Giới thiệu hai tác phẩm dịch thuật “Than Hồng Chiến Cuộc” và “Việt Nam Đại Bi Kịch” của Phan Lê Dũng – Đỗ Hiếu

Share this post on:

                                                Đỗ Hiếu

Buổi ra mắt hai tác phẩm “Than Hồng Chiến Cuộc” & “Việt Nam Đại Bi Kịch” do “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” xuất bản được tổ chức vào sáng thứ bảy 29 tháng 10, 2022 tại studio Phạm Bội Hoàn VATV (Vietnamese American Television) thành phố Falls Church, Virginia. Ban Tổ Chức có nhà văn Uyên Thao Vũ Quốc Châu, nhà văn Trịnh Bình An và nhà báo Võ Thành Nhân.

“Than Hồng Chiến Cuộc, Cội Nguồn & Diễn Biến Cuộc Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975”, nguyên tác “Embers Of War” dày 854 trang của Fredrick Logevall và “Việt Nam Đại Bi Kịch 1945-1975” chuyển ngữ từ “Vietnam: An Epic Tragedy”, dày 880 trang của ký giả người Anh, Max Hastings do Phan Lê Dũng dịch thuật.

Phan Lê Dũng chào đời ở Saigon, vượt biên năm 1978 lúc 13 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ 1980, tốt nghiệp kỹ sư điện, đại học Connecticut 1986,  từng cộng tác với báo Văn và Làng Văn.

Chương trình bắt đầu với nghi thức chào quốc Kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Phút Mặc Niệm do MC Đào Hiếu Thảo phụ trách. Nhà báo Võ Thành Nhân, Quản Lý Studio Phạm Bội Hoàn (VATV) chào mừng quan khách và nói về việc chuẩn bị, sắp đặt của Ban Tổ Chức suốt hai tháng cho buổi ra mắt hai tác phẩm này.

Nhà báo Đào Trường Phúc, nguyên Chủ Bút tuần báo Phố Nhỏ giới thiệu nhà xuất bản “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” đến nay đã tồn tại 22 năm mặc dù phải đương đầu với rất nhiều gian nan, trở ngại, tuy nhiên vẫn đứng vững là nhờ sự ủng hộ nhiệt thành và tự nguyện của quý văn hữu, đọc giả khắp bốn phương và vì tấm lòng của chúng ta đối với Quê Hương đã gánh chịu vô vàn oan khiêng nhưng mãi mãi vẫn tràn đầy sức sống. Mới đây, các bằng hữu đã chúc mừng sinh nhật thứ 90 của nhà văn Uyên Thao đúng vào thời điểm thư mục của “Tiếng Quê Hương” đạt tới số 90 ấn phẩm đủ các thể loại. Ngay từ khi đến định cư tại Hoa Kỳ, nhà văn Uyên Thao đã thành lập một nhà xuất bản phát hành những tác phẩm nói lên thực trạng của Đất Nước bị cộng sản thống trị bằng bạo lực từ 1945.

Nhà văn Uyên Thao, nguyên công chức tại Đài Phát Thanh Saigon, Bộ Dân Vận & Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng tư đen 1975 ông bị giam cầm gần 11 năm qua nhiều trại lao động khổ sai, đã  trình bày lý do “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” tổ chức buổi giới thiệu sách hôm nay. “Than Hồng Chiến Cuộc” của tác giả Fedrick Logevall đoạt giải Pulitzer năm 2013. Ông là giáo sư Sử Học, Quốc Tế Học tại đại học Cornell. Tác phẩm này là một công trình sưu khảo quốc tế khám phá về chiến tranh Việt Nam làm thay đổi hẳn suy nghĩ của người đọc vì là một tổng hợp  rành mạch, hoàn hảo có nhiều chứng cứ cụ thể.

Dịp này, ông Uyên Thao đã nhắc lại những thảm cảnh bi đát, tàn bạo mà người dân Miền Nam Việt Nam phải gánh chịu sau tháng tư năm 1975 qua những hành động bắn giết dã man của Việt Cộng nhắm vào những chiếc thuyền mong manh vượt biển tìm tự do…và có người phải ăn thịt người chết  trên cùng thuyền để cầm hơi, sống sót !  

Nhưng những kẻ bất lương trong giới cầm quyền, cầm bút muốn đổi trắng thay đen, lừa gạt dư luận suốt nửa thế kỷ qua, đó là chứng cứ vùi dập sự thật đối với những ai muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Với hàng triệu oan hồn, uổng tử trôi dạt trên biển cả, vùi thây giữa rừng sâu thì sự bưng bít, xảo trá là mũi dáo tàn ác đâm sâu vào con tim uất hờn của những người còn sống. Có người treo cổ tự vẫn hay tự đâm vào tim mình tại trại tỵ nạn Hồng Kông khi biết sắp bị trả về Việt Nam.

Câu hỏi là chúng ta có thể tiếp tục lặng thinh như đã từng lặng thinh suốt nửa thế kỷ qua mặc cho tiếng nói bất lương cứ cố tình cất lên mãi không?

Nhà báo Nguyễn Thành Công, thành viên VATV, phụ trách chương trình “Người Việt Trên Đường Tỵ Nạn” giới thiệu sách “Than Hồng Chiến Cuộc”. Cuốn sách này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những gì còn thắc mắc, hoài nghi. Ông nói, theo tác giả Fredrick Logevall, động lực khiến ông thực hiện tác phẩm sưu khảo đồ sộ này vì dầu cuộc chiến Việt Nam là đề tài có nhiều nghiên cứu, phân tích, tranh luận nhưng chưa có cuốn sách nào viết lại toàn bộ câu chuyện bắt đầu ra sao… “Than Hồng Chiến Cuộc” cố gắng viết về lịch sử như thế.

Tác phẩm này giúp cho người đọc nhận ra, sự thắng thua trong cuộc chiến Việt Nam đã không được quyết định trên chiến trường miền Nam Việt Nam, bối cảnh cuộc chiến, không chỉ giới hạn là một cuộc nội chiến hay cuộc chiến ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc… và kết thúc của cuộc chiến là hệ quả của “cách người Mỹ nhìn Cuộc Chiến Việt Nam” được định đoạt từ các cuộc đàm phán, mật ước giữa những nhà lãnh đạo siêu cường tại Washington, Paris, Bắc Kinh hay Moscow…

Phóng viên Destiny Nguyễn, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Richmond, Virgina, Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa giới thiệu “Việt Nam Đại Bi Kịch. Cô nói, sau gần 50 năm cuộc chiến chấm dứt, nhiều ký giả chiến trường hoặc đã nằm xuống như Bernard B. Falls, hoặc lặng lẽ khóa kín ký ức để ra đi trong cô đơn như ký giả Nguyễn Tú. Một số đã xông pha vào các cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới và chẳng bao giờ viết gì thêm về cuộc chiến Việt Nam. Nhưng có một số nhỏ đã chọn cách viết lại cuộc chiến theo chiều sâu của cái nhìn cá nhân. Sau một đời lăn lộn, ký giả Max Hastings đã chọn cách viết về Việt Nam qua những câu chuyện ông không thể quên: về Cái Chết, về Tù Đày và về Đời Sống của những nạn nhân chiến cuộc.

Thay vì mô tả cuộc chiến Việt Nam qua lăng kính Ý Thức Hệ, Max Hastings đã chọn mô tả cảm xúc của những người trong cuộc ở những phút giây đau xót nhất của cuộc đời. Tù binh Doug Ramsey đã dọn mình trước khi chết và năn nỉ: “Xin cho tôi 1 tiếng đồng hồ để viết lá thư cuối cùng cho cha mẹ.” Tù binh Trần Ngọc Huế, Đại Đội Trưởng Hắc Báo, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, khi linh cảm rằng mình không bao giờ trở lại, đã thiết tha nhờ cố vấn Mỹ: “Nhận các con ông làm con nuôi.” Cô Nguyễn Thị Chinh đã khóc trong suốt chuyến bay vào Nam, và còn âm thầm khóc trong nhiều năm sau nữa mỗi khi nhớ lại cảnh bị cha cô xô vào máy bay, khi ông quyết định ở lại trên đất Bắc. Ông Nguyễn Cửu, cha cô, chủ một gia đình khá giả, đã phải đi ăn xin để sống khi con ông trở thành đại tài tử Kiều Chinh ở Miền Nam. Đặng Thùy Trâm đã mơ chỉ một giấc mơ thật giản dị: “Ngày Hòa Bình” trước khi nhận một viên đạn vào trán…

Đến đây, dịch giả Phan Lê Dũng cám ơn sự hiện diện, ủng hộ của quan khách, sự tiếp tay, góp ý của các thành viên “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” đặc biệt là nhà văn Uyên Thao nhắc nhở người dịch về các thuật ngữ hành chánh, quân sự và thời điểm lịch sử.  

Ông Quốc Thái Đinh Hùng Cường, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington DC, MD & VA điều hợp phần quan khách trao đổi, góp ý và giải đáp thắc mắc với dịch giả Phan Lê Dũng.

Sau lời cảm tạ của nhà văn Trịnh Bình An, Đại Diện Ban Tổ Chức và tiệc trà thân mật chương trình kết thúc lúc một giờ trưa.

Sinh hoạt này được các đài truyền hình Hoa Thịnh Đốn,  VATV,  VOA, Đài Việt Global TV/ California, báo Thương Mãi Miền Đông VA ghi nhận và phổ biến trên các Diễn Đàn Người Việt Quốc Gia qua Facebook & YouTube.

                                                          Th2