã có được thế đa số trong nghị viện mới. Hôm Chủ nhật tổng thống Isaac Herzog cũng đã trao cho ông sứ mệnh thành lập chính phủ. Nhưng con đường trở lại văn phòng thủ tướng của ông không hề đơn giản. Đầu tiên ông phải ký thỏa thuận liên minh với các đảng cực hữu và tôn giáo trong liên minh. Họ có một danh sách dài các yêu cầu, bao gồm các dự luật sẽ làm suy yếu Tòa Tối cao và giảm tài trợ cho các trường Do Thái. Những người theo đường lối cứng rắn cũng muốn kiểm soát các bộ quan trọng như quốc phòng, an ninh công cộng, giáo dục và tài chính. Nhiều người Israel sẽ phản đối. Sau một cuộc bầu cử trầy da tróc vẩy, ông Netanyahu sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát liên minh của mình.
Walmart vượt qua lạm phát thành công
Walmart sẽ công bố kết quả quý mới nhất vào thứ ba. Hồi đầu năm nay, gã khổng lồ siêu thị Mỹ đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ với một loạt cảnh báo lợi nhuận khi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng khác. Walmart đã phải bán bớt hàng tồn kho dư thừa với giá khuyến mãi và chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận. Thị trường ngay lập tức dự đoán được điềm xấu cho nền kinh tế.
Nhưng công ty đã phục hồi vững chắc. Giá cổ phiếu đã trở lại mức của tháng 1, ngay giữa lúc thị trường chứng khoán sụt giảm. Lạm phát giảm cũng làm nhẹ bớt áp lực lên ngân sách của khách hàng, dù vẫn đủ cao để kéo các khách hàng có điều kiện chuyển sang mua hàng giá rẻ ở Walmart. Ngoài ra tập đoàn cũng đang cứng rắn hơn với các nhà cung cấp và hạn chế tăng giá. Nói cách khác, một quý kinh doanh tốt cho Walmart không nhất thiết là một quý tốt cho tất cả mọi người.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hủy họp G20 sau khi dương tính với COVID-19
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Ba (15/11) đã hủy các cuộc họp mà ông dự kiến có tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, theo Reuters.
Trước đó, ông Hun Sen đã tiếp đón hơn một chục nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại một hội nghị thượng đỉnh ở Phnom Penh.
Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng ông có kết quả dương tính khi đến Indonesia, nhưng không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Ông Hun Sen đã có các cuộc gặp gỡ không đeo khẩu trang với các nhà lãnh đạo từ tám quốc gia Đông Nam Á cũng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Canada tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kết thúc vào Chủ nhật.
“Đồng bào yêu quý! Bây giờ tôi đã xét nghiệm dương tính với COVID-19”, ông viết trên Facebook, cho biết thêm rằng ông đã xét nghiệm hàng ngày kể cả trước khi bay tới G20 ở Bali, và tất cả các kết quả đều âm tính.
“Tôi không chắc nhiễm loại virus này khi nào, nhưng khi tôi đến, người Indonesia đã lấy mẫu bệnh phẩm của tôi vào buổi tối và đến sáng thì kết quả dương tính với COVID-19.”
Ông cho biết thật “may mắn” khi đến Bali muộn và bỏ lỡ bữa tối với các nhà lãnh đạo khác.
Ông cho biết vì lý do an toàn, phái đoàn Campuchia sẽ về nước vào thứ Ba, nghĩa là ông sẽ bỏ lỡ các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị cấp cao APEC ở Bangkok vào cuối tuần này.
Gia Huy (theo Reuters)
Bổ túc: Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ “cạnh tranh quyết liệt” với Trung Quốc..
Nhưng bác bỏ khái niệm “Chiến tranh Lạnh mới.” Ông đưa ra tuyên bố trên ngay sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali trước thềm thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong cuộc gặp ông Tập đã cảnh báo ông Biden không vượt “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Đài Loan.
Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết đòi Nga đền bù cho Ukraine
RFI: 15/11/2022 – Thùy Dương
Nghị quyết về việc đòi Nga phải bồi thường cho Ukraina đã được thông qua với đa số phiếu thuận tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 14/11/2022. Đây được xem là hòn đá tảng đầu tiên đặt nền móng cho việc quy trách nhiệm cho Nga trong vụ xâm lược nước láng giềng Ukraina.
94 nước đã bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống, trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba … Trong số 73 nước không tham gia bỏ phiếu, có Brazil, Ấn Độ, Israel và các nước châu Phi.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
« Tiêu đề nghị quyết rất rõ ràng : « Cuộc xâm lược Ukraina : các biện pháp yêu cầu và đền bù ». Mặc dù không mang tính bắt buộc và không đi vào chi tiết, nhưng nghị quyết, đặt ra vấn đề về việc cần đền bù, bồi thường cho những thiệt hại về người và vật chất mà cuộc xâm lược của Nga gây ra, ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc.
Văn bản gợi ý thiết lập một cơ chế quốc tế về bồi thường, đền bù, cũng như ghi nhận và thống kê các thiệt hại, với các tài liệu hỗ trợ, về các yêu cầu đòi bồi thường mà các thể nhân và pháp nhân hoặc đơn giản là Nhà nước Ukraina đưa ra. Việc này sẽ cho phép định lượng các khoản đền bù cho Ukraina.
Đại sứ Ukraina bên cạnh Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng có một cơ chế tương tự đã được áp dụng từ năm 1991 đến năm 2022, cho phép Kuweït nhận được 52,4 tỷ đô la tiền đền bù từ Irak sau vụ xâm lược hồi năm 1990. Nhưng đại sứ Ukraina cũng nói rõ rằng điều đó sẽ không thay thế cho công lý quốc tế. Tổng thống Ukraina Volodomyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Quốc và đăng tải trên Twitter : « Kẻ xâm lược sẽ phải trả giá cho những gì họ đã gây ra ».