Từ  BRICS đến  G20, xung đột bất tận Trung-Mỹ – Pierre-Antoine Donnet*

Share this post on:

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Des BRICS au G20, l’eternel conflit Chine-Amérique“, Asialyst, 14.9.2023.

04/10/2023

” Nhiều quốc gia trong số khoảng 150 bên ký kết chương trình này nhận thấy bị rơi vào tình trạng không thể trả được nợ cho Trung Quốc, nạn nhân của cái “bẫy nợ”, bao gồm Bangladesh, Sri Lanka, Argentina, Ethiopia, Kenya, Malaysia, Montenegro, Pakistan, Tanzania và Zambia. Một số, như Sri Lanka, đã bị buộc phải đồng ý nhượng lại cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê dài hạn 99 năm cho Trung Quốc, thể hiện sự từ bỏ chủ quyền.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày 9 tháng 9 năm 2023. (Nguồn: Challenges)

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh BRICS, G20 đã kết thúc vào Chủ nhật ngày 10 tháng 9 tại New Delhi trong bối cảnh cuộc xung đột bất tận đang ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hai siêu cường cố gắng tận dụng hai sự kiện này, mặc dù có chút lợi thế cho người Mỹ do sự vắng mặt không rõ nguyên nhân ở Ấn Độ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 “Trước sự ngạc nhiên của mọi người, nguyên thủ quốc gia Trung Quốc đã được Thủ tướng Lý Cường thay thế ở New Delhi. Nhưng chính sách ghế trống hiếm khi hiệu quả, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tận dụng cơ hội để ghi điểm và cào xước Trung Quốc vốn, ông nhấn mạnh, đang phải đối mặt với những “khó khăn” kinh tế, đồng thời nhấn mạnh với một chút mỉa mai rằng người đồng cấp Trung Quốc của ông hiện “thực sự còn rất nhiều việc phải làm”, đặc biệt là trước tình trạng thanh niên thất nghiệp đang “đè nặng”.

Joe Biden muốn xác định rằng “vấn đề không phải là cô lập Trung Quốc. Chúng tôi không tìm cách làm hại Trung Quốc. Thật vậy. Mọi người đều có lợi khi Trung Quốc hoạt động tốt.” Tuy nhiên, ông cáo buộc Bắc Kinh “thay đổi một số quy tắc của trò chơi trong thương mại và các lĩnh vực khác”, ám chỉ đến thông báo ở Bắc Kinh về lệnh cấm các điện thoại thông minh của gã khổng lồ Apple của Mỹ được áp đặt đối với tất cả công chức của chế độ trong các chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước. Cổ phiếu của Apple đã chao đảo trong những ngày vừa rồi trên thị trường chứng khoán sau thông báo này. Joe Biden nói thêm, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết, đã “gặp” Thủ tướng Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh và đảm bảo rằng cuộc trao đổi của họ “không mang tính đối đầu”, nhắc lại rằng ông hy vọng sẽ sớm gặp ông Tập.

Sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 là điều chưa từng có kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Trung thành với sự mờ ám của mình, chính quyền Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, khiến các nhà quan sát Trung Quốc phải lựa chọn đưa ra một số lời giải thích. Trong số đó, có việc Chủ tịch Trung Quốc mong muốn không rời Bắc Kinh do căng thẳng trong bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, phương tiện truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia lập luận, trích dẫn các nguồn không xác định, rằng Tập Cận Bình là đối tượng chỉ trích từ các quan chức Đảng trong buổi họp truyền thống thường niên ở Bắc Đới Hà/Beidaihe, một khu nghỉ mát ven biển ở phía đông bắc đất nước, nơi các nhà lãnh đạo của chế độ họp kín mỗi mùa hè.

Katsuji Nakazawa, cựu phóng viên Nikkei Châu Á tại Bắc Kinh, viết: “Có nhiều dấu hiệu về những rắc rối trong chính trị nội bộ Trung Quốc. Bầu không khí của cuộc mật nghị này khác biệt đáng kể so với 10 cuộc họp Bắc Đới Hà trước đây mà Tập Cận Bình đã tham dự kể từ khi ông trở thành tổng bí thư Đảng năm 2012. Trong cuộc họp năm nay, một nhóm cựu lãnh đạo Đảng đã về hưu đã khiển trách lãnh tụ tối cao với những lời lẽ họ chưa bao giờ sử dụng cho đến bây giờ. Tập sau đó bày tỏ sự ức chế của mình với các trợ lý thân cận nhất: “Tôi đã dành cả thập kỷ qua để giải quyết những vấn đề này và chúng vẫn chưa được giải quyết. Tôi có đáng trách không?”, dường như ông đã nói với các trợ lý này như vậy.”

Nhà báo nêu rõ: cũng chính những nhà cựu lãnh đạo Đảng đã gặp nhau trước cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Trong buổi họp này, những cán bộ cao cấp này, đứng đầu là Tăng Khánh Hồng, cựu phó chủ tịch Nước và cánh tay phải của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân vừa qua đời, nhấn mạnh rằng nếu không nhanh chóng thực hiện các biện pháp để đối phó với cơn bão táp chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay, Đảng có thể mất đi sự ủng hộ của nhân dân. Họ nói: “Hiện nay, chúng ta không thể đối mặt với nhiều tình trạng hỗn loạn hơn”.

“TÂM TRÍ CỦA MỘT HOÀNG ĐẾ TRUNG QUỐC”

Đây thực ra không phải là lần đầu tiên Tập Cận Bình gây chú ý với sự vắng mặt của ông trong những tháng gần đây. Vào cuối tháng 8, ông không có mặt tại một cuộc họp được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS với các doanh nhân nơi ông được mong đợi. Không có bất cứ lời giải thích nào, bài phát biểu của ông đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào đọc.

Trong số những lời giải thích có vẻ hợp lý khác cho sự vắng mặt này là việc Tập Cận Bình muốn không tỏ ra yếu thế trước các nhà lãnh đạo G20 khác với sự bất ổn rất mạnh mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải trải qua. Theo một giải thích khác, Chủ tịch Trung Quốc không muốn gặp Joe Biden do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên đặc biệt gay gắt trong những tháng gần đây.

Một giả thuyết khác được đưa ra và không nên bị xem nhẹ: Tập Cận Bình cố ý quyết định không đến New Delhi vì ông có ý định báo hiệu với thế giới rằng từ nay trở đi đất nước của ông sẽ từ chối các quy tắc đã được thiết lập của trật tự quốc tế, như chúng đã được quy định bởi Hoa Kỳ vào cuối Thế chiến thứ hai, và ông dự định thay thế chúng bằng những quy tắc của mình. Đây là luận điểm của một số phương tiện truyền thông Anglo-Saxon, trong đó có tạp chí The Atlantic của Mỹ: “Tẩy chay G20 chỉ là bước khởi đầu. Trung Quốc muốn thay thế G20”, Michael Schuman, một nhà báo Mỹ sống ở Bắc Kinh và hiểu biết nhiều về Trung Quốc, giải thích. Tẩy chay hội nghị thượng đỉnh đánh dấu một bước ngoặt kịch tính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Từ nay trở đi, Tập coi đất nước của mình là một đối thủ công khai, sẵn sàng đưa ra khối riêng của mình chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như chống lại các tổ chức quốc tế mà họ hỗ trợ”, cụ thể là Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

​Đây ít nhiều cũng là luận điểm được Japan Times ghi nhận khi cho rằng sự vắng mặt của Tập Cận Bình ở New Delhi đã “củng cố hình ảnh của ông với tư cách là nguyên thủ quốc gia toàn cầu. Việc xem thường G20 đánh dấu sự tiến hóa của một nguyên thủ quốc gia hướng tới một hoàng đế Trung Quốc.” Theo nhật báo Nhật Bản, bước ngoặt chính trị này cũng củng cố nỗi lo sợ ngày càng tăng ở Phương Tây về một nhà lãnh đạo ngày càng trở nên khó đoán trước do những thách thức ngày càng tăng mà Trung Quốc tích lũy trong những tháng gần đây.

Bước tiếp theo của Tập Cận Bình vào tháng 10, với một diễn đàn ở Bắc Kinh để kỷ niệm 10 năm “Con đường tơ lụa mới“ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin – cũng vắng mặt trong G20 – đã ngay lúc đó tuyên bố tham gia. Alfred Wu, phó giáo sư tại Đại học Johnsfield, trường Chính sách công tại Đại học Singapore, được Japan Times trích dẫn, cho rằng Ông Tập Cận Bình “hiện đang ở trong tâm trạng của một vị hoàng đế mong đợi các quan chức [nước ngoài] đến gặp mình”, hơi giống các vị hoàng đế Trung Quốc cổ đại với cảnh các nhà lãnh đạo các nước chư hầu quỳ gối trước mình.

“HÀNH LANG” CỦA MỸ TỪ ẤN ĐỘ ĐẾN CHÂU ÂU

Dù vậy, Joe Biden vẫn chưa dừng lại ở đó. Ông đã lợi dụng sự có mặt của các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh này để đề xuất một phương án thay thế cho chương trình khổng lồ “Những con đường tơ lụa mới” do Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 và hiện đang liên tục gặp phải những thất bại. Tổng thống Mỹ đã đề xuất dự án “hành lang” hậu cần nối Ấn Độ, châu Âu với Trung Đông, với vai trò hàng đầu của Ả Rập Saudi. Theo thông cáo báo chí do Nhà Trắng công bố, một thỏa thuận về nguyên tắc đã được ký kết vào ngày 9 tháng 9 tại New Delhi giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức và Ý.

“Hành lang này thực sự quan trọng”: bình luận về việc ký kết này, tổng thống Mỹ đã nói về một thỏa thuận “lịch sử” trong một hội nghị bàn tròn quy tụ các nhà lãnh đạo liên quan. Nó “quan trọng hơn chứ “không chỉ là” đường sắt hay dây cáp”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, gợi ý về “cây cầu xanh và kỹ thuật số giữa các lục địa và các nền văn minh”. Vào cuối cuộc họp, Joe Biden đã xích lại gần Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, được gọi là “MBS”, cho một cái bắt tay tập thể.

Theo một tài liệu do chính quyền Biden công bố: “Chúng tôi muốn khởi động một kỷ nguyên mới được kết nối thông qua mạng lưới đường sắt, kết nối các cảng ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Á”. Mục tiêu là tạo ra “các nút thương mại”, đồng thời “khuyến khích sự phát triển và xuất khẩu năng lượng sạch”. Nó cũng sẽ liên quan đến việc đặt cáp ngầm. Từ một nguồn tin gần với hồ sơ, dự án cũng dự kiến một hành lang hydro, đặc biệt sẽ kết nối Dubai, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Jeddah, ở Ả Rập Saudi, với cảng Haifa của Israel và sau đó đến các cảng Châu Âu.

Lựa chọn Trung Đông chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ bởi đây chính xác là khu vực mà Trung Quốc đã ghi nhận những thành công ngoại giao đáng kể trong những tháng gần đây, đến mức một số nhà phân tích thậm chí còn coi đây là sự loại bỏ dần Mỹ để nhường chỗ cho Bắc Kinh. 

Pháp hy vọng rằng Marseille có thể là “đầu cầu” châu Âu cho công trường, với việc Tổng thống Emmanuel Macron ca ngợi ở New Delhi “trình độ chuyên môn của các công ty Pháp” về giao thông và năng lượng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, người đã đề cập đến Israel và Jordan trong số các quốc gia liên quan, nhận xét: Dự án phải “thúc đẩy sự hội nhập ở Trung Đông”, bao gồm cả giữa “các đối tác không chắc chắn”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã tiếp cận Israel vài tháng trước về dự án này “sẽ định hình lại bộ mặt của Trung Đông”. […] Nhà nước Israel sẽ là trung tâm đầu mối cho sáng kiến ​​kinh tế này, ông đã phản ứng vào tối thứ Bảy trong một thông cáo báo chí. Israel sẽ phát huy tất cả khả năng, kinh nghiệm và cam kết toàn diện của mình để biến dự án hợp tác này trở thành dự án hợp tác lớn nhất trong lịch sử của chúng ta.”

Mỹ và châu Âu cũng tuyên bố đang hợp lực hỗ trợ một dự án cơ sở hạ tầng khác ở châu Phi: “hành lang Lobito”, nối liền Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia qua cảng Lobito ở Angola.

“CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY VÀ CHIẾM ĐOẠT”

Trong một tin nhắn trên X (cựu Twitter) Michael Kugelman, chuyên gia tại Trung tâm Wilson ở Washington đánh giá: nếu dự án nhằm kết nối Ấn Độ với châu Âu thông qua nhiều quốc gia ở Trung Đông thực sự “được hiện thực hóa, nó sẽ thay đổi luật chơi”, và điều này sẽ “nhằm mục đích chống lại BRI”.

“Sáng kiến Vòng Đai và Con Đường/Belt and Road Initiative”, hay BRI, là tên chính thức của chương trình “Những con đường tơ lụa mới”, qua đó Bắc Kinh đang đầu tư lớn vào nhiều nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng. Những người chống đối dự án này tố cáo một con ngựa thành Troy của Trung Quốc, nhằm mục đích đạt được ảnh hưởng chính trị, và chỉ trích khoản nợ mà nó áp đặt lên các nước nghèo. Vào tháng 6, Joe Biden gọi đó là “chương trình cho vay và chiếm đoạt”.

BRI là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất từng được triển khai trên thế giới với các khoản vay và đầu tư với tổng trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, dự án hiện đang gây nhiều thất vọng, mới nhất là thông báo rút lui của Ý, chính phủ Ý cho rằng chương trình đã không mang lại cho họ những gì được mong đợi.

Nhiều quốc gia trong số khoảng 150 bên ký kết chương trình này nhận thấy bị rơi vào tình trạng không thể trả được nợ cho Trung Quốc, nạn nhân của cái “bẫy nợ”, bao gồm Bangladesh, Sri Lanka, Argentina, Ethiopia, Kenya, Malaysia, Montenegro, Pakistan, Tanzania và Zambia. Một số, như Sri Lanka, đã bị buộc phải đồng ý nhượng lại cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê dài hạn 99 năm cho Trung Quốc, thể hiện sự từ bỏ chủ quyền.

Trong một bài báo có tựa đề “Con đường của Trung Quốc dẫn tới sự hủy hoại” do Michael Bennon và Francis Fukuyama ký, tạp chí Foreign Affairs của Mỹ giải thích trong ấn bản tháng 9/tháng 10 rằng dự án này đã tạo ra “ở nhiều nơi trong thế giới đang phát triển [thực tế là] Trung Quốc đang được coi là một chủ nợ tham lam và cứng rắn, không khác gì các công ty đa quốc gia Phương Tây.”

Phát biểu tại New Delhi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, về phần mình, đã xài lại một điệp khúc nổi tiếng ở Bắc Kinh khi kêu gọi châu Âu “đoàn kết và hợp tác” chống lại “những bất ổn toàn cầu”, nhắm vào Hoa Kỳ mà không nêu tên rõ ràng.

“ĐÔI BÀN TAY BẬN RỘN”

Ngay sau G20, Joe Biden đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự đoán vào ngày 10/9 “sự khởi đầu của một kỷ nguyên hợp tác thậm chí còn lớn hơn” với nước này. Ông tuyên bố đã ký kết “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai kẻ cựu thù sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền, Nguyễn Phú Trọng. Biden tuyên bố: “Chúng tôi đang tăng cường hợp tác về các công nghệ mới nổi thiết yếu, bao gồm cả việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn bền hơn”.

Theo một thông cáo báo chí, hai nước đã ký kết mối quan hệ đối tác sâu rộng trong lĩnh vực này nhằm “phát triển” năng lực của Việt Nam “có lợi ích cho ngành công nghiệp Mỹ”. Trong văn bản này, Hoa Kỳ ca ngợi “năng lực [của quốc gia Đông Nam Á] đóng vai trò thiết yếu trong việc thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn bền vững”. Nói cách khác: bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Thỏa thuận này muốn là một thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”. Nó cho phép Hoa Kỳ, mà Joe Biden muốn tái công nghiệp hóa với tốc độ cao, đảm bảo nguồn cung cấp các linh kiện điện tử thiết yếu.

Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố từ Hà Nội vào ngày 10/9 rằng ông không tin vào mưu toan xâm lược Đài Loan của Trung Quốc trong thời gian ngắn do những vấn đề kinh tế hiện tại đang cản trở điều đó. Ông cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc “hiện đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế khó khăn do nhiều lý do liên quan đến sự tăng trưởng quốc tế cũng như các chính sách mà nước này đã áp dụng. Tôi không tin đây sẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc tấn công Đài Loan và thực tế thì ngược lại, có lẽ họ không còn những năng lực như trước đây.” Tập Cận Bình hiện đang “rất bận rộn”, tổng thống Mỹ nói thêm.

Một phản ứng thích đáng? Ngày 11/9, Đài Loan thông báo đã phát hiện 39 máy bay quân sự và một tàu sân bay Trung Quốc gần hòn đảo này, sau khi hai tàu Mỹ và Canada đi qua eo biển Đài Loan vào cuối tuần qua. Từ ngày 10 tháng 9 đến ngày 11 tháng 9, 26 máy bay và 13 tàu quân sự đã hoạt động quanh đảo. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, 13 máy bay khác đã được phát hiện kể từ đầu giờ ngày 11 tháng 9. Bộ này cho biết thêm, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cũng được phát hiện cùng ngày, cách điểm cực nam của Đài Loan khoảng 60 hải lý về phía đông nam, đang đi về phía Đông và đi vào vùng phía tây Thái Bình Dương. Đài Loan sống dưới sự đe dọa xâm lược thường xuyên của Trung Quốc, vốn coi hòn đảo này là một trong những tỉnh mà họ muốn thấy quay trở lại dưới quyền lực của mình, nếu cần thiết bằng vũ lực.

TRANH CHẤP CHỐNG TÂY PHƯƠNG 

Hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2024 tại Rio de Janeiro. Ngược lại, Trung Quốc đã ghi điểm tại hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 8 tại Johannesburg, François Danjou viết trên tờ Question Chine.

Thật vậy, gần một phần tư thế kỷ sau khi được Ngân hàng Goldman Sachs sáng chế, năm mẫu tự BRICS được ngân hàng này coi như một lời hứa về lợi nhuận sinh lời khi đầu tư vào “các nước mới nổi”, mà họ dự đoán sẽ có một tương lai hưng thịnh, “từ viết tắt BRICS đã trở thành biểu tượng của một thách thức toàn cầu đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Phương Tây.”

Trong suốt hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 này, các cuộc trao đổi, với ít nhiều sắc thái, bị chi phối “cả bởi tinh thần kháng cự chống ưu thế của Phương Tây được thiết lập tại Liên Hợp Quốc vào năm 1945 và bởi các cuộc thảo luận về việc mở rộng cho thành viên mới”. Chủ đề “chống đối” đã xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau trong tất cả các bài phát biểu, một số bài quay ngược trở lại lịch sử xa xưa. Như lời nhắc nhở về chế độ nô lệ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hoặc lời khen ngợi của ông, cùng với Narendra Modi, người đã trích dẫn Gandhi, về các triết lý và các loại dược phẩm truyền thống không phải của Phương Tây.

“Và đặc biệt là Tập Cận Bình. Tiếp tục đề xuất ba dự án toàn cầu của Trung Quốc về phát triển [全球发展倡议, Toàn cầu Phát triển xương nghị, GDI (Global Development Intiative)], an ninh [全球安全倡议, Toàn cầu an ninh xướng nghị, GSI (Global Security Initiative)] và văn hóa [全球文化倡议, Toàn cầu văn hoá xướng nghị, GCI (Global Cultural Initiative)], Tập Cận Bình nhấn mạnh đến điểm khiến ông khác biệt với Vladimir Putin, mà hội nghị truyền hình chủ yếu tập trung vào các biến cố tàn khốc về ngũ cốc trong cuộc chiến ở Ukraine, và, ngược lại, lặp lại sự gắn bó của Trung Quốc với hòa bình,” François Danjou viết.

Đồng thời, coi Washington là kẻ hiếu chiến, ám chỉ như Moscow trách nhiệm của Mỹ và NATO trong cuộc chiến ở Ukraine và chỉ trích việc mở rộng Liên minh Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung Quốc mạnh mẽ cáo buộc Hoa Kỳ về chủ nghĩa bá quyền “đao to búa lớn: một quốc gia bị ám ảnh bởi việc duy trì quyền bá chủ của mình, làm mọi cách có thể để làm tê liệt các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.”

Sự kết nạp sáu thành viên mới (Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã củng cố ảnh hưởng đối với nhóm của Tập Cận Bình, mà trong bối cảnh sự căng thẳng Trung-Mỹ bị kịch phát, nhóm đã xem ​​sự mở rộng như là phương tiện để chống đối ưu thế của Washington và Phương Tây. François Danjou viết: “Chủ tịch Trung Quốc, cùng với Vladimir Putin, đã trở thành người lãnh đạo không gian ảnh hưởng toàn cầu của việc tố giác Phương Tây”. Bởi vì sự mở rộng cho các quốc gia mới này “củng cố tư thế của Tập Cận Bình, người giương cao ngọn cờ của sự chống đối Phương Tây và Washington thông qua đường vòng của “Phương Nam toàn cầu”.”

​Với 47% dân số thế giới, 36% GDP của hành tinh và gần 20% trữ lượng dầu mỏ, BRICS mở rộng cho Iran rõ ràng là đi ngược lại ưu thế cũ của Phương Tây.

Với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, câu hỏi ngày càng được đặt ra là liệu Tập Cận Bình sẽ có mặt không vào ngày 17 tháng 11 tại San Francisco nhân dịp hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Joe Biden coi đây là cơ hội gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh APEC này, ra đời từ những năm 1980 và do Hoa Kỳ giữ vai trò chủ trì trong năm nay, tạo cơ hội cho các lãnh đạo của 21 thành viên gặp nhau bên lề hội nghị. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ kể từ năm 2017. Nhưng hiện nay, không có gì chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra.

Phạm Như Hồ dịch

* Cựu nhà báo của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng 15 tác phẩm viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Vào năm 2020, cựu phóng viên ở Bắc Kinh này đã xuất bản “Vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ/Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis” (Éditions de l’Aube). Ông cũng là tác giả cuốn “Tây Tạng sống hay chết/Tibet mort ou vif”, do Gallimard xuất bản năm 1990 và tái bản vào năm 2019 dưới dạng được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/Chine, le grand prédateur”, do Éditions de l’Aube xuất bản năm 2021, cuối năm 2022 ông là chủ biên cuốn sách tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier Chinois” (Cherche Midi), sau đó vào đầu năm 2023 “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste” (L’Aube).

Nguồn: “Des BRICS au G20, l’eternel conflit Chine-Amérique“, Asialyst, 14.9.2023.

http://www.phantichkinhte123.com/2023/10/tu-brics-en-g20-xung-ot-bat-tan-trung-my.html#more