Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ điều tàu chiến, máy bay tới gần Israel
09/10/2023 – Reuters
Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp: tàu USS Gerald R. Ford bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên từ Newport, Virginia, ngày 8 tháng 4 năm 2017. (Hải quân Hoa Kỳ qua AP)
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ phái nhiều tàu và máy bay quân sự đến gần Israel để thể hiện sự ủng hộ. Washington tin rằng cuộc tấn công mới nhất của Hamas có thể có động cơ nhắm phá vỡ khả năng bình thường hóa quan hệ Israel- Ả Rập Xê Út.
Các chiến binh Hamas xâm nhập và tấn công khắp các thị trấn của Israel gây ra một ngày đẫm máu nhất cho Israel trong mấy mươi năm hôm thứ Bảy 7/10. Israel đã tấn công người Palestine bằng các cuộc không kích ở Gaza hôm Chủ nhật, với hàng trăm người được cho là đã thiệt mạng ở cả hai bên. Bạo lực gia tăng có nguy cơ bắt đầu một cuộc chiến tranh lớn mới ở Trung Đông.
Bộ trưởng Austin cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp đạn dược cho Israel và hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Israel sẽ bắt đầu được triển khai ngay vào ngày Chủ nhật. Ông cho biết Lầu Năm Góc cũng sẽ bổ sung thêm máy bay chiến đấu tới khu vực.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm Chủ Nhật nói với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng viện trợ bổ sung cho Lực lượng Phòng vệ Israel đang trên đường tới Israel và sẽ có thêm nhiều viện trợ khác trong những ngày tới, Nhà Trắng cho biết tiếp theo sau cuộc điện đàm của hai ông.
Bộ trưởng Austin đã ra lệnh cho một nhóm tàu sân bay tấn công di chuyển đến gần Israel hơn. Ông nói trong tuyên bố: “Tôi đã ra lệnh cho Nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford di chuyển tới Đông Địa Trung Hải”.
Cuộc tấn công của Hamas vào rạng sáng thứ Bảy là cuộc tấn công lớn nhất và nguy hiểm nhất vào Israel kể từ khi Ai Cập và Syria phát động cuộc tấn công bất ngờ trong nỗ lực đòi lại lãnh thổ đã mất trong cuộc chiến Yom Kippur 50 năm trước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm Chủ nhật nói với CNN: “Không có gì ngạc nhiên khi một phần động cơ có thể là làm gián đoạn nỗ lực gắn kết Ả Rập Xê Út và Israel, cùng với các quốc gia khác có thể quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel”.
Hamas hôm thứ Bảy nói rằng cuộc tấn công được thúc đẩy bởi cái mà họ gọi là các cuộc tấn công leo thang của Israel nhằm vào người Palestine ở Bờ Tây, Jerusalem và chống lại người Palestine trong các nhà tù của Israel.
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đã nhấn mạnh các mối đe dọa đối với Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, việc Israel tiếp tục phong tỏa Gaza và việc Israel bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực.
Tháng trước, ông Netanyahu cho biết ông tin rằng Israel đang trên đà hòa bình với Ả Rập Xê Út, dự đoán rằng động thái này có thể định hình lại Trung Đông. Ả Rập Xê Út, quê hương của hai ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi, từ lâu đã nhấn mạnh quyền thành lập nhà nước của người Palestine như một điều kiện để công nhận Israel – điều mà nhiều thành viên trong liên minh tôn giáo dân tộc chủ nghĩa của ông Netanyahu từ lâu đã phản đối.
Hoa Kỳ hôm Chủ nhật nói rằng các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út -Israel sẽ tiếp tục bất chấp cuộc tấn công mới nhất.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jon Finer hôm Chủ nhật nói với Fox News: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có lợi cho cả hai nước nếu tiếp tục theo đuổi khả năng này”.
Ngoại trưởng Blinken nói thêm rằng Hoa Kỳ chu ý đến các báo cáo về một số người Mỹ bị giết và bắt cóc ở Israel, và Washington đang tìm cách xác minh các chi tiết và số liệu.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi nhận được báo cáo rằng một số người Mỹ đã thiệt mạng. Chúng tôi đang tích cực xác minh các thông tin đó”.
Ngoại trưởng Blinken coi cuộc tấn công vào Israel là một “cuộc tấn công khủng bố của một tổ chức khủng bố”.
Ông Blinken nói thêm rằng hầu hết lãnh thổ Israel hôm Chủ nhật tương đối yên tĩnh nhưng giao tranh dữ dội ở Gaza, một vùng đất của người Palestine bị Israel phong tỏa đã chứng kiến nhiều tuần biểu tình của các nhóm thanh niên do những bất bình lâu dài liên quan đến sự chiếm đóng của quân đội Israel, chủ nghĩa dân tộc Palestine và khó khăn kinh tế kéo dài.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Iran đứng sau vụ tấn công mới nhất ở Israel nhưng ông lưu ý mối quan hệ lâu dài giữa Iran và Hamas, lực lượng cai trị Gaza.
Mỹ cấp đạn dược cho Israel và tăng cường hiện diện quân sự ở đông Địa Trung Hải
Minh Anh /RFI – 09/10/2023
Chủ Nhật ngày 08/10/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm thứ hai với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm trấn an rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu gởi viện trợ quân sự đến Israel, nhấn mạnh một sự hậu thuẫn nhanh chóng với đồng minh truyền thống, bị Hamas đánh úp bất ngờ trong cuối tuần qua.
Tàu sân bay của Hoa Kỳ USS Gerald R. Ford đến Halifax vào ngày 28 tháng 10 năm 2022. Hôm 08/10, Lầu Năm Góc đã ra lệnh cử tàu này đến Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng hỗ trợ Israel. AP – Andrew Vaughan
Từ New York, thông tín viên đài RFI Loubna Anaki cho biết chi tiết :
« Trung thành với vai trò nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Israel, Washington huy động sức lực. Từ sáng thứ Bảy (07/10), giới chức Mỹ liên tục trao đổi với các đồng nhiệm Israel để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Hôm qua, tổng thống Biden một lần nữa cam kết rằng mọi thứ sẽ được thực hiện sao cho, xin trích, “Israel có thể tự vệ”.
Tổng thống Mỹ thông báo, gói hỗ trợ đầu tiên cho quân đội Israel đã lên đường, bao gồm trang thiết bị, vật liệu và đạn dược theo như thông cáo của Lầu Năm Góc. Phần viện trợ này đã được dự trù trong khuôn khổ gói hỗ trợ quân sự trị giá 3 tỷ đô la mà Washington cấp cho Israel mỗi năm.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ còn thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ củng cố hiện diện quân sự trong khu vực. Nhiều tầu chiến và một hàng không mẫu hạm Mỹ đã nhận được lệnh đến chốt tại Đông Địa Trung Hải. Sự hiện diện của các chiến đấu cơ cũng đã được tăng cường.
Nhà Trắng cho biết đang chuẩn bị một gói hỗ trợ quân sự bổ sung. Nhưng dự án cần phải được Quốc Hội chấp thuận và Hạ Viện thì đang bị khủng hoảng chính trị, do vậy, việc này đòi hỏi phải có thời gian. »
Khả năng chiến tranh kéo dài giữa Israel và Palestine
Xung đột giữa Israel và Hamas cũng như các cuộc không kích của Israel vào Gaza vẫn tiếp tục kéo dài đến Chủ nhật, một ngày sau khi các tay súng từ Gaza bất ngờ tấn công vào Israel. Hamas đã giết chết ít nhất 600 người Israel, trong đó có nhiều dân thường, và bắt giữ hàng chục con tin. Các quan chức Gaza cho biết không kích của Israel đã giết chết hơn 313 người Palestine tại đây và làm hơn 2.000 người bị thương. Hamas đã kêu gọi người Palestine và người Ả Rập nói chung “quét sạch” sự “chiếm đóng” của Israel khỏi các khu vực như Bờ Tây và Đông Jerusalem. Hizbullah, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, đã pháo kích vào các vị trí quân sự của Israel, cho thấy cuộc chiến đang mở rộng. Israel đã đáp trả lại bằng pháo binh.
Israel và Palestine đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của một cuộc chiến mới, vốn được châm ngòi bởi đòn tấn công bất ngờ của người Palestine hôm thứ Bảy. Các chiến binh Hamas, một nhóm Hồi giáo nắm quyền kiểm soát Gaza, đã xâm nhập vào lãnh thổ Israel. Israel đáp trả bằng không kích. Ít nhất 600 người Israel, với nhiều người là thanh niên đang dự một lễ hội âm nhạc gần biên giới, và 370 người Palestine được cho là đã thiệt mạng. Các mặt trận mới cũng đang mở ra: Hizbullah, một nhóm quân sự người Shia ở Lebanon, đã pháo kích vào Israel trong khi hai du khách Israel bị sát hại ở Ai Cập.
Giai đoạn đối đầu tiếp theo được nhiều người dự đoán là một cuộc tấn công lớn trên bộ của Israel. Israel đang chuẩn bị một lực lượng lớn bộ binh và thiết giáp tại các căn cứ ở phía nam. Hoạt động sơ tán dân thường khỏi các thị trấn gần biên giới với Gaza dự kiến sẽ kết thúc vào sáng thứ Hai. Chính phủ đã trao cho thủ tướng Binyamin Netanyahu quyền tiến hành chiến tranh. Và bản thân ông đã dự đoán một cuộc chiến “dài và khó khăn” phía trước.
Động đất làm trầm trọng khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan
Hàng loạt trận động đất cuối tuần qua đã tàn phá khắp miền tây Afghanistan. Các quan chức Taliban, khi khảo sát thiệt hại ở tỉnh Herat, gần biên giới với Iran, ước tính số người chết lên đến hơn 2.000 người. Các đội cứu hộ, làm việc suốt đêm, đang miệt mài đào qua đống đổ nát bằng bùn và gỗ của hàng chục ngôi làng bị tàn phá bởi hai trận động đất mạnh 6,3 độ.
Afghanistan thường xuyên xảy ra động đất; lần trước đó vào tháng 6 năm 2022 đã giết chết hơn 1.000 người, đưa nó trở thành trận động đật chết chóc nhất trong hai thập niên. Những thảm họa như vậy làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khổ của người Afghanistan kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm 2021.
Trước thảm họa mới nhất, khoảng 29 triệu người – 70% dân số – được ước tính cần viện trợ nhân đạo. Liên Hợp Quốc cho biết người Afghanistan cần viện trợ hơn 3 tỷ USD trong năm nay. Nhưng cho tới nay tổ chức này chỉ mới huy động được một phần tư số đó. Người nước ngoài, vẫn còn bị sốc sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn ở Kabul sụp đổ, tỏ ra không sẵn sàng can dự.
Hôm nay công bố giải Nobel Kinh tế
Vào thứ Hai, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay. Giải thưởng này đôi khi được gọi vui là Nobel nhái vì Alfred Nobel không hề lập ra nó. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tạo ra giải thưởng này để tưởng nhớ ông vào năm 1968. Trong bài phát biểu nhận giải năm 1974, Friedrich Hayek đã nói ông lo ngại giải thưởng sẽ gây cho người ta ấn tượng là các lý thuyết kinh tế có cùng mức độ bằng chứng ủng hộ như các lý thuyết trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên như vật lý.
Ai có thể thắng lần này? Danh sách những người đã nhận giải có một số manh mối: gần 80% người chiến thắng sống ở Mỹ; tất cả trừ hai là đàn ông; và nhiều khả năng họ đã từng làm việc tại Đại học Chicago. Không như các lĩnh vực khác, giải kinh tế được trao cho thành tựu nghiên cứu cả sự nghiệp hơn là cho những khám phá cụ thể. Do đó, tuổi trung bình của người thắng giải lên đến 67, cao nhất trong các giải Nobel.
Thượng đỉnh Pháp-Đức diễn ra ở Hamburg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp nhau vào thứ Hai cùng với nội các của họ. Họ sẽ trú qua đêm tại một khách sạn ở Hamburg, thành phố cảng nơi ông Scholz từng là thị trưởng. Hai phái đoàn dự kiến sẽ thảo luận về tác động của công nghệ đối với xã hội và trí tuệ nhân tạo. Nhưng cũng sẽ có nhiều thời gian giải lao, bao gồm chuyến đi thuyền trên sông Elbe và đi bộ dọc bờ sông.
Quan hệ hai nước đang cần kiểu tình huynh đệ thoải mái này. Pháp và Đức trở nên căng thẳng kể từ khi ông Scholz lên nắm quyền vào năm 2021. Hai bên bất đồng về chính sách an ninh, năng lượng và tài chính. Những vấn đề cấp bách đó có thể sẽ xuất hiện trở lại tại cuộc họp tới đây, nhất là khi EU phải thống nhất các quy tắc tài chính của mình, vốn bị đình chỉ trong đại dịch Covid, cũng như cách cải tổ thị trường điện chung. Nhưng chỉ một ngày gặp mặt có lẽ là không đủ để hai bên đạt được thỏa hiệp
Tổng thống Biden xem xét gói viện trợ khổng lồ 100 tỷ USD cho Ukraine
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 21/9/2023 tại Washington, DC. (Nguồn ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang mưu đồ đột phá rào cản của đảng đối lập bằng luật ngân sách khổng lồ 100 tỷ USD viện trợ cho chiến trường Ukraine, “một lần là xong” từ nay cho đến bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, tờ báo Anh quốc Telegraph báo cáo hôm 7/10, dẫn nguồn tin giấu tên.
Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về vấn đề tiếp tục tài trợ cho chính quyền Kiev, mặc dù luật ngân sách chính phủ tạm 45 ngày đã được thông qua, nhưng không bao gồm khoản nào cho Ukraine, và một chủ tịch tạm đương quyền Hạ viện được lập nên sau khi ông Kevin McCarthy bị phế truất khỏi vị trí này.
Đây là vấn đề nổi lên từ mấy tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn có được luật ngân quỹ tới 24 tỷ đô la cho Ukraine. Nhưng tiếp đó, chiến dịch trì trệ ở chiến trường, các khảo sát cho thấy người Mỹ không muốn chính phủ của họ tiếp tục viện trợ mới cho Ukraine, và đã dẫn đến một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa theo đường lối “cứng rắn” đã mạnh mẽ phản đối chi tiêu cho Ukraine, và muốn Mỹ đặt trọng tâm vào dân Mỹ. Rốt cuộc đề xuất khoản 24 tỷ đã không được thông qua và xuất hiện bế tắc này ở Quốc hội Mỹ dẫn tới nguy cơ Mỹ gián đoạn dòng vũ khí và tiền bạc viện trợ cho chính quyền Kiev.
Telegraph loan tin rằng ông Biden đang tìm cách đột phá tình huống này, bằng cách tiếp cận mới: Thúc đẩy một dự luật ngân sách khổng lồ 100 tỷ đô la “làm một lần là xong”, tính cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vào 2024.
Nó sẽ là gói tài trợ lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ viện trợ quân sự và phi quân sự trong tình huống tương tự, theo nhận định của tờ báo Anh quốc, nếu nó được thông qua. Theo tờ báo, cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ vào năm tới có thể sẽ là một thử thách không nhỏ đối với Tổng thống Biden, và cách làm này của ông Biden là để đảm bảo tốt hơn cho chiến tranh trong tình huống bầu cử bất lợi cho ông.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo NATO và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã bày tỏ lo ngại tình huống Mỹ có thể gián đoạn viện trợ. Khi đó gánh nặng chi phí chiến tranh và bộ máy hành chính Kiev sẽ đặt lên vai của các đồng minh Châu Âu, những quốc gia phải chi ít nhất 2,7 tỷ đô la hàng tháng để bù vào ngân sách thiếu hụt, và chỉ có các kho vũ khí nhỏ hơn rất nhiều so với Mỹ.
Một số quan chức tin rằng việc thông qua một gói duy nhất, có thể lên tới 100 tỷ USD, là giải pháp cho chính quyền Biden cơ hội tốt nhất để đảm bảo dòng viện trợ cuộc chiến cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ông Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa và hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu khác đã nhiều lần công kích ông Biden về cuộc chiến, cho rằng tiền nên được chi cho các ưu tiên trong nước, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt và an ninh biên giới.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy người dân Mỹ đồng tình với lập luận đó.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm Thứ Năm cho thấy 41% tổng số cử tri ủng hộ việc Mỹ gửi vũ khí tới Kiev, tức là ủng hộ cho chủ trương chiến tranh của Biden lại tiếp tục giảm từ mức 46% vào tháng Năm.
Ngay cả trong Đảng Dân chủ, ủng hộ cũng giảm, ở mức giảm mạnh nhất với tận 9 điểm phần trăm, chỉ xuống còn 52%.
Tranh cãi mới nhất về chi tiêu tại Hạ viện đã buộc ông Kevin McCarthy, Chủ tịch Đảng Cộng hòa, phải từ chức.
Theo hai người thạo tin nói với Telegraph, sự ra đi của ông McCarthy có thể khiến ông Biden gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục yêu cầu Quốc hội bổ sung chi tiêu định kỳ, cho nên ông buộc phải thay đổi cách tiếp cận.
Một quan chức chính quyền Mỹ nói với Telegraph rằng Nhà Trắng “không đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc có nên thực hiện một gói lớn hay số tiền sẽ là bao nhiêu” cho đến sau cuộc bầu cử thay thế ông McCarthy, dự kiến sẽ bắt đầu vào Thứ Tư.
Nhưng họ cho biết một gói lớn tài trợ cho cuộc chiến cho đến tháng 11/2024 là “một lựa chọn” đang được xem xét.
Dự luật chi tiêu Ukraine “làm một lần là xong” sẽ bị một số đảng viên Cộng hòa phản đối và có thể yêu cầu ông Biden nhượng bộ về kiểm soát biên giới và các quan điểm cánh hữu khác để đổi lấy yêu cầu của ông được chủ tịch mới đưa ra bỏ phiếu.
Nếu một cuộc bỏ phiếu đến sàn Hạ viện, nó có thể có khả năng được thông qua với sự ủng hộ của hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ và khoảng một nửa số đại diện Đảng Cộng hòa.
Nguồn tài trợ của Ukraine cũng nhận được sự ủng hộ của đa số thượng nghị sĩ.
Trong khi đó, nữ dân biểu Mỹ Lauren Boebert, một trong những đảng viên Đảng Cộng hòa từng chỉ trích chính sách Ukraine của Biden, đã đề xuất trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Sáu rằng tân chủ tịch Hạ viện có thể phải cam kết phản đối việc chuyển thêm tài trợ cho Kiev. Bà lưu ý rằng đa số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu chống lại dự luật viện trợ Ukraine trị giá 300 triệu USD vào tuần trước.
“Lần đầu tiên, chúng tôi thấy rằng chỉ riêng nguồn tài trợ của Ukraine không nhận được sự ủng hộ của đa số,” bà Boebert nói với người dẫn chương trình podcast của Mỹ Steve Bannon. “Bất kỳ chủ tịch [Hạ viện] nào cũng phải thừa nhận điều đó và không cấp thêm tài chính cho Ukraine để lên sàn. Chúng tôi thực sự mệt mỏi khi phải chi tiêu số tiền đó.”
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2/2022, Quốc hội đã phê duyệt 4 gói ngân sách chiến tranh với tổng trị giá khoảng 113 tỷ USD.
Trong số đó, khoảng 73 tỷ USD đã được chuyển trực tiếp đến Kiev bằng tiền mặt hoặc dưới dạng vũ khí lấy từ kho dự trữ của Mỹ.
Gói lớn nhất trị giá 45 tỷ USD đã được thông qua vào tháng 12/2022 nhưng rất nhanh sẽ cạn kiệt hết.
Nhật Tân
Động đất ở Afghanistan, ít nhất 2.445 người thiệt mạng, số thương vong còn tăng
09/10/2023
Người dân Afghanistan khiêng thi thể một đứa trẻ sau trận động đất ở huyện Zenda Jan, tỉnh Herat, miền tây Afghanistan, ngày 8 tháng 10 năm 2023.
Chính quyền Taliban hôm Chủ nhật 8/10 cho hay hơn 2.400 người đã thiệt mạng trong các trận động đất kinh hoàng nhất trong nhiều năm tại Afghanistan, quốc gia nhiều núi non và thường xuyên xảy ra động đất.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trận động đất hôm thứ Bảy ở miền tây Afghanistan, cách thành phố Herat 35 km về phía tây bắc, với cường độ 6,3 độ richter.
Đây là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất thế giới trong năm nay. Trước đó vào tháng Hai, các trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng.
Phát ngôn viên Janan Sayeeq của Bộ Thảm họa nói trong một tin nhắn gửi cho Reuters rằng số người chết đã tăng lên 2.445 người, nhưng ông đã điều chỉnh giảm số người bị thương xuống “hơn 2.000”. Trước đó, ông cho biết có 9.240 người bị thương.
Ông Sayeeq cũng cho biết 1.320 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy. Số người chết tăng vọt từ 500 người được hội Trăng lưỡi liềm đỏ báo cáo trước đó hôm Chủ nhật.
Ông Sayeeq nói trong một cuộc họp báo rằng có 10 đội cứu hộ đang có mặt ở khu vực giáp biên giới Iran.
Ông Suhail Shaheen, người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban ở Qatar, nói trong một thông điệp gửi tới giới truyền thông rằng thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo và lều là những thứ cần thiết khẩn cấp để cứu hộ và cứu trợ.
Được bao bọc bởi những ngọn núi, Afghanistan từng có lịch sử xảy ra các trận động đất mạnh, nhiều trận động đất ở khu vực Hindu Kush hiểm trở giáp biên giới Pakistan.
Số người chết thường tăng lên khi có thông tin từ những vùng xa xôi hơn của một quốc gia nơi hàng thập kỷ chiến tranh đã khiến cơ sở hạ tầng rơi vào tình trạng hỗn loạn và các hoạt động cứu trợ, cứu hộ khó tổ chức và thực hiện.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài, đã phải đối mặt với sự cắt giảm đến tê liệt trong hai năm qua kể từ khi Taliban tiếp quản chính phủ và nhiều hỗ trợ quốc tế, vốn hình thành nên xương sống của nền kinh tế, đã bị dừng lại.
Tòa án Tối cao Myanmar bác đơn kháng cáo của bà Suu Kyi
08/10/2023
Bà Aung San Suu Kyi
Tòa án Tối cao của chính quyền quân sự Myanmar bác đơn kháng cáo sáu bản án tham nhũng đối với cựu lãnh đạo đang bị cầm tù Aung San Suu Kyi.
Bà Suu Kyi, bị giam giữ kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà trong cuộc đảo chính năm 2021, phải đối mặt với 27 năm tù. Bà đang kháng cáo hàng chục bản án về các tội danh từ phản quốc, hối lộ cho đến vi phạm luật viễn thông.
Bà Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính và cuộc đàn áp của chính quyền quân sự đối với những người đối lập, với hàng ngàn người bị bỏ tù hoặc bị giết. Nhiều chính phủ trên thế giới kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Suu Kyi và hàng nghìn tù nhân chính trị khác ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người phát ngôn của chính quyền Myanmar không trả lời điện thoại của Reuters yêu cầu bình luận hôm Chủ nhật.
Tòa án vào tháng 8 đã bác bỏ 5 đơn kháng cáo của bà Suu Kyi về việc nhập khẩu và sở hữu trái phép máy bộ đàm, xúi giục nổi loạn và vi phạm các quy định về chống dịch Covid-19.
Chính quyền quân phiệt gần đây đã ân xá một phần, giảm bớt sáu năm tù giam cho bà, một động thái mà những người chỉ trích, bao gồm cả con trai bà, cho rằng chẳng có ý nghĩa gì.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói “bạo lực giữa Hamas-Israel có lợi cho Nga”
BBC News
09/10/2023
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Hỏa tiễn của Hamas bắn từ Gaza sang đất Israel
Làn sóng bạo lực vừa nổ ra giữa Hamas và Israel “chắc chắn có lợi cho Nga và nỗ lực chiến tranh của họ ở Ukraine,” Tổng thống CH Ba Lan, ông Andrzej Duda phát biểu hôm Chủ Nhật.
Theo ông Duda, Nga “hưởng lợi từ chỗ sự chú ý của cộng đồng quốc tế về cuộc xâm lược ở Ukraine bị hướng sang Trung Đông”.
Tổng thống Ba Lan cũng tin rằng xung đột nổ ra cuối tuần qua “có thể gây ra thêm sức ép về di dân vào châu Âu”, theo Reuters trích lời nhà lãnh đạo Ba Lan.
Theo bài của hãng tin Anh hôm 08/10, một ngày sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, ông Duda nói với đài Ba Lan Polsat News, rằng “hẳn sẽ có thêm làn sóng di dân vào châu Âu”.
Tuy thế, Ba Lan nhất quyết không chấp nhận chia sẻ trách nhiệm nhận di dân vào EU.
Trước đây, chính phủ cánh hữu ở Ba Lan đã cho rào biên giới khi những làn sóng người Trung Đông từ Belarus tìm cách tràn vào.
Các chính khách Ba Lan nói chế độ Aleksandr Lukashenko ở Belarus dùng di dân như một thứ vũ khí để tạo bất ổn ở biên giới phía Đông của họ. Một số đài báo Ba Lan ghi cảnh các nhóm đàn ông Trung Đông được Belarus chở ra biên giới, cung cấp đá, gậy để đập phá hàng rào và tìm cách trèo vào lãnh thổ Ba Lan. Belarus bác bỏ chuyện đó.
Nay, một tuần trước bầu cử Quốc hội ở Ba Lan (15/10), ông Duda nói “sức ép sẽ lại đến từ vấn đề biên giới” và ông cam kết hợp tác với EU và các nước trong khối tự do đi lại Schengen để giải quyết vấn đề.
Tại cuộc bầu cử tuần tới, ngoài việc chọn ra các nghị sĩ vào Quốc hội, cử tri Ba Lan còn được hỏi về vấn đề di dân và hàng rào ở biên giới với Belarus.
Công dân nước ngoài thiệt mạng
Ba Lan không có công dân bị chết hoặc bị bắt trong vụ Hamas đánh vào Israel.
Chính phủ Ba Lan tuy vậy vẫn cử máy bay sang đón công dân của họ từ Israel muốn hồi hương.
Ukraine cho biết có hai phụ nữ là công dân của họ thiệt mạng tại Israel hai ngày qua.
Theo BBC News, tính đến đầu giờ sáng ngày 9/10, có trên 700 người đã bị giết ở Israel, gồm 260 người bị các tay súng Hamas bắn chết ở một lễ hội âm nhạc.
Cùng thời gian, Bộ Y tế Gaza cho hay có 511 người bị giết, 2.750 người bị thương trong các cuộc bắn hỏa tiễn Israel thực hiện, nhắm vào vùng này từ thứ Bảy.
Một số quốc gia khác, gồm Hoa Kỳ, Anh và Đức cho hay công dân họ bị giết, bắt cóc hoặc mất tích.
Hoa Kỳ cho hay 10 công dân Mỹ bị giết.
Nguồn hình ảnh, Damti family
Chụp lại hình ảnh,
Kim Damti, 22 tuổi, song tịch Ireland và Israel hiện nằm trong số người bị coi là mất tích sau vụ tấn công của Hamas hôm thứ Bảy, gia đình cô nói với đài BBC.
Trong số các nước châu Á, có 12 công dân Thái Lan bị giết và 11 người khác nằm trong số con tin bị Hamas cầm giữ sau vụ tấn công vào Israel cuối tuần qua.
Tám công dân Thái Lan khác nữa bị thương trong đợt bạo lực xảy ra từ thứ Bảy tuần qua, Bộ Ngoại giao Vương quốc Thái Lan cho biết.
Chính quyền Thái Lan cũng nói họ cử không quân đưa máy bay sang đón công dân của mình hồi hương.
Có tới 30 nghìn người Thái Lan làm việc trong ngành nông nghiệp Israel, với số đông ngay tại khu biên giới với Gaza.
Nepal cho hay 10 công dân của họ bị giết sau vụ Hamas đánh vào Israel.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c14vw9jgdq2o
Giá dầu tăng 4% ngày đầu tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Khai thác dầu khí – hình minh họa
4 giờ trước
Giá dầu thô Brent vừa tăng thêm 2,5 USD một thùng, lên 87,05 USD và giá dầu tại Mỹ cũng lên.
Dù Israel và các vùng đất Palestine không sản xuất ra dầu nhưng đều nằm trong vùng Trung Đông vốn là nơi chung cấp gần 1/3 sản lượng dầu thô của thế giới.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel là sự kiện bạo lực leo thang lớn nhất giữa hai bên từ nhiều thập niên qua.
Các hãng thông tấn sáng thứ Hai cho hay phải ứng của thị trường ngay lập tức đẩy giá dầu thô lên.
Trong khi các quốc gia phương Tây đồng loạt lên án cuộc tấn công của tổ chức vũ trang Palestine Hamas mà nhiều quốc gia gồm Hoa Kỳ gọi là “khủng bố”, một phát ngôn viên của Hamas nói với đài BBC họ “có sự ủng hộ trực tiếp của Iran”.
Iran hiện là một trong số các nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Thế nhưng, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm Chủ Nhật ở New York, Tehran bác bỏ chuyện họ có dính líu đến cuộc tấn công của Hamas, theo Reuters.
Cùng lúc, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bày tỏ sự ủng hộ cuộc tấn công của Hamas đánh vào lãnh thổ Israel hôm 07/10.
Một chuyên gia về năng lượng, ông Saul Kavonic nói với đài BBC rằng giá dầu trên thị trường tăng lên vì “viễn cảnh lan rộng của xung đột tới các nước sản xuất dầu chủ chốt trong vùng, như Iran và Ả Rập Saudi”.
Sáng thứ Hai tuần này, giá dầu thô West Texas Intermediate ở Hoa Kỳ cũng tăng thêm 2,70 USD, lên 85,50 USD.
Đồng bảng mất giá
Tại Anh Quốc, chưa cần có khủng hoảng mới nhất ở Trung Đông thì giá dầu đã cao.
Theo BBC News, giá năng lượng, gồm xăng dầu, tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, chủ yếu vì thị trường biến động sau cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.
Cuối 2022 giá xăng dầu tại Anh có giảm để rồi lại vừa lên trong hai tháng qua.
Lần tăng cuối cùng là vì Ả Rập Saudi và Nga đồng ý giảm sản lượng dầu bán ra vào tháng 8/2023.
Từ đầu tháng 10, giá dầu diesel mà người chạy xe hơi, xe tải ở Anh phải trả tăng từ 1,54 lên 1,63 bảng/lít.
Giá xăng trung bình lên tới 1,60 bảng/lít nhưng các trạm xăng cạnh xa lộ có chỗ bán giá 1,83 bảng/lít, theo chuyên trang ngành xe cộ RAC.
Với nền kinh tế và người tiêu dùng tại Anh, giá dầu xăng họ phải trả đã tăng lên còn vì đồng bảng (sterling) yếu đi so với đô la Mỹ, tiền tệ dùng trong buôn bán dầu khí trên thị trường thế giới.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Giá xăng dầu bán lẻ tại Anh lại vừa tăng lên, có nơi tới 1,83 bảng/lít xăng
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2388v7ll5o