Báo cáo: Trung Cộng (T.Quốc cộng sản) là một trong những ‘nước lạm dụng nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới’

Share this post on:
Báo cáo: Trung Quốc cộng sản là một trong những ‘nước lạm dụng nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới’

Một cảnh sát bán quân sự theo dõi những người thờ cúng Trung Quốc khi họ cầu khấn tại Ung Hòa Cung (hay còn gọi là Chùa Lạt Ma) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/02/2016. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

TRUNG QUỐC

Tác giả Eva Fu và Emel Akan

  • Thứ ba, 16/05/2023

Khi công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc tiếp tục là “một trong những nước lạm dụng nhân quyền và tự do tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới.”

“Họ tiếp tục phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ. Họ cũng đang không ngừng đàn áp Phật tử Tây Tạng, những người theo Đạo Tin lành, Đạo Công giáo, Pháp Luân Công, và Hồi giáo,” quan chức này nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 15/05, nói thêm rằng bộ có một số công cụ, chẳng hạn như trừng phạt tài chính, hạn chế thị thực, cũng như hợp tác với các đồng minh quốc tế trên khắp thế giới nhằm đối phó với cách mà nhà cầm quyền nước này đối xử với các nhóm thiểu số tôn giáo.

“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy tình hình này đang ngày càng tồi tệ, và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ mà tôi đã mô tả để làm mọi thứ có thể nhằm giúp đỡ người dân Trung Quốc khi họ phải đối mặt với sự đàn áp dưới bàn tay của chính quyền.”

Báo cáo này đưa ra một loạt các câu chuyện về những người có đức tin đấu tranh để tồn tại dưới những nỗ lực đàn áp đức tin không ngừng của nhà cầm quyền.

Ông Cao Hằng (Gao Heng), một tín đồ Cơ Đốc thuộc Giáo hội Quy chính Thánh kinh Quảng Châu đã bị bí mật xét xử và kết án hồi tháng Hai với tội danh “gây rối và gây gổ” vì đã giơ một tấm biển ghi “cầu nguyện cho đất nước” tại một ga tàu điện ngầm hồi năm 2021, báo cáo cho biết. Thông tin chi tiết về việc kết án hiện vẫn chưa rõ.

Một tín đồ cầu nguyện bên ngoài Nhà thờ Thánh Joseph, một nhà thờ Công giáo được chính quyền chấp thuận, ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)
Một tín đồ cầu nguyện bên ngoài Nhà thờ Thánh Joseph, một nhà thờ Công giáo được chính quyền chấp thuận, ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Vào tháng 03/2022, chính quyền đã bắt giữ ông Trần Văn Thắng (Chen Wensheng), một tín đồ Cơ Đốc ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vì rao giảng phúc âm nơi công cộng. Ông Trần đã bị bắt sáu lần trong năm 2021.

Tổ chức Nhân quyền Không biên giới ước tính rằng chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù 2,649 cá nhân vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của họ, trong đó có hơn 2,100 người là học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, 23 người theo Đạo Hồi, 40 người theo đạo Cơ Đốc và 20 Phật tử. Báo cáo lưu ý, do thiếu tính minh bạch về đàn áp tôn giáo, nên một số ước tính lên tới 10,000 hoặc hơn.

Pháp Luân Công, một môn tu luyện tĩnh tại với các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào năm 1999, cũng là thời điểm chính quyền bắt đầu một chiến dịch bức hại tàn bạo.

Minghui.org, một trang web chuyên thu thập các tư liệu của người trong cuộc về chiến dịch đàn áp này của chính quyền, cho biết tổng cộng 172 học viên đã tử vong vì bị bức hại trong năm 2022, trong khi 446 học viên Pháp Luân Công đã nhận bản án từ sáu tháng đến 15 năm vì đức tin của họ.

Anh Trương Hiểu Phong (Simon Zhang) và mẹ của anh, bà Quý Vân Chi (Ji Yunzhi), trong một chuyến đi đến thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào năm 2012. Bà Quý, một học viên Pháp Luân Công, đã tử vong trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc vào tháng 03/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Trương Hiểu Phong)
Anh Trương Hiểu Phong (Simon Zhang) và mẹ của anh, bà Quý Vân Chi (Ji Yunzhi), trong một chuyến đi đến thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào năm 2012. Bà Quý, một học viên Pháp Luân Công, đã tử vong trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc vào tháng 03/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của anh Trương Hiểu Phong)

Báo cáo của Bộ Ngoại giao trích dẫn trường hợp của học viên Pháp Luân Công Quý Vân Chi (Ji Yunzhi), người đã bị bắt khỏi nhà, bị ngược đãi và đánh đập trong khi bị giam giữ vào tháng Hai, sau đó đã tử vong. Sau khi bà tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi của chính quyền, công an đã bức thực và liên tục tát vào mặt bà. Bà qua đời bảy tuần sau đó tại một bệnh viện ở Nội Mông, và công an đã chuyển thi thể của bà đến lò hỏa táng trái với mong muốn của gia đình bà.

Cụ bà Thôi Kim Thực (Cui Jinshi), 88 tuổi, đang học Pháp Luân Công tại nhà cùng với sáu người khác thì công an ập vào và bắt giữ bà. Vài giờ sau, con trai bà hay tin bà đã qua đời trong phòng cấp cứu. Người con trai sau khi nhìn thấy thi thể của bà, nói rằng cổ họng bà đã bị rạch một đường, báo cáo cho biết.

Một số học viên bị cầm tù khác đã tử vong trong khi bị giam giữ sau khi cảnh sát từ chối cho họ được ân xá vì lý do y tế.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên thuần thục trong việc đàn áp tôn giáo,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết, dẫn chứng “các hành động diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc khác” của chính quyền Bắc Kinh.

“Ngoài việc liên tục sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công, gần đây ĐCSTQ đã thi hành lệnh cấm đối với nội dung tôn giáo trực tuyến được tạo ra trong nước và cấm các tổ chức ngoại quốc vận hành các dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến ở Trung Quốc,” ông nói trong một tuyên bố sau khi Bộ Ngoại giao công bố bản báo cáo trên.

Hoa Kỳ vẫn “lo ngại sâu sắc về các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa],” ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times trong một cuộc họp báo vào buổi trưa.

“Chúng tôi vẫn sẽ suy xét thấu đáo về điều đó,” ông nói. Mặc dù từ chối cho biết trước về bất kỳ hành động nào mà chính phủ Hoa Kỳ có thể thực hiện trong những ngày tới, nhưng ông nhấn mạnh rằng “chúng tôi đã thực hiện một số hành động quan trọng về nhân quyền, cụ thể là buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm.”

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên từ chối cử đại diện ngoại giao tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì những vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chế độ này.

Vào ngày 09/12/2022, Bộ Ngoại giao đã trừng phạt ba quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và giam giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh, siêu đô thị ở khu vực phía tây nam của Trung Quốc.

“Nhân quyền là điều mà chúng tôi nêu ra khá thường xuyên trong các cuộc gặp song phương của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy,” ông Patel nói.

Hồng Ân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times