Chính trị Hoa kỳ: Những tiết lộ chính của ‘Hồ sơ Twitter’

Share this post on:
ĐỒ HỌA THÔNG TIN: Những tiết lộ chính của ‘Hồ sơ Twitter’

Hình minh họa của The Epoch Times. (Ảnh: Hội Hoàng gia; Twitter)

HOA KỲ

Tác giả Petr Svab – Thứ ba, 31/01/2023

Mục lục

  • Chịu sức ép – Câu chuyện về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden – Tính năng ẩn bài
  • COVID-19 – Loại ông Trump khỏi nền tảng – Bác bỏ bản ghi nhớ của cựu Dân biểu Nunes
  • Trợ giúp các nhóm Psyop của Ngũ Giác Đài – ‘Cầu nối’ liên bang của cuộc điều tra
  • Kiểm duyệt của Bộ An ninh Nội địa – Thay đổi các ưu tiên

Các hồ sơ này tiết lộ cách chính phủ gây áp lực buộc đại công ty truyền thông xã hội này phải kiểm duyệt một số lượng lớn các tài khoản

Các tài liệu được tiết lộ bởi chủ sở hữu mới của Twitter, tỷ phú công nghệ Elon Musk, cho thấy công ty truyền thông xã hội này đã bị ràng buộc chặt chẽ với một bộ máy kiểm duyệt tư nhân–chính phủ.

Twitter đã chặn hoặc xóa nội dung về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm cả những bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020, các vấn đề bỏ phiếu qua thư, và các phương diện khác nhau của đại dịch COVID-19. Các tài liệu này chỉ ra rằng công ty đã chịu áp lực của chính phủ để xóa những nội dung như vậy và những người cung cấp nội dung đó khỏi nền tảng này, mặc dù đa phần thời gian là họ sẵn sàng hợp tác với các yêu cầu kiểm duyệt.

ĐỒ HỌA THÔNG TIN (Bấm vào hình để phóng to, hoặc bấm vào đây để tải về)

ĐỒ HỌA THÔNG TIN: Những tiết lộ chính của ‘Hồ sơ Twitter’

Nhấp vào đồ họa thông tin để phóng to.

Hồi tháng 10/2022, ông Musk đã tiếp quản Twitter, và chuyển công ty này thành công ty tư nhân. Sau đó, ông đã sa thải khoảng một nửa số nhân viên và phần lớn quản lý cao cấp, cam kết sẽ đưa Twitter đi theo một đường hướng mới. Các đợt công bố hồ sơ “#TwitterFiles” là một phần trong lời hứa tập trung vào tính minh bạch cho công ty này của ông.

Ông đã cho phép một số ký giả độc lập gửi các truy vấn tìm kiếm mà sau đó được nhân viên Twitter sử dụng để tìm kiếm trong các tài liệu nội bộ của công ty, đôi khi với điều kiện là các câu chuyện được tìm thấy sẽ được công bố đầu tiên trên chính nền tảng này.

Hai ký giả chịu trách nhiệm chính cho việc công bố này là ký giả Matt Taibbi, một cựu biên tập viên cộng tác với tạp chí Rolling Stone, và ký giả Bari Weiss, một cựu biên tập viên của cả The New York Times và The Wall Street Journal. Cả hai đều là những người theo phái thiên tả từng bày tỏ sự vỡ mộng với các trào lưu ngày càng cực đoan của chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa tân thiên tả.

Những người khác tham gia vào việc công bố này gồm các ký giả độc lập Lee Fang và David Zweig, cựu phóng viên của New York Times Alex Berenson, và tác giả kiêm nhà môi trường học Michael Shellenberger.

Những ký giả này chỉ công bố một phần tài liệu mà họ đã xem xét. Họ cũng đã biên tập lại tên của các nhân viên có liên quan, ngoại trừ một số giám đốc điều hành cao cấp.

Những tài liệu này cho thấy FBI và các cơ quan khác của tiểu bang, địa phương, và liên bang đã giám sát phát ngôn chính trị của người Mỹ trên một quy mô lớn, và cố gắng ngăn chặn hoặc xóa phát ngôn hợp pháp trên mạng. Nhiều nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống và thiên tả truyền thống đã xem đó là một hành vi vi phạm Tu chính án thứ Nhất.

Ông Elon Musk trả lời phỏng vấn khi đến dự cuộc họp Offshore Northern Seas 2022 ở Stavanger, Na Uy, vào ngày 29/08/2022. (Ảnh: Carina Johansen/NTB/AFP qua Getty Images)
Ông Elon Musk trả lời phỏng vấn khi đến dự cuộc họp Offshore Northern Seas 2022 ở Stavanger, Na Uy, vào ngày 29/08/2022. (Ảnh: Carina Johansen/NTB/AFP qua Getty Images)

Twitter, một trung tâm chính của phát ngôn chính trị, đã trở thành một trong những mục tiêu kiểm duyệt chính. Nhiều bản tin đã được đưa lên Twitter trong những năm gần đây, và một phần quan trọng của cuộc tranh luận chính trị quốc gia diễn ra trên nền tảng này, vì họ cho phép một phương thức hiệu quả để tương tác trực tiếp và công khai giữa những người dùng, từ những nhân vật nổi tiếng nhất đến những người ít được biết đến nhất.

Twitter đã từ chối một số yêu cầu kiểm duyệt, nhưng chỉ một chút dấu hiệu cho thấy công ty này đã làm điều đó như một vấn đề nguyên tắc. Thay vào đó, các giám đốc điều hành đôi khi không thể tìm ra một chính sách mà họ có thể dùng để biện minh. Những tài liệu trên cho thấy, cựu Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã chịu áp lực từ các cấp dưới của mình để mở rộng các chính sách nhằm cho phép kiểm duyệt sâu hơn.

“Giả thuyết đằng sau cho phần lớn những gì chúng ta đã khai triển là nếu việc tiếp xúc, chẳng hạn như thông tin sai lệch trực tiếp gây ra tác hại, thì chúng ta nên sử dụng các biện pháp khắc phục để giảm mức độ tiếp xúc và hạn chế sự lan truyền/mức độ lan tỏa của nội dung là một cách tốt để làm điều đó (chỉ bằng cách giảm tỷ lệ phổ biến nói chung),” ông Yoel Roth, người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn đương thời của Twitter, vốn là bộ phận quản lý chính sách nội dung, cho biết trong một tin nhắn nội bộ năm 2021 do ông Weiss công bố.

“Chúng tôi đã mời ông Jack tham gia vào việc thực hiện công việc này đối với tính liêm chính bầu cử và quy trình dân sự trong thời gian sắp tới, nhưng chúng tôi sẽ cần đưa ra một lập luận vững chắc hơn để đưa điều này vào danh mục khắc phục chính sách của chúng tôi — đặc biệt là đối với chính sách ở các lĩnh vực khác.”

Ông Jack Dorsey, người sáng tạo, nhà đồng sáng lập, chủ tịch của Twitter, đồng thời là người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Square, Miami, vào ngày 04/06/2021. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Ông Jack Dorsey, người sáng tạo, nhà đồng sáng lập, chủ tịch của Twitter, đồng thời là người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Square, Miami, vào ngày 04/06/2021. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Trong nhiều trường hợp, các nhà lãnh đạo Twitter trên thực tế đã cho phép chính phủ bịt miệng những người chỉ trích họ trên nền tảng này.

Rất nhiều yêu cầu kiểm duyệt được đưa ra với một thái độ hống hách, đặc biệt là những yêu cầu từ Tòa Bạch Ốc của ông Biden, tuy nhiên cũng có một số yêu cầu từ văn phòng của dân biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), lãnh đạo đương thời của Ủy ban Tình báo Hạ viện đầy quyền lực.

Trong khoảng tháng 11/2020, văn phòng của ông Schiff đã gửi một danh sách các yêu cầu đến Twitter, kể cả việc gỡ bỏ “bất kỳ và tất cả nội dung” về nhân viên của ủy ban này và đình chỉ “nhiều” tài khoản, bao gồm cả tài khoản của ông Paul Sperry, một phóng viên của RealClearInvestigations.

Văn phòng của ông Schiff cáo buộc ông Sperry quấy rối và thúc đẩy “các âm mưu QAnon sai sự thật.”

Ông Sperry đã bác bỏ cáo buộc này, yêu cầu ông Schiff đưa ra bằng chứng cho những tuyên bố của mình và thông báo rằng ông đang cân nhắc việc đưa ra hành động pháp lý.

Yêu cầu của ông Schiff rõ ràng là một phản ứng trước các bài báo của ông Sperry suy đoán về danh tính của người tố giác Tòa Bạch Ốc, người cáo buộc rằng đã có sự “thông đồng” giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Sperry đã đưa tin, sử dụng các nguồn ẩn danh, rằng người tố giác có khả năng là nhà phân tích Eric Ciaramella của CIA lúc bấy giờ, người đã tình cờ nghe được cuộc nói chuyện trong Tòa Bạch Ốc với ông Sean Misko, một nhân viên lưu trữ của chính phủ ông Obama. Sau đó ông Misko đã gia nhập ủy ban của ông Schiff.

Ánh nắng ban mai rọi vào lá quốc kỳ đang tung bay phía bên trên Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 18/03/2015. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
Ánh nắng ban mai rọi vào lá quốc kỳ đang tung bay phía bên trên Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 18/03/2015. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Twitter đã từ chối yêu cầu của ông Schiff, ngoại trừ việc đánh giá lại hoạt động tài khoản của ông Sperry. Tài khoản của ông Sperry đã bị đình chỉ vài tháng sau đó. Ông Taibbi nói rằng ông không thể tìm ra lý do tại sao.

Chịu sức ép

Nhiều yêu cầu kiểm duyệt mà Twitter nhận được thông qua FBI được nói là chỉ mang lại thông tin cho công ty, để công ty tự quyết định phải làm gì với những yêu cầu này. Nhưng rõ ràng là các giám đốc điều hành của Twitter đã cảm thấy bị bắt buộc phải đáp ứng những yêu cầu đó, ngay cả trong trường hợp họ xung khắc nội bộ để biện minh cho việc làm như vậy, những tài liệu trên cho thấy.

Sức ép của chính phủ có nhiều hình thức. FBI sẽ theo sát các yêu cầu của họ và nếu chúng không được đáp ứng, Twitter phải tự giải thích với Cục điều tra. Nếu quan điểm của Twitter khác với quan điểm mà chính phủ mong đợi về một vấn đề nào đó, các giám đốc điều hành của công ty sẽ bị thẩm vấn và được cho thấy rằng văn phòng chính phủ, và thậm chí cả cộng đồng tình báo rộng lớn hơn, đều không hài lòng. Điều đó sẽ đưa các giám đốc điều hành vào tình trạng phải xếp hạng thứ tự ưu tiên công việc, gấp rút cứu vãn mối liên hệ với các cơ quan chính phủ mà dường như họ coi là quan trọng.

Con dấu khắc dòng chữ “Cục Điều tra Liên bang thuộc Bộ Tư pháp” được treo trên tòa nhà FBI của J. Edgar Hoover ở Hoa Thịnh Đốn, ảnh chụp hôm 09/08/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP/Getty Images)
Con dấu khắc dòng chữ “Cục Điều tra Liên bang thuộc Bộ Tư pháp” được treo trên tòa nhà FBI của J. Edgar Hoover ở Hoa Thịnh Đốn, ảnh chụp hôm 09/08/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP/Getty Images)

Các công ty truyền thông đóng vai trò là một phương tiện gây áp lực khác. Nếu Twitter không thực hiện đủ nhanh những gì được yêu cầu, giới truyền thông sẽ được cung cấp thông tin miêu tả rằng Twitter đang phớt lờ một số vấn đề vô cùng quan trọng, chẳng hạn như các hoạt động gây ảnh hưởng của ngoại quốc có thể xảy ra trên nền tảng của họ.

Chẳng hạn như một yêu cầu kiểm duyệt đã nhắm mục tiêu vào một tài khoản được cho là do tình báo Nga điều hành, mặc dù Twitter không được cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về điều đó.

“Do thiếu bằng chứng kỹ thuật ở phía chúng tôi, tôi thường để yên mọi thứ như vậy, chờ thêm bằng chứng,” một giám đốc điều hành Twitter, người mà ông Taibbi nói rằng trước đây đã từng làm việc cho CIA, cho biết.

“Quyền hạn của chúng tôi về điều đó đang dần khép lại, do các đối tác của chính phủ đang trở nên hung hăng hơn trong việc quy kết và báo cáo về hoạt động này.”

Thư điện tử nội bộ cho thấy Twitter, mặc dù không có bằng chứng cụ thể để chứng minh, nhưng sẽ không dám từ chối yêu cầu này vì hậu quả truyền thông của việc chính phủ công khai gắn nhãn tài khoản là do tình báo Nga điều hành.

Quốc hội có lẽ là thanh gươm Damocles nặng nhất treo trên đầu Twitter. Các nhà lập pháp không chỉ có thể thúc đẩy việc đưa tin tiêu cực trên các hãng thông tấn mà còn buộc công ty này tham gia các phiên điều trần và cuộc điều tra, hoặc thậm chí đưa ra pháp chế có thể gây tổn hại đến lợi nhuận của Twitter.

Logo của CIA được nhìn thấy tại trụ sở CIA ở Langley, Virginia, vào ngày 21/01/2017. (Ảnh: Olivier Doulier/Pool/Getty Images)
Logo của CIA được nhìn thấy tại trụ sở CIA ở Langley, Virginia, vào ngày 21/01/2017. (Ảnh: Olivier Doulier/Pool/Getty Images)

Chẳng hạn, như Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) đang hối thúc Twitter đưa ra thêm bằng chứng về các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga trên nền tảng của mình hồi năm 2017, ông cũng đã hợp tác với Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) và John McCain (Cộng Hòa-Arizona) để đề xướng một dự luật yêu cầu các tiết lộ sâu rộng về quảng cáo chính trị trực tuyến.

Trong khi đó, các nhà quản lý Twitter tin chắc rằng các nhà lập pháp đã tiết lộ thông tin mà Twitter đã cung cấp cho họ và gieo rắc những tin tức tiêu cực, thậm chí cả khi công ty này đang cố gắng xoa dịu họ bằng các hành động ngày càng nghiêm ngặt đối với các tài khoản đang hoạt động và bị cáo buộc có liên kết với Nga.

Mặc dù FBI chính thức chỉ cảnh báo Twitter về hoạt động của các tác nhân ngoại quốc độc hại, nhưng nhiều yêu cầu kiểm duyệt chỉ đơn giản là danh sách các tài khoản có rất ít hoặc không có bằng chứng về các liên kết ngoại quốc độc hại. Đôi khi, Twitter cố gắng yêu cầu thêm thông tin, lưu ý rằng về phía mình, họ không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào, nhưng thường thì chỉ đơn giản là tuân theo. Theo ông Taibbi, Twitter không thể thực hiện thẩm định của mình đối với từng yêu cầu — đơn giản là có quá nhiều yêu cầu.

Một yêu cầu do ông Taibbi tiết lộ đã tuyên bố rằng “các tài khoản thư điện tử đính kèm” đã được tạo ra “có thể để sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng, thu thập dữ liệu trên các hãng truyền thông xã hội hoặc kỹ thuật xã hội.”

“Nếu không có giải thích gì thêm, Twitter sẽ được gửi một tài liệu excel,” ông Taibbi cho hay.

Các yêu cầu kiểm duyệt đã bị lệch khỏi quyền chính trị. Một số nhà nghiên cứu nói rằng cánh hữu tham gia nhiều hơn vào việc truyền bá thông tin sai lệch, nhưng những tài liệu này chỉ ra rằng việc kiểm duyệt không phải là vấn đề về phân đôi cánh tả-hữu nhiều lắm, mà là vấn đề ủng hộ và phản đối chính phủ. Ngay cả một số tài khoản thiên tả cũng bị nhắm mục tiêu nếu họ đi quá xa khỏi quan điểm chính thức của chính phủ.

Hơn nữa, cánh hữu dường như không quá quan tâm đến việc yêu cầu kiểm duyệt. Ông Taibbi không thể tìm thấy một yêu cầu kiểm duyệt nào từ ban vận động tranh cử của ông Trump, Tòa Bạch Ốc của ông Trump, hay thậm chí bất kỳ thành viên Cộng Hòa nào, mặc dù ông được cho biết là có một số thành viên đã yêu cầu.

Mặt khác, dường như nhìn chung cả hai bên đều không muốn nhắm mục tiêu thông tin sai lệch đến từ chính phủ.

Quang cảnh bên ngoài của “The Mac Shop”, nơi mà ông Hunter Biden được cho là đã mang máy điện toán xách tay của mình đi sửa nhưng không bao giờ đến lấy, ở Wilmington, Delaware, vào ngày 21/10/2020. (Ảnh: Angela Weiss/AFP/qua Getty Images)
Quang cảnh bên ngoài của “The Mac Shop”, nơi mà ông Hunter Biden được cho là đã mang máy điện toán xách tay của mình đi sửa nhưng không bao giờ đến lấy, ở Wilmington, Delaware, vào ngày 21/10/2020. (Ảnh: Angela Weiss/AFP/qua Getty Images)

Câu chuyện về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden

Việc Twitter chặn bản tin của tờ New York Post phơi bày ông Hunter Biden, con trai của ứng cử viên tổng thống đương thời Joe Biden hồi năm 2020, được phân tích đến từng chi tiết trong Hồ sơ Twitter. Rõ ràng, một số giám đốc điều hành của Twitter, đặc biệt là ông Roth, người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn, thường xuyên được mời tham dự các cuộc họp với FBI và các cơ quan tình báo khác để nhận thông tin về các hoạt động trên mạng của các chính quyền ngoại quốc. Trong vài tháng trước cuộc bầu cử năm 2020, ông Roth đã được báo chuẩn bị chờ một hoạt động “xâm nhập-và-rò rỉ” (hack-and-leak) của Nga, có thể vào tháng Mười và có liên quan đến ông Hunter Biden.

FBI cáo buộc có một số bằng chứng về một hoạt động gây ảnh hưởng của Nga liên quan đến các giao dịch của ông Hunter Biden ở Ukraine. Nhưng Cục Điều tra cũng biết rằng ông Hunter Biden đã để quên chiếc máy điện toán xách tay của mình với một kho thông tin gây chấn động tại một cửa hàng sửa chữa máy điện toán ở New York và một bản sao kho dữ liệu đó đã được trao cho luật sư đương thời của ông Trump, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani. Tháng 12/2019, FBI đã lấy chiếc máy điện toán xách tay từ cửa hàng sửa chữa này và giám sát ông Giuliani hồi tháng 08/2020, khi người thợ sửa máy điện toán đưa cho ông ấy bản sao lưu dữ liệu đó. Như FBI đã biết, thông tin trong chiếc máy điện toán xách tay đó không hề bị xâm nhập, cũng không phải là một âm mưu của Nga.

Khi New York Post tiết lộ câu chuyện này, các giám đốc điều hành của Twitter chắc chắn rằng đó chính xác là những gì FBI đã cảnh báo.

“Điều này giống như một hoạt động rò rỉ hơi tinh vi,” ông Roth nhận xét trong một thư điện tử nội bộ, mặc dù thừa nhận rằng ông không có bằng chứng nào cho một tuyên bố như vậy, ngoại trừ “nguồn gốc đáng ngờ” của chiếc máy điện toán xách tay đó.

Ông Hunter Biden đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ở Mặt phía Tây của Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 20/01/2021. (Ảnh: Jonathan Ernst-Pool/Getty Images)
Ông Hunter Biden đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ở Mặt phía Tây của Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 20/01/2021. (Ảnh: Jonathan Ernst-Pool/Getty Images)

Ông Roth cho biết câu chuyện này thực sự không vi phạm bất kỳ quy tắc nào của Twitter. Tuy nhiên, tin tức đó được đánh dấu là “không an toàn” và bị chặn trên nền tảng này theo chính sách chống lại các tài liệu bị xâm nhập, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các tài liệu này đã bị xâm nhập.

Ông James Baker, Phó Tổng cố vấn của Twitter đương thời, vốn ủng hộ hành động kiểm duyệt đó, nói rằng việc “cho rằng” thông tin về ông Hunter Biden có được là do hành động xâm nhập là “hợp lý.”

Ông Baker làm tổng cố vấn pháp lý của FBI cho đến tháng 05/2018. Tháng 06/2020, ông gia nhập Twitter. Tại FBI, ông Baker có liên quan mật thiết đến vụ bê bối điều tra Nga, trong đó FBI đã lôi kéo chiến dịch tranh cử của ông Trump và sau đó là chính phủ ông Trump vào các cuộc điều tra toàn diện dựa trên những cáo buộc vô căn cứ và bịa đặt rằng ông Trump thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Chính các đặc vụ nhận tài trợ từ chiến dịch tranh cử của đối thủ của ông Trump, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã đưa ra những cáo buộc này.

Trên thực tế FBI không hề biết thông tin tình báo nào cho thấy có một hoạt động “xâm nhập-và-rò rỉ” trước cuộc bầu cử năm 2020, như lời khai hồi tháng 11/2022 của ông Elvis Chan, người đứng đầu chi nhánh mạng tại Văn phòng Hiện trường San Francisco của FBI, vốn chịu trách nhiệm để trao đổi với Twitter và các công ty công nghệ khác có trụ sở chính trong khu vực tài phán của mình.

Trích dẫn thông tin liên lạc nội bộ, ông Shellenberger cho biết bản thân Twitter không tìm thấy chút hoạt động nào của Nga trước cuộc bầu cử năm 2020.

Tính năng ẩn bài

Đã từ lâu Twitter phủ nhận việc thực hiện tính năng ẩn bài — tức là ngăn chặn khả năng tiếp cận của tài khoản mà không thông báo cho người dùng. Tuy nhiên, sự phủ nhận này đã định nghĩa cụ thể tính năng ẩn bài tức là khiến cho những người khác không thể xem được nội dung của một người nào đó. Điều mà mọi người phàn nàn là Twitter dường như chặn số lượng người xem nội dung của họ mà không làm cho nội dung đó ẩn hoàn toàn. Trên thực tế, các tài liệu nội bộ cho thấy Twitter đã làm chuyện này rất nhiều.

Một kỹ sư Twitter nói với bà Weiss: “Chúng tôi kiểm soát khả năng hiển thị khá nhiều. Và chúng tôi kiểm soát khá nhiều việc phát tán nội dung của quý vị. Và những người không có chuyên môn sẽ không biết chúng tôi làm được nhiều thế nào đâu.”

Trong số những người có tài khoản bị chặn tương tác một cách lén lút có ông Jay Bhattacharya, giáo sư y khoa của Đại học Stanford và là một trong những người đầu tiên chỉ trích việc phong tỏa vì COVID-19.

Những người khác bao gồm ông Dan Bongino, một podcaster theo phái bảo tồn truyền thống kiêm cựu nhân viên Sở Mật vụ, và ông Charlie Kirk, người sáng lập Turn Point USA, nhóm thanh niên theo phái bảo tồn truyền thống lớn nhất của cả nước.

COVID-19

Twitter đã ngăn chặn toàn bộ thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19. Bất cứ điều gì liên quan đến nguồn gốc của bệnh dịch này, phương pháp điều trị, những loại vaccine được bào chế chống lại căn bệnh này, và các chính sách công nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh đều phải phù hợp với quan điểm chính thức của chính phủ liên bang, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ban bố.

Ông Zweig cho biết ông “đã tìm thấy vô số ví dụ về các dòng tweet được gắn nhãn là ‘gây hiểu lầm’ hoặc đã bị gỡ bỏ hẳn, có lúc dẫn đến việc đình chỉ tài khoản, đơn giản chỉ vì những dòng tweet đó đi ngược lại hướng dẫn của CDC hoặc mâu thuẫn với quan điểm của chính phủ.”

Người dùng Twitter @KelleyKga, một người tự mô tả mình là người kiểm chứng dữ kiện, đã chỉ trích một dòng tweet tuyên bố sai sự thật rằng COVID-19 là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh tật ở trẻ em. @KelleyKga đã chỉ ra rằng một tuyên bố như vậy sẽ đòi hỏi phải chọn lọc những dữ liệu tốt nhất nhằm chứng minh cho lập luận đó bằng dữ liệu từ CDC. Tuy nhiên, lời chỉ trích của @KelleyKga đã bị gắn nhãn là “gây hiểu lầm” và bị chặn lại. Mặt khác, dòng tweet chứa tuyên bố sai sự thật nói trên lại không bị chặn.

Tất cả những gì mà bác sĩ Euzebiusz Jamrozik đã làm là viết trên Twitter một bản tóm tắt chính xác các kết quả nghiên cứu về tác dụng phụ của vaccine COVID-19. Dòng tweet này bị dán nhãn “gây hiểu lầm” và đã bị chặn.

Các hồ sơ nội bộ cho thấy, đôi khi, có vẻ như Twitter đã tự chặn thông tin đó, nhưng nhiều yêu cầu liên quan đến COVID-19 lại đến từ chính phủ và thậm chí trực tiếp từ Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden.

Trong một thư điện tử, Giám đốc Kỹ thuật số của Tòa Bạch Ốc, ông Rob Flaherty, đã cáo buộc Twitter đã “gắng hết sức” để phản đối một trong những yêu cầu kiểm duyệt của ông, gọi đó là “hoàn toàn là một trò chơi không luật lệ” (Calvinball) — một cuộc chơi mà các quy tắc được tạo ra trong lúc chơi. Thư điện tử này, không nằm trong những hồ sơ Twitter, được đưa ra trong một vụ kiện chính phủ Tổng thống Biden đang diễn ra do hai tổng chưởng lý của tiểu bang Missouri và tiểu bang Louisiana đệ trình.

Một nhân viên khác của Tòa Bạch Ốc muốn Twitter kiểm duyệt một dòng tweet của ông Robert Kennedy, Jr., một người lâu nay chỉ trích việc chích ngừa. Nhân viên đó tự hỏi liệu Twitter có thể “bắt đầu quá trình gỡ bỏ dòng tweet đó càng sớm càng tốt” hay không.

“Và sau đó, nếu chúng ta có thể chú ý đến những dòng tweet thuộc cùng thể loại này thì điều đó rất tốt,” ông nói trong thư điện tử ngày 23/01/2021.

Chính phủ không phải lúc nào cũng tìm cách xóa nội dung như vậy. Những tài liệu này chỉ ra rằng những người chỉ bày tỏ sự “do dự” về những loại vaccine này thì chỉ bị chặn để không cho nội dung của họ tiếp cận bất kỳ lượng người dùng đáng kể nào.

Chính phủ TT Biden đã gặp rất nhiều rủi ro, vì việc khai triển vaccine là một trong những nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của họ. Các bên liên quan khác cũng vậy.

Ông Joe Biden đưa ra các nhận định về việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và chương trình chích ngừa tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 23/08/2021. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)
Ông Joe Biden đưa ra các nhận định về việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và chương trình chích ngừa tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 23/08/2021. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)

Một số yêu cầu kiểm duyệt đến từ ông Scott Gottlieb, thành viên hội đồng và người đứng đầu ủy ban tuân thủ và quy định của Pfizer, đại công ty dược phẩm đã bào chế ra loại vaccine COVID-19 phổ biến nhất và thu về hàng chục tỷ USD từ việc bán loại vaccine này trong hai năm qua.

Ông Gottlieb đã gửi Twitter ít nhất ba yêu cầu. Một yêu cầu nhắm vào một bác sĩ, người đã chỉ ra trên nền tảng này rằng khả năng miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 vượt trội hơn so với chích ngừa. Twitter đã chặn dòng tweet này mặc dù vị bác sĩ đã nói đúng.

Một yêu cầu khác nhắm đến tác giả Justin Hart, người đã tranh luận trên Twitter về việc đóng cửa trường học, chỉ ra rằng các ca tử vong do COVID-19 ở trẻ em là vô cùng hiếm gặp. Ông Gottlieb đã gửi yêu cầu này ngay trước khi Pfizer được chấp thuận sử dụng vaccine của họ cho trẻ em. Twitter đã không làm theo yêu cầu này.

Tuy nhiên, một yêu cầu khác là nhắm vào cựu phóng viên New York Times Berenson. Ông Gottlieb nói rằng lời chỉ trích của ông Berenson đối với Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu bộ phận ứng phó đại dịch COVID-19 trong chính phủ TT Biden, đang gây ra các mối đe dọa bạo hành thân thể đối với ông Fauci. Ngay sau đó, Twitter đã đình chỉ tài khoản của ông Berenson.

Ông Gottlieb đã gửi yêu cầu của mình tới cùng một lãnh đạo Twitter, người từng là một đầu mối liên lạc cho các yêu cầu kiểm duyệt đến từ Tòa Bạch Ốc.

Tài khoản Twitter bị đình chỉ của ông Donald Trump hiển thị trên một màn hình máy điện toán xách tay, vào ngày 08/01/2021. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Tài khoản Twitter bị đình chỉ của ông Donald Trump hiển thị trên một màn hình máy điện toán xách tay, vào ngày 08/01/2021. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Loại ông Trump khỏi nền tảng

Ông Trump đã gây ảnh hưởng đặc biệt trên Twitter. Những câu nói xúc tích của ông, vốn đã trở nên hoàn hảo qua hàng chục năm tương tác với báo chí New York, đã khởi tác dụng hiệu quả trên Twitter vốn định hướng theo sự ngắn gọn, mang lại cho vị tổng thống này khoảng 90 triệu người theo dõi và cho ông quyền vượt qua các bộ lọc truyền thông và ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả nước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống trên Twitter của ông Trump đã tạo ra sự khinh miệt trong giới quan chức của chính phủ, đặc biệt là trong giới quan chức về chính sách ngoại giao vốn đã quen với sự tế nhị.

Tài liệu nội bộ cho thấy, việc Twitter loại bỏ ông Trump vài ngày sau cuộc biểu tình và nổi loạn ngày 06/01/2021 tại Điện Capitol của Hoa Kỳ dường như là một trong những sự kiện mà các giám đốc điều hành của Twitter đã tự mình hành động, đồng thời vi phạm các chính sách nội dung của nền tảng này trong việc đàn áp tiếng nói của một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm.

Twitter đã đình chỉ tài khoản của ông Trump vào ngày 08/01/2021, sau khi vị tổng thống này đăng hai dòng tweet.

“75,000,000 người Mỹ Ái quốc tuyệt vời đã bỏ phiếu cho tôi, những chính sách như NƯỚC MỸ TRƯỚC TIÊN, và LÀM CHO NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI, sẽ có TIẾNG VANG trong tương lai. Những người ủng hộ tôi sẽ không bị coi thường hoặc đối xử bất công dưới bất kỳ cách nào, hình thức nào!!!” một trong hai dòng tweet đó của ông Trump đã viết.

Tweet còn lại viết rằng, “Gửi tới tất cả những ai đã hỏi, tôi sẽ không tham dự Lễ nhậm chức vào ngày 20/01.”

Những người kiểm duyệt và giám sát của Twitter đã đồng ý rằng những tweet trên không vi phạm bất kỳ quy tắc nào.

“Tôi nghĩ chúng tôi khó có thể nói đây là hành vi kích động,” một nhân viên viết. “Khá rõ ràng là ông ấy đang tuyên bố ‘Những người Mỹ Ái quốc’ là những người đã bỏ phiếu cho ông ấy chứ không phải những kẻ khủng bố (chúng ta có thể gọi họ như vậy, phải không?) từ Thứ Tư.”

Các giám đốc điều hành cao cấp hơn, dưới áp lực từ nhiều nhân viên bài ông Trump của họ, sẽ không chấp nhận kết luận đó và tiếp tục thúc đẩy việc giải nghĩa những bình luận của ông Trump là ác ý.

Bà Vijaya Gadde, người đứng đầu bộ phận pháp lý, chính sách, và tin cậy của Twitter đã viết trong một tin nhắn nội bộ, “Câu hỏi lớn nhất là liệu một dòng tweet giống như dòng tweet sáng nay của ông Trump, vốn không vi phạm quy tắc trên bề mặt, có được sử dụng như một hành vi kích động bạo lực được mã hóa hay không.”

Ông Donald Trump trình bày tại Oval Office trước khi ký một sắc lệnh liên quan đến việc điều chỉnh mạng xã hội, ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 28/05/2020. (Ảnh: Doug Mills-Pool/Getty Images)
Ông Donald Trump trình bày tại Oval Office trước khi ký một sắc lệnh liên quan đến việc điều chỉnh mạng xã hội, ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 28/05/2020. (Ảnh: Doug Mills-Pool/Getty Images)

Một nhóm kiểm duyệt khác của Twitter đã nhanh chóng thêm một luận điệu khác vào lập luận của bà Gadde. Theo các tin nhắn nội bộ, nhóm này đã kết luận, ông Trump là một “người lãnh đạo của một nhóm cực đoan bạo lực vốn đang ca ngợi nhóm này và những hành động gần đây của họ.”

Bác bỏ bản ghi nhớ của cựu Dân biểu Nunes

Hồi tháng 01/2018, Dân biểu đương thời Devin Nunes (Cộng Hòa-California) đã gửi bản ghi nhớ của mình, trong đó nêu chi tiết các hành vi lạm dụng quyền giám sát của FBI nhằm theo đuổi cuộc điều tra Trump-Nga. Bản ghi nhớ này là chính xác về hầu hết tất cả các điểm quan trọng, như Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz đã xác nhận sau đó.

Công ty truyền thông này xem bản ghi nhớ đó là một “trò đùa,” nhưng dù sao bản ghi nhớ này cũng đã thu hút được sự chú ý đáng kể trên mạng xã hội. Giới truyền thông thiên tả và một số nhà lập pháp sau đó đã đưa ra tuyên bố rằng các tài khoản có liên quan đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga đã quảng bá bản ghi nhớ này trên mạng.

Tuy nhiên, Twitter không tìm thấy bằng chứng nào về ảnh hưởng của Nga đằng sau thẻ #ReleaseTheMemo.

Dân biểu Devin Nunes (Cộng Hòa-California) nói chuyện trong một phiên điều trần tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 21/11/2019. (Ảnh: Andrew Harrer/Pool/AFP qua Getty Images)
Dân biểu Devin Nunes (Cộng Hòa-California) nói chuyện trong một phiên điều trần tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 21/11/2019. (Ảnh: Andrew Harrer/Pool/AFP qua Getty Images)

Tất cả những tuyên bố trên đều có nguồn gốc từ Liên minh Bảo vệ Dân chủ (Alliance for Securing Democracy, ASD), một nhóm được thành lập vào năm 2017 thuộc Quỹ Marshall của Đức, một tổ chức tư vấn do chính phủ Mỹ, Đức, và Thụy Điển tài trợ.

ASD có liên kết chặt chẽ với chính sách ngoại giao và tổ chức an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, bà Laura Rosenberger, một cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của bà Clinton, dẫn đầu tổ chức này. Bà cũng giữ nhiều vai trò khác nhau tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia. Hội đồng cố vấn của tổ chức này bao gồm ông John Podesta, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, cựu giám đốc CIA Michael Morell, và cựu giám đốc Bộ An ninh Nội địa (DHS) Mike Chertoff.

Các quan chức của Twitter băn khoăn không biết ASD đã đưa ra kết luận của họ như thế nào.

Ông Roth đã viết trong một tin nhắn nội bộ, “Chúng tôi đã điều tra, nhận thấy rằng mức độ tương tác hoàn toàn tự nhiên và được thúc đẩy bởi mức độ tương tác mạnh mẽ của VIT [Những người dùng Twitter rất quan trọng, Very Important Tweeters] (bao gồm Wikileaks, [ông Donald Trump Jr.], Dân biểu Steve King, và những người khác).”

Trên thực tế, Twitter đã tạo ra một phiên bản khác của “trang thông tin” mà ASD đã sử dụng để đưa ra các tuyên bố của mình — một sự thật mà ông Roth không muốn tiết lộ với giới truyền thông.

Twitter đã cố gắng bí mật phơi bày câu chuyện này mà không đưa ra những chi tiết như vậy, nhưng hoàn toàn vô ích. Ông Roth viết rằng, ban đầu, các phóng viên đã chạy theo câu chuyện này mà không cần liên hệ với Twitter.

Các tin nhắn nội bộ cho biết, bức thư đầu tiên về vấn đề này từ ông Schiff và Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California), thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong Ủy ban Tư pháp đương thời, cũng được đưa ra trước khi Twitter có một cơ hội phản hồi.

Twitter đã cố gắng ngăn chặn Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) tiếp tục bằng lá thư của riêng ông, nhưng một lần nữa không thành công.

“Không phải lúc nào ông Blumenthal cũng tìm kiếm các giải pháp thực tế và có nhiều sắc thái. Ông ấy muốn được hưởng công trạng về việc thúc đẩy chúng tôi hơn nữa. Và ông ấy chỉ có thể tiếp tục khi báo chí tiếp tục,” ông Carlos Monje, giám đốc chính sách công đương thời của Twitter, nhận xét trong một tin nhắn nội bộ. Trước đây ông Monje từng là quan chức của Bộ Giao thông Vận tải, và giờ ông đã trở lại cơ quan này dưới thời chính phủ ông Biden.

Cuối cùng, Twitter không bao giờ công khai phản đối câu chuyện về sự ảnh hưởng của Nga.

Ngũ Giác Đài nhìn từ một chuyến bay cất cánh từ Phi trường Quốc gia Ronald Reagan Washington, hôm 29/11/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Ngũ Giác Đài nhìn từ một chuyến bay cất cánh từ Phi trường Quốc gia Ronald Reagan Washington, hôm 29/11/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Trợ giúp các nhóm Psyop của Ngũ Giác Đài

Năm 2017, một quan chức Ngũ Giác Đài đã yêu cầu Twitter đưa vào “danh sách trắng” một số tài khoản mà Bộ Quốc phòng đang sử dụng để truyền bá thông điệp của mình ở Trung Đông. Twitter bắt buộc phải cấp cho những tài khoản đó các đặc quyền tương tự mà họ dành cho các tài khoản đã được xác nhận.

Tuy nhiên, sau đó, Ngũ Giác Đài đã loại bỏ bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào giữa những tài khoản đó với chính phủ Hoa Kỳ, khiến những tài khoản này trở nên mờ ám trên thực tế. Ký giả độc lập Fang đưa tin rằng, mặc dù những tài khoản này đáng lẽ phải bị xóa theo chính sách hoạt động không trung thực của Twitter, nhưng công ty này vẫn để những tài khoản đó tồn tại trong vài năm qua.

‘Cầu nối’ liên bang của cuộc điều tra

Theo ông Taibbi, FBI đóng vai trò là một cầu nối để các cơ quan chính phủ khác chuyển thông tin cho Twitter và yêu cầu những đặc ân.

Trong một cuộc trao đổi, người đứng đầu về mạng tại FBI Elvis Chan giải thích rằng Cục điều tra sẽ chuyển các thông tin liên lạc từ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (USIC) cho Twitter, nhưng các thông tin liên lạc khác liên quan đến bầu cử sẽ đến từ Cơ quan An ninh Cơ sở Hạ tầng và An ninh Mạng (CISA) của DHS.

“Chúng tôi có thể cung cấp cho quý vị mọi thứ chúng tôi chứng kiến được từ các cơ quan FBI và USIC,” ông Chan nói. “CISA sẽ biết chuyện gì đang xảy ra ở mỗi tiểu bang.”

Sau đó, ông đã hỏi liệu Twitter có muốn liên lạc riêng với CISA hay họ muốn “trông cậy vào FBI để trở thành cầu nối của [chính phủ Hoa Kỳ].”

Các giám đốc điều hành của Twitter đã rất ngạc nhiên khi biết rằng FBI có các đặc vụ chuyên tìm kiếm trên Twitter và gắn cảnh báo các vi phạm chính sách nội dung.

Kể từ năm 2017, Twitter đã tuyển dụng ít nhất 15 cựu đặc vụ FBI, khiến sự liên kết giữa Cục điều tra và nền tảng này ngày càng chặt chẽ hơn. Thông lệ này phổ biến đến mức có một nhóm thảo luận nội bộ trên Twitter dành cho các cựu đặc vụ.

FBI đã phản hồi các tiết lộ hồ sơ Twitter trong một tuyên bố gắn nhãn những tiết lộ đó là “thông tin sai lệch” do “những người theo thuyết âm mưu và những người khác … lan truyền với mục đích duy nhất là cố gắng làm mất uy tín của cơ quan này.”

Kiểm duyệt của Bộ An ninh Nội địa

DHS đã xoay xở để đưa việc kiểm soát ngôn luận vào nhiệm vụ của mình nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Hồi tháng 01/2017, ngay trước khi rời Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama đã chỉ định các cuộc bầu cử là cơ sở hạ tầng quan trọng. Sau đó, CISA của DHS đã xem đó là nhiệm vụ của mình, không chỉ là bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi tin tặc mà còn khỏi thông tin sai lệch và thông tin giả.

Tòa nhà Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 22/07/2019. (Ảnh: Alastair Pike/AFP qua Getty Images)
Tòa nhà Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 22/07/2019. (Ảnh: Alastair Pike/AFP qua Getty Images)

Hồi tháng 07/2020, CISA đã hợp tác với một số tổ chức nghiên cứu tư nhân để tìm kiếm, nghiên cứu, và chống lại các mối đe dọa bầu cử. Họ tự gọi mình là Đối tác Liêm chính Bầu cử (EIP) và bao gồm Stanford Internet Observatory, Center for an Informed Public của Đại học Washington, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương và Graphika, một công ty phân tích mạng xã hội.

Hội đồng Đại Tây Dương hoạt động như một tổ chức tư vấn bán chính thức của NATO. Tổ chức này có một mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ, đặc biệt là về chính sách ngoại giao và cộng đồng tình báo. Ban giám đốc khoảng 200 người của tổ chức này gồm có 7 cựu giám đốc CIA và rất nhiều nhân vật an ninh quốc gia cao cấp khác.

Trên thực tế, EIP đã tìm kiếm trên mạng xã hội bất cứ điều gì mà họ cho là một mối đe dọa đối với các cuộc bầu cử, bao gồm cả những ý kiến nghi ngờ về kết quả hoặc quy trình bầu cử theo một cách “gây hiểu lầm.” Nội dung như vậy sau đó sẽ được gửi tới các công ty truyền thông xã hội để xóa hoặc chặn.

Lãnh đạo EIP Alex Stamos cho biết nhóm này được thành lập để “lấp đầy khoảng trống” trong việc chống lại thông tin giả về bầu cử mà chính phủ không được phép giải quyết.

Chính phủ không được phép can thiệp vào ngôn luận hợp pháp của người Mỹ, vốn được bảo vệ theo Tu chính án thứ Nhất.

Trong báo cáo cuối cùng sau cuộc bầu cử năm 2020, EIP đã ghi nhận công trạng vì đã tạo điều thuận tiện cho việc xóa hoặc chặn 22 triệu nội dung trực tuyến và hàng chục “câu chuyện” hoàn chỉnh.

Nói chung, chính những bên tham gia EIP cũng đã tham gia vào việc ngăn chặn thông tin liên quan đến COVID-19 và cuộc bầu cử năm 2022.

CISA đã cố gắng tránh xa vai trò kiểm duyệt của EIP, nói rằng họ chưa bao giờ gửi cho EIP bất kỳ ví dụ nào về thông tin sai lệch tiềm ẩn.

“CISA không kiểm duyệt ngôn luận, đó là chắc chắn. Nhiệm vụ của CISA là xây dựng khả năng khôi phục trước thông tin sai lệch và các hoạt động gây ảnh hưởng ác ý của ngoại quốc đe dọa đến cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng bầu cử,” một phát ngôn viên của CISA nói với The Epoch Times qua thư điện tử.

“Chúng tôi làm việc theo cách phi đảng phái với các quan chức bầu cử cấp tiểu bang và địa phương để cung cấp cho công chúng Mỹ thông tin chính xác về cách tiến hành và công tác an ninh cho các cuộc bầu cử của họ. Các nhà điều hành nền tảng nội dung trực tuyến, như mọi khi, đưa ra quyết định của riêng họ về nội dung trên nền tảng của họ.”

Một quan chức CISA nói với The Epoch Times rằng cơ quan này không gửi yêu cầu xóa nội dung tới mạng xã hội.

Khẳng định này dường như xung đột với các thông tin công khai khác.

Trung tâm phân tích và chia sẻ thông tin cơ sở hạ tầng bầu cử (EI-ISAC) do DHS tài trợ đã khuyến khích các quan chức bầu cử địa phương thông báo cho họ về “thông tin sai lệch” hoặc “tin giả.” Thông tin sau đó sẽ được chuyển tiếp đến CISA, cơ quan này sẽ “gửi thông tin đến (các) nền tảng truyền thông xã hội có liên quan để xem xét,” một tài liệu EI-ISAC trực tuyến cho biết.

Khi được hỏi về sự khác biệt kể trên, quan chức này làm rõ rằng CISA đang truyền thông tin được các quan chức bầu cử cấp tiểu bang và địa phương xác định là thông tin sai lệch tiềm ẩn liên quan đến an ninh bầu cử tới các nền tảng mạng xã hội trong chu kỳ bầu cử năm 2018 và 2020, nhưng không phải trong chu kỳ bầu cử năm 2022.

Thay đổi các ưu tiên

Ông Mike Benz, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người phụ trách danh mục đầu tư mạng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã lần theo dấu vết của bộ máy kiểm duyệt tư nhân-chính phủ đối với việc thay đổi cấu trúc chế độ chính sách ngoại giao.

Ông Mike Benz, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Over the Target” của EpochTV. (The Epoch Times)
Ông Mike Benz, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Over the Target” của EpochTV. (The Epoch Times)

Sự phát triển của mạng xã hội trong những năm 2000 được chính phủ xem là tích cực vì mạng xã hội được chứng minh là rất hữu ích trong việc thúc đẩy các cuộc nổi dậy. Ông Benz lập luận rằng Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ phe đối lập địa phương chống lại các chế độ bất hảo và các nhà lãnh đạo độc tài, và mạng xã hội đã cho phép các nhóm như vậy nhanh chóng tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ, như đã được chứng minh bằng các cuộc nổi dậy trong Mùa xuân Ả Rập.

Cuối cùng, tự do ngôn luận trực tuyến được giới quan chức về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ủng hộ.

Tuy nhiên, sau những xáo trộn của sự kiện Brexit và sự đắc cử của ông Trump hồi năm 2016, giới quyền lực đã trở nên không mấy mặn mà với quyền tự do ngôn luận. Cả hai sự kiện này đều được xem là phá hoại NATO, và cả hai đều đổ lỗi cho ảnh hưởng của ngoại quốc đối với mạng xã hội, cụ thể là Nga. Đặc biệt, chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh nhận thấy sự cần thiết phải xác định và thanh trừng các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga trên mạng và thiết lập một bộ máy tư nhân-chính phủ để làm việc đó.

Tuy nhiên, ông Benz cho rằng, khi cuộc điều tra Trump-Nga hóa ra là một điều ngớ ngẩn, đám đông quyền lực đó phải thừa nhận rằng chính các lực lượng trong nước đã thúc đẩy thông điệp dân túy đó.

Kể từ thời điểm đó, bộ máy này được thiết lập để loại bỏ ảnh hưởng của ngoại quốc dường như đã mở rộng trọng tâm của họ để thay vào đó nhắm vào tiếng nói trong nước.

Tuy nhiên, chính phủ không thể công khai nhắm vào phát ngôn hợp pháp trong nước, vì Hiến Pháp nghiêm cấm chính phủ can thiệp vào phát ngôn chính trị của người dân Mỹ.

Ông Benz lập luận rằng, bất chấp trở ngại này, chính phủ đã tìm nhiều cách để trợ giúp cho hệ sinh thái kiểm duyệt trong nước một cách gián tiếp.

Một phương pháp mà ông Benz đã xác định là việc cấp các khoản tài trợ cho các tổ chức học thuật để nghiên cứu thông tin sai lệch và phát triển các phương pháp chống thông tin sai lệch.

Ông Benz phát hiện ra rằng Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation), một cơ quan liên bang tài trợ cho nghiên cứu phi y tế, đã cấp gần 40 triệu USD cho 42 trường đại học của Hoa Kỳ để chống “thông tin giả” hoặc “thông tin sai lệch” kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ chính phủ ông Biden.

Một khoản tài trợ trị giá 3 triệu USD đã được cấp cho hai thành viên của EIP, Trung tâm dành cho công chúng được cung cấp thông tin của Đại học Washington, và Đài quan sát Internet Stanford.

Một khoản tài trợ trị giá 300,000 USD đã được chuyển đến Đại học George Washington đặc biệt để chống lại thông điệp “dân túy” của các chính trị gia ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác.

Ông Benz bắt đầu bối rối trước sự bành trướng của hoạt động kiểm duyệt đến mức ông đã thành lập một nhóm mang tên Foundation for Freedom Online chuyên phục hồi quyền tự do ngôn luận trên internet.

Và có những dấu hiệu cho thấy việc phơi bày bộ máy kiểm duyệt đã có tác dụng.

Hồi năm ngoái (2022), chính phủ ông Biden đã buộc phải giải tán Ban quản lý Thông tin sai lệch do DHS dàn xếp. Người đứng đầu mới được đề cử của ban này, bà Nina Jankowicz, đã từ chức.

“Ngay bây giờ, nguồn trợ giúp chính mà tôi yêu cầu là, hãy nhiệt tình với việc phơi bày bộ máy kiểm duyệt này,” ông Benz nói trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Over the Target” của EpochTV hồi tháng 12/2022.

“Hãy nói với cha mẹ của quý vị, nói với vợ và những đứa trẻ của quý vị tại bàn ăn tối, nói với bằng hữu của quý vị. Nếu quý vị đang nghỉ ngơi giữa các trận bóng bàn, hãy phát các video YouTube này cho mọi người xem. Tất cả việc này bắt đầu ở cấp độ du kích.”

“Những điều này đã quá rõ ràng. Điều đó sẽ trở nên phổ biến chỉ vì thực tế là nó đang tồn tại. Bởi vì một khi quý vị chứng kiến điều này, tôi bảo đảm với quý vị, quý vị sẽ thấy nó ở mọi nơi. Thứ này giống như một vòng giải mã bí mật sẽ giúp quý vị lướt qua các mục tin tức thường nhật mà quý vị thấy được trong không gian kiểm duyệt.”

Ông nói, Hồ sơ Twitter này đóng vai trò là “một lỗ hổng … đang phá vỡ con tàu kiểm duyệt Titanic này.”

 

Petr Svab

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times