Trên mặt trận tư tưởng, dân biểu Pháp Jean-Louis Thiériot ở trang Ý kiến của Le Figaro đòi hỏi phải có « một phiên tòa Nuremberg cho chủ nghĩa cộng sản ». Theo ông, học hỏi về lịch sử tội ác cộng sản qua sách vở là một chuyện, nghe từ chính miệng các nạn nhân lại là chuyện khác.
Trở về từ các nước Baltic, Ba Lan, Rumani, Cộng hòa Sec sau chuyến công tác của ủy ban quốc phòng, mỗi lần ông đều nghe được những lời kể tương tự từ các đồng nhiệm. Bị Liên Xô chiếm đóng, sáp nhập hay buộc gia nhập Hiệp ước Vacxava năm 1939 rồi 1945 sau khi chịu đựng nạn quốc xã, tại các nước này những chuyện kể nghe chừng quen thuộc. Một người ông bị xử bắn trong rừng ở Litva hay Latvia vì tham gia du kích, một người bà bị tra tấn trong hầm của KGB, một ông cậu bị đày sang Xibêri…Không phải là những trang sách « Quần đảo ngục tù », mà là một tấm ảnh đã ố vàng trong phòng khách.
Rất tiếc là với chủ nghĩa cộng sản, không có phiên tòa nào như với phát xít – cộng đồng quốc tế nhất trí coi đảng quốc xã và các vệ tinh là tổ chức tội phạm. Thế nên người Tây Âu không thể hiểu được sự nhạy cảm của các đồng minh Trung Âu trước mối đe dọa từ Nga. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay trên đường phố phương Tây, với những lá cờ đỏ búa liềm nơi từ những người ủng hộ Putin ; việc phục hồi Stalin và chủ nghĩa cộng sản tại Nga, cấm tổ chức phi chính phủ Memorial hoạt động…
« Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát tương lai »
Chủ nghĩa phát-xít bị toàn thế giới nhất trí lên án trong phiên tòa Nuremberg, nhưng cộng sản thì không, trong khi tính chất tội phạm quá rõ. Mỗi lần được áp dụng, tại Liên Xô với các gu-lắc và Holodomor (nạn đói do Stalin gây ra ở Ukraina), tại Trung Quốc với Mao hay Cam Bốt với Pol Pot, cộng sản đã làm cho hàng triệu người chết.
Vì sao chủ nghĩa cộng sản không bị xét xử như quốc xã ? Bức tường Berlin sụp đổ quá trễ, đa số những tên đồ tể, từ Stalin đến Mao không còn nữa để trả lời về tội ác. Theo ông Jean-Louis Thiériot Liên Hiệp Quốc lẽ ra cần nhận thấy Trung Quốc luôn xưng là cộng sản. Giải pháp có thể là thành lập một tòa án đặc biệt, nhưng vai trò của Liên Xô trước nước Đức và của những người cộng sản trong nhiều phong trào kháng chiến các nước, đã gây trở ngại.
Muộn còn hơn không, nghị quyết 1481 của Hội Đồng Châu Âu năm 2006 kêu gọi quốc tế « lên án tội ác của các chế độ cộng sản toàn trị », những tội ác núp dưới danh nghĩa « đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản ». Tác giả cho rằng cần mang lại cho nghị quyết này sức mạnh của một hiệp ước, thành một yếu tố trong quy chế Hội Đồng Châu Âu (46 nước thành viên). Như vậy mới có thể hòa giải một Tây Âu lãng quên quá khứ với một châu Âu khác đầy những vết thương chưa lành. Như Orwell đã viết trong tác phẩm « 1984 », « ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát tương lai » !