Zero Covid: Đường lui giúp Tập Cận Bình giữ được thể diện

Share this post on:

Tác giả, Stephen McDonell – Phóng viên BBC News, Bắc Kinh – 05/12/2022

Công nhân dọn rác thải y tế từ một tòa nhà ở Bắc Kinh nơi một số người mắc Covid đang được phép cách ly tại nhà

Nguồn hình ảnh, Reuters – Chụp lại hình ảnh, 

Công nhân dọn dẹp rác thải y tế tại một tòa nhà ở Bắc Kinh nơi một số người mắc Covid đang được phép cách ly tại nhà

Nếu muốn biết kế hoạch đối phó với Covid của chính phủ Trung Quốc là gì, hãy nhìn vào những gì họ làm hơn là những gì họ nói. 

Lấy Bắc Kinh làm ví dụ.

Số ca nhiễm chưa giảm đáng kể, nhưng các phương tiện giao thông công cộng hiện không còn yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, các quán bar và nhà hàng đang dần mở cửa trở lại, và trong một số trường hợp, mọi người được phép cách ly tại nhà sau khi nhiễm Covid thay vì vào cơ sở cách ly tập trung.

Từ ngày 06/12, người dân không còn cần kết quả xét nghiệm để đi vào siêu thị, các tòa nhà văn phòng và một số địa điểm công cộng khác.

Vì vậy, khi xem xét những gì đang xảy ra ở Trung Quốc bây giờ, quỹ đạo có vẻ rõ ràng – chính phủ dường như đã lặng lẽ loại bỏ mục tiêu zero Covid.

Điều này không có nghĩa là tất cả các biện pháp phong tỏa liên quan đến Covid đã kết thúc – chẳng hạn, bạn vẫn cần phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 48 giờ để được vào bệnh viện, trường học, nhà hàng và phòng tập gym. Điều đó cũng không có nghĩa là một số lệnh hạn chế sẽ được dỡ bỏ trong nửa năm tới.

Nhưng mục tiêu mà chính phủ công bố là giảm từng đợt bùng phát xuống mức không có ca nhiễm mới… đã biến mất.

Kế hoạch mới có vẻ là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, hy vọng sẽ giúp hệ thống y tế đối phó, thay vì cố gắng dập tắt dịch bệnh.

Điều này có thể bao gồm theo dõi virus khi nó lây lan nhằm nỗ lực quản lý tốc độ lây nhiễm, các ca bệnh nặng và tử vong. 

Đôi khi, việc này cũng có thể có nghĩa là áp dụng lại một số biện pháp nhất định, nhưng các thành phố sẽ không phải ghi nhận không có ca nhiễm nào để được mở cửa.

Bắc Kinh không đơn độc trong việc loại bỏ một số biện pháp hạn chế – và tùy theo khu vực việc nới lỏng cũng khác nhau.

Ví dụ, ở tỉnh Chiết Giang phía đông nam Trung Quốc, mọi người không cần phải xét nghiệm thường xuyên nữa ngoại trừ những người làm một số công việc cụ thể.

Tỉnh Sơn Đông ở phía đông sẽ không còn yêu cầu kết quả xét nghiệm để mua thuốc ho hoặc lái xe trên đường cao tốc; Tỉnh Hà Nam ở miền trung sẽ không còn yêu cầu xét nghiệm PCR để đi vào các cộng đồng dân cư.

Việc nới lỏng tương tự cũng đang diễn ra ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh, Quảng Châu, Thâm Quyến và Thành Đô.

Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), thủ phủ của khu vực phía tây Tân Cương, các siêu thị, khách sạn, rạp chiếu phim và phòng tập gym… đã mở cửa trở lại. Giao thông công cộng đã hoạt động trở lại ở Tây Tạng.

Chỉ vài tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các phương pháp để đạt mục tiêu zero Covid.

Bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đang cản trở nền kinh tế, phá vỡ sinh kế của người dân, Tập Cận Bình đã đứng tại Đại lễ đường Nhân dân trong Đại hội Đảng Cộng sản gần đây và tuyên bố lại rằng sẽ không có sự thay đổi nào đối với chính sách đã ký của ông.

Rồi các cuộc biểu tình diễn ra.

Một vụ cháy tòa tháp ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) khiến 10 người thiệt mạng, gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Trên mạng xã hội, các lệnh hạn chế Covid được cho là nguyên nhân gây ra những cái chết này, cho rằng đã cản trở đội cứu hỏa tiếp cận và chặn lối thoát hiểm của người dân. Bắc Kinh phủ nhận điều này và BBC đã không thể xác minh các tuyên bố, nhưng vụ hỏa hoạn dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp đất nước là điều không cần bàn cãi.

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/512xn/p0dl12l3.jpg

Chụp lại video, 

Bất ổn tiếp tục ở Quảng Châu khi người dân tức giận vì lệnh phong tỏa

Hết thành phố này đến thành phố khác, những người biểu tình yêu cầu chấm dứt chính sách zero Covid. Họ muốn quay trở lại cuộc sống cũ. Một số người bắt đầu kêu gọi Tập Cận Bình từ chức.

Chưa từng có những hành động thách thức công khai rộng rãi như vậy đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ biến động chính trị năm 1989 dẫn đến cuộc đàn áp đẫm máu trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.

Những thay đổi đang được thực hiện một cách đột ngột, và người Trung Quốc đang nói đùa về cách mà các cuộc biểu tình thực sự có hiệu quả.

Cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vào tuần trước càng gây thêm áp lực lên chính phủ. Thời đại của ông Giang được nhiều người hoài niệm, coi là thời kỳ kết nối lại với thế giới bên ngoài và tăng trưởng tốc độ cao. Những so sánh với tình hình hiện tại là trái ngược rõ ràng.

Mối nguy hiểm khác đối với chính quyền của Tập Cận Bình là các hành động thương tiếc công khai có thể biến thành nhiều cuộc biểu tình hơn nữa. Điều này đã xảy ra nhiều thập niên trước sau khi nhà lãnh đạo theo đường lối cải tổ, Hồ Diệu Bang qua đời và đám đông tụ tập để tưởng niệm cái chết của ông đã biến thành phong trào phản đối Thiên An Môn.

Tất cả những điều này đã dẫn đến việc một chính phủ trước đó đánh giá thấp sự tức giận của công chúng đối với các biện pháp chống Covid của họ giờ đột ngột thay đổi chiến thuật.

Một cách thực hiện nhằm giữ thể diện đã được yêu cầu. 

Người dân Bắc Kinh không còn cần xét nghiệm PCR âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân Bắc Kinh không còn cần xét nghiệm PCR âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Các quan chức ở Trung Quốc sẽ không bao giờ ra mặt và xin lỗi người dân vì đã khiến họ bị nhốt lâu hơn mức cần thiết.

Nhưng Đảng Cộng sản đang bắt đầu thay đổi thông điệp công khai của mình thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước, hiện đang nói rằng các chủng Covid mới gần như không gây chết người.

Đây là một sự thay đổi rõ ràng so với quan điểm trước đó, rằng phần còn lại của thế giới đang trải qua địa ngục Covid và các công dân nên coi mình là người may mắn khi được sống ở Trung Quốc, nơi họ đang được giữ an toàn.

Hai thách thức đáng kể vẫn còn.

Thứ nhất, nỗ lực tiêm chủng nhiều hơn, đặc biệt là cho người già và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, là không đủ. Số liệu chính thức cho thấy chỉ 40% người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường. Những người cao tuổi không được tiêm chủng chiếm một lượng lớn trong số các trường hợp tử vong ở Hong Kong.

Thứ hai, các quan chức đã có nhiều năm để mở rộng năng lực ICU (chăm sóc đặc biệt) của các bệnh viện ở Trung Quốc. Điều này vẫn chưa đủ, do đó nếu có một lượng bệnh nhân cấp cứu ồ ạt sau bất kỳ sự leo thang đáng kể nào về số ca nhiễm Covid sẽ khiến hệ thống y tế bị thách thức.

Vì lý do này, mục tiêu sẽ là tiến lên từ từ, cố gắng đảm bảo rằng các bệnh viện không bị quá tải. Nếu đạt được điều đó thì các lệnh hạn chế luôn có thể được áp dụng lại.

Hướng đi mới của Trung Quốc sẽ phát triển từng bước, ngay cả khi điều đó đôi khi đồng nghĩa đi thụt lùi một lần nữa.

https://www.bbc.com