Võ Thái Hà tổng hợp
Phi cơ quân sự chở bà Nancy Pelosi ‘vừa rời Malaysia để tới Đài Loan’ bất chấp cảnh báo từ TQ
Bài này đăng trước khi bà Pelosi đã đến Đài Loan vào tối thứ Ba lúc 10.30 (Xem video)
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tin mới nhất từ một báo Anh cho hay phi cơ quân sự của Hoa Kỳ chở Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi “đã rời Malaysia” và bà được trông đợi sẽ tới Đài Loan vào buổi tối, giờ địa phương.
Trang The Independent ra ở London đưa tin lúc 12:00 giờ Anh, nói “trang web theo dõi các chuyến bay (flight tracking websites) cho thấy chiếc phi cơ quân sự bà Pelosi dùng để bay trong vùng, “vừa rời khỏi Malaysia đôi phút trước”.
Tờ báo cũng nói “Hoa Kỳ cử bốn chiếm hạm vào phía Đông của Đài Loan” trong diễn biến liên quan đến chuyến thăm của bà Pelosi.
Tuy thế, trang web này nói “vẫn không có xác nhận gì từ cả phía Hoa Kỳ và Đài Loan” về chuyện bà có tới Đài Bắc hay không.
Trước đó, BBC News Tiếng Việt đã đưa tin:
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan vào thứ Ba (2/8), nhiều báo cáo khác nhau cho biết.
Điểm dừng chân tại Đài Loan (nếu có) – lần đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ sau 25 năm – hiện không nằm trong lộ trình công khai của bà Pelosi, và được thực hiện vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang không mấy tốt đẹp.
Nhiều hãng tin Đài Loan và Mỹ đưa tin về chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi, dự kiến vào tối 2/8 nhưng chính quyền Mỹ chưa xác nhận điều này một cách cụ thể.
Bà Pelosi hiện đang công du châu Á với các điểm dừng chân đã được lên lịch gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc cảnh báo rằng quân đội của họ sẽ không bao giờ “để yên” nếu bà Pelosi đến thăm hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, Reuters cho hay sau khi ba nguồn tin nói bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan đêm 2/8.
Đáp lại, Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không nao núng bởi những lời đe dọa của Trung Quốc.
Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, John Kirby nói với CNN hôm 01/08 rằng Hoa Kỳ “đảm bảo để chủ tịch Hạ viện công du nước ngoài an toàn”.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden nói ông không đồng ý với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhưng nay, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định “Lập pháp là một nhánh quyền lực độc lập” ở Mỹ và bà Nancy Pelosi đi đâu “là quyền bà quyết định”.
Trang Liberty Times của Đài Loan cho biết bà Pelosi dự kiến đến hòn đảo này vào tối thứ Ba (2/8) sau đó thăm Quốc hội Đài Loan vào sáng thứ Tư (3/8) trước khi tiếp tục chuyến công du châu Á vốn bắt đầu vào thứ Hai (1/8) tại Singapore. Reuters không thể xác nhận ngay các báo cáo này.
Tờ Financial Times cho biết bà sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 3/8 tại Đài Bắc.
Hãng tin EBC của Đài Loan cho biết bà Pelosi sẽ đến Đài Bắc sau 10 giờ tối thứ Ba và nghỉ tại khách sạn Grand Hyatt Đài Bắc. Bà sẽ rời đảo vào chiều thứ Tư, sau khi gặp bà Thái Anh Văn.
Cả CNN và TVBS của Đài Loan đều trích dẫn các nguồn tin giấu tên vào hôm thứ Hai rằng bà Pelosi thực sự có kế hoạch đưa Đài Loan vào chuyến công du châu Á của mình.
Một quan chức Đài Loan nói với CNN rằng bà Pelosi dự kiến sẽ ở lại Đài Loan qua đêm. Nhưng hiện vẫn chưa rõ chính xác khi nào bà sẽ hạ cánh xuống Đài Bắc.
Quan chức Mỹ nói với CNN rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc cật lực để theo dõi bất kỳ động thái nào của Trung Quốc trong khu vực và lên phương án đảm bảo an toàn cho bà Pelosi.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ không có bình luận gì về các báo cáo về kế hoạch chuyến công du của bà Pelosi.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Bà Pelosi bên bức tượng ‘Tank Man’ từ Quảng trường Thiên An Môn tại một cuộc gặp gỡ với những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc vào năm 2019
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm thứ Hai rằng chuyến thăm Đài Loan, nếu có, của bà Pelosi sẽ hoàn toàn do bà quyết định. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc không leo thang căng thẳng trong trường hợp có chuyến thăm, theo The Straits Times.
“Nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ quyết định đến thăm Đài Loan và Trung Quốc cố gắng tạo khủng hoảng hoặc leo thang căng thẳng thì điều đó hoàn toàn là quyết định của Bắc Kinh,” ông Blinken nói sau cuộc đàm phán về việc không phổ biến hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc.
“Chúng tôi kỳ vọng (Trung Quốc) – trong trường hợp bà Pelosy quyết định đến thăm Đài Loan – hành động có trách nhiệm và không tham gia vào bất kỳ hành động leo thang nào trong tương lai.”
Đầu tháng này, bà Pelosi nói rằng “điều quan trọng là chúng ta phải thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan”.
Ban đầu bà dự định đến thăm Đài Loan vào tháng Tư, nhưng đã hoãn chuyến đi sau khi có kết quả dương tính với Covid-19.
Tổng thống Joe Biden cho biết quân đội Mỹ tin rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi “không phải là một ý tưởng hay vào lúc này”.
Trung Quốc đưa máy bay, tàu tuần tra tới eo biển Đài Loan
Sáng 2/8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết tàu Hải tuần 06, tàu tuần dương lớn nhất đầu tiên của Trung Quốc đang sẵn sàng tiến vào eo biển Đài Loan, khởi hành từ đảo Pingtan, tỉnh Phúc Kiến hôm Chủ Nhật, để thực hiện tuần tra biển trong 7 ngày.
Trung Quốc cũng đã đưa một số máy bay chiến đấu tới gần eo biển Đài Loan sáng 2/8, theo Reuters.
Nhà Trắng trước đó đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi bằng các hành động khiêu khích quân sự.
Điều này có thể bao gồm bắn tên lửa gần Đài Loan, hoặc các hoạt động không quân hoặc hải quân quy mô lớn, phát ngôn viên nhà Trắng, John Kirby cho biết.
Hôm thứ Hai, ông John Kirby nói rằng những hành động leo thang của Trung Quốc có thể bao gồm việc đưa ra “yêu sách pháp lý giả mạo” trong những ngày tới, chẳng hạn bằng cách tuyên bố rằng eo biển Đài Loan không phải là đường thủy quốc tế.
Ông cho biết Bắc Kinh cũng dọa có thể đưa máy bay vào không phận Đài Loan.
Ông Kirby chỉ ra rằng cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich của Đảng Cộng hòa đã đến thăm Đài Loan vào năm 1997 và các nhà lập pháp khác của Mỹ đã đến thăm Đài Loan vào đầu năm nay.
“Không có gì thay đổi. Không có vở diễn kịch tích nào ở đây. Việc một Chủ tịch Hạ viện tới Đài Loan không phải là không có tiền lệ,” ông nói.
Vì sao bà Pelosi muốn đến thăm Đài Loan?
Có một sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với Đài Loan trong công chúng Hoa Kỳ và trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Và trong sự nghiệp quốc hội kéo dài hơn 35 năm, bà Pelosi là một nhà chỉ trích mạnh miệng đối với Trung Quốc.
Bà đã tố cáo các hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ, và cũng đến thăm Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1989.
Kế hoạch ban đầu của bà Pelosi là đến thăm Đài Loan vào tháng 4/2022, nhưng đã bị hoãn lại sau khi bà có kết quả dương tính với Covid-19.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã từ chối đưa ra thông tin chi tiết về chuyến đi, nhưng tuần trước bà nói rằng điều quan trọng là “chúng tôi phải thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan”.
Bị Bắc Kinh đe dọa, Nhà Trắng khẳng định Pelosi « có quyền » đến thăm Đài Loan
02/8/2022
Ảnh do bộ Thông Tin Malaysia cung cấp: Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thăm tòa nhà Quốc Hội Malaysia ở Kuala Lumpur, ngày 02/08/2022. AP
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, hôm nay, 02/08/2022, đã đến Malaysia, chặng thứ hai trong vòng công du châu Á. Trước những đe dọa gay gắt từ Bắc Kinh về khả năng bà Pelosi « quá cảnh » Đài Bắc, Nhà Trắng khẳng định chủ tịch Hạ Viện Mỹ « có quyền đến thăm Đài Loan ».
Sau Singapore, chiếc máy bay quân sự chở chủ tịch Hạ Viện Mỹ sáng nay đã đáp xuống một khu căn cứ không quân của Malaysia. Theo hãng thông tấn Bernama, bà Nancy Pelosi có cuộc gặp với thủ tướng và chủ tịch Hạ Viện Malaysia. Đây là chặng thứ hai của vòng công du châu Á trước khi bà đến Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, liệu chủ tịch Hạ Viện có giữ nguyên ý định dừng chân ở Đài Loan hay không trước khi đến thăm hai nước đồng minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á vẫn là một câu hỏi lớn. AFP dẫn nhiều nguồn tin từ các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như tờ Financial Times của Anh Quốc và nhất là từ nhật báo Liberty Times của Đài Loan khẳng định bà Nancy Pelosi sẽ đến Đài Loan vào tối thứ Ba (02/8) và sẽ có một cuộc gặp với tổng thống Thái Anh Văn vào sáng thứ Tư (03/8).
Bắc Kinh từ nhiều ngày qua không ngừng đe dọa Washington. Hôm nay, Trung Quốc lại cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ phải « gánh lấy trách nhiệm » về chuyến thăm Đài Loan này của chủ tịch Hạ Viện Pelosi và Mỹ sẽ « phải trả giá việc vi phạm quyền chủ quyền và an ninh Trung Quốc. »
Theo quan sát của AFP, dù sự việc khiến Washington bối rối, nhưng trước những lời đe dọa cứng rắn từ Bắc Kinh, hôm qua, Nhà Trắng cũng đã mạnh mẽ phản ứng khi cho rằng bà Nancy Pelosi « có quyền đến thăm Đài Loan ». Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby còn khẳng định thêm rằng « Bắc Kinh không có lý do gì để biến chuyến thăm này, vốn dĩ không gây phương hại cho học thuyết có từ lâu của Mỹ, thành một dạng khủng hoảng. »
Cũng theo ông Kirby, Trung Quốc « dường như chọn thế cho mình nhằm có khả năng tiến thêm một bước trong những ngày sắp tới. Điều đó có thể bao gồm cả những hành động khiêu khích quân sự như bắn tên lửa tại eo biển Đài Loan hay xung quanh hòn đảo » hoặc thậm chí tiến hành « các cuộc xâm nhập không phận » tại vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Bắc Kinh luôn xem đảo Đài Loan như là một phần của lãnh thổ của Trung Quốc, cần phải được thống nhất với Hoa lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo Mỹ rằng một chuyến thăm cấp cao như vậy là một hành động một sự khiêu khích lớn.
Bà Nancy Pelosi có thể sắp đến Đài Bắc, Trung Quốc thịnh nộ
02/8/2022
Singapore là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của bà Nancy Pelosi. Bà đang được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp đón
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi dự kiến sẽ đến Đài Bắc vào cuối ngày 2/8, Reuters dẫn nguồn từ những người được thông báo về vấn đề này cho biết, trong lúc một số chiến đấu cơ Trung Quốc bay gần trung tuyến phân chia eo biển Đài Loan, một nguồn tin nói với Reuters.
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng bà Pelosi không được đến Đài Loan, hòn đảo mà họ tuyên bố là lãnh thổ của họ, và Mỹ hôm 1/8 cho biết họ sẽ không để cho màn ‘diễu võ dương oai’ của Trung Quốc về chuyến thăm làm họ sợ hãi.
Ngoài các máy bay Trung Quốc bay gần trung tuyến của tuyến hàng hải nhạy cảm vào sáng ngày 2/8, một số chiến hạm Trung Quốc vẫn ở gần ranh giới không chính thức kể từ ngày 1/8, nguồn tin này nói với Reuters.
Nguồn tin này cho biết cả chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc đã ‘ép sát’ trung tuyến vào sáng ngày 2/8, động thái bất thường mà người này mô tả là ‘rất khiêu khích’.
Người này cho biết máy bay Trung Quốc liên tục thực hiện các động tác chiến thuật là ‘chạm’ vào trung tuyến trong chốc lát và lượn vòng trở lại phía bên kia eo biển vào sáng ngày 2/8, trong khi máy bay Đài Loan trong tư thế sẵn sàng ở gần đó.
Thông thường, chiến đấu cơ của cả hai bên đều không vượt qua trung tuyến.
Trong một tuyên bố hôm 2/8, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã nắm bắt đầy đủ các hoạt động quân sự gần Đài Loan và sẽ điều động lực lượng một cách thích hợp để phản ứng với ‘các mối đe dọa thù địch’.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi ngay lập tức cho lời đề nghị bình luận của Reuters.
Tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc, đối diện Đài Loan và là nơi có sự hiện diện quân sự lớn, người dân cho biết họ đã nhìn thấy xe bọc thép di chuyển hôm 2/8 và đăng ảnh lên mạng.
Mạng xã hội Trung Quốc xôn xao với cả sự bất an về khả năng xung đột lẫn lòng nhiệt thành yêu nước khi nói đến triển vọng thống nhất với Đài Loan, và chủ đề về chuyến thăm của bà Pelosi là nội dung thịnh hành hàng đầu trên mạng xã hội Weibo.
Một người nắm hành trình của bà Pelosi nói rằng hầu hết các cuộc gặp dự định của bà, bao gồm cả với Tổng thống Thái Anh Văn, đã được sắp xếp sẽ diễn ra vào ngày 3/8 và có khả năng phái đoàn của bà sẽ đến Đài Loan vào sáng ngày 3/8.
“Mọi thứ đều bất định”, người này nói.
Tờ Liberty Times của Đài Loan cho biết phái đoàn của bà Pelosi dự kiến sẽ đến vào lúc 10:20 tối ngày 2/8, nhưng không dẫn nguồn.
Bà Pelosi đã đến thăm Malaysia hôm 2/8, sau khi bắt đầu chuyến công du châu Á tại Singapore hôm 1/8. Văn phòng bà cho biết bà cũng sẽ đến Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng không đả động gì đến chuyến thăm Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ không bình luận gì về các tin tức chuyến đi của bà Pelosi, nhưng Nhà Trắng – vốn không xác nhận chuyến đi – nói rằng việc đi đâu là quyền của bà Pelosi.
Các phản ứng của Bắc Kinh có thể bao gồm bắn tên lửa gần Đài Loan, các hoạt động không quân hoặc hải quân quy mô lớn, hoặc đưa ra thêm ‘tuyên bố pháp lý sai lệch’ chẳng hạn khẳng định rằng eo biển Đài Loan không phải là tuyến hàng hải quốc tế, phát ngôn nhân về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby, nói trước báo giới ở Washington hôm 2/8.
“Chúng tôi sẽ không cắn câu hay động binh. Đồng thời, chúng tôi sẽ không bị sợ hãi trước đe dọa”, ông Kirby nói.
Can thiệp thô bạo
Bốn nguồn tin cho biết bà Pelosi dự kiến sẽ gặp một nhóm nhỏ các nhà hoạt động vốn lên tiếng mạnh mẽ về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc vào chiều ngày 3/8.
Cuộc gặp có thể sẽ diễn ra tại Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia ở thành phố Tân Đài Bắc, một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết.
Hôm 1/8, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan thì đó sẽ là ‘can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc’, đồng thời cảnh báo rằng “Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA) sẽ không bao giờ ngồi yên’.
Khi được hỏi PLA có thể làm những gì, ông Triệu nói: ‘Nếu bà ta dám đi, hãy chờ xem’.
Trung Quốc coi các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan, một hòn đảo có chính quyền riêng mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ, là gửi tín hiệu khích lệ đến phe đòi độc lập cho hòn đảo này.
Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Mỹ quy định chính quyền phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện tự vệ.
Chuyến thăm của bà Pelosi, người đứng thứ hai trong danh sách kế nhiệm chức tổng thống và là người chỉ trích Trung Quốc từ lâu, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi.
Nhà Trắng đã bác bỏ luận điệu của Trung Quốc là ‘vô căn cứ và không phù hợp’.
‘Quyền đi thăm’
Ông Kirby nói chuyến đi khả dĩ của bà Pelosi không thể làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và rằng Bắc Kinh hiểu rõ sự phân chia quyền lực trong chính phủ Mỹ có nghĩa là quyết định về chuyến thăm là quyền của bà Pelosi.
“Chủ tịch Hạ viện có quyền đến thăm Đài Loan”, ông Kirby nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington nên tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và ‘những người chơi với lửa sẽ bị lửa thiêu cháy’.
Biden nói với ông Tập rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và Washington phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là lãnh thổ của họ và chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo này. Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ có người dân mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.
Mỹ điều chiến hạm đến gần Đài Loan khi bà Pelosi lên đường tới Đài Bắc
02/8/2022
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan hiện đang đến gần Đài Loan
Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên đường tới Đài Bắc hôm 2/8 trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng cảnh báo, 4 chiến hạm Mỹ, bao gồm 1 hàng không mẫu hạm, đã được bố trí ở vùng biển phía đông Đài Loan trong hành động triển khai ‘thường lệ’.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã đi qua Biển Đông và hiện đang ở Biển Philippines, phía đông Đài Loan và phía nam Nhật Bản, một quan chức Hải quân Mỹ xác nhận với Reuters hôm 2/8.
Tàu USS Ronald Reagan trú đóng ở Nhật Bản hoạt động với tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng USS Antietam và tàu khu trục, USS Higgins.
“Mặc dù các chiến hạm này có thể ứng phó với bất kỳ tình huống nào, nhưng đây là đợt triển khai bình thường, định kỳ”, vị quan chức giấu tên này nói với Reuters. Quan chức này nói thêm rằng họ không thể nói vị trí chính xác của các con tàu này.
Quan chức Hải quân Mỹ cho biết tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli cũng đang ở trong khu vực, nằm trong kế hoạch triển khai đến khu vực, xuất phát từ cảng nhà ở San Diego bắt đầu từ đầu tháng 5.
Bà Pelosi, vốn là người chỉ trích Trung Quốc lâu nay, dự kiến sẽ đến Đài Bắc vào tối ngày 2/8, những người được thông báo về vấn đề này cho biết, trong lúc Mỹ nói rằng họ sẽ không để cho hành động ‘diễn võ giương oai’ của Trung Quốc về chuyến thăm làm cho sợ hãi.
Việc Mỹ xác nhận triển khai chiến hạm diễn ra trong bối cảnh có dấu hiệu về hoạt động quân sự ở cả hai bờ eo biển Đài Loan trước thềm chuyến thăm của bà Pelosi.
Ngoài các máy bay Trung Quốc đang bay gần trung tuyến phân chia tuyến hàng hải nhạy cảm vào sáng ngày 2/8, một số chiến hạm Trung Quốc vẫn ở gần lằn ranh không chính thức kể từ ngày 1/8, một nguồn tin được thông báo về việc này nói với Reuters.
Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi ngay lập tức đối với lời đề nghị bình luận của Reuters.
Kể từ tuần trước, Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận, bao gồm tập trận bắn đạn thật, ở Nam Hải (tức Biển Đông), Hoàng Hải và Bột Hải.
Một số phân tích gia quân sự khu vực nói rằng việc tăng cường điều binh vào thời điểm căng thẳng làm tăng nguy cơ tai nạn, ngay cả khi không bên nào muốn xung đột thực sự.
TT Biden tìm cách đàm phán với Trung Quốc và Nga về thỏa thuận hạt nhân
Andrew Thornebrooke
02/8/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Trái) bắt tay Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 16/06/2021. (Ảnh: Mikhail Metzel/Sputnik/AFP qua Getty Images)
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi Trung Quốc và Nga đàm phán một hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Hoa Kỳ, trong lúc Liên Hiệp Quốc nhóm họp để xem xét các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
TT Biden đã đưa ra những lời nhận xét này trước khi khai mạc Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) lần thứ 10 của Liên Hiệp Quốc, một hiệp ước được ký từ năm 1970 nhằm hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Hội nghị Đánh giá này diễn ra năm năm một lần, đáng lý được tổ chức vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.
“Tôi đã nỗ lực trong vấn đề kiểm soát vũ khí từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp của mình, và sự lành mạnh của Hiệp ước NPT luôn dựa vào việc giới hạn các loại vũ khí có ý nghĩa, qua lại lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga,” ông Biden nói trong một tuyên bố. “Ngay cả trong cao trào của Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn có thể hợp tác với nhau để đề cao trách nhiệm chung của chúng ta nhằm bảo đảm sự ổn định chiến lược.”
Nga và Hoa Kỳ đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược Mới (gọi tắt là Hiệp ước START Mới) hồi tháng Hai, theo đó sẽ mở rộng giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà một trong hai quốc gia sẽ khai triển và giới hạn số lượng các đơn vị trên bộ, trên biển, và trên không có khả năng chuyển giao các loại vũ khí này cho đến năm 2026.
Hoa Kỳ và Nga đã có thể đạt được các thỏa thuận trong quá khứ về các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân, bất chấp những bất đồng chính trị rộng lớn hơn. Tuy nhiên, TT Biden gợi ý rằng Nga nên chứng minh rằng họ thực sự có ý định tuân thủ các điều khoản của hiệp ước, khi cân nhắc đến cuộc xâm lược Ukraine của họ cách đây năm tháng.
“Chính phủ của tôi đã sẵn sàng đàm phán nhanh chóng một khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới để thay thế START Mới khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2026,” ông Biden nói. “Tuy nhiên việc đàm phán đòi hỏi một đối tác sẵn sàng hoạt động một cách thiện chí.”
“Sự xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga ở Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu và tạo ra một cuộc tấn công vào các nguyên lý căn bản của trật tự quốc tế. Trong bối cảnh này, Nga nên chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nối lại công việc kiểm soát vũ khí hạt nhân cùng Hoa Kỳ.”
Phản ứng của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết một bức thư cho những người tham gia hội nghị đánh giá NPT, cho biết một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra.
Ông viết: “Chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ có người chiến thắng và cũng không bao giờ được phép khơi mào, chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.”
Không rõ liệu ông Putin có nhận ra bản chất trong những lời bình luận của ông Biden trước khi soạn thảo bức thư hay không. Nhưng một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Nga đã chế nhạo các tuyên bố của ông Biden với vẻ không tin tưởng.
Quan chức này nói với Reuters, “Đây là một tuyên bố nghiêm túc hay không, hay là một cuộc tấn công tin tặc vào trang web của Tòa Bạch Ốc?”
Kêu gọi Trung Quốc
TT Biden cũng kêu gọi chính phủ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc “tham gia vào các cuộc đàm phán để giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các hành động quân sự gây mất ổn định.”
Lời yêu cầu này được đưa ra ngay cả khi các chiến hạm Trung Quốc và Hoa Kỳ hoạt động xung quanh Đài Loan trong một thế xung đột rõ ràng trước chuyến đi được đồn đoán của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.
“Việc chống lại sự tham gia thực chất vào kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân không đem lại lợi ích gì cho bất cứ quốc gia nào của chúng ta hoặc cho thế giới,” TT Biden nói. “Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân NPT và là một thành viên [thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc] tham gia vào các cuộc đàm phán sẽ làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các hoạt động quân sự gây mất ổn định.”
Ông cho biết điều quan trọng là ba cường quốc phải cùng nhau hướng tới việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và xung đột về tương lai của Đài Loan.
TT Biden nói: “Trong thời điểm trường thế giới có nhiều bất ổn và biến động này, việc tái khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với các nguyên tắc căn bản của chính sáchkhông phổ biến vũ khí hạt toàn cầu chưa bao giờ cấp thiết đến vậy.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Nhã biên dịch
Australia thắt chặt chính sách tiền tệ một lần nữa
Thứ Ba này, Ngân hàng Dự trữ Australia sẽ nâng lãi suất trong tháng thứ tư liên tiếp, nhằm giảm lạm phát. Dữ liệu mới cho thấy giá cả đã cao hơn 6,1% trong ba tháng tính đến tháng 6 so với một năm trước đó – dù thấp hơn mức dự kiến, nhưng vẫn là mức tăng nhanh nhất trong 21 năm. Bộ Tài chính Australia cảnh báo lạm phát sẽ tăng lên gần 8% vào dịp lễ Giáng Sinh. Vì vậy, ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,85%.
Các quyết định của ngân hàng đang ngày càng bị giám sát. Hồi tháng 7, chính phủ Lao động trung tả của nước này đã tiến hành một cuộc đánh giá độc lập về Ngân hàng Dự trữ, xem xét tất cả mọi thứ từ hiệu suất và các công cụ chính sách, cho đến các thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng. Một vấn đề đặc biệt đã khiến những người Australia mắc nợ phải lo lắng: họ phàn nàn rằng Ngân hàng Dự trữ đã không cảnh báo họ về việc bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, những chỉ trích đó không thể ngăn cản các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng, những người đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng mọi giá.
Tình hình bầu cử sơ bộ tại Arizona
Arizona từ lâu đã trở thành nơi thử nghiệm của những kẻ mắc chứng hoang tưởng trong nền chính trị Mỹ, từ thời hoàng kim của Barry Goldwater vào thập niên 1960 đến nỗi ám ảnh về nơi sinh của Barack Obama trong nhiệm kỳ tổng thống của ông (birtherism). Giờ đây, căng thẳng mới lại xuất hiện. Vào thứ Ba, các cử tri Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đề cử các ứng viên cho các chức vụ thống đốc, ngoại trưởng, và thượng nghị sĩ, những người đều đồng ý rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị đánh cắp. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả những người này đều được ủng hộ bởi cựu tổng thống Donald Trump, người đã đóng vai trò chính trong việc đề cử và vẫn kiên quyết kêu gọi xét lại thất bại bầu cử của mình.
Đây không phải là cuộc cạnh tranh duy nhất sẽ đem lại cái nhìn về tương lai của Đảng Cộng hòa. Trong một cuộc trưng cầu dân ý, cử tri ở Kansas sẽ quyết định có cho phép xóa bỏ các lệnh cấm phá thai hay không. Một số quyết định đã có hiệu lực ở các bang khác sau khi Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết Roe vs Wade. Những người đã hy vọng có sự giảm cực đoan trong đảng sau thất bại của Trump có lẽ sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.
Lệnh ngừng bắn sắp hết hạn ở Yemen
Những tháng ngày hy vọng nay đã nhường chỗ cho nỗi sợ hãi. Lệnh ngừng bắn kéo dài 4 tháng ở Yemen sẽ hết hạn vào thứ Ba. Kể từ năm 2015, nước này liên tục bị tàn phá bởi các cuộc giao tranh giữa người Houthi, một nhóm chiến binh Shia, với liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Thỏa thuận đình chiến mang lại một giai đoạn yên bình cho khu vực. Các tàu chở dầu có thể neo đậu tại cảng Hodeida, giúp xoa dịu khủng hoảng nhiên liệu tại các khu vực do Houthi kiểm soát. Sân bay ở thủ đô Sana’a đã nối lại các chuyến bay thương mại lần đầu tiên sau gần sáu năm.
Nhưng người Houthi đã từ chối gia hạn thỏa thuận ngừng bắn. Họ cũng không thực hiện cam kết mở lại đường vào Taiz, thành phố mà họ đã bao vây trong nhiều năm. Thay vào đó, họ đã sử dụng giai đoạn ngừng bắn để tuyển dụng các chiến binh mới (đồng thời phá vỡ lệnh ngừng bắn hơn 1.500 lần). Không có tiến triển nào đối với một dàn xếp chính trị lâu dài. Sau thời gian ngừng bắn ngắn ngủi, nhiều người Yemen lo sợ rằng giao tranh sẽ sớm bắt đầu trở lại.
ISP Việt Nam: Hai tuyến cáp quang biển APG, AAG đều gặp sự cố chưa khắc phục được
RFA
02/8/2022
Các tuyến cáp quang biển bị sự cố đang được sửa chữa (Hình minh hoạ)
vov,congluan-RFA edited
Hai tuyến cáp quang Asia pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) đều đang gặp sự cố, riêng tuyến AAG bị trục trặc từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) cho truyền thông nhà nước hay tin trên trong ngày 2/8.
ISP cho biết, từ trung tuần tháng hai và cuối tháng sáu, tuyến cáp AAG liên tục gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và Hong Kong. Cụ thể, với hướng kết nối Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm TungKu (Brunei).
Với hướng kết nối Hong Kong, AAG gặp lỗi “shunt fault” (lỗi dòng điện) trên nhánh S1H. Hiện các sự cố trên tuyến AAG vẫn chưa có thời gian xử lý và khắc phục.
Hôm 26/7, tuyến cáp biển APG đã xảy ra sự cố trên phân đoạn S3, cách trạm Chongming (Trung Quốc) khoảng 416 km, khiến toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam kết nối qua trục chính trên cáp APG đến Hong Kong, Singapore, Malaysia và Nhật Bản đều bị ảnh hưởng.
Hiện toàn bộ lưu lượng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore qua trục chính của tuyến cáp APG đã trở lại bình thường, nhưng lưu lượng kết nối đến Nhật Bản và Malaysia vẫn chưa được khôi phục.
ISP cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo về kế hoạch sửa chữa, khắc phục hoàn toàn sự cố trên hai tuyến cáp biển AAG và APG.
APG và AAG là hai trong năm tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với ba tuyến khác gồm SMW3 (còn gọi là SEA – ME – WE3), Liên Á (IA – Intra Asia) và AAE-1 (Asia – Africa – Euro 1).
Việc cả AAG và APG cùng gặp sự cố trong thời gian dài, theo các nhà mạng cho biết, đã gây áp lực không nhỏ trong việc duy trì chất lượng dịch vụ Internet quốc tế đối với người dùng VN.
AAG là tuyến cáp biển được đưa vào vận hành từ hơn 12 năm trước, có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp bắt đầu từ Malaysia và điểm cuối tại Mỹ, nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Xem video bà Pelosi đến Đài Loan tối thứ Ba 2/8/2022