Bài bình luận của Gió Bấc
Hình minh hoạ: một người dân bị nghi nhiễm COVID-19 vừa kết thúc thời hạn cách ly tập trung ở Hà Nội hôm 2/4/2020
Reuters
Cách ly, giãn cách xã hội là biện pháp ngăn chặn, chống lây lan dịch bệnh, nhưng cách truy vết, lùa đi cách ly tập trung theo kiểu thà giết lầm hơn bỏ sót đã thành nỗi ám ảnh của người dân. Không chỉ là F1, F0, cả người chỉ đi vào vùng dịch cũng bị cách ly. Đau xót nhất là cả trẻ em cũng bị đưa vào trại cách ly. Khu cách ly trở thành ổ lây lan dịch nhiều nhất, nhiều người bi nhiễm nhất.
Cách ly tập trung người bị nhiễm (F0), người tiếp xúc gần với người bị nhiễm (F1) và áp dụng các biện pháp xã hội được xem xem là biện pháp thành công của Việt Nam trong các đợt dịch bùng phát trước đây đã từng gây dư luận bất bình. Sự mất vệ sinh, thiếu tiện nghi, đối xử không thân thiện của người có trách nhiệm…
Trốn cách ly như vượt biên tị nạn
Tuy nhiên, thời điểm đó, số người cách ly không nhiều, dịch chưa bùng phát ở nhiều địa phương nên những tiếng kêu than ấy bị chìm trong im lặng của sự căng thẳng, lo lắng vì cơn dịch. Người ta như tự nhủ với nhau đó là sự hy sinh một chút tự do, tiện ích cá nhân để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Trong đợt bùng phát thứ tư này, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, dịch bùng phát lan rộng ra hơn 40 tỉnh thành và số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng từng ngày nên số lượng người bị cách ly tăng lên gấp bội. Với người dân Việt hiện nay, bị cách ly đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi hơn cả bệnh dịch. Nhiều người đã tự giác khai báo y tế nhưng bỏ trốn khi biết mình rơi vào diện cách ly. (1) Nhiều người đi tàu vượt biển trốn cách ly giống như ngày xưa vượt biên đi tị nạn bị bắt và bị phạt đến 35 triệu đồng.(2)
Chỉ mới thực hiện cách ly hơn tháng mà chuyện trốn cách ly đã phổ biến từ nam ra bắc, đa dạng, muôn màu muôn vẻ.
Thậm chí có cả nhóm người chịu khổ nhục trốn trên xe chở gia súc để qua trạm kiểm dịch (3)
Không phải người ta dốt nát thiếu ý thức, hay cố ý chống lại chủ trương Nhà nước. Sức khỏe, sinh mạng là chuyện hệ trọng. Người dân sợ là vì những biện pháp cách ly theo kiểu truy cùng diệt tận, thà giết lầm hơn bỏ sót.
Từ đi cách ly trở nên đáng sợ hơn cả bị thu gom cải tạo, đi tù, đi kinh tế mới ở những thập niên 1970-1980. Đó không phải nỗi lo vô cớ mà có cơ sở thực tế và do cách điều hành, chống dịch của chính quyền.
Công an đứng canh một khu cách ly ở Hà Nội hôm 24/3/2020. Reuters
Ổ nhiễm dịch do lây chéo
Điều đáng sợ nhất là trong thông tin chính thức của Bộ Y tế về số lượng ca nhiễm tăng lên hàng ngày thì khoảng 80-90% số ca là trong khu cách ly tập trung. Thí dụ, ngày 28-6 có 139 ca nhiễm mới trong nước, trong đó có 109 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Với các địa phương dịch bùng phát mạnh, khu tập trung đông thì tỉ lệ này càng cao. Đặc biệt ấn tượng là từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, TP HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó 637 ca ở khu cách ly hoặc đã được phong tỏa.(4)
Trong đó có nhiều người đã cách ly đến 20, 21 ngày mới bị nhiễm. Một người ở quận Tân Phú, trong công ty có người là F0. Nhưng ngày F0 làm việc so le với ngày làm việc của anh nên trong thực tế anh không tiếp xúc với F0 nên vẫn tự tin khai báo với địa phương và đi đưa đi cách ly tập trung. Test hai lần vào ngày 7, 14 anh vẫn âm tính nhưng đến ngày 21 anh bị dương tính và bị chuyển sang điều trị.
Rõ là có sự lây chéo trong các khu cách ly tập trung. Nói khác hơn, chính các khu này là những ổ dịch nguy hiểm nhất. Chính thực trạng này làm người dân lo sợ nhất. Nếu bị đi cách ly tập trung thì cầm chắc là sẽ bị lây nhiễm. Trả lời báo chí, Tiến sĩ Đỗ Tiến Bỉnh, Giám Đốc Sở Y Tế TP.HCM cũng thừa nhận có lây chéo trong khu cách ly
Sản phụ, trẻ em cũng bị cách ly không biết ngày ra
Điều đáng sợ thứ hai là thời gian cách ly trên lý thuyết là 21 ngày nhưng thực tế có thể bị kéo dài cho đến lúc không may trở thành F0. Do cách tính toán máy móc khắc nghiệt của cơ quan chống dịch, nếu chẳng may trong thời gian cách ly tập trung dù đã đủ 21 này nhưng chẳng may, trong cùng nhóm tập trung có người khác bị nhiễm thì người bị tập trung phải tiếp tục cách ly thêm một chu kỳ mới.
Trường hợp một người bị cách ly đến 53 ngày tự kể trên RFA không phải là cá biệt.
Khu cách ly tập trung thứ 2 trong ‘hành trình’ 53 ngày cách ly y tế của anh Thành Nguyễn trong bài viết của RFA. Hình: Thành Nguyễn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia dịch tễ hiện là Phó Giám Đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM đã giớii thiệu một trường hợp khác còn đau xót hơn. Một sản phụ đã nhờ tư vấn về trường hợp của mình như sau “Bác ơi. Hiện em đang cách ly bên khu cách ly học viện chính trị 2.
Trường hợp của em tiếp xúc lần cuối với F0 ngày 31/05 nhưng tới hiện nay vẫn chưa được về ạ. Em có hỏi bác sĩ bên khu cách ly này thì được trả lời là do em đi sinh bên Từ Dũ từ ngày 04/06 đến ngày 07/06 mới về khu cách ly nên tính thời gian cách ly từ ngày 07/06. Thời gian tính như vậy có đúng không vậy bác. Vì em có con mới sinh nên rất mong muốn được về nhà sớm để có đủ điều kiện sinh hoạt cho 2 mẹ con”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chỉ biết kêu trời “Trời ơi là trời, tiếp xúc 31/05 đáng lẽ về 21/06, đi đẻ ngày 04/06, về lại 07/06 tính đủ 21 từ 07/06
Đi đẻ về tính lại từ đầu. DÂN KHỔ QUÁ” (5)
Hãy hình dung một sản phụ sau khi sinh con phải sống trong môi trường nguy hiểm trong khu cách ly, phải xa con, thiếu sự chăm sóc của gia đình lại phải kéo dài thời hạn cách ly do khấu trừ thời gian đi sinh. Đây chừng như là cách tính cộng dồn của xã hội đen cho vay lãi ngày chứ không phải là cách phòng ngừa lây nhiễm.
Cách xử lý trong trường hợp này vừa phi khoa học vừa cường quyền và vô nhân đạo.
Trẻ em đứng chờ làm xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 13/8/2020. AFP
Đau xót hơn nữa là trên Facebook của nhà báo Tấn Lộc đăng chùm ảnh của một nhóm trẻ bốn năm tuổi bị lũa đi cách ly tập trung. Các em co ro trong bộ quần áo bảo hiểm rộng xùng xình. Những hình ảnh này tạo ra sự xót xa, thương cảm và tăng thêm nỗi kinh hoàng.(6)
Với cách thức như vậy, đi cách ly tức là rơi. vào vùng rủi ro chết người không biết ngày về, đã đáng sợ. Nhưng nguy hiểm hơn, ai cũng có thể bị rơi vô diện cách ly bất cứ lúc nào. Hệ thống truyền thông đủ loại phương tiện của Nhà nước từ báo đài, trang mạng đến các phương tiện thô sơ, áp đặt nhất là loa truyền thanh cố định và lưu động hàng ngày hàng giờ ra rả nhồi nhét vào tai người nghe những mệnh lệnh của chính quyền địa phương, trong đó cách ly chừng như đã thành biện pháp trừng phạt.
Do chủ trương tăng tránh nhiệm phòng chống dịch cho lãnh đạo địa phương, Chính phủ thúc ép sẽ kỷ luật lãnh đạo địa phương để xảy ra lây nhiễm dịch.(7)
Lãnh đạo địa phương sợ mất chức
Hệ quả là từng tỉnh thành, từng huyện đều sáng tạo ra những quy định riêng. Đất nước không chỉ loạn 12 sứ quân mà loạn đến hàng trăm sứ quân từ tỉnh đến huyện. Trong đó chủ yếu đẩy hết. mọi đối tượng nghi ngại vào khu cách ly tập trung. Sợ mất chức vì để phát dịch huyện này chặn dân huyện khác, cấm chợ.
Đồng Nai quy định cấm người từ TP.HCM đến hoặc phải chịu cách ly 21 ngày và tự chịu chi phí. Long An quy định người từ TP HCM đến phải khai báo và cách ly tại nhà nếu có hộ khẩu Long An và phải đi cách ly tập trung nếu không có hộ khẩu Long An. Bình Phước chốt chặn và cách ly tập trung những người đến từ vùng dịch. Đồng Tháp cấm dân Tiền Giang…
Mặt khác, theo nguyên tắc truy vết và quy nguồn theo chuỗi, khi một F1 chuyển thành F0 (dù có thể bị lây nhiễm chéo trong thời gian cách ly tập trung) thì đương nhiên những F2 của họ sẽ trở thành F1 và phải di tập trung. Báo Thanh Niên đã đưa tin một ca nhiễm Nghệ An có 6.000 người là F1, phải giãn cách hai huyện.(7)
Nguy cơ bỗng dưng bị tập trung lan tràn xã hội.
Ai cũng có thể bổng dưng bị cách ly
Điều nguy hiểm nhất là như bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, Giám Đốc HCDC, đã nói “có nhiều F0 lang thang, ai cũng có thể là một F0 tiềm năng” thì việc cách ly tập trung với F1 sẽ là vô nghĩa với. việc ngăn chặn dịch. Huống chi, tình trạng quá tải của các khu cách ly tập trung sẽ là cơ hội cho lây chéo nhiễm tăng nhanh. Mặt khác, nỗi sợ cách ly tập trung sẽ áp lực để người dân bỏ trốn hoặc khai báo không trung thực cũng vô hiệu hóa mục tiêu ngăn chặn dịch.
Hiện Bộ Y Tế vừa cho phép TP.HCM và Đồng Nai thí điểm cách ly tại nhà với nhũng điều kiện rất khắt khe. Giải pháp nửa vời này chỉ làm mất sức ngành y mà khó tạo ra hiệu quả mong muốn.
Thiết nghĩ, khi điều kiện khách quan đã thay đổi thì cần phải thay đổi chiến lược, không thể bảo thủ với thành quả quá khứ.
Nếu vẫn xem cách ly tập trung là giải pháp dập dịch, ngăn dịch lây lan thì phải xem xét thay đổi cách làm thật sự khoa học xem ai là đối tượng cần phải cách ly tập trung, phải sàng lọc thật tốt trong khu cách ly để bảo đảm không bị lây chéo, phải xác định thời gian cách ly thật chính xác không để người cách ly bị tổn thương cà thể chất lẫn tinh thần…. Phải thể hiện rõ tính chất thân thiện trong hoạt động cách ly để người dân tự giác hợp tác vì lợi ích, sinh mạng của mình mà không sợ sệt, đối phó như hiện nay.
Phải thay đổi, thật sự vì sức khỏe cộng đồng
Nhiều nhà chuyên môn đã đề xuất phải thay đổi giải pháp cách ly tập trung. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã viết trên Facebook “Khi còn kiểm soát tốt F0 thì dùng xét nghiệm truy vết cách ly F 1
Khi không kiểm soát nổi F0 cần xét nghiệm nhanh và vắc-xin VÀ QUAN TRỌNG NHẤT LÀ KHÔNG ĐỂ BỆNH TẤN CÔNG VÀO ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ, THẬM CHÍ PHẢI ƯU TIÊN CHÍCH VACCIN CHO ĐỐI TƯỢNG NÀY ĐỂ GIẢM QUÁ TẢI BỆNH NẶNG”
Cực đoan hơn, bác sĩ quân y Trương Ngọc Thắng đã có thư ngỏ gửi Thủ Tướng và các lãnh đạo liên quan, đề xuất một số giải pháp ngăn chặn COVID. “Ông hãy bắt các giáo sư, tiến sĩ y khoa còn đang ăn lương Chính phủ trả lời Dân: Gần 14.000 người dân nhiễm COVID-19 cơ cấu bệnh tật thế nào!?
– Bao nhiêu người thực sự đã tử vong do Coronavirus gây ra!?
– Bao nhiều người cần chăm sóc bệnh viện để được chăm sóc Hồi sức tích cực!?
– Bao nhiều người nhập viện chỉ để ăn, chơi, ngủ và dùng thuốc cảm sốt thông thường trước khi xuất viện!?
– Bao nhiêu người đến viện chỉ để cách ly!?”
Tiếp đó, bác sĩ Thắng đề xuất chiến lược mới là tiêm vắc-xin cho người chưa nhiễm và điều trị cho người đã nhiễm”.
Tóm lại, chống dịch là nhằm bảo vệ sức khỏe sinh mệnh người dân không phải là thành tích hay khuyết điểm để cán bộ lên quan hay xuống chức.