Tổng thống Macron vội vã công du Trung Phi với hy vọng thay đổi hình ảnh nước Pháp
Phan Minh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) được tổng thống Angola Joao Lourenço tiếp đón tại phủ tổng thống Casa Rosada, Luanda, Angola, ngày 03/03/2023. AFP – LUDOVIC MARIN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rời Gabon và hôm nay 03/03/2023 tới Angola, chặng thứ hai trong chuyến công du Trung Phi của ông. Trong ngày, ông sẽ tới Cộng hòa Congo và cuối ngày sẽ sang Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây thực sự là chuyến công du gấp rút của nguyên thủ quốc gia Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ với khu vực Trung Phi.
Từ Luanda, thủ đô của Angola, đặc phái viên Valérie Gas tường trình:
Emmanuel Macron muốn chuyến công du này đạt được nhiều kết quả. Ông hối hả thăm 4 nước trong 3 ngày. Tại mỗi nước, ông sẽ đề cập đến một chủ đề khác nhau với mong muốn phát triển quan hệ đối tác. Ở Gabon ông đã thảo luận về rừng, ở Angola là vấn đề nông nghiệp để giúp đất nước này sử dụng tiềm năng của mình vốn là “vựa lúa mì của Trung Phi”. Ở Congo, những chủ đề về kinh doanh và vấn đề ký ức thời thực dân sẽ là trọng tâm. Cuối cùng là thảo luận về văn hóa ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Một cố vấn của Emmanuel Macron tóm tắt ý định của tổng thống như sau: “Biến Pháp trở thành đối tác quan trọng”. “Làm bất cứ điều gì ngoại trừ một chuyến thăm kiểu xưa để duy trì quan hệ thông đồng với giới lãnh đạo, hoặc bảo đảm lợi ích kinh tế”, theo điện Elysée.
Đây là cách để đáp lại những lời chỉ trích về chuyến công du Gabon, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống tại đây sẽ diễn ra trong vài tháng nữa và một số người nghi ngờ Emmanuel Macron đến để ủng hộ Ali Bongo, được che đậy bởi việc ông dự hội nghị thượng đỉnh One Forest.
Thay đổi cách thức trong quan hệ với các nước châu Phi, đây là mục đích chính của chuyến đi này mà đoàn tùy tùng của Emmanuel Macron luôn nhắc đến là không hề dễ đạt được.
Chiến tranh Ukraine: Người dân dễ bị tổn thương được lệnh rời khỏi thành phố Kupiansk
Thanh Phương
Ảnh minh họa: Người dân Ukraine đến làng Zelen, miền đông Ukraine, để nhận viện trợ nhân đạo, ngày 18/02/2023. AP – Vadim Ghirda
Hôm qua, 02/03/2023, chính quyền vùng Kharkiv của Ukraine thông báo đã ra lệnh cho những người dễ bị tổn thương phải cấp tốc di tản ra khỏi thành phố Kupiansk ở mặt trận miền đông bắc đang có nguy cơ lọt vào tay quân Nga.
Theo lời thống đốc vùng Kharkiv, Oleg Synegoubov, nhiều thành phố, trong đó có Kupiansk, đã bị quân Nga pháo kích dồn dập.
Nằm cách thành phố Kharkiv khoảng 100 km, Kupiansk, thành phố có gần 30.000 dân trước chiến tranh, đã bị quân Nga chiếm ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh xâm lăng. Sau một cuộc phản công chớp nhoáng, quân Ukraine đã giành lại được thành phố này vào tháng 9 năm ngoái. Nhưng quân Nga, được bổ sung lực lượng hàng trăm ngàn quân dự bị, đã mở lại cuộc tấn công vào Kupiansk, khiến nhiều người dân tại đây lo sợ.
Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner, Evgueni Prigojine, hôm nay khẳng định trên mạng Telegram là thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, thành phố mà giao tranh diễn ra ác liệt nhất, nay “coi như bị quân Nga bao vây hoàn toàn”, chỉ còn một con đường duy nhất để thoát ra.
Về sự yểm trợ quân sự của phương Tây, theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, Hoa Kỳ hôm nay sẽ thông báo một khoản viện trợ mới cho Kyiv, chủ yếu là đạn dành cho các hệ thống vũ khí mà quân Ukraine đã có, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Cũng ông Kirby hôm qua cho biết Washington hiện chưa thấy có dấu hiệu là Trung Cộng đã ra quyết định về việc cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng Mỹ vẫn không loại trừ khả năng này.
Tổng thống Mỹ tiếp thủ tướng Đức nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa hai đồng minh
Thanh Phương
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau, ở Kruen, gần Garmisch-Partenkirchen, Đức, ngày 28/06/2022. AP – Susan Walsh
Hôm nay, 03/03/2023, thủ tướng Olaf Scholz đến thăm Washington và được tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tại Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ lần thứ hai của thủ tướng Đức, sau chuyến đi vào tháng 02/2022 vài ngày trước khi tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine.
Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ, Đức nhằm tỏ cho Nga và Trung Cộng thấy là hai đồng minh phương Tây vẫn đoàn kết với nhau, sau khi đã vượt qua bất đồng về vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:
“Cuộc gặp này trước hết là nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa hai nước. Trước khi đi đến đồng thuận, Hoa Kỳ và Đức đã không hoàn toàn đồng nhất quan điểm về vấn đề Ukraine.
Trong chuyến thăm Washington vào tháng 2/2022, vài ngày trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, thủ tướng Đức thậm chí đã không nói đến tên của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, mà Hoa Kỳ muốn Berlin từ bỏ và cuối cùng thì đường ống này cũng đã không đi vào hoạt động.
Từ đó cho đến nay, lập trường của hai bên đã tương đồng với nhau hơn rất nhiều. Tuy vậy, đã phải mất nhiều tuần thương lượng, Berlin mới chấp nhận giao các xe tăng cho Ukraine, với điều kiện Washington phải cam kết cũng làm như vậy cho dù Lầu Năm Góc rất ngần ngại.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức sẽ cố gắng tỏ cho thấy là tất cả những chuyện đó đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, tổng thống Biden và thủ tướng Scholz sẽ phải đề cập đến khả năng ban hành các trừng phạt đối với Bắc Kinh nếu Trung Cộng cấp vũ khí cho Nga.
Là quốc gia có khối lượng trao đổi mậu dịch rất lớn với Trung Cộng, Đức lo ngại về khả năng trừng phạt Bắc Kinh, cũng như lo ngại về tác động của luật chống lạm phát của Mỹ. Ngành công nghiệp xe hơi Đức không muốn bị loại khỏi danh sách các đối tượng được hưởng các trợ cấp của Hoa Kỳ cho việc mua xe hơi điện. Từ nhiều tuần qua, chính quyền Mỹ xem xét các yêu cầu của châu Âu, nhưng chưa thông báo quyết định nào”.
Trước cuộc gặp giữa thủ tướng Scholz với tổng thống Biden, hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh cáo là việc các nước phương Tây cấp thêm vũ khí cho Kyiv chỉ làm “kéo dài” cuộc xung đột ở Ukraine”.
G20: Ngoại trưởng Mỹ đề nghị đồng nhiệm Nga “chấm dứt chiến tranh”
Anh Vũ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phía sau) đi ngang qua chỗ của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Hội nghị ngoại trưởng G20, tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 02/03/2023. AP – Olivier Douliery
Hôm qua, 02/03/2023, tại Ấn Độ, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho báo chí biết ông đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov chấm dứt chiến tranh tại Ukraine, trong một cuộc gặp riêng ngắn ngủi bên lề Hội nghị các ngoại trưởng của nhóm G20.
Hội nghị G20 đã kết thúc hôm qua mà không đưa ra được thông cáo chung do những bất đồng về cuộc xung đột Ukraine.
Thông tín viên RFI tại New Delhi, Sébastien Farcis cho biết thêm thông tin:
Cuộc gặp kéo dài có 10 phút bên lề một trong những phiên họp của G20. Thông điệp chính mà Ngoại trưởng Mỹ gửi tới đồng nhiệm Nga rất rõ ràng.
Ông Anthony Blinken cho biết: « Hãy chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lăng. Hãy can dự vào một tiến trình ngoại giao rõ ràng có thể đi tới một nền hòa bình công bằng và bền vững. Tổng thống Zelensky đã trình bày một kế hoạch hòa bình 10 điểm và ngoại giao Mỹ sẵn sàng hỗ trợ để chấm dứt chiến tranh trên những cơ sở đó ».
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng đã đề nghị ông Serguei Lavrov xem lại việc mới đây Nga đình chỉ hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ông Blinken nói tiếp: « Tôi đã nói với ngoại trưởng Nga rằng, bất kể điều gì xảy ra trên thế giới hay trong quan hệ của chúng ta, Hoa Kỳ sẽ vẫn luôn sẵn sàng thảo luận và hành động vì mục đích kiểm soát các vũ khí chiến lược. Gống như Hoa Kỳ và Liên Xô đã làm trong lúc cao trào của Chiến tranh lạnh. »
Bộ Ngoại Giao Nga xác nhận cuộc gặp diễn ra theo đề nghị của Mỹ nhưng theo Matxcơva, không có một thảo luận có ý nghĩa nào.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu ông Josep Borrell hôm nay cho biết có ghi nhận « một chút cải đổi » trong phản ứng ngoại giao của Nga tại cuộc họp của G20 ở Ấn Độ. Đó là khi các nước phương Tây lên án cuộc xâm lăng của Nga thì ngoại trưởng Serguei Lavrov không rời bỏ cuộc họp giữa chừng như năm ngoái trong hội nghị ở Indonesia.
G20: Chia rẽ cay đắng trong đàm phán về chiến tranh Nga – Ukraine
Vikas Pandey từ Delhi & Simon Fraser
BBC News
Ông Modi nói chuyện với các bộ trưởng bằng tiếng Anh – một dấu hiệu cho thấy ông muốn thông điệp của mình được tiếp nhận tới mức nào – Reuters-
Những cuộc trao đổi giận dữ về cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã chi phối các cuộc đàm phán G20. Nước chủ nhà Ấn Độ nói rằng những bất đồng có nghĩa là sẽ không có tuyên bố chung.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết cuộc họp đã bị hủy hoại bởi “cuộc chiến vô cớ và phi lý” của Nga.
Ngoại trưởng Nga cáo buộc phương Tây “tống tiền và đe dọa”.
Ấn Độ muốn tập trung vào các vấn đề khác ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, nhưng cho rằng những khác biệt về Ukraine “không thể hòa giải”.
“Chúng tôi đã cố gắng, nhưng khoảng cách giữa các quốc gia là quá lớn”, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nói.
G20, bao gồm 19 quốc gia giàu có nhất thế giới cộng với Liên minh châu Âu, chiếm 85% sản lượng kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu.
Các bộ trưởng ngoại giao của G20 – bao gồm ông Sergei Lavrov của Nga, Antony Blinken của Mỹ và Tần Cương của Trung Cộng – đã nhóm họp tại Delhi dưới sự chủ trì của thủ tướng Ấn Độ.
Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chỉ hơn một năm trước.
Ông Blinken đã gặp ông Lavrov trong khoảng 10 phút bên lề và nói với ông rằng phương Tây sẽ sát cánh cùng Ukraine “cho đến chừng nào còn cần thiết”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết.
Ông Blinken cũng thúc ép Nga tham gia lại hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New Start mà nước này gần đây đã rút khỏi, đồng thời tuân thủ các điều khoản.
Các quan chức Nga phủ nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào đã diễn ra. Trước đó, Nga cũng cáo buộc phương Tây “chôn vùi” thỏa thuận cho phép Ukraine xuất cảng một số loại ngũ cốc – nhưng Mỹ phản bác bằng cách cho rằng Moscow đang cản trở xuất cảng của Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Nga cho biết Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý chống lại cái mà họ gọi là đe dọa và tống tiền của phương Tây – nhưng điều này chưa được Trung Cộng xác nhận.
“Chúng tôi nói về cách hành xử. Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã rất tệ”, ông Lavrov nói sau cuộc hội đàm hôm 2/3. “Họ không còn nghĩ đến ngoại giao nữa; giờ đây họ chỉ lo tống tiền và đe dọa những người khác.”
Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khai mạc phiên họp, cảnh báo rằng sự chia rẽ toàn cầu đang gây nguy hiểm cho sự phát triển bền vững.
Ông nói: “Nhiều nước đang phát triển đang vật lộn với các khoản nợ bấp bênh trong khi cố gắng bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.
“Họ cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự nóng lên toàn cầu do các nước giàu hơn gây ra.”
Đó là bài phát biểu hiếm hoi của ông Modi bằng tiếng Anh – một dấu hiệu cho thấy ông mong muốn thông điệp của mình được đón nhận tới mức nào như thế nào. Ông không đề cập trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng thừa nhận rằng các cuộc thảo luận sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị.
Lịch trình hôm 2/3 bao gồm các phiên họp về an ninh lương thực, hợp tác phát triển, chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo – phản ánh các ưu tiên của Ấn Độ khi nước này giữ chức chủ tịch G20.
Trước cuộc hội đàm, một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với BBC rằng Ấn Độ sẽ phải “làm điều gì đó đặc biệt” để khiến các đại biểu bỏ qua sự khác biệt của họ về cuộc chiến.
Mối bang giao căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng – nước đã từ chối phản đối cuộc xâm lăng của Nga, cũng được cho là sẽ thử thách khả năng của Ấn Độ trong việc tạo ra sự đồng thuận.
Cuối cùng, Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar đã phải trình bày cái được gọi là tóm tắt của chủ tọa sau cuộc hội đàm hôm 2/3, nghĩa là những người tham gia đã không thể đạt được một tuyên bố chung.
Nga và Trung Cộng là những quốc gia duy nhất từ chối đồng ý lên án chiến tranh.
Nhưng Ấn Độ đã thành công trong mục tiêu chính là lên tiếng cho khu vực Nam bán cầu.
Vẫn còn vài tháng nữa cho hoạt động ngoại giao trước khi các nhà lãnh đạo G20 gặp nhau vào tháng 9 và Delhi sẽ hy vọng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình không kết thúc trong một kết quả đáng thất vọng.
Các chuyên gia cho rằng Delhi cũng có một nhiệm vụ tế nhị là cân bằng chính sách không liên kết của mình về chiến tranh với lời kêu gọi các quốc gia khác tìm cách hợp tác với nhau.
Ấn Độ đã chống lại áp lực và tiếp tục với chiến lược không chỉ trích trực tiếp Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Nước này thường xuyên bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần trước.
Nước này cũng đã bảo vệ quyết định tăng nhập cảng dầu từ Nga, nói rằng họ phải quan tâm đến nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, họ đã nói về tầm quan trọng của “Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia” trong các tuyên bố trước đây về Ukraine.
QUAD lo ngại về việc quân sự hóa các vùng biển xung quanh Trung Cộng
Thanh Phương
Từ phải sang trái: Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar, ngoại trưởng Úc Penny Wong, ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong buổi thảo luận về Bộ Tứ – QUAD, tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 03/03/2023. REUTERS – ANUSHREE FADNAVIS
Hôm nay, 03/03/2023, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, các nước nằm trong Bộ Tứ (QUAD) đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các vùng biển xung quanh Trung Cộng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Theo hãng tin AFP, bên lề cuộc họp nhóm G20 ở New Delhi, các ngoại trưởng các thành viên nhóm QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn và Úc) đã có một cuộc họp riêng. Trong tuyên bố chung do nước chủ nhà Ấn Độ công bố sau cuộc họp, nhóm QUAD nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế” ở vùng biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Tuy không nêu tên Trung Cộng, ngoại trưởng Mỹ, Ấn, Nhật, Úc bày tỏ quan ngại trước “việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, việc sử dụng một cách nguy hiểm các lực lượng hải cảnh và dân quân biển, cũng như những nỗ lực nhằm cản trở các hoạt động của những nước khác khai thác tài nguyên trên biển”.
QUAD (Đối thoại An ninh Bốn bên) là một liên minh chiến lược không chính thức được khởi xướng từ năm 2007, sau đó đến năm 2017 được khởi động trở lại trước ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng lớn của Trung Cộng trong khu vực. Bắc Kinh thì vẫn xem QUAD là một công cụ của Washington để chống Trung Cộng.
Nhưng phát biểu tại New Delhi hôm nay, ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng Trung Cộng không có lý do gì để e ngại QUAD, vì đây không phải là một tổ chức hợp tác về quân sự.
Canada cho phép các doanh nghiệp được bán cocain
Anh Vũ
Ảnh minh họa ở Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada ngày 31/01/2023: VùngBritish Columbia đã hợp pháp hóa việc sở hữu một lượng nhỏ cocaine, methamphetamine, MDMA … REUTERS – JENNIFER GAUTHIER
Sunshine Earth Labs, một hãng công nghệ sinh học, hôm 02/03/2023, thông báo đã được chính phủ Canada cấp giấy phép để sản xuất và bán cocain và một số loại ma túy khác.
Quyết định cấp phép có liên quan đến thay đổi căn bản quan điểm của chính phủ Canada về vấn nạn sử dụng ma túy, để đối phó với vấn nạn sử dụng ma túy quá liều khiến hàng nghìn người chết.
Theo AFP, chính phủ Canada chủ trương phi hình sự hóa việc tàng trữ một lượng nhỏ cocain, heroin và một số loại ma túy khác. Tháng Giêng vừa qua, theo hướng trên, Ottawa đồng ý một số điều chỉnh luật hình sự áp dụng trong tỉnh British Columbia trong khuôn khổ một dự án thí điểm trong 3 năm. Mục đích là để chống lại tình trạng kỳ thị người sử dụng ma túy khiến một số người không được giúp khi cần.
Những nhà hoạt động ủng hộ biện pháp trên còn đề nghị những người nghiện nặng phải được cung cấp ma túy ổn định. Các biện pháp này nhằm đối phó với nguy cơ gia tăng người nghiện bị sốc thuốc vì mua ma túy bất hợp pháp ngoài đường.
Trong một thông cáo, Sunshine Earth Labs, cho biết đã nhận được giấy phép của Y Tế Canada để « cất giữ, sản xuất, bán và phân phối một cách hợp pháp lá cây coca và cocain », cũng như các lại morphine, ectasy hay heroin.
Một giấy pháp tương tự cũng đã được cấp hồi tháng Hai cho công ty Adastra Labs, hiện chỉ sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ cần sa.
Tỉnh British Columbia của Canada đã học tập cách làm của bang Oregon của Mỹ, đã phi hình sự hóa các loại ma túy rắn từ tháng 11/2020. British Columbia cũng là tỉnh đã ghi nhận 10 nghìn người nghiện chết vì sốc thuốc từ năm 2016.
Vừa đánh trống, vừa ăn cướp!: Vladimir Putin tố cáo những “kẻ phá hoại” người Ukraine xả súng vào thường dân Nga
Phan Minh
Ảnh minh họa: Vladimir Putin phát biểu qua video trong lễ khai mạc Năm Nhà giáo, tại Matxcơva, Nga, ngày 02/03/2023. via REUTERS – SPUTNIK
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 02/03/2023 đã cáo buộc những kẻ theo ”chủ nghĩa tân phát xít Ukraine” xâm nhập vào khu vực Bryansk ở phía nam nước Nga giáp với biên giới Ukraine và nổ súng vào thường dân. Nguyên thủ Nga gọi đó là một ”hành động khủng bố”.
Từ Matxcơva, thông tín viên Julian Colling cho biết cụ thể:
“Nguyên thủ Nga hôm qua đã mô tả vụ thâm nhập vào khu vực biên giới Bryansk của những kẻ phá hoại dường như là người Ukraine là một ”hành động khủng bố”. Trên truyền hình, Vladimir Putin cũng cáo buộc “tân phát xít”, xin trích, đã “bắn vào thường dân”. Đã có hai trường hợp tử vong và một đứa trẻ 11 tuổi bị thương, theo truyền thông Nhà nước, dẫn lại tuyên bố của cơ quan đầy quyền lực FSB mà lực lượng biên phòng Nga trực thuộc.
Điều này có thể báo trước sự gia tăng căng thẳng, bởi đây là lần đầu tiên một cuộc nổ sung giữa nhóm người diễn ra ngay trên lãnh thổ Liên Bang Nga. Và những kênh Telegram ủng hộ chiến tranh đã kêu gọi Nga trả đũa mạnh mẽ, thậm chí, một nghị sĩ thân Kremlin kêu gọi, xin trích ”trừ khử” Volodymyr Zelensky.
Về phần mình, Kyiv phủ nhận có dính líu đến vụ việc sôi động này và cho rằng Nga đang đánh lạc hướng. Theo một video được quay tại chỗ, vụ việc này dường như có sự tham gia của một nhân vật hoạt động cực hữu nổi tiếng người Nga, thù địch với chế độ Putin và đã sống ở Ukraine trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, vào tối qua, đã có thêm một chiếc drone bị rơi ở Kolomna chỉ cách Matxcơva 70 km. Tuần này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các hoạt động và các vụ nổ drone của Ukraine trên bầu trời Nga. Điều này khiến một số nhà bình luận lo ngại về việc Nga tăng cường các cuộc oanh kích nhắm vào những địa điểm nhạy cảm của Ukraine, điều mà phe cứng rắn của chế độ Putin đã đòi hỏi. Hoặc đưa ra những quyết định mạnh mẽ trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày hôm nay.”
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 03/03 đã nói với các phóng viên rằng Nga sẽ đưa ra kết luận cụ thể sau khi cuộc điều tra kết thúc và sẽ tìm ra biện pháp để ngăn chặn các cuộc xâm nhập từ phía Ukraine, đồng thời tránh cho những sự việc như ở Bryansk tái diễn trong tương lai.
Anh Quốc: hạt giống rau bán chạy trong lúc tình trạng thiếu rau quả tiếp diễn
Jemma Dempsey
BBC News
Tìm kiếm trên internet về cách trổng rau tăng 70% so với cùng thời gian năm ngoái – Getty Images
Nhu cầu mua hạt giống rau của người dân Anh “tăng vọt” khi các siêu thị tiếp tục giới hạn số lượng được mua của một số loại rau củ.
Hội nghề Làm vườn Hoàng gia (RHS) cho biết doanh thu hạt giống trên khắp các cửa hàng bán lẻ của họ đã tăng 20% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng kinh doanh hạt giống Mr Fothergills’ Seeds cho biết doanh thu của họ tăng gần 50% so với tháng trước.
Các siêu thị hạn chế số lượng cà chua, dưa chuột và ớt chuông mỗi khách hàng được mua. RHS cho biết một số nhà cung cấp khoai tây cũng hết hàng.
Anh Quốc nhập cảng phần lớn rau quả và thời tiết xấu gần đây ở Tây Ban Nha và Bắc Phi, cùng với các khó khăn do chuỗi cung ứng phức tạp được cho là các lý do chính khiến một số kệ hàng rau quả trong siêu thị trống trơn.
Một số hãng bán buôn và nhập cảng rau quả cho BBC hay Anh Quốc có thể thiếu hàng vì sản xuất trong nước thấp, cũng như thị trường rất nhạy cảm với việc tăng giá cả.
Không ít chủ trang trại trồng rau cho rằng vấn đề chuỗi cung ứng có thể kéo dài tới tận tháng Năm.
Một trái cà chua loại vừa hiện có giá 79 pence (chừng 20000 đồng) tại một siêu thị Anh
Ông Mike Burks, giám đốc điều hành tập đoàn Gardens Groups có trụ sở ở Dorset và Somernet cho biết khách hàng tìm đến họ để mua hạt giống: “Trong vài tuần qua, doanh số hạt giống đã tăng vọt,” ông cho biết.
“Hạt giống khoai tây, đậu Hòa Lan, đỗ quả. Cả cà chua, dưa chuột và ớt chuông cũng như các loại xà lách nữa. Các loại họ cải như bắp cải, súp lơ trắng, xanh cũng bán chạy.”
Các loại đất, khay hạt giống, hộp và chậu gieo hạt cũng bán tăng hơn 10%. Nhiều người tìm cách trồng rau trên ban công hay hộp treo cửa sổ, ông nói thêm.
Getty Images
Hội RHS nói số hạt giống bán ra tại các cửa hàng bán lẻ tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái
Bà Nicky Berry thử trồng rau trong đại dịch Covid nhưng “mọi chuyện gần như một thảm họa.”
Bà mẹ có 5 con vừa chi 250 bảng cho các dụng cụ, trong đó có cả một hầm trồng cây (polytunnel) để gây dựng một vườn rau tại nhà ở Dorset.
“Tôi thấy các kệ trống trơn ở siêu thị và tôi nghĩ lần này tôi sẽ làm bài bản,” bà nói.
Người phụ nữ 44 tuổi mua nhiều loại hạt giống và dự định sẽ cùng con trai út 12 tuổi gieo hạt và trồng rau.
“Đây là hoạt động kết nối gia đình và rau tự trồng ăn ngon hơn, nên tôi nghĩ đây là phần thưởng thêm”, bà nói.
Bà Berry sẽ trồng nhiều loại hạt giống dù đã không thành công trong đợt dịch Covid
Tổng thống Syria hóa giải thế cô lập từ thảm họa động đất
Thu Hằng
Tổng thống Syria Bachar Al Assad được quốc vương Oman Haitham bin Tariq tiếp đón tại thủ đô Mascat, Oman, ngày 20/02/2023. AP
Trận động đất tang thương ngày 06/02/2023 khiến gần 6.000 người thiệt mạng tại Syria, chủ yếu ở những vùng do các lực lượng nổi dậy kiểm soát, lại trở thành cơ hội trời cho để tổng thống Bachar Al Assad tái xuất trên chính trường. Bị cô lập từ hơn 10 năm nay vì trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ dẫn đến một cuộc nội chiến chưa chấm dứt, nhà lãnh đạo độc tài đã nhận được nhiều lời chia buồn từ cộng đồng quốc tế.
Lãnh đạo ngoại giao nhiều nước Ả Rập láng giềng đến Damas thể hiện đoàn kết. Hai chuyến thăm gần đây nhất là của ngoại trưởng Ai Cập Sameh Chukri đến Damas hôm 27/02 và tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đến các vùng do quân nổi dậy chiếm đóng ở tây bắc Syria hôm 01/03, sau khi đến thăm thành phố bị nạn Aleppo (do quân chính phủ Syria kiểm soát) hôm 11/02 và gặp tổng thống Bachar Al Assad ở Damas.
Từ gần một tháng nay, có thể thấy rõ tổng thống Syria ráo riết tranh thủ thương cảm của thế giới sau trận động đất để thoát khỏi thế cô lập ngoại giao. Ông Assad đã nhanh chóng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ cấm vận, mà ông cáo buộc là gây cản trở cho hoạt động cứu trợ nhân đạo. Nhật báo Al-Watan thân chính phủ, được tờ Courrier International trích dẫn hôm 08/02, nhấn mạnh: « Thảm kịch đoàn kết chúng ta ; các biện pháp trừng phạt giết hại chúng ta ».
Tổng thống Syria như được hồi sinh trên chính trường quốc tế, « cứ như 12 năm chiến tranh vừa qua chưa từng tồn tại », « cứ như hơn 500.000 người chết trong thập niên đen tối đã bốc hơi hết », theo nhận định của trang L’Orient-Le Jour ngày 26/02. Tuy nhiên, một số người Syria tị nạn lo ngại rằng thế giới bỗng quên đi những tội ác trước đây của ông Assad và công nhận tư cách của tổng thống Syria, như Charles Malek, hiện sống ở châu Âu, bày tỏ lo lắng với RFI:
« Dĩ nhiên tôi ủng hộ mặt nhân đạo nhưng tôi phản đối mở rộng sang lĩnh vực chính trị. Đúng là phải trao đổi với ông Assad, nhưng xin chú ý đến việc là nếu con người đó (tổng thống Assad) tiếp tục bỏ tù, để ngăn những người như tôi trở lại Syria, để giết những người không nằm dưới quyền kiểm soát của ông ta, xin đừng trao cho ông ta thêm tính hợp pháp quốc tế. Họ phải nghĩ đến việc đó.
Đúng, người ta biết là kể từ giờ ông Assad sẽ không bị lật đổ, và một nhà độc tài đã thắng. Chúng ta không thể tự dối nhau là giờ chúng ta phải ăn tối với tên xã hội đen này. Nhưng tôi không muốn Bachar Al-Assad nói kiểu: « Tôi đã buộc được tất cả các nước Ả Rập, rồi các nước châu Âu, rồi Hoa Kỳ, phải lắng nghe những gì tôi nói. Tôi đã thắng cuộc chiến và tôi thắng cả các nguyên tắc ». Một nhà độc tài đang cho mọi người một bài học ».
Dựa vào thế « nạn nhân » động đất để hóa giải cô lập ngoại giao
Syria bị tạm đình chỉ quy chế thành viên trong Liên Đoàn Ả Rập từ năm 2011 sau khi chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad đàn áp phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Cuộc nội chiến bước sang năm thứ 12 khiến phần lớn cơ sở hạ tầng y tế của Syria bị hư hỏng, đặc biệt là ở những vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Theo AFP, hơn 4 triệu người (tương đương khoảng 1/4 dân số cả nước) hiện sống tại những khu vực nổi dậy ở miền bắc Syria, trong đó khoảng một nửa là di dân trong nước và gần 90% trong số này phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Thực ra, một số nước Ả Rập trong vùng không chờ đến trận động đất tang thương để xích lại gần với chế độ của tổng thống Bachar Al Assad. Vương quốc Oman là một trong những nước triệu hồi đại sứ về nước năm 2012, chỉ một năm sau khi các cuộc trấn áp phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng 8 năm sau, Oman bổ nhiệm lại đại sứ tại Syria và luôn duy trì quan hệ với Damas, khác với nhiều nước láng giềng vùng Vịnh. Trong lần xuất ngoại hiếm hoi từ cuộc cách mạng năm 2011, tổng thống Syria chọn Oman. Ngày 20/02/2023, ông đã được trải thảm đỏ tiếp đón trọng thể theo nghi lễ cấp Nhà nước và được người đứng đầu vương quốc Oman khẳng định « sự ủng hộ liên tục của Oman với những người anh em Syria ».
Trước đó, năm 2022, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã tiếp tổng thống Bachar Al Assad. Đại sứ quán của nước này được mở tại Damas ngay năm 2018. Tại sao Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vẫn duy trì quan hệ với chế độ Damas? Nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Syria, giải thích:
« Ngay từ năm 2011, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã dẫn đầu cuộc phản cách mạng trong thế giới Ả Rập. Đó là một chế độ luôn bị các phong trào cách mạng làm cho khiếp sợ từ năm 2011 đến 2019. Chế độ đó cũng làm mọi cách để chống lại những phong trào cách mạng và cho rằng kết nạp Assad vào hoạt động của các nước Ả Rập giống như là đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của phong trào cách mạng thập niên 2010 ».
Bình thường hóa với Syria để giải quyết vấn đề di dân
Thảm họa động đất lại tạo cho « Assad và các đối tác của ông ở trong vùng một cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ song phương và cổ vũ cam kết với chính phủ Damas », theo nhận định của nhà nghiên cứu Aron Lund, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) và Quỹ Century. Nhận định này là chính xác đối với trường hợp Ai Cập và Jordani.
Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi, rồi quốc vương Jordani Abdallah II gọi điện cho tổng thống Syria để chia buồn và hứa « hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp ». Dù Ai Cập và Syria chưa bao giờ cắt đứt quan hệ bất chấp cuộc xung đột ở Syria, nhưng cuộc điện đàm với tổng thống Al-Siss cũng giúp phủ tổng thống Syria tuyên truyền rằng lập trường của Cairo « thể hiện cho mối quan hệ huynh đệ giữa hai nước và hai dân tộc anh em ».
Cũng lần đầu tiên trong suốt hơn 10 năm, ngoại trưởng Ai Cập và Jordani lại lần lượt đến Damas để thể hiện tình đoàn kết với Syria. Năm 2021, Jordani và Syria đã mở cửa trở lại đồn biên phòng Jaber-Nassib, nối lại đối thoại, đặc biệt liên quan đến quản lý làn sóng nhập cư trong bối cảnh Jordani đã tiếp nhận hơn 650.000 tị nạn Syria.
Ai Cập, Jordani, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cùng với Algérie, nằm trong nhóm các nước ủng hộ Syria trở lại Liên Đoàn Ả Rập. Ngược lại với Qatar, Maroc và Koweit phản đối hoặc lưỡng lự. Bước ngoặt ngoại giao đối với chế độ Damas còn phụ thuộc vào lập trường của Ả Rập Xê Út. Ngay năm 2012, Riyad cắt đứt ngoại giao với chính quyền Damas, công khai ủng hộ lật đổ tổng thống Bachar Al Assad và ủng hộ các lực lượng nổi dậy.
Nhưng lập trường của Riyad đã thay đổi. Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/02, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út cho rằng « trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đang có sự đồng thuận về việc nguyên trạng không còn khả thi ». Vài tuần sau, ông nói thêm: « Đến lúc nào đó sẽ phải đối thoại với chính phủ Damas để chí ít đạt được các mục tiêu quan trọng nhất, đặc biệt là về mặt nhân đạo và hồi hương người tị nạn ». Lập trường của Riyad có thể làm thay đổi cán cân, nhất là năm 2023, thượng đỉnh của Liên Đoàn Ả Rập được tổ chức tại Ả Rập Xê Út.
Không chỉ muốn tổng thống Bachar Al Assad được công nhận trong khu vực, dường như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Jordani đã đề nghị một số nước phương Tây nối lại bang giao với Damas. Nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Ý, Hungary hay CH Séc không có thái độ cứng rắn đối với Syria như Pháp. Ông Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp tại Syria hiện là cố vấn đặc biệt tại Viện Montaigne, không tin là Pháp thay đổi lập trường về chế độ Bachar Al Assad:
« Pháp có lẽ chẳng được lợi gì đặc biệt nếu bình thường hóa quan hệ với Assad. Việc đó sẽ không mang thêm đòn bẩy nào cho Paris. Hai lần, Pháp chìa bàn tay với Assad, dưới thời Chirac và Sarkozy thì cả hai lần đều bị Assad cắn vào tay. Vì thế, thêm lần thứ ba, tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo Pháp sẽ do dự. Có lẽ phải thực sự có những lợi íchh cụ thể để trao đổi, còn hiện tại, chúng tôi chưa thấy bất kỳ điều gì ».
Từ Doan Vu