400 triệu đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc thoái đảng trong khi Trung Cộng tuyên bố đảng viên gia tăng (*)

Share this post on:

Khoảng 2,000 học viên Pháp Luân Công ở Hoa Thịnh Đốn, thủ đô Hoa Kỳ, đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đức tin của họ vào ngày 21/07/2022. Họ yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức dừng cuộc bức hại và chúc mừng 400 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. (Ảnh: Dai Bing/The Epoch Times)

TRUNG QUỐC

Shawn Lin

  • Thứ sáu, 05/08/2022

Các tuyên truyền viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khiến công chúng tin rằng Đảng đang phát triển nhờ tình yêu của mọi người đối với chủ nghĩa cộng sản và các đảng viên của tổ chức này đang gắn kết từ trên xuống dưới. Nhưng khi bức màn thông tin sai lệch này bị gạt sang một bên, quý vị sẽ thấy rằng các Đảng viên bị ép buộc hoặc tìm cách vào Đảng vì lợi ích cá nhân hơn là vì niềm tin vào hệ tư tưởng cộng sản. Các Đảng viên trên toàn thế giới đang rời bỏ đảng này vì tham nhũng, tranh đấu nội bộ, và mất lòng tin.

Bộ Tổ chức Ủy ban Trung ương ĐCSTQ gần đây đã công bố rằng vào cuối năm 2021, Đảng có tổng cộng 96.7 triệu thành viên. Trong số này, 4.4 triệu người gia nhập trong năm 2021, cho thấy mức tăng ròng 3.3 triệu thành viên so với năm trước (2020).

Mặc dù điều này thoạt nhìn thì trông như là sự tăng trưởng tự nhiên, nhưng đó không phải là do theo đuổi ý thức hệ cộng sản hay lòng mến mộ Đảng. Thay vào đó, việc làm Đảng viên một là bị bắt ép, hai là chủ động gia nhập với hy vọng có thêm lợi thế và đặc quyền mà chỉ Đảng viên mới có được.

Khi nói về chủ đề này với The Epoch Times, Tiến sĩ Dương Quý Viễn (Yang Guiyuan), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, gợi ý rằng Bộ Tổ chức của ĐCSTQ có nhiệm vụ chiêu mộ một số lượng Đảng viên mới nhất định mỗi năm. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng cách lồng ghép tư cách Đảng viên vào các khía cạnh chính trong cuộc sống của một người, chẳng hạn như các công việc chính phủ hoặc sự thăng tiến, và nhiều khía cạnh khác. Kết quả là, mọi người gia nhập Đảng không phải vì ước muốn của tự thân, mà là vì họ cảm thấy bị thúc ép hoặc bị buộc phải làm như vậy.

Ông Dương cho biết mọi người gia nhập vì lợi ích cá nhân. “Ví dụ điển hình nhất là kỳ thi tuyển công chức của chính phủ. Nếu quý vị không phải là Đảng viên của ĐCSTQ, thì có một số vị trí quý vị không thể ứng tuyển; và ngay cả khi quý vị được tuyển, thì quý vị cũng không thể thăng tiến tại nơi làm việc. Một ví dụ khác là nếu quý vị là một cựu binh trong quân đội và không phải là Đảng viên, thì sẽ không có doanh nghiệp nhà nước nào thuê quý vị.”

Trong hai năm chiến đấu chống lại đại dịch COVID, ông Dương nói rằng ĐCSTQ đã buộc nhiều nhân viên y tế tuyến đầu phải vào Đảng. Khi ĐCSTQ cần thành viên mới, đảng này sẽ tạo ra một câu chuyện sai sự thật và đánh lừa những người không có thông tin, để lôi kéo họ vào Đảng trong một “tập thể” hoặc “ngay khi có cơ hội.”

Trái ngược với những gì ĐCSTQ muốn công chúng tin tưởng, lòng trung thành và sự gắn kết không tồn tại trong Đảng. Các lãnh đạo ĐCSTQ không tin tưởng các thành viên khác. Ví dụ, các Đảng viên thường được mong đợi chứng tỏ lòng trung thành của họ bằng cách đọc và nghiên cứu các tài liệu do ông Tập Cận Bình viết. Vào ngày 01/07, ngày kỷ niệm thành lập ĐCSTQ, một thiết bị mới được phát minh đã được giới thiệu để đánh giá lòng trung thành của các Đảng viên khi họ làm bài kiểm tra đọc được yêu cầu.

Thiết bị mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo do Viện Trí tuệ Nhân tạo tại Trung tâm Khoa học Quốc gia ở Hợp Phì, tỉnh An Huy thiết kế. Khi các Đảng viên đang đọc, thiết bị AI sẽ ghi lại các kiểu hình thị giác trên khuôn mặt của họ, các hoạt động điện não đồ (EEG), và điện da (EDA) để thực hiện phân tích và kết hợp, cho phép người quan sát đánh giá mức độ “tập trung, nhận biết, và thành thạo” nội dung của họ. Tin tức về thiết bị mang tính xâm phạm này đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận công khai trên mạng.

Ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một cây viết độc lập, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về bản chất thật của ĐCSTQ. Ông nói, “Tôi e rằng số người thực sự tin vào Chủ nghĩa Cộng sản, từ trên xuống dưới trong nội bộ ĐCSTQ, là con số không tròn trĩnh. Tất cả đều bị thúc đẩy bởi tư lợi. Ngay cả lãnh đạo của ĐCSTQ cũng bảo vệ Đảng mình vì quyền lực. Do đó, số lượng thành viên trong ĐCSTQ không liên quan trực tiếp đến sức sống của bản thân ĐCSTQ. Bản chất lưu manh không có giới hạn đạo đức và những cuộc tranh đấu nội bộ gay gắt sẽ khiến ĐCSTQ giải thể bất cứ lúc nào.”

Tranh đấu nội bộ đã trở thành thương hiệu đích thị của ĐCSTQ. Mỗi năm, nhiều quan chức đảng bị điều tra nội bộ và bị trừng phạt vì tội tham nhũng và những phe phái khác nhau. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của ĐCSTQ vào ngày 01/07 năm nay đã thông báo rằng cơ quan này đã điều tra 16 triệu trường hợp có hành vi sai phạm trong 10 năm qua. Trong khi hầu hết các trường hợp này đã được giải quyết trong nội bộ Đảng, các cáo buộc chính thức đã được đệ trình chống lại 4.7 triệu Đảng viên.

Dữ liệu do Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Toàn cầu của Trung Quốc cung cấp cho thấy có nhiều người trong ĐCSTQ không muốn có liên hệ với Đảng hoặc đã tự nguyện rời bỏ. Tính đến ngày 28/07 năm nay, tổng số người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản, và Đội Thiếu niên Tiền phong đã vượt qua con số 400 triệu trên toàn thế giới.

“Phong trào Tam Thoái,” hay còn gọi là “Phong trào Thoái Đảng ở Trung Quốc,” bắt đầu vào năm 2004. Tháng 11 năm đó, The Epoch Times đã xuất bản một loạt bài xã luận có nhan đề “Chín bài Bình luận về Đảng Cộng sản” (gọi tắt là “Cửu Bình”). Ấn phẩm này mô tả Đảng Cộng sản là một con tà linh đấu với trời, đấu với đất, và đấu với người. Loạt bài này chỉ trích sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc khi đề cập đến lịch sử đàn áp chính trị, bộ máy tuyên truyền, và các cuộc tấn công vào giá trị quan và văn hóa truyền thống.

Sau khi các bài xã luận này được xuất bản, ngày càng nhiều người bắt đầu tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ mỗi ngày. Các ấn phẩm này đã góp phần tạo ra làn sóng thoái xuất chưa từng có khỏi Đảng và các tổ chức liên đới của đảng này.

Bình luận về lượng người thoái xuất ĐCSTQ, bà Dịch Dung (Yi Rong), chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc Toàn cầu, cho biết những hành động như vậy đang thay đổi người dân và xã hội Trung Quốc nói chung. “Việc thoái đảng đã khiến những người Trung Quốc đó thức tỉnh, họ đã bị tẩy não và đầu độc trong văn hóa Đảng. Việc làm này giúp gột rửa lương tâm họ và tẩy hết đi những quan niệm đạo đức biến dị, đồng thời giúp họ kiến tạo giá trị quan và giá trị đạo đức truyền thống. Điều này giúp giải phóng tư tưởng họ khỏi sự thao khống tâm trí của ĐCSTQ, và giờ đây họ đang trở thành những con người tự do.”

Kể từ năm 1989, sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã kéo theo làn sóng thoái Đảng quy mô lớn ở các nước bị ảnh hưởng.

Trong một bài báo được Viện Hoover của Đại học Stanford xuất bản năm ngoái (2021), bà Thái Hà (Cai Xia), một cựu giáo sư Trường Đảng Trung Ương của ĐCSTQ, cho biết, “ĐCSTQ có tham vọng của một con rồng đói nhưng bên trong lại là một con hổ giấy.”

Bà nói rằng Đảng có một mô hình kinh tế không bền vững, và một hệ tư tưởng sai lầm, và có một mâu thuẫn tồn tại giữa thị trường và chế độ. Điều này đang làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Bà cũng cho rằng nạn tham nhũng ở cấp cao nhất, và các cuộc tranh giành quyền lực gay gắt trong nội bộ Đảng có thể khiến nhà cầm quyền này sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand. Ông đã viết bài đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.

Bản tin có sự đóng góp của Vương Giai Nghi
Hồng Ân và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ 
The Epoch Times

Theo ET Việt

(*) đầu đề do chúng tôi chỉnh lại cho có ý nghĩa trực tiếp