Tìm hiểu: Cách người mẹ Nhật dạy con về trách nhiệm (P.1): Yêu một nửa, giấu một nửa

Share this post on:
Cách người mẹ Nhật dạy con về trách nhiệm (P.1): Yêu một nửa, giấu một nửa

Tiêu chuẩn đo lường đạo đức đúng đắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đối nhân xử thế sau này của trẻ. (Ảnh: Fotolia)

ĐỜI SỐNG

Tác giả BTV Epoch Times Hoa Ngữ

  • Thứ bảy, 22/04/2023

Đối với tình yêu dành cho con trẻ, hãy trao một nửa và giấu đi một nửa. Con cái là có thể yêu thương, nhưng cũng không thể làm hư hỏng.

Thời gian trôi nhanh, chớp mắt đã một tháng trôi qua và chuyến đi Nhật Bản của tôi sắp kết thúc. Trong lúc tôi đang đóng gói hành lý thì Trương Liễu Linh bước vào. Tôi liền hỏi, “Này, Tiểu Linh, chồng cậu đưa Tĩnh Tử đi nhà trẻ à?”

“Không cần đưa, con bé có thể đi một mình.”

“Hai người đi làm thì tiện đường chở con bé đi luôn, chẳng phải nhanh hơn sao? Hơn nữa hai người đâu phải là không có ô tô, mỗi người một chiếc cơ mà.”

“Lái xe đưa con bé đi? Không nên để con bé dưỡng thành cái tật xấu này!”

“Việc lái xe đưa trẻ em đi học là chuyện bình thường, vậy mà ở Nhật Bản lại là một tật xấu sao? Đừng nói đó lại là một kiểu giáo dục ‘Võ sĩ đạo’ nhé?”

“Cậu thông minh đấy!”

“Mau nói cho tớ biết, làm như thế là vì lý do gì?”

Con hãy tự đi bộ đến trường

“Kiểu giáo dục võ sĩ đạo: Nếu thực sự yêu trẻ em, thì hãy giấu đi một nửa tình yêu của mình!”

“Tại sao lại nói như vậy?”

“Lấy hàng xóm của mình làm ví dụ. Thiên Tuệ Tử là một người vợ nội trợ toàn thời gian, còn chồng cô ấy là giám đốc điều hành cấp trung với thu nhập khá. Gia đình họ có nhà có xe, thuộc tầng lớp trung lưu. Cách đây không lâu, chồng cô ấy đã mua một chiếc xe hơi mới, dịp nghỉ lễ nào cũng đưa cả nhà đi du lịch, mấy ngày trước còn lái xe đi ngắm hoa anh đào. Tuy nhiên mỗi sáng, chồng của Thiên Tuệ Tử lại lái xe đi làm một mình, không bao giờ cho cậu con trai Hạo Nam 10 tuổi của mình đi nhờ xe đến trường.”

“Nhưng cho con trai đi nhờ xe chẳng phải khá tiện sao?”

“Họ ngược lại không nghĩ như vậy. Sáng hôm qua, khi tớ lái xe ra ngoài, tớ tình cờ thấy Hạo Nam đang xin cha cho đi nhờ vì cậu bé cảm thấy không được khỏe.”

“Kết quả ra sao?”

“Kết quả là chồng của Thiên Tuệ Tử vẫn lái xe đi một mình! Hạo Nam không còn cách nào khác, đành phải cõng chiếc cặp sách nặng trịch của mình chậm rãi men theo con phố đi đến trường. Đến tối, khi tớ nói chuyện này với Thiên Tuệ Tử, mắt cô ấy cũng đỏ hoe, nói rằng: ‘Chúng tôi cũng đau lòng cho thằng bé, dù sao thằng bé cũng đang ốm! Nhưng cháu là học sinh, không thể để cháu ngồi xe hơi đến trường, càng không thể chiều chuộng cháu. Cần phải để cháu biết rằng, hiện tại cần cố gắng học tập, tương lai làm việc chăm chỉ, như vậy mới có xe để lái, có nhà để ở. Như thế thằng bé mới nỗ lực! Không phải chúng tôi không thương con, nhưng vì tương lai của cháu, chúng tôi quyết tâm rèn luyện cháu’. Đây chính là ‘yêu một nửa, giấu một nửa’!”

“Tớ hiểu ra một chút rồi, cũng giống như một số người dù trong nhà có rất nhiều tiền, nhưng vẫn để con làm việc nhà để kiếm tiền tiêu vặt. Cách thức thì khác, nhưng đạo lý thì giống nhau: Để các con hiểu rằng tất cả những gì đạt được đều phải thông qua nỗ lực của bản thân, mà không phải là dựa dẫm vào cha mẹ hay người khác!”

“Phải rồi, mục đích chính là để cho các bé tự lập, mặc dù cách làm này có chút cứng rắn.”

“Nhưng sống trong một xã hội quen nuông chiều con trẻ, muốn không nuông chiều chúng cũng thật khó!”

“Đây là vì muốn tốt cho con trẻ! Dù khó đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng!”

“Đúng vậy, tớ sẽ dốc toàn lực vì con mình.”

“Ha ha, không cần khoa trương như vậy chứ.”

“Hi hi, nhất định phải dốc hết tinh thần mà!”

“Ừm, về mặt này, không ngại thì tự coi mình như mẹ kế cũng được,” Trương Tiểu Linh cố tình trêu chọc tôi.

Tôi biết mình khó có thể “giấu một nửa tình yêu” ngay lập tức, nhưng tôi vẫn quyết định về sau sẽ thực hiện ba điều sau:

  1. Không tiếp tục để con trẻ được hưởng sự đối xử đặc biệt: Chẳng hạn, khi ăn không còn xới cơm cho con trước, cần xới cơm cho ông bà trước, cuối cùng mới đến con. Sau này dù điều kiện gia đình có tốt đến đâu, cũng không thể để con khác biệt với những cháu bé khác, càng không thể cho cháu quá nhiều tiền tiêu vặt.
  2. Yêu cầu con dậy đúng giờ: Không lái xe chở con trẻ đến trường. Tôi có thể đi cùng con đến nhà trẻ, hoặc để con tự đi, dù sao cũng chỉ mất mười phút đi bộ. Tóm lại, hãy để con trẻ học tính tự giác.
  3. Tập cho con trẻ tính cách kiên trì: Khi con ốm, nếu không nặng thì vẫn để con đến lớp, không tùy tiện xin nghỉ.

Bài viết được trích từ cuốn “Người mẹ Nhật dạy con chịu trách nhiệm bằng cách này”, Nhà xuất bản Dã Nhân, Đài Loan, cung cấp.

Tôn Ngọc Mai thực hiện

Tùy Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Tìm hiểu: Cách người mẹ Nhật dạy con về trách nhiệm (P.2): Thưởng – phạt kết hợp

Cách người mẹ Nhật dạy con về trách nhiệm (P.2): Thưởng – phạt kết hợp

“Tất nhiên, trẻ mắc lỗi thì phải bị mắng. Người Nhật luôn cho rằng khen ngợi và phê bình đều quan trọng như nhau, một thứ cũng không thể thiếu.” (Ảnh: Pexels)

NEWS

Tác giả BTV Epoch Times Hoa Ngữ

  • Thứ ba, 25/04/2023

Tiếp theo Phần 1

Có không ít bậc cha mẹ ngày nay, khi phát hiện con trẻ mắc phải một số lỗi nhỏ, họ sẽ dễ dàng bỏ qua, cho rằng khi lớn lên trẻ sẽ tự nhiên sửa lại những lỗi lầm đó; thế nhưng khi trẻ làm được một việc không mấy đáng kể, họ sẽ không ngớt lời khen ngợi con. Tuy vậy, người Nhật luôn cho rằng khen ngợi và phê bình đều quan trọng như nhau, một thứ cũng không thể thiếu.

“Ngô Lệ, cơm nước xong xuôi chúng ta đi dạo trong công viên một lúc nhé.”

Các con thích thú chạy đến khu giải trí để chơi, tôi và Ngô Lệ bèn tranh thủ đi dạo trong công viên một lúc. Tình cờ, chúng tôi gặp Tiểu Lệ, cô bạn cùng lớp mẫu giáo của Tiểu Cường, cũng chính là cô bé từng đánh nhau với Tiểu Cường.

Tiểu Lệ và mẹ cô bé đang ngồi trên một chiếc ghế dài, với một túi đồ ăn nhẹ để bên cạnh.

“Tiểu Lệ, con có thể ôm chiếc túi bên cạnh, nhường chỗ cho dì ngồi xuống được không?” Tôi dừng lại nói đùa với Tiểu Lệ, xem phản ứng của cô bé sẽ như thế nào.

Tiểu Lệ nhìn tôi rồi lại nhìn cái túi lớn, rất kiên quyết nói “Không được ạ!”.

“Tiểu Lệ, để dì ngồi một lát, dì đi bộ mệt rồi.” Mẹ cô bé thương lượng.

“Không!” Giọng của Tiểu Lệ trở nên to hơn. “Ôi!” Mẹ Tiểu Lệ bất đắc dĩ lắc đầu.

Làm sai thì lấy tay gõ nhẹ, làm đúng thì cười

“Mẹ cô bé thật là… Nếu Lạc Lạc mà như thế, tớ chắc chắn là mắng nó rồi!” Sau khi chúng tôi rời đi, Ngô Lệ cảm thán nói.

“Người Nhật cũng mắng trẻ con sao?!”

“Tất nhiên, trẻ mắc lỗi thì phải bị mắng. Người Nhật luôn cho rằng khen ngợi và phê bình đều quan trọng như nhau, một thứ cũng không thể thiếu.”

“Nhưng hiện nay có một quan niệm phổ biến: con ngoan là nhờ khen ngợi, cũng chính là giáo dục khen thưởng.”

“Giáo dục khen thưởng? Cậu có biết nguyên tắc ‘Ni khảo phanh’ không?”

“‘Ni khảo phanh’? Trước giờ tớ chưa từng nghe qua!”

“‘Ni khảo phanh’ là nguyên tắc nuôi dạy con của người Nhật. Cha mẹ Nhật Bản không nói nhiều như cha mẹ người Hoa, mà là áp dụng các phương pháp giáo dục. Trong số đó, nguyên tắc ‘Ni khảo phanh’ là một phương pháp rất tốt. ‘Ni khảo phanh’ là viết tắt của ‘ni khảo ni khảo’ (Niko Niko) trong tiếng Nhật, có nghĩa là mỉm cười, còn ‘phanh’ có nghĩa là gõ nhẹ, là một từ tượng thanh.”

“‘Phanh’ là gõ nhẹ, nghĩa là người Nhật cũng đánh con?”

“Không tính là đánh, mà là khi con trẻ làm sai, cha mẹ sẽ gõ nhẹ vào tay con; nếu con trẻ làm tốt thì cha mẹ sẽ mỉm cười nhìn con, dùng nụ cười để bày tỏ sự đồng tình. ‘Ni khảo phanh’ chính là một phương pháp giáo dục kết hợp thưởng và phạt.”

“Phương pháp này có phù hợp với tất cả trẻ em không?”

“Tất nhiên là không rồi. ‘Ni khảo phanh’ phù hợp để giáo dục trẻ nhỏ. Đối với trẻ lớn hơn, chúng ta cần kiên trì nguyên tắc ‘yêu trẻ, phê bình hai lần, khen ba lần, dạy trẻ năm lần, trẻ sẽ thành tài’.”

“Tớ hiểu rồi, kỳ thực chính là kết hợp giữa thưởng và phạt, hoặc nói là khen ngợi nhiều và phê bình ít. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ người Hoa hiện nay, người phê bình con cái thì ít, mà người khen ngợi con cái thì nhiều. Nếu thấy trẻ mắc lỗi nhỏ nào đó, họ sẽ cho rằng cây lớn tự đứng được, khi lớn lên con trẻ sẽ tự nhiên sửa lại những lỗi nhỏ đó; nhưng khi trẻ làm được một việc không mấy đáng kể, họ liền đánh giá trẻ rất cao!”

“Ừm, nhưng không phải đứa trẻ ngoan nào cũng là nhờ khen ngợi. Cậu biết đấy, trong quá trình trưởng thành của con trẻ, những vấp ngã, thất bại và sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Nuôi dưỡng con trẻ lớn lên chỉ bằng những lời khen, điều này không nhất định sẽ tốt cho sự trưởng thành của con, ngược lại còn có thể dưỡng thành tâm hư vinh cho các bé. Những trẻ em có tâm hư vinh mạnh, nếu làm không tốt sẽ nghĩ cách lấy lòng cha mẹ để được cha mẹ đánh giá cao, từ đó thỏa mãn tâm hư vinh của mình. Và cách phổ biến nhất mà trẻ sử dụng, đó là nói dối.”

“Nói dối? Ví dụ như?”

“Ví dụ, trẻ rõ ràng được 80 điểm bài kiểm tra, nhưng sẽ nói dối là 95 điểm.”

“Ừ, trong cuộc sống quả thực có những cháu bé như vậy.”

(Bài viết được trích từ cuốn “Người mẹ Nhật dạy con chịu trách nhiệm bằng cách này”, Nhà xuất bản Dã Nhân, Đài Loan, cung cấp.)

Tôn Ngọc Mai thực hiện
Tùy Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ