Hoa Kỳ – Báo cáo của CDC: Có thể hàng triệu người Mỹ đã bị bệnh COVID kéo dài 

Share this post on:

Jack Phillips 

Thứ năm, 28/09/2023 

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch

Theo một báo cáo của CDC, khoảng 7% người trưởng thành ở Hoa Kỳ, tương đương khoảng 18 triệu người, cho biết họ bị bệnh COVID kéo dài. 

Báo cáo của CDC: Có thể hàng triệu người Mỹ đã bị bệnh COVID kéo dài

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Atlanta vào ngày 23/04/2020. (Ảnh: Tami Chappell/AFP qua Getty Images) 

Theo một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố hôm thứ Ba (26/09), khoảng 7% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ bị bệnh COVID kéo dài sau khi nhiễm COVID-19. 

Báo cáo của CDC cho thấy trong một cuộc khảo sát hồi năm ngoái (2022), khoảng 6.9% người Mỹ trưởng thành cho biết họ trải qua bệnh COVID kéo dài, và khoảng 3.4% người trưởng thành cho biết họ hiện đang phải chịu đựng bệnh COVID kéo dài khi cuộc khảo sát được thực hiện. Dựa trên dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là khoảng 18 triệu người trưởng thành có thể nhiễm phải một loạt các triệu chứng. 

Các định nghĩa về COVID kéo dài thì khác nhau, nhưng có thể được mô tả là một tập hợp các triệu chứng kéo dài khoảng ba tháng hoặc lâu hơn sau khi nhiễm COVID-19. Báo cáo hôm thứ Ba của CDC xác định đây là các triệu chứng kéo dài trong ít nhất ba tháng, nhưng hồi tháng Tám, cơ quan này đã xác định COVID kéo dài là có các triệu chứng kéo dài bốn tuần hoặc lâu hơn. 

Báo cáo của CDC nêu rõ: “Những người đã nhiễm COVID-19 có thể tiếp tục có các triệu chứng hoặc phát triển các triệu chứng mới vài tháng sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Điều này có thể dẫn đến những tác động lâu dài về sức khỏe và kinh tế đối với những người bị ảnh hưởng và đối với xã hội.” 

Báo cáo cũng cho biết “ước tính tỷ lệ nhiễm bệnh ở nữ giới cao hơn so với nam giới, người trưởng thành ở độ tuổi 35–49 cao hơn so với các nhóm tuổi khác, và người trưởng thành sống ở nhiều vùng nông thôn cao hơn so với những người sống ở các khu vực đô thị lớn ở trung tâm.” 

CDC cho biết, “Ước tính tỷ lệ nhiễm bệnh ở người gốc Á Châu trưởng thành thấp hơn so với các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác,” và bệnh COVID kéo dài được ước tính là thấp hơn ở “những người trưởng thành có thu nhập gia đình từ 400% mức nghèo liên bang trở lên so với những người có thu nhập từ 200% đến 399% mức nghèo liên bang.” 

‘Những điều nguy hiểm’ về bệnh COVID kéo dài được tiết lộ

Trong khi đó, một phân tích mới được công bố trên tạp chí BMJ cho thấy có một số “điều nguy hiểm” với nhiều nghiên cứu về bệnh COVID kéo dài. 

Các nhà nghiên cứu, do nhà nghiên cứu Tracy Beth Hoeg của Đại học San Francisco dẫn đầu, đã viết: “Tỷ lệ cao về bệnh COVID kéo dài hoặc di chứng hậu cấp tính của COVID-19 (PASC) tiếp tục được đưa tin trên các tạp chí học thuật và sau đó được tiết lộ ra công chúng” và kết luận rằng một số ấn phẩm và cơ quan đánh giá quá cao tình trạng này do “các định nghĩa rộng quá mức, thiếu nhóm đối chứng, nhóm đối chứng không phù hợp, và các sai sót khác về phương pháp.” 

Họ nói thêm rằng vấn đề này “bị phức tạp hơn bởi việc đưa các nghiên cứu được thực hiện sơ sài vào các đánh giá và phân tích tổng hợp có hệ thống đã cường điệu hóa mối nguy hiểm này. Những nhà nghiên cứu này đã viết rằng, do thực hiện sơ sài, vấn đề này đã “được giới truyền thông và mạng xã hội cung cấp cho công chúng, làm dấy lên sự quan tâm và lo lắng quá mức” về bệnh COVID kéo dài. 

Một nhân viên y tế đang lấy dịch mũi để xét nghiệm COVID-19 tại địa điểm lái xe qua ở Ottawa vào ngày 20/09/2020. (Ảnh: The Canadian Press/Justin Tang)

Một nhân viên y tế đang lấy dịch mũi để xét nghiệm COVID-19 tại địa điểm lái xe qua ở Ottawa vào ngày 20/09/2020. (Ảnh: The Canadian Press/Justin Tang) 

Một nghiên cứu của Na Uy về trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15 đã sử dụng một định nghĩa sửa đổi về những gì tạo thành bệnh COVID kéo dài. Những nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu phát hiện có sự tương đồng giữa nhóm bệnh COVID kéo dài và nhóm đối chứng. 

Họ cũng nhận thấy: “Khi giới hạn các nghiên cứu ở những nghiên cứu có định nghĩa [về bệnh COVID kéo dài] có thể chấp nhận được và các biện pháp kiểm soát phù hợp, thì chúng tôi nhận thấy có rất ít hoặc không có sự khác biệt về tỷ lệ các triệu chứng dai dẳng được báo cáo ở trẻ em vào khoảng 4 tuần hoặc ở người lớn dưới 50 tuổi vào khoảng 12 tuần sau khi nhiễm bệnh so với các nhóm đối chứng.” 

Thêm ngân sách liên bang được phân bổ

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), báo cáo của CDC được công bố chỉ vài ngày sau khi chính phủ liên bang trao khoản tài trợ trị giá khoảng 45 triệu USD để giúp các phòng khám điều trị bệnh COVID kéo dài phát triển các mô hình săn sóc mới và mở rộng khả năng tiếp cận. 

Bộ này cho biết chín phòng khám sẽ nhận được khoản tài trợ 1 triệu USD hàng năm trong vòng 5 năm tới thông qua Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Y tế thuộc HHS. 

“Chính phủ Biden-Harris đang tài trợ cho bệnh nhân, bác sĩ, và người chăm sóc bằng cách cung cấp các biện pháp thực hành tốt nhất dựa trên cơ sở khoa học để điều trị bệnh COVID kéo dài, duy trì khả năng tiếp cận bảo hiểm, và bảo vệ quyền của người đi làm khi họ quay trở lại làm việc trong khi đối phó với những bất ổn về bệnh tật của họ,” Bộ trưởng HHS Xavier Becerra cho biết hồi tuần trước. 

Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để tăng số lượt thăm khám trực tiếp và qua mạng, thành lập các phòng khám vệ tinh mới, và một sáng kiến giáo dục nhằm tăng thêm những lượt chuyển tuyến. Kiến thức hạn chế và sự chấp nhận của các bác sĩ lâm sàng đã góp phần gây ra sự chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển tuyến. 

Nghiên cứu đang được tiến hành với các phương pháp điều trị. Viện Y tế Quốc gia đang tiến hành chương trình RECOVER trị giá 1.15 tỷ USD, vốn khởi động hai thử nghiệm lâm sàng hồi tháng Bảy để đánh giá ít nhất bốn phương pháp điều trị tiềm năng. 

Dữ liệu mới

Đầu tuần này, CDC đã công bố dữ liệu cho thấy số ca nhập viện do COVID-19 đã giảm 4.3% trong tuần kết thúc vào ngày 16/09, sau nhiều lần gia tăng liên tiếp số ca nhập viện được báo cáo vì loại virus này. Mặc dù có sự gia tăng mới trong số ca nhiễm COVID-19 trong những ngày gần đây, nhưng những phương hướng của CDC cho thấy sự gia tăng thấp hơn nhiều so với “những đợt nhiễm tăng vọt” loại bệnh đường hô hấp này trong những năm trước.

Theo bộ phận theo dõi của CDC, biến thể EG.5, hay “Eris”, chiếm khoảng 24.5% tổng số ca nhiễm COVID-19. Và biến thể FL.1.5.1, được gọi là Fornax, được ước tính là nguyên nhân gây ra khoảng 13.7% số ca nhiễm COVID-19, theo CDC.

https://www.epochtimesviet.com

Theo Epoch Times Tiếng Việt