- Thứ ba, 15/06/2021
Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết tại hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Ý đang đánh giá lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này một cách “cẩn thận,” chuyển hướng khỏi các chính sách thân Bắc Kinh của chính phủ tiền nhiệm.
Ông Draghi đã bày tỏ lo ngại về chế độ Cộng sản Trung Quốc. Hôm Chủ nhật (13/06), tại cuộc họp báo của hội nghị thượng đỉnh G7 ông cho biết, “đó là một chế độ chuyên quyền không tuân thủ các quy tắc đa phương và không cùng chung thế giới quan với các nền dân chủ.”
Mặc dù vị tân thủ tướng của G7 này đã thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác kinh tế [với Trung Quốc], nhưng ông cũng lưu ý về sự khác biệt giữa chế độ Trung Cộng và Tây phương. “Chúng ta cũng cần thẳng thắn về những vấn đề mà chúng ta không ủng hộ và không chấp nhận. Tổng thống Hoa Kỳ từng nói rằng im lặng chính là đồng lõa.”
Khi được chất vấn về sự tham gia của Ý vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Bắc Kinh, ông Draghi cho hay, “Về thỏa thuận cụ thể đó, chúng tôi sẽ đánh giá nó một cách cẩn thận.”
BRI là một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ USD nhằm tìm cách tăng cường ảnh hưởng của chế độ [Trung Cộng] thông qua các liên kết thương mại toàn cầu và các dự án phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng, vốn đang gây áp lực buộc các nước tham gia phải gánh vác những gánh nợ lớn.
Ý đã tán thành sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới của G7, có tên là Xây dựng Lại Thế giới Tốt đẹp hơn, hay B3W (Build Back Better World), một đối thủ của sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) thông qua BRI ở các nước đang phát triển. Kế hoạch hơn 40 nghìn tỷ USD này sẽ đầu tư phát triển cảng biển, xa lộ và các cơ sở hạ tầng khác ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.
Ý là quốc gia G7 đầu tiên tham gia BRI có chữ ký của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đi ngược lại lời khuyên của Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác. Cựu Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký một bản ghi nhớ BRI trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập hồi tháng 03/2019.
Chính phủ ông Draghi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong việc đối phó với Trung Quốc. Hồi tháng 03/2021, vị thủ tướng này đã ký sắc lệnh ngăn công ty viễn thông Ý Fastweb ký hợp đồng với Huawei và ZTE, là các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Trong khi đó, hôm 12/06, Tòa Bạch Ốc cho biết ông Draghi đã đồng ý làm việc với ông Biden “về những thách thức toàn cầu” và hai quốc gia “chia sẻ các ưu tiên chính sách đối ngoại, bao gồm cả vấn đề Trung Quốc, Nga và Libya” trong cuộc gặp vào cuối hội nghị thượng đỉnh G7.
Trong thông cáo hôm Chủ nhật (13/06), các nhà lãnh đạo của G7-Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản-đã kêu gọi chế độ Trung Cộng “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản” ở Tân Cương và Hồng Kông, hợp tác với cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 và tuyên thệ sẽ ngăn chặn “các chính sách và thông lệ phi thị trường” của Bắc Kinh.
Nhiều quốc gia EU đang xem xét lại mối bang giao của họ với Trung Quốc, điều gần đây đã khiến Nghị viện Âu Châu đóng băng thỏa thuận thương mại đang chờ giải quyết với Bắc Kinh sau bảy năm đàm phán.
Do Dorothy Li thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times