Tiểu luận về các học thuyết. Sức mạnh của AI

Share this post on:

Bước rẽ hướng: Đảng cộng sản Trung Quốc và thung lũng Silicon đang hoạt động cho một tương lai hậu nhân loại

Nguồn:Bifurquer: Le parti communiste chinois et la Silicon Valley travaillent à un avenir post-humain“, Le Grand Continent, 24.3.2022.

Phạm Như Hồ dịch

Ở đâu đó trong sự thống trị vô hình của các dữ liệu, các nhà khoa học máy tính tại MIT đang hiện thực hóa giấc mơ của các pháp gia Trung Quốc. Vẫn có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của gọng kìm này: chúng ta phải nghĩ đến một nghệ thuật sống trực tuyến của châu Âu.

Một tiểu luận về học thuyết của Giuliano da Empoli.

Giuliano da Empoli[*]

***

Sau mười điểm giới thiệu của Victor Storchan, tiểu luận về học thuyết này của Giuliano da Empoli là tập đầu tiên của loạt bài “Sức mạnh của AI” của chúng tôi, các tập sau sẽ được xuất bản vào mỗi thứ Sáu hàng tuần trên Le Grand Continent.

Với đèn giao thông thông minh, thiết bị phát hiện ô nhiễm được điều chỉnh tốt, chiều kích vị lai thú vị của nó, thành phố thông minh (smart city) chỉ để lộ bộ mặt thật của nó khá muộn.

Vào một ngày tháng 8 năm 2019, người Hồng Kông đã phát hiện ra mục đích thực sự của các camera chụp ảnh nhiệt, các thiết bị rà soát Bluetooth, các cảm biến đỗ xe và các điểm truy cập Wi-Fi. Sau đó, họ bắt đầu bọc thẻ ID của mình trong giấy nhôm, tháo pin khỏi điện thoại và đánh lừa sự cảnh giác của các máy ảnh bằng cách bắn tia laser vào chúng.

Cuộc vận động của Hồng Kông chống lại việc ĐCSTQ dần dần nắm quyền ở thuộc địa cũ của Anh đã tạo ra một số hình ảnh mang tính biểu tượng. Một bức ảnh cho thấy một người biểu tình tấn công một trong những “cây đèn đường thông minh” mới do chính quyền thành phố lắp đặt bằng cưa cột điện. Đầu tiên, chúng ta thấy một đám tia lửa, sau đó những người biểu tình khác luồn một nút thắt quanh cột đèn để cuối cùng hạ nó xuống, giữa tiếng hò reo chiến thắng của đám đông. Số phận đáng buồn cho một vật thể nhân tạo được cho là sẽ làm cho công dân “hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, thông minh hơn và thịnh vượng hơn” như đã nêu trong “Kế hoạch về thành phố thông minh” (“Smart City Blueprint”) do chính quyền Hồng Kông công bố vào năm 2017[1]. Tuy nhiên, sự thay đổi của Hồng Kông có thể có một điều gì đó thiết yếu để cho chúng ta biết về bản chất thực sự của thời đại mà chúng ta đang sống.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 trông giống như một sự biểu lộ hơn là một cuộc cách mạng: nó đã làm nổi bật và thúc đẩy các xu hướng đã biểu hiện trên quy mô toàn cầu, nhưng chưa nhất thiết được nhìn thấy. Mặc dù đã bắt đầu được một thời gian, nhưng sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc đối kháng thực sự, mang một mô hình toàn cầu thay thế cho nền dân chủ tự do kiểu phương Tây, đã trở thành một điều hiển nhiên.

Trong cuộc khủng hoảng y tế, cuộc chiến giữa những câu chuyện về cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã diễn ra với mức độ chưa từng có. Đây không chỉ là vấn đề “thuật lại một cách tốt đẹp phiên bản Trung Quốc”, theo mong muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình, thông qua mạng lưới các phương tiện truyền thông chính thống trên thế giới do Đảng tài trợ, mà còn là việc áp dụng các kỹ thuật quen thuộc về chiến tranh thông tin của chế độ của Vladimir Poutine, sự lan truyền tin giả (fake news) và các thuyết âm mưu trên các mạng xã hội.

Về phía Mỹ, sau những phát biểu của Donald Trump về “virus Trung Quốc”, Joe Biden đã sử dụng lại logic đối đầu toàn diện, vốn cấu trúc hóa bài phát biểu quan trọng của ông trước Quốc hội vào ngày 28 tháng 4 năm 2021. Hình dung trước một sự đối đầu lịch sử giữa chế độ dân chủ và chế độ chuyên chế, Tổng thống Hoa Kỳ đã kêu gọi tổ chức một “Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ” để đoàn kết lực lượng của các quốc gia chống lại thách thức của chế độ chuyên chế. Ngắn gọn là Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc. “Những nước khác [Nga, Châu Âu] là rau rác”, để sử dụng thuật ngữ của Tướng de Gaulle.

Bí mật của kỹ thuật số

Tuy nhiên, Hồng Kông và các thiết bị thân thiện của thành phố thông minh toàn cầu biến thành công cụ đàn áp, kể cho chúng ta một câu chuyện phức tạp hơn. Đây hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt: tính giả dối/hai mặt, đặc trưng cho các cơ sở hạ tầng đô thị này, là phổ biến đối với tất cả các công nghệ kỹ thuật số. Cho đến nay, chúng ta đã quen với việc chức năng thực sự của các công cụ trùng khớp với chức năng bề ngoài của chúng: búa dùng để đóng đinh, đồng hồ để xem giờ và máy hút bụi dùng để hút bụi. Tuy nhiên, các công cụ kỹ thuật số đã chiếm một phần quyết định trong cuộc sống của mỗi chúng ta lại đang làm đảo lộn hình ảnh này.

Chức năng thực sự của Google không phải là tìm kiếm thông tin trên Internet. Chức năng thực sự của Facebook không phải là cho phép bạn bè giữ liên lạc. Chức năng thực sự của Tinder không phải là giúp những người độc thân có được thời gian vui vẻ. Chức năng thực sự của hàng nghìn công cụ này mà chúng ta ngày càng phụ thuộc là thu thập dữ liệu, ghi lại các hành vi và sở thích của chúng ta để kiếm tiền từ chúng.

Thời gian càng trôi qua, tính hai mặt này lại càng chiếm lĩnh các lãnh thổ mới và ép đặt các công cụ vô tội cho đến nay dưới logic của nó. Trong thế giới của Internet vạn vật, chức năng thực sự của máy hút bụi sẽ không còn là dọn sạch mà là thu thập dữ liệu về ngôi nhà của chúng ta, giống như giá trị thực của một chiếc giường hoặc một chiếc ô tô sẽ liên quan nhiều đến kiến thức về thói quen của chúng ta hơn là đến cách sử dụng truyền thống chúng.

Động năng này hiện đã được biết khá đầy đủ nên chúng tôi không cần phải dài dòng về nó một cách đặc biệt[2]. Yếu tố thực sự thú vị là những phát triển này, mặc dù chúng đã được liệt kê rất nhiều – và là chủ đề của rất nhiều tài liệu tố cáo – không khơi dậy cảm xúc của người dùng. Tồi tệ hơn, khi có một sự xôn xao thì sự náo động lại được hướng đến các công cụ được cho là thực hiện chức năng ngược lại: chẳng hạn, các yêu sách chống lại thông hành y tế ở châu Âu, được tổ chức trên các mạng xã hội mà từ đó Mark Zuckerberg dự định tạo ra một métavers.

Tất cả các cuộc khảo sát cho thấy rằng đại đa số tương đối thờ ơ với việc bị giám sát và với việc sử dụng các dữ liệu cá nhân. Và không phải vì thiếu hiểu biết về hiện tượng và động lực của nó mà vì một lý do khác, mang tính quyết định hơn nhiều: sự thoải mái. Môi trường thoải mái được đảm bảo bởi các công cụ kỹ thuật số mới là lợi ích tối cao mà việc dùng quyền riêng tư được đánh đổi chỉ là một sự hy sinh nhỏ bé. Tính trôi chảy, niềm vui được đảm bảo bởi một cuộc sống không có xích mích, nơi ta trượt dễ dàng như trượt trên băng, được hướng dẫn bởi các thuật toán giúp làm phẳng các chổ gồ ghề và chỉ ra đường đi, tất cả những điều đó tạo nên lời hứa tuyệt vời của cuộc sống kỹ thuật số. Đây là lý do tại sao sự chi phối của nó lại mạnh đến thế và kháng cự lại mọi sự chỉ trích: bởi vì, như nhà triết học Mark Hunyadi đã giải thích rõ ràng, “động cơ mở rộng kỹ thuật số về cơ bản thuộc về lãnh vực dục tính, theo nghĩa rộng: nó đi theo hướng của sự ham muốn, nó nhắm đến sự giải trí, nó mang lại sự vui thích”[3]. Cho đến nay, nó đã được chứng tỏ là đủ mạnh để quét sạch mọi sự ngập ngừng về sự mơ hồ sâu sắc của các công cụ kỹ thuật số, về tính hai mặt nội tại và cơ bản của chúng. Ở Paris cũng như ở Tokyo. Ở Toronto cũng như ở Sydney. Và ở Hồng Kông.

Trong khi những năm gần đây đã tiết lộ ngày càng rõ ràng các đường nét của mô hình chuyên quyền của Trung Quốc – sự giám sát đại trà được mở rộng ra toàn bộ dân chúng, hệ thống tín nhiệm xã hội, việc giam nhốt những người có thể gây ra nguy cơ trong các trại giam – thì động cơ trên đó sự thành công của nó dựa vào không phải là sự đàn áp.

Đó là nguyên lý của chủ nghĩa tư bản dục tính mà hai chuyên gia mạng xã hội đã định nghĩa bằng phép ẩn dụ “giống như logic của trung tâm mua sắm lớn” (great shopping mall): chuyển đổi các không gian công cộng, cả thực tế và ảo, thành những nơi mang lại cảm giác an toàn, những cơ hội gặp gỡ và giao lưu, vui chơi, một ảo tưởng về sự lựa chọn bị giới hạn nghiêm ngặt trong giới hạn do chính quyền đặt ra[4].

Tâm điểm của “chiến tranh lạnh mới”

Đây là vấn đề lịch sử thực sự mà chúng ta phải đối mặt khi giơ cao bóng ma về một cuộc xung đột ý thức hệ toàn cầu mới.

Trong Chiến tranh Lạnh, hai quan niệm hoàn toàn trái ngược nhau về bản chất con người đã đối đầu nhau. “Con người mới” cộng sản được cho là có những giá trị, niềm tin, một nền văn hóa và thậm chí cả một ngôn ngữ rất khác so với những gì có trước cuộc Cách mạng. Con người mới phải trở thành một người nhiệt thành xây dựng chủ nghĩa cộng sản tận tụy với chế độ và một người theo chủ nghĩa quốc tế tin chắc vào tính đúng đắn của lý tưởng Mác-Lênin[5]. Theo luận điểm nổi tiếng do Boukharine đưa ra năm 1922, nhiệm vụ thực sự của Cách mạng là “sự chuyển hóa tâm hồn con người”. Ngược lại, ngày nay, Trung Quốc cộng sản đặt nền tảng cho sức lôi cuốn của mình trên một tầm nhìn về con người và xã hội đặc biệt tương tự với tầm nhìn đã được khẳng định ở phương Tây nhờ sự phát triển của các công nghệ mới. Đây là quan điểm nổi lên từ cái mà Peter Sloterdijk gọi là “sự sỉ nhục về hành vi của con người”, “xuất phát từ quan sát rằng sự tồn tại của chúng ta là sự lặp lại đến 99,9%, phần lớn mang tính chất máy móc nghiêm ngặt[6]“.

Do đó, vấn đề thực sự được đặt ra với những từ ngữ này. Chúng ta hãy cho rằng đại dịch đã phơi bày rõ ràng cực đối kháng thực sự của nền dân chủ tự do và cực này hiện được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thể hiện. Vậy thì, trung tâm của cuộc xung đột ý thức hệ hiện nay giữa phương Tây và Trung Quốc là gì?

Nếu, như nhà Trung Quốc học Jean-François Billeter khẳng định, Trung Quốc được phân biệt trên hết bởi một quan niệm nhất định về quyền lực và việc thực thi quyền lực “muốn thực hiện việc kiểm soát hoàn toàn các mối quan hệ xã hội và cuộc sống của các thần dân với mục đích tạo ra một xã hội hài hòa[7]“, điểm đặc biệt của giai đoạn hiện tại nằm ở sự hội tụ ấn tượng của truyền thống chính trị này với hoạt động của cỗ máy thuật toán đang trong quá trình được áp đặt trên quy mô toàn cầu, nhờ vào Internet và những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo.

Trong cả hai trường hợp, một hệ thống khích động mạnh mẽ – và giải khích động – được triển khai với mục đích là đảm bảo sự phù hợp của các hành vi cá nhân để tạo thành một tổng thể xã hội mà sự tiến hóa không chỉ có thể đo lường được mà trên hết là có thể dự đoán và chi phối được.

Khi giáo sư tin học Alex Pentland, một ngôi sao tại MIT, giải thích rằng nhờ Dữ liệu lớn mà chúng ta không còn phải suy nghĩ bằng những khái niệm – theo ông thuộc về thế kỷ 18 – chẳng hạn như “cá nhân”, “ý chí tự do” và thậm chí là “chính trị”, nhưng nhân loại phải xây dựng một hệ thống thần kinh và điện toàn cầu có khả năng tự nhận thức mình như một cơ chế (patterns) được tạo thành từ các mô hình lặp đi lặp lại, hơi giống quỹ đạo của đàn chim hoặc đàn cá, dễ dàng được điều chỉnh bằng vài công cụ của “áp lực xã hội”[8], ông hiện thực hóa giấc mơ bị cấm đoán của các pháp gia Trung Quốc cổ đại “những người đã khuyến nghị kẻ mạnh áp dụng nghiêm ngặt các phần thưởng và hình phạt để sự phục tùng trở thành bản chất thứ hai đối với thần dân của họ và rằng xã hội cuối cùng sẽ tự vận hành bình thường và tự nhiên như chính vũ trụ[9]

Tám chiều kích của sự hội tụ giữa Đảng và các nền tảng điện toán 

Nếu các kỹ sư các mạng xã hội ngày nay xây dựng kiến trúc của chúng lấy cảm hứng từ các thí nghiệm của Burrhus Skinner trên chuột thí nghiệm và nếu từ năm 2010, Tổng Giám đốc Eric Schmidt đã nói rằng người dùng mong đợi Google cho họ biết “họ nên làm gì tiếp theo[10],” thì các điểm tiếp xúc giữa thế giới quan của Thung lũng Silicon và của Đảng Cộng sản Trung Quốc là quá rõ ràng để bị bỏ qua.

Bởi vì nó không phải là một sự trùng hợp đơn giản, mà là một sự hội tụ cấu trúc dựa trên ít nhất tám yếu tố cơ bản:

Các nhà khoa học luôn mơ ước thu gọn việc quản lý xã hội thành một phương trình toán học có thể loại bỏ biên độ của sự phi lý và sự không chắc chắn vốn có trong hành vi của con người. Hai thế kỷ trước, Auguste Comte đã định nghĩa vật lý xã hội là “khoa học mà đối tượng đặc thù là nghiên cứu các hiện tượng xã hội, được xem xét trên phương diện trí tuệ giống như các hiện tượng thiên văn, vật lý, hóa học và sinh lý học, nghĩa là chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên bất biến mà sự khám phá là mục tiêu đặc biệt của nghiên cứu khoa học[11]“. Kể từ đó, nhiều người đã đưa ra cách nhìn của họ về “khoa học chính trị”, mà không bao giờ đạt được mục tiêu làm cho diễn tiến của xã hội trở nên dễ dự đoán hơn.

1/ Nhưng vài năm gần đây đã chứng kiến sự ra đời của một hiện tượng mang tính quyết định. Lần đầu tiên, các hành vi của con người cho đến nay vốn là mục đích tự thân đã bắt đầu tạo ra một luồng dữ liệu khổng lồ. Lượng dữ liệu dồi dào chưa từng thấy này giờ đây có thể giúp hình dung ra một chính phủ khoa học của xã hội, điều mà, vả lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất ít nhất là từ đầu những năm 2000, khi các nhà khoa học chính trị của họ đặt “lý thuyết khoa học mới về sự phát triển” làm trung tâm của nền tảng lập trình của họ[12].

2/ Cả Thung lũng Silicon và Đảng đều không quan tâm đến cá nhân, chủ thể có tính chủ quan và quyền tự chủ. Những gì họ quan tâm là số lượng lớn. Nếu hành vi của cá nhân không thể dự đoán một cách chắc chắn, thì ngược lại, hành vi của tập hợp tổng gộp có thể dự đoán được, bởi vì thông qua sự quan sát hệ thống, ta có thể suy ra hành vi trung bình. Các tương tác quan trọng hơn bản chất của các đơn vị và toàn bộ hệ thống trong tổng thể có các đặc điểm – nó tuân theo các quy tắc – khiến cho diễn tiến của toàn bộ hệ thống có thể dự đoán được.

3/ Một khi được phát hiện và định lượng, hành vi của các tập hợp xã hội có thể được tối ưu hóa để tối đa hóa một số kết quả. Việc phân tích các mối tương quan, nghĩa là cách thức mà việc sửa đổi một tham số, dù nhỏ, có tác động đến toàn bộ hệ thống, giúp có thể kích hoạt một quá trình thử nghiệm liên tục. Dù mục tiêu là gì, một số xung động có hiệu quả hơn những xung động khác. Các nhấp chuột cung cấp các yếu tố phản hồi theo thời gian thực, trên cơ sở đó các xung động có thể được sửa đổi liên tục, về nội dung cũng như về hình thức, giúp giữ lại các đặc điểm hoạt động tốt và loại bỏ các hoạt động kém hiệu quả nhất.

Năm 1990, Gilles Deleuze đã mô tả quá trình chuyển đổi từ xã hội kỷ luật dựa trên sự giam cầm sang xã hội kiểm soát: “Những sự giam cầm là những khuôn mẫu, những vật đúc khuôn riêng biệt, nhưng sự kiểm soát là sự điều biến, giống như một vật đúc khuôn tự biến dạng sẽ thay đổi liên tục, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, hay giống như một cái sàng có những mắt lưới thay đổi từ điểm này sang điểm khác”. Hiện nay, chúng ta đã đến thời điểm đó rồi[13].

4/ Kẻ thù thực sự của một hệ thống được xây dựng trên những nền tảng này là sự dị thường, hành vi lạc điệu cần phải nhanh chóng được xác định và vô hiệu hóa. Đây là những gì đang xảy ra trên lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nơi những người bất đồng chính kiến nhanh chóng bị vô hiệu hóa, nhưng cũng ở các không gian công cộng của Mỹ và châu Âu – các sân bay là nơi điển hình – nơi phần mềm do Palantir tạo ra phân tích những chuyển động của hành khách trong thời gian thực, ngay lập tức cảnh báo cho lực lượng an ninh về bất kỳ hành vi bất thường nào được coi là triệu chứng tiềm tàng của một mưu toan khủng bố. Tương tự, công ty Mỹ cung cấp dịch vụ phát hiện sự bất thường – tức là những hành vi đáng ngờ – trong rất nhiều bối cảnh khác nhau, từ gian lận bảo hiểm cho đến việc phát hiện một kẻ có khả năng đưa ra cảnh báo bên trong một tổ chức[14].

5/ Ở Trung Quốc cũng như ở châu Âu, điều bất thường chính – và nghiêm trọng nhất – là sự ngắt kết nối. Trong cả hai bối cảnh, ý tưởng rằng một người có thể sống một cuộc sống “bình thường” và thực hiện đầy đủ các quyền của mình, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của họ mà không được kết nối liên tục trở nên không thể tưởng tượng được. Là triệu chứng chắc chắn của tính phi xã hội, của một tâm tính lật đổ nếu không phải là một bệnh chống xã hội, sự mất kết nối là thứ đã cho phép lực lượng Hoa Kỳ xác định nơi ẩn náu của Osama bin Laden ở Abbottabad, nơi người ta nghi ngờ rằng một khu phức hợp tòa nhà có quy mô như vậy không thể nào không có kết nối internet.

6/ May mắn thay, ở Trung Quốc cũng như ở phương Tây, hiếm khi xảy ra tình trạng mất kết nối, bởi vì sự tán đồng của cá nhân được đảm bảo không phải bằng sự ép buộc mà bằng nguyên lý thoải mái của Hunyadi, bằng sự tiện lợi và sự chấp nhận những dịch vụ mà ma trận đảm bảo cho người dùng. Có ai hôm nay lại từ bỏ sự thỏa mãn bất kỳ sự tò mò nào chỉ trong vài giây, định hướng bản thân ở một thành phố xa lạ chỉ bằng một cử chỉ đơn giản, gọi taxi, chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc, chuyển nó cho một nhóm bạn ghen tị, sử dụng Shazam để xác định bài hát đang phát trên radio của Uber, thêm bài hát đó vào danh sách nhạc tuyển chọn của Spotify của bạn để nghe lại ngay khi bạn ra khỏi xe?

7/ Nhưng đằng sau vẻ ngoài của một trò chơi và hiền hậu, ở Trung Quốc cũng như ở Thung lũng Silicon, một quyền lực khôn nguôi và bí mật được phát triển. Nếu kỹ thuật toàn thị (panoptique) là một cỗ máy để phân tách cặp đôi nhìn/bị nhìn – trong vòng ngoại vi, một người hoàn toàn bị nhìn thấy, mà bản thân không bao giờ nhìn được điều gì; còn trong tòa tháp trung tâm, ta nhìn thấy mọi thứ mà không bao giờ bị nhìn thấy[15] – phải thấy rằng các công ty kỹ thuật số lớn như Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động trên cơ sở nguyên lý này. Ở phương Tây, không có bí mật nào được bảo vệ chặt chẽ hơn các thuật toán chi phối hoạt động của các công ty tuyên bố áp đặt sự minh bạch hoàn toàn đối với tất cả các công ty khác. Ở Trung Quốc, cuộc trường chinh không thể cản được của “chế độ giám sát” đã để lại nguyên vẹn trung tâm mờ ám của quyền lực được khắc ghi trong Tử Cấm Thành[16].

Không có gì mới ở đây: các nghiên cứu được thực hiện về tác động của sự ra đời của máy điện báo và sau đó là điện thoại từ lâu đã chỉ ra rằng cả hai đều dẫn đến việc tập trung mạnh mẽ hơn các quyết định ở các đế chế thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX. Bởi vì nếu những người ra quyết định địa phương trước đây đã hưởng được nhiều không gian tự chủ lớn – họ phải hành động trước khi nhận được hướng dẫn từ trung tâm – thì công nghệ ngày nay đã đơn giản xóa bỏ họ[17].

8/ Thung lũng Silicon và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hoạt động để hướng tới một tương lai hậu nhân loại. Hầu hết các kỹ sư làm việc trong các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều có xu hướng đáng tiếc là nghĩ rằng ưu tiên của họ không phải là phục vụ con người ngày nay, mà là xây dựng các trí tuệ nhân tạo sẽ thừa kế Trái đất trong tương lai. Việc theo dõi liên tục và các thử nghiệm sửa đổi hành vi của vô số người được cho là để thu thập dữ liệu sẽ nuôi dưỡng “trí thông minh” của các trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Về phần mình, chế độ Trung Quốc, giống như các công ty công nghệ lớn, đã công khai cam kết tham gia vào một “cuộc đua AI” thường được đặt lên trên tất cả mọi thứ. Người ta chỉ có thể nhận thấy sự hội tụ đáng lo ngại giữa cuộc chạy đua này và các thí nghiệm được thực hiện trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vốn đặc biệt xung kích trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Tám điểm hội tụ trên chỉ ra rằng trật tự do chế độ Trung Quốc tạo ra không phải là một hiện tượng biệt lập. Thế giới mà Trung Quốc phóng chiếu đã bắt kịp thế giới của đối thủ công khai của mình. Một xu thế sâu sắc đang diễn ra, ở cả hai bờ Thái Bình Dương: nó dẫn đến một thời đại mà quyền tự chủ của chủ thể và tự do sẽ biến mất[18].

Thoát khỏi sự thống trị của sự nô lệ đối với kỹ thuật số

Nếu các yếu tố hội tụ dường như nhiều, thì có một sự khác biệt trung tâm. Trong khi ở Trung Quốc, thuật toán toàn trị đã củng cố quyền lực của chế độ, thì ở Hoa Kỳ, ít nhất là trên lý thuyết, còn tồn tại một quyền lực chính trị đáp ứng các logic dân chủ. Quyền lực này thậm chí đôi khi còn cho thấy ý định mơ hồ hạn chế quyền lực quá mức của các lãnh chúa phong kiến kỹ thuật số mới.

Sự khác biệt này không phải là không quan trọng. Hy vọng rằng nó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến những phát triển sau này. Tuy nhiên, nghịch lý của Hoa Kỳ là trong các nền dân chủ tự do “quyền lực chính trị không phải là điều duy nhất mà các cá nhân phải đáp ứng”[19], cũng không phải là điều chính yếu. Trong các xã hội của chúng ta, việc triển khai chủ nghĩa tiêu dùng đại trà từ lâu đã tạo ra những tác động mang tính chuẩn mực mạnh mẽ, thường còn mang tính cưỡng bức hơn nhiều so với những tác động bắt nguồn từ sự tôn trọng luật pháp[20].

Ngày nay, cộng vào hệ thống kỳ vọng và các mô hình hành vi này là tác động ngày càng tăng của công nghệ kỹ thuật số. Việc sử dụng điện thoại thông minh hiện là trải nghiệm tập thể chính được chia sẻ bởi toàn nhân loại. Ở mọi nơi và ở mọi quy mô, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành giao diện cho mối quan hệ của chúng ta với thế giới. Và thực tế này, có vẻ tầm thường nhưng trên thực tế vẫn chưa được khảo cứu một cách sâu rộng về những hệ quả thực tiễn của nó, đóng một vai trò mấu chốt trong tất cả các biến đổi chính trị xã hội đang diễn ra.

Thế giới số áp đặt lên chúng ta một lối sống mà không ai thoát ra được. Ngày càng thường xuyên hơn, mỗi chúng ta phải điều chỉnh hành vi của mình theo các chỉ dẫn đến từ điện thoại thông minh của mình và không ai có chút ý tưởng nào về hoạt động của cái hộp đen mà khả năng hành động của chúng ta phụ thuộc vào.

Nếu lời hứa tuyệt vời về kỹ thuật số, được Steve Jobs thể hiện khi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên – “nó giống như có cuộc sống trong túi của mình” – xây dựng một quan niệm về quyền tự chủ, thì việc sử dụng cụ thể các công cụ kỹ thuật số cũng tạo ra hiệu ứng ngược lại do sự kiểm soát người sử dụng mà nó dẫn đến. 

Trong thời đại siêu kết nối, con người còn mang ý nghĩa nào? Hiện tại, có vẻ như điều đó chủ yếu có nghĩa là phó mặc cho các chúa tể kinh tế mới vốn theo dõi mọi động thái của chúng ta và sử dụng thủ đoạn để thu hút phần lớn thời gian và sự chú ý của chúng ta. Đối mặt với tình trạng này, như chúng ta đã thấy, việc huy động các lập luận đạo đức với hy vọng khơi dậy ý thức của công chúng phần lớn là vô ích. Lý thuyết phê phán có vẻ – đây không phải là lần đầu tiên – bất lực trước sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ kỹ thuật.

Nghệ thuật sống trực tuyến của châu Âu

Khó có thể phủ nhận rằng một xã hội trong đó mọi người dành trung bình ít hơn mười một giờ mỗi ngày cho màn hình đang làm nảy sinh những vấn đề hoàn toàn mới, cũng như một sự khó chịu chung, tuy vẫn chưa tìm ra lối thoát, vẫn tồn tại và đang chờ đợi để tìm ra những người chuyển dịch chính trị có khả năng mang lại cho nó một tiếng nói không hoàn toàn là sự thụt lùi, tránh cả những cạm bẫy của sự đam mê công nghệ lẫn những cạm bẫy của sự hoảng loạn về đạo đức.

Để vượt qua những cám dỗ của tình trạng nô lệ mới đối với kỹ thuật số dựa trên sự thoải mái, thêm một lời chỉ trích học thuật khác cũng không giúp được gì nhiều. Việc sáng tạo ra một lối sống phong phú hơn, đầy đủ hơn và hấp dẫn hơn mô hình hiện tại sẽ hiệu quả hơn. Một nghệ thuật sống mới tích hợp sự kết hợp không thể tách rời giữa ngoại tuyến và trực tuyến, một sự kết hợp phục vụ cho cuộc sống của con người, chứ không phải của những thế lực ngày càng khó kiểm soát hoặc một dạng trí thông minh hậu nhân loại có ý đồ chiếm lấy chỗ đứng của chúng ta (con người) trên nấc thang tiến hóa. “Onlife”, như cách gọi của triết gia Luciano Floridi[21], có thể xác định lối sống này. Điều chính là làm thế nào để cung cấp cho nó một ý nghĩa cụ thể. Tất nhiên, để làm được điều đó, cần phải có các quy tắc từ chối tính ngoại lệ của kỷ thuật số để khẳng định, trong lĩnh vực này, các giá trị làm nền tảng cho các nền dân chủ của chúng ta. Nhưng điều chúng ta cần trên hết là một thực tiễn tích cực và vui vẻ, có khả năng tiết lộ rằng các mánh khóe của chủ nghĩa tư bản giám sát giống như thức ăn nhanh cho não của chúng ta: bề ngoài hấp dẫn nhưng về cơ bản là có hại.

Đây là nơi mà vai trò của châu Âu có thể mang tính quyết định. Không chỉ, như người ta thường nói, bằng cách áp đặt các quy tắc chỉ đơn giản là để bảo vệ trong lĩnh vực kỹ thuật số các nguyên tắc cơ sở của các nền dân chủ của chúng ta, mà còn bằng cách đưa vào thực tế, trong chiều kích này, các giá trị trên đó cách sống của chúng ta luôn đặt cơ sở. Vượt lên tất cả những lời tuyên bố, châu Âu là gì nếu không phải là “một cách sống, một cách hiểu thế giới chúng ta đang sống và một cách hiểu chính mình[22]“?

Nghệ thuật sống, từ thời xa xưa, là liều thuốc giải độc chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa toàn trị. Bởi vì khát vọng toàn trị – dù mang tính tôn giáo hay công nghệ – là kiểm soát thời gian, chuẩn hóa hành vi. Giấc mơ của chủ nghĩa toàn trị là biến con người thành một cỗ máy, có thể dự đoán được, đồng nhất, minh bạch. Chất lượng cuộc sống thì hoàn toàn ngược lại. Tự do, thú vui, làm điều thất thường và lãng phí thời gian. Tất cả những thứ làm cho cá nhân trở nên độc đáo và làm cho chúng ta có được khả năng bảo vệ và phát triển trong chiều hướng mới của cuộc sống (Onlife).

Nghịch lý thay, chính một triết gia đến từ Hồng Kông, hiện đang sống ở Đức, nhắc nhở chúng ta rằng, từ quan điểm nhân học, công nghệ không phải là phổ quát, mà đúng hơn là nó được liên kết trong quá trình tiến hóa của nó với các vũ trụ quan đặc thù vượt lên trên tính chức năng đơn thuần. Đối với Yuk Hui, không có một công nghệ đơn lẻ mà là nhiều kỹ thuật vũ trụ mà đặc điểm được xác định bởi các bối cảnh văn hóa khác nhau mà chúng thuộc về[23].

Do đó, chúng ta có thể chống lại sự ngây thơ của những người nghĩ rằng sự phát triển của công nghệ sẽ quét sạch sự khác biệt giữa các nền văn hóa và các lối sống: một lần nữa quan niệm của họ cũng sẽ bị các sự kiện phủ nhận. Với điều kiện là lực đẩy toàn diện – và toàn trị – của chủ nghĩa phổ quát công nghệ bị chống lại bởi mong muốn chiếm lĩnh lại công nghệ trong một viễn cảnh địa phương hóa và được định vị chính xác trong lịch sử. Mở lại câu hỏi về công nghệ có nghĩa là từ chối tương lai đồng nhất do sức mạnh của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số đưa ra cho chúng ta như là lựa chọn duy nhất, để khám phá khả năng của những tương lai công nghệ khác biệt.

Không có lý do gì để nghĩ rằng các chế độ công nghệ-vũ trụ hiện đang phát triển ở Trung Quốc và Thung lũng Silicon chắc chắn sẽ được áp đặt lên phần còn lại của thế giới – trừ khi châu Âu, vì mệt mỏi và bi quan, từ bỏ phát triển phiên bản riêng của mình về tương lai công nghệ, bắt nguồn từ nền văn hóa và các giá trị của mình.


Chú thích:

[*] Giuliano da Empoli là nhà văn, nhà báo, là giám đốc think tank/viện nghiên cứu chiến lược Volta (Ý) do ông sáng lập, Ông cũng đã từng tham gia các thể chế chính quyền trung ương hay thành phố (Florence). Hiện Ông còn giảng dạy ở trường Sciences Po (Paris). Cuốn tiểu thuyết Le Mage du Kremlin – mô tả và thuật lại những cơ chế quyền lực, những tâm thế ở Liên Xô/Nga qua nhiều thời đại và nhiều biến cố từ góc nhìn của Vadim Baranov, người đã từng là cố vấn tối cao của Poutine là nhân vật chính – đã nhận giải của Viện Hàn Lâm Pháp (2022) và đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong văn học mà còn trong chính trị học – “Một câu chuyện với một sức mạnh văn học và lịch sử vĩ đại cần phải đọc nếu muốn hiểu những gì, từ đây – châu Âu –, dường như không thể hiểu được (phê bình văn học – Libération)” (ND).

[1] Hannes Grassegger, “The City as Enemy”, Archplus, printemps 2020, p. 210-215.

[2] Bernard E. Harcourt, La Société d’exposition. Désir et désobéissance à l’ère numérique [2015], Paris, Seuil, 2020, 336 p.

[3] Mark Hunyadi, “Du sujet de droit au sujet libidinal“, Esprit, n0 3, mars 2019, p. 118.

[4] An Xiao Mina et Xiaowei Wang, “The Great Shopping Mall: The market nationalist logic of Chinese social media“, Knight Columbia, 28 janvier 2021.

[5] Alexandre Zinoviev, Homo sovieticus, Paris, L’Âge d’homme, 1983, p. 20-21.

[6] Peter Sloterdijk, Tu dois changer ta vie. De l’anthropotechnique [2010], Paris, Hachette Pluriel, 2015, p. 500.

[7] Jean-François Billeter, Pourquoi l’Europe: réflexions d’un sinologue, Paris, Éditions Allia, 2020, p. 24.

[8] Edoardo Camurri, “Tutti sotto controllo“, Il Foglio, 14 mai 2020.

[9] J.-F. Billeter, Pourquoi l’Europe, op. cit., p. 116.

[10] Nicolas Nova, Smartphones: une enquête anthropologique, Genève, MétisPresses, 2020, p. 159.

[11] Auguste Comte, La science sociale, Paris, Gallimard, 1972, p. 230.

[12] Pour une plongée dans l’écosystème doctrinal de Xi Jinping, voir le chapitre de Simone Pieranni dans Politiques de l’interrègne.

[13] Gilles Deleuze, “Post-scriptum sur les sociétés de contrôle“, L’autre journal, n0 1, 1990.

[14] Philippe Vion-Dury, La nouvelle servitude volontaire, Paris, FYP, 2016, p. 152.

[15] Michel Foucault, Surveiller et punir: naissance de la prison, Paris, Gallimard, 1975, p. 235. [Giám sát và trừng phạt. Nguồn gốc nhà tù, Hà Nội, NXB Tri thức, 2022 9 ND]

[16] Stein Ringen, The perfect dictatorship: China in the 21st century, Hong-Kong, HKU Press, 2016.

[17] John Seely Brown et Paul Duguid, The social life of information, Boston, Harvard Business School Press, 2000, p. 30.

[18] J.-F. Billeter, Pourquoi l’Europe, op. cit., p.117.

[19] Mark Hunyadi, Au début est la confiance, Lormont, Le bord de l’eau, 2020, p. 170.

[20] Alberto Alemanno, « Le “Nudge” et l’analyse comportementale du droit“, RED: Revue européenne du droit, Paris, Groupe d’études géopolitiques, 2020.

[21] Luciano Floridi (ed.), The Online Manifesto. Being Human in a Hyperconnected Era, Heidelberg, Springer International Publishing, 2015.

[22] Myriam Revault d’Allonnes, Entre sens et non sens, dans le Grand Continent, Une certaine idée de l’Europe, Paris, Flammarion, 2019, p. 119.

[23] Yuk Hui, La question de la technique en Chine. Essai de cosmotechnique, Paris, Éditions Divergence, 2021.

http://www.phantichkinhte123.com/2023/05