Hiện tượng Nguyễn Phú Trọng và tình trạng dân tộc Việt nam (Bài 3) – VNTB

Share this post on:

09.03.2023 4:12

VNTB – Hiện tượng Nguyễn Phú Trọng và tình trạng dân tộc Việt nam (Bài 3)

Nguyễn Chính Nghĩa

(VNTB) – Ở những con người như ông Trọng do loại hình thần kinh bị phân xẻ cho nên với ông thực tế vẫn là thực tế mù quáng, còn lý thuyết vẫn là lý thuyết suông

Trong phần 1 đã cho thấy sự khác biệt rất rõ ràng trong tư tưởng của 3 triết gia hay nhà cách mạng được gộp dựng để cho ra một học thuyết có tính chất cách mạng của riêng người Bolsevich Nga để tạo nên một thế giới lấy nước Nga làm trung tâm mà họ gọi bằng một từ mĩ miều là ‘chống áp bức, bóc lột’, để xây dựng một thế giới mới chỉ có công hữu nên hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn công bằng. 

Đó là một sự hoàn hảo của thế giới, nhưng đáng tiếc là sự hoàn hảo không tồn tại trên thế giới này. Ước mơ tiến đến một xã hội mà ở đó con người làm theo năng lực nhưng lại hưởng theo nhu cầu thật là viển vông chỉ có trong chuyện cổ tích theo lối đọc thần chú ‘vừng ơi mở ra’… Ông Trọng thuộc loại người cổ xưa với sự mất cân bằng của hai yếu tố tình cảm và lý trí mà theo quan điểm của Freud khi một cái tăng lên thì cái kia giảm đi hay nó bị phân xẻ, không đồng nhất. 

Chúng ta có thể tổng kết được những nét đặc trưng của con người qua các thời đại bởi một chân lý của Marx, cái mà làm nên sự vĩ đại của ông ta, nhưng đáng tiếc là cảm xúc của ông lúc còn trẻ trở nên quá cực đoan dẫn ông đến những suy luận hoàn toàn xa lạ với thực tế mà chính điều đó lại trái ngược trở lại với Phép Biện chứng duy tâm của Hegel mà ông đã lấy làm nền tảng cho triết lý của mình, tuy rằng lúc về già do thực tế bày ra trước mắt ông có nhận ra nhưng đã quá muộn ông đành để như vậy nhưng không theo đuổi tiếp tục. 

Câu triết lý của Marx là, thực tại của sự sống xác lập ý thức của con người. Nhưng đáng tiếc là người CSVN đã hiểu sai hoàn toàn câu triết lý này thành, vật chất quyết định ý thức. Điều này có thể đã sai ngay từ người CS Nga khi họ dịch từ tiếng Đức, tiếng mẹ đẻ của Marx sang tiếng Nga chỉ bởi sự nhìn nhận của Marx là sai căn bản, rằng tất cả mọi cái trên đời này hoàn toàn chỉ là vật chất. 

Thời đại của Marx người ta chưa hiểu rõ quá trình lượng tử (quantum) trong vật chất mà ngày nay người ta biết rằng có tồn tại hiện tượng lượng tử sinh học, những cái như thế này chẳng thể qui nó vào là vật chất được vì nó tồn tại ở dạng sóng hay hạt không nhất định. Chúng ta có thể tưởng tượng được người thời trước có cuộc sống khổ sở vì nhiều thứ, do trình độ phát triển của vật chất chưa cao và bệnh tật vì khoa học lẫn y học chưa được như ngày nay, chứ không hề sung sướng như ngày nay. Chính vì thế mà chứng suy nhược tinh thần (depression) ở họ rất sẵn mà các nhà chuyên môn Việt Nam gọi bằng từ trầm cảm không sát nghĩa lắm vì có sự khác biệt của đặc tính và tâm trạng giữa người Âu và người Á. 

Vì chứng suy nhược tinh thần này của những người đi trước mà các nước từ Nga đến TQ và VN đều sai lầm trong cách thức tổ chức Nhà nước, không theo cái nguyên lý cội nguồn mà Hegel đã nhận ra là một sự đấu tranh xã hội công bằng trong một cộng đồng của những con người có quyền lợi không đồng nhất. Nói cho đúng ra nó tồn tại theo trạng thái tự nhiên của bản thân sự vật trong sự tự biến đổi của nó do đấu tranh xã hội diễn tiến theo sự tiến hóa của lịch sử mà ra với văn hóa chấp nhận nhau cùng tồn tại. 

Điều ấy từ những thế kỷ trước ở Phương Tây là sự đấu tranh giữa những người có địa vị thấp và cao mà biểu hiện đặc trưng đầu tiên là bản Đại Hiến chương (Magna Carta) từ nước Anh năm 1215 trong đó qui định quyền của kẻ cấp dưới một cách rõ ràng. Do sự phát triển của sản xuất công nghiệp mà ở các thành phố dần tạo ra tầng lớp công nhân đông đảo mà những người trí thức thời đó đã sáng tạo ra trào lưu tư tưởng mà họ gọi là Cấp tiến hay cánh tả, lấy việc đấu tranh cho quyền lợi của họ cùng sức mạnh của họ một cách ôn hòa, chính đáng trong đó nòng cốt là các nghiệp đoàn công nhân. 

Ông Nguyễn Tất Thành ngày trước đã theo trào lưu này của đảng XHCN Pháp, sau nó chuyển sang trào lưu Cộng sản đấu tranh giai cấp cực đoan mà ngày nay ở hầu hết các nước đảng này không được quần chúng ủng hộ nhiều chỉ còn khoảng một vài phần trăm phiếu bầu. Để đối trọng với trào lưu này giới làm ăn tư hữu đã hình thành nên các Hiệp hội kinh tế mà trong đó Liên hiệp nông dân là mạnh nhất vì có số lượng đông đảo nhất và trào lưu này gọi là Bảo thủ hay cánh hữu, không bao giờ chấp nhận quan điểm quốc hữu hóa nền kinh tế của Marx. 

Biểu thị đặc trưng của các trào lưu này là đảng Dân chủ Mỹ cánh tả luôn thắng ở những thành phố lớn như California hay New York nơi có giai cấp công nhân đông đảo. Ngược lại đảng Cộng hòa cánh hữu của giới Tư bản luôn thắng ở những vùng quê hay những nơi ít công nghiệp, ít số lượng công nhân lại có số lượng nông dân và người làm ăn tư hữu cùng công chức Nhà nước đông đảo. 

Ở các nước khác cũng tương tự như vậy. Nếu như giới trí thức Việt nam biết nhận thức ra thực tại ở nước ta ngày nay cũng giống như ở các nước Âu Mỹ những thế kỷ trước chắc chắn họ sẽ vận động để hình thành nên các trào lưu như vậy vì nó có sức mạnh từ những khối công dân như thế có quyền lợi không đồng nhất. Nó có thể nảy sinh ngay trong đảng Cộng sản, biết dựa trên những sức mạnh ấy để bảo vệ cho quyền lợi riêng của mình hài hòa với quyền lợi của khối công dân làm nòng cốt cho họ. 

Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra với trình độ ý thức của họ được nâng cao mà họ luôn coi những nhận thức này là cốt lõi trong hoạt động của họ bất kể là thế nào vẫn trung thành với lý tưởng mà họ đã chọn như ở người Âu châu. Lý tưởng ở đây là, với người Bảo thủ coi sự giàu có của một cộng đồng là chìa khóa để giải quyết tất cả mọi vấn đề của xã hội nên khuyến khích ra đời các Công ty tư nhân với thuê ́ thấp và lương nhân công vừa phải, phù hợp với loại hình lao động. 

Ngược lại người Cấp tiến lấy việc phân phối lợi tức xã hội là chính yếu mà họ coi là công bằng nên họ thường đánh thuế cao để chia sẻ bớt sang cho công nhân. Ở nhiều nước phần nào họ cũng đề cao tư tưởng của Marx nên luôn kêu gọi cải thiện tiền lương của giới lao động. Cả hai trào lưu đều có cái tốt riêng của nó và nó luôn tồn tại không phân thắng bại. Nó vừa duy trì được cái cũ lại vừa phát huy được cái mới phù hợp với thời đại mà qui luật phủ định của phủ định trong Phép Biện chứng Hegel đã không còn đúng khi trình độ ý thức của con người đã lên cao theo thời đại. 

Điều ấy có nghĩa là khi chất đã biến đổi thì nó có thể phá vỡ quy luật cũ của sự vật. Chỉ có ở nước Venezuela phe Cấp tiến thắng thế dẫn đến tai họa cho dân tộc mà biến thành cấp lùi. Ranh giới giữa Bảo thủ và Cấp tiến ở các nước Âu Mỹ ngày nay không còn lớn như trước nữa. Có nhiều người Cấp tiến lại trở thành Tư bản nhưng họ vẫn trung thành với lý tưởng của họ vì các định hình trong xã hội đã hoàn toàn vững chắc. Có đôi khi phái Bảo thủ nắm quyền nhưng do những nguyên nhân nào đó họ vẫn đánh thuế thêm vào với nhà giàu mặc dù là khối công dân nòng cốt của họ, những ví dụ như có ôtô cũng được gọi là nhà giàu và tăng thuế đường bộ với nó….

Cũng đúng theo với chân lý của Marx, thực tại của sự sống xác lập ý thức của con người, thì ngày nay ở VN thực tại đã thay đổi mà nền tảng của nó là nền kinh tế, nhưng cấu trúc chính trị-xã hội vẫn giữ nguyên như trước. Con người trong hệ thống phải khuất phục hệ lụy cũ trong khi bản năng thúc giục họ phải giàu như giới tư bản vì họ ở đẳng cấp cao hơn giới này. Bởi vậy tham nhũng tập thể có tính hệ thống là kết quả có thể thấy được bởi ý thức của họ được xác lập từ thực tại của sự sống rằng họ đứng trên mọi người, chẳng ai kiểm soát được họ vì họ ăn theo tập thể. Xã hội trở thành đồi bại với văn hóa tham nhũng và lường gạt nhau để làm giàu. 

Một ví dụ điển hình như đóng tàu vỏ sắt để đối phó ngư dân TQ ở Biển Đông lại thành sắt rởm, tiền mất tật mang. Tất cả những điều này với ông Trọng là nhỏ, chỉ cần đảng của ông với cái nhãn mác cũ cùng những kẻ cơ hội tồn tại vô nghĩa là được vì mục tiêu theo ông đến hết thế kỷ này chưa chắc đã đạt được, còn trong hiện tại nó là một Nhà nước hoàn toàn không có tính chất xã hội. 

Từ CNXH ở họ chỉ là hô khẩu hiệu xuông, nhưng họ cứ mãi nhầm lẫn là đảng của họ còn đang nắm quyền có nghĩa là đang có hay sẽ có CNXH, trong khi chẳng mấy người tha thiết với lý luận theo lối ‘dạ cổ hoài lang’ hay hoài cổ như ông Tổng lệ ngày nay của nước nhà. Ông Trọng chỉ còn căn cứ vào tên Nước do những người đi trước vì chứng suy nhược đã đặt cho nó trong ảo tưởng. Nền tảng để kiến lập nên nước là nền kinh tế đã thay đổi khi kinh tế tập thể đã hoàn toàn thất bại qua nhiều thời kỳ, dưới nhiều hình thức cùng đảng của ông với những con người không có lý tưởng tồn tại. Họ biết rõ nó không tồn tại. Nó đã chết ở những nước văn minh hơn thì chẳng có lý gì có thể tồn tại ở VN như thể lịch sử đi thụt lùi, cái mà ông coi là chân lý bất diệt. 

Bất diệt như con người ông vì đại đa số người Việt đến ngày nay vẫn mang tập quán tôn sùng thủ lĩnh từ hàng ngàn năm trước, không phải là vua thì là một kiểu thủ lĩnh giống như vua của một tập đoàn dưới cái mác là đảng nhưng lý tưởng thì hoàn toàn trống rỗng vì nó không tồn tại. Không như ở các nước tự do phát triển với lý tưởng của họ là tương đối trong sự liên đới dân tộc nên dẫu chính quyền liên bang hay của một tiểu bang lên thay mới họ vẫn sử dụng tiếp tục người có khả năng không có đảng đã làm việc cho chính quyền cũ. Họ cũng không quá thiên vị đảng phái như người CS. Một Nhà nước ổn định và vững mạnh cũng từ việc đề cao giá trị con người nhất là của những người có tài.

Những cái nhầm lẫn kinh điển của ông Trọng vẫn tồn tại theo với những người CS lớp trước vì ông chỉ căn cứ theo từ ngữ một cách máy móc. Điều này tồn tại ở những loại hình thần kinh nhất định như ở những người có sự phân xẻ về ý thức. Ở họ thiếu đi những liên kết cần thiết để tạo ra loại hình ý thức khác đi như tương quan tổng thể giữa lý thuyết và thực tế mà triết gia Kannt ngày trước đã từng phê phán, thực tế mà không có lý thuyết là thực tế mù quáng, lý thuyết mà không có thực tế là lý thuyết suông

Ở những con người như ông Trọng do loại hình thần kinh bị phân xẻ cho nên với ông thực tế vẫn là thực tế mù quáng, còn lý thuyết vẫn là lý thuyết suông mà ông đã phải ca thán về hiện tượng ‘nhạt đảng, khô đoàn, xa rời lý tưởng‘. Lý tưởng của ông chỉ tồn tại như một loại ‘cháo đá’ mà họ phải chờ mãi không biết bao giờ mới có cho nên đơn giản là cứ cháo thật mà ăn. 

Quan niệm căn bản ở Phương Tây là tốt, xấu cùng tồn tại nhưng người ta vẫn phân biệt rõ ràng đâu là tốt, đâu là xấu và người ta bao dung, độ lượng trong chuyện ấy bởi họ quan niệm không có gì là hoàn hảo cả, con người cũng vậy, chẳng ai là hoàn hảo cả. Nếu như quan niệm đúng như vậy thì mới giải quyết mọi vấn đề xã hội một cách đúng đắn, đúng mực. Luật pháp chặt chẽ nhưng tồn tại trong sự bao dung của tinh thần Thiên Chúa từ xưa để lại nhưng họ vẫn tách biệt giữa Nhà nước và Nhà thờ không đồng nhất một lối nhìn nhận sự sống. 

Ở ông Trọng có sự tuyệt đối hóa lý tưởng mà hiện tượng tuyệt đối hóa này trong Phân tâm học Freud gọi nó là một trong những ‘kỹ thuật’ của phân xẻ (tâm hồn) nên không thể tương đối hóa hay hiện thực hóa được. Ông cho công an tha hồ hoành hành, cho bắt tất cả những người có trình độ nhưng phản biện lại những cái xấu của chế độ vì chỉ căn cứ chính và từ ngữ và tuyệt đối hóa lý tưởng mù quáng, ảo tưởng mà ông nhầm lẫn tai hại rằng nói tốt sẽ thành ra tốt, ngược lại nói xấu nó sẽ là xấu. 

Bởi vậy công an như bộ máy (aparatchich) đàn áp dưới thời Nga Sowjet vẫn tồn tại tiếp tục ở VN để giữ chế độ cho những người có cái mác là CS nhưng đã biến thành tư bản với những công ty sân sau ăn sung mặc sướng, còn người dân thì vẫn khổ sở kể cả những nhân viên cấp thấp của chế độ nhiều người lương không đủ sống hay nhà ở chật chội 4 người chỉ có 10 mét vuông kể cả phần vệ sinh. 

Những điều hiển nhiên rõ ràng và phi lý như vậy mà ông Trọng bao năm vẫn không nhìn ra, không hiểu ông muốn giữ thể chế này vì những giá trị gì ? 

Ở Phương Tây luôn tồn tại song song cả người nắm quyền và người đối lập mà những người này luôn phản biện lại người nắm quyền một cách gay gắt thậm chí có những chính sách họ gọi bằng từ ‘cướp đoạt’ vì nó cắt bớt tiền của nhóm người này, người kia. Nhưng việc của ai nấy làm, người dân tự phán xét mọi điều theo lương tâm và giác độ nhìn sự sống của riêng họ mà đến kì bầu cử họ có thể bầu cho người đang nắm quyền hay đối lập. 

Chính vì vậy mà người nắm quyền phải làm tốt mới tiếp tục ở lại, cho nên những thể chế như vậy có khả năng tự sửa chữa khuyết tật, hướng thiện và tự hoàn thiện. Một ví dụ ta có thể thấy rõ ràng ở đây có liên quan đến VN ngày trước. Khi cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower đang nắm quyền ông đã có một suy luận quá xa, rằng nếu toàn bộ VN là CS thì cả Đông Nam Á, rồi cả Châu Á lẫn cả thế giới sẽ thành CS theo hiệu ứng Domino lần lượt tất cả cùng đổ theo nhau. Vì vậy ông đã mắc sai lầm là can thiệp để ngăn cản điều này như một làn sóng đang lan rộng ra. 

Đến các đời TTh Mỹ sau lại càng can thiệp sâu hơn vào VN bằng quân sự dẫn đến phong trào biểu tình phản kháng chiến tranh lan rộng trong nước Mỹ lẫn cả trên thế giới mà đỉnh cao là năm 1967. Cùng với cuộc tổng tấn công tết Mậu thân 1968 của phía CS, tuy rằng phía họ không thua nhưng tự nhiên lương tâm trong lòng TTh Lynden Johnson trỗi dậy. Ông ta quyết định không dấn sâu vào cuộc chiến nữa, ngừng ném bom miền Bắc và không ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo như một sự tự sửa chữa khuyết điểm của người tiền nhiệm.

 Điều đó cho thấy trong thể chế đa nguyên do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập mà có thể tự sửa chữa được những khuyết tật của nó mà không đi đến cực đoan như các thể chế đơn nguyên.

(Còn tiếp)