Tin tức thế giới ngày Thứ ba 15 tháng 6 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

Đài Loan cảm ơn G-7 đã hỗ trợ bất chấp sự hung hăng của Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu ngày 1/1 (ảnh: 總統府/Flickr/flickr.com/photos/presidentialoffice/50785327016/).

Chính phủ Đài Loan mới đây đã cảm ơn các nhà lãnh đạo G-7 vì kêu gọi hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, trang Epoch Times cho hay.

Trước đó hôm 13/6, các nhà lãnh đạo G-7 (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý Nhật Bản, Vương Quốc Anh và Mỹ) đã đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích chế độ Trung Quốc, bao gồm cả vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, khu vực Tân Cương, các hành vi thương mại không công bằng, vấn đề Biển Đông.  Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, và khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển một cách hòa bình”.

Vào ngày 14/6, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên Twitter đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà lãnh đạo G-7 về tuyên bố của họ về Đài Loan.

Grateful to the @G7 leaders for emphasising the importance of stability in the Taiwan Strait. #Taiwan is dedicated to maintaining a free & open Indo-Pacific, & will continue to work with our global partners to ensure regional security.https://t.co/7NQtCSnlgF https://t.co/egLn9DR8Xl— 蔡英文 Tsai Ing-wen (@iingwen) June 14, 2021

Bà Thái nói: “Đài Loan sẽ tận tâm duy trì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác toàn cầu của chúng tôi để bảo đảm an ninh khu vực.”

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức trên Twitter cũng hoan nghênh các nỗ lực đa phương vì hòa bình. Ông Lại cho biết Đài Loan sẵn sàng hợp tác với G-7 và hơn thế nữa.

Theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan Trương Đôn Hàm đây là lần đầu tiên một tuyên bố của G-7 nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. 

Bộ Ngoại giao Đài Loan hoan nghênh tuyên bố của G-7 trong một thông cáo báo chí, nói rằng Đài Loan sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia G-7 và các nước cùng chí hướng, bao gồm cả các nước trong Liên minh châu Âu, để duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Đáp lại tuyên bố của G-7, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh nói rằng các nước khác nên ngừng “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Úc điều chỉnh cách tiếp cận với Trung Cộng theo hướng quyết đoán hơn…

Mặc dù có những cáo buộc Liên đảng (cầm quyền) của thủ tướng Scott Morrison đang liều lĩnh lợi dụng “mối đe dọa Trung Quốc” để thúc đẩy chỉnh sách, một số thay đổi quan trọng tác động lên cách tiếp cận của Úc đối với Trung Quốc ngày cả khi thay đổi đảng cầm quyền:

– Công chúng Úc ngày càng mất niềm tin vào Trung Quốc. Theo khảo sát của Viện Lowy, nếu như trong năm 2018, có tới 82% người dân Úc coi Trung Quốc là đối tác kinh tế và chỉ có 12% coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, thì hiện tại hai tỷ lệ này đã thay đổi đáng kể, lần lượt là 55% và 41%. Trong khi đó, tỷ lệ người dân Úc ủng hộ chính sách của chính phủ tìm kiếm các thị trường nhằm giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc đạt đồng thuận ở mức cao chưa từng có, 94%; trong khi có tới 82% người dân Úc đồng ý với việc chính phủ đưa ra các lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc có liên quan tới hành vi xâm phạm nhân quyền. Đây là cơ sở để chính phủ tiếp theo duy trì theo đuổi chính sách quyết đoán với Trung Quốc:

– Liên đảng và Công đảng (đối lập) đồng thuận ở nhiều điểm quan trọng trong chính sách với Trung Quốc: ngăn chặn các công ty Trung Quốc xâm nhập vào mạng lưới 5G, xét lại và thậm chí hủy bỏ các thỏa thuận, dự án ảnh hưởng tới an ninh quốc gia (BRI, Viện Khổng tử), nhân quyền và hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Đại hội đảng Công đảng cuối tháng 3 vừa qua đã nhất trí thông qua các nghị định lên án hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông; và có thể đã đi xa đến mức lên án Trung Quốc “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ nếu như không có các ý kiến kêu gọi kiềm chế, cho thấy sự thay đổi lập trường rõ ràng của Công đảng;

– Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng quyết đoán, sẵn sàng cưỡng ép và thực hiện ngoại giao “chiến lang”, và Úc đã trở thành nạn nhân. Bên cạnh đó, Úc ngày càng lo ngại những ảnh hưởng và can thiệp nội bộ chính trị của Trung Quốc đối với Úc.

Hải quân Mỹ: nhóm tàu ​​sân bay hoạt động ở Biển Đông

Reuters

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Một nhóm tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông trong một cuộc tuần tra thường lệ, Reuters dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm 15/6.

Hải quân Mỹ cho biết: “Trong khi hiện diện ở Biển Đông, nhóm tàu tấn công đang tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động của máy bay cánh nâng cố định và máy bay cánh quay, các cuộc tập trận tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị thuỷ quân và không quân.”

“Các hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông là một phần trong hoạt động hiện diện thường xuyên của Hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” Hải quân Mỹ cho biết thêm.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan được hộ tống bởi tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Shiloh và tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Halsey, cũng theo Hải quân Mỹ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ không quân.

Trong khi đó các tàu chiến của Mỹ đi qua Biển Đông với tần suất ngày càng tang nhằm thể hiện sức mạnh để phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Anh và Úc công bố thỏa thuận thương mại tự do

Reuters

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London hôm 15/6/2021.

Hôm 15/6, Anh và Úc công bố một thỏa thuận thương mại tự do mà chính phủ Anh ca ngợi là một bước quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ thương mại mới sau khi nước này rời Liên hiệp Châu Âu, theo Reuters.

Anh cho biết ô tô, rượu whisky Scotch và bánh kẹo sẽ rẻ hơn khi bán ở Úc do thỏa thuận này xóa bỏ thuế quan và giảm thủ tục. Australia cho biết đây là một “thắng lợi lớn” đối với nền nông nghiệp của nước này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Tôi nghĩ điều này quan trọng về mặt kinh tế, không có câu hỏi nào về điều đó … nhưng tôi nghĩ nó quan trọng hơn về mặt chính trị và tính biểu tượng.”

“Chúng tôi đang mở lòng với nhau và đây là khúc dạo đầu cho một chiến dịch mở cửa chung trên toàn thế giới,” ông Johnson nói thêm.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ tám của Australia và Australia là đối tác thương mại lớn thứ 20 của Anh, với thương mại hai chiều trị giá 26,9 tỷ đô la Úc (khoảng 20,7 tỷ USD).

Thủ tướng Australia Scott Morrison nói: “Đây là thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng nhất mà Australia đã ký kết.”

Trước khi Anh gia nhập thị trường chung Châu Âu vào năm 1973, Anh là thị trường thương mại sinh lợi nhất của Úc.

Kremlin: khó có thỏa thuận trong cuộc họp Putin-Biden, nhưng sẽ có đàm phán hữu ích

Reuters

Ông Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin.

Một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva vào ngày 16/6 sẽ không thể mang lại các thỏa thuận cụ thể, nhưng các cuộc đàm phán sẽ hữu ích, Reuters dẫn lời một phụ tá của Điện Kremlin cho biết hôm 15/6.

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống khi mối quan hệ song phương Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ông Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, nói với các phóng viên rằng chương trình nghị sự đã được xác nhận trong cuộc điện đàm của ông với cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm thứ 14/6.

Phụ tá của Điện Kremlin cho biết các vấn đề như ổn định hạt nhân, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và số phận của các công dân Mỹ và Nga đang bị phía bên kia giam cầm sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Ông Ushakov nói trong các bình luận được công bố hôm 15/6 với báo giới: “Tôi không chắc rằng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Tôi quan sát các cuộc họp này với sự lạc quan thực tế.”

Ông Ushakov nói thêm: “Tình hình gần đến mức nguy hiểm. Tất nhiên, cần phải làm gì đó trong bối cảnh này.”

Biden hứa nêu ra « lằn ranh đỏ » và đề nghị hợp tác trong cuộc gặp Putin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo tại Bruxelles (Bỉ) ngày 14/06/2021 nhân Thượng Đỉnh NATO. REUTERS – POOL

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua 14/06/2021 hứa hẹn sẽ thông báo cho đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về những « lằn ranh đỏ », trong cuộc gặp ngày mai tại Genève. Nhận định đây là sự kiện quan trọng, ông cho biết sẽ đề nghị Matxcơva hợp tác trong những lãnh vực mà đôi bên có cùng lợi ích.

AFP dẫn tuyên bố của ông Biden trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hành động như hiện nay. Tổng thống Mỹ đặc biệt chú ý đến số phận của nhà đối lập Alexei Navalny đang bị giam cầm, cảnh cáo nếu Navalny tử vong sẽ là một bi kịch, chứng tỏ Nga không hề có ý định tôn trọng các quyền căn bản của con người, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với thế giới.

Biden tố cáo « các hành động hiếu chiến của Nga », nhấn mạnh Hoa Kỳ cùng với NATO « ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ». Tuy khẳng định « sẽ làm mọi cách để Ukraina có thể chống lại các cuộc tấn công », nhưng tổng thống Mỹ nói rằng việc gia nhập NATO mà tổng thống Ukraina rất thiết tha, không tùy thuộc vào ông, mà đó là quyết định của 30 quốc gia thành viên.

Theo Reuters, Biden cho rằng Vladimir Putin là « một đối thủ, hoặc một người có thể coi là đối thủ », « thông minh và cứng rắn ». Ông bày tỏ hy vọng tổng thống Nga sẽ thay đổi thái độ, hợp tác với Hoa Kỳ trong những lãnh vực mang lại lợi ích chung.

Về phía Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot cho biết tổng thống Putin tuyên bố các cáo buộc Nga tấn công tin học và can thiệp bầu cử là « đáng buồn cười ».

« Chúng tôi bị cáo buộc đủ mọi thứ, nhưng không một lần nào người ta chịu đưa ra một bằng chứng dù nhỏ nhất ». Ông Vladimir Putin chừng như không hề bối rối một giây nào, khi phóng viên nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ NBC nêu ra danh sách mỗi năm một dài thêm, về những hành vi bất hảo được cho là do Nga thực hiện.

Tổng thống Nga mỉa mai : « Tôi lấy làm lạ là chúng tôi vẫn chưa bị tố cáo đã gây ra phong trào Black Lives Matter ». Bị chất vấn về vụ đầu độc Alexei Navalny, ông Vladimir Putin trả lời : « Chúng tôi không có thói quen hành động kiểu đó, không ám sát bất kỳ ai ». Và khi nhà báo nói đến việc đàn áp các nhà đối lập Nga, Putin tố ngược lại, nhắc tới số phận những người ủng hộ ông Donald Trump bị cáo buộc đã tấn công vào điện Capitol.

Sắp đến cuộc gặp thượng đỉnh ở Genève, nhờ đó ông Putin lần đầu gặp gỡ Joe Biden kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, tổng thống Nga cho biết sẵn sàng đối thoại, nhất là trong lãnh vực tội phạm mạng, cho dù Matxcơva bị Washington cáo buộc đã tiến hành cuộc chiến tranh tin học nhắm vào Mỹ.

Đối với Vladimir Putin, tổng thống Biden là một « chính khách chuyên nghiệp, có thể làm việc với nhau được ». Tính chất dễ đoán định của Biden chừng như làm tổng thống Nga hài lòng. Putin giải thích : « Tôi hy vọng sẽ không có những hành động bất ngờ từ tổng thống Mỹ đương nhiệm » – ý nói thái độ đôi khi khó lường của người tiền nhiệm Joe Biden ở Nhà Trắng ».

OMS: Virus corona lây nhanh hơn tiến độ phân phối vac-xin

Ảnh minh họa: Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Đại Hội Y Tế Thế Giới ở Genève (Thụy Sĩ) ngày 24/05/2021. via REUTERS – CHRISTOPHER BLACK/WHO

Virus corona lây lan trên thế giới với tốc độ nhanh hơn tốc độ phân phối vac-xin ngừa Covid-19 hiện nay. Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Ghebreyesus, hôm qua 14/06/2021 phát biểu như trên trong một cuộc họp báo.   

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Anh Quốc vào cuối tuần qua, nhóm G7 (các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới) thông báo tặng 1 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 cho chương trình COVAX của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nhằm phân phối cho các nước nghèo.

Tuy nhiên, theo tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Ghebreyesus, những nỗ lực trên là chưa đủ, thế giới cần nhiều vac-xin hơn và với tiến độ nhanh hơn nữa, bởi mỗi ngày trên thế giới vẫn có thêm 10.000 người chết vì Covid-19. Người dân các nước cần được tiêm vac-xin ngay trong năm nay chứ không thể đợi đến năm 2022.

Cho đến ngày 14/06, COVAX mới phân phối được hơn 85 triệu liều vac-xin cho 131 quốc gia và vùng lãnh thổ, ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đã đề ra. Tổ Chức Y Tế Thế Giới muốn là ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm ngừa từ nay cho đến thượng đỉnh G7 tại Đức vào năm 2022. Và để đạt được chỉ tiêu đó, theo tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần có 11 tỉ liều vac-xin.

AFP trích dẫn bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand, đồng chủ tịch nhóm công tác của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về đánh giá công tác xử lý đại dịch của thế giới, theo đó các nước có thu nhập cao đang dự trữ 4,3 tỉ liều vac-xin, quá nhiều so với nhu cầu thực và có thể dư thừa tới 2 tỉ liều.

Anh Quốc lui ngày giải tỏa hoàn toàn đất nước

Do lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Anh Quốc do biến thể Delta của virus corona, hôm qua 15/06/2021 thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lui thời hạn tiến hành giai đoạn giải tỏa cuối cùng đến ngày 19/07, thay vì ngày 21/06 như dự kiến ban đầu. 

Áp lực giảm đối với hệ thống y tế Pháp

Trái ngược với tình hình đáng lo ngại tại nước láng giềng Anh, dịch bệnh Covid-19 tại Pháp vẫn tiếp tục được cải thiện, giảm áp lực cho các bệnh viện. Theo số liệu chiều tối hôm qua 14/06 của Cơ quan y tế Pháp, số bệnh nhân Covid-19 trong các khoa hồi sức chỉ còn hơn 2.000 ca. Số người nằm viện vì Covid-19 và số bệnh nhân nặng điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực đều giảm xuống mức thấp nhất tính từ giữa tháng 10/2020.

58% dân số Pháp đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi, trong đó số người đã tiêm xong hoàn toàn chiếm hơn 27% dân số. Kể từ hôm nay 15/06, Pháp chính thức tiến hành chủng ngừa cho trẻ từ 12-16 tuổi (hơn 3,5 triệu người). Điều kiện để tiêm cho nhóm thiếu niên 12-16 tuổi là sự đồng ý của từng em và cả hai bậc phụ huynh.

Mỹ : Tổng cộng hơn 600.000 người chết vì virus corona

Nhìn sang Mỹ, hôm qua theo thống kê của Reuters, Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng 600.000 ca tử vong vì Covid-19 tính từ đầu đại dịch. Điều đáng lo ngại là tiến độ tiêm ngừa thời gian qua đã chững lại, khiến chỉ tiêu tiêm phòng mà tổng thống Biden đề ra có thể không đạt được. Nguyên thủ Mỹ từng đề mục tiêu đến ngày Quốc Khánh Mỹ 04/07/2021, 70% dân số hoa Kỳ được tiêm ít nhất một mũi, trong đó 160 triệu người phải được tiêm xong hoàn toàn.

Bà Harris trở thành phó tổng thống Mỹ đầu tiên diễu hành cùng người LGBT

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (ảnh: Chụp màn hình Daily Wire).

Lifesite News đưa tin, vào ngày 14/6, bà Kamala Harris đã trở thành Phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự cuộc diễu hành “niềm tự hào” của giới LGBT (những người đồng tính, chuyển giới).

Bà Harris đăng một bức ảnh bà và chồng Doug Emhoff diễu hành cùng với các nhà hoạt động cánh tả ở thủ đô của quốc gia để vinh danh những người LGBT.

Nữ phó Tổng thống phát biểu tại sự kiện: “Chúng ta ăn mừng tất cả những thành tựu đã đạt được, nhưng chúng ta cần phải thông qua Đạo luật Bình đẳng [cho người LGBT]”.

Bà Harris nói thêm: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng cộng đồng người chuyển giới và thanh thiếu niên của chúng ta đều được bảo vệ. Chúng ta vẫn cần các biện pháp bảo vệ xung quanh việc làm và nhà ở. Còn rất nhiều việc phải làm và tôi biết chúng tôi rất muốn làm”.

Sau đó bà Harris viết trên Instagram: “Người Mỹ LGBT, tôi muốn các bạn biết: Chúng tôi nhìn thấy các bạn. Chúng tôi lắng nghe các bạn”.

Trung Cộng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập: 9 khu hành chính bị đóng cửa, chim bồ câu cũng bị cấm bay

Ảnh minh họa: Youtube/CCTV.

Chỉ còn ít ngày nữa là kỉ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Để duy trì ổn định trong ngày này, Bắc Kinh đã cưỡng chế những người bất đồng chính kiến “đi du lịch”. Kể từ ngày 13/6, Quảng trường Thiên An Môn và 9 khu hành chính lân cận bị đóng cửa, các hoạt động “dọn dẹp” bắt đầu được thực hiện trên toàn thành phố, mọi vật thể bay đều bị cấm, ngay cả chim bồ câu cũng không được phép bay lượn xung quanh.

Theo trang Aboluowang, ngày 11/6, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ban hành thông báo, từ ngày 13/6 đến ngày 1/7, các khu vực hành chính của 9 quận sẽ nằm trong khu vực hạn chế thông quan, trừ các hoạt động bay liên quan được tổ chức trong lễ kỷ niệm, không được phép điều khiển, thả bất kỳ vật thể bay nào làm ảnh hưởng đến an toàn bay.

Các vật thể bay bị cấm bao gồm: chim bồ câu, diều, bóng bay, đèn trời, máy bay không người lái, máy bay cắt ngang và các mô hình hàng không khác. Việc đi lại cũng sẽ bị trừng phạt nếu vi phạm các quy định, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh cho biết, các cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại khu vực Thiên An Môn và dọc theo Đại lộ Trường An trong hai ngày liên tiếp từ 12-13/6. Các con đường sẽ bị cấm lưu thông từ 2 giờ chiều cho đến khi kết thúc cuộc diễn tập. 

Đầu tháng 3, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ tổ chức các buổi biểu diễn sân khấu quy mô lớn, mời các tầng lớp bao gồm các cựu lãnh đạo ĐCSTQ và nhà nước, đảng viên cơ sở và đại diện quần chúng nhân dân.

Một số phương tiện truyền thông đề cập rằng, mặc dù Lễ kỷ niệm 100 của ĐCSTQ không tiến hành một cuộc diễu hành quân sự, nhưng sẽ có một đại hội kỷ niệm tại Quảng trường Thiên An Môn. Để xây dựng cơ sở vật chất cho hội nghị tiệc mừng, quảng trường và các khu vực xung quanh bắt đầu đóng cửa quản lý sớm nhất vào cuối tháng Năm.

Có thông tin cho rằng, ĐCSTQ sẽ tổ chức một cuộc diễu hành quân sự trên không trong lễ kỷ niệm này, các máy bay quân sự sẽ bay qua địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm như một tiết mục biểu diễn. Ngoài Bắc Kinh, các hiệp hội địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức cho đảng viên tham gia lễ kỷ niệm dưới hình thức trực tuyến.

Để đảm bảo ổn định trong dịp kỷ niệm 100 năm, ĐCSTQ đã đưa ra mô hình duy trì ổn định cường độ cao ngay từ hồi tháng Ba. Khi đó, ĐCSTQ đã công bố một chính sách đối xử đặc biệt kéo dài 3 tháng rưỡi đối với cái gọi là “các tổ chức xã hội bất hợp pháp”. Bộ Nội chính Trung Quốc và nhiều ban ngành khác cùng ra lệnh “xóa sổ nơi nuôi dưỡng các tổ chức xã hội bất chính” và kiểm soát ngọn nguồn “các tổ chức xã hội bất hợp pháp”.

Kể từ khi bước vào tháng Sáu, vì trùng với dịp kỷ niệm 32 năm Ngày thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, chính quyền các cấp của ĐCSTQ đã hoang mang đến nỗi không chỉ quản thúc và giám sát người dân ở nhiều nơi khác nhau, mà còn cưỡng ép một số người bất đồng chính kiến ra khỏi đất nước để đi du lịch, thậm chí bỏ tù. Trong đó bao gồm, nhà bất đồng chính kiến ​​Trần Tư Minh ở Hồ Nam, giáo sư nghỉ hưu Dương Thiệu Chính ở Quý Châu, nhà bất đồng chính kiến ​​Vương Ái Trung ở Quảng Châu và nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Hiểu Mẫn ở Thành Đô. Tất cả những người này đều bị cảnh sát địa phương bất ngờ bắt bớ và giam giữ bất hợp pháp vào đầu tháng 6 năm nay.

Ngoài ra, 7 hoặc 8 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Vũ Hán và các nhà bất đồng chính kiến ​​ở Bắc Kinh cũng bị bắt đi du lịch. Các thành viên của Hội nghiên cứu thảo luận Nhân quyền Quý Châu bị cảnh sát bắt đi du lịch, hoặc bị giam lỏng, hoặc bị giám sát nghiêm ngặt. 

Nhà bất đồng chính kiến Hồ Giai đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào đầu tháng Giêng rằng, cũng giống như những năm chính trị đặc biệt trước đây, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là thời điểm nhà cầm quyền tăng cường đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc. Ông mô tả rằng, “đường dây cao áp” do ĐCSTQ thiết lập ngày càng thấp, đến mắt cá chân rồi, chỉ cần bước nửa bước là bạn sẽ chạm vào đường dây cao áp của nó.

Trong khi ĐCSTQ tuyên truyền ca ngợi về Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, cảnh sát mật lại đang nỗ lực kiểm duyệt và chặn bài phát biểu của những nhà hoạt động vì nhân quyền.

Điều nực cười hơn là ĐCSTQ đã sử dụng Lễ kỷ niệm 100 năm này để khôi phục Cách mạng Văn hóa, thậm chí còn bắt giữ một nhóm phần tử cánh tả thuộc phe Mao Trạch Đông trước ngày 1 tháng Bảy.

Thông tấn xã Trung ương ngày 8/6 đưa tin, vụ bắt liên tỉnh được thực hiện bí mật vào ngày 12/5 nên nhiều người bị bắt mà người nhà không hề biết.

Một số nguồn tin giải thích rằng, lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ đang đến gần và các nhà chức trách rất cần ổn định hoàn cảnh. Họ vô cùng lo sợ các phần tử thuộc phe Mao, nơi có sức hấp dẫn nhất định trong nhân dân, sẽ gây ra một tai nạn nào đó vào trước ngày 1 tháng 7, gây ảnh hưởng đến tình hình chung.

Điều này cho thấy rằng, vào thời điểm mà những thay đổi của tình hình quốc tế đang gây ra khủng hoảng đối với sự điều hành của ĐCSTQ, thì phe cánh tả theo chủ nghĩa Mao dưới ngọn cờ của Mao Trạch Đông cũng có thể trở thành một “nhân tố gây bất hòa” trong nội bộ ĐCSTQ, tham gia vào cuộc đấu đá nội bộ ngày càng gay gắt giữa các phe cánh trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20.