Ts. Nguyễn Văn Chữ * – Tiền điện tử và chiến tranh tiền tệ trong cuộc cạnh tranh Mỹ Trung

Share this post on:

30/4/2023

Dẫn nhập 

  1. Hiện nay, một số quốc gia Âu Châu, Mỹ và Trung Quốc đang triển khai và thử nghiệm  “Tiền Điện tử của Ngân hàng Trung ương” (Central Bank Digital Currency – CBDC). Trong khi đó, Việt Nam cũng dự định hai năm tới sẽ bắt đầu thử dùng CBDC trong vài lãnh vực. CBDC là một phần của cuộc chiến tranh tiền tệ và những nước như Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đó.
  2. Tiền có bốn khả năng/phần vụ sau đây: (i) phương tiện trao đổi (medium of exchange), (ii) phương tiện để lưu trữ giá trị (store of value), (iii) đơn vị đo lường giá trị sản phẩm khác (unit of account), và (iv) tiêu chuẩn để quy định các thanh khoản trong tương lai (standard of deferred payment). Thực trạng của “các đồng tiền Blockchain” hay “tiền crypto” là chúng có thể có khả năng là một phương tiện trao đổi, nhưng vô cùng giới hạn.
  3. Sở hữu chủ của tiền tệ quốc gia là chính phủ trong khi tiền Blockchain/crypto là tài sản trí tuệ tư, tiền Blockchain/crypto không có bản chất của cái gọi là tiền tệ quốc gia nên không thể đảm trách các trách nhiệm của tiền tệ quốc gia dưới hình thái tiền giấy, kim loại hay CBDC. Do đó, không thể kết luận rằng CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân hay các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân cạnh tranh với CBDC.

Tiền Blockchain hay tiền crypto không là một công cụ tài chính truyền thống. 

  1. Hiện nay tiền Blockchain/crypto được trao đổi trên thị trường tài chính như là một công cụ tài chính (financial instrument), tương tự, nhưng không giống như cổ phiếu (stock) hay trái phiếu (bond).  Công cụ tài chính tiền Blockchain/crypto không giống như cổ phiếu vì cổ phiếu có giá trị cơ sở (underlying value) là giá trị của tài sản và lợi tức kỳ vọng trong tương lai của doanh nghiệp ấn hành chúng. Và, tiền Blockchain/crypto không giống như trái phiếu vì trái phiếu có giá trị cơ sở là giá trị của tài sản thế chấp để bảo đảm giá trị của trái phiếu của doanh nghiệp ấn hành chúng.
  2. Tiền Blockchain/crypto là một tài sản trí tuệ nên nếu vì bất cứ lý do gì mà một loại tiền Blockchain/crypto không được chuộng nữa trên thị trường thì tài sản trí tuệ này không có giá trị cơ sở nên các nhà đầu tư không thể thu hồi phần nào số tài khoản mà họ đã đầu tư vào công cụ tài chính này.
  3. Do tiền Blockchain/crypto có bản chất nêu trên của một công cụ tài chính, khoảng 22% người Mỹ hiện đang lướt sóng bằng công cụ này, và Fidelity Investments của Mỹ sẽ đầu tư quỹ hưu bổng của khách hàng vào bitcoin. Đây có thể là mầm móng cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

CBDC và việc điều tiết thị trường trong các nền kinh tế tại các quốc gia dân chủ

  1. Khi hệ thống tiền tệ quốc gia bao gồm tiền giấy và đồng tiền kim loại thì hệ thống ngân hàng hay chính quyền chỉ có dữ liệu khi người dân ký thác vào hay rút tiền giấy và tiền kim loại ra từ ngân hàng; nhưng chính quyền và hệ thống ngân hàng mà ngân hàng trung ương là một cơ năng chủ đạo, không có toàn thể dữ liệu là người dân dùng tiền giấy và  tiền kim loại sau họ rút ra hay trong túi của họ vào các tác vụ gì, ngay cả tại các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam.
  2. Tuy nhiên khi CBDC thay thế tiền giấy và đồng tiền kim loại thì để thanh khoản một mãi vụ, dù nhỏ đến đâu, thì chuyển giao một số ngân khoản từ tay người mua đến tay người bán không còn được nữa mà sự thanh khoản này phải thực thi qua một mạng lưới điện toán phức tạp nối kết tất cả các mãi vụ của tác nhân kinh tế, bao gồm cả cá nhân, doanh nghiệp, toàn bộ hệ thống của thị trường tài chính, và ngân hàng (infrastructure for financial sector). Qua mạng lưới điện toán chằng chịt, phức tạp, và bao trùm này, tất cả dữ liệu về mãi vụ đều được ghi lại: ai bán, ai mua, sản phẩm hay dịch vụ mua bán, trao đổi lúc nào, tại đâu, v.v… Do bản chất này mà khi chính quyền Mỹ đưa ra dự thảo thay thế tiền giấy và đồng tiền kim loại bằng CBDC đã bị dân chúng phản đối cho rằng điều này vi phạm quyền tự do riêng tư (privacy).
  3. Về mặt tích cực, trong các nền kinh tế tại các quốc gia dân chủ, CBDC có thể là một công cụ để kiểm soát tài sản của quần chúng, chống hành tung trốn thuế trong nền kinh tế, và sự chuyển tiền ra ngoại quốc giúp ngăn chặn phần nào sự mất giá của đơn vị tiền tệ quốc gia, nếu có khủng hoảng tài chính xảy ra.

Ước đoán (conjecture) chủ đích của e-CNY của Trung Quốc: đánh bại USD 

  1. Tiền tệ là một mặt trận trong cuộc tranh hùng Mỹ Trung: sự cạnh tranh giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Mỹ kim. Trung Quốc là một quốc gia độc tài, cai trị bởi đảng cộng sản, nên chủ đích của việc tiên phong thay thế đồng Nhân dân tệ dưới hình thể tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng e-CNY không mang lãi suất được phát hành bởi PBOC sẽ sâu đậm hay thâm độc hơn là tại các quốc gia dân chủ.
  2. Người viết ước đoán rằng ngoài những cách sử dụng e-CNY trong lãnh vực kinh tế như các thể chế dân chủ, Đảng Cộng Sản (ĐCS) Trung Quốc và giới lãnh đạo sẽ còn dùng e-CNY để̉ kiểm soát người dân trong các lãnh vực xã hội và chính trị nữa.
  3. Một trong các mặt trận của cuộc chiến 100 năm để giành ngôi độc bá quyền lãnh đạo thế giới từ Mỹ của Trung Quốc là mặt trận về tiền tệ. Trận đánh đầu của mặt trận này là Trung Quốc thao túng tiền tệ để giữ báo giá trực (/gián) tiếp của hối suất giữa Nhân dân tệ (nội tệ) và Mỹ kim (ngoại tệ) trên thị trường ngoại hối tại  Trung Quốc thấp (/cao) để gia tăng xuất cảng, giảm nhập cảng, hầu cải tiến hoạt động kinh tế vĩ mô bất chính và TC khá thành công trong trận này.
  1. Mục tiêu của Trung Quốc: Đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ cơ bản của đồng SDRs của IMF, và rồi biến e-CNY thành vũ khí tiền tệ sát thương để thay thế vị thế Mỹ kim bằng Nhân dân tệ.
  2. Vai trò của tiền tệ trong hỗ tương giữa một độc bá quyền và quyền bá chủ trong thời đại toàn cầu hoá là đơn vị tiền tệ của độc bá quyền đương nhiên là đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia khác; và, vị thế của đơn vị tiền tệ của một độc bá quyền là đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia khác sẽ bảo vệ quyền bá chủ của độc bá quyền; hỗ tương theo chiều ngược lại là quyền bá chủ sẽ bảo vệ độc bá quyền về mặt kinh tế. Do đó, về chiến lược, một quốc gia đối thủ muốn thay thế đương kim độc bá quyền phải tìm mọi cách đưa đơn vị tiền tệ của mình thành đơn vị tiền tệ dự trữ trên thế giới.
  3. IMF đã biểu quyết đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ của SDR vào ngày 30 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2016. Đây là một chiến thắng nữa trong mặt trận về tiền tệ của cuộc chiến 100 năm để giành ngôi độc bá quyền lãnh đạo thế giới từ Mỹ của TC.
  4. Người viết ước đoán rằng trong điều kiện chính trị và kinh tế thế giới hiện nay, sau khi thành công đưa đồng Nhân dân tệ thành một trong 5 đơn vị tiền tệ cấu phần của rổ tiền tệ quy định giá trị của SDR; TC, qua dự án Một Vành Đai, Một Con Đường, sẽ tận dụng quyền lực mềm hầu biến e-CNY thành một vũ khí sát thương để đẩy đồng Mỹ kim ra khỏi vị thế của đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia, đã và đang được dùng làm đơn vị tiền tệ để thanh khoản hơn 80 % các tác nghiệp ngoại thương hàng ngày trên thế giới, trong mặt trận kinh tế của cuộc chạy đua một thế kỷ để thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Hàm ý đối với phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam 

  1. Như đã trình bày trên đây, khi tiên phong thay đồng Nhân dân tệ duới dạng tiền giấy và đồng tiền kim loại bằng e-CNY, Trung Quốc phải triển khai một mạng lưới điện toán phức tạp, nối kết tất cả các tác vụ kinh tế giữa tất cả cá nhân, doanh nghiệp, toàn bộ hệ thống của thị trường tài chính, và ngân hàng (infrastructure for financial sector). Công trình triển khai này đòi hỏi chi phí tài chính, kỹ thuật điện toán và thời gian mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng có thể thành tựu. Tuy nhiên, khi đã được triển khai thì mạng lưới này có thể sửa đổi (modify) để áp dụng tại một nền kinh tế khác tương đối dễ dàng và ít tốn kém cả về tài chính cũng như thời gian. Trong khi đó, nhiều quốc gia dân chủ khắp mọi nơi, ngay cả Mỹ, cũng đang ráo riết triển khai những mạng lưới điện toán cho CBDC của họ.
  2. Để không phải lập lại nhiều lần, xin được dùng cụm từ “mô hình TQ” để chỉ mạng lưới điện toán cho e-CNY do Trung Quốc triển khai, và “mô hình DC” để chỉ mạng lưới điện toán cho CBDC do Mỹ và các quốc gia dân chủ khai triển trong những dòng sau đây.
  3. Những khác biệt không thể phản biện giữa các quốc gia dân chủ so với các quốc gia độc tài là tự do báo chí/ ngôn luận, ngành tư pháp độc lập, nhân quyền và dân quyền được tôn trọng. Cũng do hệ quả của các khác biệt này, các mạng lưới điện toán trong mô hình DC chỉ có thể thu thập dữ liệu giới hạn để quản trị thị trường tài chính và thanh khoản thương vụ. Trong khi đó, các thể chế độc tài không những không bị các giới hạn trên mà luôn có nhu cầu theo dõi để nhận diện những cá nhân hay đoàn thể bất đồng chính kiến để đàn áp, trù dập hầu bảo vệ chế độ, mà dữ liệu từ các tác vụ thương mại là nguồn tin tức quan trong cho các mục tiêu xã hội và chính trị.
  4. Do đó, ngoài các dữ liệu cần để quản trị thị trường tài chính và thanh khoản thương vụ, mô hình TQ còn thu nhặt các dữ liệu cho mục tiêu xã hội và chính trị. Kết quả tất yếu là mô hình TQ sẽ có khả năng thu hút và hấp dẫn các chế độ độc tài hơn là mô hình DC tương tự như các khoản cho vay của kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) từ Trung Quốc so với các khoản cho vay từ các định chế tài chính quốc tế và các quốc gia dân chủ phát triển. Do đó, trong phong trào rao giảng nhu cầu thay thế  tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng Tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương, Trung Quốc sẽ có thế thượng phong lôi cuốn, cưỡng bách, và hối lộ dưới nhiều hình thức tinh vi (là việc đương nhiên) khiến cho nhiều “quốc gia đối tác” đã tham gia hay rơi vào bẫy nợ của BRI.
  5. Người viết ước đoán rằng Trung Quốc sẽ triệt để khai thác lợi điểm này (dù vô cùng bất chính và vô đạo đức) để thành lập một liên minh bao gồm những quốc gia áp dụng một biến dạng nào đó của mô hình TQ, được Trung Quốc trợ giúp triển khai, hay cung cấp, và nối kết với mạng lưới điện toán của Trung Quốc; do Trung Quốc lãnh đạo.
  6. Trên vị thế lãnh đạo này, Trung Quốc sẽ tích cực và không ngừng nghỉ lôi cuốn, khuyến khích, cưỡng bách, và hối lộ các thành viên của liên minh dùng Nhân dân tệ để thanh khoản các nghiệp vụ ngoại thương với nhau qua mạng lưới điện toán; đồng thời sẽ dùng mọi phương tiện kinh tế, chính trị và quân sự để gia tăng hội viên của liên minh, nhất là các quốc gia có kim ngạch xuất cảng cao về các nhu yếu phẩm, nhiên/nguyên liệu, và năng lượng, v.v… Và, khi liên minh lớn mạnh, Trung Quốc còn có thể lôi cuốn, khuyến khích, cưỡng bách, và hối lộ các thành viên của liên minh để đòi các quốc gia không thành viên thanh khoản số sản phẩm mà họ nhập cảng từ các quốc gia thành viên bằng Nhân dân tệ.
  7. Nếu thành công, kế hoạch trên, Trung Quốc sẽ gia tăng vai trò của đồng Nhân dân tệ như là một đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế và trong thanh khoản cho các tác nghiệp ngoại thương hàng ngày trên thế giới.
  8. Trong bối cảnh một cuộc cạnh tranh tiền tệ đang tới gần, Việt Nam sẽ chọn thế đứng nào?

* Nguyễn Văn Chữ

Tiến sỹ Nguyễn Văn Chữ đến Hoa Kỳ tị nạn vào tháng 5 năm 1975, nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Tài chính, Thạc sỹ Toán, và Thạc sỹ Kinh tế, do Học bổng Charles Taft (Charles Taft Fellowship) của University of Cincinnati tài trợ. Ông nguyên là Phó Giáo sư Kinh tế và Tài chính, nguyên Khoa trưởng Khoa (FAMIS) gồm các môn: Tài chính, Kế toán, Kinh tế, Điện toán Ứng dụng, và Ngoại thương – Marilyn Davies College of Business, University of Houston Downtown. Ông từng đảm nhiệm vai trò Kinh tế gia và Trưởng phòng Phân tích và Dự báo Kinh tế và Tài chính – Ngân hàng Khu vực Thứ năm (the 5th District) của hệ thống Ngân hàng Tín dụng Liên bang Hoa Kỳ. Ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tropical Star Enterprise, Inc. (US). Ông còn có bút danh là Nguyễn Duy Việt.