Afghanistan của Mỹ: Gầy dựng 20 năm, sụp đổ trong 11 ngày – Vì sao?

Share this post on:
Afghanistan của Mỹ: Gầy dựng 20 năm, sụp đổ trong 11 ngày - Vì sao?

Hình ảnh những người đàn ông Afghanistan có vũ trang đang hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan chống lại Taliban. Họ đang cầm vũ khí và đứng cạnh xe Humvee tại khu vực Parakh ở Bazarak, tỉnh Panjshir vào ngày 19 tháng 8 năm 2021. (AHMAD SAHEL ARMAN / AFP qua Getty Images)

 Bình luậnMinh Dũng • 15:53, 26/08/21   

Thế giới đã bị sốc trong tuần này bởi cảnh tượng kinh hoàng của những người Afghanistan tuyệt vọng tràn ra đường băng tại sân bay quốc tế Kabul, nắm lấy cơ hội cuối cùng để thoát khỏi một đất nước hiện đang bị Taliban hoàn toàn thống trị.

Sau gần hai thập kỷ chiến tranh, hơn 2.000 sinh mạng của người Mỹ bị mất, hơn 100.000 người Afghanistan thiệt mạng và tiêu tốn hơn 2 nghìn tỷ USD của người Mỹ, đất nước này đối mặt với một triển vọng tương lai đầy ảm đạm khi Taliban lại kiểm soát nước này một lần nữa.

Nhưng ít ai ngờ rằng Taliban lại nhanh chóng chiếm được Afghanistan một cách chóng vánh như vậy khi họ gặp phải rất ít sự chống trả từ quân chính phủ Afghanistan vốn được Mỹ hậu thuẫn.

Câu hỏi lớn đặt ra là:

Người Mỹ và phương Tây đã dành cả 20 năm để kiến thiết và xây dựng Afghanistan, nhưng chính phủ này đã sụp đổ nhanh chóng chỉ sau 11 ngày. Vậy nguyên nhân là ở đâu?

Đây là câu hỏi được nêu ra bởi người Mỹ, người Afghanistan, các cựu quân nhân và các nhà quan sát quốc tế. Và câu trả lời là, cũng giống như chính cuộc xung đột Afghanistan vậy, là rất phức tạp và đầy bi kịch.

Chúng ta hãy xem xét các nguyên nhân. Theo các nhà phân tích chính trị thì những lý do cho việc sụp đổ nhanh chóng này là sự đặc thù khác biệt của đất nước Afghanistan liên quan đến tôn giáo, văn, nạn tham nhũng tại đất nước này, thất bại tình báo của Hoa Kỳ.

Yếu tố văn hóa, tôn giáo và lịch sử

Afghanistan là một quốc gia của nhiều bộ lạc, ngôn ngữ, sắc tộc và giáo phái tôn giáo, và Washington và các đồng minh NATO đã cố gắng biến nước này thành một nền dân chủ thống nhất dựa trên các giá trị chủ yếu của phương Tây nhưng họ thực sự không hiểu được quốc gia này.

Yếu tố lịch sử. 

Theo ông Daniel L. Davis, thành viên cấp cao của tổ chức Ưu tiên Quốc phòng (Defense Priorities) và là cựu Trung tá Quân đội Hoa Kỳ, người đã 4 lần được điều động đến Afghanistan, cho rằng cần tìm hiểu cuộc Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ nhất vào năm 1839, khi rất ít thế lực nước ngoài đã bình định triệt để các lực lượng Afghanistan bản địa. Trong tâm trí của những người nổi dậy ở Afghanistan – và điều rất quan trọng là đa phần người dân Afghanistan tin rằng tổ tiên của họ sẽ kiên trì chống trả mọi lực lượng ngoại bang cho đến khi đất nước họ sạch bóng quân đội nước ngoài, cho dù có mất bao lâu đi nữa.

Trung thành với bộ lạc hơn là với quốc gia

Có một điểm chung: ngay từ đầu lòng trung thành của người dân Afghanistan không phải với ‘quốc gia-dân tộc’ mà là đối với sắc tộc, thị tộc hoặc các nhóm bộ lạc có cùng ngôn ngữ. Lòng trung thành mạnh mẽ đối với các nhóm dân tộc Pashtun, Tajik, Hazara, Uzbek, v.v., cộng với chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa bộ lạc chính là Gót chân Achilles của người Afghanistan.

Các liên minh bộ lạc ở Afghanistan thường mạnh hơn chính phủ trung ương và một phần sức mạnh của Taliban nằm ở việc họ hầu hết là người Pashtun, vốn thuộc nhóm dân tộc lớn nhất ở Afghanistan.

Taliban đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân tộc Pashtun trên khắp đất nước Afghanistan, những người nghĩ rằng phong trào này có thể khôi phục sự thống trị của nhóm dân tộc này lên toàn quốc gia. Ngay cả những trí thức Pashtun ở phương Tây vốn có khác quan điểm với Taliban về nhiều vấn đề, cũng bày tỏ sự ủng hộ phiến quân dựa trên yếu tố có cùng nguồn gốc dân tộc.

Chủ nghĩa Hồi giáo.

Chủ nghĩa Hồi giáo đã ăn sâu vào Afghanistan. Taliban đã gặt hái được thành quả của nó trong một xã hội mà 60% dân số 37 triệu người mù chữ và 74% sống ở các vùng nông thôn. Nhóm này có một cơ sở vững chắc trong số những người cũng như trong quân đội và nhân viên cảnh sát, những người đã coi các chiến binh Taliban là ‘tín đồ và người Hồi giáo chân chính’, do đó có thiện cảm, tránh đụng độ hoặc thậm chí hợp tác với họ.

Trước khi Taliban giành lại quyền lực vào năm 2021, nhiều người trong số họ đã chiến đấu lần đầu với Hồng quân Liên Xô, sau đó chống lại các Mujaheddin khác trong cuộc nội chiến cho đến khi họ giành lại quyền lực vào năm 1996. Afghanistan – “nghĩa địa của các đế chế” từ thời cổ đại cho tới ngày nay. (Nguồn: Wikipedia bởi Benjamin Simpson (1831-1923) )

Tham nhũng

Các sĩ quan Mỹ từ lâu đã lo lắng rằng nạn tham nhũng tràn lan, nhất là trong quân đội cũng như cơ quan chính phủ Afghanistan, sẽ làm suy yếu quyết tâm của những người lính trên chiến trường vốn bị trả lương thấp, thiếu lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược nhiều khi được cung cấp thất thường. Một số người trong số họ đã bị bỏ lại ở tiền đồn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trong sự thiếu thốn và cuối cùng bị Taliban bắt giữ.

Trong nhiều năm, hàng trăm binh sĩ Afghanistan bị giết mỗi tháng. Nhưng quân đội nước này đã chiến đấu mà không có bất kỳ chăm sóc y tế chuyên nghiệp nào, cũng như không hỗ trợ di tản những người lính bị thương bằng đường không, vì họ ỷ lại vào quân đội liên quân đang ở đó. Khi không còn sự hỗ trợ của liên quân từ Mỹ và Phương Tây nữa, tinh thần chiến đầu của bọ sẽ bốc hơi, một nhận định từ Reuters

“Bạn có dành cả cuộc đời mình cho những nhà lãnh đạo mà không trả lương đúng hạn cho bạn và chỉ quan tâm đến tương lai của chính những nhà lãnh đạo này không?” một quan chức Hoa Kỳ đã hỏi.

Trung tâm vì Sự tiến bộ của Mỹ đã coi nạn tham nhũng ở Afghanistan là do xung đột kéo dài hàng thập kỷ đã ngăn cản việc hình thành các tổ chức nhà nước và các nhóm xã hội dân sự hiệu quả, do các luật và quy định được thực thi kém, các cơ quan chống tham nhũng thường mâu thuẫn với nhau và thiếu nguồn lực. 

Quân đội và cảnh sát thường mù chữ cũng như nhân viên công vụ thường được trả lương thấp và không được đào tạo bài bản.

Ngoài ra, truyền thống kiểu bộ lạc và sự gắn kết riêng với dân tộc hay sắc dân của người Afghanistan khiến người ta sử dụng chức vụ của mình để mang lại lợi ích cho những nhóm sắc dân mà họ đại diện. 

Các cơ quan chính phủ của Afghanistan không đủ năng lực, buộc người dân nông thôn phải “dựa vào mối quan hệ với những người nắm quyền trong khu vực và địa phương để duy trì trật tự và cung cấp các dịch vụ cơ bản”.

Theo Ngân hàng Thế giới, truyền thống bảo trợ bao bọc của người Afghanistan khiến việc bổ nhiệm không dựa trên năng lực mà dựa vào mối quan hệ thân thiết. Ví dụ các vị trí nhân viên công vụ, nhân viên văn phòng tổng thống, thành viên trong Quốc hội, chỉ huy quân đội và bất kỳ vị trí nào liên quan đến ảnh hưởng chính trị. Tất cả đều dẫn đến tham nhũng. Và điều này trở nên trầm trọng hơn do nước này nhận được nguồn viện trợ nước ngoài khổng lồ và cùng với nạn buôn bán ma tuý đã làm biến dạng nền kinh tế Afghanistan. 

Sau khi Hoa Kỳ lật đổ Taliban vào năm 2001, tham nhũng, vốn phổ biến ở Afghanistan thời tiền Taliban, một lần nữa trở thành một căn bệnh và một phần trong cuộc sống của người Afghanistan. Tham nhũng lan rộng đến hầu hết mọi cấp trong chính phủ, từ trung ương đến địa phương. 

Tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng dưới thời cựu tổng thống Hamid Karzai. Ông này được coi là người trung gian giữa phương Tây và người dân Afghanistan, đã phân bổ hàng tỷ đô la tiền viện trợ của phương Tây cho những công ty là đồng minh chính trị của mình. Vụ bê bối Ngân hàng Kabul có liên quan đến một số người chóp bu có mối quan hệ với ông Karzai.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 2/2014 nhấn mạnh rằng “Tham nhũng đe dọa trực tiếp đến khả năng tồn tại và tính hợp pháp của nhà nước Afghanistan”.

Báo cáo này cũng cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ một chính phủ vốn lún sâu trong nạn tham nhũng. 

Lực lượng an ninh và quân đội Afghanistan cũng lún sâu vào nạn tham nhũng. Không quân của Afghanistan thậm chí còn buôn lậu ma túy. Lực lượng quân đội chính phủ còn bán vũ khí lại cho chính phiến quân Taliban để kiếm lời riêng.

Do vấn nạn tham nhũng, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã mất hơn 200.000 vũ khí được phân bổ cho lực lượng an ninh và quân đội Afghanistan. Những vũ khí đó, cũng như đạn dược, được cho là đã được cảnh sát và nhân viên an ninh bán cho Taliban.

Vào đầu năm 2015, Ủy ban giám sát hợp đồng của Bộ Quốc phòng Afghanistan đã phát hiện ra một vụ hối lộ liên quan đến việc bộ thanh toán hơn 200 triệu đô la cho các nhà thầu nhiên liệu. Sau một cuộc điều tra, các hợp đồng đã bị hủy bỏ và các quan chức cấp cao của Bộ bị sa thải. 

Vào tháng 5/ 2015, Newsweek đưa tin rằng quân Taliban mua vũ khí do Mỹ cung cấp từ quân đội Afghanistan. Lầu Năm Góc “mất dấu nhiều trong số 465.000 vũ khí hạng nhẹ mà Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng an ninh Afghanistan.”

Việc Hoa Kỳ ủng hộ các thủ lĩnh địa phương, như trao một số vị trí trong chính phủ cho họ đã khiến những người này sử dụng quyền lực để khai thác và chiếm đoạt các nguồn lực của chính phủ và hình thành các mạng lưới tham nhũng. Ông Karzai phụ thuộc vào những thủ lĩnh này vốn rất cần thiết cho cả việc kinh doanh lẫn chính trị ở Afghanistan. 

Ngoài ra, do một lượng lớn các nguồn lực chính thức được chuyển hướng sang nỗ lực tái thiết hậu chiến tranh, khiến nhiều nhân viên chính phủ nhận thấy mình bị trả lương thấp và phải nhận hối lộ để tồn tại.

Đây là một nguyên nhân lớn tại sao một số người Afghanistan ủng hộ phiến quân Taliban, bất chấp sự tàn bạo của tổ chức này. Taliban hứa sẽ giải quyết bất công gây ra từ những thủ lĩnh địa phương này.Các nhân viên mới được tiếp nhận trong lực lượng an ninh Afghanistan tham gia một cuộc huấn luyện quân sự ở khu vực Bandejoy, huyện Dara, tỉnh Panjshir vào ngày 21/8/2021, vài ngày sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. (AHMAD SAHEL ARMAN / AFP qua Getty Images)

Thất bại của tình báo Hoa Kỳ

Theo Bill Roggio, một thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các Nền dân chủ, việc Taliban nhanh chóng chiếm được Afghanistan, bao gồm cả thủ đô và dinh tổng thống, cho thấy rằng tình báo quân đội Mỹ đã thất bại trong việc đánh giá tình hình.

“Đây là một thất bại tình báo từ cấp cao nhất,” ông nói với “Squawk Box Asia” của CNBC vào hôm thứ Hai. Ông còn cho rằng thất bại này là “thất bại tình báo lớn nhất” kể từ sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 trong Chiến tranh Việt Nam, khi quân đội Bắc Việt mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào quân đội Mỹ trên miền Nam Việt Nam.

Một đánh giá tình báo của Mỹ được báo cáo vào cuối tháng 6 cho biết chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ trong vòng sáu tháng ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tiến hành rút quân Mỹ. Tuần trước, các hãng tin đã đưa tin một báo cáo đánh giá mới của tình báo Hoa Kỳ cho biết phiến quân Taliban có thể vây hãm Kabul trong 30 ngày và có khả năng chiếm thủ đô Kabul trong 90 ngày.

Như vậy, trong vòng thời gian ngắn, Hoa Kỳ có 2 báo cáo tình báo về tình hình tại Taliban, tuy vậy cả hai báo cáo cáo tình báo này đã đánh giá sai về thời gian, cũng như về khả năng của Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan khi phiến quân giành chiến thắng dồn dập và thủ đô Kabul bị sụp đổ nhanh chóng.

Thời gian có yếu tố quyết định trong gần như tất cả mọi việc, trong trường hợp này với quân đội Mỹ là điều quân, di tản người Mỹ tại nước này cũng như những người tỵ nạn của Afghanistan. Với quân đội Afghanistan là kế hoạch điều động quân đội để ứng phó với quân Taliban và với thường dân thì để ứng phó những bất trắc khác.

Tờ Wall Street Journal đã nhận xét rằng“Báo cáo tình báo từ Afghanistan đã bỏ sót một yếu tố quan trọng: Tốc độ”

Tuy nhiên, ông này nói, “Thông tin [tình báo] mà ông ấy được cung cấp trong việc ra quyết này là có nhiều sai sót”.

Ông Bill Roggio còn nói rằng, các quan chức tình báo và quân đội Hoa Kỳ đã không tập trung đầy đủ vào chiến lược chính của Taliban, bắt đầu từ năm 2014, khi nhóm phiến quân xây dựng sức mạnh ở các khu vực nông thôn như một màn dạo đầu cho cuộc tấn công hiện nay. 

Dường như chiến lược xây dựng từ nông thôn làm bàn đạp để tấn công thủ phủ các thành phố là một chiến lược quan trọng trong việc giành thắng lợi của Taliban mà tình báo Mỹ đã bỏ qua.

Lời kết

Người Mỹ không thực sự hiểu người Afghanistan, cũng như trong chiến tranh Việt Nam, họ thực sự không hiểu đối phương. Và hậu quả là họ đã nhận lấy thất bại. Như lời của một cựu chiến binh tại chiến trường Afghanistan, người Mỹ và phương Tây chưa thực sự hiểu đất nước này. “Một thất bại cơ bản trong việc hiểu người Afghanistan muốn gì. Chúng ta mặc định họ muốn những gì chúng ta có như nền dân chủ tự do, giá trị theo Thiên chúa giáo. Và nghĩ rằng họ sẽ được chuyển hóa. Nhưng đó không phải là ở trường hợp này.”

Tôn Tử đã nói rằng: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”.

Khi chúng ta không hiểu được đối phương, thì lẽ dĩ nhiên chúng ta sẽ thất bại. 

Minh Dũng

Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân của tác giả, không đại diện cho quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo NTDVN.COM