Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung : Vẫn đối đầu gay gắt trên vấn đề Đài Loan. RFI

Share this post on:

Điện đàm Mỹ-Trung: Ông Biden nêu vấn đề nhân quyền, ông Tập cảnh báo về ‘lằn ranh đỏ’ Đài Loan. VOA

16/11/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden từ Nhà Trắng, Washington, họp qua video với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình), ngày 15/11/2021. REUTERS – JONATHAN ERNST 

Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến diễn ra sáng nay, 16/11/2021, theo giờ Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đối đầu gay gắt với nhau trên vấn đề Đài Loan. 

Nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi đồng nhiệm Hoa Kỳ không nên « đùa với lửa » trong hồ sơ Đài Loan, trong khi tổng thống Mỹ một lần tuyên bố chống lại việc thay đổi một cách đơn phương nguyên trạng của hòn đảo mà Bắc Kinh xem là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Từ Washignton, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình :

« Tập Cận Bình và Joe Biden đã quen biết nhau từ lâu. Trước đây, khi còn chưa lên nắm quyền lãnh đạo tối cao, hai ông đã từng nói chuyện với nhau hàng giờ. Cho nên, họ đã một lần nữa nói chuyện với nhau đến gần 4 tiếng đồng hồ. 

Nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc có tỏ vẻ vồn vả với người « bạn cũ » thì cũng hoài công, vì quan hệ cá nhân và những lời lẽ thân mật giữa hai ông vẫn không có nghĩa lý gì so với các lợi ích của hai cường quốc đối địch. 

Thông cáo của Nhà Trắng sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến này đã đi thẳng vào vấn đề, nêu bật những quan hệ rất phức tạp giữa hai quốc gia và nói rất rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và các giá trị của mình cùng với các đồng minh và để bảo đảm là hệ thống thế giới được tự do, rộng mở và công bằng.

Tiếp đến Nhà Trắng liệt kê những điểm bất đồng với Bắc Kinh : nhân quyền, thương mại, bảo vệ tự do hàng hải. Về Đài Loan, vấn đề chủ yếu gây căng thẳng giữa hai cường quốc, tổng thống Joe Biden một lần nữa tuyên bố chống lại mọi thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương, trong khi Bắc Kinh thì liên tục biểu dương sức mạnh đối với hòn đảo này. 

Thông cáo của Nhà Trắng tỏ ý muốn có những biện pháp ngăn ngừa để tránh cho cuộc tranh đua giữa hai nước biến thành xung đột. Tuy không giúp làm giảm căng thẳng, thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden ít ra đã là dịp để hai bên giải thích về mối căng thẳng này. »

Bắc Kinh: Mỹ “đùa với lửa” 

Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc thượng đỉnh với tổng thống Joe Biden, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố : « Nhà cầm quyền Đài Loan đã nhiều lần muốn dựa vào Hoa Kỳ để đòi độc lập và một số người ở Mỹ muốn dùng Đài Loan để kềm chế Trung Quốc ». Theo lãnh đạo họ Tập, « đây là một xu hướng rất nguy hiểm, chẳng khác gì đùa với lửa. »

Hãng tin AFP cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, tổng thống Biden cũng đã bày tỏ quan ngại về chính sách của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông và về tình hình nhân quyền nói chung. Ông cũng chỉ trích những biện pháp về thương mại và kinh tế « không công bằng » của Trung Quốc.

RFI

Điện đàm Mỹ-Trung: Ông Biden nêu vấn đề nhân quyền, ông Tập cảnh báo về ‘lằn ranh đỏ’ Đài Loan 

Reuters 

16/11/2021

Tổng thống Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 15/11/2021.

Tổng thống Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 15/11/2021. 

Trong cuộc điện đàm dài hơn 3 giờ hôm 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cách thực thi nhân quyền của Bắc Kinh, còn Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đáp trả các hành động khiêu khích về Đài Loan, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề Triều Tiên, Afghanistan, Iran, thị trường năng lượng toàn cầu, thương mại và cạnh tranh, khí hậu, các vấn đề quân sự, đại dịch và các lĩnh vực khác mà họ thường xuyên bất đồng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập, người chưa bao giờ đi ra khỏi nước kể từ khi dịch COVID-19 lây lan trên toàn thế giới gần hai năm trước, đã ví hai nước như “hai con tàu khổng lồ đang đi trên biển” cần được lèo lái vững vàng để không va đụng nhau.

“Thưa Tổng thống, tôi hy vọng rằng ngài có thể thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị để đưa chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ trở lại đường hướng hợp lý và thực tế”, ông Tập nói với ông Biden, theo Tân Hoa xã.

Ông Biden cũng nói về việc tránh xung đột.

“Đối với tôi, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ là đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai quốc gia của chúng ta không trở thành xung đột, cho dù có chủ đích hay ngoài ý muốn”, ông Biden nói trong một cuộc trao đổi ngắn mà các phóng viên Mỹ quan sát. “Đơn giản thôi, cạnh tranh ngay thẳng.”

Hai nhà lãnh đạo đã có một “cuộc tranh luận lành mạnh”, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết sau đó. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc thực hiện các cam kết về thương mại như đã được đàm phán với Tổng thống Donald Trump, người tiền nhiệm của ông Biden, quan chức Mỹ cho biết.

Truyền thông Trung Quốc loan tin ông Tập Cận Bình điện đàm với ông Joe Biden.

Truyền thông Trung Quốc loan tin ông Tập Cận Bình điện đàm với ông Joe Biden. 

Trung Quốc hiện chưa thực hiện đầy đủ cam kết mua thêm 200 tỷ đôla hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, nhưng các quan chức Trung Quốc cho biết ông Tập nói với ông Biden rằng điều quan trọng là tránh chính trị hóa vấn đề thương mại.

Những khác biệt rõ ràng về vấn đề Đài Loan vẫn còn, điều này thể hiện rõ sau cuộc điện đàm.

Trong khi Biden nhắc lại sự ủng hộ lâu nay của Hoa Kỳ đối với chính sách “Một Trung Quốc”, theo đó Washington chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, và ông cũng “cực lực phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan,” Nhà Trắng cho biết.

Ông Tập nói những người ở Đài Loan đòi độc lập và những người ở Hoa Kỳ ủng hộ họ đang “đùa với lửa”, theo Tân Hoa xã.

“Trung Quốc kiên nhẫn và tìm kiếm sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực to lớn, nhưng nếu những người ly khai Đài Loan khiêu khích, hoặc thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp kiên quyết,” ông Tập nói.

Một quan chức Mỹ cho biết “không có gì mới được thiết lập dưới hình thức bảo vệ hoặc bất kỳ thỏa thuận nào” về Đài Loan, mặc dù ông Biden đã nêu ra “những lo ngại rất rõ ràng”.

Ông Tập phản đối những nỗ lực của Washington nhằm tạo thêm không gian cho Đài Loan trong hệ thống quốc tế, và những bình luận gần đây của ông Biden rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong một số trường hợp nhất định cũng làm gia tăng căng thẳng.

Phản hồi về cuộc điện đàm này, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ hy vọng rằng Trung Quốc có thể đảm nhận “trách nhiệm chung” của mình là duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại.

Ông Biden cũng nêu ra các vấn đề khác mà Bắc Kinh coi là mối quan tâm trong nước của Trung Quốc, bao gồm việc hành xử ở Tây Tạng, Hong Kong và Tân Cương, nơi các chính sách của Trung Quốc thường xuyên bị các nhóm nhân quyền nước ngoài chỉ trích.

Ông Biden và ông Tập chưa có cuộc gặp mặt trực tiếp nào kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, và lần gần nhất hai ông nói chuyện qua điện thoại là vào tháng 9.

VOA