Chuyện Việt Nam Thứ Hai 12 tháng 6 năm 2023

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp


Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ

Ngày 10.6, Cục Hải sự Quảng Tây thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự tại một khu vực rộng lớn ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 11 đến 15.6.

Khu vực tập trận có diện tích trên 14.000 km vuông và nằm cách đường phân định vịnh Bắc Bộ chưa đầy 10 km.

Đây là cuộc tập trận trên phạm vi rộng hiếm thấy của Trung Quốc trong vài năm gần đây. 

Song song đó, Cục Hải sự Quảng Đông cũng cho biết một cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra ở khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu từ ngày 12 đến 30.6.

 Các cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra giữa lúc có dấu hiệu cho thấy nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan của Mỹ chuẩn bị di chuyển vào Biển Đông.

Cụ thể, vào sáng 12.6, hai máy bay C-2A của tàu USS Ronald Reagan đã di chuyển từ căn cứ Kadena xuống căn cứ Clark ở Philippines. Đây là dấu hiệu thường thấy mỗi khi tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông.

Trước đó, từ ngày 8 đến 10.6, nhóm tàu này cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và tàu JS Izumo của Nhật Bản cũng như các tàu chiến của Pháp và Canada đã tiến hành diễn tập ở Biển Philippines như một phần cuộc tập trận quy mô lớn toàn cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo một số nguồn tin, HKMH/ USS Ronald Reagan sẽ ghé thăm Đà Nẵng vào hạ tuần tháng 6.


Vụ đột kích ở Đắk Lắk: Vì sao người Thượng nổi giận?

Y Nguyên /SGN
12/6/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/vu_dak_lak_20230611172342_20230611193544.jpg

Công an chặn chốt ở các tuyến đường quanh huyện Cư Kuin (TTXVN) 

Tin tức nối tiếp sự kiện hai đồn công an ở Đắk Lắk bị các nhóm người Thượng Tây Nguyên đột kích ngày càng căng thẳng và bí ẩn hơn. Tình hình ở các con đường dẫn đến huyện Cư Kuin đều bị chốt chặn và tuần tra bởi các lực lượng cảnh sát cơ động và quân đội phối hợp. Các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa theo lệnh của công an. Chợ cũng không có người đi, đường phố vắng ngắt. Đến trưa ngày 12 Tháng Sáu ở Việt Nam, tin nhỏ giọt từ phía Bộ Công an cho hay đã bắt được 26 người từ các nhóm đột kích, nhưng không có chi tiết nào về tên tuổi cũng như không rõ bắt giữ như thế nào.

Công an nói đã giải cứu được 2 con tin là dân thường, tuy nhiên, tên tuổi và cách thức giải cứu cũng không được đề cập trong các bản tin. Nhiều nguồn tin từ Sài Gòn cho hay, chính quyền đã cho hệ thống an ninh mạng rà soát các từ khóa có liên quan về vụ đột kích này trên mạng xã hội Facebook để dò tìm các nhóm thảo luận sự kiện, được cho là để lấy thêm thông tin.

Những hình ảnh hiếm hoi tìm thấy từ Bộ công an phát đi, cho thấy vài người Thượng đang bị bắt giữ, quỳ gối và tay bị trói giật ra sau bên cạnh nhiều cảnh sát cơ động. Điều đáng nói là gương mặt của những người này đều không lộ vẻ khuất phục. Quần áo của họ có dính máu, nhưng không biết là từ đâu.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/001-640x312.png

Những nghi phạm bị bắt (ảnh chụp qua video) 

Những lời bàn úp mở trên mạng Facebook, Twitter, YouTube… đang đặt vấn đề về nguyên nhân của vụ tấn công này. Nhưng có thể nói là số người lên án vụ tấn công đẫm máu này dè dặt và không nhiều. Còn bên cạnh đó, sự theo dõi và có tâm lý đồng cảm cho vụ tấn công bạo lực này đang xuất hiện ở nhiều bình luận và các tiêu đề trạng thái.

“Tức nước vỡ bờ”, hoặc “gieo nhân nào gặt quả nấy”… là những cụm từ phổ biến để bày tỏ thái độ của dân chúng trước câu chuyện bất ngờ. Các cuộc tranh luận về vấn đề có nên dùng bạo lực để giải quyết hiện trạng hay không xuất hiện ở một số trang Facebook, nhưng lại bị đặt vấn đề là “vậy chỉ có chính quyền là được chấp nhận, khi cứ ngang nhiên sử dụng bạo lực với người dân thôi sao?”.

Các vụ phản ứng bằng bạo lực của người dân với chính quyền, khi không còn có thể nói chuyện bằng luật pháp được nữa, liên tiếp thấy dẫn ra, như vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông (dùng súng tự chế bắn vào nhóm cưỡng chế đất), Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng (bắn bị thương cảnh sát cơ động đến cưỡng chế), Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình bắn chết cán bộ và tự sát… Vụ gần nhất là vụ ông Lê Đình Kình bị 3,000 công an tấn công và đêm khuya và giết chết ngay trong phòng ngủ – hầu như sự chán ghét của dân chúng về tình trạng cướp đất và bạo lực chính quyền đối với người dân lâu nay, được bày tỏ khá rõ ở mọi nơi.

Riêng ở Đắk Lắk, chuyện cướp đất làm dự án và sách nhiễu, đánh đập dân chúng để buộc từ bỏ tín ngưỡng là điều mà không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đều biết. Hồ sơ về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ hàng năm đều có đủ các chứng cứ nêu ra. 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/tan-cong-CA-Dak-Lak-5949-1686468272-640x401.jpg
Ủy ban Nhân dân huyện Cư Kuin được bảo vệ nghiêm ngặt sau sự cố (Báo Thanh Niên) 

Vấn đề xung đột đất đai của người Thượng Tây Nguyên với chính quyền vẫn xảy ra thường xuyên khi có doanh nghiệp muốn lấy đất làm ăn. Nhưng gần đây, và liên quan đến hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur – tức là nơi xảy ra vụ đột kích – là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh và cải tạo đất, và việc xây dựng khu đô thị mới Trung Hòa. 

Dự án mở đường Hồ Chí Minh đi qua nhiều vùng đất trồng cà phê của bà con người Thượng đang sinh sống, và có hợp đồng với một số công ty thầu mua. Việc mở đường, lấy đất nhưng không thỏa thuận được tiền bồi thường mà chỉ nói suông là đất được thu hồi cho công trình của nhà nước lên đến 1,500 tỷ đồng, đã khiến xảy ra chuyện nhiều gia đình người Thượng không còn công ăn việc làm, mất nhà cửa, tuyệt đường sinh sống. 

Còn dự án khu đô thị mới Trung Hòa mắc nhiều sai lầm về quy hoạch và bị người dân bất bình nhưng vẫn được chính quyền ở đây yểm trợ hành động. Các vụ cưỡng chế đất đã đối diện nhiều chuyện thưa kiện và phản đối, nhưng có vẻ như mọi thứ không ăn thua gì với quyết tâm riêng của chính quyền địa phương.

Còn về vấn đề tôn giáo, chuyện công an ở huyện Cư Kuin lâu nay nổi tiếng hống hách, ập vào nhà khám xét, bắt người đi giam nhốt không có lệnh tòa hay thậm chí đánh chết người trong khi điều tra, là điều bà con người Thượng vẫn đối diện hàng ngày. Công an và chính quyền bị người dân gọi là bọn ác ôn, tức cách gọi mà miền Bắc trong cuộc chiến trước 1975 hay mô tả về các quan chức nông thôn miền Nam để tuyên truyền.

Nhằm tiện bề đàn áp, công an và bộ máy tuyên truyền của Hà Nội luôn không ngừng phao tin rằng đồng bào thiểu số quanh huyện Cư Kuin nói riêng, Đắk Lắk nói chung, đang có ý muốn dựng lại phong trào vũ trang Fulro, đổ tội cho các nhóm sinh hoạt Tin Lành truyền bá âm mưu kêu gọi ly khai, ủng hộ nhà nước độc lập Dega – mà mục đích là để tiện tay bắt bớ, kết án. Nhiều người Thượng đã chạy đi tỵ nạn ở Thái Lan, có gia đình ở Đắk Lắk đều bị bắt nhiều lần, bị đánh đập bất thường hoặc bị tù ít nhất từ 1 đến 2 lần vì không chịu bỏ đạo hoặc phản đối vì đất đai bị cướp đi vô lý.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vu-dot-kich-o-dak-lak-vi-sao-nguoi-thuong-noi-gian/embed/#?secret=Q4mnc7YDKJ#?secret=EJpb4ui48r


Việt Nam bắt 16 nghi can trong vụ nổ súng tại đồn công an 

11/6/2023 

Reuters 

Một trong các nghi can bị bắt giữ.

Một trong các nghi can bị bắt giữ. 

Việt Nam đã bắt giữ 16 nghi can trong vụ nổ súng tại đồn công an khiến một số cảnh sát và dân thường thiệt mạng hoặc bị thương, Bộ Công an cho biết hôm Chủ Nhật.

Một nhóm người đã nổ súng tại đồn công an ở Ea Tiêu và Ea Ktur tại tỉnh Đắk Lắk vào sáng sớm Chủ nhật, Bộ Công an cho biết trong một thông cáo, nhưng không nói rõ chính xác con số thương vong.

Bộ cho biết rằng những người thiệt mạng bao gồm 4 công an trong độ tuổi từ 30 đến 35, đồng thời cho biết thêm rằng những người thương vong khác bao gồm các quan chức chính quyền địa phương và dân thường.

Theo thông cáo, công an cũng đã giải cứu được hai con tin trong vụ này, đồng thời cho biết thêm rằng một con tin khác đã tự trốn thoát được.

Bộ không cung cấp thông tin chi tiết về các nghi phạm và cho biết rằng công an đang tìm kiếm các nghi can khác.

Thông cáo trên trang web của chính phủ đã chia sẻ hình ảnh của một số nghi phạm bị còng tay cũng như hình ảnh súng trường và dao của các nghi can này.

Truyền thông nhà nước đưa tin trước đó hôm Chủ nhật rằng năm trong số những người bị bắt đến từ tỉnh Đắk Lắk và người còn lại đến từ tỉnh Gia Lai lân cận, cả hai đều ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Hiện chưa rõ liệu các nghi phạm có thuộc một nhóm chính trị nào hay không.

Vào năm 2020, một tòa án Việt Nam đã kết án 20 người với mức án từ 2 đến 24 năm tù về tội khủng bố, sau khi kết luận họ có tội liên quan đến vụ đánh bom đồn công an.


Công an truy tìm ba luật sư bào chữa trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai

12/6/2023

Công an truy tìm ba luật sư bào chữa trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai

Luật sư Đào Kim Lân (thứ hai từ trái) và luật sư Đặng Đình Mạnh (giữa) trong nhóm luật sư của Tịnh thất Bồng lai 

Facebook Manh Dang 

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm ba luật sư từng tham gia bào chữa trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai. Đó là các luật sư Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đĩnh Mạnh.

Công an tỉnh Long an cho biết như vừa nêu vào ngày 11/6. Theo đó, quyết định được đưa ra sau khi ba luật sư không đến làm việc theo giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT tỉnh này.

Theo thông báo truy tìm người, ba vị luật sư vừa nêu bị Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao báo với Công an tỉnh Long An về hành vi bị cho là phát tán trên không gian mạng đoan video clip những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sử đổi bổ sung năm 2017.

Vào đầu tháng ba vừa qua, Công an Long An đã gửi giấy triệu tập lần thứ nhất cho cả năm luật sư trong nhóm. Tuy nhiên, chỉ có hai luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Ngô Thị Hoàng Anh đến Công an Long An làm việc. Đến thời điểm này, theo ghi nhận của RFA, không bên nào tiết lộ nội dung của buổi làm việc trên.

Luật sư Đào Kim Lân không đến làm việc theo giấy triệu tập nhưng trước đó (28/2) ông có đơn kêu cứu khẩn cấp và đơn khiếu nại gởi đến các cơ quan trung ương của Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Cục An ninh mạng.

Trong đơn, luật sư Lân bày tỏ băn khoăn về tính khách quan của việc giao cho Công an Long An xem xét vụ việc vì trước đó ông và bốn đồng nghiệp đã viết đơn tố cáo Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, và Toà án Nhân dân tỉnh Long An có nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng của vụ án.

Ông cũng cho rằng ông đang cư trú và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh nơi ông đăng tải thông tin về vụ án Tịnh thất Bồng lai lên Facebook và YouTube, do vậy, nếu cần, Công an thành phố Hồ Chí Minh mới là cơ quan có thẩm quyền xem xét liệu ông có vi phạm Điều 331 hay không.

Một tuần sau, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Công an trả lời đơn của luật sư Lân. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Công an đã gửi lại văn bản này cho nhà chức trách tỉnh Long An để xử lý.


Thanh tra EVN: Làm ‘quyết liệt’ cho lắm thì ‘tắm cũng chung một phòng’

Lê Thiệt /SGN
11/6/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/02-EVN-2.jpg

Tuổi Trẻ nhật báo ngày 6 Tháng Sáu phản ảnh về tình trạng thiếu điện nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh vì bị cắt điện nên phải tạm ngưng sản xuất, cho công nhân nghỉ – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Đó là lời dư luận đàm tiếu khi được tin Thủ tướng Phạm Minh Chính ra quyết định cho Bộ Công thương lập đoàn thanh tra những khuất tất tại Tập đoàn Điện lục Việt Nam (EVN).

Chuyện EVN được độc quyền buôn bán điện nên đã có những khuất tất từ bao năm nay, ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chẳng ai làm gì được. Thế nhưng trong thời gian gần đây, hình như sức chịu đựng của dân chúng đối với tập đoàn này đã lên đến đỉnh điểm khi vào Tháng Năm, họ vừa tăng điện lên 3% lại tiếp tục đề nghị tăng thêm nữa vào Tháng Chín sắp tới, vì… lỗ!

Như thế, tính từ năm 2010 đến  Tháng Năm năm 2023, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Điều lạ là khi công ty mẹ (EVN) báo lỗ, thì các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Nghịch lý này khiến người dân không hiểu tại sao EVN lại lỗ?

Trước sự chuyên quyền và lộng hành về giá điện, nhiều đại biểu quốc hội đã lên tiếng cần phải mau chóng xã hội hóa ngành điện, và tổng thanh tra EVN thì đầu Tháng Sáu, EVN đã bất ngờ cắt điện nhiều khu vực, kể cả Hà Nội, mà không báo trước.

Hành động tự ý cắt điện đã vi phạm hợp đồng cung cấp điện của EVN với khách hàng, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại thủ đô và có nguy cơ lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Cả nước trở thành “con tin” của EVN. EVN trở thành “thượng đế toàn năng” khi muốn “ban phát ân huệ” cho ai, cho ngành nào thì nơi đó được hưởng.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/02-EVN-1.png

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (giữa) chủ trì buổi làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện. Người ta không tin ông Diên có thể công tâm trong việc thanh tra EVN – Ảnh: BCT 

Trước sức ép của dư luận, ông Chính buộc lòng phải ra quyết định thanh tra EVN. Tuy nhiên việc để cho Bộ Công thương thanh tra EVN lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng. Nhiều người cho rằng, việc để Bộ Công thương thanh tra EVN cũng giống như để “thằng cha” xem “thằng con” có làm gì sai không, rồi báo lại với “thằng ông nội”.

Có nguồn tin trên mạng xã hội cho rằng ông Chính hiện đang bị “sức ép từ chức” vì để EVN thao túng nếu không xử lý vụ này “ra ngô ra khoai”. Và để điều đó không xảy ra, ông Chính vừa phải làm “mát lòng” dư luận, vừa phải giải tỏa áp lực từ phía đại biểu quốc hội, lại vừa không làm “mất lòng đồng chí”.

Và cũng để làm “mát lòng” dư luận, ngay khi nhận nhiệm vụ thanh tra EVN, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên ngay lập tức thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương được phân công trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra.

Ông Diên nói ông đã “chỉ đạo” đoàn thanh tra phải “làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/02-EVN-3.jpg

Ngày 5 Tháng Sáu, một công ty ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) cho công nhân nghỉ làm vì bị cắt điện, nhóm công nhân về khu nhà trọ cũng bị mất điện nên “giải nhiệt” bên hành lang xóm trọ (ảnh lớn). Công ty Hi Viet Food đóng cửa vì mất điện (ảnh nhỏ trên) và công nhân một công ty bê tông ra về vì mất điện (ảnh nhỏ dưới) – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Nghe hơi sáo rỗng, nhưng nếu để ý, người ta có cơ sở để nghi ngờ kết quả cuộc thanh tra này sẽ không đáng tin cậy.

Thứ nhất, như dư luận đã lên tiếng, chằng có “thằng cha” nào lên tiếng tố cáo “thằng con” mình cho bàn dân thiên hạ biết. Thiên hạ sẽ chửi “cha không biết dạy con”, hay “cha nào con nấy”!

Thứ hai, trong sự “chỉ đạo” của ông Diên, người ta rất hoang mang khi ông “lệnh” cho đoàn thanh tra ngoài chuyện phải “làm theo quy định của pháp luật” còn phải làm việc theo “chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”. Câu “lệnh” này làm cho người ta suy diễn rằng nếu đoàn thanh tra có phát hiện ra điều gì sai trái của EVN thì phải báo cáo với ông Diên trước. Nếu ông cho phép mới được công bố ra ngoài.

Chưa hết. ông Diên còn giao cho chánh Thanh tra bộ, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra. Điều này làm cho dư luận không thể không nghi hoặc cách làm việc của ông Bộ trưởng Bộ Công thương.

Dư luận hiện đang bàn tới một “âm mưu” như thế này: Dù đoàn thanh tra do ông Diên thành lập, nhưng hình như ông không tin đoàn thanh tra liên ngành sẽ ra những quyết định “hợp lòng” ông. Thế nên ông lại tiếp tục thành lập thêm một đoàn thanh tra nữa, có trách nhiệm thanh tra đoàn thanh tra EVN, để “uốn nắn” những kết luận của đoàn thanh tra EVN nếu nó khác với “ý chỉ” của lãnh đạo.

Thế nên dư luận lại “cười mếu” nói rằng, bọn chúng đánh nhau tranh giành quyền lực rồi cũng tự thỏa thuận để cùng tồn tại mà thôi. Kết quả cuộc thanh tra EVN đã được dự báo trước, đó là một kết quả làm hai lòng mọi phe phái, và EVN vẫn sẽ “một mình một chợ”, người dân tiếp tục là “con tin” của tập đoàn này, để họ “làm giá” với chính phủ.