ĐỘC QUYỀN: Điều tra độc lập cho thấy các thẩm phán Tòa án Gia đình đưa trẻ em vào tình trạng nguy hiểm

Share this post on:
ĐỘC QUYỀN: Các cuộc điều tra độc lập cho thấy các thẩm phán của Tòa án Gia đình đưa trẻ em vào tình trạng nguy hiểm

Một bức ảnh không đề ngày tháng của ông Michael Haight và vợ ông, bà Tausha, cùng năm người con của họ. Ông Michael bị buộc tội sát hại cả gia đình và sau đó tự sát tại ngôi nhà của họ ở tiểu bang Utah, hôm 04/01/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của gia đình bà Tausha Haight)

HOA KỲ

Tác giả Alice Giordano

  • Thứ tư, 22/03/2023

Mục lục

  • Các thẩm phán gia đình không tuân theo pháp luật
  • Hội chứng xa lánh cha mẹ
  • ‘Họ không muốn bằng chứng’
  • Các giải pháp bao gồm cả việc đào tạo lại các thẩm phán
  • Định kiến về giới đối với phụ nữ
  • Hệ thống tòa án biến vấn đề này thành một vấn đề về giới tính
  • Khi những thiên kiến biến thành án mạng
  • 2 vụ án kinh hoàng

Các vụ sát hại ít nhất hàng chục trẻ em trong ba tháng qua đã làm nổi bật một kiểu mẫu đáng lo ngại của một hệ thống tòa án Hoa Kỳ dường như đang cố tình trao quyền giám hộ vào tay những bậc cha mẹ nguy hiểm.

Theo Center for Judicial Excellence (CJE), một tổ chức quốc gia theo dõi chặt chẽ xu hướng này, kể từ năm 2008, hơn 900 trẻ em tại Hoa Kỳ đã bị cha hoặc mẹ của các em sát hại.

Một nghiên cứu về các vụ sát nhân cho thấy nhiều trẻ em trong số này đã bị cha hoặc mẹ sát hại mà bậc cha hoặc mẹ này đã được một thẩm phán trao quyền giám hộ đơn nhất hoặc quyền giám hộ chung dù đã họ có bằng chứng chắc chắn về một sự ngược đãi trẻ em hoặc bị kết tội ngược đãi trẻ em.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng các vụ sát nhân chủ yếu do những người cha gây ra. Trong số 53 trẻ em bị sát hại kể từ năm 2022 sau khi quyền giám hộ được chuyển sang cho những người cha, 7 đứa trẻ là do những người mẹ sát hại.

Bé Sophia Berry, ba tuổi, bị cha của bé, ông Dan Hollins, sát hại hồi tháng Một sau khi một thẩm phán tòa án gia đình Colorado từ chối xem xét bằng chứng lạm dụng trẻ em. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của gia đình bé Sophia Berry)
Bé Sophia Berry, ba tuổi, bị cha của bé, ông Dan Hollins, sát hại hồi tháng Một sau khi một thẩm phán tòa án gia đình Colorado từ chối xem xét bằng chứng lạm dụng trẻ em. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của gia đình bé Sophia Berry)

Trong tháng Một và tháng Hai, bốn trẻ em ở Colorado đã bị sát hại trong các vụ sát nhân rồi tự sát do cha của các em thực hiện.

Theo tường thuật của tờ Denver Gazette mà The Epoch Times xác nhận, trong cả bốn trường hợp trên, hồ sơ tòa án cho thấy rằng các thẩm phán, không hề có giải thích nào, đã bỏ qua những lo ngại từ những người mẹ của những đứa trẻ này về sự an toàn của các em nếu quyền giám hộ được trao cho những người cha của các em.

Một trong những người mẹ đó là cô Andrea Berry. Chồng cũ của cô, ông Dan Hollins, bị cáo buộc đã sát hại đứa con gái 3 tuổi của họ, bé Sophia, và sau đó tự sát hồi tháng Hai.

Cô Berry, đến từ thành phố Elizabeth, tiểu bang Colorado, nói với tờ The Gazette rằng cô đã dành bảy tháng để cố gắng thuyết phục cảnh sát điều tra ông ấy về những cáo buộc rằng ông ấy đã lạm dụng tình dục đối với bé Sophia và sử dụng cô bé trong các hoạt động khiêu dâm trẻ em, nhưng một chỉ huy cảnh sát đã yêu cầu cô ngừng “quấy rầy” sở cảnh sát này.

Cô đã nhận được một phản ứng thậm chí còn tệ hơn từ Thẩm phán Rebecca Moss của Tòa án Gia đình Quận Douglas. Bà này đã ngụ ý rằng cô Berry sẽ mất quyền giám hộ nếu cô đưa ra bất kỳ cáo buộc lạm dụng nào. Bà Moss đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận.

Theo các tài liệu của tòa án, cô Berry cho biết bé Sophia về nhà với những vết hằn quanh mắt cá chân của bé sau khi ở cùng ông Hollins và đã kể những câu chuyện về những lần tiếp xúc mang tính tính dục với ông ấy.


Các thẩm phán gia đình không tuân theo pháp luật

Ông Barry Goldstein, một cựu luật sư và cũng là cựu giám đốc nghiên cứu quốc gia của Chiến dịch Chấm dứt Lạm dụng (Stop Abuse Campaign), nói với The Epoch Times rằng, một trong những nguyên nhân chính của xu hướng đáng lo ngại này là nạn lạm dụng trẻ em được xem giống như một vấn đề gia đình hơn là một tội phạm, và các thẩm phán của tòa án gia đình đã hiện diện để đảm nhận vai trò của nhà trị liệu thay vì là người được giao trọng trách áp dụng pháp luật.

Ông Goldstein nói: “Nếu kẻ phạm tội là một người lạ, thì người đó sẽ bị buộc tội hình sự và mục tiêu là một sự kết án.”

“Khi kẻ phạm tội đó là người mà đứa trẻ biết, đặc biệt là một người họ hàng gần, thì cuộc điều tra này được một nhân viên xã hội dẫn dắt và mục tiêu là sự đoàn tụ với kẻ phạm tội đó.”

Ông Goldstein cho biết, ở đỉnh điểm của sự thao túng tâm lý (gaslighting), các tòa án “làm mọi thứ để che giấu bằng chứng về việc lạm dụng và khiến đứa trẻ im lặng — rồi quay lại nói vì không có bằng chứng lạm dụng, nên điều đó có nghĩa là người mẹ đang mớm ý cho đứa trẻ.”

Ông Goldstein đã cho thấy hai cuộc nghiên cứu về xu hướng này: một nghiên cứu về những trải nghiệm đầy tổn thương thời thơ ấu của Phòng Phòng chống Bạo lực của CDC và một cuộc điều tra của giáo sư Daniel Saunders cho Viện Tư pháp Quốc gia về tình trạng các thẩm phán tòa án gia đình trao trẻ em cho các bậc cha mẹ bạo hành.

Ông cho biết cả hai nghiên cứu nói trên đều cung cấp bằng chứng rõ ràng về việc các thẩm phán tòa án gia đình không tuân thủ luật pháp, khiến trẻ em gặp nguy hiểm, và thiên vị những người cha bạo hành hơn những người mẹ che chở trong các quyết định về quyền giám hộ.

Ông cho biết các thẩm phán tuân theo một lý thuyết phi khoa học gọi là “hội chứng xa lánh cha mẹ.”


Hội chứng xa lánh cha mẹ

Có một cuộc tranh luận gay gắt về thuật ngữ hội chứng xa lánh cha mẹ, vốn đề cập đến sự xa lánh của một đứa trẻ khỏi người cha hoặc người mẹ do sự thao túng tâm lý của người kia.

Các nhóm như Dự án Truyền thông Tư pháp Hậu Hiện đại (Post Modern Justice Media Project) thúc đẩy lý thuyết này. Trong khi đó, những người khác nói rằng lý thuyết này được tạo ra như một vỏ bọc cho sự lạm dụng đã tồn tại trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến nói trên đều đồng tình rằng tình trạng đó thường do các sự kiện như ly hôn gây ra và không bao giờ nên bác bỏ các cáo buộc lạm dụng chỉ đơn thuần là do sự thao túng từ phía người cha hoặc người mẹ đang tố cáo.

Ông Grant Wyeth, một cây viết chuyên theo dõi cách mà các tòa án đối xử với vấn nạn bạo lực gia đình trên toàn cầu, nói rằng hội chứng xa lánh cha mẹ đang được các thẩm phán sử dụng như một “công cụ ngăn chặn tiếp cận thông tin” để tạo ra cái mà ông gọi là “một thị trường ghê tởm” cho vấn nạn lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình.

Khi phác thảo thị trường này trong một bài báo mới đây có nhan đề “Những Lợi ích Tốt nhất cho Kẻ bạo hành” (The Best Interests of the Abuser), ông Wyeth đã cho thấy liên minh của những người được tòa án chỉ định — những người ủng hộ lý thuyết hội chứng xa lánh cha mẹ.

Những người được tòa chỉ định này bao gồm các cố vấn, nhân viên xã hội, người giám hộ hợp pháp tạm thời ad litem (những người được tòa chỉ định sẽ bảo vệ quyền lợi của người không thể tự chăm sóc bản thân), nhà trị liệu đoàn tụ, cũng như các luật sư về ly hôn và quyền giám hộ.


‘Họ không muốn bằng chứng’

Luật sư Richard Ducote cho thấy rằng công việc do tòa án chỉ định này được thẩm phán tự tay lựa chọn, không giống như các phiên tòa thông thường, trong đó các bên tự chọn nhân chứng của mình.

Ông Ducote, vốn cũng lên tiếng trên toàn quốc về xu hướng ngày càng tăng về việc các thẩm phán tòa án gia đình trao quyền giám hộ cho các bậc cha mẹ bạo hành, nói với The Epoch Times rằng ông từng đại diện cho một số người mẹ bị tước quyền giám hộ sau khi bị cáo buộc là đã khiến con họ xa lánh người cha, không chỉ vì họ đã đưa ra các cáo buộc lạm dụng trẻ em, mà còn vì thực sự cung cấp bằng chứng về hành vi này.

Ông cho biết: “Các thẩm phán không muốn bằng chứng đó, vì bằng chứng đó không phục vụ cho cơ sở khách hàng của họ.”

Luật sư thuộc tiểu bang Missouri Evita Tolu nói với The Epoch Times rằng các thẩm phán tòa án gia đình, đôi khi được xem là cấp thấp nhất trong hệ thống phân cấp thẩm phán, sử dụng vị trí này như một cách để “trao thưởng cho các đồng nghiệp” và giành được các ưu đãi về chính trị, xã hội, và tài chính. Bà Tolu có tham gia vào một trong những vụ án khủng khiếp hơn về việc một thẩm phán sử dụng hội chứng xa lánh cha mẹ để mang lại lợi ích cho những người được chỉ định của tòa án.

“Suy cho cùng, tất cả các thẩm phán đều … chỉ là những luật sư giành được các chức vụ chính trị,” bà nói.

Bà Tolu hiện đang đại diện cho bà Cynthia Haynes trong vụ kiện về trường hợp tử vong bất đáng của cô con gái 14 tuổi Mikaela của bà. Cô bé đã tự tử sau khi bị tòa án buộc phải dành thời gian với cha của cô, ông Charles Haynes, bất chấp những tiền án và lời thú nhận của ông ấy về việc cưỡng gian chị gái của Mikaela.

Mikaela nhiều lần nói với Thẩm phán John Schok rằng cha của cô cũng đã lạm dụng tình dục bản thân cô, nhưng ông Shock vẫn ra lệnh giao cô bé chịu sự giám hộ của bà Bernice Haynes, bà nội của Mikaela. Ông Schok đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận.

Không có gì trong hàng trăm tài liệu liên quan đến vụ án này cho thấy lý do tại sao bà Cynthia Haynes lại mất quyền giám hộ Mikaela, ngoại trừ một cáo buộc về “hội chứng xa lánh cha mẹ” đối với cô bé vì đã nêu lên vấn đề về những lạm dụng trong quá khứ của ông Charles Haynes.

Em Mikaela Haynes, 14 tuổi, đã tự sát sau khi một thẩm phán tòa án gia đình ra phán quyết rằng cô bé phải sống với cha mình, người đã thừa nhận lạm dụng tình dục chị cả của cô bé.
Em Mikaela Haynes, 14 tuổi, đã tự sát sau khi một thẩm phán tòa án gia đình ra phán quyết rằng cô bé phải sống với cha mình, người đã thừa nhận lạm dụng tình dục chị cả của cô bé.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã trưng tập một nhóm đặc biệt để nghiên cứu về sự bại hoại của tòa án gia đình trên toàn cầu. Nhóm này đã dành một năm để thu thập và nghiên cứu các trường hợp và hồi tháng 10/2022 đã công bố những phát hiện và khuyến nghị của nhóm.

Họ kết luận rằng thuật ngữ “hội chứng xa lánh cha mẹ” và “các thuật ngữ tương tự” đang được sử dụng một cách có hệ thống để tước bỏ quyền giám hộ của những người mẹ và trao quyền đó cho những người cha bị buộc tội bạo hành gia đình” theo một cách “hoàn toàn không quan tâm đến những rủi ro tiềm ẩn đối với đứa trẻ đó.”

Báo cáo nói trên đã quyết định xu hướng này là một phần của việc “tiếp tục nắm quyền và kiểm soát” của các hệ thống tòa án gia đình.


Các giải pháp bao gồm cả việc đào tạo lại các thẩm phán

Một số nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết vấn đề này, và có cả luật đang chờ giải quyết ở một số tiểu bang nhằm ngăn các thẩm phán tòa án gia đình đưa ra các phán quyết khiến trẻ em gặp nguy hiểm.

Ông Goldstein đã soạn thảo luật, được gọi là Đạo luật An toàn cho Trẻ em (Safe Child Act), mà ông đang cố gắng để cho luật này được thông qua ở mỗi tiểu bang.

Theo đó, các thẩm phán tòa án gia đình sẽ được đào tạo lại về vấn đề bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em, không được loại trừ bằng chứng, và bị cấm tự ý ra lệnh cho trẻ em trải qua điều trị sức khỏe tâm thần vốn khiến các em phải ở trong một mối liên hệ với một người cha hoặc mẹ bạo hành.

Một số tiểu bang, chẳng hạn như North Carolina, đã thông qua Đạo luật An toàn cho Trẻ em hoặc một phiên bản của đạo luật này, chẳng hạn như Luật Kyra và Luật Kayden, mỗi luật được đặt theo tên của một bé gái bé bỏng bị cha sát hại sau khi một thẩm phán tòa án gia đình phớt lờ những lời cảnh báo rằng đứa trẻ đó sẽ không được an toàn khi ở cùng ông ấy.

Bé Kyra Franchetti, 2 tuổi, đã bị cha của bé sát hại. Các nhà chức trách cho biết ông này đã bắn hai phát súng vào lưng cô bé trong một chuyến thăm không có sự giám sát, theo lệnh của tòa án, vào ngày 27/07/2016. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của tổ chức Kyra Franchetti Foundation)
Bé Kyra Franchetti, 2 tuổi, đã bị cha của bé sát hại. Các nhà chức trách cho biết ông này đã bắn hai phát súng vào lưng cô bé trong một chuyến thăm không có sự giám sát, theo lệnh của tòa án, vào ngày 27/07/2016. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của tổ chức Kyra Franchetti Foundation)

Vào ngày 27/07/2016, bé Kyra Franchetti, 2 tuổi, đã bị cha của bé sát hại. Các nhà chức trách cho biết ông này đã bắn hai phát súng vào lưng cô bé trong một chuyến thăm không có sự giám sát, theo lệnh của tòa án.

Ở một số tiểu bang, các nhà lập pháp đã giới thiệu các dự luật nhằm ngăn chặn các thẩm phán đi lệch khỏi luật lạm dụng trẻ em.

Ở New Hampshire — nơi có một số dự luật cải tổ do Đảng Cộng Hòa dẫn đầu đang chờ giải quyết chống lại các tòa án gia đình của tiểu bang này — hai quy tắc đã làm dấy lên lo ngại đặc biệt rằng tòa án ở đó đang cố tình phớt lờ các quyền hiến định.

Quy tắc thứ nhất, Quy tắc 1.2 của Bộ phận Tòa án Gia đình New Hampshire, nêu rõ, “Khi có lý do chính đáng và theo yêu cầu của công lý, bộ phận gia đình này có thể miễn trừ việc áp dụng bất kỳ quy tắc nào, trừ trường hợp bị pháp luật cấm.”

Quy tắc thứ hai, Quy tắc 2.2, nêu rõ rằng Quy tắc Chứng cứ của New Hampshire không áp dụng cho các hành động của các tòa án gia đình.

Quy tắc này nêu rõ, “Tuy nhiên, bằng sự suy xét thận trọng của mình, tòa án có thể sử dụng Quy tắc Chứng cứ của New Hampshire để nâng cao khả năng trình bày bằng chứng có thể dự đoán được, có trật tự, công bằng, và đáng tin cậy.”


Định kiến về giới đối với phụ nữ

Cả hai quy tắc đã được thông qua bởi chính những tòa án này. Dân biểu tiểu bang J.D. Bernardy, cũng là một luật sư, gọi những quy tắc này là có vấn đề, khi nói rằng chúng gây trở ngại cho các quyền hiến định căn bản đối với quy thức pháp lý và một phiên xét xử công bằng.

“Việc cung cấp bằng chứng trước phiên xét xử, tiếp cận các nhân chứng, và tính kịp thời có thể hoàn toàn phụ thuộc vào họ,” ông nói. “Một tiến trình công bằng và rõ ràng là điều quan trọng trong bất cứ việc gì, nhưng điều đó đặc biệt quan trọng khi liên quan đến con của một người trong sổ ghi án của tòa án.”

Ông Ducote và những người ủng hộ khác, chẳng hạn như ông Goldstein và ông Wyeth, đều nhấn mạnh rằng thái độ cũng cần được thay đổi trong toàn hệ thống này, bắt đầu từ sự thiên vị giới chống lại phụ nữ.

Ông Ducote nói: “Bất cứ ai gọi vấn đề này là ‘kỳ thị nam giới’ đều đang tự dối mình.”

Bà Anne Marie Weisman nói với The Epoch Times rằng ngay sau khi một sĩ quan cảnh sát kỳ cựu làm chứng về việc con gái bà bị cha mình ngược đãi, một thẩm phán tòa án gia đình ở New Hampshire đã tiến hành ban bố một lệnh bí mật cho phép người cha có toàn quyền giám hộ và được phép đưa đứa trẻ đi học mà bà Weisman không hề hay biết.

Ông Goldstein cho biết vấn đề này “đúng là tràn lan như thế.”

Ông nói rằng trong các trường hợp có xung đột gay gắt về quyền giám hộ liên quan đến ngược đãi trẻ em, các thẩm phán “đều sai gần như 100%.”


Hệ thống tòa án biến vấn đề này thành một vấn đề về giới tính

Tất cả những người ủng hộ này đều đồng ý rằng hầu hết những người cha trong các cuộc tranh chấp quyền giám hộ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc làm hại con mình và có những trường hợp người mẹ là kẻ bạo hành.

Bà Tolu cho biết hệ thống tòa án gia đình chịu trách nhiệm chính trong việc biến ngược đãi trẻ em thành một vấn đề giới tính. Bà cho biết bà đã bị buộc tội thúc đẩy những luận điệu sai lệch về sự ghét bỏ phụ nữ chỉ bằng cách đại diện cho các nạn nhân của hành vi này.

Bà cho biết, “Thật buồn cười khi kiểu chỉ trích này lại không xuất hiện khi đó là câu chuyện về một linh mục hoặc một thủ lĩnh hướng đạo lạm dụng tình dục các cậu bé.”

Một số tổ chức quốc gia cũng đã kêu gọi loại bỏ quyền miễn trừ tuyệt đối cho các thẩm phán.

Ông Keith Neely, một luật sư của Viện vì Công lý (Institute for Justice), nói với The Epoch Times: “Thật không may, lịch sử cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể dựa vào hệ thống phân chia quyền lực cân bằng của chính phủ để buộc các thẩm phán phải chịu trách nhiệm.”

Hồi đầu năm nay, tổ chức pháp lý này đã bắt đầu một chiến dịch quốc gia chống lại quyền miễn trừ tư pháp. Ông Neely nói rằng khi các thẩm phán làm điều gì đó nghiêm trọng như đẩy đứa trẻ đến chỗ tuyệt mạng, họ hầu như nhận được hình phạt nhẹ nhờ quyền miễn trừ mà họ được hưởng.

Ông Stephen Gillers, một giáo sư luật từng diễn thuyết trên toàn quốc về việc loại bỏ quyền miễn trừ tuyệt đối dành cho các thẩm phán, nói rằng thông lệ “các thẩm phán đánh giá các thẩm phán làm suy yếu khả năng của hệ thống trong việc ngăn chặn các hành vi sai trái trên ghế quan tòa.”

Một số bậc cha mẹ cũng đang đệ đơn kiện một số người được tòa chỉ định. Bà Tolu là người đầu tiên giành được sự chấp thuận của một thẩm phán liên bang để khởi kiện dân sự chống lại người đại diện quyền lợi của bị đơn hay người giám hộ hợp pháp tạm thời (guardian ad litem, GAL) trong một vụ tranh chấp về quyền giám hộ.

Hôm 02/03, sáu bà mẹ đã một đệ đơn kiện tập thể chống lại một thẩm định viên Colorado, cáo buộc rằng ông này cố tình che giấu bằng chứng lạm dụng trẻ em và đề nghị trao quyền giám hộ cho những người cha bạo hành.


Khi những thiên kiến biến thành án mạng

Việc một người cha ở tiểu bang Utah gần đây bị cáo buộc sát hại năm người con của mình cùng mẹ của các em là một ví dụ về những hành vi lạm dụng như vậy.

Thoạt nhìn, ông Michael Haight trông giống như một người cha quẫn trí, người đã sát hại cả gia đình mình một cách khó hiểu, rồi sau đó tự sát. Vụ xả súng bạo lực này xảy ra sau khi vợ ông, bà Tausha Haight, đệ đơn ly hôn.

Những người bạn của ông Haight kể lại rằng ông ấy là một người đàn ông biết yêu thương gia đình, là người đã huấn luyện các môn thể thao của đội Little League.

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn vụ sát nhân hàng loạt này cho thấy ông Haight đã từng hành hung vợ con trong một thời gian dài nhưng vẫn kiểm soát được khuynh hướng nóng nảy này. Theo hồ sơ của cảnh sát, các cáo buộc về vụ lạm dụng này được báo cáo từ năm 2017.

Như các hồ sơ ghi chép lại cho thấy, cô con gái đầu lòng của ông Haights, bé Macie, kể lại rằng cha em đã bóp cổ, quăng quật em vào những vật cứng như phần lưng gỗ của một chiếc ghế trường kỷ.

Bé gái này kể lại việc cha em đã dùng những lời nói thô bạo để công kích mẹ em, và cách cha em lấy điện thoại di động để kiểm tra các tin nhắn văn bản của mẹ.

Vụ án này được giao cho các công tố viên của tòa án, nhưng ông Haight không bao giờ bị buộc tội. Hồ sơ cho thấy khi ông Haight được hỏi về sự ngược đãi đó, ông này hoàn toàn phủ nhận điều đó.

Hai tuần sau khi bà Tausha Haight đệ đơn ly hôn, ông Michael Haight bị cáo buộc đã sát hại bà và các con của họ: Macie 17 tuổi, Briley 12 tuổi, cặp song sinh 7 tuổi Sienna và Ammon, và Gavin 4 tuổi.


2 vụ án kinh hoàng

Một tài khoản GoFundMe bắt đầu dưới tên của bà Tausha đã vượt qua mốc 100,000 USD hồi tháng Một.

Ngay trước khi xảy ra vụ sát hại gia đình Haight, bé Angelique, 12 tuổi, đã bị cha em, ông Leonard Ahearn, bắn. Vụ việc xảy ra sau khi một thẩm phán tòa án gia đình ở Tennessee trao quyền giám hộ cho ông ta mặc dù các vụ lạm dụng trẻ em trong quá khứ đủ nghiêm trọng để ra một trát lệnh cấm tiếp xúc.

Giữa hai vụ án kinh hoàng đó là vụ sát hại hai bé Cameron Lynn 8 tuổi và Audrey Jane 6 tuổi dưới tay cha của các em, ông Adam Zipperer, ở Fort Collins, Texas.

Cả ba vụ án trên đều diễn ra trong cùng một tháng với một phán quyết trong phiên tòa xét xử tội sát nhân của ông Michael Valva, người đã sát hại cậu con trai Tommy, 8 tuổi của mình, sau khi một thẩm phán tòa án gia đình ở New York phớt lờ những lời cảnh báo của mẹ cậu bé và trao cho người cha này toàn quyền giám hộ.

Vụ sát hại này xảy ra chỉ vài tháng sau khi chính phủ liên bang thông qua Luật Kayden, được đặt theo tên của một bé gái bị cha mình là ông Jeffrey Mancuso, đánh đến tử vong bằng quả tạ.

Một thẩm phán tòa án gia đình đã trao quyền giám hộ chung cho ông Mancuso mặc dù có bằng chứng cho thấy ông này là một mối nguy hiểm cho con gái mình.

Trẻ em không phải là những người duy nhất gặp nguy hiểm.

Theo gia đình bà Esmeralda Casillas, 36 tuổi, bà đã khai báo với một tòa án gia đình rằng chồng bà đã nhiều lần đe dọa bà và các con trai bằng súng. Tuy nhiên thẩm phán vẫn cho phép người cha được chia sẻ quyền giám hộ.

Hồi tháng 11/2022, tại Los Angeles, ông Salvador Velasquez đã bắn tử vong bà Casillas trước mặt hai đứa con trai sinh đôi của bà.

Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

share iconCHIA SẺ